Hòa thượng Thanh Tú Tuệ Pháp
Tâm Quang
Cập nhật: 10:06:20 29/05/2009
TIỂU SỬ

Hòa thượng THANH TÚ TUỆ PHÁP

(1871-1927)

Đệ nhất Trú trì chùa Thiên Hưng, Huế (1)

 

       1. Thân thế:

      Hòa thượng thế danh là ĐINH VĂN LỰC.

      Ngài sinh năm Tân Mùi, 1871 (chúng tôi chưa tìm thấy tư liệu ghi ngày tháng), tại làng Trung Kiên, tổng Bích La, huyện Đăng Xương, phủ Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. (Ngày nay là thôn Trung Kiên, xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong).

      Thân phụ của Hòa thượng là cụ ông...

      Thân mẫu là cụ bà... (chưa tìm thấy danh tính quý Ngài)

       Hòa thượng sinh ra và lớn lên trong một gia đình mà song thân và anh chị em đều thành tâm qui ngưỡng Phật Pháp. Cao quý hơn nữa là thôn Trung Kiên, tổng Bích La, nơi gia đình Hòa thượng cư trú lâu đời, còn là miền đất đã xuất hiện nhiều bậc Cao tăng, thạc đức. Đạo phong và sự nghiệp hoằng dương Chánh pháp kỳ vĩ của quí ngài đã làm rạng rỡ ngôi nhà Phật giáo Việt Nam trong nhiều thế kỷ, như Hòa thượng Đạo Minh Phổ Tịnh (  ?  -1816), Trú trì Tổ đình Bảo Quốc, Huế, Hòa thượng Tánh Thiên Nhất Định (1784-1847), khai sơn An Dưỡng am -Từ Hiếu, Huế, Hòa thượng Thanh Ninh Tâm Tịnh (1868-1928) khai sơn chùa Tây Thiên, Huế, Hòa thượng Trừng Nhã Giác Hải (1882-1938) khai sơn chùa Giác Lâm, Huế, gần đây nhất là Hòa thượng Tâm Như Trí Thủ (1909-1984) khai sơn Tu viện Quảng Hương Già Lam, Sài Gòn v.v... và miền đất thiêng ấy cũng đã ảnh hưởng sâu đậm đến tâm trí Hòa thượng trong suốt cả thời niên thiếu.

      2. Thuở ấu thơ và thời niên thiếu:

      Năm lên 7 tuổi (Mậu Dần, 1878) được thân phụ cho theo học chữ Hán với các cụ đồ Nho trong làng. Bẩm tính vốn thông minh và hiếu học, nên  Hòa thượng rất chăm chỉ trong việc học tập. Gần 10 năm được dùi mài kinh sử nơi “cửa Khổng sân Trình”, Hòa thượng đã tinh thông nhiều bộ sách căn bản của Nho giáo.

      Nhưng ước nguyện và hoài bão lớn lao của Hòa thượng lại mong muốn được xuất gia đầu Phật như các bậc Cao tăng trên quê hương của Ngài.

      3. Xuất gia học Đạo:

 Năm 15 tuổi (Giáp Thân, 1884) Ngài từ giã song thân, lên đường vô Huế, tìm đến chùa Từ Hiếu đảnh lễ Hòa thượng Hải Thiệu Cương Kỹ (1810-1898) Đệ nhị Tổ trú trì, cầu xin thọ giáo.

      Tư chất thông minh, tuệ căn mẫn tiệp, lại có căn bản về Nho học. Tính tình lại khiêm cung, hòa ái, nên rất được Tổ thương yêu và tận tình dìu dắt. Chỉ năm năm sau khi thọ giáo, Hòa thượng đã thông đạt nhiều yếu nghĩa của kinh điển Đại thừa.

      Năm 20 tuổi (Tân Mão, 1891), Hòa thượng được Bổn sư thế độ cho thọ Sa-di giới tại giới đàn chùa Từ Hiếu và đặt pháp danh là THANH TÚ, pháp tự là PHONG NHIÊU.

     Thể nhập đời thứ 41 dòng Thiền Lâm Tế Chánh Tông Trung Hoa, đời thứ 7 Thiền phái Thiệt Diệu Liễu Quán Việt Nam.

      Sau khi thọ Thập giới, Hòa thượng càng miệt mài, chăm chỉ nhiều hơn trong việc học tập. Càng ngày Hòa thượng càng tỏ rõ là một vị Sa-di xuất sắc về cả học và hạnh, nên luôn được Bổn sư khen ngợi.

