MỞ LỚN CON ĐƯỜNG
Thích Thái Hòa
Cập nhật: 23:13:16 08/05/2009

                                                  MỞ LỚN CON ĐƯỜNG

                     
                                Thích Thái Hòa

                                                              

                                                                                       CHÙA PHƯỚC DUYÊN HUẾ 2008 - 2552                              

 

MỤC LỤC

 

Con Đường Khoan Dung……………………..09

Con Đường Giáo Dục…………………………13

Kho Báu Vô Tận………………………………26

Ma Tử………………………………………… 28

Mở Rộng Không Gian……………………….  30

Hiếu Hạnh……………………………………   32

Dòng Tâm An Bình…………………………..  33

Người Đi Chùa Thông Minh………………… 37

Đổi Mới Cách Nhìn…………………………... 41

Chính Nó Là Cuộc Sống……………………... 44

Coi Chừng Tâm Bạn…………………………. 46

Đừng Ngăn Lối Về…………………………… 49

Từ Bụi Đời Phiền Não……………………….. 51

Ngay Trong Cuộc Sống Này………………… 56

Thiện Và Ác Tri Thức……………………….  59

Nhận Diện Và Thay Thế…………………….  61

Đi Trong Đại Trí Và Đại Bi…………………. 65

Khổ Đau Đến Từ Cá Tính Và Tùy Tiện……..70

Đừng Nghĩ Và Đừng Làm…………………….73

Hoa Trái Cho Bạn…………………. ……………75

Bàn Tay Của Bạn………………….. ……………76

Tâm Thức Khủng Bố……………… ……………77

Sống An Toàn Và Lợi Ích……………………… 80

Bay Mãi Đến Vô Cùng……………. ……………84

Chơn Và Vọng……………………. ……………..87

Tình Cảm Hòa Điệu……………………………...88

Nhiễm Tịnh Đều ở Tâm Ta………………….…. 90

Tâm Thức Và Hành Động Của Chúng Ta…….  92

Dung Hóa Mọi Nguồn…………………………... 93

Ngay Nơi Khổ Đau……………………………… 94

Với Ý Thức Ta Cùng Hiện Hữu……………….. 99

Cái Biết Của Những Bậc Chân Nhân………... .101

Phương Pháp Chặt Đứt Khổ Đau……………...104

An Toàn Và Cao Quý Cho Bạn………………...

Vô Thường Và Nhân Duyên Hội Đủ…………. .109

Những Tên Trộm Bị Hủy Diệt……………….…112

Ngu Và Trí…………………………………….…117

Nhiếp Phục Tâm Sân Hận………………………119

Nơi Bàn Tay Ta………………………………….126

Địa Ngục Trá Hình …………………………. …….129

Đẹp Trong Quy Luật Vô Thường………………….130

Cao Quý Trong Tâm Thức Ô Nhiễm…………….. 131

Người Thông Minh…………………………………132

Chỉ Nói Một Lời …………………………………... 133

Giặt Chiếc Áo……………………………………….135

Bậc Đại Nhân……………………………………… 136

Người Biết Sống Hạnh Phúc……………………….138

Những Bi Kịch………………………………………141

Tạm Gọi Như Vậy…………………………………..144

Vượt Qua Ảo Tưởng………………………………. 145

Không Một Ai Có Thể Thay Thế………………….146

Ung Dung Vượt Ra Khỏi Mệnh Lệnh……………..147

Giúp Ta Làm Đẹp Cuộc Đời……………………….149

Những Xung Đột Nơi Xã Hội Người Mù………….152

Nhận Diện Và Yêu Mến Cuộc Đời…………………157

Chiếc Lá Và Tên Phù Thủy………………………..164

Nhìn Lại Thân Mình……………………………….168

Buông Bỏ Ý Niệm Đối Lập…………………………175

Hạnh Phúc Trong Bóng Đêm………………………179

Từ Biển Tâm Tĩnh Lặng…………………….182

Kham Nhẫn Là Những Phép Lạ……………185

Cái Nhìn Mầu Nhiệm………………………. .187

Nhu Cầu Con Người…………………………194

Bài Kinh Nhỏ Hay Bài Kinh Vượt Qua ……198

Hoàn Thiện Từ Lầm Lỗi…………………….203

Hương Đức Hạnh…………………………….208

Pháp Của Người Lãnh Đạo………………….211

Bài Toán Muôn Đời………………………….214

Không Có Cái Duy Nhất…………………….219

Người Tự Hại………………………………...220

Phải Biết Tự Cứu Lấy Mình………………...224

 

 

 

 CON ĐƯỜNG KHOAN DUNG

 

Chúng ta không thể nào có hạnh phúc, nếu trong tâm thức của mỗi chúng ta có quá nhiều ước mơ. Bất cứ ước mơ nào cũng làm cho đời sống của chúng ta đều đi bị hỏng đất.

Ta có những giấc mơ làm giàu, giấc mơ làm những nhà tỷ phú. Chính giấc mơ nầy đã đưa ta chạy đua về hướng ấy, và đã giết chết đời sống thanh thản và tự do của ta.

Không có nhà tỷ phú nào không kiêu hãnh về tiền bạc, nhưng chính niềm kiêu hãnh ấy, lại tạo ra những sự lo lắng, sợ hãi, nghi ngờ và bất hạnh cho họ.

Ở trên đời, không có nhà giàu nào bận rộn đối với áo cơm, nhưng họ rất bận rộn đối với cách cất giữ tiền bạc, họ lo lắng về sự mất mát tiền bạc và tài sản. Những sự biến động bất chừng của thị trường chứng khoán, hay bất cứ những sự biến động nào, đều khiến cho họ ăn không ngon và ngủ không yên.

Trong tâm thức họ, những hạt giống nghi ngờ và đề phòng, chúng hoạt động hết sức mãnh liệt và vì vậy, họ tuy ở trên tiền bạc, mà hạnh phúc hay bình an đối với họ quả thực là hết sức khan hiếm.

 

Có khi ta không ước mơ làm người giàu, nhưng ước mơ làm người có nhiều quyền lực trong xã hội. Chính ước mơ nầy đã giết chết những tâm hồn thanh thản và tự do của ta. Tâm kiêu mạn ở trong mỗi chúng ta thường làm sinh khởi những giấc mơ quyền lực cho ta và đưa ta chạy đua theo hướng ấy.

Ở trên đời không có nhà quyền lực nào thực sự có tự do. Và ở trong đời, không có người nắm quyền lực nào là không sợ hãi. Ta có thể đặt câu hỏi rằng, ở trên đời, ai là người có nhiều sự sợ hãi, lo lắng và đa nghi nhất? Trả lời chính xác cho câu hỏi ấy, chính là những người nắm quyền lực. Tại sao? Vì người đam mê quyền lực thường được dẫn khởi từ lòng tham và tâm kiêu mạn của họ. Lòng tham thường dẫn sinh sự lo lắng và sợ hãi. Lòng tham giết chết sự tự do trong đời sống của mỗi chúng ta. Và tâm kiêu mạn thường dẫn sinh cảm giác cô độc cho ta và giết chết đời sống từ hòa ở trong ta đối với mọi người.

 Lại nữa, người nắm quyền lực, những hạt giống nghi ngờ hoạt động ở trong tâm thức của họ là vận hành thường xuyên và mãnh liệt, khiến niềm tin tưởng của họ đối với mọi người bị xói mòn.

 

Có đôi khi ta không ước mơ làm giàu hay ước mơ nắm quyền lực, nhưng lại ước mơ mình sẽ là người đẹp hay ít ra mình được sống với người đẹp.

Ước mơ mình sẽ là người đẹp và được sống với người đẹp, đó là những ước mơ chung của tất cả chúng ta. Nhưng, có những phương pháp nào giúp ta đạt được những ước mơ ấy? Biến ước mơ trở thành hiện thực chẳng đơn giản chút nào.

Có những khi ta chỉ đẹp thể xác, nhưng không đẹp tâm hồn, hoặc có khi ta chỉ đẹp tâm hồn, nhưng không đẹp thể xác, hoặc có khi ta không đẹp thể xác mà cũng không đẹp luôn cả tâm hồn và có những khi ta vừa đẹp thể xác và đẹp luôn cả tâm hồn.

Ta muốn đẹp thể xác, các Thẩm mỹ viện có thể giúp được cho ta, nhưng ta muốn đẹp tâm hồn, thì không có bất cứ Thẩm mỹ viện nào có thể giúp ta nổi. Ta muốn có một tâm hồn đẹp, thì tâm hồn  ta phải có đầy đủ bốn chất liệu Từ, Bi, Hỷ, Xả.

Ta có lòng Từ là ta biết chăm sóc nỗi đau của mình và người khác, khiến cho những nỗi đau ấy không loan lỗ ra trên mặt ý thức, cũng như trên những biểu hiện thực tế của thân và ngữ.

Ta có lòng Bi là ta biết làm giảm và triệt tiêu khổ đau của ta và người, không phải chỉ ở mặt hiện tượng mà ở mặt bản chất; triệt tiêu không phải chỉ mặt biểu hiện của ý thức mà ở mặt tích lũy của tâm thức.

Ta có lòng Hỷ là tâm ta không có những hạt giống khoe khoan những gì tốt đẹp của mình và tật đố hay ganh tỵ đối với những gì tốt đẹp của người. Ta biết khắc phục những gì thấp kém nơi ta và tùy thuận với những gì tốt đẹp của người.

Ta có lòng Xả là ta có hành động để giúp người, nhưng tâm không hề thủ lợi, không hề khởi lên những ý niệm về cái tôi và cái của tôi.

Bốn chất liệu Từ, Bi, Hỷ, Xả nầy sẽ tạo nên một tâm hồn và đời sống cao đẹp cho ta, không phải chỉ khi ta thức mà cả khi ta ngủ, không phải chỉ trước mặt mọi người mà cả sau lưng mọi người, không phải chỉ nơi nầy mà cả nơi kia, không phải chỉ đời nầy mà cả đời khác nữa.

Như vậy, Từ, Bi, Hỷ, Xả là chất liệu tạo nên cái đẹp cho ta từ nội dung đến hình thức, từ thân thể đến tâm hồn. Cái đẹp ấy, chính là  cái đẹp của chân thiện và chân mỹ.

Ta chỉ ước mơ mà không có phương pháp thực hiện, thì những ước mơ của ta chỉ là hão huyền. Hạnh phúc đến với ta chỉ là những kết quả của ước mơ. Kết quả ấy chỉ xẩy ra cho ta khi nào ta có một tác nhân và tác duyên lành mạnh. Tác nhân lành mạnh là tâm cao thượng và trong sáng nơi ta; tác duyên lành mạnh là thầy ta, là những thiện hữu tri thức của ta đã tác thành và hỗ trợ cho ta khiến cho tâm từ bi, tâm hỷ xả nơi ta càng lúc càng phát triển lớn mạnh làm dẫn sinh hoa trái của hạnh phúc.

Hoa trái hạnh phúc đích thực chỉ có mặt, khi tâm ta đã có đầy đủ chất liệu của khoan dung và độ lượng hay trí tuệ và từ bi.

 

 

CON ĐƯỜNG GIÁO DỤC

 

Hạnh phúc là từ ngữ không phải tất cả chúng ta chỉ nói với nhau trên môi, mà còn là niềm ước mơ muôn thuở trong lòng của mỗi chúng ta và nó cũng là định hướng cho chúng ta trong mỗi việc làm hàng ngày.

Tuy ước mơ và định hướng như vậy, nhưng ở trong đời đã có mấy ai có hạnh phúc và khám phá ra được ý nghĩa đích thực của nó?

Có người cho rằng, hạnh phúc là những cảm giác dễ chịu và lâng lâng khi mắt ta tiếp xúc với các hình sắc và màu sắc thích ý; hay hạnh phúc là những cảm giác dễ chịu khi tai ta nghe những âm thanh vi diệu; mũi ta ngửi những hương thơm; lưỡi ta tiếp xúc và nếm được những mùi vị thích ý của các loại thực phẩm; thân ta xúc chạm với các đối tượng khả ái của thân thể và những sự tiếp xúc ấy đã cho ta những cảm giác thích ý, vừa lòng; ý ta tiếp xúc với các đối tượng làm phát sinh trong ta những cảm giác dễ chịu từ một điểm đến toàn thể và phát triển từ một điểm thấp nhất đến một điểm cao nhất.

Nếu ý nghĩa của hạnh phúc là như thế, thì chúng cũng chưa bao giờ là ý nghĩa hạnh phúc hiện thực cho mỗi chúng ta và trong mỗi chúng ta chưa một ai từng đạt được và sống với ý nghĩa hạnh phúc như thế.

 Vì không phải lúc nào và ở đâu, ta nhìn mọi hình sắc cũng vừa ý; không phải lúc nào và ở đâu ta nghe mọi âm thanh cũng vừa ý; không phải lúc nào và ở đâu ta ngửi các hương thơm cũng vừa ý; không phải lúc nào và ở đâu lưỡi ta tiếp xúc với các mùi vị cũng vừa ý; không phải lúc nào và ở đâu thân ta tiếp xúc với mọi đối tượng cũng vừa ý và không phải lúc nào và ở đâu, ý ta tiếp xúc với mọi đối tượng cũng đều thích ứng và vừa ý.

Tiếp xúc mọi đối tượng với tâm vừa ý, thì cảm giác dễ chịu bắt đầu khởi lên trong ta và như vậy là ta bắt đầu có hạnh phúc; tiếp xúc với mọi đối tượng với tâm không vừa ý, thì những cảm giác khó chịu bắt đầu khởi lên trong ta và như vậy là ta bắt đầu có khổ đau.

Khổ đau và hạnh phúc đến với mỗi chúng ta đều tùy thuộc từ các cảm nhận. Cảm nhận vừa ý là cho ta hạnh phúc và cảm nhận không vừa ý là cho ta đau khổ. Và nếu ta sống ở trong trạng thái tâm thức vô cảm, thì ta chẳng có hạnh phúc hay khổ đau gì cả. Sống với trạng thái tâm thức vô cảm, thì ta đang sống mà ta như đã chết. Và một người đang sống mà xem như đã chết, không ai bảo rằng, người ấy là người hạnh phúc cả.

Ta nhìn sâu vào trong tự thân của mỗi chúng ta, ta thấy rằng, phần nhiều ta có khả năng đi tìm cầu hạnh phúc hơn là khả năng tiêu diệt khổ đau. Và phần nhiều chúng ta có khả năng tiêu diệt hạnh phúc hơn là có khả năng tiêu diệt khổ đau. Và mọi phương pháp giáo dục của con người ở trong các xã hội quá khứ và hiện nay cũng đều thúc đẩy con người đi tìm kiếm hạnh phúc hơn là đào tạo con ngườì có khả năng trừ diệt nguyên nhân gây ra đau khổ cho chính họ.

Mọi phương pháp dạy cho con người tránh né khổ đau hay trốn chạy khổ đau để tìm kiếm hạnh phúc đều không phải là những phương pháp giáo dục hoàn chỉnh. Phương pháp giáo dục hoàn chỉnh là phương pháp giúp cho con người có cách nhìn chính xác đối với bản thân họ; đối với các cảm giác của họ; đối với tâm thức của họ và đối với những gì liên hệ với họ từ bên trong đến bên ngoài, từ bản thân đến gia đình và xã hội, cũng như mọi môi trường sinh hoạt liên hệ từ đời nầy và đời sau của họ, khiến cho họ có những hiểu biết chính xác về đời sống của chính họ và có khả năng tự bảo vệ cũng như tự thăng hoa đời sống ấy.

Đời sống con người không thể nào có hạnh phúc, khi chính trong đời sống của con người bị nợ nần và bị vây hãm bởi vật chất, bị nợ nần và bị vây hãm bởi tình ái, bị nợ nần và bị vây hãm bởi nghiệp báo.

Khi ta nhìn mọi hình sắc, ta nghe mọi âm thanh, ta ngửi mọi hương thơm, ta nếm mọi mùi vị, ta xúc chạm mọi đối tượng của thân và ý với tâm bận rộn, với tâm bị ràng buộc bởi các nợ nần và bị vây hãm đủ các thứ nợ nần tình ái và nghiệp báo, thì không tài nào ta có được cảm giác dễ chịu, chứ nói gì đến hạnh phúc.

Bị nợ nần và bị vây hãm bởi vật chất, bị nợ nần và bị vây hãm bởi tình ái hay bị nợ nần và bị vây hãm bởi nghiệp báo là kết quả do lòng tham, sự sân hận và tâm tà kiến của mỗi chúng ta đem lại.

 Lòng tham, sự sân hận và tâm tà kiến là gốc rễ làm cho mọi khổ đau trong đời sống của chúng ta phát sinh, làm cho hạnh phúc trong đời sống của chúng ta không bao giờ hiện hữu.

Mỗi khi chúng ta nỗ lực tạo ra vật chất bởi những tác động của lòng tham, thì càng có vật chất bao nhiêu là chúng ta càng bị rơi vào những tình trạng nô lệ vật chất và càng bị khổ đau bởi chúng bấy nhiêu. Và mỗi khi chúng ta càng nỗ lực tạo ra vật chất bởi tác động của lòng hận thù và tâm tà kiến bao nhiêu, thì chúng ta càng bị trở thành nô lệ vật chất và bị khổ đau bởi vật chất bấy nhiêu.

