Tháp đá Báo Thiên,
chùa Bút Tháp
Tháp Phổ Minh,
chùa Phổ Minh, Nam Định
Trụ biểu chùa Thiên Mụ,
bình minh trong sương mù
  
 
   
 
 
Giáo dục lòng từ bi
Thanissaro Bhikkhu
Cập nhật: 15:57:36 16/06/2009

Giáo Dục Lòng Từ Bi

 Thanissaro Bhikkhu

Nếu thân nhân hay bạn mình đang bị bệnh hay sắp lâm chung, chắc không ai lại đi khuyên mình đối xử với họ một cách sắt đá vô tình. Ai cũng đồng ý là mình cần tử tế, từ bi - càng nhiều càng tốt. Vấn đề là: chúng ta không mấy đồng ý với nhau phải thể hiện lòng từ bi ấy ra thành hành động cụ thể như thế nào. Với một số người, từ bi nghĩa là kéo dài sự sống thêm càng lâu càng tốt; với một số người khác, từ bi nghĩa là kết liễu sự sống – qua việc giúp tự tử hay làm chết không đau đớn – khi phẩm chất sự sống sa sút, không còn giữ được một mực tối thiểu nào đó. Không một nhóm nào trong hai nhóm thấy nhóm bên kia là từ bi cả. Nhóm thứ nhất coi nhóm thứ hai là tội phạm; nhóm thứ hai coi nhóm thứ nhất là tàn nhẫn, không có trái tim.

Và với những người trong chúng ta muốn tìm một chỗ trung dung giữa hai thái cực này thì không có được bao nhiêu chỉ dẫn rõ ràng đích xác. Văn hoá chúng ta không thích nghĩ về bệnh tật và cái chết, do vậy, khi đối diện với người ốm đau hay sắp chết, chúng ta ngơ ngác chẳng biết phải làm gì. Một số người sẽ khuyên ta hãy đơn giản làm những gì mình cảm thấy là đúng, là phải, nhưng cảm tính luôn có những đường lối quanh co lắt léo. Có những cái mình cảm thấy là đúng, là phải chẳng qua chỉ vì chúng làm cho mình dễ chịu, bất kể chúng có thật sự là đúng, là phải đối với người kia hay không. Ước muốn kéo dài sự sống (của người kia) có thể là gương mặt trá hình của nỗi sợ chết sâu xa nơi chính bản thân mình; và ước muốn kết thúc tình trạng đau ốm khổ sở (của người bệnh) có thể là lý lẽ viện giải của ước muốn kết thúc nỗi khổ của mình khi chứng kiến khổ đau. Kể cả khi mình được khuyên hãy hành động từ chỗ tùy duyên ứng phó, mình cũng có thể nhận thấy được rằng: cái có vẻ như là cảm hứng tức thời của mình thật ra cũng bị điều kiện hoá bởi những giả định ngấm ngầm, không được kiểm chứng về sự sống và cái chết.

Đó là vì sao chỉ khuyên người ta hãy từ bi hay chánh niệm khi túc trực bên người ốm đau hay hấp hối thôi thì không đủ. Chúng ta cần được giúp trong việc giáo dục từ bi nơi bản thân mình: những lời khuyên cụ thể về nên suy nghĩ như thế nào khi đưa các tư duy ấy vào hành động khi đứng trước lằn ranh sống chết, và các vị dụ điển hình về những người đã quán chiếu các vấn đề này một cách thấu suốt đã hành động như thế nào trong quá khứ.

Với suy nghĩ ấy, tôi đã tìm khắp tạng Kinh Pali – văn bản cổ nhất hiện có về những lời dạy của Đức Phật - để xem có thể rút ra được những bài học nào từ gương của Đức Phật. Nói cho cùng, Đức Phật thường ví mình như một lương y, và giáo Pháp của Ngài như phương thuốc trị lành đau khổ của thế gian. Từ chỗ đứng của Ngài, chúng ta đều bệnh hay đang hấp hối ở một mức độ vi tế nào đó, và vì vậy, chúng ta đều đáng được liên tục tưới cho những giọt nước từ bi. Nhưng vị lương y này đã đưa ra những lời khuyên gì khi máu mủ ruột rà của Ngài lâm chung hay bị bệnh? Ngài đã đối xử với những người ốm đau, hấp hối như thế nào?