      Năm 23 tuổi (Giáp Ngọ, 1894), Hòa thượng được đăng đàn thọ Tỳ kheo Bồ tát giới tại giới đàn chùa Bảo Quốc, Huế. Đại giới đàn này khai giới vào ngày 19 tháng 4 năm Giáp Ngọ (niên hiệu Thành Thái thứ 6, ngày 23.5.1894) do Hòa thượng Hải Thuận Diệu Giác (1806-1896), Trú  trì Tổ đình Bảo Quốc làm Đàn đầu Hòa thượng (Thế danh và pháp tự của ngài là Lương Duyên, nên có nhiều sử liệu ghi là Hải Thuận Lương Duyên), Hòa thượng Hải Toàn Linh Cơ (1823-1896), trú trì chùa Tường Vân, làm Giáo thọ và Bổn sư của ngài là Hòa thượng Hải Thiệu Cương Kỹ làm Yết Ma.

     Năm 24 tuổi (Ất Mùi, 1895) một năm sau khi thọ Đại giới, Hòa thượng đắc pháp, được Bổn sư ban pháp hiệu là TUỆ PHÁP. (chúng tôi chưa tìm thấy bài kệ đắc pháp của ngài).

      4. Sự nghiệp Hoằng pháp:

     Năm Giáp Ngọ, 1894 tại thảo am Thiên Hưng, có Ni sư Thanh Tâm (1837-1906), người họ Đặng, sau khi tiếp nhận ngôi thảo am, bà đã tích cực vận động thành lập Phổ Linh Sơn (2), rồi cùng thiện nam tín nữ trong Phổ góp công, góp sức trùng tu, tôn tạo thảo am thành một ngôi chùa khang trang, rộng rãi.

     Qua năm Bính Thân, 1896, sau khi công trình trùng tu hoàn mãn, Ni sư cùng Phật tử trong Phổ Linh Sơn, lên chùa Từ Hiếu, đảnh lễ Tổ Hải Thiệu Cương Kỹ, xin mời Hòa thượng ra làm Tọa chủ.

     Đây cũng là bước khởi đầu trong sự nghiệp Hoằng pháp lớn lao của Ngài.

     Chùa Thiên Hưng - được sự ngoại hộ đắc lực của thiện nam, tín nữ  trong Phổ Linh Sơn và dưới sự chăm sóc chu đáo của Hòa thượng, chẳng bao lâu đã trở thành một Tòng lâm thanh tịnh. Đồng bào, Phật tử gần xa đều biết tiếng, nên đến lễ bái, cầu nguyện và xin quy y với Ngài mỗi ngày mỗi đông.

 

    Dù bận rộn với công việc của một vị trú trì, nhưng Hòa thượng vẫn luôn tinh tấn hành trì, tu tập. Mùa Hạ Ngài tham thiền, mùa Đông Ngài bái sám, không một thời gián đoạn. Thì giờ còn lại, Ngài chuyên tâm tham cứu Giáo điển, rồi tập họp Tăng chúng trong Sơn môn để giảng dạy Kinh Luật. Dần dần lớp học sơ khai này đã trở thành một Đạo tràng thu hút đông đảo chư Tăng trong Sơn môn Thừa Thiên, Huế đến xin cầu học.

      Suốt ba thập kỷ, dưới sự chủ giảng tận tụy của Hòa thượng, dù có lúc gặp chướng duyên, nhưng Đạo tràng vẫn không ngừng hoạt động.

     Có thể nói, Đạo tràng Thiên Hưng là một “Phật học đường” hình thành sớm nhất và có uy tín nhất trong Sơn môn Thừa Thiên, Huế lúc bấy giờ. Chương trình giảng dạy, được Hòa thượng nâng lên rất cao, tương đương với chương trình Đại học Phật giáo ngày nay và chỉ dành riêng cho chư Tăng đã thọ Đại giới. Như luật Tứ Phần, kinh Phạm Võng (bộ kinh được Đức Thế tôn tuyên thuyết về giới luật Đại thừa) và những bộ kinh Đại thừa Liễu nghĩa khác như kinh Pháp Hoa, kinh Lăng Nghiêm v.v...

     Chư Tăng theo học tại Đạo tràng này đã có đến mấy thế hệ, từ thế hệ quý Hòa thượng Trừng Thủy Giác Nhiên (1878-1979),Trừng Thành Giác Tiên (1880-1936),Trừng Thanh Giác Bổn ( ? -1949), Trừng Hương Tịnh Hạnh (1889-1933),Trừng Thông Tịnh Khiết (1891-1973), đến thế hệ quý Hòa thượng Tâm Ấn Viên Quang (1894-1977), Tâm Địa Mật Khế (1905-1935) v.v...