Mỗi khi chúng ta nỗ lực tạo ra những tình cảm với nhau bởi sự tác động của lòng tham và tâm tà kiến, thì tình cảm của chúng ta, càng ngày càng đầy ắp thất vọng và hận thù, và thất vọng, hận thù sẽ chồng chất lên hận thù và thất vọng. Và bất cứ hành động nào của chúng ta được tác động bởi tâm tham lam và tính ích kỷ, thì chúng đều dẫn chúng ta đi tới nợ nần và nô lệ nghiệp báo khổ đau.

Nô lệ nghiệp báo mới là sự nô lệ đáng kinh hãi nhất. Tại sao? Vì nó là sự nô lệ chính xác nhất, do chính tâm thức và hành động của ta tạo ra. Chính do lòng tham, sự sân hận và tâm tà kiến của ta tạo ra nó. Sự nô lệ ấy dẫn ta đi từ đời nầy qua kiếp khác trong bóng đêm của thất vọng và khổ đau.

Hạnh phúc thực sự chỉ có mặt với chúng ta, khi chúng ta có một đời sống không bị nợ nần đối với vật chất, không bị nợ nần đối với tình ái và không bị nợ nần với nghiệp báo. Người không còn mắc bất cứ món nợ nào của vật chất, của tình ái và của nghiệp báo mới là người thực sự có hạnh phúc và tự do.

Nền giáo dục thực tiễn, hiện đại và toàn diện là nền giáo dục, giúp cho chúng ta không phải chỉ biết tháo gỡ những hiện tượng khổ đau và những hình thái sinh hoạt bất ổn của chúng ta, mà phải giúp cho chúng ta một cách nhìn chính xác về khổ đau của con người và phương pháp tháo gỡ nguyên nhân sinh khởi khổ đau ấy nơi mỗi con người chúng ta.

Nền giáo dục ấy, phải biết giúp cho ta tháo gỡ những nợ nần vật chất mà thân thể ta đã vay muợn, phải biết giúp đỡ cho ta tháo gỡ những nợ nần đối với tình ái mà tâm ý ta đã vay mượn và phải biết giúp đỡ cho ta tháo gỡ những nợ nần nghiệp báo do những hành động thiện ác của ta đã vay mượn.

Một nền giáo dục, thực tiễn, hiện đại và toàn diện đối với con người phải là nền giáo dục được thiết lập trên nền tảng của chính kiến. Nghĩa là một nền giáo dục được thiết lập trên nền tảng của sự hiểu biết giữa con người với con người, giữa con người với các vật thể và xã hội qua quan hệ nhân duyên, nhân quả và nghiệp báo, không phải một dạng mà nhiều dạng, không phải một đời mà nhiều đời và trong các sự quan hệ ấy, mỗi người phải tự chịu trách nhiệm về hành vi thiện ác của chính mình, không phải trước quan tòa phán xử luật pháp mà chính trước tòa án nhân quả nghiệp báo của tâm mình.

Nền giáo dục ấy, phải biết dạy cho con người chạm trán với sự thực của khổ đau và hạnh phúc của kiếp người; phải biết dạy cho con người chạm trán được với những gốc rễ khổ đau của kiếp người và những phương pháp làm thay đổi những gốc rễ khổ đau ấy, thành những chất liệu của an lạc và hạnh phúc.

Một nền giáo dục, thực tiễn, hiện đại và toàn diện là nền giáo dục ấy, dạy cho con người phải biết họ là gì trong sự liên hệ giữa họ và nghiệp báo của chính họ, phải dạy cho con người biết họ là gì trong mỗi suy nghĩ, hành động và lời nói của họ, để họ thực sự có khả năng suy nghĩ và duy trì những gì cần thiết cho đời sống tốt đẹp của chính họ và loại bỏ những gì đã cản trở sự bước tới đời sống cao thượng của chính họ.

Một nền giáo dục, thực tiễn, hiện đại và toàn diện là nền giáo dục ấy, dạy cho con người biết đoạn tận những nguyên nhân sinh khởi khổ đau, và những phương pháp diệt tận khổ đau, hơn là chỉ biết trốn chạy khổ đau hay là ôm lấy những nguyên nhân khổ đau mà kiếm tìm hạnh phúc, hay là vẽ ra những bức tranh hạnh phúc chứa đầy những ý niệm tưởng tượng trong tương lai.

Một nền giáo dục, thực tiễn, hiện đại và toàn diện là nền giáo dục ấy, dạy cho con người biết rõ những yếu tố tạo nên hình thể của họ là gì, phải biết những cảm giác đang diễn ra trong họ là gì, khi họ tiếp xúc với mọi đối tượng, ngay cả những đối tượng thuộc về không gian hay tâm thức.

Sở dĩ, con người có quá nhiều khổ đau và thụ động trong cuộc sống, là do con người không có khả năng nhìn lại tâm mình để làm chủ và thanh lọc những gì không cần thiết cho hạnh phúc và nuôi dưỡng những gì cần thiết cho đời sống cao thượng.

Vì vậy, nền giáo dục, thực tiễn, hiện đại và toàn diện không phải chỉ nhắm tới phát triển những kiến thức hay là những hiểu biết thuộc khoa học tự nhiên, mà còn phải biết nhắm tới làm chủ tâm ý trong mọi trạng huống.

Nếu tâm ý của con người bị hỗn loạn, thì con người không có khả năng sử dụng những phát minh của khoa học tự nhiên để phục vụ con người. Và nếu con người không có khả năng làm chủ tâm ý của mình, thì con người trở thành vật nô lệ cho những phát minh khoa học hơn là làm chủ khoa học. Bấy giờ khoa học không phải phục vụ con người mà giết chết con người và môi trường sinh thái của nó.

Mọi phương pháp giáo dục là nhắm tới giúp cho con người, hiểu rõ chính họ và chung quanh họ là gì một cách chính xác mà không phải áp đặt hay ru ngủ.

Tóm lại, một nền giáo dục thực tiễn và toàn diện, nền giáo dục ấy phải hội đủ các yếu tố sau đây:

1.Nền giáo dục phải giúp cho những đối tượng được giáo dục có cách nhìn chính xác và toàn diện đối với mọi vấn đề không phải chỉ ở trong một khoảng không gian mà cả mọi không gian và không phải chỉ ở trong một giai đoạn mà xuyên suốt mọi thời gian và không phải chỉ một đối tượng mà hết thảy vạn hữu.

2.Nền giáo dục phải giúp cho mọi đối tượng được giáo dục có cách suy tư chính xác và toàn diện đối với một vấn đề hay mọi vấn đề, trước khi phát ngôn hay hành động. Không phát ngôn và hành động theo những gì mà những suy tư của mình chưa chính xác đối với một vấn đề có liên hệ đến nhiều không gian, nhiều thời gian và nhiều đối tượng.

3.Nền giáo dục phải giúp cho mọi đối tượng được giáo dục có một cách phát ngôn chính xác. Cách phát ngôn ấy, không đứng trên những lập trường, quan điểm hay thành kiến mà đứng từ nơi cái thấy, cái biết và cái suy tư chính xác về sự thật đang liên hệ đến con người cũng như môi trường sinh hoạt và tồn tại của nó.

4.Nền giáo dục phải giúp cho mọi đối tượng được giáo dục có hành động hợp lý và chính xác. Hành động hợp lý là hành động không gây thiệt hại cho người để mình được lợi và cũng không để cho mình bị thiệt hại trước những mưu lợi của người khác. Hành động hợp lý là hành động không phải chỉ biết đem lại cái lợi cho mình và người trong nhất thời mà xuyên suốt cả mọi thời gian, không phải chỉ biết đem cái lợi cho mình và cho người trong một điểm mà toàn thể. Và hành động chính xác là hành động không viễn vông và mơ hồ. Hành động chính xác là hành động có khả năng làm dẫn sinh những kết quả tất yếu, như chính nó đã hành động qua cái thấy và cái suy tư chính xác.

5.Nền giáo dục phải giúp cho mọi đối tượng được giáo dục nuôi dưỡng đời sống của họ một cách hợp lý giữa cung và cầu. Cung và cầu không hợp lý sẽ dẫn sinh những tệ hại cho thân và tâm, và sẽ phát sinh những tệ nạn khác của xã hội.

6.Nền giáo dục phải giúp cho mọi đối tượng được giáo dục phát triển những khả năng hợp lý. Phát triển khả năng hợp lý là phát triển khả năng đem lại những hạnh phúc và an lạc cho cả thân và tâm của chính họ. Thân phát triển hạnh phúc mà tâm không phát triển hay ngược lại đều là sự phát triển không hợp lý. Sự phát triển khả năng của thân và tâm không hợp lý sẽ dẫn đến một đời sống bị thân bệnh hoặc tâm bệnh. Và mỗi khi thân bệnh cũng chính là tâm bệnh và ngược lại.

7.Nền giáo dục phải giúp cho mọi đối tượng được giáo dục cần có những sự nhớ nghĩ hợp lý. Nhớ nghĩ hợp lý là luôn nhớ nghĩ đến sự có mặt thân và tâm của con người; nhớ nghĩ đến sự phát triển và sự hủy diệt của thân và tâm con người; nhớ nghĩ đến sự nuôi dưỡng thân và tâm của con người, qua các sự tiếp xúc liên hệ đến môi trường sinh thái của thân và tâm, đồng thời biết rõ những gì đang liên hệ làm sinh khởi những cảm giác và tri giác hợp lý hay không hợp lý đối với thân tâm, trong quá trình thăng hoa ý nghĩa của cuộc sống.

Những cảm giác và tri giác hợp lý là những cảm giác, tri giác không đưa đến sự tàn hoại đối với thân và tâm không phải chỉ trong hiện tiền mà còn cả dài lâu về sau. Ghi nhớ hợp lý là ghi nhớ lịch sử phát triển thân và tâm của con người và thế giới của nó, qua những tác nhân và tác duyên trong cả một dòng chảy của nhân duyên vô tận và trong dòng chảy của nhân duyên ấy, nhân duyên của con người và thế giới của nó có thể thay đổi hoặc xấu hoặc tốt.

8.Nền giáo dục phải giúp cho mọi đối tượng được giáo dục cần có một tâm hồn định tĩnh và sâu lắng hợp lý. Tâm là chủ của thân. Tâm không yên thì mọi sinh hoạt của thân đều bị rối loạn. Tâm của con người càng định tĩnh bao nhiêu, thì những hành động của họ càng chín chắn và ít sai lầm bấy nhiêu.

Suy nghĩ, phát ngôn và hành động của con người ít sai lầm hoặc không sai lầm, sẽ tạo nên một xã hội loài người văn minh. Một xã hội loài người chỉ thực sự văn minh, khi nào xã hội ấy, biết thiết lập một nền giáo dục con người hoàn thiện cả hai mặt thân và tâm cùng với những gì liên hệ đối với chúng.

Một nền giáo dục có nội dung đầy đủ tám yếu tố như vậy là một nền giáo dục thực tiễn và toàn diện. Nếu thiếu, không hội đủ tám yếu tố ấy, sẽ không đáp ứng đuợc nhu cầu hạnh phúc của con người và nếu vượt quá tám yếu tố ấy sẽ làm cho đời sống con người bị đi hỏng chân và sẽ bị ngã quỵ trước khi bình minh xuất hiện.

Một nền giáo dục biết áp dụng và điều hợp tám yếu tố ấy một cách linh động và thực tiễn, thì hạnh phúc và an lạc không phải đến với thế giới con người từ những hứa hẹn hay ước mơ, mà chính là từ cuộc sống mang tính giáo dục nhân quả dung hợp và chuyển hóa một cách hiện thực và sống động.

Và một nền giáo dục như vậy, làm phát sinh ý thức tự trách nhiệm về hành vi nhân quả thiện ác đối với cá nhân và cộng đồng; làm dẫn sinh khả năng tự tín và sáng tạo nơi chính những đối tượng được giáo dục. Và xã hội loài người chúng ta thực sự chỉ có văn minh, khi nào nền giáo dục của chúng ta, biết khởi động và chuyển hóa từ cách nhìn nhân duyên, nhân quả một cách sinh động nầy.

Một sự kiện xấu xảy ra cho ta, không phải ta chỉ biết chấp nhận và khắc phục hậu quả, mà còn phải biết khắc phục và chuyển hóa nhân duyên của chúng. Không những vậy, mà ta còn phải biết tập hợp và liên kết những nhân duyên tốt đẹp khiến cho chúng tự dung hợp, chuyển hóa và sáng tạo.

Nền giáo dục như vậy rất cần thiết cho đời sống hòa bình, an lạc và vãng hồi trật tự cho xã hội con người của chúng ta ngày nay.

 

 
 
KHO BÁU VÔ TẬN

 

Ta chia sẻ tài sản vật chất đến mọi người nhiều lần và lâu ngày, có thể làm cho tài sản của ta bị khô kiệt, nhưng ta chia sẻ tài sản tinh thần của ta đến với mọi người càng nhiều bao nhiêu, thì tài sản tinh thần của ta càng trở nên giàu có bấy nhiêu.

Lại nữa, ta phải thấy rằng mọi giá trị thuộc về tài sản vật chất, chúng có thể bị mòn diệt theo thời gian, nhưng những giá trị tinh thần thì không bị thời gian làm mòn diệt. Chúng không những không bị thời gian làm mòn diệt mà trái lại, thời gian càng đi qua, lại càng làm cho những giá trị tinh thần càng trở nên trong sáng, lớn mạnh và cùng khắp.

Trong đời sống con người, ta chỉ biết chạy theo những giá trị vật chất và đánh giá đời sống con người bằng những giá trị ấy, thì trước sau gì ta cũng bị thất vọng. Thất vọng, vì đời sống con người đúng nghĩa không phải chỉ là những vật chất.

Tài sản lớn nhất của con người chính là sự hiểu biết và thương yêu. Càng hiến tặng sự hiểu biết cho mọi người, thì tài sản hiểu biết của ta lại tăng lên một cách kỳ lạ; và càng hiến tặng sự thương yêu đến cho mọi người và mọi loài, thì tài sản phước đức và hạnh phúc của ta lại tăng lên một cách kỳ diệu.

Gia tài hiểu biết và thương yêu của ta không cần phải nhọc công tìm kiếm và vay mượn ở bất cứ nơi nào. Ta không cần phải nhọc công tìm kiếm những sự hiểu biết và thương yêu nơi những kho tàng kinh viện, hay trầm mình kiếm tìm nơi những suy tưởng hoặc lao mình bươn chải tới tận những cõi thiên đàng, mà ta chỉ cần chấm dứt những hạt giống kiếm tìm và vọng động ngay ở nơi tâm thức ta, là tức khắc ta có thể tiếp nhận được gia tài quý báu của sự hiểu biết.

Gia tài hiểu biết là gia tài quý báu vốn có của tất cả chúng ta. Chúng ta chỉ cần buông bỏ mọi vọng tưởng ở nơi tâm thức ta là tức khắc gia tài quý báu ấy hiện ra cho ta và ta có thể tùy nghi sử dụng. Và ta có thể đem gia tài ấy hiến tặng cho tất cả mọi người và vô số chúng sanh nhiều như cát bụi mà gia tài ấy không bao giờ bị suy giảm.

Và càng hiến tặng gia tài hiểu biết ấy bao nhiêu, thì tình thương của ta càng sâu thẳm và lớn mạnh bấy nhiêu. Tình yêu hay tình thương được biểu hiện từ sự hiểu biết ấy là tình yêu hay tình thương đích thực. Tại sao? Vì thương hay yêu từ sự hiểu biết ấy, không hề tạo ra bất cứ một sự vọng cầu nào. Thương và yêu có vọng cầu, là thương yêu từ vọng tưởng. Vọng tưởng thì điên đảo. Điên đảo thì khổ đau. Không có bất cứ sự thương yêu nào đi từ điên đảo, vọng tưởng mà có hạnh phúc và an lạc cả. Chỉ có sự thương yêu không đi từ điên đảo, vọng tưởng mới tạo nên hạnh phúc và an lạc cho ta và cho người ta thương yêu.

Ta cần phải thực tập sự hiểu biết và thương yêu nầy, để ta có một gia tài quý báu không bao giờ bị mòn diệt bởi thời gian và  không gian, nhằm hiến tặng cho đời.

Vậy, ta hãy thở và cười với một chiếc lá vàng đang tái tạo một mầm xanh của nó với tất cả gia tài hiểu biết và thương yêu của chính ta là sự an lạc và bình an trong ta đã bắt đầu hiển lộ.

 
 
MA TỬ

 

Trong một gia đình hai vợ chồng không những có tín ngưỡng Đạo Phật mà còn biết qui y và phát nguyện giữ năm giới của Đức Phật dạy nữa. Và họ luôn luôn tự hào là những phật tử thuần thành.

Tuy nhiên, hai vợ chồng mới làm xong ngôi nhà và muốn thiết lập một bàn thờ Phật để chiêm ngưỡng và lạy Phật mỗi ngày. Người chồng muốn thờ hình tượng Đức Phật Thích Ca, người vợ muốn thờ hình tượng Bồ tát Quán thế âm, và ai cũng muốn thực hiện bàn thờ Phật theo ý muốn của mình, nên không ai chịu nhường cho ai ý kiến của mình cả, và họ đã giận nhau, khiến cho gia đình không có hạnh phúc, bàn thờ tâm linh của gia đình bị bỏ trống.

Gia đình không có hạnh phúc không phải chỉ vì thiếu cơm, thiếu áo hay thiếu nhà ở, mà vì thiếu hiểu biết đúng đắn đối với tôn giáo mà mình đang tín ngưỡng.

