Nụ cười
Vĩnh Hảo
Cập nhật: 07:53:15 31/05/2009

NỤ CƯỜI
 
Vĩnh Hảo

Ai mà chẳng muốn cười. Cười là biểu hiện của sự vui vẻ, của niềm hạnh phúc trên đời. Vậy thì phải cười. Nhưng tiếng khóc và nụ cười đâu phải là thứ hành động do mình điều khiển. Hễ mình đau khổ cùng tột hoặc xúc động mạnh, thì nước mắt tuôn. Hễ mình vui sướng tột độ thì cái miệng tự nhiên nhe ra mà cười toe cười toét. Thế thì, “muốn hạnh phúc trên đời thì phải cười,” là một tiền đề lạ lùng, nghịch lý. Đáng lẽ mỗi người tự chăm lo cái hạnh phúc cho mình, cho người khác thì tự dưng mọi người sẽ cười. Đàng này, ông đạo Cười chủ trương ngược lại. Ông cho rằng con người phải cười, thì tự dưng sẽ mang lại niềm vui cho chính họ và cho người khác.

Như thế đấy. Ông chỉ giảng tới giảng lui dăm ba lý thuyết về hạnh phúc và khổ đau, cười và khóc, giặm thêm những câu chuyện về vui và khổ, đặc biệt thích thú kể chuyện tiếu lâm, rồi mở những lớp dạy cười, rồi tung ra xã hội những đạo quân cười. Chủ trương của ông không phải là không hợp lý đâu. Vì nếu nó vô lý, không áp dụng được, thì người ta đã chẳng kéo đến học đạo Cười của ông đến cả ngàn người, tạo nên thanh thế lẫy lừng của ông như là một giáo chủ, một sứ giả của hạnh phúc, một đạo sư lỗi lạc có thể tạo nên thiên đường trần gian ngay trong đời hiện tại.

“Chẳng gì khó hiểu đâu mày ạ. Cứ theo tao tới nghe ông thuyết trình một lần, thậm chí mày chỉ cần nhìn mặt ông, thấy nụ cười của ông, là mày cảm thấy hạnh phúc, nhẹ nhõm, thoải mái ngay lập tức. Rồi từ đó, mày sẽ thấy cuộc đời mày thay đổi, thăng hoa.”

“Thực vậy sao! Nghe mày nói tao cũng ham, muốn đi ngay cho biết. À, ông ta cũng là tu sĩ hả?”

“Xì, tu sĩ gì! Ông ta cũng có vợ con như mọi người thôi. Người ta gọi ông ta là ông đạo Cười chứ thực tình ông ta chỉ muốn là người bạn đường hướng dẫn mình hạnh phúc thôi. Có bữa ông ta còn nói rằng ở đời đâu cần phải làm tu sĩ, và cũng không cần mấy ông bà tu sĩ nữa đó.”

“Thật à! Lý do sao mà ông nói vậy?”

“Thì... ổng nói rằng mấy tôn giáo có mặt trên đời cũng chẳng làm gì khác cái chuyện ôâng ấy đang làm. Nghĩa là làm cho mọi người hạnh phúc, làm cho mọi người cười. Nhưng mày có thấy không, trên thực tế thì những người tu sĩ của các tôn giáo thường tỏ vẻ khắc khổ, nghiêm trang, mặt mày lúc nào cũng đăm đăm khó chịu, khẩn trương, như thể là đang ráo riết truy tìm chân lý vậy! Cho nên tiếp xúc với những tu sĩ khổ hạnh ấy, người ta chỉ thấy trước sự rầu rĩ thôi chứ cười chẳng nổi. Còn gặp ông đạo Cười đó hả, chắc chắn phải cười thôi. Ông ta mang lại nụ cười tức khắc cho những ai ông gặp. Đi theo ông, mình cũng chẳng bị mất mát gì cả. Chẳng cần phải ép mình ăn chay nằm đất, chẳng cần phải tự nguyện sống độc thân suốt đời, chẳng cần phải giữ gìn những giới luật hay điều răn này điều răn nọ cho đời thêm nặng gánh. Chỉ cần cười, cười, cười mà thôi!”

“Ha, cũng hay nhỉ. Vậy chứ khi nào mày đưa tao đi gặp ổng?”

“Chủ nhật tới, được không?”

“Được, hứa chắc nghe.”

Chủ nhật, Trâm lái xe đến nhà Thủy, chở bạn đến chỗ ông đạo Cười.

Trên xe, Trâm kể sơ cho Thủy biết chỗ ở chính của ông đạo Cười là ngôi biệt thự khiêm nhường với bốn phòng ngủ-một cái dành cho vợ chồng ông, ba cái còn lại dành cho ba đứa con, phòng khách rộng, nối với phòng ăn, chứa đến 4 bộ ghế nệm bọc da và một dãy bàn lớn trên hai mươi ghế ngồi dùng để hội họp. Sau lưng ngôi biệt thự, các đệ tử ông đạo góp tiền xây thêm hai dãy nhà có lầu, gồm khoảng 50 phòng, mỗi phòng có thể ngủ qua đêm được 4 người. Hai dãy lầu ấy hoàn toàn dành cho người học đạo phương xa đến nghe giảng có thể ở lại đêm để thực tập hoặc tham dự các khóa thực tập dài hạn. Ngoài hai dãy lầu ấy, người ta còn xây cả một hội trường rộng phía bên hông ngôi biệt thự của gia đình ông đạo, có thể chứa khoảng 600 người. Khu đất bao quanh ngôi biệt thự khá rộng, chiếm trọn ngọn đồi cao, ngày xưa là rừng phong, nay được một vài môn đồ chuyên nghiệp làm vườn của ông đạo phác họa, thiết kế, phá rừng làm thành vườn, trồng cây cảnh và cây kiểng, làm thảm cỏ, lập vườn hoa, tráng nhựa các lối đi bao quanh khu đất..., tạo nên một cảnh trí đẹp đẽ, mát mắt-một khu vườn khang trang, sang trọng được chăm sóc tỉ mỉ của một gia đình thượng lưu giàu có.

Cổng sắt của biệt thự mở sẵn. Trâm lái xe thẳng vào trong. Một vài môn đồ của ông đạo đang rảo bộ trên lối đi tráng nhựa, thấy xe vào thì đưa tay vẫy chào, miệng mỉm cười.

“Cha, khu đất này lý tưởng quá, nhưng mà... cảnh trí có vẻ nhân tạo quá. Không có chút vẻ thiên nhiên nào cả,” Thủy nói với bạn.

“Đó là chủ ý của ông đạo mà. Ông cho rằng con người có thể tự tạo lấy thiên đường của mình, cho nên cảnh trí, nhà ở, vườn tược, cũng phải theo cái cảm quan của mình, chứ không thể để cho thiên nhiên lấn lướt.”

“Chủ ý gì mà lạ vậy! Bộ cảnh nhân tạo kiểu này có thể thay thế được cảnh đẹp thiên nhiên sao? Tao thấy có cái gì gượng gạo nơi khu đất này đó mày ạ. Cả một cái vườn rộng như vậy mà như thiếu cái gì đó. Tốt hơn là nên làm cái rừng hơn là làm cái vườn.”