Có lẽ chúng ta đều đã biết câu chuyện Đức Phật có lần cùng với Tôn-giả Ananda bắt gặp một tì khưu ốm đau không người chăm sóc, phải nằm giữa mớ phân và nước tiểu của mình. Sau khi tắm rửa cho vị tì khưu đó rồi, Ngài triệu tập các tì khưu khác lại, quở trách họ đã bỏ bê huynh đệ của mình, và khuyến khích họ hãy theo gương Ngài: “Ai có lòng chăm sóc Như Lai thì nên chăm sóc cho người bệnh.” Ngài chế luật để những vị tì khưu chăm sóc các bạn đồng tu bị bệnh được nhận phần thực phẩm chia lại (mà không phải đi khất thực) để khích lệ họ trong công việc, đồng thời làm nhẹ bớt gánh nặng cho họ. Nhưng Ngài chưa từng tán thành ý kiến cho rằng y liệu bằng mọi giá phải cố làm sao để kéo dài sự sống. Giới luật dành cho các đệ tử xuất gia của Ngài chỉ chế một tội nhẹ cho vị tì khưu từ chối chăm sóc một vị đồng tu đang bị bệnh hay sắp chết, hoặc cho một vị hoàn toàn bỏ mặc một vị tì khưu bị bệnh trước khi vị này lành hay chết. Không có tội nào cho việc từ chối hay đình chỉ một liệu pháp nào đó. Vậy, giới luật không hề chuyên tải thông điệp rằng không duy trì được mạng sống thì phạm giới. Nhưng đồng thời, một tì khưu cố tình chấm dứt sinh mạng của một người bệnh – cho dù phát xuất từ lòng từ bi - sẽ bị tẩn xuất (đuổi khỏi hàng ngũ tì khưu), và không còn được cho thọ giới lại trong kiếp này, vậy ở đây không có chỗ cho việc giúp tự tử hay làm cho chết một cách không đau đớn.

Điều này có nghĩa là trung đạo là con đường của lòng từ bi đích thực. Đức Phật đã đưa ra những nguyên tắc chỉ đạo cho lĩnh vực này qua định nghĩa của Ngài về một người chăm bệnh lý tưởng. Một người đầy đủ tư cách để chăm bệnh nếu (1) người ấy biết chuẩn bị thuốc thang; (2) người ấy biết cái gì thuận với việc chữa bệnh để lấy đi những yếu tố nghịch, cung cấp những yếu tố thuận cho việc chữa bệnh; (3) người ấy vì lòng từ bi, không phải vì các món lợi vật chất; (4) người ấy không quản ngại, gớm nhờm việc dọn phân, tiểu, đờm dãi, hay đồ nôn mửa; (5) người ấy có khả năng khích lệ, sách tấn bệnh nhân đúng thời đúng lúc bằng những lời nói Pháp.

Trong năm tiêu chuẩn này, tiêu chuẩn được bàn đến nhiều nhất trong tạng Pali là yếu tố thứ năm. Vậy những lời nói Pháp nào được kể là từ bi và có ích cho người bệnh hay người hấp hối, và những lời nói Pháp nào không được kể?

Ở đây, một lần nữa, những cái không được làm sẽ phân định lĩnh vực cho những cái cần nên làm. Luật tạng (vinaya) dẫn ra những trường hợp trong đó các tì khưu bảo người bệnh tập trung tư tưởng vào việc chết, tin rằng cái chết sẽ tốt hơn là tình trạng phải sống khổ sở lúc ấy. Người bệnh làm theo lời khuyên và chết, Đức Phật tẩn xuất các tì khưu này. Vậy thì, dưới cái nhìn của đức Phật, khuyến khích người bệnh buông tay khỏi sự sống hay từ bỏ ý chí muốn sống không được xem là một hành động từ bi. Thay vì cố gắng giúp cho bệnh nhân đi vào cái chết một cách nhẹ nhàng, Đức Phật chú trọng vào việc nhẹ nhàng hướng giác quán (sự minh sát) của người ấy vào thực tại về khổ và khổ diệt.