Nếu người chồng hay người vợ biết rằng, trong Đức Phật Thích Ca có mặt của Bồ tát Quán thế âm và trong Bồ tát Quán thế âm có mặt của Đức Phật Thích Ca; và Đức Phật Thích Ca là mặt hướng thượng của Bồ tát Quán thế âm và Bồ tát Quán thế âm là mặt hướng hạ của Đức Phật Thích Ca, hoặc hiểu rằng, Đức Phật Thích Ca là mặt Trí tuệ của Bồ tát Quán thế âm và Bồ tát Quán thế âm là mặt từ bi của Đức Phật Thích Ca, thì mọi mâu thuẫn tín ngưỡng trong gia đình không thể xảy ra và nếu có xẩy ra thì cũng đã được giải quyết tốt đẹp lâu rồi.

Và nếu Phật tử ai cũng hiểu như vậy, thì Phật giáo đã trở thành một nền Phật giáo thống nhất lâu rồi, và lẽ đương nhiên, trí và hạnh của người phật tử dù đang ở chân trời góc bể nào, thì cũng chỉ khác nhau về phương sở, mà không khác nhau ở điểm đồng qui của trí và hạnh.

Nếu tự cho mình là Phật tử mà không có điểm đồng qui của trí và hạnh, thì càng làm cho ngôi nhà Phật giáo bị chia phân từng mảnh và lẽ đương nhiên đó không phải là Phật tử mà là ma tử.

 

 

MỞ RỘNG KHÔNG GIAN

 

Người biết tu tập là người biết mở rộng không gian nhận thức, để cho nhận thức của mình không bị rơi vào những cục bộ và phiến diện. Nhận thức cục bộ và phiến diện của ta đã đưa đời sống của ta đi chệch hướng đối với hạnh phúc và an lạc, và đã khiến cho ta lúng túng ở trong mọi hành xử.

 Không gian của nhận thức càng lớn sẽ giúp cho ta có được một tầm nhìn thoáng mở. Mọi sự hành xử sai lầm của ta đối với mọi vấn đề, chúng có gốc rễ từ những nhận thức ở trong những không gian chật hẹp của ta. Nhận thức của ta càng chật hẹp và bị đóng khung bao nhiêu, thì hành xử của ta sẽ chế tác cho ta đời sống của thất vọng và khổ đau bấy nhiêu.

Không một ai trong chúng ta sinh hoạt hay ở trong một không gian chật hẹp mà cảm thấy thoải mái và hạnh phúc bao giờ và lại càng không bao giờ có hạnh phúc và an lạc, khi mọi nhận thức của ta bị đóng khung bởi cái nầy hay bởi cái kia.

Không gian vật lý là vô cùng và không gian của tâm lý cũng là vô tận, nhưng những không gian vô tận ấy, chúng trở thành chật hẹp từ những nhận thức chật hẹp của ta. Nhận thức về một cái tôi là những nhận thức sai lầm, vì thực tại không bao giờ có một cái tôi để cho ta nhận thức.

Thực tại chính là phi tôi. Sống với thực tại phi tôi ta sẽ có một không gian vô cùng để sống; sống với thực tại phi tôi ta sẽ có cả một dòng thời gian vô tận để sống và sống với thực tại phi tôi ta sẽ có chất liệu của tình yêu vô tận để hiến tặng cho đời mà tình yêu của ta không bao giờ bị mòn diệt.

Sống với thực tại phi tôi, ta sẽ không bao giờ bị trói buộc bởi bất cứ điều kiện nào, nên đối với bất cứ điều kiện nào của cuộc sống, ta cũng có thể sử dụng và ta hoàn toàn có sự tự do đối với chúng.

 

 

HIẾU HẠNH

 

Ta thương cha và mẹ ta, điều ấy không làm cho ai ngạc nhiên, nhưng ta ghét cha mẹ ta là ta đã làm cho mọi người ai cũng ngạc nhiên đối với ta.

Ta thương cha mẹ ta, vì cha mẹ ta, mỗi người đều an trú vững chãi nơi lòng nhân ái và từ bi nơi chính họ. Và mỗi người đều đem lòng từ bi và nhân ái ấy, mà nuôi dưỡng và che chở ta từ khi ta mới tượng hình cho đến lúc ta lìa bỏ cuộc đời.

Nên, ta chỉ cần thực hành hiếu hạnh đối với cha mẹ ta là ta có thể viên mãn được tâm bồ đề và thành tựu sáu hạnh toàn hảo của bồ tát. Vì trong hạnh hiếu có hạnh bố thí và cúng dường. Trong hạnh hiếu có sự trì giới toàn hảo, vì hiếu là căn bản của đạo đức, nó có khả năng chuyển hóa và đoạn trừ tất cả pháp bất thiện, có khả năng làm dẫn sinh phước báo cao thượng. Trong hạnh hiếu có sự nhẫn nhục toàn hảo, vì nó là kiên trì để mở rộng đức tính trí tuệ và từ bi. Trong hạnh hiếu có sự tinh cần toàn hảo, vì nó phải nỗ lực thường xuyên để phụng sự cha mẹ bằng hai đức tính trí tuệ và từ bi. Trong hạnh hiếu có sự thiền định toàn hảo, vì trong hiếu có sự kiên định vững chãi và sâu xa đối với các pháp tốt đẹp. Trong hạnh hiếu có trí tuệ toàn hảo, vì hiếu là sự hiểu biết chính xác và sâu xa đối với những gì cần phải làm và không cần làm.

Hiếu là vậy, nên hạnh hiếu là hạnh của bậc đại trí và đại hạnh. Vì vậy, các bậc thánh nhân từ xưa đến nay không một ai không thực hành hạnh hiếu và không ca ngợi hạnh hiếu.

Do đó, hiếu là con đường mà các thánh nhân đã đi, đang đi và sẽ đi cho đến chỗ viên mãn tột cùng.

 

 

DÒNG TÂM AN BÌNH

 

Sự thất bại lớn nhất của chúng ta ngày nay là ta đã bị nô lệ và bận rộn bởi công việc, mà ta không biết mặt mũi của công việc ấy là gì và nó sẽ đưa ta đi về đâu. Trong đời sống, ta chưa bao giờ có được sự nhàn nhã thực sự cho thân và tâm của chúng ta.

Người xưa nói “nhàn cư vi bất thiện”. Nghĩa là sống nhàn nhã thì không tốt. Và cũng vì vậy mà có nhiều người gá vào câu nói ấy để bảo rằng “lao động là vinh quang”.

Sống nhàn nhã mà không tốt là vì thân ta nhàn nhã mà tâm ta bận rộn. Thân ta nhàn mà tâm ta không nhàn thì không thể gọi là người sống an nhàn được.

Cũng vậy, ta lao động như một kẻ nô lệ áo cơm, nô lệ tiền bạc, nô lệ sắc dục, nô lệ địa vị và quyền lực hay là nô lệ cho một cái tôi, thì làm sao mà gọi là vinh quang được. Ta chỉ có vinh quang khi ta lao động mà tâm ta và đời sống của ta không hề bị nô lệ bởi những cái đó.

Tự thân của cuộc sống là một dòng chảy. Chảy là động. Không có sự hoạt động nào mà không chảy. Đừng nghĩ rằng, ta chết là dòng sống trong ta ngừng chảy, mọi hoạt động trong ta chấm dứt. Ta chết dòng sống trong ta vẫn tiếp tục chảy, nhưng nó chảy dưới một dạng khác, khiến cho những con mắt bình thường không thể nào nhìn thấy được dòng chảy ấy của ta. Ta chết mọi hoạt động trong ta không hề chấm dứt, nó đang hoạt động dưới một dạng khác tinh vi và bén nhạy hơn. Nên, thực sự ta không bao giờ chết. Chết đối với ta chỉ là những nhân duyên ly hợp giả định giữa động và tĩnh mà thôi. Chết là từ nơi thế giới động của thân, ta đi vào thế giới tĩnh của tâm và sống là từ nơi thế giới tĩnh của tâm, ta biểu hiện thành thế giới động của thân.

Ở trong một thế giới động, ta sống với những manh động của tâm ý, sẽ làm cho sự sống của ta càng ngày, càng trở nên cạn kiệt, hao gầy, vẩn đục và mù quáng. Ở trong một thế giới động, ta sống với tâm ý yên tĩnh sẽ làm cho sự sống của ta càng lúc càng trở nên phong phú, thẳm sâu và trong sáng. Ở trong một thế giới tĩnh mà tâm ta vọng động, thì đó chỉ là những vọng động của tự tâm. Những vọng động ấy chỉ là hư huyễn, mộng ảo, như trăng dưới nước, như hoa đốm giữa hư không. Nếu ta chạy theo những vọng động ấy của tâm, thì những vui buồn được mất trong đời sống của ta chỉ là những ảo giác. Và nếu ta sống ở trong một thế giới tĩnh và tâm ta cũng tĩnh như thế giới ấy, và từ nơi sự an tĩnh ấy, mà khởi động để sinh phát đại nguyện từ bi, làm lợi ích cho muôn loài, thì động ấy là động của tĩnh. Động ấy là động rất cần thiết cho đời sống của mỗi chúng ta, vì động ấy của ta đang có mặt ở trong tĩnh và chính động ấy là tĩnh.

Tĩnh thì tự thân của các vọng niệm lắng yên. Tâm ta tĩnh, thì sự nơi tự thân của mọi sự vật tự minh triệt, nên ta không cần tìm mà vẫn thấy, không mong cầu mà vẫn tự đủ, không đi mà vẫn tự đến, không ước nguyện mà mọi việc đều thành, tất cả những mầu nhiệm ấy, chính từ nơi tâm yên lắng của mỗi chúng ta mà thành tựu vậy.

Muốn thành tựu sự mầu nhiệm ấy, trước hết ta phải biết dừng lại những gì không cần thiết cho đời sống của ta. Ta không đổ thêm những gì cáu bẩn vào trong dòng chảy của tâm thức ta và ta phải biết làm cho những cáu bẩn ở trong tâm ta lắng xuống. Mỗi khi những cáu bẩn ở trong tâm thức ta lắng xuống là tâm ta có an. Một sự bình an đích thực sẽ có mặt ở trong tâm ta, và bấy giờ ta sẽ có một đời sống nhàn tịnh.

Ta nhàn tịnh ngay ở trong mọi động tác đi, đứng, nằm, ngồi, nói năng làm việc và tiếp xúc với mọi đối tượng trong đời sống hằng ngày của ta. Ta tiếp xúc mà tâm ta không khởi lên những cảm nhận có nội dung của những thèm khát và chấp thủ hay vọng động. Tiếp xúc với mọi vật mà tâm ta vẫn có sự an tịnh và tự do đối chúng, ấy là sự tiếp xúc hết sức cần thiết cho đời sống của mỗi chúng ta hiện nay.

Vậy, ta phải biết tiếp xúc và làm cho dòng tâm của ta an bình, trước khi ta an bình thiên hạ.

 

 

 NGƯỜI ĐI CHÙA THÔNG MINH

 

Có những vị trước khi biết đi chùa và tu học, thì gia đình bình yên, nhưng sau khi đã đi chùa và bắt đầu biết tu học, thì gia đình cũng bắt đầu dậy sóng, không có bình yên.

Có những vị trước khi chưa đi chùa và chưa biết tu học, thì gia đình luôn dậy sóng, nhưng sau khi đã biết đi chùa và biết tu học thì gia đình trở lại bình yên.

Có những vị trước khi chưa biết đi chùa và chưa biết tu học, thì gia đình đã bình yên và sau khi biết đi chùa và biết tu học, thì gia đình lại càng bình yên thêm.

Có những vị trước khi chưa biết đi chùa và chưa biết tu học, gia đình luôn dậy sóng, không có bình yên và sau khi đã biết đi chùa và biết tu học, thì gia đình lại càng thêm dậy sóng.

Trong bốn hạng người biết đi chùa và biết tu học như vậy, chỉ có hai hạng người đi chùa và biết tu học là có chánh kiến và có từ bi, còn hai hạng người biết đi chùa và biết tu học không có chánh kiến và không có từ bi.

Những hạng người biết đi chùa và biết tu học có chất liệu của chánh kiến và từ bi, những hạng người ấy không những có khả năng làm cho tâm mình lắng yên những phiền não, mà còn có khả năng giúp cho những người trong gia đình lắng yên phiền não nữa; những hạng người ấy không những có khả năng mở rộng không gian nhận thức cho chính mình, mà còn có khả năng chuyển hóa những không gian nhận thức trở thành không gian trí tuệ cho chính mình và cho mọi người nữa.

Mở rộng không gian nhận thức bằng cách nào? Bằng cách biết học hỏi và lắng nghe. Ta phải biết học hỏi từ mọi người, từ mọi loài và từ cuộc sống, nhưng trước hết ta phải biết học hỏi những cấu trúc cơ bản và thâm sâu, vi diệu ở nơi thân và tâm ta.

Nếu ta không hiểu được những cấu trúc cơ bản nơi thân và tâm ta, thì ta khó mà có được những chính kiến đối với thân và tâm ta. Và mỗi khi ta không có chính kiến đối với thân và tâm ta, thì ta cũng không thể có khả năng đối xử với thân tâm ta một cách có trí tuệ và từ bi.

Ta hãy nhìn kỹ vào khuôn mặt của ta mỗi ngày, để ta có thể thấy rõ những yếu tố đang hiện hữu nơi khuôn mặt của ta, chúng chưa bao giờ hiện hữu đơn thuần, mà chúng hiện hữu trong sự tương quan. Mũi của ta không thể nào hiện hữu, nếu ta không có xương mặt và xương mặt không thể nào hiện hữu, nếu ta không có xương sườn và các xương sọ, và xương sườn, xương sọ không thể nào hiện hữu và tồn tại, nếu không có những chất hữu cơ và những yếu tố khác xúc tác liên hệ đến với chúng.

        Cũng vậy, mắt ta không thể nào hiện hữu đơn thuần mà mắt ta hiện hữu với những yếu tố không phải mắt, như tinh thể, võng mạc và hệ thần kinh thị giác,… và tác dụng nhận thức của mắt ta, không thể không có mọi hình, mọi sắc, không thể không có không gian, ánh sáng và ý thức,… Nếu thiếu một trong những yếu tố ấy, thì sự hiện hữu của con mắt không thể nào có được, huống nữa làm sao có tác dụng của con mắt đối với cái thấy và cái hiểu của chúng ta trong đời sống hằng ngày.

Vì vậy, trong đời sống hàng ngày, ta phải biết học hỏi với những gì đang có mặt ở nơi thân thể của ta, ở nơi tâm hồn của ta và chúng ta phải biết ngồi yên để lắng nghe những gì mà thân tâm ta đã nói với ta trong từng phút giây của sự sống.

Ta phải biết học hỏi cách làm việc và tiêu thụ của thân tâm ta. Mỗi bộ phận trong thân tâm ta, chúng làm việc đúng chức năng của chúng, chúng biết tiếp nhận và chế tác đúng chức năng của chúng và quan trọng hơn hết là chúng biết truyền thông và hỗ trợ cho nhau trong những điều kiện tương quan tự nhiên để tạo nên một hệ thống thân tâm nhất thể.

Vì vậy, ta đi chùa và tu học không phải để tích lũy kiến thức hay tri thức, vì sao? Vì kiến thức hay tri thức, chúng chỉ là những thuộc tính của bản ngã, và làm sinh chất nuôi lớn tâm kiêu mạn trong ta và là miếng mồi nuôi lớn vô minh làm trở ngại đối với tuệ giác của ta, khiến cho ta không có khả năng thâm nhập và sống thường trú với thực thể toàn vẹn của vạn hữu bất tức, bất ly ấy.

Do đó, ta đi chùa tu học cần phải thiết lập trên nền tảng của văn tuệ, tư tuệ và tu tuệ. Do biết lắng nghe và học hỏi, khiến cho tâm tuệ trong ta sinh khởi; do ta biết quán chiếu thâm sâu đối với những gì đã nghe và đã học, khiến cho cái nghe không ích lợi, không chính xác của ta từ từ bị đoạn tận, khiến cho tâm tuệ trong ta sinh khởi và lớn mạnh. Và do ta biết gạn lọc những gì ta đã học hỏi và ứng dụng chúng vào trong đời sống hàng ngày của ta, khiến cho tâm tuệ sinh khởi trong ta.

Khi trong ta đã có tâm tuệ, mọi hành xử của ta đều có mặt của tuệ, nên chúng không bị đối ngại bởi những nhận thức hữu ngã, vì vậy ở trong đời sống hàng ngày, ta đang ở cương vị nào để hành xử, thì mọi hành xử của ta đều là hành xử của tuệ.

Hành xử của tuệ là hành xử có khả năng chấm dứt khổ đau cho mình và cho người, có khả năng chấm dứt những tập khởi gây ra khổ đau cho mình và cho người. Và đương nhiên, khi những tập khởi và kết quả khổ đau giữa mình và người không còn hiện hữu, thì an lạc tự nó biểu hiện một cách như nhiên giữa tự và tha.

Vậy, ta đi chùa và tu học là để làm việc và ứng xử với nhau bằng tuệ giác mà không phải bằng những kiến thức Phật học; bằng chất liệu từ bi mà không phải bằng sự tranh giành thắng bại; bằng sự khoan dung, chứ không phải bằng những sự ích kỷ, hẹp hòi.

Người đi chùa như vậy là người đi chùa thông minh, vì họ có khả năng chế tác ra sự an lạc cho chính họ và có khả năng hiến tặng sự an lạc cho mọi người.