“Là sao, ý mày muốn nói gì?”

“Làm cái vườn chỗ này thì chỉ mới lập được cái tiếu viên thôi; phải làm thành rừng thì mới gọi được là tiếu lâm.”

“Suỵt, mày lúc nào cũng nói cà rửng, vô tới chỗ người ta rồi mà còn nói đùa. Vậy chứ mày muốn tới đây tìm cái gì đây?”

“Thì tìm niềm vui, tìm nụ cười. Nhưng...”

“Mày sẽ tìm thấy mà, đừng lo.”

“Nhưng mấy cái người kia, xem họ cười kìa...”

“Hê, họ đang thực tập đạo Cười đó mà.”

“Nhưng... cười lạ lắm! Giống như cười theo thói quen.”

“Suỵt, nói nhỏ mậy. Chứ mày muốn ai gặp mày cũng méo miệng, khóc lên à?”

“Chẳng phải vậy. Cười thì tốt hơn chứ. Nhưng những nụ cười này thì cũng giống nụ cười xã giao của dân bản xứ khi gặp nhau thôi chứ gì.”

“Nói tầm bậy. Cười vậy mà cười xã giao à! Người ta cười tươi như vậy, rõ ràng là đã đạt đạo một phần rồi đó. Đó, mày thấy chưa, xem hai ông bà già kia kìa, họ đang ở cấp I đó.”

“Cấp I, là sao mậy?”

“Cấp I là trình độ vừa cười chào người lạ vừa tự nhìn vào lòng mình, xem niềm vui có hiện hữu không.”

“Nếu có thì sao, không thì sao?”

“Có thì làm cho nó tăng lớn lên, không thì làm cho thành có. Nhưng dù có hay không thì cũng đang ở trong cấp I.”

“Sao mày biết họ đang ở cấp I?”

“Dễ thôi, vì mới cười chào mình xong là họ nhắm mắt lim dim đó. Nhắm mắt lại để dò xét tự tâm.”

“Vậy khi tao cười xã giao với họ mà mắt không nhắm lại thì tao đang ở cấp mấy?”

“Mày chưa được cấp nào cả. Mày cũng như bao nhiêu người đứng ở ngoài cửa đạo thôi.”

“Hê, vậy tao làm bộ cười xong rồi nhắm mắt thì mày cũng nghĩ là tao đang ở cấp I hả?”

“Cái đó thì... cũng khó nói lắm. Chỉ người trong chăn mới hiểu được chăn có rận hay không thôi. Mày giả đò thì tự dưng nét mặt mày nó khác với người làm thiệt.”

“Vậy sao! Đạo Cười cũng khó quá há. Tao tưởng chỉ đến đây rồi cười thả giàn, cười lăn lóc, cười hả hê... chứ đâu biết cũng chia cấp này cấp nọ. À, mà mày đang ở cấp mấy vậy?”

“Bí mật, bí mật.”

“Nói đi, đạo Cười chia làm mấy cấp. Đến cỡ ông đạo thì cấp mấy?”

“Khoan, để tao đậu cho xong cái xe đã. Đậu chỗ này chút nữa có muốn rút về sớm đi shopping theo ý mày thì cũng dễ. Okay, hồi nãy mày hỏi gì, à, nhớ rồi, mày hỏi đạo Cười có mấy cấp. Đơn giản thôi. Ông đạo chia đạo Cười làm 3 cấp. Cấp I mày biết rồi. Cấp II là giai đoạn mà tiếu giả đã tự biết rõ...”

“Khoan, tao ngắt lời mày một chút. Tiếu giả là gì vậy?”

“Tiếu là cười, giả là người. Tiếu giả là người cười, là người đang thực hành đạo Cười đó mà.”

“Ô, chứ không phải giả là giả tạo sao?”

“Mày cứ nói tầm bậy không à. Để tao nói tiếp. Ở cấp II, tiếu giả đã tự biết niềm vui bên trong của mình là có thật cho nên nỗ lực đem nụ cười của mình mà ban phát hạnh phúc cho tha nhân.”

“Có nghĩa là gặp ai cũng cười thoải mái, cười mở mắt, không cần nhắm lại một chút như mấy tiếu giả ở cấp I hả?”

“Ở cấp I không phải là tiếu giả mà là tiếu sinh-tức chỉ mới là đạo sinh đang còn thực tập thôi. Còn tiếu giả ở cấp II thì đang hành đạo. Tiếu giả gặp ai cũng cười, cười thoải mái, không cần nhắm mắt lại để tự tra cứu nội tâm nữa. Chính những tiếu giả này là những sứ giả mang lại nụ cười cho khắp thế giới. Nụ cười đối với họ không còn là biểu tượng nữa mà chính là niềm hạnh phúc. Họ cười với ai là ban hạnh phúc đến người đó.”

“Nhưng làm sao để đạt đến cấp II?”

“Phải thực tập cười một thời gian khá dài ở cấp I chứ. Thời gian thực tập, mày có thể tập cười với cây cỏ, đất đá vô tri, rồi tập cười với người lạ, rồi tập cười với người mà mình thù ghét.”

“Cứ mỗi lần thực tập cười một cái là sau đó nhắm mắt lại kiểm điểm tự tâm?”

“Đúng. Vượt qua giai đoạn này rồi, mới bước vào cấp II, làm tiếu giả.”

“Ai sẽ là người chứng nhận trình độ cười của  mình?”

“Thì ông đạo chứ ai.”

“Nhưng mà... nếu bây giờ gặp ai tao cũng cười vì trong lòng tao vui quá, thì ông ta có cho tao lên cấp II không?”

“Cái đó thì khác à. Vì mày chưa từng ở cấp I, chưa từng trải thời gian thực tập cười thì làm sao nhảy lên cấp II được! Ít nhất mày cũng có những giờ thực tập chung, có mặt đầy đủ trong những giờ ông đạo thuyết trình cũng như vào những giờ hội thảo và những đại hội cười, rồi mày mới có được giấy chứng nhận cho mỗi cấp chứ. Hơn nữa, cái niềm vui của mày chỉ là niềm vui nhất thời thôi. Khi mày hết vui thì mày đâu có cười được nữa. Trong khi đó, nụ cười của tiếu giả cấp II là nụ cười thường trực, đầy kinh nghiệm, nhuần nhuyễn, có thể áp dụng ở bất cứ trạng huống nào.”

“Có nghĩa là... cho dù họ đang buồn, giận, khổ đau, mất mát, thua lỗ gì gì đi nữa thì vẫn cười?”

“Đúng, đúng vậy đó. Họ lấy chính nụ cười của họ để giải tỏa những đau khổ hay bất mãn ở nội tâm.”

“Đó là giải tỏa cho chính họ. Vậy chứ thấy người khác đau khổ, mất mát, họ cũng giải tỏa cho người ta bằng cách cười toe toét à?”

“Mày dùng chữ bậy bạ quá, chẳng đúng tí nào. Ai lại cười toe toét! Nụ cười của đạo là nụ cười an lạc, hạnh phúc, thảnh thơi, nhẹ nhàng... chứ ai lại toe toét bao giờ. Nếu người khác đau khổ, họ đến cười thì người đó giảm bớt khổ đau thôi.”