      Đạo tràng Thiên Hưng - hay Phật học đường Thiên Hưng - đã đào tạo nên nhiều bậc Tăng già tài năng xuất chúng, đạo hạnh kiên cường, đã cung ứng kịp thời nhân lực cho công cuộc chấn hưng Phật giáo tại miền Trung.

    Công lao và tâm huyết của Ngài dành cho sự nghiệp đào tạo Tăng tài thật không sao kể xiết! Nhưng công lao và tâm huyết ấy, cũng đã được đền đáp một cách xứng đáng, vì trong số chư Tăng theo học với Ngài lúc bấy giờ, về sau đã có đến hai Ngài được toàn thể Tăng tín đồ Phật giáo Việt Nam suy tôn lên ngôi vị Tăng Thống (Đức Đệ nhất Tăng Thống Thích Tịnh Khiết và Đệ nhị Tăng Thống Thích Giác Nhiên). Nhiều Ngài là những vị Tăng già tiên phong, lỗi lạc bậc nhất trong cao trào chấn hưng Phật giáo và canh tân Giáo hội (như quý Hòa thượng Giác Bổn ở chùa Từ Quang, Hòa thượng GiácTiên và Mật Khế ở chùa Trúc Lâm, Huế).

   Năm Canh Tuất, 1910 Đại giới đàn khai giới tại chùa Phước Lâm, Hội An, tỉnh Quảng Nam, đã cung thỉnh Hòa thượng làm Đệ tam Tôn chứng. Đây là một giới đàn đã để lại nhiều dấu ấn sâu đậm trong lịch sử truyền giới của Sơn môn Tăng già Việt Nam. Ngày nay tiếng tăm vẫn còn vang dội.

       Năm Tân Hợi, 1911, Hòa thượng cùng thiện nam tín nữ trong Phổ Linh Sơn góp công, góp sức trùng tu chùa Thiên Hưng. Công cuộc trùng tu lần này hết sức qui mô. Từ đó, chùa Thiên Hưng đã trở thành một Đại hùng Bảo điện uy nghiêm, tráng lệ, xứng đáng là một danh lam trong quần thể chùa tháp ở miền đất được mệnh danh là Kinh đô Phật giáo này.

      Năm Kỷ Mùi, 1919 (niên hiệu Khải Định thứ 4), Hòa thượng được triều đình ban Giới đao độ điệp và chỉ chuẩn Ngài về Trú trì Quốc tự Diệu Đế, Huế.

      Năm Giáp Tý, 1924, Hòa thượng hợp lực cùng Hòa thượng Thanh Ninh Tâm Tịnh tổ chức giới đàn tại chùa Từ Hiếu, Thừa Thiên. Đại giới đàn này, Hòa thượng Tâm Tịnh làm Đàn đầu, Hòa thượng Thanh Trí Tuệ Giác, trú trì chùa Quảng Tế làm Yết Ma và Ngài được cung thỉnh làm Giáo thọ. Đây cũng là một giới đàn được tổ chức rất qui mô và trọng thể như giới đàn tại chùa Bảo Quốc, Huế, năm Hòa thượng thọ Đại giới, Giáp Ngọ,1894.

     Năm Bính Dần, 1926 (Bảo Đại nguyên niên), Hòa thượng lại có chỉ chuẩn của triều đình Huế lên giữ chức Tăng Cang, còn  chức vụ trú trì thì Hòa thượng Trừng Thành Giác Tiên thay thế. Đây cũng là Phật sự cuối cùng trước khi Ngài thị tịch.

     Trải qua hơn 30 năm xả thân hoằng hóa, trí tuệ, tài năng và đức độ của Ngài không chỉ thấm nhuần trong chốn Tòng Lâm, mà còn lan tỏa khắp cả Kinh đô Huế lúc bấy giờ. Từ vua quan cho đến thứ dân, ai ai cũng thành tâm ngưỡng mộ. Tiêu biểu như vào năm Canh thân, 1920, khi vua Khải Định cho xây dựng Đạo tràng Cấm Dịch trong Đại nội Huế, để làm nơi phụng thờ Tam bảo, nhà vua cũng đã sai trung sứ lên chùa Thiên Hưng xin Hòa thượng soạn thảo các văn sớ để về làm lễ sám...