 

 
ĐỔI MỚI CÁCH NHÌN

 

Mọi sự hiện hữu là hiện hữu trong quy luật nhân duyên, nhân quả của chính nó. Nên, quả báo của những loài có cánh thì biết bay trên trời; quả báo của những loài thủy tộc là sống và bơi lội ở dưới nước; quả báo của những loài có xương sống nằm ngang thì phải đi bốn chân; quả báo của những loài có xương sống thẳng đứng thì phải đi hai chân; quả báo của loài người thì có đầu mình, tứ chi và biết suy nghĩ trước khi nói và làm. Và cả vạn loại chúng sanh, không có loài nào là không hiện hữu từ nhân duyên, nhân quả của chính nó.

Vạn loại đã hiện hữu từ nhân duyên và thụ hưởng đời sống theo nghiệp báo, nên nhân duyên thiện ác của chúng sanh sâu thẳm, đa thù, thì quả báo khổ vui của chúng sanh cũng có ngàn sai vạn biệt.

Chim bay trên trời, cá bơi dưới nước không phải là quy luật tự nhiên mà quy luật của nghiệp báo. Nếu chim đem nghiệp báo bay trên trời mà ganh tỵ với nghiệp báo bơi dưới nước của cá và chim muốn chiếm dụng nước để sống và bơi, thì chỉ gây thiệt hại và phí uổng cho đời sống của chim mà thôi. Cá sẵn sàng hiến tặng không gian của cá cho chim không có bất cứ điều kiện nào, mà chim không thể nào nhận được để thừa hưởng, huống gì là chim manh tâm ganh tỵ, tiêu diệt loài cá để chiếm dụng không gian?

Cũng vậy, cá đem nghiệp báo sống dưới nước mà ganh tỵ với đời sống của chim bay trên trời, chỉ làm cho hư cái tâm thảnh thơi của cá. Dù chim hết lòng thương cá và muốn hiến tặng cả không gian rộng lớn cho cá để cá cũng được bay thênh thang giữa mọi phương trời như chim, thì cá cũng không tài nào nhận được cái bay giữa không gian như chim. Chim hiến tặng không gian cho cá mà không có bất cứ điều kiện nào, mà cá còn không nhận được để thừa hưởng, huống gì cá manh tâm đấu tranh và tàn hại loài chim?

Cũng vậy, trong đời sống con người, chúng ta mỗi người đều tùy theo tác nghiệp thiện ác mà nhận lấy đời sống quả báo khổ vui khác nhau.

Vì vậy, ở trong đời có những người giàu có tiền bạc mà nghèo khó tình cảm và bị phụ bạc bởi tình; có những người có uy quyền xã hội mà thiếu vắng hạnh phúc gia đình; có những người giàu có lại khó sinh con, nhưng lại có những người nghèo khó mà sinh con thừa thải, có những người thông minh, tài trí mà chỉ biết đi làm thuê, viết mướn, có những kẻ kém học, nhưng lại ở vị trí cao,… Những sai biệt vừa mâu thuẫn, nghịch lý ấy, ta mới nhìn qua như phi lý, nhưng tất cả đều có cái lý của nhân duyên, nhân quả sâu thẳm và cực kỳ tế nhị của nó.

Mọi sự hiện hữu đúng như chính nó hiện hữu, nó hiện hữu như vậy là như vậy. Khi cái hiện hữu như vậy đã xẩy ra, thì cho dù ta có không muốn nó hiện hữu, thì nó vẫn hiện hữu như vậy. Nó hiện hữu như vậy là như vậy với nhân duyên, nhân quả của chính nó.

Nhân duyên, nhân quả là một thực tại sống động của tâm thức. Tâm thức là tác nhân cho mọi sự hiện hữu sinh khởi. Tâm thức cá nhân tác động như thế nào, thì hệ quả sinh khởi xẩy ra cho cá nhân ấy đúng như thế ấy. Tâm thức cộng đồng tác động như thế nào, thì hệ quả sinh khởi xẩy ra cho cộng đồng ấy đúng như thế ấy.

Vì vậy, không có bất cứ một ai trên đời sống với tâm ý đầy tham đắm, thù hận và ganh tỵ mà có một đời sống thảnh thơi và hạnh phúc bao giờ. Và cũng không có bất cứ một ai sống với tâm thức xả ly, từ bi và độ lượng mà bị khổ đau và bị mọi người ghét bỏ bao giờ.

Nhân đã như vậy, duyên đã như vậy, thì quả tất yếu là phải như vậy. Ta muốn thay đổi hệ quả, thì ta phải biết thay đổi nhân duyên sinh khởi chúng, đó là ta đã có một cách nhìn hợp lý về sự đổi mới trong đời sống của cá nhân và cộng đồng của chúng ta.

 

 

              CHÍNH NÓ LÀ CUỘC SỐNG

 

Bạn muốn chống lại điều ác, bạn lấy gì để chống? Nếu bạn lấy điều ác để chống lại điều ác, thì không thể, vì sao? Vì chúng là đồng loại. Cái gì đồng loại, thì cái ấy có tác dụng hội nhập và đồng hóa hơn là đối kháng.

Và nếu bạn dùng điều thiện để chống lại điều ác chăng? Lại càng không thể. Vì thiện và ác dị loại. Nhân và quả của thiện hoàn toàn không liên hệ gì đến nhân và quả của ác. Vậy, làm sao mà bạn có thể dùng điều thiện để chống lại điều ác?

Thiện và ác không thể nào gặp nhau, thì làm sao có thể chống đối nhau để dẫn đến tình trạng thiện thắng, ác bại hay thiện bại, ác thắng.

Do đó, vấn đề đặt ra thắng bại giữa thiện và ác hay giữa ác và thiện chỉ là những vấn đề của thế giới khái niệm, của tri thức ảo giác, của chủng tử vô minh và tà kiến, chứ không phải là của thế giới thực nghiệm, chứng nghiệm và chánh kiến đối với giáo lý nhân duyên, nhân quả.

Thiện hay ác chỉ là những dòng chảy biến thiên vô tận của nhân và duyên ở nơi tâm thức cá nhân và cộng đồng. Trong dòng chảy của tâm thức ấy, nếu bạn khởi lên một niệm thiện và niệm thiện ấy được yểm trợ bởi những điều kiện thích hợp với chúng, cho đến khi hội đủ nhân duyên, chúng sẽ dẫn sinh cho bạn những hoa trái an lạc.

Và cũng ở trong dòng chảy của tâm thức ấy, nếu bạn khởi lên niệm bất thiện và niệm bất thiện ấy được yểm trợ bởi những điều kiện thích hợp với chúng, cho đến khi hội đủ nhân duyên, chúng sẽ dẫn sinh cho bạn những hoa trái khổ đau.

Vì vậy, khổ đau hay an lạc không đến với bạn từ những áp lực bên ngoài, mà đến từ dòng chảy nhân duyên thiện ác ở nơi tâm thức của bạn.

Do đó, bạn muốn chống lại điều ác, thì chỉ có phương pháp duy nhất là tâm bạn đừng nghĩ đến điều ác, khiến cho mọi nhân duyên sinh khởi điều ác nơi tâm bạn tự nó hủy diệt. Và mọi người muốn chống lại điều ác, thì chỉ có phương pháp duy nhất là tâm thức cộng đồng đừng nghĩ đến điều ác, khiến cho mọi nhân duyên sinh khởi điều ác ở nơi tâm thức cộng đồng tự nó hủy diệt.

Với phương pháp ấy, bạn và cộng đồng của bạn hãy nỗ lực thực tập mỗi ngày, thì sự hòa bình, an lạc và văn minh không còn là những ước mơ mà là những hiện thực; không còn là những đối tượng khát thèm tìm kiếm mà chính nó là cuộc sống của bạn và cộng đồng của bạn.

 

 

COI CHỪNG TÂM BẠN

 

Bạn biết không, bệnh viện là để cho bệnh nhân, và bệnh nhân nhờ có bệnh viện mà tiêu trừ được bệnh hoạn của họ. Nếu bạn sống không có tiết độ, ăn uống không có chừng mực, phóng tâm chạy theo lòng tham, sự sân hận và tâm mù quáng của chính mình là bạn đang làm duyên cho bệnh hoạn phát sinh trong đời sống của bạn, bạn là bệnh tật và bệnh tật là đời sống của bạn, khiến cho bệnh viện là ngôi nhà của bạn và bác sĩ, y tá, là những người thân quen của bạn.

Nếu bạn biết sống có tiết độ, ăn uống biết có chừng mực, sống với tâm không chạy theo lòng tham, không chạy theo sự hận thù và mù quáng, thì bệnh viện không phải là nhà của bạn, bác sĩ, y tá không phải là bạn của bạn và bạn không làm bạn với đời sống bệnh hoạn và khổ đau, mà bạn làm bạn với đời sống an lạc, an lạc chính là đời sống của bạn.

Thân và tâm của bạn không bệnh, thì bệnh viện dù có đó, nhưng không làm trở ngại những gì an lạc của bạn. Thân và tâm của bạn không bệnh, dù cho bệnh viện có đó, nhưng bạn không thể nào đi vào bệnh viện.

Cũng vậy, địa ngục chỉ dành cho những người tạo ác nghiệp và những người tạo ác nghiệp nhờ có địa ngục mà ác nghiệp của họ được tiêu trừ. Những người tạo ác nghiệp đến với địa ngục một cách tự nhiên, như bóng đêm với những tên ăn trộm vậy. Địa ngục là ngôi nhà sinh sống của những người tạo ác nghiệp với tà tâm, tà ý vậy. Đầu trâu, mặt ngựa, ngục tốt tàn bạo là những người bạn chí tình, chí thân, chí thiết của những tạo ác nghiệp, tà tâm vậy.

Nếu trong đời sống, bạn biết nói những lời từ hòa, dễ thương với mọi người; bạn biết đem những hành động thanh cao mà đối xử với người và bạn biết đem tâm không ganh tỵ, tâm từ bi, tâm bao dung và độ lượng mà đối xử với người, thì dù cho bạn không muốn đến thiên đàng, không muốn về cực lạc, thì thiên đàng hay cực lạc vẫn có mặt trong đời sống của bạn một cách tự nhiên. Thiên đàng và cực lạc, chính bạn không cầu mà nó vẫn tự hiện ra. Chúng hiện ra cho bạn một cách tự nhiên, như hơi thở của bạn đến với không khí; như ánh sáng mặt trời đến với không gian vậy.

Thiên đàng hay cực lạc không bao giờ là điểm đến của những người tà tâm, tà ý mà đó là điểm rất mực tự nhiên của những người chính tâm và chính ý vậy.

Vậy, mỗi khi nói và làm, bạn hãy nhìn sâu vào tâm của bạn, để bạn có thể trả lời chính xác rằng, những hành động của bạn đang đưa bạn đi đến địa ngục hay thiên đàng, ta bà hay tịnh độ. Nếu bạn sống với tà tâm, thì không có một phép lạ nào có thể tạo dựng ra thiên đàng cho bạn và nếu bạn sống với chính tâm, thì cũng không có một phép lạ nào có thể tạo ra địa ngục cho bạn.

Địa ngục hay thiên đàng chính là tâm của bạn, nên khổ đau hay an lạc chỉ là hai mặt thiện ác được biểu hiện từ nơi chính tâm hay tà tâm của bạn mà thôi.

Vây, bạn hãy coi chừng tâm ý của bạn.

 
ĐỪNG NGĂN LỐI VỀ

 

Trong vỡ tuồng của cuộc đời, với tâm bồ đề, tôi đóng vai trò kẻ trung chính để giữ đạo, giữ nước, bạn đóng vai trò xu nịnh để giữ nước, giữ đạo, thì phước đức của hai ta đối với đạo, với nước đều thành tựu ngang nhau.

Trong tuồng diễn, người trung biết rằng, mình đóng vai trung để yểm trợ cho người nịnh thành tựu vai nịnh của tuồng diễn, để tuồng diễn được thành công, đem lại lợi ích cho nhiều người. Và người nịnh biết rằng, mình đóng vai nịnh để yểm trợ cho vai diễn của người trung được thành công ở trong tuồng diễn, khiến cho nhiều người có lợi ích. Người trung biết được người nịnh như vậy và người nịnh cũng biết được người trung như vậy, nên cả người trung và người nịnh đều là những bậc đại trí và đại hạnh ở trong đời.

Họ là đại trí và đại hạnh, vì họ biết rằng, dù là đóng vai trung hay nịnh, cũng chỉ là hai mặt của một tuồng diễn, nên họ đóng vai trung mà không phải là trung; họ đóng vai nịnh mà không phải là nịnh. Nịnh chỉ là để yểm trợ cho trung và trung là để yểm trợ cho nịnh ở trong một tuồng diễn mà thôi, chứ bản chất của họ không phải là trung hay nịnh gì cả.

Cả người trung và người nịnh đều là dễ thương. Họ dễ thương, vì họ biết rất rõ, họ cần phải làm gì và đang làm gì, trong tuồng diễn mà họ đang đóng.

Họ biết rõ, vì quyền lợi bản thân mà trung hay vì quyền lợi bản thân mà nịnh, nịnh và trung như vậy đều là đạo tà. Vì quyền lợi của mọi người mà đóng vai trò trung hay vì quyền lợi của mọi người mà đóng vai trò nịnh, nịnh và trung như vậy đều là nịnh và trung của chánh đạo.

Bởi vậy, tà hay chính, trung hay nịnh không phải ở nơi vai trò trung hay nịnh ở tuồng diễn mà ở ngay nơi tâm của ta. Tâm ta chính, ta đóng vai trò tà, tà ấy trở thành chính. Tâm ta tà, ta đóng vai trò chính, chính ấy trở thành tà. Tâm ta chính, ta nói lời tà, lời tà ấy là chính. Tâm ta tà, ta nói lời chính, lời chính ấy cũng là tà. Tâm ta chính, ta làm việc tà, việc tà ấy là chính.

 Do đó, kinh Hoa Nghiêm dạy: “Vong thất bồ đề tâm, tu chư thiện pháp, thị danh ma nghiệp”. Nghĩa là: “Thực hành các thiện pháp, mà rơi mất tâm bồ đề, ấy gọi là hành động của ma”.

Hành động của ma là hành động không thiết lập trên nền tảng của trí tuệ và từ bi mà hành động theo bản ngã. Hành động theo bản ngã, thì cho dù ta hành động dưới bất cứ hình thức hay danh nghĩa thánh thiện nào, cũng đều là tà cả và hành động theo tâm bồ đề hay tâm có nội dung của tuệ giác và từ bi, thì ta hành động dưới bất cứ hình thức nào, danh nghĩa nào, dù động hay tịnh, dù im lặng hay nói năng đều phù hợp với đạo và chính nó là đạo.

Đạo là linh hoạt và sống động như vậy, nếu ta khởi lên tà ý là tức khắc, ta rơi vào phi đạo, phi nghĩa và phi nhân. Nên, đừng khởi tà ý mà ngăn ta lối về.

 

TỪ BỤI ĐỜI PHIỀN NÃO

 

Có những vị Bác sĩ bị áp lực bởi công việc của gia đình, nghề nghiệp và xã hội, nên họ đã nhờ tôi chỉ bày cho họ “pháp an tâm”, để giúp cho họ vượt ra khỏi tình trạng bị áp lực bởi các công việc và đời sống của họ hàng ngày.

Họ hỏi tôi rằng, “pháp an tâm” có phải là tập trung tâm ý để theo dõi hơi thở phải không thầy? Tôi nói phải mà cũng không phải.

Phải là vì tâm ta vọng động, nên cần phải có phương pháp thực tập cụ thể để đưa tâm trở về lại với trạng thái an tịnh của chính nó. Nên, thực tập theo dõi hơi thở chỉ là một trong nhiều phương pháp thực tiễn giúp tâm an tịnh, chứ không phải nó là duy nhất và tất cả.

Không phải, là vì tâm ta vọng động theo duyên, nên nó cực kỳ linh hoạt và bén nhạy; và trong cuộc sống, ta bị áp lực nhiều phía, chứ không phải chỉ có một phía. Nên, khiến cho tâm ta bị chao đảo bởi nhiều tác duyên, chứ không phải chỉ là một tác duyên.

Vì vậy, ta phải tùy thuận các duyên, để đình chỉ sự vọng động của tâm, chứ không phải chỉ có một phương pháp hay một điều kiện cho tất cả.

Một bác sĩ bị bận rộn bởi những công việc hành chánh, thì ngay nơi công việc hành chánh ấy mà an tâm và nhận diện ý nghĩa đích thực của cuộc sống; một bác sĩ bận rộn bởi công việc trị liệu bệnh tâm thần cho bệnh nhân, thì ngay nơi việc ấy mà an tâm và nhận diện ý nghĩa đích thực của cuộc sống; một bác sĩ đang điều trị bệnh tim mạch cho bệnh nhân, thì ngay nơi công việc ấy mà an tâm và nhận diện ý nghĩa đích thực của cuộc sống; một bác sĩ đang điều trị bệnh da liễu cho bệnh nhân, thì ngay nơi công việc ấy mà an tâm và nhận diện ý nghĩa đích thực của cuộc sống; một bác sĩ đang điều trị tai mắt cho bệnh nhân, thì ngay nơi công việc ấy mà an tâm và nhận diện ý nghĩa đích thực của cuộc sống,…

Tuy là cùng bác sĩ, nhưng nghiệp vụ, chuyên môn không có vị nào giống vị nào. Tuy là bệnh nhân tim mạch, nhưng nhân duyên sinh khởi bệnh tim mạch, cũng không có bệnh nhân nào giống bệnh nhân nào, vì vậy bác sĩ điều trị bệnh nhân tim mạch không phải chỉ có một số kiến thức về tim mạch qua sách vỡ hay qua những trường lớp là đủ, mà phải trực tiếp với lâm sàng, và phải biết theo dõi diễn biến tăng giảm của bệnh nhân từng phút, từng giờ để điều trị cho thích ứng.