“Thực không đó, hay là chỉ chọc cho họ quạu lên, họ dộng cho một đấm vào miệng! Ha ha ha ha. Sao tao tức cười quá!”

“Đó thấy chưa, vào trong thế giới này là mày có ngay những nụ cười thoải mái!”

“Không phải! Tao tức cười... hức hức,” Thủy ôm bụng, gập người xuống, cười rúc rích một hồi, “là vì cái đạo Cười có cái gì buồn cười quá chứ không phải nhờ bước vào đây mới được hưởng nụ cười!”

“Suỵt, mày không tin thì cũng để người ta tin với chứ. Nói tầm bậy tầm bạ không à. Nếu mày không thích thì tao đưa mày về ngay, khỏi mất công mày cười chế nhạo.”

“Hê, chẳng phải cười kiểu của tao cũng là một loại cười hàm chứa hạnh phúc sao chứ. Mày trong đạo Cười thì mày phải vui khi thấy tao cười chứ, cho dù nụ cười đó là nụ cười chế nhạo ngay chính cái đạo của mày, phải không?”

“Cái đó thì... ở trình độ của ông đạo kia, tức là phải ở cấp III, chứ ở cấp I và II mà thấy mày cười kiểu đó thì họ rượt uýnh mày khóc không kịp nữa chứ đừng có ở đó mà cười!”

“Ê, vậy chứ đạo Cười của mày chỉ dạy ban cho niềm vui thôi chứ không dạy sự nhẫn nhục, chịu đựng sao? Bộ không vừa ý chút xíu là nhăn mặt nổi sân si lên à?”

“... cứ cười và làm cho niềm vui tự tâm phát triển thật mạnh, thật sâu, thật cao, rồi tự dưng ba cái chuyện lẻ tẻ như buồn, giận, cau có, bẵng gắt, nóng nảy... sẽ biến mất ngay.”

“Nói thấy dễ quá nhưng thực tế chẳng biết có được vậy không.”

“Tao không muốn nhiều lời. Mày cứ gặp ông đạo xong cái đã, rồi sau đó tự dưng mày sẽ có quyết định thích đáng.”

“Khoan vào đã, tao thấy nhiều người còn đứng bên ngoài kìa. Mày chưa nói tao nghe về cấp III. Có phải cấp này thì ngang hàng với ông đạo không? Chứ không phải là ông ta đạt đến một trình độ siêu cấp, vượt ngoài những cấp đặt ra cho môn đệ sao?”

“Cái đó chính là cái khiêm nhường của ông đạo. Ông không tự cho mình là siêu cấp cười gì cả. Ông nói ông cũng chỉ ở cấp III thôi, không có cấp nào cao hơn thế nữa. Cao hơn thì là thánh thần rồi. Ông ta chỉ là người thường, là ông đạo, là kẻ thực hành đạo Cười mà thôi. Nhưng dù ông nói vậy, trên thực tế thì ngoại trừ ông ra, chưa có ai trong đám môn đệ đạt đến cấp III cả.”

“Thế à! Sao mà khó dữ vậy?”

“Bởi vì... ở trình độ này, tiếu đạo-người đã đạt đến cấp III thì không gọi là sinh hay giả nữa, mà gọi là đạo-trong lòng đã hoàn toàn hạnh phúc, không thấy buồn khổ đau đớn gì như thế nhân nữa, còn ngoại diện thì nụ cười không bao giờ tắt.”

“Là sao? Là cười mãi?”

“Ừ, cười mãi, ngay cả khi đang nói, đang ăn, đang uống, đang ngồi trầm tư, đang làm việc... thậm chí đang ngủ.”

“Ô, thật lạ nhỉ, tao chưa từng nghe thấy chuyện này bao giờ. Quái chiêu thật!”

“Đó, mày thấy sợ chưa. Cho nên tao mới nói là mày hãy gặp ông đạo một lần thì tự dưng thay đổi hết quan điểm, bỏ hết những nghi ngờ chế nhạo. Thôi, vào được chưa?”

Nói vậy nhưng rồi cả hai cũng ngồi lại trên xe một lúc để soi lại mặt mũi, sửa lại mái tóc. Rời xe, họ men theo con đường trải sỏi, tiến về hướng hội trường. Nơi đó, người ta đã tụ tập, ngồi kín gần hết ghế. Trên bốn vách của hội trường, đầy những bích chương và biểu ngữ. Một số biểu ngữ đọc nghe quen như ở những tờ báo chuyên viết truyện cười. Một số bích chương có vẽ những hình ảnh quen thuộc như ở phòng mạch nha sĩ. Trâm kéo Thủy tiến về hàng ghế đầu gần chỗ diễn giả nhất. Thủy ngạc nhiên thấy ai cũng cười chào Trâm rồi dạt ra hai bên, tránh đường cho Trâm đi một cách kính cẩn. Trâm chỉ cười đáp lại, chẳng nói gì. Đến hàng ghế đầu, không còn chỗ trống, hai vợ chồng trẻ nào đó tự động đứng dậy nhường chỗ cho Trâm và Thủy. Trâm cũng chỉ cám ơn bằng nụ cười, chẳng từ chối, kéo Thủy ngồi xuống chỗ ghế vừa được nhường.

Ngồi một lúc, Thủy hỏi nhỏ:

“Sao mọi người có vẻ trọng vọng, ưu tiên cho mày dữ vậy? Thấy họ nhường ghế, tao ái ngại quá à.”

“Không sao, mày là bạn tao thì mày phải được ưu tiên chứ. Chẳng giấu gì mày, bây giờ tao nói thật nhé, tao đang ở cấp II, thuộc loại kỳ cựu, được ông đạo tin tưởng, đi ra đi vào tự do ngay trong tư thất của ông ấy nữa kia. Mấy người mới học đạo thấy tao là né, là nhường thì đúng rồi. Có lần ông đạo còn mớm ý trước đám đông cử tọa rằng có thể tao là người có khả năng thay thế ổng nếu một mai ổng lên tiên, nhưng với điều kiện là tao phải phấn đấu cười nhiều hơn và khuyến dụ thêm nhiều môn đồ vào đạo nữa. Một lát, sau buổi thuyết trình, tao đưa mày vào thăm gia đình ổng.”

Thủy chỉ biết trố mắt nhìn bạn mình, không nói nên lời. Vừa lúc đó, có tiếng người điều khiển chương trình phát lên:

“Xin mời tất cả tiếu giả, tiếu sinh, tiếu khách cùng đứng dậy, chuẩn bị đón tiếu đạo.”

Mọi người đứng dậy. Tiếng ghế kéo, tiếng áo quần, tiếng tằng hắng, rộn cả lên một lúc rồi chìm vào im lặng, trang nghiêm. Ông đạo bước vào.