Đó là vì Ngài xem mỗi phút giây của sự sống là một cơ hội để hành trì và thừa hưởng lợi ích từ Pháp. Một giây phút có giác quán vào cái khổ hiện tiền thì bội phần ích lợi hơn là nhìn giây phút hiện tại với sự chán bỏ và đặt hy vọng ở tương lai, đó là nguyên tắc mà mọi truyền thống tu tập hành thiền đều biết. Nguyên tắc này áp dụng trong bất cứ thời điểm nào của sự sống, kể cả những giây phút cuối cùng. Trên thực tế, Đức Phật đã khuyến khích các tì khưu thường xuyên quán về tình trạng cái chết có thể xảy ra bất cứ lúc nào - kể cả khi khoẻ mạnh - để họ có thể mang ý thức khẩn trương vào sự tu tập, và đặt hết lòng vào giây phút hiện tại. Nếu ta tập đối xử với mọi giây phút như đó có thể là giờ phút cuối cùng của mình, thì khi giờ phút cuối cùng đó đến, ta sẽ đối diện với nó một cách có chuẩn bị.

Thế nhưng hầu hết những người bệnh hay sắp chết lại chưa từng sống với ý thức khẩn trương đó, vì vậy, bước đầu tiên khi khuyến giáo những người này là nhắm vào việc giải toả các chướng ngại về tình cảm để người ấy có thể học từ pháp hiện tiền (những gì diễn ra trong hiện tại.) Kinh điển Pali có chú thích hai chướng ngại như vậy: lo lắng về những trách nhiệm mình để lại, và lo sợ về cái chết. Trong một bài kinh khá cảm động, một người đàn ông sắp chết được vợ trấn an như sau: Khi không có ông, bà sẽ tự kiếm sống và nuôi con được; bà sẽ không tìm chồng khác; bà sẽ tiếp tục hành trì Pháp. Với mỗi lời nói bảo đảm, bà đều lập lại điệp khúc: “Ông đừng lo lắng lúc lâm chung. Chết mà lo lắng thì khổ lắm. Đức Thế Tôn đã cảnh cáo việc lo lắng trong giờ phút lâm chung.” Người đàn ông bỗng nhiên hồi phục. Trong lúc còn yếu ớt, ông đến thăm Đức Thế Tôn, kể cho Ngài nghe những lời cam đoan của vợ. Đức Phật nói ông thật là có phước có được một người vợ đầy cảm thông và muốn điều lợi ích cho ông như vậy.

Về nỗi sợ chết, Đức Phật nhận xét rằng một trong những lý do chính cho nỗi sợ này là ký ức về những việc độc ác hay gây tổn thương mà mình đã làm trong quá khứ. Vì vậy, ta thấy trong Luật Tạng (Vinaya) các tì khưu thường an ủi người bạn tu đang cận tử bằng cách khuyên vị ấy nhớ lại những cái tích cực hơn – chỗ thiền chứng cao nhất của vị ấy – và tập trung tư tưởng vào đó. Cũng trong mạch đó, ở các nước Phật giáo ở Á châu, người ta thường nhắc lại cho người hấp hối các việc bố thí hay trì giới mà người ấy đã làm trong đời này. Ngay cả nếu người hấp hối không thu nhiếp được năng lực chánh niệm và tỉnh giác cần thiết để đạt tới cái thấy (minh sát, giác quán) sâu hơn vào hiện tại, bất cứ lời nói Pháp nào giúp nguôi dịu những lo lắng và lo sợ phía trước đều là một hành động từ bi đích thực.

Tuy nhiên, Đức Phật giảng rằng có ba nguyên do nữa khiến người ta sợ chết: ràng buộc vào thân, ràng buộc vào dục lạc (thú vui của các căn), và thiếu chánh tri (giác quán/minh sát trực tiếp) vào Pháp Bất Tử không do duyên hợp. Các chỉ dẫn cao hơn của Ngài cho người bệnh và hấp hối do vậy tập trung vào việc đoạn trừ các nguyên do sợ chết này từ gốc rễ. Có lần Ngài đến thăm bệnh xá và khuyên các tì khưu ở đó hãy tiến tới thời khắc lâm chung một cách chánh niệm và tỉnh giác. Thay vì tập trung vào chuyện liệu mình có hồi phục được hay không, họ cần quán sát những biến chuyển của những cảm thọ mà họ đang trải nghiệm: khổ, lạc, hay trung tính. Khi quán sát một khổ thọ chẳng hạn, họ nên để ý cảm thọ ấy vô thường như thế nào, và rồi tập trung vào sự biến hoại liên tục của mọi khổ thọ. Họ cũng có thể áp dụng cùng một sự tỉnh giác (nhạy bén) tập trung vào các cảm thọ lạc và trung tính. Sự đều đặn, bền vững của sức tập trung nơi họ sẽ làm phát khởi cảm giác khinh an không lệ thuộc vào các cảm thọ giác quan, và từ chỗ không lệ thuộc này, họ có thể phát triển yếu tố ly tham và xả ly đối với hình hài và đối với mọi loại cảm thọ. Do xả ly mà có được cái thấy đích thực (chánh trí) thẩm nhập vào Pháp Bất Tử, vì là Bất Tử nên Pháp ấy làm chấm dứt mọi sợ hãi về cái chết.