Cũng vậy, “pháp an tâm”, không phải chỉ có một phương pháp mà có đến tám vạn bốn ngàn phương pháp hoặc có đến vô lượng phương pháp để thực tập. Duyên nào đã tác động, khiến cho tâm ta không an, thì ngay ở nơi duyên ấy mà thực tập pháp an tâm.

Khi ta thực tập “pháp an tâm”, cần có đủ cả ba chất liệu gồm: Niệm – Giác và Nguyện.

 Niệm là ghi nhận rõ ràng những gì đang diễn ra nơi thân và tâm của ta, qua các cảm thọ do ý nghĩ và hành động đối với việc ta đang làm đem lại.

 Giác là ta phải biết rất rõ và chính xác những gì ta đang nghĩ và đang làm, cũng như biết một cách chính xác các cảm thọ đang diễn ra do ý nghĩ và hành động đối với công việc của ta đang làm đem lại.

Nguyện, nghĩa là ta làm bất cứ công việc gì là ta nguyện trong tâm ta, khiến tâm ta có đầy đủ hai chất liệu của Niệm và Giác để cùng hiện hữu với công việc ấy, ngay trong từng giây phút hiện tiền. Và ngay nơi công việc ấy, mà ta giác ngộ được tự thân thực tại, và cũng chính ngay nơi công việc ấy, mà ta thành tuệ giác vô thượng và thành tựu vô lượng công đức cho mình và cho người.

Như vậy, tâm ta mắc kẹt ở chỗ nào, thì ngay ở nơi chỗ đó mà tháo gỡ; tâm ta bất an ở chỗ nào, thì ngay ở nơi đó mà thiết lập sự an lạc; tâm ta thất niệm với cái gì, thì ngay nơi đó mà niệm, để tạo thành năng lượng của chánh niệm; tâm ta bất giác với cái gì, thì ngay nơi đó mà giác để tạo thành chất liệu của toàn giác, và khi ta làm bất cứ công việc gì, thì ta nguyện mà làm, và ta phải biết nuôi dưỡng nguyện ấy, bằng chất liệu của Niệm và Giác trong từng giây phút hiện tiền, ngay nơi công việc hàng ngày của ta.

 Vì vậy, không có một pháp an tâm nào nhất định cho bác sĩ, kỹ sư, thương gia, chính khách, giáo sư, nông dân, người lớn hay trẻ em, nữ giới hay nam giới, tu sĩ hay cư sĩ mà vạn pháp đều tùy duyên, và ngay nơi vạn pháp tùy duyên ấy mà thiết lập Niệm, Giác và Nguyện, để chuyển hóa đời sống của nghiệp lực thành đời sống của nguyện lực, khiến cho ta thấy cái gì cũng xuyên suốt cả ngọn ngành nhân duyên, nghiệp quả, làm cái gì cũng dẫn sinh an lạc và thảnh thơi, xúc tiếp với cái gì, thì liền thấy rõ sự thật ngay ở nơi cái đó.

Nên, ta có bao nhiêu phiền não là ta có bấy nhiêu điều kiện để tu tập, để thực hành pháp an tâm và Đức Phật của chúng ta sẽ hiện ra từ giữa vô biên phiền não ấy.

Vậy, Đức Phật của chúng ta đang ở đâu, Ngài đang ở ngay trong bụi đời phiền não và kho tàng chánh pháp của Ngài cũng đang ở trong kho tàng vô biên phiền não của thế gian vậy.

 

 

 

NGAY TRONG CUỘC SỐNG NÀY

 

Tham sân si và tính chấp ngã nơi ta, ta có thể diệt trừ được nó chăng? Không thể, vì nó thuộc loại bệnh ung thư về tâm hồn. Vì vậy, ta diệt nó ở dạng nầy, nó sẽ biến thể và hiện hữu dưới một dạng khác hoặc thô phù hoặc tinh tế hơn.

Tại sao? Vì tham sân si và tính chấp ngã của ta vốn không có thực thể nhất định, tất cả đều được biểu hiện theo duyên.

Duyên liên hệ đến những tác ý không như lý, thì vô minh biểu hiện. Mỗi khi trong ta, vô minh đã biểu hiện, thì chính nó làm nhân duyên cho ngã chấp của ta hiện khởi. Tính chấp ngã của ta đã biểu hiện, thì tham sân si của ta cũng từ đó mà hiện khởi.

Vậy, ta muốn tính chấp ngã hay tham sân si không hiện khởi trong đời sống của ta, thì ta phải làm gì? Ta phải quán chiếu sâu sắc và trực tiếp với những gì nơi ta và liên hệ đến ta với những “tác ý như lý”, thì tham sân si hay tính chấp ngã không có điều kiện để biểu hiện trong đời sống của ta.

Tác ý không như lý là tác ý sai sự thực. Nghĩa là sự thực của thân tâm ta, các cảm thọ của ta, các tri giác của ta, các chủng tử tâm hành của ta, các nhận thức của ta, và ngay tất cả những gì đang hiện hữu chung quanh ta, chúng đều do duyên mà khởi, nên chúng không phải thường, vì nó luôn biến diệt và cũng không phải đoạn, vì chúng vừa diệt liền sinh, mà ta tưởng rằng, chúng là thường hay chúng không phải là thường.

Do ta tưởng chúng là thường, nên ta lúc nào và ở đâu cũng bám víu nó hay hờ hững với nó, khiến cho đời sống của ta bị nô lệ bởi nó hay bị ân hận bởi nó. Và vì do ta tưởng chúng không phải là thường, nên ta sống chập giựt và hưởng thụ một cách vội vã đối với chúng, khiến cho đời sống của ta lúc nào và ở đâu cũng bồn chồn, rát bỏng và thất vọng.

Sống bám víu là điều kiện làm cho tham ở nơi tâm ta khởi lên; sống hờ hững là điều kiện làm cho si ở nơi tâm ta khởi lên. Ta tham bởi bất cứ cái gì thì ta bị làm nô lệ cho cái ấy. Ta si mê với bất cứ cái gì, thì ta bị mù quáng và ân hận bởi cái ấy.

Sống chập giựt và vội vã hưởng thụ là điều kiện cho tham đắm, sân hận, mù quáng, cuồng loạn và cuồng tín khởi lên. Ta cuồng tín và cuồng loạn bởi cái gì, là ta bị cái đó đốt cháy đời sống của ta, ta sẽ bị chết một cách thê thảm bởi cái đó.

Do đó, đối với vạn hữu, ta tưởng chúng là thường hay tưởng chúng không phải là thường đều là tác ý không như lý. Và mỗi khi ta nhìn các đối tượng mà ta khởi lên những tác ý không như lý, chính nó là duyên hay là điều kiện để cho tham sân si và tính chấp ngã ở nơi ta hiện khởi.

Tác ý như lý là tác ý đúng sự thực. Nghĩa là khi tiếp xúc với mọi sự vật, chúng hiện hữu như thế nào là ta tác ý đúng như thế ấy. Nghĩa là do tác ý không lầm lẫn giữa thường và vô thường đối với các sự hiện hữu, khiến cho sự hiểu biết của ta không bị rơi vào hai cực đoan hoặc chỉ có cái nầy hoặc chỉ có cái kia. Mỗi khi cái biết của ta không bị rơi vào hai cực đoan, thì mọi hành động của ta không bị rơi vào những phiến diện. Hành động không phiến diện là hành động toàn hảo. Hành động toàn hảo là hành động vắng mặt của tham, sân si và chấp ngã. Hành động ấy được dẫn khởi từ như lý tác ý đối với vạn hữu của ta.

Do đó, tham sân si và chấp ngã ở nơi tâm ta không thể nào bị diệt trừ, khi mà nhân duyên sinh khởi nó vẫn còn tồn tại dưới một dạng nầy hoặc một dạng khác. Và khi nhân duyên của chúng không còn, thì ta không cần khởi diệt mà bản thân của nó tự diệt.

Tham sân si và chấp ngã không thể nào có mặt và tồn tại trong nhân duyên “như lý tác ý”, mà nó luôn luôn tồn tại trong nhân duyên “phi như lý tác ý”.

Vì vậy, ta không cần diệt trừ tham sân si hay tính chấp ngã ở nơi tâm ta, vì sao, vì chúng biểu hiện theo duyên, nên không có thực, mà ta chỉ cần chuyển hóa nhân duyên sinh khởi chúng. Ta chuyển hóa bằng cách nào? Bằng cách quán chiếu để chuyển hóa “phi như lý tác ý” thành “như lý tác ý” đối với mọi sự hiện hữu, để thấy rõ “cái gì do quan hệ nhân duyên mà sinh khởi, cái ấy không phải thường còn mà cũng không phải diệt mất; bản thân của cái ấy không phải là nó, mà cũng không phải mâu thuẫn với nó; bản thể của cái ấy không phải là ngã mà cũng không phải là phi ngã, mà chính nó rỗng lặng mọi tác ý về ngã và phi ngã”.

Mọi ý niệm về ngã hay phi ngã đều rơi vào “phi như lý tác ý” , khiến cho các tâm hành duyên vô minh mà sinh khởi. Và mỗi khi tác ý của ta không rơi vào cạm bẫy của “ngã hay phi ngã”, tức là ta có tác ý như thực. Tác ý ấy dẫn sinh sự tự do và bình an đích thực cho ta ngay trong cuộc sống nầy.

 

THIỆN VÀ ÁC TRI THỨC

 

Bạn chống lại cái sai của người nào, chính bạn là thiện tri thức của người đó. Bạn đồng lõa với cái sai của nguời nào, chính bạn là ác tri thức của người đó. Bạn đồng tình với cái đúng của người nào, chính bạn là thiện tri thức của người đó. Bạn chống lại cái đúng của người nào, chính bạn là ác tri thức của người đó.

Bạn nên nhớ, bạn chống lại cái đúng của người nào, thì không phải người đó bị hủy diệt, mà chính bạn bị hủy diệt. Bạn chống lại cái sai của người nào, thì người kia bị hủy diệt trước và bạn sẽ bị tiếp tục hủy diệt theo sau. Bạn tùy thuận với cái đúng của người nào, thì bạn cùng tồn tại đúng với cái đúng của người ấy. Bạn tùy thuận với cái sai của nào, thì bạn cũng tồn tại theo cái sai ấy.

Đối với thế gian nầy, cái đúng và cái sai lúc nào và ở đâu cũng có, nhưng cái có ấy, nó có ý nghĩa như thế nào là tùy theo cách nhận thức hay điểm đứng nhìn của bạn.

Và cái đúng, cái sai ở thế gian nầy lúc nào và ở đâu cũng có. Nó có, vì nó có ngay ở tâm của bạn. Tâm của bạn lúc nào và ở đâu cũng hàm chứa đầy đủ cả hai chất liệu thiện và ác.

Bạn có thể trở thành thiện tri thức, khi tâm thiện của bạn biểu hiện và tùy thuận với tâm thiện của người khác và bạn có thể trở thành ác tri thức, khi tâm ác của bạn biểu hiện và hỗ trợ cho tâm ác của người.

Tùy hỷ và tùy thuận với việc ác của người là ác tri thức và tùy hỷ, tùy thuận, với việc thiện của người là thiện tri thức.

Vậy, bạn hãy nhìn lại tâm mình để tự thấy rằng, mình có phải là thiện tri thức hay là ác tri thức của mọi người ở giữa thế gian nầy?

 

 
NHẬN DIỆN VÀ THAY THẾ

 

Ta nhìn xuyên suốt lịch sử phát triển của xã hội loài người, thì không có bất cứ một xã hội nào, mà chính quyền không chủ trương và nỗ lực trừ diệt nạn trộm cắp, nhưng mà nạn trộm cắp thì không có xã hội nào diệt sạch.

Xã hội kém phát triển và kém văn minh, thì việc trộm cắp cũng xảy ra theo cách kém phát triển và kém văn minh như xã hội ấy. Và nếu xã hội phát triển và văn minh, thì nạn trộm cắp cũng xảy ra theo cách của một xã hội phát triển và văn minh ấy.

Và tất cả chính quyền trong các xã hội ấy, đều có những luật pháp để bài trừ nạn trộm cắp, nhưng nạn trộm cắp vẫn tồn tại theo sự tồn tại của xã hội mà chính quyền ấy đang điều hành.

Tại sao? Vì chính quyền lãnh đạo của những xã hội ấy, chỉ nỗ lực trừ diệt nạn trộm cắp của xã hội, mà không nỗ lực diệt trừ lòng tham nơi con người. Chính lòng tham của con người mới tạo ra nạn trộm cắp của xã hội chứ? Nếu ta chỉ nỗ lực diệt trừ nạn trộm cắp ở nơi xã hội, mà không nỗ lực diệt trừ lòng tham nơi con người, thì chẳng khác nào một người nhổ cỏ cú. Ngày nay ta nhổ nó, ngày mai nó lại tiếp tục lên lại mạnh hơn. Vì gốc của cỏ cú chưa bị ta đoạn tận.

Cũng vậy, lòng tham của con người là nguyên nhân phát sinh mọi sự trộm cắp và tệ nạn xã hội. Ta chỉ diệt trừ nạn trộm cắp, mà không biết diệt trừ nguyên nhân của nạn trộm cắp, thì thử hỏi ta diệt trừ nạn trộm cắp đến khi nào mới hết?

Nạn trộm cắp phát sinh từ lòng tham của con người, mà điều kiện để cho lòng tham của con người bám vào để biểu hiện thì vô số. Xã hội càng văn minh vật chất, thì lòng tham của con người lại càng tăng trưởng. Xã hội càng văn minh khoa học kỹ thuật, thì lòng tham con người lại càng tinh vi và hành động trộm cắp của con người lại càng tinh xảo và điêu luyện. Vì sao? Vì những văn minh ấy đều dựa vào lòng tham của con người để phát triển và phát triển để gợi cảm và kích thích lòng tham của con người. Và cho dù xã hội văn minh vật chất đến đâu cũng không thể nào đáp ứng được lòng tham của con người.

Và lòng tham của con người không phải chỉ là những yếu tố vật chất, mà còn tham lam vào những yếu tố phi vật chất nữa. Lòng tham của con người không phải chỉ bám vào những yếu tố vật chất để thỏa mãn những lạc thú nơi trần thế, mà còn bám víu vào những yếu tố phi vật chất để hy vọng được hưởng thụ những lạc thú thuộc về niềm tin hay tâm thức ở nơi các thế giới của chư thiên nữa. Vì vậy ở trong xã hội con người có những cuộc bạo loạn không phải chỉ đơn thuần là những thèm khát vật chất mà dẫn sinh từ những thèm khát tâm linh và phụng thờ tín ngưỡng.

Vì vậy, mọi sự hiểu biết của con người mà dựa vào lòng tham để hiểu, thì rốt cuộc con người chẳng có sự hiểu biết nào cả, ngay cả lòng tham ở nơi chính họ. Và mọi sự học hành của con người, nếu dựa vào lòng tham để phát triển, thì càng học, con người lại càng tham lam và càng tham lam con người lại càng ích kỷ và kiêu căng. Càng ích kỷ và kiêu căng con người lại càng tệ hại và ngu muội. Càng ngu muội, con người lại càng bất mãn với chính nó. Càng bất mãn với chính nó, con người càng tạo ra hận thù và hành động một cách mù quáng.

Cho nên, lòng tham lam, sự giận dữ và tâm mù quáng của con người là gốc rễ làm cho mọi bất công của xã hội phát sinh, mọi tệ nạn của xã hội từ đó mà hiện khởi và mọi bất hạnh, khổ đau của con người cũng từ đó mà sinh ra.

 Ta học tập mà để cho lòng tham phát triển trong ta là sự học tập của ta đã bị chệch hướng. Nên, càng học là càng sai; càng học lại càng ngu muội và càng học là càng không biết gì.

Vì vậy, ta cần phải tạo dựng hay thiết lập một sự học tập chính đáng. Sự học tập chính đáng là sự học tập không dựa vào lòng tham mà dựa vào tâm ly tham. Và muốn ly tham, trước hết là ta phải biết nhận diện về lòng tham đang có mặt trong ta, ta phải biết nhận diện nó như là chính nó và nó được sinh khởi từ những yếu tố không phải là nó. Ta phải biết nhận diện những gì nguy hiểm do lòng tham và những yếu tố tạo nên lòng tham đem lại cho ta và xã hội của ta.

Do đó, ta không những không làm bạn với lòng tham, không sống chung với lòng tham và không đi theo với lòng tham, mà còn không làm bạn với những yếu tố tạo nên sự sinh khởi cho lòng tham, không sống chung với những yếu tố tạo nên lòng tham và không đi theo với những yếu tố tạo nên lòng tham nữa.

Ta phải biết thay lòng tham của ta bằng tình thương chân thực, hay bằng sự xả ly tài sản, xả ly sắc dục, xả ly danh vọng và quyền lực. Ta phải biết ăn mặc và ngủ nghỉ vừa đủ để thích ứng với đời sống xả ly.

Nếu lòng tham của ta được nhận diện và thay thế như vậy, tức là chính ta đã tích cực góp phần vào việc diệt trừ tận gốc mọi tệ nạn xã hội, mà trong đó có cả tệ nạn trộm cắp. Ta có thể đóng góp vào sự xây dựng và phát triển xã hội tốt đẹp bằng chính tâm ly tham của mỗi chúng ta.