Ông thấp người. Béo tròn béo trục. Tóc để dài ngang vai, uống quăn từng lọn, xịt keo kỹ lưỡng. Khi ông bước đi, hai cánh tay có vẻ như dang ra hai bên vì bị cấn thịt mỡ ở hông. Chân ông cũng đi hàng hai có lẽ cùng lý do tương tự:  mỡ ở hai bắp đùi nhiều quá. Ông mặc một thứ áo may cắt kiểu gì lạ lắm: nó giống một cái khăn quàng có cổ thì đúng hơn. Đại khái là một miếng vải màu mỡ gà, rộng, khoét một cái lỗ tròn, chui cổ vào đó, rồi bằng một cách nào đó, gài nút hay thắt giây, để ló hai cánh tay ra ngoài miếng vải nhùng nhằng ấy. Trang phục nhìn qua thì đơn giản, nhưng nhìn kỹ lại thì thấy cũng cầu kỳ thay. Nó cho người ta cảm giác rằng ông ấy cũng hơi đặt nặng vấn đề phục sức bề ngoài và có tính chưng diện như đàn bà khi xuất hiện trước đám đông. Thấp thoáng dưới cái lớp áo choàng tha thướt ấy, người ta thấy cái quần lụa trắng mỏng của ông cũng rộng xùng xình từ trên xuống, bó lại ở cổ chân bằng một dải lụa màu hoàng kim; bên ngoài còn bọc thêm một vài cái kiềng vàng lủng lẳng, khi chuyển động thì kêu lên leng keng. Chân mang đôi hài trắng, loại vải, không xỏ giây, vớ màu mỡ gà tiệp màu với cái áo choàng. Không những kiềng chân, ông còn mang cả kiềng tay ở cánh tay phải, 7, 8 cái, cũng bằng vàng y sáng loáng. Tay trái thì mang đồng hồ điện tử đa năng với dây đeo bằng vàng, dày cộm. Quần áo xênh xang xống xếnh xùng xình như vậy cho ông cái vẻ yểu điệu dịu dàng của phái yếu, mà cũng phảng phất cái dáng vẻ của một gã thượng lưu ở xứ Ấn hay một xứ nào đó của Trung-đông. Da mặt ông đỏ au mà lại bóng lưởn, giống như một người say mới rửa mặt thoa kem. Trán khá cao, cũng bóng lưởn như xức vaseline. Hai mắt híp lại như hai con đỉa đói đứng chầu một cái mũi lân thật bự. Đặc biệt là cả khuôn mặt đều không hiện lên vết nhăn nào cả, cũng chẳng thấy dấu chân chim cuối đuôi mắt. Cho nên, nói ông gần 60 tuổi thì cũng khó tin lắm. Ông có khuôn mặt của một thanh niên công tử con nhà được chiều chuộng ưu đãi, thích ăn ngon mặc đẹp và ít vận động. Và đặc biệt nhất vẫn là nụ cười của ông. Ồ, nụ cười lạ lắm. Đúng là nụ cười không tắt. Hai môi không dày không mỏng. Hai khóe miệng có khuynh hướng đưa lên thành ra lúc nào cũng trông như cười. Có vẻ như là hai môi ông bất động nhưng thực ra thì cũng có mấp máy, giãn ra mím lại chút đỉnh. Người ta luôn thấy hàm răng trắng ngời của ông qua nụ cười không tắt ấy. Nhìn chung thì ông lúc nào cũng cười. Ông hơn mọi người ở chỗ đó. Người ta có ham cười thích cười gì đi nữa thì cũng có lúc muốn nghỉ ngơi, để cho quai hàm, cho các thớ thịt quanh vùng miệng được thư giãn, chứ cười hoài thì cũng mệt lắm chứ. Còn ông đạo thì cứ cười suốt. Cười ngay cả trong lúc đang nói. Chính Trâm còn nói là ông cười luôn trong lúc đang ngủ nữa kia. Hừ, cái đó ai mà biết được có thật hay chăng, ngoại trừ bà vợ của ông thôi!

Hôm nay ông đứng trên bục giảng một lúc khá lâu, chỉ nhăn răng ra cười. Mọi người im lặng nhìn ngắm nụ cười của ông. Một lúc, ông mới bắt đầu khai đề:

“Nếu quí vị nhìn tôi cười mà thấy được niềm an lạc, có nghĩa rằng quí vị đã tiến được một bước trên con đường đạo rồi đó... Cái đạo của hạnh phúc chẳng gì đâu xa cả, nó ở ngay nơi phút giây hiện tại này đây. Có nghĩa rằng khi làm bất cứ điều gì, nói bất cứ điều gì, nghĩ bất cứ điều gì, ta cũng luôn thể hiện cái đạo của ta. Thể hiện như thế nào đấy à? Là hưởng thụ thôi. Hưởng thụ cái hạnh phúc. Bằng cách nào ấy à, đơn giản thôi, cứ việc cười. Đúng, cười, cười, hãy cười lên. Chỉ có nụ cười mới mang lại hạnh phúc cho mình và cho người khác. Cái chuyện nó đơn giản đến như vậy mà lâu nay chẳng ai thấy được cả. Chẳng thấy được nên cứ buồn khổ mãi. Cuộc đời này có chi đâu mà buồn mà khổ. Hây, có cái đạo đó mở miệng ra cứ nói đời là bể khổ rồi bắt người ta phải giữ gìn giới luật, ăn chay, sống đơn giản, tiết giảm mọi hưởng thụ... Tôi không đồng ý quan điểm đó chút nào. Đối với tôi, cuộc đời không thể là bể khổ mà phải là một thế giới của niềm vui, của hạnh phúc, của nụ cười. Khi tôi có mặt, khi các tiếu sinh, tiếu giả, tiếu đạo của tôi có mặt, thế giới này sẽ chuyển mình, sẽ biến thành thiên đường. Kể từ hôm nay, ngay từ bước chân này, ngay từ giây phút này, đạo Cười sẽ lan tỏa và mang lại niềm thương yêu hạnh phúc cho cả thế gian, chấm dứt những chuỗi dài khổ đau của nhân loại. Thế gian này không phải là trường khổ đau nữa. Thế gian này là trường hạnh phúc, là trường cười. Đạo Cười là trên hết. Nụ cười là trên hết.”

Nói đến đó thì ông đạo đưa cả hai tay lên trời. Cử tọa vỗ tay rào rào, không ngớt. Ông đạo ngúc ngúc cái đầu, rời bục giảng, bước xuống đi qua đi lại, vỗ vai, bắt tay, xoa đầu, nựng má, ôm choàng những người môn đồ thân cận nhất của ông. Những người khác ngồi ở các dãy ghế xa hơn, giành lấn nhau để đến gần ông hơn. Họ xúm xít bao quanh ông, mong được ông sờ hoặc chính tay mình sờ ông một cái để được tiếp xúc với niềm hạnh phúc an vui tuôn chảy từ nội tâm ông. Thủy đứng né một bên nhường chỗ cho mọi người hướng về ông đạo. Nhìn quanh thấy ai cũng nở nụ cười. Cả một rừng cười. Trâm nói nhỏ với Thủy:

“Mày muốn được ông đạo xoa đầu thì tiến lên đi chứ.”

