Kẻ chiếm dụng thời gian của thượng đế
Đặng Văn Sinh
Cập nhật: 07:18:35 13/07/2009

Kẻ chiếm dụng
thời gian của thượng đế

Đặng Văn Sinh

Thời nhà Hạ, ở vùng thượng lưu sông Hàn có một nước tên là Kỳ Văn. Kỳ Văn là tiểu quốc chưa đầy chục vạn dân nhưng lắm bậc hiền tài. Một trong những người như thế là pháp sư Vệ Tử. Ông trước đã từng tu trong núi Chung Nam ba mươi năm liền không ra đến ngoài. Sau khi đắc đạo, Vệ Tử hành cước đến phương Nam, dựng chiếc am nhỏ trên núi Bạch Điểu, học trò tìm về thụ giáo có đến hàng nghìn. Thuở ấy, cai  trị vương quốc là một ông vua ngu tối, không những ham mê tửu sắc, sủng ái bọn nịnh thần mà còn hay gây chiến tranh với các nước láng giềng để mở rộng bờ cõi. Thượng đế và các thần trên trời đều biết cả nhưng do hàng tháng, vào những ngày sóc vọng, nhà vua đều làm lễ hiến tế những sơn hào hải vị cùng đồ châu báu, gấm vóc quý giá nên các vị không nỡ xuống tay trừng phạt.

Chính sách thuế khoá và pháp luật của quốc vương Kỳ Văn rất hà khắc. Các cuộc chinh phạt diễn ra liên miên làm cho cuộc sống lương dân vô cùng khốn đốn. Khắp nơi, đâu đâu cũng thấy cảnh những đám người ăn xin thất thểu như bóng ma vật vờ trên đường quan. Ở gần kinh đô, cách cổng thành chưa đầy năm dặm mà thôn xóm tiêu điều, ruộng đồng xơ xác. Lòng oán hận của trăm họ đối với triều đình đã chất cao tày núi. Một hôm có người đàn bà dáng vẻ tiều tụy đến trước am khóc mà nói với Vệ Tử rằng :

- Thưa pháp sư, pháp sư là bậc chí nhân, đạo của ngài có thể cảm hoá được quỷ thần, vậy ngài hãy xin với nhà vua cho chồng thiếp sống thêm mấy giờ để anh ấy vĩnh biệt mẹ già trước khi bị hành quyết.

Người đàn bà quê ở Nam Khẩu, chồng là một nông phu. Anh ta có mẹ già ốm nặng sắp chết nên đánh liều trốn lính về chăm sóc cho tròn đạo hiếu. Lính cấm vệ biết, đến bắt giam vào ngục đá. Chỉ nội trong ngày hôm ấy là bị xử trảm. Nghe chuyện, vị pháp sư không đành lòng. Ông vội vã cùng hai học trò vào Kinh ra mắt quốc vương những mong cứu được mạng sống chàng chiến binh. Nhưng cuộc hạ sơn của Vệ Tử thực uổng. Gã bạo chúa không những không tiếp mà còn sai thị vệ nói với ông những lời xúc phạm:

- Ông cứ về núi mà tu, đừng chõ mũi vào việc đại sự quốc gia nếu không muốn rơi đầu.

Vị pháp sư nén giận trở về và thề từ nay không bao giờ bước chân đến Kinh thành khi tên vua tàn bạo kia còn ngồi trên ngai vàng.

Trở về, pháp sư đóng cửa am ngồi nhập định suy nghĩ về lẽ biến dịch của trời đất. Cái chết oan ức của người lính đào nhiệm do quốc vương Kỳ Văn gây ra làm ông nhiều đêm không ngủ được. Giá như có cách nào kéo dài thời khắc ra hoặc rút ngắn nó lại, thì dù không cứu được tính mạng anh ta, chí ít cũng làm cho bà mẹ già khốn khổ kia khỏi chết hai lần. Phải, cả đạotrí của ông giờ đây đã đạt đến mức huyền diệu, tai sao lại không dùng trí để làm một cái gì đó có ích cho sinh dân ?