Và, nếu ta chỉ nỗ lực diệt trừ tệ nạn trộm cắp của xã hội, nhưng chưa có phương pháp nào để diệt trừ lòng tham nơi ta và nơi mọi người, thì mọi tệ nạn xã hội vẫn nằm nguyên trạng mà những hành động diệt trừ tệ nạn của ta chỉ là hành động của những kẻ cầm lửa đi trước gió hay là hành động của những người đi bắt rắn ở đầu đuôi!

 

 

ĐI TRONG ĐẠI TRÍ VÀ ĐẠI BI

 

Một người Phật tử có chí lớn, người ấy không lập thân trên sở học hay nghề nghiệp, mà lập thân trên hạnh và nguyện của tâm bồ đề.

Tâm bồ đề là tâm tuệ giác. Tâm ấy được tạo nên bởi hai chất liệu của đại bi và đại trí. Đại trí là sự hiểu biết chính xác và cùng khắp đối với mọi sự hiện hữu và không hiện hữu, trong mọi không gian và trong mọi thời gian.

Đại bi là sự thương yêu không chiếm hữu và không bị điều động bởi ngã ý, nó có khả năng dìu dắt tất cả mọi sự hiện hữu và không hiện hữu dẫn sinh đời sống an bình bằng chất liệu của đại trí. Bi và trí như vậy là bi và trí của tâm bồ đề.

Người Phật tử thực tập bi và trí bằng hạnh nguyện mỗi ngày trong mỗi động tác, để thành tựu phước đức và trí tuệ cho tự thân và mở lớn hạnh nguyện ấy, đến với một người, hai người, nhiều người, mọi người và rộng lớn cho đến cùng hết thảy mọi loài trong mọi không gian và trong mọi thời gian.

Bởi vậy, bi và trí của người Phật tử không còn bị ngăn cách giữa không gian nầy với không gian kia; giữa thời gian nầy với thời gian kia; giữa người nầy với người kia; giữa chủng loại nầy với chủng loại kia. Với trí và bi như vậy, nên trái tim của người Phật tử không phải chỉ có khả năng dung hóa một mặt trời của một thái dương hệ, mà có khả năng dung hóa vô biên mặt trời của vô biên thái dương hệ trong vô biên thế giới. Và trí và bi của người Phật tử như vậy, nên đời sống và hành hoạt của người Phật tử không phải chỉ cảm nhận sự an bình và tươi mát của một vầng trăng trong một thái dương hệ mà cảm nhận vô lượng sự an bình và tươi mát từ vô biên vầng trăng của vô biên thái dương hệ.

Dung hóa ở trong đại trí và đại bi, và từ trí bi ấy, mà người Phật tử khởi lên đại hạnh và đại nguyện làm lợi ích cho hết thảy muôn loài với vô số hình thức thuận nghịch khác nhau.

Dù là ở trong thuận cảnh, người Phật tử đang được mọi người và ngay cả chư thiên, hết lòng kính ngưỡng, ca ngợi và tung hoa cúng dường đuợc biểu hiện dưới vô số hình thức, nhưng tâm của người Phật tử không hề bị chao động và không hề khởi lên tâm kiêu mạn và thủ đắc. Và, dù đang đi trong nghịch cảnh, và đang bị vô số sự chống đối, hủy nhục, nhưng không phải vì vậy, mà người Phật tử khởi tâm nhàm chán để đánh mất tâm bồ đề và hạnh nguyện lớn rộng của mình.

Mọi hành hoạt của người Phật tử là vì lợi ích cho mọi người và mọi loài mà không phải vì bản thân, nên thành công không phải là niềm tự hào, thì thất bại cũng không phải là nỗi đắng cay. Thành công là vì mọi người và mọi loài có nhiều niệm thiện; thất bại là vì mọi người và mọi loài có nhiều tà ý và ác tâm, chứ không phải từ nơi hạnh nguyện bi và trí của người Phật tử.

Mọi hành hoạt của người Phật tử không phải vì người thiện mà bỏ người ác hay vì người ác mà bỏ người thiện, mà người Phật tử hành hoạt theo đại bi và đại trí, nên đối với người thiện, người Phật tử nguyện thân cận để giúp đỡ cho họ chuyển hóa từ thiện hữu hạn đến thiện vô cùng, và đối với người ác, người Phật tử nguyện thân cận để giúp đỡ cho điều ác của họ ngày càng giảm thiểu, để khiến cho tất cả họ đều hướng về đời sống của đại bi và đại trí.

Nên, thiện hay ác đối với người Phật tử không phải là điều thủ đắc hay không thủ đắc.

Và, vì sống bằng đời sống của đại trí và đại bi, nên người Phật tử không phải không biết làm kinh tế, mà còn có khả năng làm kinh tế một cách tài tình, để có điều kiện giúp đỡ cho những người nghèo khổ không nơi nương tựa vật chất, khiến cho họ không bị rơi vào những sợ hãi lạnh lẽo, đói khát và nhờ vậy, mà người Phật tử thành tựu hạnh nguyện tài thí một cách thực tế ngay trong cuộc sống nầy.

Người Phật tử không phải chỉ nỗ lực học hỏi một pháp môn, mà nỗ lực học hỏi và thông đạt vô lượng pháp môn, để diễn đạt chánh pháp không bị ngăn ngại, giúp cho những người không nơi nương tựa tinh thần hay tâm linh, khiến cho họ trừ diệt được hết thảy tà si mà mến yêu chánh kiến, và nhờ vậy, mà người Phật tử thành tựu hạnh nguyện pháp thí một cách thực tế ngay trong cuộc sống nầy.

Người Phật tử nỗ lực thực tập hết thảy các loại thiền định một cách sâu xa, để có đầy đủ ý chí và nghị lực, giúp cho những người tà ý, loạn tâm, trừ diệt được những tâm chí yếu hèn, sợ hãi trước những khó khăn, trước những biến đổi, thăng trầm, sống chết, và nhờ vậy, mà người Phật tử thành tựu hạnh nguyện vô úy thí, một cách thực tế ngay trong cuộc sống nầy.

Người Phật tử nguyện không làm điều ác, chỉ làm điều lành và nguyện phụng sự hết thảy chúng sanh, để cho mình và người đều thành tựu đời sống đạo đức cao thượng và có sự an lạc ngay trong những hành xử đời thường.

Người Phật tử nguyện nhẫn nhục cả thân, miệng và ý để thành tựu hạnh nguyện giải tỏa oán kết giữa mình và mọi người, giữa mình và mọi loài và để cùng nhau chung sống hòa bình.

Người Phật tử nguyện thực tập tinh cần theo hạnh và nguyện của đại trí và đại bi, khiến cho mọi tâm ý buồn chán và giải đãi không thể phát sinh, nhằm thành tựu sự thăng tiến ngay trong đời sống giác ngộ.

Người Phật tử nguyện thực tập các loại thiền định để thâm nhập tự tánh thanh tịnh của toàn thể pháp giới và chứng nhập pháp thân thanh tịnh.

Người Phật tử nguyện lắng nghe mọi âm thanh, nhìn sâu vào mọi sắc tướng, ngửi sâu các hương thơm, nếm sâu các mùi vị, tiếp xúc và nhận biết sâu các đối tượng, bằng sự quán chiếu sâu xa, để thành tựu tuệ giác siêu việt, ngay trong từng giây phút của sự sống.

Người Phật tử sống bằng đời sống như vậy, nên họ ở đâu và lúc nào, cũng dùng chất liệu của đại bi và đại trí để trang nghiêm báo thân và từ báo thân ấy, họ có vô số ứng hóa thân để hành đạo, đem lại nhiều niềm vui sống cho mọi người và mọi loài, trong từng ứng xử và trong từng bước đi của đại bi và đại trí trong mọi thời đại.

 

 

KHỔ ĐAU
ĐẾN TỪ CÁ TÍNH VÀ TÙY TIỆN

 

Bài toán cộng 5 + 2 = 9. Có những người đã làm bài toán cộng như thế và cũng có những người đã chấm bài toán cộng ấy là đúng và cho điểm 10/10. Cả những người làm toán và những người chấm điểm bài toán ấy, họ đều ca ngợi nhau và họ rất tự hào về cách làm và cách chấm điểm của họ.

 Bài toán trừ  13 – 6 = 9. Có những người đã làm bài toán trừ như thế và có những người đã chấm bài toán trừ ấy là đúng và cho điểm 10/10. Cả những người làm toán và những người chấm điểm bài toán ấy, họ đều ca ngợi nhau và họ rất tự hào về cách làm và cách chấm điểm ấy của họ.

Bài toán nhân 3 x 5 = 9. Có những người đã làm bài toán nhân như vậy và cũng có những người đã chấm bài toán nhân ấy là đúng và cho điểm 10/10. Cả người làm toán và cả người chấm điểm toán ấy, họ đều ca ngợi nhau và họ rất tự hào về cách làm và cách chấm điểm ấy của họ.

Bài toán chia  8: 2 = 9. Có những người đã làm bài toán chia như vậy và cũng có những người đã chấm bài toán chia ấy là đúng và họ cho điểm 10/10. Cả người làm toán và cả người chấm điểm toán ấy, họ đều ca ngợi nhau và họ rất tự hào về cách làm và cách chấm điểm ấy của họ.

Cả những người làm những bài toán ấy và cả những người chấm điểm cho những bài toán ấy, họ không làm và chấm điểm toán theo một quy luật nào cả, mà họ làm toán và chấm toán theo sự tùy tiện của họ.

Theo họ, đúng và sai của một bài toán không phải là đúng và sai theo quy luật, mà đúng và sai theo cá tính, lập trường hay quan điểm của họ.

Vì vậy, cá tính của họ thích con số 9, nên bất cứ phép cộng trừ nhân chia nào của họ cũng đều muốn trở thành con số 9 một cách tùy tiện, để thỏa mãn cá tính tùy tiện của họ.

Và cũng vậy, khi một người đã có lập trường hay quan điểm nào, thì họ sẽ bị ám ảnh bởi quan điểm và lập trường ấy, nên nói Đông, nói Nam, nói Bắc, nói Tây hay nói bất cứ cái gì, thì cuối cùng họ vẫn “xì” cái đuôi của quan điểm hay lập trường ấy của họ ra mà thôi.

Đối với những người như vậy, cuộc đời của họ khó mà nhận ra được một bài toán đúng, chứ nói gì làm một bài toán đúng cho chính cuộc đời của họ.

Ta nên nhớ rằng, trong cuộc sống cộng đồng, không có hành động nào cá tính và tùy tiện của ta mà đúng cả. Mọi hành động cá tính và tùy tiện của ta, dẫn cuộc sống của ta đi từ sự sai lầm nầy đến những sự sai lầm khác, mà mọi hậu quả đưa đến cho ta chỉ là cô độc, thất vọng và khổ đau!

 

 
 
ĐỪNG NGHĨ VÀ ĐỪNG LÀM

 

Bạn có thể chống lại cái ác được chăng? Không thể, bạn có quyền không nghĩ đến nó và không làm theo nó, nhưng bạn hoàn toàn không có khả năng chống lại nó.

Tại sao? Bởi điều thiện không thể chống lại điều ác và điều ác không thể chống lại điều thiện. Vì thiện và ác bản tính của chúng không những hoàn toàn khác nhau mà mọi hình tướng, năng lực, tác dụng, nhân duyên, quả báo, môi trường sinh hoạt, gốc rễ và ngọn ngành của chúng cũng hoàn toàn khác hẳn nhau.

Vì vậy, thiện và ác không thể nào gặp nhau và không bao giờ gặp nhau, thì làm gì có việc chống nhau.

Nên, điều thiện không thể chống lại điều ác và điều ác lại càng không thể chống lại điều thiện. Và vì vậy, Đức Phật không dạy con người chống lại điều ác mà Ngài chỉ dạy con người “đừng làm điều ác”.

Cái xấu là kết quả tất yếu của cái ác. Cái đẹp là kết quả tất yếu của cái thiện. Nhân và quả của chúng như thế ở đâu và lúc nào mà không có ở trong thế gian nầy và ngay ở trong tâm thức của mỗi chúng ta.

Vì vậy, Ngài dạy cho con người nên nghĩ điều thiện và nên siêng năng làm nó để sinh khởi những kết quả đẹp.

Chỉ có khi nào con người đừng nghĩ tới điều ác, thì con người mới có khả năng không nói điều ác và không làm điều ác. Và chỉ có khi nào ta nghĩ tới điều thiện, ta mới có khả năng nói và làm điều thiện.

Thiện và ác đều có sẵn ở nơi tâm của mỗi chúng ta. Ta chỉ cần không nghĩ tới điều ác là tức khắc điều ác không thể biểu hiện ở nơi tâm của chúng ta. Và ta chỉ cần không nghĩ tới điều ác là tức khắc ta đã có điều thiện và điều thiện nơi tâm ta có điều kiện để biểu hiện qua thân và ngữ, tạo ra môi trường sinh hoạt tốt đẹp cho ta.

Ác đi từ tâm ích kỷ của ta. Tâm ích kỷ đi từ tính chấp ngã của ta. Thiện đi từ tâm vị tha và bao dung của ta. Tâm vị tha và bao dung của ta đi từ tâm trực nhận được thực tại duyên khởi, vô ngã của ta.

Ta chỉ là thiện, khi nào tâm ta biểu hiện những hành động không ích kỷ, lời nói của ta không mang chất liệu hại người, ghét người, hay thù hận người khác.

Vì vậy, ta muốn đừng có kết quả xấu đến với ta, thì ta đừng nghĩ ác và làm ác.

 

 
 
HOA TRÁI CHO BẠN

 

Nếu bạn là một người làm vườn và biết chăm sóc vườn giỏi, bạn phải biết bón phân và bắt sâu cho cây vườn mỗi ngày, thì vườn cây của bạn mới cho bạn màu xanh và hoa trái thơm ngọt, tươi lành.

Cũng vậy, nếu bạn là người biết tu tập, bạn phải biết bón phân và chăm sóc vườn tâm của bạn mỗi ngày.

Tham, sân, si, kiêu ngạo, nghi ngờ, ganh tỵ là những loại cỏ rác và sâu bọ, làm cho vườn tâm của bạn sinh ra những hoa trái bị nhiễm độc và úa tàn.

Nên, bạn cần phải biết sử dụng chất thuốc từ bi, chất thuốc hỷ xả. chất thuốc trầm tĩnh và biết lắng nghe để hiểu, nhằm chuyển hóa những chất độc hại ấy nơi vườn tâm của bạn, khiến cho vườn tâm của bạn sinh ra những hoa trái thơm lành và ngọt, giúp cho bạn thừa hưởng đời sống an bình.

Đời sống khổ đau hay an lạc của bạn là tùy thuộc vào tâm độc hại hay tâm trong lành ở nơi chính bạn. Bạn nghĩ và hành động với tâm nào, thì chính tâm ấy sinh ra hoa trái cho đời sống của chính bạn.

 
 
BÀN TAY CỦA BẠN

 

Bạn có phước báu mới có được một thân thể nhân hậu và toàn hảo. Nhưng, nếu bạn tự hào đối với những gì mà thân thể của bạn đang có và rất mực kiêu hãnh đối với chúng, thì phước báu của bạn sẽ bị giảm dần và có thể bị mất hẳn.

Bấy giờ thân thể của bạn sẽ bị biến thể trái ngược hoàn toàn với niềm tự hào và kiêu hãnh của bạn. Thân thể của bạn sẽ trở nên xấu xí, thô cứng. Chính niềm tự hào và kiêu hãnh về thân thể của bạn, hạt giống ấy sẽ tạo ra thân thể xấu xí và thô cứng cho đời sống tương lai của bạn.

Nếu bạn có một thân thể đẹp và nhân hậu, nhưng bạn không hề kiêu hãnh đối với nó. Bạn sống rất mực khiêm tốn và hài hòa với mọi người, thì không những đời nầy bạn có một thân thể đẹp mà đời sau bạn cũng có một thân đẹp, nó đẹp hơn cả thân thể mà bạn đang có.

Vì sao? Vì thân thể đẹp là do chất liệu cung kính và khiêm tốn với mọi người mà cảm nên.

Vì vậy, bạn thực tập hạnh khiêm tốn và cung kính với mọi người là bạn đã gieo hạt giống tốt đẹp cho thân thể của bạn trong tương lai.

Vậy, bạn hãy nhìn kỹ bàn tay để thấy rõ những gì bạn đã nghĩ và làm trong quá khứ và bạn hãy nhìn kỹ những ý nghĩ và hành động của bạn ngay đây và bây giờ, để thấy rõ bàn tay tương lai của bạn.

 

 

TÂM THỨC KHỦNG BỐ

 

Thỏ và nai là những loài thú nổi tiếng nhác gan và sợ hãi. Chúng nhác gan và sợ hãi, bởi lẽ chúng đã từng là những loài thú gan dạ, hùng tráng trước đó và trước đó, chúng đã từng dùng sức mạnh để cưỡng hiếp những loài yếu kém thua chúng, nên kiếp nầy chúng phải mang thân nai và thỏ, để nhận lấy những quả báo lo lắng, nhác gan và sợ hãi từ mọi phía.

Cũng vậy, nếu ta làm người có nhiều quyền lực ngay cả quyền lực tôn giáo, và ta sử dụng những quyền lực ấy để uy hiếp kẻ khác, để trấn lột sự an bình của kẻ khác, và khiến cho những kẻ khác phải bị khiếp đảm bởi quyền uy của ta, thì tương lai ta sẽ làm người có nhiều hạt giống sợ hãi và lo lắng, ta luôn luôn sống ở trong trạng thái bất an.