Thủy lắc đầu. Nhưng liền lúc đó, ông đạo sấn tới ngay trước mặt hai người. Ông và Trâm ngó nhau một lúc, cùng cười với nhau thật lâu, rồi hai người ôm nhau. Sau đó ông xoay qua Thủy, miệng vừa cười, cằm vừa hất lên, như muốn hỏi Trâm 'ai đây?'. Trâm nhanh ý trả lời:

“Một người bạn thân. Một tiếu khách mới do em đưa tới đó.”

Ông đạo quay qua phía Thủy, mở rộng vòng tay ý chừng cho phép Thủy sà vào lòng ông. Nhưng Thủy cứ đứng im, cứng ngắc một chỗ. Ông đạo Cười lỏn lẻn, đầu ngúc ngúc rồi đưa tay cho Thủy bắt. Bàn tay ông mềm mại và nhão những mỡ, nhưng nóng hâm hấp.

Thủy kéo Trâm rời hội trường. Trâm dùng dằng muốn nán lại.

“Tao còn phải theo ông đạo qua tư thất của ổng nữa.”

“Chi vậy? Chứ không phải đã xong rồi sao. Về chứ, còn đi shopping nữa mà!”

“Ừ thì về, nhưng tao phải qua đó thăm riêng ông một lúc. Mày muốn đi với tao vào tư thất của ổng cho biết không?”

“Mày có chuyện thì mày đi đi. Đưa chìa khóa xe đây, tao ngồi ngoài xe chờ mày.”

Trâm vừa moi xâu chìa khóa trong xắc tay vừa nhìn Thủy ái ngại:

“Mày có vẻ không hài lòng? Chắc tại mày chưa quen. Rồi mày sẽ thấy, ông ấy tuyệt diệu lắm. Gần gũi ông tự dưng thấy cuộc đời này nó mầu nhiệm làm sao!”

“Đưa chìa khóa đây. Nhớ là tao chờ mày ngoài xe, đừng có đi lâu quá à nghe!”

Thủy ngồi ngoài xe, chờ Trâm khoảng 20 phút. Trâm ra xe mang theo nụ cười và một vẻ hể hả tự mãn.

“Ông đạo có hỏi thăm về mày. Hỏi sao không đưa mày vào tư thất của ông.”

“Bộ ai cũng vào tư thất của ông được hết sao? Lạ như tao cũng vào được à?”

“Thì tại mày đi với tao mới được cái ưu tiên đó chứ những người khác dễ gì.”

“Tao không ngờ bạn tao cũng có uy dữ há! Nhưng tao nói thật mày nghe, mày đừng giận, hình như tao không hợp lắm với đạo Cười. Tao vẫn thấy một cái gì gượng gạo làm sao ấy. Ngay từ cảnh trí bên ngoài cho tới những nụ cười trao nhau, những cái bắt tay, những vòng tay ôm nhau... tao thấy giống như đóng kịch làm sao ấy!”

Trâm im lặng, mặt hơi sầm xuống. Thủy ái ngại nhìn qua bạn một lúc rồi nói khi Trâm đang cho xe từ từ rời khoảnh sân rộng để ra cổng:

“Tao xin lỗi mày nếu tao làm mày tự ái. Nhưng mày biết tính tao rồi, nghĩ sao tao nói vậy. Mày cũng nên lưu ý những cảm nhận của tao, của một người khách mới tới quan sát sinh hoạt của đạo mày lần đầu.”

“Không sao, không sao. Mày chưa hiểu nên mày mới có cảm nhận kiểu đó. Sau này sinh hoạt chung quen rồi, mày sẽ hiểu hơn, sẽ thấy được những mầu nhiệm, những tuyệt vời trong từng lời nói, từng nụ cười, từng cách biểu lộ cảm tính của những tiếu sinh và tiếu giả ở đây. Tất cả đều tỏa ra niềm bình an hạnh phúc mà mày sẽ không tìm thấy được ở bên ngoài hay ở những đạo sư khác...”

“Tao chỉ sợ tao không còn cơ hội nào để tìm hiểu nữa.”

“Thật à? Mày không có ý trở lại đây dịp khác nữa sao?”

“Mày nghĩ là tao vẫn còn hứng thú à?”

Cả hai im lặng. Không khí nặng nề bao trùm trên xe suốt một đoạn đường dài, đến nỗi họ bỏ luôn cả chuyện đi shopping như dự tính. Rồi chia tay nhau nặng trĩu.

Quả nhiên, Thủy không bao giờ theo Trâm đến chỗ ông đạo Cười nữa. Thỉnh thoảng hai  người bạn cũng gặp mặt nhau, hoặc gọi điện thoại nói chuyện vui vẻ, thăm hỏi, cười giỡn với nhau một lúc, nhưng chẳng ai muốn đưa vấn đề đạo Cười ra nữa.

 

 

Cho đến một hôm-khoảng hai năm sau lần họ cùng đến chỗ ông đạo-sau khi tắm định lên giường đọc sách, Thủy bỗng nhận điện thoại của Trâm gọi tới:

“Thủy à, mày có thể chạy qua chỗ tao được không, gấp lắm!”

“Chuyện gì vậy? Nói đi!”

“Híc, híc... Mày qua chở tao đi, tao lái xe không nổi. Hu hu...”

“Trâm à, có gì thì nói mau đi, chuyện gì vậy?”

“Ảnh chết rồi, mày qua chở tao đi.”

“Ảnh? Ảnh là ai vậy?”

“Hic, thì ông đạo chứ ai.”

“Ô, vậy sao! Thôi được rồi, để tao qua chở mày đi. Chờ tao khoảng nửa tiếng nghe, tao còn phải thay đồ nữa đó.”

Thủy cúp máy, thay đồ thật vội. Nhưng chưa xong thì lại nghe điện thoại reo.

“Thủy à, tao nè. Thôi mày khỏi đi. Tao đã điện thoại qua đó, sắp xếp mọi thứ rồi. Mai có phái đoàn đến đây rước tao. Hic, hic... Bây giờ tao tâm sự với mày một chút được không?”

“Ừ, nói đi. Mày có sao không vậy?”

“Bị sốc hơi nặng một tí. Tao không ngờ chuyện xảy ra nhanh như vậy. Mày biết không, khi nãy vừa cúp điện thoại với mày xong thì hội đồng quản trị của làng đạo có gọi tao, nói rằng đạo không thể thiếu tiếu đạo được. Cho nên, sáng sớm ngày mai, sẽ có phái đoàn đến tận nhà, rước tao vào vườn đạo. Tao có nói mày nghe rồi phải không? Các khu đất cũng như những biệt thự chung quanh đều được mua lại để lập vườn Cười. Bây giờ, quanh đó đều là nhà của các tiếu sinh hay tiếu giả. Gần một dặm vuông của khu đó gọi là vườn Cười đó mày. A, trở lại vấn đề, sáng sớm ngày mai họ rước tao qua đó, vừa là để cử hành nghi thức an táng ông đạo đồng thời làm lễ đăng quang cho tao chính thức kế thừa ông đạo mà dẫn dắt đạo Cười. Ha, mày không tin hả?”