Việc đầu tiên pháp sư nghĩ đến là tích luỹ thời gian. Nhưng muốn tích luỹ cần phải có thời gian dư thừa. Khoản ấy lấy ở đâu ra ? Vào một đêm tháng chạp, pháp sư ngồi xếp bằng trên đỉnh núi ngắm bầu trời sao. Tầm cuối giờ Tý, đang trầm ngâm nghe vũ trụ xoay vần, Vệ Tử chợt rùng mình khi thấy vệt sao băng chói mắt chạy dài từ chòm Mục Phu đến sát chân trời kẻ thành một đường cong mảnh như lưỡi kiếm bạc. Ấy là lúc ông đã lờ mờ tìm thấy giải pháp cứu rỗi của mình. Pháp sư thận trọng lần từng bậc đá xuống am, châm ngọn đèn dầu sở rồi lấy cuốn niên lịch ra xem. Cái lạnh từ ngoài ùa vào làm luồng ánh sáng gầy guộc run rẩy. Ngón tay Vệ Tử chậm rãi lật giở từng trang. Đây rồi, một ngày đêm chia làm mười hai giờ. Sáu giờ thuộc về ngày. Sáu giờ thuộc về đêm. Mỗi giờ có một vị thần trông coi. Hết một giờ, vị thần tiếp theo đến thay. Vòng tuần hoàn thời gian cứ xoay vần như vậy đến vô cùng vô tận. Lại nữa, mỗi khi bàn giao thời khắc, các vị thần đều có sổ sách ghi chép cẩn thận. Vị nào làm sai, dù chỉ một phần mười khắc cũng bị khển trách ngay. Cho nên tìm cách bớt xén thời gian của các vị linh thần vô cùng mẫn cán này là không thể được. Chỉ còn hai giờ Mão và Dậu. Đây là hai giờ quan trọng vì nó chứa thời điểm bắt đầu của một ngày (bình minh) và bắt đầu của một đêm (hoàng hôn) do Thượng Đế trực tiếp cai quản về danh nghĩa. Nhưng vì là chúa tể muôn loài nên ngài rất bận. Ngoài việc triều hội liên miên hết ngày này sang ngày khác, đấng Sáng Tạo còn phải giành thời gian thích đáng đến hậu cung chăm sóc hàng trăm ái phi, vì thế, đôi lúc ngài phải giao công việc này cho hai vị thần trong cung Thượng Lâu. Hai vị này vốn là tiểu đồng hầu hạ Thượng Đế từ cả ngàn năm trước, học vấn tầm thường, tư cách kém nhưng tuyệt đối trung thành. Biết vậy, pháp sư liền vận lục trí thần thông dùng phép định vị từ xa để xem hai vị thần Mão, Dậu tận tụy với công vụ đến mức nào. Hoá ra, ngay các tiên ông đã đạt đến bậc thượng thừa như vậy cũng là những kẻ nát rượu và ham mê nữ sắc. Việc điều hành thời khắc chỉ là hình thức. Chẳng mấy khi hai ngài để ý đến sổ sách, thậm chí có lúc còn nhờ thần Dần, thần Thìn hoặc thần Thân, thần Tuất trông giúp để đi đánh chén. Vả lại, trong thâm tâm các vị luôn nghĩ, cai quản thời gian cũng như gác đêm, có thể xảy ra trường hợp người gác ít, người phải gác nhiều chứ tuyệt nhiên không thể có chuyện mất cắp. Vì thế, vào hai giờ này, ít khi có người canh giữ. Pháp sư cho rằng, đây là điều kiện thuận lợi nhất để ông thực hiện kế hoạch.

Từ đó, ngày ngày, cứ vào lúc bình minh và hoàng hôn, mỗi buổi ông lấy đi một khắc. Vào những thời điểm này, không một ai, dù là kể ăn mày dưới trần gian cũng như các thượng thần trên thiên đình mảy may nghi ngờ độ dài ngắn của thời gian chuyển tiếp giữa ngày và đêm hoặc đêm sang ngày. Ai cũng nghĩ, thời gian đồng nghĩa với đấng Tối Cao. Mọi thứ đã hoàn thiện và an bài đến mức tuyệt vời, nghĩ đến chuyện ăn trộm thời gian hoạ chăng chỉ có những kẻ điên.

