Nghỉ ngơi tâm mỏi mệt
Nguyễn Duy Nhiên
Cập nhật: 07:06:50 13/05/2009

Nghỉ ngơi tâm mỏi mệt

Khi trung tâm Insight Meditation Society mới mở, một trong những người hướng dẫn là Steve Armstrong có làm một tờ quảng cáo nhỏ đùa chơi, trong ấy anh có đăng một câu châm ngôn thật tuyệt: “Thà là ngồi yên không làm gì hết còn hơn là hoang phí thời giờ của bạn.” Mặc dù câu châm ngôn của anh đã không xuất hiện trên tờ quảng cáo thật sự, nhưng nó đã diễn đạt rất chính xác về mục đích của thiền tập. Cơ bản là vậy, chúng ta thực tập chánh niệm, thiền quán là học cách không làm gì hết, để khỏi hoang phí thời giờ cũng như sự sống của mình. Chúng ta tập không hành xử theo tập quán và thói quen, không làm những hành động thất niệm có khuynh hướng tạo khổ đau cho ta và kẻ khác. Không làm gì hết, trong đạo Lão gọi là vô vi, không có nghĩa là ta đóng kín tâm mình lại và đi ngủ, nhưng nó có nghĩa là an nghĩ. Ta an nghĩ tâm mình bằng cách có mặt với bất cứ một việc gì đang xảy ra trong giờ phút hiện tại mà không cộng thêm một cố gắng hoặc một sự kiểm soát nào hết. Vô vi có nghĩa là an trú.

Ở trạng thái bình thường, trong tâm thức ta vẫn có một tiến trình có mặt mà thuật ngữ Phật giáo gọi là bhava, có nghĩa là “trở thành”. Trong trạng thái “trở thành” này, chúng ta thường kín đáo nghiêng về phía tương lai, muốn có được một sự an toàn, một cái gì mà ta có thể nắm bắt được, ta muốn giữ cho sự vật đừng thay đổi. Trong trạng thái ấy ta không thể nào có được sự quân bình, nó thôi thúc ta đi tìm một hơi thở kế tiếp trong khi hơi thở trước mặt vẫn còn đó.

Khi các thiền sư nói về sự buông bỏ hoặc xả ly, là các ngài nói đến việc buông thả cái gánh nặng “trở thành” này và trở về với tự tánh của ta, một trạng thái an lạc tự nhiên. Hành động hữu ích nhất trong thiền tập là sự trở lại, sự nghỉ ngơi, không nghiêng về tương lai, biết buông bỏ. Chúng ta có thể buông bỏ được hết, cho dù đó là sự mong đợi một hơi thở kế tiếp, để ta ngồi yên lại, trở về với giây phút hiện tại, trở về với chính mình. Và vô vi chỉ có nghĩa là vậy.

Thiền tập không phải là xây dựng một cái gì xa lạ bên ngoài ta. Nó cũng không phải là cố gắng đạt được một kinh nghiệm nào đó để cho ta bám giữ. Có lẽ, ta có một ước mơ thầm kín là qua thiền tập ta sẽ thu thập được một số kinh nghiệm kỳ diệu, hay là một vài điều nổi bật, để rồi ta có thể đem ra khoe khoang với kẻ khác. Có lẽ, ta tưởng rằng mình sẽ trở nên cao trọng hơn nhờ những thành quả tâm linh thu lượm được, với một ý niệm sở hữu, như là “sự giác ngộ của tôi,” “tuệ giác của tôi”. Tâm thức chúng ta đã bị ảnh hưởng nhiều bởi văn hóa ngày nay, xem việc giác ngộ như là một sự trình diễn nghệ thuật hoặc một cấp bậc trong xã hội: “Người ta chắc chắn thế nào cũng nhận ra tôi là người đã giác ngộ.”

Buông bỏ được gánh nặng của cái tham vọng thu góp và nặng phần trình diễn này, ta sẽ giúp cho tâm mình được nghỉ ngơi thoải mái. Như một vị thầy của tôi, ngài Nyoshul Khen Rinpoche diễn tả: “Hãy đem tâm hồn mỏi mệt về nghỉ ngơi trong một sự an lạc rộng lớn tự nhiên.” Và từ đó, thay vì hoang thí thời giờ của mình, thái độ không làm gì hết, vô vi, có thể đưa ta đến một tuệ giác và sự an nghỉ bất tận.

Nguyễn Duy Nhiên dịch

 
 
   
 
  
Tìm kiếm

 
  
Tìm trên:     hoangphap.info web khác
Visitor Number: 
Hôm nay