“Ờ, ờ, tin chớ, tin chớ. Chúc mừng mày... mà cũng chia buồn với mày về chuyện ông đạo. Ổng thọ bao nhiêu tuổi vậy?”

“61. Còn trẻ quá phải không, tiếc quá!”

“Hơn bọn mình trên 30 tuổi rồi mà trẻ gì nữa. Vậy cũng tạm coi là thọ rồi. Mà sao ông mất, bệnh hả?”

“Thứ bệnh quái ác. Cao máu. Mà thôi, bệnh gì cũng là bệnh thôi. À, mà tao định nói với mày cái gì nhỉ? Phải rồi, nói về một chuyện khó xử trong đám tang của ông đạo. Mày biết không, có một điều bí mật trong đời ông đạo mà chỉ có hai người biết thôi...”

“Ừm, hừm... chuyện gì nghe hấp dẫn vậy. Ơ, xin lỗi mày, tao quen giỡn với mày nên... mày tiếp đi. Chỉ hai người biết thôi à, chuyện gì vậy?”

“Số là... số là... ông đạo mà lâu nay xuất hiện giữa quần chúng là ông đạo giả.”

“Cái gì?! Giả à? Vậy ông thật đâu?”

“Suỵt, đừng có la lên như vậy mày. Thì ông đạo thật cũng là ổng đó, nhưng...”

“Nhưng sao? Sao gọi là giả chứ?”

“Là vì... là vì ông đeo mặt nạ.”

Thủy thả người xuống nệm, bưng ly nước lạnh nơi bàn đèn, tợp một ngụm:

“Có nghĩa là... lâu nay ông cười với mọi người bằng cái mặt nạ? Có nghĩa là... ông chẳng có đạt đến một trình độ cao siêu nào cả trong chuyện cười? Ô, té ra chỉ là giả tạo hết thôi? Xin lỗi mày, tao hơi nóng... tại tao thấy mày đi theo ông ấy lâu nay, đặt hết niềm tin nơi ổng, cho nên tao tức giùm cho mày, chứ bản thân tao thì có mất mát gì đâu, tao đâu có thất vọng vì tao có bao giờ đặt kỳ vọng hay ngưỡng vọng gì nơi ông ấy! Ồ, tao nói gì vậy, tao xin lỗi mày. Mày nói tiếp đi. Sao ổng đeo mặt nạ vậy?”

“Mày đừng trách ảnh làm gì, dù sao thì ảnh cũng mất rồi; vả lại, chuyện ảnh làm cũng đâu có hại gì ai, vẫn là mang lại hạnh phúc an vui cho kẻ khác đó mà. Nói mày nghe, sở dĩ ảnh mang mặt nạ là vì mặt thật của ảnh không được đẹp lắm. Nói rằng xấu thì cũng không đúng. Nhưng ảnh cũng có cái lý của ảnh. Mày thử tưởng tượng xem, con người ở đời này buồn nhiều vui ít, sống một đời sống đầy những căng thẳng, muộn phiền, phải có những người như ảnh mang lại nụ cười cho người ta thì đời cũng bớt khổ đi nhiều rồi, phải không? Cho nên, dù thế nào đi nữa thì chuyện đeo mặt nạ của ảnh cũng là một nghĩa cử đẹp để dâng tặng cuộc đời.”

“Vậy chứ mặt thật của ổng thế nào mà phải đeo mặt nạ?”

“Tao nói rồi, không phải là xấu, nhưng... đau khổ lắm. Một khuôn mặt khổ đau một cách tội nghiệp. Một khuôn mặt đầy những dấu ấn của bất bình, bất mãn, bất an, bất hạnh, bất nhẫn, bất tài, bất lực, bất túc, bất toàn, bất đắc chí... Một khuôn mặt của con người đầy khắc khoải ưu tư, tham vọng đầy trời mà chẳng đạt được gì cả nên muốn chết đi cho rồi, nhưng vì muốn cứu giúp kẻ khác nên phải gượng mà sống. Đó mày xem, một con người như thế chẳng phải là đáng yêu lắm sao!”

“Ưm, ưm... nhưng đâu nhất thiết phải làm như vậy... Ý tao muốn nói, cho dù thế nào đi nữa, ổng chỉ cần vui vẻ, dạy người ta vui vẻ... đâu cần phải mang mặt nạ.”

“Đã nói với mày rồi, mang mặt nạ là vì thiên hạ thôi chứ bản thân của ảnh thì đâu cần! Ảnh chỉ vì người ta mà thôi. Nhưng mà, tao kể cho mày không phải để bàn chuyện đó. Điều tao muốn nói với mày ở đây là cái khó xử trong đám tang của ảnh. Mày biết không, bà vợ lớn của ảnh cứ nằng nặc đòi phải lột mặt nạ ảnh ra khi liệm và cho mọi người đến thăm viếng phúng điếu.”

“Thì đúng rồi, liệm thì phải lột mặt nạ ra chứ. Hơn nữa, lúc sống mình vì giao tiếp mà mang mặt nạ, bây giờ chết đi thì phải trở về với mặt thật của mình, vậy là phải rồi. À, bộ ổng còn mấy bà vợ nhỏ nào nữa sao khiến bà lớn không nắm quyền quyết định được?”

“Hờ, ảnh đâu có nhiều bà, đã nói với mày khi nãy rồi, chỉ có hai người biết chuyện ổng đeo mặt nạ thôi. Là bà lớn... với tao đó!”

“Cái gì? Mày nói gì? Có mày nữa à?”

“Thì tao nữa. Tao cũng là... người không chính thức của ảnh trên giấy tờ, nhưng trên thực tế thì mọi sinh hoạt, mọi quyền quyết định đối với vườn đạo thì tao có ảnh hưởng mạnh hơn bà lớn, vì mọi người trong vườn đạo đều tin tưởng và nghe lời tao.”

“Dữ vậy đó!” Thủy kẹp cái điện thoại cầm tay nơi cổ, dùng hai tay mở toang cánh cửa sổ, chồm người ra ngoài, “mày tiến nhanh không ngờ há. Vậy vấn đề bây giờ của mày là gì?”

“À, tao đã quyết định rồi, về chuyện đeo mặt nạ hay lột mặt nạ đó, nhưng vẫn muốn hỏi thêm ý kiến của mày, một người bàng quan đối với vườn đạo nhưng lại rất thân thiết với tao, để xem tao làm vậy có chính đáng không. Theo mày thì nên lột mặt nạ ảnh như bà vợ lớn muốn hay là cứ giữ mặt nạ đó như ý tao?”

Thủy ậm ừ, đi ra đi vào, vẫn giữ cái điện thoại giữa cổ và vai, vừa nói vừa thay quần áo ngủ:

“Chờ tao chút, chờ tao chút... à, à... chuyện này thật đơn giản đối với tao, nhưng nếu tao nói ra thì không đơn giản với mày đâu. Bởi vì, mày biết tánh tao rồi, tao không bao giờ thích cái gì giả đâu.”

“Cái này không thể gọi là giả. Mày dùng chữ hơi quá đáng!”

“Mặt nạ, ở bất cứ phương diện nào, vẫn là giả chứ còn gì nữa.”