Hết ngày này đến ngày khác, số thời khắc bớt xén được tăng dần. Vị pháp sư đựng nó trong chiếc đẫy bằng da cá sấu, phía ngoài có các vạch chia làm nhiều khoảng. Chỉ vài năm, Vệ Tử đã có đủ số thời gian dự trữ để nếu có ai cầu xin sẽ sẵn sàng cứu giúp. Một hôm pháp sư đi vân du ở vùng núi Bắc Dương, giữa đường thấy một thiếu nữ trạc đôi mươi quỳ xuống trước mặt thưa :

- Con mới về nhà chồng chưa tròn tuần trăng, ngày mai chồng con phải đi trấn ải lưu đồn. Từ đây đến biên thuỳ đường xa muôn dặm, có đi mà chẳng hẹn ngày về. Cúi mong pháp sư rủ lòng thương làm cho ngày hôm nay dài ra để chúng con có thêm một chút thời gian ở bên nhau trước lúc chia ly.

Cám cảnh cô thôn nữ mới lấy chồng, vị pháp sư gật đầu. Ông lặng lẽ mở túi da cá sấu. Quả nhiên ngày hôm ấy dài gấp ba ngày khác. Cặp vợ chồng kia sum vầy bên nhau tưởng chừng không hạnh phúc nào bằng. Nhưng rồi dù ngày có dài đến mấy thời khắc cũng cạn dần, cặp uyên ương kia đành lòng nhấp chén quan hà.

Vệ Tử đang ngậm ngùi cho cảnh biệt ly của vợ chồng nhà nọ thì một bà già lại xin được bái kiến. Nhìn bà già tiều tuỵ, ăn mặc rách rưới, pháp sư hỏi :

- Bà đến tìm ta có việc gì ?

Bà già kể, giọng phều phào như sắp hết hơi :

- Thưa  pháp sư, nhà con nghèo không tấc đất cắm dùi. Con đang ốm mà không có cái gì ăn. Con trai con, cực chẳng đã, phải đi tuốt trộm ít thóc trong ruộng của làng. Lính canh bắt được, quan trên khép vào tội chết.

- Vậy à ? - Pháp sư chau mày nhìn đám mây lãng đãng lưng chừng ngọn Vu Sơn hỏi mà như là  không hỏi.

- Vào giờ Ngọ ba khắc ngày mai nó sẽ bị xử trảm.

- Bây giờ ta có thể giúp gì cho bà được ?

- Lấy trộm vài hạt thóc để cứu sống mẹ đâu đến nỗi phải tội chết. - Bà già than thở - Nhưng mà nhà vua hoang dâm vô độ, trong có mấy năm đã tiêu hết số bạc trong ngân khố nên ông ta rất cần đến thóc. Con cắn rơm cắn cỏ lạy pháp sư. Ngài hãy làm phép cho lâu đến giờ Ngọ để bạn bè của nó tìm cách cứu.

- Nghĩa là bà định cướp pháp trường ?

- Dạ, cũng chẳng còn cách nào khác. - Bà già gạt nước mắt nói - Vạn nhất không thành cũng đỡ ân hận.

- Thế cũng được. Bà cứ về, ta sẽ thử xem. - Pháp sư gật đầu bảo - Còn nếu trời bắt phải chết ta sẽ chọn cho một giờ thiêng để sau khi thọ nạn, con bà được thành nhân thần cai quản một vùng.

Thật may, hôm ấy Vệ Tử kéo giờ Tỵ dài ra gấp bốn giờ thường, vì thế đám bạn bè của chàng trai ở vùng thượng đạo phi ngựa đến kịp. Họ nhất tề rút gươm xông vào pháp trường chém chết bọn đao phủ, sau đó bí mật đưa hai mẹ con lên núi Bạch Điểu. Cảm cái ơn ấy chàng trai xin làm đệ tử của pháp sư.

