Phật giáo và vấn đề thần linh, cầu nguyện, nghiệp, phước
Thầy Thanissaro
Cập nhật: 14:38:54 24/05/2009

Phật giáo và vấn đề thần linh, cầu nguyện, nghiệp, phước

Thầy Thanissaro

Giải Nghiêm chuyển ngữ

1. 3wishes hỏi: Tôi nghe nói đạo Phật không có thần linh và cũng nghe nói đạo Phật bao giờ cũng có thần linh. Nhiều người Tây phương có vẻ được thu hút bởi thuyết không có thần linh, nhưng đó có phải là một nhận thức sai lầm của Tây phương không?

Thần linh có mặt trong các kinh điểm cổ nhất, nhưng không phải với tư cách đối tượng của sự quy ngưỡng hay quyền lực phải được phục tùng. Thần linh về cơ bản không dính dáng gì đến vấn đề đích thực của đạo Phật là làm sao để điều phục tâm để nó không còn gây đau khổ nữa.

Thần linh trong các kinh điểm cổ bao gồm từ thần cây, chư thiên – gần giống như thần tiên hay thiên thần -, cho đến các trời Phạm thiên, thiên chủ - tự cho rằng mình đã sáng lập ra vũ trụ. Các thần linh này được sinh vào những vị trí đó nhờ những phước báo trong quá khứ, và khi hết phước họ phải đoạ ra khỏi những vị trí này. (Mình cũng có thể đã là chư thiên trong quá khứ, và bây giờ mình trở lại làm người. Nhớ như vậy sẽ giúp mình không sợ trời hay chúa.) Có lúc thần linh phù trợ, nhưng có lúc không; có lúc họ được miêu tả là thông minh, nhưng cũng có lúc lại vô minh và đạo đức giả. (Có một bài kinh, trong đó một thần cây nữ thấy một tì khưu tắm xong từ dưới sông đi lên, bèn ra khỏi cây để gạ gẫm ông. Trong một kinh khác, một vị tì khưu đắc thiên nhãn thấy được Phạm Thiên Vương, người cho rằng mình đã sáng lập ra vũ trụ. Tì khưu đó hỏi Phạm Thiên Vương vũ trụ vật lý chấm dứt ở đâu, và Phạm Thiên Vương chỉ lập đi lập lại: “Ta là Phạm Thiên, Đại Phạm Thiên, Tối Thắng, Vô Thượng, Toàn Tri, Toàn Năng, là bậc Tối Thắng Tôn, đấng Sáng Tạo, đấng Sáng Thế, Chủ Tể, là bậc Điều Khiển và Cai Trị, là Cha của tất cả những gì đã đang và sẽ hiện hữu (Sinh Chủ.)” Vị tì khưu nói: “Đó không phải là điều tôi hỏi.” Cuối cùng, Phạm Thiên Vương cầm tay vị tì khưu, kéo qua một bên, và thú nhận rằng ông không biết câu trả lời cho câu hỏi của vị tì khưu, nhưng không muốn làm cho đoàn tùy tùng của mình thất vọng bằng cách thú nhận sự không biết của mình trước mặt họ.)

Tóm lại, các kinh điển cổ miêu tả các thần linh là vẫn còn bị chi phối bởi tham, sân, si giống hệt như chúng ta. Trong lĩnh vực này, họ thua xa đức Phật và các đệ tử A La Hán của Ngài. Các kinh cổ khuyên nên tôn trọng và gởi tâm niệm lành đến cho chư thiên, giống như mình đối xử với các chúng sinh khác, nhưng không khuyên mình phải tuân phục chư thiên hay tin tưởng vào một giáo lý chỉ vì có một thần linh xuất hiện trước mặt mình và rao giảng giáo lý ấy. Thay vì vậy, Phật giáo chú trọng vào khả năng sử dụng lý trí của mình, phối hợp với niềm tin hợp lý vào sức mạnh của hành động (nghiệp lực.) Thần linh là một phần của bức tranh Phật giáo, nhưng không nhất thiết là những người chỉ đường trên đường Đạo.

2. Dharmabum hỏi: Tôi còn mới trong đạo Phật, tôi có một câu hỏi về cầu nguyện. Khi mình muốn tưởng đến một người và cầu cho họ được bình an, cách cầu nguyện đó có nên không? Và mình cầu nguyện ai?

Đạo Phật – ít nhất là dạng đạo Phật do đức Phật giảng dạy – không có người để mình gửi lời cầu nguyện tới. Nhưng đạo Phật có khuyên mình tưởng đến ai đó và mong cho họ được an toàn, hạnh phúc. Sức mạnh của lời nguyện này – đặc biệt nếu được phát khởi khi tâm đang có định mạnh – mạnh mẽ hơn mình tưởng. Nó tạo ra một năng lượng tốt cho thế giới, và khi mình cầu lành cho người khác một cách có ý thức, mình sẽ dễ tìm ra những cơ hội để thực sự giúp họ hơn.