Bất an đến nỗi ta thấy cái gì cũng sanh tâm sợ hãi, ta nghe cái gì cũng sanh tâm khiếp đảm, ta tiếp xúc với bất cứ cái gì cũng sanh tâm sợ hãi.

Những sự sợ hãi như vậy, chúng đã biến dạng từ những hành xử lạm dụng quyền uy của ta một cách thái quá đối với những người liên hệ.

Ta làm gia trưởng, ta lạm dụng quyền uy gia trưởng của ta một cách thái quá đối với những người trong gia đình, bởi vậy mà khi quả báo lạm dụng quyền uy ấy chín muồi, khiến cho ta bị mất hết thảy mọi quyền uy đối với gia đình và ta sinh tâm sợ hãi gia đình.

Ta lãnh đạo quốc gia, ta lạm dụng quyền uy lãnh đạo quốc gia của ta một cách thái quá đối với mọi thành phần trong xã hội, bởi vậy mà khi quả báo lạm dụng quyền uy ấy chín muồi, khiến cho ta bị mất hết thảy mọi quyền uy đối với xã hội và ta sinh tâm sợ hãi xã hội.

Ta lãnh đạo tôn giáo, ta lạm dụng quyền uy lãnh đạo tôn giáo của ta một cách thái quá đối với những người liên hệ và tín đồ, bởi vậy mà khi quả báo lạm dụng quyền uy ấy chín muồi, khiến cho ta mất hết thảy mọi quyền uy đối với tôn giáo và ta sinh tâm sợ hãi tôn giáo.

Trong kinh đức Phật dạy: “Những người lạm dụng quyền uy làm cho người khác khiếp đảm, người ấy sau khi xả bỏ thân mạng, tâm thức liền tái sinh vào thế giới súc sanh, làm thân nai, thỏ, để chịu đựng quả báo sợ hãi suốt đời”.

Nếu ta có phước báo về quyền uy, nhưng ta không lạm dụng quyền uy ấy để làm cho mọi người khiếp đảm, mà trái lại ta biết sử dụng quyền uy của ta vốn có, để che chở cho mọi người, khiến cho mọi người không sinh tâm sợ hãi, ai cũng được sống với tâm an bình bởi sự che chở của ta, thì quyền uy của ta không bị giảm sút mà càng ngày càng tăng trưởng lớn mạnh, nó đi từ quyền uy gia đình đến quyền uy xã hội và từ quyền uy xã hội đến quyền uy tôn giáo. Không những vậy, quyền uy của ta không những tồn tại ở trong đời nầy mà còn cả muôn đời về sau.

Quyền uy của ta như vậy, không còn là quyền uy của mánh khóe và bạo lực mà là quyền uy của phước báo và đức hạnh.

Quyền uy của ta sinh khởi từ phước báo và đức hạnh thì không một ai có thể tước đoạt hay chiếm dụng được của ta, mà ta chỉ mất quyền uy ấy khi tâm ta khởi lên và đắm say đối với nó.

Mỗi khi quyền uy do phước báo và đức hạnh của ta đã bị thoái hóa và biến mất, thì tự thân đời sống của ta trở thành đời sống của những chú nai và thỏ dưới hình dạng con người mà thôi và nếu ta không tỉnh giác, thì chắc chắn trong tương lai cả tâm thức và hình dạng của ta đều là nai và thỏ vậy.

Vì vậy, đời sống của những chú nai và thỏ là quả báo của những người đã từng lạm dụng quyền lực một cách thái quá để khủng bố và ức hiếp kẻ khác, nhằm thỏa mãn những thú tính của mình.

 

 

SỐNG AN TOÀN VÀ LỢI ÍCH

 

Ta cho người cơm ăn áo mặc, người cho ta lại điều kiện để tạo thành phước đức. Ta cho người công ăn việc làm, người làm việc cho ta lại thành phẩm và lợi nhuận.

Trong sự tương quan tương sinh của sự sống, ta cho người cái nầy, người cho ta lại cái kia, nên chính cho là nhận, chính nhận là cho, ấy là chân lý của cuộc sống và công bằng của lẽ sống. Trong cuộc sống ta không bao giờ có cái cho hay cái nhận đơn thuần.

Thầy cho trò những kiến thức, chữ nghĩa, nghề nghiệp; thầy nhận từ trò lòng kính trọng và sự biết ân. Vua ban ân tứ cho dân, cũng chính là vua đang nhận phước đức từ muôn dân.

Thầy và trò, vua và dân như vậy, không hề hiện hữu trong ý nghĩa đơn thuần mà hiện hữu trong ý nghĩa tương quan duyên khởi. Họ hiện hữu để giúp nhau, để cùng nhau tồn tại trong một ý nghĩa nhất định nào đó của cuộc sống con người.

Chân lý của cuộc sống là không có sự hiện hữu nào là sự hiện hữu đơn thuần, mà mọi sự hiện hữu là hiện hữu tương quan giữa cho và nhận hay giữa nhận và cho, hay nói chính xác hơn chính cho là nhận và chính nhận là cho.

Ta cho cuộc sống bao nhiêu, thì ta nhận lại từ cuộc sống bấy nhiêu. Ta nhận từ cuộc sống bao nhiêu, thì ta cho lại cuộc sống bấy nhiêu. Ta cho cuộc sống bao nhiêu sự thanh cao, thì ta nhận lại bấy nhiêu sự thanh cao từ cuộc sống. Ta cho cuộc sống bao nhiêu sự thấp kém là ta nhận lại sự thấp kém từ cuộc sống bấy nhiêu.

Không có cái cho hay cái nhận đơn thuần nào mà có thể tự hữu. Công bằng trong cuộc sống con người, chính là sự hiện hữu tương quan duyên khởi. Thấy rõ sự công bằng, ngay nơi mọi sự hiện hữu tương quan duyên khởi ấy, cái thấy ấy là cái thấy của trí tuệ.

Tại sao? Vì cái thấy ấy có khả năng chạm tới và tiếp xúc được với thể tính chân thực của sự sống và có khả năng chặt đứt mọi hệ lụy do những nhận thức sai lầm đem lại cho ta từ một đời hay nhiều đời.

Từ bi trong đạo Phật không hề mang ý nghĩa của nhận thức và không thể nào sinh khởi từ nhận thức một phía. Từ bi trong đạo Phật sinh khởi từ trí tuệ. Từ bi chỉ là những hành động chuyển tải trí tuệ. Không có trí tuệ, ta không bao giờ có từ bi.

Trong ý nghĩa duyên khởi hay trong ý nghĩa công bằng của sự sống, không có cái cho và cái bị cho, không có cái nhận và cái bị nhận hay nói cách khác không có cái cho và cái nhận. Tại sao? Vì ý nghĩa cho và nhận, chỉ là những ý nghĩa của nhận thức quy ước và phân biệt mà không phải là tự thân của thực tại.

Nhận thức và phân biệt giữa cho và nhận theo quy ước thường đẩy con người rơi vào hai trạng thái của mặc cảm là tự tôn và tự ty.

Cho, thường rơi vào mặc cảm tự tôn, vì vậy mà người cho không thể tạo ra được sự an lạc và phước đức lâu dài cho chính mình. Nhận, thường rơi vào mặc cảm tự ty, nên người nhận không cảm thấy thoải mái và tự chủ lâu dài của chính mình.

Từ bi trong đạo Phật là từ bi của trí tuệ, nên người nào thực hành hạnh từ bi của đạo Phật, người ấy phải có khả năng xóa sạch lằn mức giữa cho và nhận. Và phải biết rằng, cho và nhận không phải là hai thực thể tách rời. Chính cho là nhận và chính nhận là cho.

Nếu không có người nhận, thì ta lấy ai để cho và nếu không có ai để cho, thì ý nghĩa cho làm sao thành tựu được? Vì vậy, không có cái cho nào hiện hữu đơn thuần, mà chính cho là nhận. Và cũng không có cái nhận nào hiện hữu đơn thuần, mà chính nhận là cho.

Trong đời sống hàng ngày, ta quán chiếu tính duyên khởi của vạn hữu giữa cho và cho một cách thường trực là ta có khả năng xóa sạch những tâm ý cao ngạo trong ta, vì ta đã thấy rất rõ chính cho là nhận. Và ta quán chiếu tính duyên khởi của vạn hữu giữa nhận và nhận là ta có khả năng xóa sạch những tâm ý mặc cảm thấp kém trong ta, vì ta đã thấy rất rõ chính nhận là cho.

Tâm ý cao ngạo và tự tôn của ta đã làm cho trí tuệ của ta bị vẩn đục và chính nó đánh mất hoàn toàn tâm từ bi của ta. Tâm ý mặc cảm thấp kém và tự ty của ta cũng làm cho trí tuệ của ta vẩn đục, và cũng đánh mất hoàn toàn tâm từ bi của ta.

Trong đời sống, ta chỉ có trí tuệ và từ bi đích thực, khi nào ta có cách nhìn và cách hành xử không phiến diện.

Cách nhìn không phiến diện, gọi là cách nhìn của người đệ tử Phật và cách hành xử không phiến diện, gọi là cách hành xử từ bi của đệ tử Phật.

Với cách nhìn và cách hành xử ấy, người đệ tử Phật đi đến đâu cũng lợi ích và sống ở đâu cũng an toàn.

Ta chỉ có tâm từ bi và có khả năng thực hành tâm ấy, khi nào tâm ý ta không bị chi phối bởi hai hạt giống của tự tôn và tự ty nầy.

Và, ta có từ bi, chỉ khi nào ta có trí tuệ và chỉ khi nào ta có trí tuệ ta mới có từ bi.

 

 

BAY MÃI ĐẾN VÔ CÙNG

 

Trong dịp lễ Vesak, Phật lịch 2552, Ban Tổ Chức Phật Đản tại Huế, có tổ chức lễ Rước Phật từ Chùa Diệu Đế lên Chùa Từ Đàm, để sau đó cử hành chính thức Đại lễ Phật Đản, đoàn rước rất đông đảo, đủ mọi thành phần quần chúng.

Sau Lễ Phật Đản một vài ngày, có những vị hỏi tôi rằng: “Chùa Từ Đàm bấy lâu nay không có Phật, đợi đến lễ Vesak mới rước Phật từ chùa Diệu Đế lên phải không thầy?”.

Tôi cười và hỏi lại những người hỏi ấy rằng: “Thế thì mấy anh có phải Phật tử không? Nếu các anh là những Phật tử, thì không nên hỏi những câu hỏi như thế? Và nếu các anh là những Nhà nghiên cứu lịch sử thì lại càng không nên đặt những câu hỏi như thế với tôi.

Tại sao? Vì ý nghĩa và sự kiện ấy không phải mới diễn ra mà đã diễn ra nhiều lần trong lịch sử phát triển của Phật giáo Huế, nhất là trước những năm 75.

Tuy nhiên, dù quý vị là Phật tử hay không phật tử, dù là Nhà nghiên cứu hay không phải là nhà nghiên cứu, dù là những người quá khích hay là những kẻ ôn hòa, thì tôi cũng xin trả lời cho quý vị theo cách riêng của tôi như sau:

Pháp thân của Phật có mặt cùng khắp cả vũ trụ, nên không có nơi nào mà Phật thân không có. Pháp thân Phật như vậy, nơi tôi, nơi quý vị, nơi tất cả chúng sanh đều có. Có, nhưng có những vị đã có điều kiện để biểu hiện được phần nào, hoặc có những vị chưa có đủ điều kiện để biểu hiện đó thôi.

Pháp thân của Phật là như vậy, nhưng lễ rước Phật, nếu cần, thì cũng phải được tổ chức nhiều lần trong năm, chứ không phải lâu lắm mới có một lần.

Vì sao? Vì muốn cho nhiều người kết duyên với Phật pháp, nên đức Phật không phải chỉ hiện ra nơi đời một lần mà nhiều lần, dưới nhiều hình thức khác nhau. Và cũng vì muốn cho nhiều người kết duyên với Phật pháp, mà quý Thầy tổ chức lễ rước Phật, để cho những người chưa có cơ hội thấy Phật thì thấy, những người đã có nhiều cơ hội thấy Phật bên ngoài, thì nay có điều kiện để thấy Phật trong lòng và đối với những ai đã có điều kiện thấy được Phật trong lòng, thì thăng hoa lòng ấy đến chỗ cùng tột, viên mãn.

Trong kinh Pháp hoa có dạy: “Có những trẻ thơ đùa giỡn chơi, lấy cọng cỏ, bút hoặc lấy móng tay của mình vẽ làm tượng Phật, dù là những trẻ thơ vẽ giỡn chơi như vậy, nhưng dần dần chúng cũng chứa đầy đủ công đức của tâm đại bi và sẽ thành Phật đạo”.[1]

Do đó, ta biết rằng, dù ai dối tâm hay thực tâm đối với Đức Phật, tất cả họ đều có tương lai của một Đức Phật. Thực tâm đối với Đức Phật, thì ngay đó họ thành tựu phước đức và tâm đại bi của Phật. Dối tâm đối với Phật, thì ngay đó hạt giống Phật cũng đi vào trong tâm của họ và trước sau gì, họ cũng đi tìm một Đức Phật tương lai cho chính họ và rồi họ cũng sẽ thành Phật.

Người đệ tử Phật gánh Phật trên vai, đội Phật trên đầu hay âm thầm ôm Phật trong lòng là chỉ để làm một việc duy nhất, đó làm việc Phật làm. Việc làm ấy, không tùy thuộc, không đối lập, không tung hô, không đả đảo mà chỉ gieo hạt giống Phật vào trong lòng người, để cho lòng ấy, khi hội đủ nhân duyên sẽ cho họ một vị Phật hiện tiền hay trong tương lai.

Vì vậy, ta đừng đem kích thước của một nhận thức cố hữu mà nhận thức đối với một thực tại sống động. Muốn chạm tới thực tại sống động, thì ta phải có những nhận thức sống động như thực tại. Thực tại sống động, thì lúc nào và ở đâu cũng đầy sinh lực và mới mẻ, trong lúc đó những kích thước do nhận thức cố hữu, chúng buộc ta lại nơi những hoa cỏ úa tàn hay nơi những vùng đất thiên đàng gãy cánh!

Xin những người đặt câu hỏi cùng với tôi, tất cả chúng ta hãy cùng nhau chắp cánh mà bay và bay mãi cho đến vô cùng.

 

CHƠN VÀ VỌNG

 

Sau lễ Phật Đản, PL 2552, do Nhà nước Việt nam đăng cai với Liên Hiệp Quốc và tổ chức tại thủ đô Hà Nội, có những vị có chức quyền của xã hội đã đến hỏi tôi rằng: “Lễ Phật Đản năm nay, Thầy thấy nó đã ảnh hưởng trong quần chúng như thế nào?”. Tôi cười và nói: “Chẳng khác nào một trận gió. Người đi ngược thì trách gió; người đi xuôi thì khen gió”.

Ta làm bất cứ công việc gì với tiểu tâm, được khen thì ta vui, bị chê thì ta buồn. Ta làm bất cứ công việc gì với đại tâm, thì việc khen chê không làm cho tâm ta bị dao động. Và nếu ta làm công việc gì với thực tâm, thì ngay nơi mới khởi tâm là ta đã thành tựu, nên chẳng can dự gì đến những việc khen chê của người đời.

Nhưng, các bậc Thánh nhân thì dạy: “Bất cứ công việc gì ta làm thực lòng mà vô cầu, thì phẩm giá tự cao”.

Cuộc sống của con người đầy máu xương, khổ lụy và nước mắt, nhưng cuộc sống của con người cũng đầy ắp cả châu báu và thú vị. Tất cả chúng, đều không ra ngoài hai chất liệu chơn và vọng nơi tự tâm của mỗi chúng ta.

 

 

TÌNH CẢM HÒA ĐIỆU

 

Trong vũ trụ bất cứ thái dương hệ nào cũng chỉ có một mặt trời, một mặt trăng và có nhiều vì sao. Và vì vậy, chúng tạo nên một sự chuyển động có trật tự của vũ trụ. Và các bậc thánh nhân nói, nếu thời loạn, thì trong một hệ thống của vũ trụ có đến hai mặt trời, ba mặt trời, bốn mặt trời,… cùng xuất hiện, và chúng sẽ đem nhiều tai nạn và thảm họa cho muôn loài đang sinh hoạt trong hệ thống thái dương hệ ấy. Tại sao? Vì chúng không hoạt động theo quy luật, chúng hoạt động tùy tiện và vô trật tự.

Thời kỳ mà có nhiều mặt trời hay nhiều mặt trăng cùng xuất hiện trong một hệ thống thái dương hệ, đó là thời kỳ mà những chúng sanh ở trong hệ thống thái dương hệ ấy, tâm ý có quá nhiều xấu ác, hành động thì quá nhiều tàn bạo phi nhân. Do cộng đồng nghiệp lực của chúng sanh xấu ác như vậy, nên chiêu cảm một thái dương hệ, nhiều mặt trời, mặt trăng cùng lúc xuất hiện như vậy để tạo ra tai ương cho chúng sanh nơi thái dương hệ ấy.

Những điều nầy, ta cũng có thể hiểu ngay nơi mỗi gia đình của chúng ta. Cha ta ví như mặt trời, mẹ ta ví như mặt trăng các chị em ta ví như các vì sao ở trong gia đình. Cha mẹ và con cái, anh chị em sống đúng quy luật, biết hòa thuận với nhau, thì gia đình ta tự có hạnh phúc.