      5. Nhiếp hóa đồ chúng:

      Hòa thượng là bậc Giáo thọ tinh thông Tam tạng, lại có biện tài giảng dạy, phương pháp Ngài ứng dụng lại rất khế lý, khế cơ cho mọi trình độ, nên Tăng chúng dự học đều dễ dàng lãnh hội nghĩa ngữ uyên áo của các kinh điển Đại thừa một cách rốt ráo, như kinh Pháp Hoa, kinh Lăng Nghiêm...

     Hòa thượng lại chuyên tâm nghiên cứu giáo lý Thiên Thai tông và là vị Giáo thọ sư thông đạt sâu sắc yếu nghĩa của Tông phái này.

     Hòa thượng thường dạy các đệ tử: “Này, nghiệp phát sinh bất cứ từ đâu, chứ không chỉ nhất định ở một nơi nào đó, sao lại để cho cái tâm ràng buộc vào. Vì vậy, các bậc thiện tri thức cứ tùy phương tiện mà tu học và nâng đỡ đạo Phật”.

      Đối với hàng cư sĩ, tín đồ đến xin quy y, thọ giới thì Hòa thượng thường phổ khuyến nên thực hành theo Tịnh độ tông, vì chuyên tâm niệm Phật là phương pháp dễ dàng và nhanh chóng đạt đến sự giải thoát.

                                                        ***

      Theo bi chí thì môn đồ đệ tử xuất gia của Ngài có đến 30 vị. Nhưng trong Thiền phổ truyền thừa của chùa Từ Hiếu, Thừa Thiên (bản ấn hành năm Phật lịch 2539-1995) chỉ thấy có vị Trưởng tử của Ngài là Hòa thượng Trừng Phổ Quảng Tu, kế tục trú trì chùa Thiên Hưng, sau khi Ngài thị tịch. (Còn các vị khác, chúng tôi chưa tìm thấy sử liệu nào ghi chép).

       6. Những ngày tháng cuối đời:

      Trong suốt những ngày tháng trước khi Ngài thị tịch, Hòa thượng vẫn khỏe mạnh, bình thường, các đệ tử không thấy Ngài biểu lộ sắc thái gì khác lạ. Đến sáng ngày 24 tháng Chạp năm Bính Dần (ngày 27.01.1927) Hòa thượng sai thị giả đưa đi lễ khắp các Tổ đình. Thăm viếng các pháp hữu tâm giao như Hòa thượng Thanh Ninh Tâm Tịnh, ở chùa Tây Thiên, Hòa thượng Trừng Thông Viên Thành, ở chùa Tra Am...

       Chiều đến, Hòa thượng trở về chùa, vẫn không có gì thay đổi. Đến nửa đêm, Hòa thượng thấy Tăng chúng trong chùa đều đã yên giấc, Ngài lặng lẽ mặc pháp phục lên chánh điện lễ bái Tam bảo, rồi ngồi ngay ngắn trước bàn thờ Phật, lấy dầu thơm tẩm vào y và châm lửa tự thiêu. Ngọn lửa bùng phát dữ dội, khiến Tăng chúng trong chùa đều thức dậy, chạy vào thì thấy lửa đã cháy cả pháp phục của Ngài, chư Tăng liền nhanh chóng dập tắt ngọn lửa và đỡ Hòa thượng lên giường. Trong lúc ấy các đệ tử mới nhìn thấy tờ “Di chúc” Ngài viết để trên án Kinh.

     Nằm một chặp, Hòa thượng từ từ mở mắt ra và trách các đệ tử: “Các người sao được ngăn cản ý nguyện của ta!”.

     Hôm sau, chư vị tôn túc trong Sơn môn nghe tin đều đến thăm hỏi, Hòa thượng thản nhiên nói: “Rất cám ơn. Các vị cứ ai việc nấy. Ta sắp đi rồi!”.

     Vào lúc nửa đêm 30 tháng Chạp (đêm 30 Tết), Hòa thượng cho gọi đệ tử Quảng Tu vào và bảo: “Ngươi đỡ ta dậy”. Rồi sai pha nước trà nóng tắm gội cho Ngài. Tắm gội xong, Hòa thượng lại hỏi: “Các ngươi đã đọc kinh Bát Nhã chưa?”. Chư đệ tử đều đáp: “Dạ, chúng con đều đọc rồi”.

    Hòa thượng ngồi tỉnh lặng đọc một biến kinh Bát Nhã, rồi lại dặn dò “Đạo Phật ở thế gian, không thể rời thế gian mà giác ngộ được. Các ngươi hãy khéo mà tu tập!”.

