Nỗi hành hạ của sự liên tục
Nguyễn Duy Nhiên
Cập nhật: 15:16:45 14/05/2009

Nỗi hành hạ của sự liên tục

Trong khóa tu đầu tiên với ngài U Pandita, tôi thường cẩn thận ghi chép lại vắn tắt những kinh nghiệm của mình sau mỗi giờ ngồi thiền và đi kinh hành. Tôi làm như thế vì muốn có thể báo cáo với ngài thật chính xác trong những giờ trình pháp. Buổi trình pháp đầu tiên, tôi bước vào và sắp sửa trình bày những kinh nghiệm của mình. Trong khi tôi vừa bắt đầu kể thì ngài U Pandita ngắt lời: “Thôi bỏ việc đó đi. Hãy nói cho tôi nghe tất cả những gì cô ghi nhận trong khi cô mang giày vào!” Tôi đáp: “Thật ra thì con không có chú tâm gì đặc biệt lắm trong khi xỏ giày.” Ông bảo tôi lần sau nên cố gắng hơn, và thế là xong buổi trình pháp. Tôi bỏ hết thời gian còn lại trong ngày để tập ngồi thiền, đi kinh hành, và đặc biệt chú tâm rất cẩn thận mỗi khi tôi xỏ giày vào, ghi nhận từng tác ý, từng cử động và cảm xúc của mình.

Ngày hôm sau vào trình pháp, tôi sắp sửa báo cáo lại những kinh nghiệm ngồi thiền, đi kinh hành, và trong khi mang giày của tôi thì ngài U Pandita nói: “Cô hãy nói cho tôi nghe tất cả những gì cô đã ghi nhận trong khi cô rửa mặt.” Xui thật, tôi không có chú tâm gì nhiều trong lúc rửa mặt, nên chỉ biết đáp: “Dạ thưa, con không có ghi nhận gì hết.” Buổi trình pháp thế là xong. Tôi đi ra ngoài để ngồi thiền, đi kinh hành, mang giày và rửa mặt trong chánh niệm.

Mỗi ngày U Pandita lại hỏi tôi một câu khác. Vì không biết ngài sẽ hỏi đến việc gì kế, nên cuối cùng tôi khám phá là mình cần phải thực hành chánh niệm trong mọi hành động – mang giày, chải tóc, đánh răng, tắm giặt, nhìn đồng hồ đeo tay... Lúc đầu tôi cảm thấy điều đó nặng nề vô cùng – tôi phải chú ý trong mỗi giây mỗi phút. Trong tâm, tôi thầm đặt tên cho khóa tu này là “nỗi hành hạ của sự liên tục”. Nhưng rồi tôi khám phá được sự hữu ích vô cùng của việc duy trì chánh niệm liên tục. Khi tôi không còn chống cự nữa, nó mở rộng ra cho tôi thấy một sự hiểu biết sâu sắc về thế nào thật sự là thiền tập.

Trong kinh điển nhà Phật có đề cập về Mười chín phương cách giữ chánh niệm và liệt kê hầu hết tất cả những hành động của thân ta trong đời sống hằng ngày. Ngoài việc duy trì chánh niệm trong bốn uy nghi đi, đứng, nằm ngồi, trong so này còn liệt kê thêm những chi tiết như là giữ chánh niệm trong khi đi tới hay đi lui, khi nhìn đến trước hay nhìn sang hai bên; giữ chánh niệm khi ta co giãn chân tay hay thân mình. Danh sách ấy nói, khi nhai đồ ăn hay uống nước cũng là lúc để ta thực tập chánh niệm. Nó còn gồm cả việc mặc áo vào, thay áo ra, đi vào phòng tắm, bước xuống giường, mở mắt ra... Bản danh sách ấy chấm dứt bằng lời nhắc ta giữ chánh niệm trong những lúc ta phải nói và trong khi ta im lặng. Bản kinh trình bày cho ta thấy rõ rằng thiền tập không phải chỉ có ngồi và đi mà thôi, thiền tập bao gồm hết tất cả mọi hành động của ta trong đời sống hằng ngày.

Đó là phương pháp tu tập mà ngài U Pandita đã trao truyền cho tôi, “nỗi hành hạ của sự liên tục” thật ra đã trở thành một hạnh phúc lớn. Thay vì cảm thấy rằng tôi cần phải bỏ những gì mình đang làm, đi vào thiền đường để kinh nghiệm thiền quán, tôi hiểu là bất cứ một việc gì tôi đang làm trong giờ phút này chính là điều mà tôi cần phải giữ chánh niệm. Cho dù uống một tách trà hay ngồi yên trong thiền đường, sự tu tập của ta là phải thật sự có mặt và giữ chánh niệm cho trọn vẹn. Co tay, duỗi chân, đứng lên, ngồi xuống, thấy, nghe, nếm, ngửi... Mỗi bước chân đi về thiền đường cũng quan trọng như bất cứ một kinh nghiệm nào khác tôi có trong khi ngồi yên trên tọa cụ. Tôi không cần phải đi tìm kiếm bất cứ một kinh nghiệm kỳ diệu hay một cảm thọ khác thường nào hết. Thiền tập là một lối sống. Sau khóa tu ấy, những ý tưởng của tôi cho rằng thiền tập chỉ xảy ra trong thiền đường hoàn toàn tan biến mất.

Bài học này cũng đã giải quyết giùm tôi một vấn đề lớn khác. Luôn luôn duy trì chánh niệm có nghĩa là ta không có thì giờ để phán xét. Chẳng hạn, tôi không thể nào nhìn lại một giờ ngồi thiền và phê phán rằng nó tốt hay xấu, vì ngay trong hành động xả thiền, đứng dậy, tôi cũng phải giữ chánh niệm về kinh nghiệm đang xảy ra trong lúc ấy. Nếu tâm tôi có xao lãng, mà việc đó rất là thường, lúc nào cũng sẽ có một việc khác xảy ra trong giờ phút hiện tại bắt tôi thu thúc lại chánh niệm – một mùi vị, một âm thanh, một sự co giãn, một sự xúc chạm... Không có thời giờ nào dành cho sự tiếc nuối: “Nãy giờ mình nghĩ bâng quơ gì vậy? Tại sao mình lại dễ duôi quá vậy? Thiền sinh như thế này thì hỏng hết!” Khi gánh nặng của sự phán xét và đánh giá được bỏ xuống, mỗi giây phút đều trở nên quý báu và quan trọng như nhau.

Tôi ý thức được sâu sắc rằng, tôi không cần gì khác hơn ngoài những việc đang xảy ra ngay bây giờ... và ngay bây giờ... và bây giờ... để thực tập chánh niệm Mục tiêu tu tập của ta không hề nằm ở một tương lai xa xôi nào hết, nó có mặt ngay bây giờ và ở đây, dầu là bất cứ việc gì đang xảy ra.

Nguyễn Duy Nhiên

 
 
   
 
  
Tìm kiếm

 
  
Tìm trên:     hoangphap.info web khác
Visitor Number: 
Hôm nay