Vào một dịp khác, Tôn-giả Xá Lợi Phất đi thăm một thí chủ nổi tiếng của Đức Phật, ông Cấp Cô Độc, đang nằm hấp hối. Sau khi biết bệnh tình ông Cấp Cô Độc càng lúc càng tệ, Tôn-giả khuyên ông tập cho mình như sau: “Tôi không bám víu vào mắt; tâm thức tôi không lệ thuộc vào mắt. Tôi không bám víu vào tai; tâm thức tôi không lệ thuộc vào tai,” tiếp tục như vậy cho hết sáu căn, đối tượng của sáu căn, và các hoạt động tâm ý lệ thuộc vào chúng. Mặc dầu ông Cấp Cô Độc chưa đạt tới tâm thức độc lập này theo các lời chỉ dẫn của Tôn-giả Xá Lợi Phất, ông đã xin để những giáo pháp này cũng được chỉ bày cho người cư sĩ, vì sẽ có những người có thể hiểu và được lợi ích từ đó.

Rõ ràng, những lời khuyên này đều nằm trong khuôn khổ những lời dạy của Đức Phật về tâm thái con người ảnh hưởng đến tiến trình chết và tái sinh như thế nào, tuy nhiên, điều này không có nghĩa là các lời khuyên ấy chỉ thích hợp với những người công nhận mình là Phật tử. Bất kể tín ngưỡng của mình là gì, khi đối diện với cái đau rõ ràng cụ thể, chắc chắn mình sẽ thấy được giá trị của những hướng dẫn chỉ cho mình làm sao để giảm bớt thống khổ qua việc quán sát cơn đau trong chính tự thân của nó. Nếu mình có sức theo được những lời chỉ dẫn, chắc chắn mình sẽ muốn thử. Và nếu mình bắt gặp được cái Bất Tử trong khi nỗ lực, mình sẽ không mất công hý luận gọi là Phật-giáo hay không-Phật-giáo.

Điểm này được trình bày qua một câu chuyện khác, liên quan đến Tôn-giả Xá Lợi Phất. Trong khi thăm một vị Bà La Môn lớn tuổi đang hấp hối, Tôn-giả Xá Lợi Phất chiêm nghiệm thấy các Bà La Môn mong muốn được về cộng trú với Phạm Thiên, vì vậy Ngài dạy vị Bà La Môn kia phát huy bốn phong thái của một vị Phạm Thiên, tức là bốn vô lượng tâm: từ, bi, hỷ, xả. Sau khi làm theo những chỉ dẫn này, vị Bà La Môn được tái sinh làm một vị Phạm Thiên sau khi chết. Thế nhưng sau đó Đức Phật lại quở Tôn-giả Xá Lợi Phất đã không dạy vị Bà La Môn tập trung quán vào cái đau, bởi vì nếu được dạy như vậy, vị Bà La Môn đã chứng được Niết Bàn và đã giải thoát khỏi luân hồi.