3. Wondering hỏi: Có thể chuyển phước từ hành động hay suy nghĩ của mình cho người khác không? Và nếu có thì làm sao để đạt được? Cảm ơn thầy.

Nói chung, muốn chuyển phước đòi hỏi (1) người tạo phước phải hồi hướng phước báo của nghiệp lành ấy cho người thứ hai, và (2) người thứ hai, khi biết việc làm của người thứ nhất, khởi ý chấp thuận. Nếu người thứ hai không biết hay không chấp thuận, phước sẽ không chuyển được. Song, mình có thể gởi thiện ý cầu nguyện cho người khác, và họ sẽ được lợi ích dù biết hay không biết. Nếu liên hệ của mình với người kia có thể cho phép mình nói “Tôi thiền hôm qua,” hay “Tôi góp tiền làm một việc thiện và hồi hướng phước cho chị,’ mà không cảm thấy xấu hổ, ngượng nghịu, thì hãy làm điều ấy. Nếu liên hệ không tới mức đó, thì mình có thể đề nghị người kia hợp tác với mình trong những việc thiện, hay gởi ý niệm lành đến cho người ấy.

Trường hợp chuyển phước duy nhất, trong đó người nhận lập tức biết được sự hồi hướng là khi người ấy qua đời và sinh vào thế giới ngạ quỷ. Phước hồi hướng cho ngạ quỷ, nếu họ chấp nhận, sẽ đến với họ ngay lập tức. Phước là món ăn của thế giới này. Giáo lý này đến từ một kinh (Tăng Chi Bộ 10.177) trong đó một bà la môn đến với Đức Phật, nói rằng ông đã hành trì việc chuyển phước cho thân nhân quá vãng, và ông muốn biết phước đó thật sự đã đến với người thân của ông hay chưa. Đức Phật trả lời rằng nếu họ đang là quỹ đói thì phước đó đã đến với họ. Khi hồi hướng công đức cho thân nhân quá vãng, tâm nguyện lành trong ý muốn hồi hướng công đức cho họ sẽ làm tăng phước cho chính bản thân ông. Bà La Môn lại hỏi: “Nếu các thân nhân quá vãng của tôi không có ai sinh vào ngạ quỷ cả thì sao?” Đức Phật trả lời: “Mỗi người sống đều có thân nhân đang là ngạ quỹ.” Vậy hãy nhớ hồi hướng phước lành của mọi thiện nghiệp của mình đến cho thân bằng, quyến thuộc đã quá vãng.

4. Juliana hỏi: Em tôi ganh tị và tranh đua với tôi. Tôi có mặt khi con cô ấy cần đến tôi. Cô ấy nhỏ hơn tôi 16 tuổi; tôi có cảm tưởng cô ấy phóng đặt những kinh nghiệm tiêu cực của với mẹ lên tôi. Mẹ tôi là kẻ thù của cô ấy trước đây, bây giờ mẹ tôi già bệnh nên cô ấy hoà giải với mẹ… [người hỏi ngưng viết ở đây]

Hãy tự an ủi mình rằng những gì bạn làm cho em và cho cháu về lâu về dài không phải là uổng phí. Đừng để mình bị đầu độc bởi thái độ của cô ấy.

 

5. fcabbitza hỏi: Giả sử nghiệp (karma) không ảnh hưởng được đời sống người ta sau khi đã làm việc ác. Có công thức nào cho “Công Lý” (theo nghĩa “đáng với những gì người ấy phải gặp”, “đáng với những gì người ấy phải chịu”) trong luân lý Phật giáo hay không? Những con bồ câu làm gì để tự vệ (hay phản ứng lại) những con diều ó áp bức nó?

Chúng ta thường nói về công lý của nghiệp, nhưng định luật về nghiệp không vận hành theo các ý niệm thông thường của chúng ta về công lý. Xin đưa ra một vài khái niệm căn bản để giải thích.