“Vì mọi người mà đeo mặt nạ, vì hạnh phúc an vui, vì đem lại nụ cười cho kẻ khác mà mang một cái mặt nạ mấy chục năm, đó là một hy sinh to lớn, vĩ đại... là một cống hiến thầm lặng với một mục đích cao cả, không thể gọi là giả được.”

“Nhưng dù với mục đích nào đi nữa, mặt nạ vẫn là mặt nạ. Nói xin lỗi, có vẻ như là một vụ lừa gạt. Mày đừng giận, mày hỏi ý tao thì cho tao nói thật. Tao thấy như là hàng vạn người đi theo ông ta đều bị gạt. Họ sống trong cái ảo tưởng về hạnh phúc, an vui, mà kỳ thực thì chỉ là giả tạo tuốt luốt. Cái vườn đạo đó chẳng khác nào một hí trường được điều khiển khích động bởi một anh hề. Cười rộn rã vui nhộn với nhau chẳng qua chỉ là những cái cười tạm bợ, nhất thời: rời khỏi hí trường thì chẳng còn gì cả. Mỗi người trở về tự sống, tự chiến đấu với cuộc sống riêng đầy bất an, biến động, khổ đau, phiền tạp... của mình. Cái gốc của khổ đau còn đó thì có cười suốt ngày, cười suốt đời cũng chẳng ăn nhằm gì cả. Còn cái gốc của đạo Cười đấy à, chỉ là một cái mặt nạ thôi, thì làm gì mang lại hạnh phúc an vui thực sự! Cho nên, theo ý tao, mày nên nghe lời bà lớn, lột bỏ phứt cái mặt nạ ấy đi. Trâm, mày nghe tao không vậy, giận hả?”

“À, nghe chứ. Tao không giận đâu mày ạ. Dù gì thì bây giờ tao cũng là tiếu đạo, đứng ra thay thế ảnh rồi, tao phải bản lãnh một chút chứ. Trở lại vấn đề, tao cho mày biết, cái chuyện bà lớn muốn lột mặt nạ ảnh hoàn toàn không có cái mục đích giống mày đâu.”

“Là sao? Tại sao khác?”

“Bả muốn lột mặt nạ ảnh chỉ vì muốn lấy lại cái hình ảnh thật của ảnh mấy mươi năm trước khi lập đạo thôi. Cái hình ảnh ban đầu đó đối với bà, mới là hình ảnh của người chồng thật sự, còn con người đeo mặt nạ, chỉ là con người của đạo. Cái ý muốn của bả chỉ đơn giản như vậy. Còn cái ý của mày đó à, nó thâm hơn. Mày muốn lột mặt nạ ảnh là vì muốn phơi trần sự thực, muốn đánh thức hàng vạn cái đầu u mê đã từng đặt hết niềm tin vào ảnh cũng như cái lý thuyết cười của ảnh, phải vậy không?”

“Mày giận tao hả?”

“Không, Thủy à, mình chơi với nhau lâu, hiểu tánh nhau mà. Thực ra khi hỏi ý mày, tao đã đoán biết phần nào những gì mày sẽ nói với tao đó Thủy à. Nhưng tao vẫn muốn nghe. Vì ngoài mày ra, chẳng ai sẽ nói thực với tao những lời đó.”

“Vậy mày biết rõ là hàng vạn người khác, cũng như chính mày, đang vật vờ sống trong ảo tưởng của hạnh phúc?”

“Biết rõ chứ, biết là mọi người đang u mê tưởng rằng họ có hạnh phúc. Còn riêng tao, dĩ nhiên là tao tỉnh chứ! Tao đã tỉnh từ khi ảnh chọn tao. Một tiếu đạo thì không thể u mê được mày ạ.”

“Hờ, giống như tên hề trên sân khấu đó phải không?”

“Ừ, có thể nói như vậy. Hì hì, nói chuyện với mày nhiều lúc tức ói máu, nhưng sao tao vẫn thích. Nói mày nghe, khi tao được ảnh để ý và chọn, tao đã bước ra khỏi cái vòng u mê ấy. Mày đừng vội trách ảnh, đừng vội trách tao. Thử nghĩ lại xem, ở cuộc sống này, con người chỉ quần quật từ nhỏ đến lớn, hết đi học rồi đến đi làm, suốt đời chạy đuổi theo những món nợ của tiền, của tình, của ân nghĩa... Niềm vui, nụ cười có được, chẳng bao nhiêu cả. Cho nên, vẽ ra một khung trời ảo tưởng cho họ dật dờ đắm mình trong đó, hít thở hưởng thụ những giây phút hạnh phúc hữu hạn, chẳng phải là điều hữu lý sao! Bây giờ họ đã nghiện cái khung trời đó, đặt hết niềm tin và kỳ vọng vào khung trời đó, làm sao tiếu đạo như ảnh và tao có thể nhẫn tâm phá vỡ đi được!”

“Có nghĩa rằng ông đạo và mày đều có chủ ý trong việc chăn dắt một đám người u mê, ảo tưởng? Biết rằng chỉ là giả tạo, vẫn cứ làm?”

“Chứ còn cách nào khác nữa đâu? Đã lỡ rồi, không đi lùi được nữa.”

“Vậy rồi mày cũng sẽ đeo một cái mặt nạ khác?”

“Không, tao thì khỏi cần, vì mọi người đều đã biết mặt tao rồi. Bây giờ họ theo tao vì tin tưởng ảnh. Bà lớn thừa hưởng tất cả tài sản của ảnh nhưng tao thì thừa hưởng tất cả niềm tin của tiếu đồ và thế giới ảo tưởng mà anh ấy để lại. Vả lại, tao có nụ cười cũng khá độc đáo, mày chẳng thấy sao, cho nên không cần mặt nạ. Còn ảnh, bỏ cái mặt nạ ra thì chẳng nói lên được cái gì hay ho cả: ảnh sẽ hoàn toàn biến thành một biểu tượng của khổ đau. Vả lại, khi mọi người đã quen với cái mặt nạ rồi, lột bỏ nó đi, làm sao người ta còn có thể nhận diện được ảnh là ai hử? Người ta còn tin theo đạo Cười là nhờ cái mặt nạ đó mà thôi, mày hiểu không? Đó là lý do mà tao muốn ảnh đeo luôn cái mặt nạ đi vào lòng đất.”

“Tại sao! Đã biết là giả, đã lỡ trớn lừa gạt người ta một thời gian, một đoạn đường, thì bây giờ là cơ hội để mày đánh thức họ chứ. Chỉ có mày mới làm được chuyện đó thôi, tại sao không làm! Phải lột mặt nạ ổng đi, mày ạ!”

“Hứ, mày lại suy nghĩ theo cảm tính, hời hợt quá mày ạ! Mày không tưởng tượng được rằng một khi vỡ lẽ thần tượng của mình đã đeo mặt nạ cười suốt mấy chục năm, hàng vạn người sẽ điên loạn lên, mất hướng đi, mất luôn lẽ sống, hàng ngàn người sẽ tự tử... và cả khung trời êm đềm hạnh phúc với bao nụ cười tươi mát sẽ sụp đổ tan tành hết hay sao! Mày không thấy được cái tai họa lớn lao đó à?”