Điều nổi bật nơi tất cả những lời dạy này là: từ chỗ nhìn của Đức Phật, giáo Pháp dạy cho người hấp hối không khác với giáo Pháp dạy cho người khoẻ mạnh, bình thường. Nguyên nhân của khổ trong mỗi trường hợp đều giống như nhau, và con đường đưa tới chỗ chấm dứt khổ cũng giống nhau: hiểu được khổ, từ bỏ nguyên nhân khổ, nhận ra chỗ dứt khổ, và tu tập phát triển các phẩm chất nơi tâm đưa đến chỗ dứt khổ. Sự khác biệt duy nhất là tình trạng cận tử khiến sự giảng dạy giáo Pháp vừa dễ hơn mà cũng vừa khó hơn - dễ hơn ở chỗ bệnh nhân không còn những trách nhiệm bên ngoài nữa, và có thể thấy rõ nhu yếu muốn hiểu và được giải thoát khỏi khổ; khó hơn ở chỗ bệnh nhân có thể quá yếu ớt về thể chất hay tình cảm – vì sợ hay lo - để hành theo những lời chỉ dẫn. Nhưng dù là trường hợp nào đi nữa, điều đáng ghi nhận là Đức Phật luôn hướng dẫn mình chú trọng đến những cơ hội có thể xảy ra nhiều hơn là những giới hạn của hoàn cảnh, thậm chí ngay ở phút lâm chung. Ngài nói rằng một phút có tuệ quán ngay trong đau khổ đáng giá hơn một trăm năm khoẻ mạnh (mà không có tuệ quán.)

Từ kinh nghiệm bản thân – qua việc quán sát các vị thầy của tôi áp dụng những lời dạy này, và qua việc tự mình áp dụng – tôi học được hai bài học lớn. Bài học thứ nhất là các bệnh nhân thừa hưởng được nhiều nhất từ giáo Pháp khi bệnh hay hấp hối là những người không bị dằn vặt bởi các ký ức về những việc ác độc hay tổn thương mà họ đã làm trong quá khứ, và những người đã tu tập thiền hay một phép trầm tư mặc niệm trước khi bệnh. Cho dù sự thực tập đó không phải là sự tu tập Phật giáo, họ đáp ứng theo trực giác thông điệp của Đức Phật về khổ, và có thể dùng giáo pháp ấy để làm vơi đi những đau khổ của mình. Bài học ở đây là chừng nào mình còn biết rằng một ngày kia mình sẽ chết, thì mình nên tránh những hành động ác và bắt đầu tập hành thiền cho mình để có sự chuẩn bị khi bệnh tật và cái chết xảy đến. Thầy tôi, Ajaan Fuang, có lần nói rằng: khi hành thiền mình đang luyện được cho mình biết cách chết như thế nào – làm sao để giữ được chánh niệm và tỉnh giác, làm sao để chịu được đau, làm sao để làm chủ được các ý nghĩ ương chướng và thận chí chạm được Bất Tử - để đến lúc phải ra đi, mình sẽ ra đi một cách thuần thục, khéo léo.

Bài học thứ hai là nếu muốn giúp người khác vượt thắng nỗi sợ hãi trước cái chết, mình phải học cách vượt qua nỗi sợ chết của chính mình, bằng cách từ bỏ sự ràng buộc vào hình hài, từ bỏ sự ràng buộc vào dục lạc, tránh các việc làm ác, và đạt giác quán/ minh sát trực tiếp (chánh tri) vào cái Bất Tử. Nếu vượt thắng được những nỗi sợ của mình, mình sẽ hướng dẫn giáo Pháp hữu hiệu hơn cho người hấp hối. Mình sẽ không bị lung lay bởi những cảnh ghê sợ của cái chết, mình sẽ có khả năng cảm thông và ứng đối trực tiếp với những nhu cầu của người hấp hối, và lời nói của mình sẽ có trọng lượng hơn vì chúng đến từ kinh nghiệm trực tiếp. Lòng từ bi của mình sẽ được giáo dục không phải bằng sách vở hay cảm giác, mà bằng sự minh sát rõ ràng cái hoại diệt và cái không hoại diệt.

Rốt cùng, hai bài học này rút lại thành một: Hãy hành thiền như một hành động từ bi cho mình và cho kẻ khác, kể cả khi cái chết có vẻ như còn xa lắm. Đến lúc chết, mình sẽ đỡ làm gánh nặng cho những người chăm sóc mình. Đồng thời, nếu được mời đến an ủi những người bệnh hay hấp hối, lòng từ bi của mình sẽ thật sự giúp được nhiều hơn cho người đó, và mình sẽ có một thông điệp hữu hiệu để hướng dẫn cho người đó.

(Educating Compassion, của Tỳ Khưu Thanissaro, Việt dịch: TN. Chân Giải Nghiêm)

 

 
 
   
 
  
Tìm kiếm

 
  
Tìm trên:     hoangphap.info web khác
Visitor Number: 
Hôm nay