Sự tỉnh thức không phân biệt tôn giáo
Mọi tôn giáo mà tôi biết đều có đề cập đến việc tỉnh thức dậy để thấy được chân lý. Mọi con đường mà tôi biết đều hứa hẹn sự kinh nghiệm trực tiếp được chân lý sẽ khai phóng chúng ta, đem lại cho ta hạnh phúc, và thúc đẩy ta có những hành động từ bi đối với cuộc đời. Biết được chân lý sẽ đem lại hạnh phúc.
Tu tập chánh niệm (mindfulness) và tâm từ (metta) không phải là những thử thách có tính cách tôn giáo. Vì vậy mà chúng có thể là những phương tiện tu tập cho thiền sinh trong mọi truyền thống. Có ý thức, sáng suốt, từ ái, rộng lượng, và hiểu biết – những điều ấy đều phải có trên con đường tu tập của tất cả mọi người.
Trong khóa tu thiền đầu tiên mà tôi tham dự, tôi chỉ là phần tử của một đám đông, có lẽ lên đến trăm người, thực tập thiền quán rất nghiêm túc tại một tu viện ở Barre, Massachusetts. Khóa tu được diễn ra trong thinh lặng, cho nên trừ sự khác biệt về y phục ra, ta không thể biết được ai là ai cả.
Ngày qua ngày, chúng tôi cùng sống chung và tu tập với nhau trong thinh lặng. Tôi thấy có những vị sư nguyên thủy trong chiếc áo cà sa màu cam, những vị theo truyền thống Zen có y phục riêng của họ, và các vị tăng ni Tây Tạng. Có những bà quấn những chiếc áo sa-ri màu hồng, mà tôi đoán có lẽ họ theo Ấn Độ giáo. Có vài người mặc y phục màu đỏ và đeo tràng hạt, họ là đồ đệ của một vị đạo sư Hindu nào đó. Một người đàn ông bận áo tu sĩ của dòng Franciscan. Tôi thường thích đi ngang cạnh ông, vì sợi chuỗi mân côi dài và chiếc thánh giá đeo ngang hông chạm nhau tạo thành một âm thanh dễ chịu theo mỗi bước đi của ông.
Buổi tối thứ sáu, tôi bước vào phòng ăn và thấy có người nào đó thắp hai ngọn nến trên một chiếc bàn nhỏ, đặt trong góc phòng, giữa một nơi công cộng của mọi người. Cạnh hai ngọn nến là một tấm bảng ghi: “Đây là ngọn nến của ngày Sabbath. Xin vui lòng đừng thổi tắt. Chúng sẽ tự cháy hết, và tôi sẽ thu dọn vào ngày mai sau khi mặt trời lặn.”
Tôi nhìn chung quanh và tự nghĩ: “Tất cả chúng ta đều có mặt nơi đây! Thực phẩm chay của chúng ta không có một sự phân cách tôn giáo nào, nên mọi người ai cũng có thể ở đây được. Chúng ta cùng có một lễ nghi chung là sự thinh lặng, nên mọi người đều có thể ở đây được. Mỗi người chúng ta, cho dù đang sống trong một truyền thống tôn giáo nào, cũng đều đang cố gắng để tỉnh thức dậy. Tu tập chánh niệm, chúng ta cùng có thể thực tập chung với nhau.”
Bản đồ được vẽ ra trong quyển sách này chắc chắn là một bản đồ của Phật giáo. Nhưng chúng rất rõ ràng, cụ thể và không hề bị hạn hẹp bởi giáo điều. Chân lý là chân lý! Tâm ý dính mắc và khổ đau ở nơi đâu cũng vậy, và lòng mong cầu hạnh phúc, chấm dứt khổ đau là phổ biến với tất cả mọi người.
Nguyễn Duy Nhiên dịch |