“Thà là vậy còn hơn kéo dài mãi một kiếp sống giả tạo, giả tạo, toàn là lừa gạt, điên đảo!”

“Thôi, thôi, đủ rồi, tao nghe ý kiến mày như vậy đủ rồi. Mày đừng nói nữa.”

“Nghĩa là sao? Nghĩa là mày sẽ giữ cái mặt nạ cho ổng, rồi chính mày vẫn tiếp tục đi con đường đó, tiếp tục bảo vệ cái đạo Cười nhố nhăng tầm phào ấy?”

“Ha ha, Thủy à, mày là con người chân thật ngây thơ lắm, tao biết. Nhưng cái chân thật ngây thơ của mày chẳng mang lại được lợi ích gì cho cuộc đời này cả. Dù sao tao cũng cám ơn những lời xỉ vả, chỉ trích của mày... ha ha. Ủa, Thủy, mày còn đó không vậy? Có nghe tao nói không vậy mày?”

“Hừ, nghe chứ. Thôi, mày muốn làm gì thì làm, tao hết lời rồi. Nhưng... tao vẫn còn muốn hỏi mày một câu, được không?”

“Được chứ, tao vẫn là bạn thân của mày mà, phải không Thủy?”

“Ừ. Tao hỏi mày, tại sao bà lớn không là tiếu đạo thay thế ổng mà lại là mày?”

“Bà lớn và ảnh không bao giờ hạp nhau. Họ gây gổ cãi lộn với nhau suốt ngày. Theo lời ảnh kể là như vậy. Đó cũng là lý do khiến ảnh tìm kiếm và rồi khai sinh ra cái đạo Cười. Cuộc đời ảnh, thất bại mọi thứ, từ tình yêu đến công danh sự nghiệp. Cho đến lúc lập ra đạo Cười, ảnh mới thực sự là một nhân vật. Cuộc đời ảnh đi lên từ đó, nhờ sáng kiến về cái mặt nạ. Ảnh hạnh phúc khi nấp đàng sau cái mặt nạ đó đến nỗi càng lúc chiếc mặt nạ đối với anh không còn là mặt nạ nữa mà là mặt thật. Rời nó đi thì chẳng còn ý nghĩa nào cho cuộc đời ảnh. Ủa, mà mày hỏi tao cái gì vậy? À, tại sao không phải là bà lớn mà lại là tao đứng ra thừa kế tiếu đạo? Là vì bà lớn chẳng bao giờ cười được, mà bà ấy cũng như ảnh, lớn tuổi rồi, đâu có đủ thời gian để luyện tập cười. Còn tao, tao vượt hơn cả ảnh nữa, vì đời tao chẳng gặp chuyện gì đáng phàn nàn, tao lại được huấn luyện cười đúng phương pháp... cho nên, tao thành tiếu đạo là phải rồi. Rốt cuộc tao rút được bài học này Thủy à: ở cuộc đời này, chỉ có hai vấn đề then chốt thôi, đó là hạnh phúc và khổ đau; nhưng hạnh phúc thì mong manh, hiếm hoi lắm, còn khổ đau thì bất tận. Cho nên, muốn nổi danh thật nhanh, muốn thu nạp được nhiều môn đồ ngưỡng mộ một cách dễ dàng, chẳng có con đường nào hiệu quả hơn là tạo ra cái thiên đường hạnh phúc tạm thời nhưng tức khắc, ngay trong đời sống hiện tại. Một bài học khác nữa, tao nghĩ là mày nên nhớ lấy để áp dụng cho mày sau này. Đời mày cứ rề rề mãi chẳng thấy tiến bộ gì là vì mày sống thực quá. Mày chẳng làm sao hiểu nổi được là chính cái giả mới là cái thực nhất đó! Cái giả khi được tập luyện, sẽ trở thành cái thực. Mà trên thực tế, với kỹ thuật tinh xảo, với sự tập luyện đúng mức và có phương pháp, có khi cái giả còn tuyệt hơn cái thực nữa kia.”

“Cám ơn, cám ơn. Xin cho tao được bình yên, Trâm ạ. Nói thật với mày, khi nghe chuyện cái mặt nạ, tao thấy tởm lợm ở trong họng. Tao chỉ mong mày đứng ra làm cái việc giải ảo, đánh thức tất cả những tiếu đồ cuồng tín u mê kia. Nhưng mày không muốn làm điều đó, mày chỉ muốn nối gót ổng để tiếp tục một vụ lường gạt to lớn, táo tợn... Ôi, Trâm à, mày làm tao thất vọng quá. Tao thấy tội nghiệp mày hết sức. Mày bị mê rồi mày có biết không? Thế rồi mày sẽ đóng tuồng đóng kịch suốt đời? Mà trên thực tế mày có hạnh phúc thực sự bởi nụ cười của mày không?”

“Hạnh phúc à? Có chứ, nhưng không phải ở nụ cười đâu, mà ở cái hào quang danh vọng mà những tiếu đồ khác ngưỡng vọng đặt lên trên người tao. Mày chẳng thấy rằng kẻ có chí lớn thì chỉ hạnh phúc với danh vọng tột đỉnh chứ đâu có bằng lòng với những niềm vui nhỏ nhoi có được từ những nụ cười, phải không? Ha ha.”

“Trâm à, mày không còn giống mày chút nào nữa. Tao không dám cản trở mày nữa đâu. Tao chỉ hi vọng một ngày nào đó, mày thức tỉnh, công khai giải thể cái đạo Cười lừa gạt của ổng và mày. Nếu không giải thể sớm thì đến cuối đời cũng được, sau khi mày hưởng thụ trọn vẹn cái bã danh vọng suốt những năm dài... tao yêu cầu mày hãy cất lên tiếng nói của sự thực.”

“Ố, hi vọng của mày đó hả, ha ha, chỉ là ảo vọng thôi. Sau tao, còn có một nhân vật khác toàn hảo hơn,” Trâm đưa tay xoa cái bụng căng tròn, “đó là sự kết hợp hoàn mỹ nhất mà ảnh để lại cho cuộc đời. Ôi, nó sẽ vượt hơn cả cha mẹ nó trên mọi phương diện, vì nó đi vào đời không cần mặt nạ, cũng không cần tập luyện gì cả. Thiên đường đã vẽ ra rồi, niềm tin của mọi người đã lậm sâu rồi, nó mặc nhiên thừa hưởng tất cả, không cần chút cố gắng nào. Tất cả cái giả đều trở thành cái thực một cách tự nhiên. Tất cả cái thực đều không còn đất đứng. Tương lai của thế giới, hạnh phúc an vui của thế giới, ở trong bụng tao nè Thủy ạ. Ha ha ha ha... Thủy, mày còn đó không vậy?”

Thủy cúp điện thoại, rúc mình sâu vào trong chăn. Bóng tối đè xuống nàng, thật nặng.

vinhhao.info

 
 
   
 
  
Tìm kiếm

 
  
Tìm trên:     hoangphap.info web khác
Visitor Number: 
Hôm nay