Nghiệp (karma) là ý hướng. Nghiệp trong từng sát na chúng ta đang sống được hợp bởi ba yếu tố: các kết quả của nghiệp quá khứ, nghiệp hiện tại, và các kết quả của nghiệp hiện tại. Điều này có nghĩa là hiện tại không hoàn toàn bị ước định bởi quá khứ. Chẳng hạn, mình có thể tác động qua lại đến những nghiệp quả ác trong quá khứ bằng một đường lối khéo léo, làm vơi nhẹ bớt những khổ đau mà mình có thể đã chịu nếu như mình áp dụng một đường lối không khéo léo. Đó là vì sao đức Phật không bao giờ nói bất cứ ai “xứng đáng phải chịu” khổ vì một hành động nào đó. Hành động sẽ đưa đến những hệ quả tương ứng với phẩm chất của ý hướng chủ đạo cho hành động, nhưng muốn cảm thụ những hệ quả ấy, ta phải tương tác với chúng khi chúng ra hoa kết quả. Nghĩa là một người trong quá khứ từng làm điều ác không nhất thiết phải chịu khổ tương đương với người bị người ấy hại. Nếu người này thay đổi tâm tính, và thiền tập một cách khéo léo, thì khi những hành động tác hại kia bắt đầu kết quả, những khả năng mới của người này sẽ làm vơi nhẹ đi khía cạnh đau đớn của quả, và thậm chí có thể hoàn toàn tiêu trừ nó (khía cạnh đau đớn.)

Bây giờ xin quay lại, nhận thức thông thường về công lý của chúng ta tùy thuộc vào ý niệm cho rằng có chỗ khởi đầu và kết thúc rõ rệt. Với hai giới hạn rõ ràng này, ta có thể tính toán xem ai gây ra vấn đề, ai làm một số lượng x thiện và ác, ai làm nhiều hay ít hơn x, vân vân. Và từ đó ta có thể làm bản thanh toán. Nhưng với một vòng luân hồi (samsara) mà ngay chính đức Phật cũng không thể truy tìm điểm khởi đầu, thì không có điểm nào rõ rệt là điểm bắt đầu câu chuyện, và vì vậy, ta không thể thanh toán sòng phẳng rằng: số người này chịu một số lượng đau khổ x do hành động của những người kia, vậy số người kia phải chịu một số lượng đau khổ x để bù lại. Tất cả những gì ta có là  những chuỗi hành động mang lại kết quả tương ứng với cách mà chúng tương tác với những chuỗi hành động mang lại kết quả khác. Trong ngày, chúng ta hành động với nhiều ý hướng khác nhau – có khi ý thức hoàn toàn, có khi chỉ ý thức một phần – trong kho chủng tử nghiệp của mỗi người có quá nhiều loại nghiệp pha trộn. Đó là vì sao đức Phật nói mình có thể điên loạn nếu cố suy lường về mọi vận hành của nghiệp.

Đó cũng là vì sao đạo Phật không đầu tư nhiều trong việc thiết lập công lý. Thường những việc mình làm để trả lại đúng cho những cái sai tự thân chúng đã sai lầm. Vì vậy, thay vì tìm cách trả lại đúng cho sai, chúng ta hãy làm hết khả năng mình – bất hại chừng nào tốt chừng ấy - để làm điều phải và ngăn ngừa không cho những điều trái xảy ra.

Trong trường hợp mình là con bồ câu bị diều ó tấn công, đức Phật cho phép các tì khưu, khi bị kẻ khác đe doạ, đánh lại để tự vệ, nhưng Ngài khuyên họ không được đầu hàng sân hận, và không được khởi ác tâm đến những người đe doạ họ. Nhất thiết, họ không được đánh trả với ý muốn sát hại. Nguyên tắc này cũng có thể áp dụng cho người tại gia. Nghĩa là, mình có thể tự vệ, miễn là không phá các giới cấm sát hại và trộm cướp v.v…, và miễn là mình có thể giữ tâm trong sáng, chuyên chú vào việc ngăn cản người kia làm việc bất thiện, chứ không phải vào việc trả thù. Điều này chẳng khác gì đi dây trên một sợi cước mỏng manh, nhưng với thực tập, đó không phải là điều vượt ngoài khả năng con người.

Điều quan trọng cần nhớ là nếu cách duy nhất mình có thể nghĩ được để đánh bại diều ó là phá giới, thì hãy để cho chúng thắng trận đó. Kinh Pháp Cú nói: thắng ngàn người không bằng chiến thắng một người, người đó là chính mình.

 

6. Mark hỏi: Cảm ơn thầy đã cung cấp các bài Pháp qua các bài viết và giảng. Tôi là bác sĩ về ung thư, đang cố tìm hiểu giáo lý về nghiệp áp dụng vào cái khổ bệnh tật như thế nào? Cái đau của một đứa trẻ ung thư ở thời kỳ kết thúc liên quan đến ý hướng từ trước như thế nào?

Không phải mỗi người chỉ có một tài khoản nghiệp duy nhất, và những gì mình thấy nơi họ là tổng số hiện hành của những hành động thiện ác của họ trong quá khứ. Thay vào đó, ta nên xem mỗi hành động trong quá khứ là một hạt giống, và nhớ rằng mỗi người có một nhà băng hạt giống vĩ đại. Có những hạt giống nảy mầm rất nhanh, có những hạt nằm yên rất lâu. Đồng thời, mỗi người đang tạo ra những hạt giống mới trong mỗi hành động có ý hướng. Tất cả những gì mình thấy trong một khoảnh khắc nào đó là những hạt giống đang nảy mầm và kết quả. Mình không biết quả ấy sẽ kéo dài bao lâu, hay có còn quả khác nữa không, những loại hạt giống đối lập đang chờ đợi để thay thế những hạt mà chúng ta đang thấy hiện thời.