Ngày tháng qua đi, cái túi da cá sấu của pháp sư hết vơi rồi lại đầy. Bởi cứ mỗi khi giúp được ai, xong việc, Vệ Tử lại không quên bổ sung quỹ thời gian của mình. Hai vị thần Mão Dậu cứ say tít cung mây. Còn Thượng Đế, lúc thì ngự toạ tại điện Linh Tiêu cùng Thái Thượng Lão Quân bàn về phép luyện linh đan, lúc lại say sưa thưởng thức điệu Nghê Thường của bầy tiên nữ chân dài, eo thon, mông nở ở vườn thượng uyển, nào có để ý đến sự vận hành hơi bất bình thường của ngày tháng dưới hạ giới.

Điều bất bình thường thứ nhất là năm ấy, tết đến sớm so với thời tiết mười ngày. Các vị thần cho rằng niên lịch tính sai nhưng Toà Tư Thiên Giám khẳng định là đã tính đúng lịch pháp mà hàng vạn năm nay Thiên Đình vẫn làm. Chỉ còn cách duy nhất là xác định điểm giao hội giữa hai vì sao Thiên Long, Thiên Phù và tầng trời thứ bảy của Thiên Đình. Hôm sau, Thương Đế ra lệnh cho các thần trong Toà Tư Thiên Giám dùng kính thiên văn kiểm tra. Điều làm cho cả quần tiên sửng sốt là điểm giao hội sẽ xẩy ra đúng vào giao thừa năm tới. Điều đó chứng tỏ niên lịch không sai. Năm ấy, các thần ăn tết mất vui vì vị nào cũng lo một ngày nào đó sẽ có tai họa giáng xuống.

Cuối cùng thì nước Kỳ Văn vỡ nợ. Quốc khố rỗng không, Nhà vua chẳng còn lễ vật hiến tế Thiên Đình như trước nữa làm các thần nhất tề nổi giận. Thần Mão, thần Dậu  xưa nay vốn quen hưởng lễ vật của hạ giới, nay nhìn bàn thờ hương lạnh khói tàn, vô cùng ấm ức, bèn khẩn cáo với Thượng Đế. Chẳng hiểu hai vị "mật tấu" ra sao, chỉ biết khi rõ sự tình, Thượng Đế quyết định giáng xuống vương quốc nhỏ bé này một trận Đại Hồng Thủy để trừng phạt tội bất kính. Thời hạn ấn định giáng hoạ phê trong ngự chiếu là ngày thứ năm (tức là ngày Canh Thìn) kể từ buổi triều hội đầu tháng Giáp Tuất. Các thần Sấm, Sét, Mây, Gió, Mưa, Ngập Lụt đã được ban lệnh chỉ. Đến giờ ấy các vị cứ theo thứ tự mà làm, không cần phải hỏi lại. Ai chậm trẽ sẽ bị trảm quyết. Tuy nhiên, để nắm ró sự tình, trước khi giáng hoạ, Thượng Đế cùng mười tám chư thần đầu triều trá hình thành dân thường, bí mật xuống trần gian vi hành. Nơi các ngài hạ phóng là kinh đô nước Kỳ Văn. Khắp vương quốc là cảnh xơ xác tiêu điều. Ruộng nương bỏ hoang lâu ngày không cày cấy, cỏ dại mọc tốt như rừng. Dân chết đói đầy đường. Nhà giam chật cứng người vô tội. Tại pháp trường, những gã đao phủ khát máu liên tục hành hình đám tử tội dám cả gan chống lại chính sách cai trị hà khắc của nhà vua. Trong khi ấy, quốc vương vẫn phè phỡn rượu ngon, một tay ôm eo lưng gái đẹp, còn tay kia lạnh lùng phê án tử hình chẳng kể gì đến nỗi thống khổ của muôn dân. Nhìn cảnh ấy, Thượng Đế không kìm được cơn giận bởi bao nhiêu năm nay bị tên bạo chúa lừa bịp, ngài phẫn nộ quát lên :

- Đồ đê tiện ! Thì ra từ lâu nó hối lộ thánh thần để làm hại đồng loại. Bay đâu ! Trảm quyết…