    Trong giờ phút này, tất cả các vị đệ tử đều đứng hầu quanh chỗ Ngài nằm. Ngài lại ân cần căn dặn: “Các ngươi ở lại giữ chí phụng sự Đạo pháp. Trên thì mở mang đạo Phật, dưới thì cứu độ chúng sinh. Được như thế, sẽ khiến cho tuệ mạng của Chánh pháp mãi mãi trường tồn!”

     Hòa thượng dạy xong câu ấy rồi ngồi thẳng người mà tịch. Đúng vào giờ Mão (từ 5 đến 7 giờ sáng), ngày mồng 01 tháng Giêng năm Đinh Mão (ngày 02.02.1927).  Năm Hòa thượng 56 tuổi và 33 Hạ lạp.

    (Việc Ngài tự thiêu, là chí nguyện cúng dường Phật Pháp vô cùng cao cả, không thể lạm bàn. Chỉ thấy, trong một tư liệu có giá trị gần đây, đã được Thượng tọa Thích Thái Hòa đề cập đến trong bộ “Kinh Pháp Hoa tinh yếu” (ấn bản năm Phật lịch 2552-2008) là rõ ràng nhất. Thượng tọa cho biết:  Việc thiêu thân cúng dường của Ngài Tuệ Pháp (1871-1927) ở chùa Thiên Hưng, Huế năm 1927 đã nói lên việc thực hành hạnh nguyện theo Dược Vương Bồ tát của kinh Pháp Hoa”) (sđd trang 182).

                                                         ***                                

      Bảo tháp của Hòa thượng được xây dựng trong khuôn viên chùa Từ Hiếu, Huế. Nội dung văn bia do Thiền sư Trừng Thông Viên Thành, khai sơn chùa Tra Am cẩn soạn  (ngày 17.11 năm Đinh Mão, 10.12.1927).

     Bằng tấm lòng cung kính và ngưỡng mộ vô biên, Thiền sư đã tán thán đạo phong và hạnh nguyện lớn lao của Ngài như sau:

 


       Nguyên văn:

       Phiên âm:

Giác Hoàng ứng thế thùy vi ngôn

Bàng bạc nhật nguyệt chu càn khôn

Trí giả tài biện cùng hóa nguyên

Thời vi diễn thuyết khai mê hôn

Hằng sa giáo điển tuy vân vân

Diêu nhập Thiên Thai chỉ quán môn

Đại sư cận xuất dương thanh phân

Chí kiên khí trực mạo thả ôn

Thiếu nhi mẫn ngộ lão ích cần

Hoặc sám hoặc yết vong bô cân

Trung hưng giáo quán chân diệt quần

Tung hoành ngôn luận diệu nhập thần

Di văn xán nhược khả thảo luận

Từ thuần lý chỉnh đạo bất phiền

Hà nhĩ học đồ nhật tuấn bôn

Ký tư chính giác tiêu ba tuần

Hạnh cao danh trọng thượng quốc văn

Thiên tử khiển sứ lai trung các

Triều dã huân thích cố sở hân

Điệp mông cung tứ hồi thiên ân

Tri thân biến diệt như phù vân

Thệ dũng khí xả cam xu phần

Tông thuyết kiêm thông thùy kỳ nhân

Sư tâm liễu liễu sở túc đôn

Pháp thân vô tướng ninh phi chân

Kim tuy vân vong ninh phi tồn

Hậu thế tử tôn kỳ phiên phiên

Khâm sư đạo hạnh quán tư văn!

Bảo Đại nhị niên Đinh Mão, A Di Đà Phật chứng nhật (3)

Mật Sơn Tra Am pháp điệt Viên Thành cẩn soạn

 

        Bản dịch 1:

Giác hoàng ứng thế đẹp lời thay

Bàng bạc trăng sao rạng xứ này

Trí tuệ biện tài nguyên lý hiện

Liệu bề diễn giảng độ mê say

Hằng sa giáo điển khắp vô lượng

Ấn nhập Thiên Thai tuyệt diệu này

Cao khiết chí Sư ai dám sánh

Lòng kiên, khí trực xứng râu mày

Ấu thơ nhập đạo, lão chuyên cần

Sám tội giảng kinh mỗi hộ thần

Giáo quán trung hưng thương mọi lớp

Tung hoành ngôn thuyết thiệt như phân

Văn từ khảo cứu càng thêm tỏ

Thuận lý chơn như chín trọn phần

Nhân ấy học đồ thêm ngưỡng mộ

Sanh tâm chánh giác dẹp Ba tuần

Hạnh cao đức trọng chư tôn thờ

Thái tử thương yêu mãi cậy nhờ

Ngoài quận trong triều ai cũng mến

Ân vua nợ chúng vẹn đôi bờ

Quán thân biến diệt mây bay cả

Tam muội hỏa quang sự cậy nhờ

Tông thuyết trí Sư đều am hiểu

Nội tâm liễu liễu chẳng lên bờ

Pháp thân vô tướng há không chơn

Nay tạm tiêu vong há chẳng còn

Hậu thế mai sau cứ vậy mãi

Đọc văn Sư tổ thẳng lên non.

 

 Hòa thượng THÍCH GIỚI HƯƠNG (dịch)

        Bản dịch 2:

                     Xuống cõi thế Giác Hoàng diễn thuyết

                     Giữa đất trời nhật nguyệt vần xoay

                     Trí cao bàn bạc giỏi thay

                     Những khi nói pháp phá ngay mê mờ

                     Bao giáo điển vò tơ kể vạn

                     Riêng Thiên Thai chỉ quán thật hay

                     Đại sư xuất hiện gần đây

                     Chí bền, khí thẳng, dáng thầy dịu êm

                     

Bé thông sáng, già thêm chăm chỉ

                     Sớm lại chiều đảnh lễ, giảng kinh

                     Giữ giáo quán, vượt thế tình

Thao thao bàn bạc thần minh diệu kỳ

Văn để lại nhiều khi thảo luận

Lẽ thẳng ngay, lời chuẩn, đạo mầu

Xa gần kẻ học thấm sâu

Đến nay chánh  giác sạch làu bụi nhơ

Tiếng cao hạnh bay vô cung ngự

Được đức vua sai sứ đến vời

Vương thân quý thích mến người

Bao phen ơn đội cửa trời xiết bao

Biết thân xác khác nào mây nổi

Quyết tự thiêu tròn mối nguyện ngài

Kiêm thông tông thuyết mấy ai

Làu làu tâm Phật nào sai duyên lành

Thân pháp há không hình chẳng thật

Nay người đi há mất chẳng còn

Đời sau con cháu dập dồn

Kính sư đạo hạnh, đọc luôn văn này.               

 

(LÊ NGUYỄN LƯU, dịch)

                                           

Cẩn soạn nhân Kỷ niệm 82 năm Hòa thượng viên tịch.

Phật tử TÂM QUANG 

 

    Chú thích:

    1. Hòa thượng là một vị Giáo thọ sư danh tiếng, Ngài đã đóng góp nhiều công lao to lớn trong sự nghiệp đào tạo Tăng tài cho Phật giáo Thừa Thiên, Huế  suốt ba thập kỷ đầu của thế kỷ 20. Nhưng chúng tôi không rõ vì lý do gì mà trong bộ “Tiểu sử Danh Tăng Việt Nam thế kỷ XX”của Thượng tọa Đồng Bổn, bản in năm 1995, lại không thấy có Tiểu sử của Ngài. Trong khi đó, thì rất nhiều vị đệ tử theo học với Ngài đều có ghi Tiểu sử?.

     2. Phổ Linh Sơn chùa Thiên Hưng, là nơi quy tụ nhiều bậc thiện tri thức của Phật giáo Huế lúc bấy giờ, như: Nguyên Bố chánh sứ Nguyễn Khoa Luận (1834-1900) (Sau là Đại sư Thanh Chân Viên Giác, khai sơn chùa Ba La Mật, ở Huế), Nhị giáp Tiến sĩ Mai Sơn Nguyễn Thượng Hiền (1868-1925) (Sau là nhà chí sĩ hoạt động tích cực trong Phong trào Đông du của cụ Phan Bội Châu), bà Tôn Nữ thị Diễm, con gái quan Đại thần Tôn Thất Thuyết, trong phong trào Cần Vương dưới triều vua Hàm Nghi, cụ Bá hộ Phan Thiên, cùng nhiều thiện nam tín nữ tâm huyết khác nữa...

    3. Theo bản của Hòa thượng Giới Hương phỏng dịch trong cuốn Văn bia chùa Huế, thì chữ này là chữ “Minh”.

       

 

 
 
   
 
  
Tìm kiếm

 
  
Tìm trên:     hoangphap.info web khác
Visitor Number: 
Hôm nay