Nói về bệnh tật, điều này có nghĩa là cơn đau bệnh là tập hợp của những hạt giống nghiệp của quá khứ và hiện tại đang ra hoa kết quả. Cơn đau ấy có thể chấm dứt bất cứ lúc nào, hay có thể tiếp tục trong một thời gian dài. Mình không biết. Mình cũng không thể nói rằng người này đáng phải chịu đau đớn, vì trong kho hạt giống của người ấy có thể có rất nhiều hạt giống nghiệp lành chưa nảy mầm. Và chính mình có thể cũng có đủ loại hạt giống lạ hiện chưa nảy mầm trong kho, vì vậy, nếu mình hiện giờ không khổ, mình không thể dùng giáo lý nghiệp để phán rằng mình cao hơn những người hiện đang chịu khổ. Đây chỉ là vấn đề hạt giống nào đang nảy mầm trong một thời điểm nào đó mà thôi. 

Nói đến vai trò người thầy của mình, Đức Phật có lần tự ví mình với một vị y sĩ đối diện với ba loại bệnh có thể xảy ra: loại có thể lành không cần thuốc, loại không lành dù uống thuốc, và loại chỉ lành nếu uống thuốc. Ngài nói, khi đối diện với một căn bệnh nào đó, vị y sĩ không biết nó thuộc vào loại nào, vì vậy vị ấy phải xem như nó thuộc loại thứ ba. Nói khác hơn, mình phải giả thiết người này có nghiệp – có thể từ các đời trước – mang lại cơn đau của căn bệnh, nhưng đó có thể là một nghiệp yếu ớt, sắp chấm dứt để được thay thế bằng một hạt giống cho phép căn bệnh lành nếu được điều trị thích đáng.

Là một bác sĩ, anh nên xem mỗi trường hợp như là có tiềm năng chữa được; ngay cả những trường hợp rõ ràng đang đi đến giai đoạn chót, anh làm những gì có thể để giảm đau đến mức tối đa, bởi vì bệnh không có nghĩa là người kia ‘đáng’ phải chịu khổ (xin xem câu trả lời của tôi với fcabitza), và tự anh cũng muốn tạo nên nghiệp thiện để nếu anh cũng lâm vào tình trạng tương tợ, anh cũng sẽ tìm được một bác sĩ có từ bi và trí tuệ để điều trị cho mình.

 

7. DrJonno hỏi: Thầy quan niệm thế nào trong việc xử lý tù nhân? Những kẻ tồi tệ nhất cũng có những hạt giống lành hay sao? Quan niện này định hình tư tưởng của thầy trong các lĩnh vực như án tử hình như thế nào?

Giáo lý về nghiệp nói rằng tất cả mọi người đều có cơ hội để thay đổi những ý hướng của mình trong mỗi giây mỗi phút. Điều này có nghĩa là bất cứ ai cũng có thể - có tiềm năng - học từ lỗi lầm của mình và quyết định thay đổi thái độ.

Thái độ tương đương với việc xử lý tù nhân của đức Phật nằm trong cách Ngài chế phạt những thành phần trong tăng chúng - chẳng hạn như khiển trách, giáng cấp, bắt sám hối, ngưng không cho ở trong Tăng nữa. Trong mỗi trường hợp, mục đích của việc phạt là để giáo dục lại, không phải để trừng trị. Nói khác hơn, chúng ta muốn người bị phạt học để thay đổi lề lối của mình. Chúng ta không tìm cách làm cho người ấy “đền tội.” Song, đức Phật cũng công nhận có những người chưa sẵn sàng để học. Trong trường hợp đó, họ bị ngưng không cho ở trong tăng đoàn cho đến khi nào người ấy học được bài học, để không làm hại đến những thành phần khác trong tăng đoàn, và kéo họ theo tà kiến của mình. Điều này tương đương với trường hợp những tù nhân hết sức ương ngạnh, phải bỏ vào những nơi mà họ không thể làm hại ai được.

Về án tử hình, không có lý do nào để bào chữa cho việc cố tình giết người (hay một chúng sinh) trong bất cứ hoàn cảnh nào. Giết một người tức là cắt đứt cơ hội có thể để người ấy học bất kỳ bài học nào về chánh nghiệp.

 

 
 
   
 
  
Tìm kiếm

 
  
Tìm trên:     hoangphap.info web khác
Visitor Number: 
Hôm nay