Nhưng lời phán của Thượng Đế là vô hiệu. Vì trong lúc vi hành, cần phải nhẹ nhàng kín đáo, ngài đã ra lệnh cho các thần để bảo bối làm phép lại, mỗi vị chỉ được đem theo hai phép là cưỡi mây và biến thành người phàm trần. Đúng vào lúc ấy có những âm thanh ào ào như bão nổi ngang trời. Các ngài còn đang lúng túng thì bỗng sấm sét nổ đùng đùng rồi mưa sầm sập trút xuống làm vỡ cả ngói lưu ly trên mái điện Kim Long. Nước tràn cả vào trong cung. Chớp giật nhằng nhằng. Trời đất mù mịt những nước. Thì ra đó là sự bắt đầu của trận Đại Hồng Thủy, đáng lẽ xẩy ra vào ngày thứ năm nhưng vì thời gian đã bị pháp sư "chiếm đoạt" nên nó đến sớm hơn  bốn ngày kể từ ngày Canh Thìn. Mưa to, gió lớn, sấm sét đùng đùng, nước dâng lên mỗi lúc một cao làm các vị thần ướt như chuột lột, loay hoay mãi mới thoát ra khỏi hoàng cung. Thượng Đế và các thần dùng hết sức bình sinh vận phép cưỡi mây, nhưng từ trên Nam Thiên Môn, các thần Sấm, Sét, Mây, Mưa, Gió… nhìn thấy một đám người lôi thôi lếch thếch, lóp ngóp ở cửa cung, nghĩ rằng đó là hoàng tộc của quốc vương Kỳ Văn, liền luôn miệng thổi gió, luôn tay phóng sét để trừng phạt. Các vị thần tối tăm mặt mũi. Vị thì bị lưỡi tầm sét của Thiên Lôi bổ toác đầu, vị bị lửa cháy quần áo, da thịt khét lẹt, vị bị sặc nước kêu khóc vang trời hệt như lũ dân đen dưới hạ giới.

Sau ba ngày ba đêm, cơn Hồng Thuỷ đã đạt đến đỉnh điểm. Lúc này dường như vũ trụ quay trở lại thuở hồng hoang. Trời đất biến thành một khối hỗn độn. Quỷ Vương dẫn đám tiểu ma đầu Si, Mỵ, Võng, Lượng nhảy múa trong thứ ánh sáng âm u của địa ngục với niềm khoái lạc độc ác. Và cũng chỉ đến lúc ấy, các thần ở Nam Thiên Môn mới nhận ra Thượng Đế cùng mười tám chư thần dập dềnh trên mặt nước đục ngầu như những thây ma chết trôi. Quần tiên vội vớt các vị đưa và điện Y Lâu cho các ngự y chữa thuốc. Dù là đã tu luyện lâu năm, pháp thuật cao cường, cũng phải mười tám ngày sau sức khoẻ của các thiên thần mới hồi phục. Buổi triều hội đầu tiên, Thượng Đế cho đòi thần Gió, thần Mây, thần Mưa, thần Sấm Sét đến trị tội. Các thần  phủ phục trước đan trì rập đầu kêu oan bởi họ đã làm phận sự theo đúng ngự chỉ của Thiên Đình. Toà Tư Thiên Giám cũng đến làm chứng cho sự vô can của các vị thần chức năng kia. Cuộc triều hội kéo dài mấy ngày liền. Các thần đỏ mặt tía tai tranh cãi xuýt nữa thì xẩy ra ẩu đả. Cuối cùng một vị trong Toà Tư Thiên Giám dè dặt bẩm :

- Theo ngu ý của thần, dưới trần gian, nếu không phải là Quỷ Vương ắt phải có kẻ cơ trí thông hiểu lẽ huyền diệu của Tạo Hoá, đoạt được thiên địa, đã ăn cắp quỹ thời gian vũ trụ. Vì thế, mấy năm nay tết Nguyên Đán đều đến sớm và các mùa cũng đi nhanh hơn thường lệ. Đặc  biệt, trận Đại Hồng Thủy dự kiến vào ngày Canh Thìn mà bỗng nhiên lại xẩy ra vào ngày Bính Tý. Như vậy tất là kẻ đó muốn tranh quyền điều hành Tạo Hoá với Thượng Đế chí tôn. Thần nghĩ, ta phải tìm bằng được và trị tội kẻ phản nghịch đó.

Thượng Đế chau mày nhìn suốt lượt hai ban văn võ. Mũi của ngài vẫn còn tắc vì bị sặc nước bẩn nên giọng phát ra không được chuẩn mà cứ khụt khịt chẳng khác gì cóc ngậm thuốc lào :

- Truyền… Cự Linh thần tướng mang mười vạn thiên binh xuống hạ giới tróc nã tên phản nghịch !

Trong khi ấy thì ngoại trừ nhà vua và hoàng tộc chết thảm hại trong cung còn phần lớn dân lành nước Kỳ Văn được cứu thoát do tài tiên tri của vị pháp sư.  Biết Thượng Đế thế nào cũng giáng hoạ vào ngày Canh Thìn nhưng vì thời gian đã bị "lấy cắp" nên ông dự đoán thiên tai sẽ xẩy ra vào ngày Bính Tý. Thế là pháp sư cho cả ngàn đồ đệ đi báo cho dân chúng lên Bạch Điểu Sơn tránh nạn. Bạch Điểu là ngọn núi cao ngang với Nam Thiên Môn. Dân chúng leo lên đông nghịt giống đám kiến đen đang nháo nhác vì mất tổ.

Cuối cùng thì Thượng Đế cũng biết kẻ đã gây cho ngài một vố hoảng hồn là ai, nhưng lúc ấy Vệ Tử đã quá già và đang lâm trọng bệnh. Nhà tiên tri "hoá" trong lúc ngồi nhập định trên đỉnh Bạch Điểu Sơn.

Quốc vương mới của nước Kỳ Văn là một người hiền. Nhớ công lao cứu thoát cả một dân tộc khỏi nạn Hồng Thủy, nhà vua  tổ chức đám tang cho pháp sư theo nghi lễ của bậc vương hầu. Thi hài của ông được hoả táng trên dàn lửa bảy tầng gỗ hoàng đàn rắc trầm hương rồi mang bình tro đi rải khắp vương quốc. Thứ tro ấy rải đến đâu thời tiết thuận hoà, mùa màng tươi tốt đến đấy. Riêng đôi mắt, dân chúng xin giữ lại. Họ bảo nhau tạc bức tượng khổng lồ mang hình pháp sư trên ngọn Bạch Điểu Sơn rồi đặt hai con mắt của ông vào tròng mắt pho tượng. Đêm đêm, cặp mắt pho tượng lấp lánh như sao tưởng có thể trông xa muôn dặm, nhìn thấu bốn cõi. Được Cự Linh thần bẩm báo, Thượng Đế tức sùi bọt mép, lập tức giáng chỉ sai Thiên Lôi phá vỡ pho tượng. Nhưng thật trớ trêu, pháp lực của vị thần nóng tính này tỏ ra vô hiệu. Những tia lửa ngàn vạn độ xanh lét kèm theo tiếng nổ kinh thiên động địa đánh vào pho tượng chỉ làm bật ra ánh hào quang rực rỡ như bảy sắc cầu vồng. Chỉ riêng túi da cá sấu, sau khi pháp sư về cõi vĩnh hằng là không còn hiệu nghiệm nữa. Số thời gian bị pháp sư "chiếm dụng" đã lại hoà vào mạng thời gian đúng vào buổi bình minh và hoàng hôn.

Từ đấy vũ trụ lại hài hoà. Mười hai giờ của một ngày lại tuần tự nối tiếp nhau. Chỉ có điều nước Kỳ Văn bỏ tục hiến tế Thiên Đình. Trong mỗi nhà đều có hai bàn thờ, một thờ vị pháp sư và một thờ tổ tiên.

PSN

 
 
   
 
  
Tìm kiếm

 
  
Tìm trên:     hoangphap.info web khác
Visitor Number: 
Hôm nay