Và nếu cùng một lúc và cùng trong một không gian của gia đình, cha ta cũng muốn làm mặt trời của gia đình, mẹ ta cũng muốn làm mặt trời của gia đình, các anh chị của ta, người nào cũng muốn làm mặt trời của gia đình, thì gia đình ta tức khắc bị cháy rụi và trở thành đống tro tàn.

Vì vậy, ta muốn gia đình ta có hạnh phúc và an bình, ta phải biết hành xử đúng vị trí và chức năng của từng người trong gia đình. Nếu ta sử dụng sai vị trí và chức năng của ta ở trong gia đình, thì trước sau gì gia đình của ta cũng sẽ bị bất an và đốt cháy.

Trong vũ trụ chỉ đem lại mưa thuận gió hòa, khi nào mọi thành phần của vũ trụ vận hành đúng với những gì chức năng và vị trí vốn có một cách như nhiên của chính nó.

Và gia đình của mỗi chúng ta chỉ có bình an và hạnh phúc, khi nào mọi thành viên trong gia đình, mỗi người đều biết khởi hành trong đúng chức năng và sự hòa điệu trong tình cảm của huyết thống.

 

 

             NHIỄM TỊNH ĐỀU Ở TÂM TA

 

Mọi đối tượng ta tiếp xúc hàng ngày, không có đối tượng nào có khả năng gây đau khổ cho ta cả và cũng không có đối tượng nào có khả năng đáp ứng được hoàn toàn những nhu cầu ưa thích của ta. Ta khổ đau chính là tại nơi cái ưa thích của ta, chứ không phải ở nơi đối tượng ta ưa thích.

Tâm ta đầy tham dục, chính cái tâm ấy chế tác ra chất liệu khổ đau cho ta và làm cho đời sống của ta bị chìm ngập trong khổ đau bởi nó. Và vì vậy mà mọi đối tượng do lòng tham dục của ta hướng đến và ôm lấy nó, khiến cho nó cũng bị vẩn đục như sự vẩn đục của tâm ta.

Ta nên biết rằng, mọi cảnh vật đều là nạn nhân của cấu uế. Những nạn nhân ấy đều do tâm thức tham dục của ta tạo ra. Vì vậy, khi nhìn vào ngoại cảnh, ta không nên vội vã lên án nó, ta hãy nhìn tâm qua cảnh, để thấy rõ ngay cảnh cấu uế ấy chính là cảnh của tâm và ta nhìn cảnh qua tâm để ta thấy rõ ngay tâm cấu uế đã tạo nên cảnh vật hay môi trường nhiễm ô.

Vậy, ta muốn cho môi trường hay ngoại cảnh hết nhiễm ô, trước hết ta phải thấy cho rõ, mọi cảnh chỉ là cảnh của tâm, nên ta phải thực tập tịnh tâm mỗi ngày để cho vạn cảnh tùy theo tâm tịnh mà tịnh vậy.

 

 TÂM THỨC

VÀ HÀNH ĐỘNG CỦA CHÚNG TA

 

Ta hãy nhìn sâu vào mọi sự hiện hữu, để thấy rằng, mọi sự hiện hữu là hiện hữu đúng theo nhân duyên và quả báo của chính nó.

Nhân duyên của chim là bay trên trời, dù cá có công nhận hay không công nhận, thì chim vẫn bay trên trời.

Nhân duyên của cá là lội dưới nước, dù chim có công nhận hay không công nhận, thì cá vẫn lội dưới nước.

Nhân duyên của chuột là sợ mèo, dù ta có nỗ lực khuyên chuột đừng sợ mèo, thì chuột thấy mèo, vẫn sợ như thường. Chuột sợ mèo không phải mèo dùng quyền uy của mèo bắt buộc chuột phải sợ, mà quả báo của chuột là phải sợ mèo, nên chuột thấy mèo là phải sợ. Cái sợ ấy không còn nằm trong những hoạt khởi của tâm lý, mà nó nằm ngay nơi nhân duyên và quả báo của chuột.

Chuột sợ mèo hay mèo bắt chuột, chúng không còn ở giai đoạn chọn lựa mà ở giai đoạn oan khiên của quả báo. Quả báo của chúng như vậy, thì chúng phải sống với nhau như vậy và hành động với nhau như vậy, không thể nào đối xử khác được. Và chúng có thể hành xử với nhau khác chăng, khi nào nhân duyên và hiệu ứng quả báo của chúng đối với nhau không còn. Nghĩa là khi nào chuột không mang tâm thức, cũng như hành động và hình hài của chuột, thì khi ấy nó không có lý do gì để sợ mèo. Nó không sợ mèo, chỉ vì nhân duyên và quả báo của nó không còn là chuột nữa.

Vậy, ai là người ban pháp lý hay công nhận việc chuột sợ mèo hay mèo bắt chuột? Không ai cả, và cũng không ai có đủ tư cách để từ chối hay công nhận việc ấy của chuột và mèo, ngoại trừ tâm thức và hành động của chúng.

Cũng vậy, không một ai trên đời nầy có đủ thẩm quyền để công nhận hay từ chối chúng ta, ngoại trừ tâm thức, hành động và quả báo của chúng ta.

 
 
 
 
                 DUNG HÓA MỌI NGUỒN

 

Không phải chỉ có nước biển Đông là mặn mà tất cả nước của bốn biển đều mặn. Và không phải chỉ có nước các sông khi hội nhập với nước biển đều trở thành mặn mà mọi nguồn nước khi hội nhập với biển cả đều trở thành mặn, ngay cả nước đường.

Tại sao? Vì bản chất của nước biển là mặn và dung thể của chúng quá rộng lớn, so với dung thể của mọi nguồn nước khác.

Cũng vậy, nếu trong đời sống, ta có một tâm hồn lớn, thì ta có khả năng dung chứa hàng vạn tâm hồn bé nhỏ và mỗi khi hàng vạn tâm hồn bé nhỏ chảy vào tâm hồn rộng lớn của ta, thì ngay đó, chúng liền được dung hóa để trở thành một với tâm hồn rộng lớn.

Tâm ta không dung hóa được những tâm hồn bé nhỏ khác, điều ấy chứng tỏ rằng, tâm ta còn bé nhỏ hơn cả những tâm hồn bé nhỏ ấy.

Vì vậy, trong đời sống, cái lớn của ta không chỉ đơn thuần là thể xác, chức vụ hay tuổi tác mà chính là tâm hồn. Ở trong đời, người nào có tâm hồn lớn, người ấy có khả năng nhiếp phục mọi thị phi một cách tự nhiên, như sự tự nhiên của biển thâu nhận và dung hóa mọi nguồn nước đổ về.

 

 

NGAY NƠI KHỔ ĐAU

 

Những lời của Đức Phật dạy không liên hệ gì đến cũ hay mới, bảo thủ hay tiến bộ, Tôn giáo hay phi Tôn giáo, mà liên hệ đến chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định và liên hệ đến các phương pháp thực hành giúp ta diệt tận khổ đau ngay trong cuộc sống nầy.

Nếu ta có cái khổ do sinh, thì ta thực hành chánh kiến ngay đối với các khổ do sinh ấy, khiến cho chúng đều bị tận diệt bởi chánh kiến của ta.

Nếu ta có cái khổ do già, thì ta thực hành chánh kiến ngay đối với các khổ do già ấy, khiến cho chúng đều bị tận diệt bởi chánh kiến của ta.

Nếu ta có cái khổ do bệnh, thì ta thực hành chánh kiến ngay đối với các khổ do bệnh ấy, khiến cho chúng đều bị tận diệt bởi chánh kiến của ta.

Nếu ta có cái khổ do chết, thì ta thực hành chánh kiến ngay đối với những cái khổ do chết ấy, khiến cho chúng đều bị diệt tận bởi chánh kiến của ta.

Nếu ta khổ đau do ân ái mà bị xa lìa, thì ta thực hành chánh kiến ngay đối với những cái khổ do ân ái mà bị xa lìa ấy, khiến cho chúng đều bị diệt tận bởi chánh kiến của ta.

Nếu ta bị cái khổ do oán thù, thì ta thực hành chánh kiến ngay đối với những oán thù ấy, khiến cho chúng đều bị diệt tận bởi chánh kiến của ta.

Nếu ta bị các nỗi khổ do mơ ước không thành, thì ta thực hành  chánh kiến ngay đối với những nỗi khổ ấy, khiến cho chúng đều bị diệt tận bởi chánh kiến của ta.

Nếu ta bị những nỗi khổ đau do những sự hỗ dụng và xung đột của năm uẩn đem lại, thì ta thực hành chánh kiến ngay đối với những nỗi khổ ấy, khiến cho chúng đều bị diệt tận bởi chánh kiến của ta.

Nếu ta bị khổ đau do bản thân, gia đình, xã hội và môi trường đem lại, thì ta thực hành chánh kiến ngay đối với những nỗi khổ ấy, khiến cho chúng đều bị diệt tận bởi chánh kiến của ta.

Nếu ta bị khổ đau do các điều kiện của các lạc thọ hay các điều kiện của sự sống bị hoại diệt, thì ta thực hành chánh kiến ngay đối với những nỗi khổ ấy, khiến cho chúng đều bị diệt tận bởi chánh kiến của ta.

Nếu ta khổ đau do thế lực hiện hành của các chủng tử liên hệ sinh tử hay các tham dục, thì ta thực hành chánh kiến đối với những nỗi khổ ấy, khiến cho chúng đều bị diệt tận bởi chánh kiến của ta.

Nói tóm lại, trong đời sống của ta, ta bị khổ đau bởi cái gì, thì ta hãy thực hành chánh kiến đối với cái ấy, để thấy rõ tính chất, thể trạng, hình thái, tác dụng, năng lực, nhân duyên, kết quả, gốc rễ và ngọn ngành của nó, nhằm chuyển hóa tính chất, thể trạng, hình thái, tác dụng, năng lực, nhân duyên, kết quả, gốc rễ và ngọn ngành của chúng thành tính chất, thể trạng, hình thái, tác dụng, năng lực, nhân duyên, kết quả, gốc rễ và ngọn ngành của sự an lạc.

Sự an lạc của ta do quá trình thực hành chánh kiến như vậy đem lại, là sự an lạc có thực.

Chánh kiến như vậy là chánh kiến của Đạo Phật. Ta thực tập chánh kiến như vậy, cũng còn gọi là thực tập theo pháp Trung đạo của Đạo Phật.

Thực hành theo pháp Trung đạo là sự thực hành không bị mắc kẹt bởi nhận thức bên nầy hay bên kia và cũng chẳng bị mắc kẹt ở nhận thức chặng giữa hay những nhận thức không phải bên này, bên kia và chặng giữa.

Nếu ta tu tập mà để cho tâm ta bị mắc kẹt bên nầy hay bên kia hoặc chặng giữa hay những kiến chấp về ngã và phi ngã, về pháp và phi pháp, đều là bị chệch hướng đối với Thánh đạo và Phật đạo. Sự tu tập ấy, không thể dẫn sinh sự an lạc, giải thoát và giác ngộ đích thực cho ta. Và lẽ đương nhiên ta không bao giờ hội nhập được với biển cả tâm linh giác ngộ rộng lớn của chư Phật. Ví như thanh gỗ từ một dòng sông trôi ra được với biển cả, chỉ khi nào, nó không bị mắc kẹt ở bờ bên nầy, hay bờ bên kia, hoặc không bị mắc kẹt giữa gầm cầu hay không bị người khác vớt lên, thì nó mới hội nhập được với biển lớn..

Trong đời sống của một người đệ tử Phật có học pháp, có hành pháp, có thấy pháp, có sống với pháp và hội nhập với pháp, vị ấy không bao giờ bị mắc kẹt bởi bất cứ cái gì, dù cái ấy chỉ là những ý niệm và vị ấy không bao giờ tuyên bố rằng, Pháp do Thế Tôn giảng dạy là cũ hay mới, là bảo thủ hay tiến bộ, là khoa học hay phi khoa học, là triết học hay phi triết học, là tôn giáo hay phi tôn giáo mà vị ấy chỉ nói rằng, Pháp của Thế Tôn giảng dạy có tác dụng phơi bày sự thật, khiến cho ai có mắt có thể thấy, có trí có thể hiểu và có thể thực hành để diệt tận khổ đau, sinh khởi trí tuệ, đem đến đời sống hướng thượng và trạng thái vô ưu cho những người ấy ngay trong cuộc sống nầy.

Vì vậy, lúc nào ta có khổ đau, thì ngay nơi lúc đó, ta cần thực hành chánh kiến để nhận diện bản chất, tính thể, hình thái, tác dụng, năng lực, nhân duyên, hậu quả, gốc rễ và ngọn ngành của chúng để chuyển hóa và đoạn tận.

Tập khởi khổ đau ở đâu, ta hãy nhìn thẳng vào ở đó để thấy rõ, nhiếp phục và đoạn tận, ấy là ta đang thực hành Chánh kiến của Thánh đạo ngay trong cuộc sống nầy.  

 

 

VỚI Ý THỨC
TA CÙNG HIỆN HỮU

 

Cuộc sống của ta chỉ có giá trị, khi nào ta có ý thức rằng: “Ta đang hiện hữu”.

Ta đang hiện hữu với những hình sắc và những yếu tố tạo nên nó; ta đang hiện hữu với những cảm giác và những yếu tố tạo nên nó; ta đang hiện hữu với những tri giác và những yếu tố tạo nên nó; ta đang hiện hữu với những chủng tử hay những ý niệm đang biểu hiện hay lặn chìm ở nơi dòng tâm và những yếu tố tạo nên nó và ta đang hiện hữu với những nhận thức và những yếu tố tạo nên nó.

Và, ta lại ý thức rằng, trong tất cả những sự hiện hữu ấy, không có bất cứ sự hiện hữu nào là sự hiện hữu đơn thuần mà chúng hiện hữu trong sự hòa điệu của nhân duyên.

Và vì vậy, không có bất cứ một cái tôi đơn thuần nào tự có và tồn tại trong mọi hình và mọi sắc, trong mọi cảm giác, trong mọi tri giác, trong mọi chủng tử hay mọi ý niệm vận hành của dòng tâm tư duy hay dòng tâm nhận thức.

Và cũng không có bất cứ cái tôi nào hiện hữu với quá khứ đơn thuần để cho ta hoài niệm; cũng không có bất cứ một cái tôi nào hiện hữu đơn thuần ở tương lai để cho ta đuổi bắt và lại càng không có bất cứ một cái tôi nào hiện hữu đơn thuần trong hiện tại để cho ta bám víu vào mà an trú.

Với ý thức như vậy, nên ta không đi kiếm tìm bất cứ một cái tôi nào trong quá khứ; không đuổi bắt theo với bất cứ một cái tôi nào trong tương lai và không bám víu với bất cứ cái tôi nào trong hiện tại.

Ta thực sự có tự do, chỉ khi nào ta không bị trói buộc bởi bất cứ cái tôi nào và không bị bởi bất cứ cái tôi ảo tưởng nào điều khiển.

Vì sao? Vì mọi cái tôi do những khát ái vẽ bày, do ý thức tác động, chúng chỉ hiện hữu như là những giấc mơ, bọt nước, sóng nắng và ảnh tượng.

Ta hãy tập nhìn bàn tay ta mỗi ngày với cái nhìn lắng yên mọi ý tưởng, ta hãy tập nghe hơi thở vào và ra của ta với cái nghe lắng yên mọi ý tưởng, ta hãy thực tập xúc chạm với mọi đối tượng qua mắt, qua tai, qua mũi, qua lưỡi, qua thân và qua ý, bằng sự lắng yên mọi ý tưởng là tức khắc, ta có sự tự do ngay trong mọi sự tiếp xúc ấy.

Bấy giờ, sự tự do đối với ta không còn là những tưởng tượng hay là những ước mơ mà là hiện thực.

Nó hiện thực ngay nơi những tiếp xúc đối với vạn cảnh trong từng giây phút của chúng ta.

Lời nói và hành động của ta thực sự chỉ có tự do, khi nào ta nói và làm không bị điều động bởi ngã tưởng. Lời nói và hành động của ta cũng chỉ đem lại an toàn cho ta và sự an lạc cho mọi người, chỉ khi nào ta nói và hành động không liên hệ đến nhân duyên chấp ngã.

Và ta chỉ đạt tới hạnh phúc và bất tử khi nào ta biết rằng, ta hiện hữu là hiện với toàn thể và có mặt trong cùng một toàn thể linh hoạt, lặng yên và cực kỳ sống động.

 

 
CÁI BIẾT
CỦA NHỮNG BẬC CHÂN NHÂN

 

Ta nghĩ về một quá khứ vinh quang để tự hào và kiêu hãnh, rồi ta muốn lùi về sống với đời sống ấy, ấy là điều không thể. Vì sao? Vì những điều kiện đã từng tạo nên cho ta một quá khứ vinh quang ấy, hoàn toàn khác với những điều kiện mà ta đang sống hiện nay.

Nhưng, nếu ta nghĩ về một vinh quang của quá khứ, để rút ra những kinh nghiệm và bổ sung cho những nguyên tắc hành động cho chúng ta hôm nay là điều cần đáng nghĩ. Vì trên thực tế không có hiện tại nào không liên hệ đến quá khứ.

Nếu ta nghĩ về một quá khứ để đau buồn và khóc than hay hờn oán là một điều không nên. Nhưng, ta nghĩ về một quá khứ như vậy, để rút ra những kinh nghiệm, nhằm giúp ta không còn tái tạo những nguyên nhân sinh khởi ấy là điều cần phải nhớ và học. Ta không phải chỉ biết học những bài học giúp ta thành công mà ta còn phải biết học từ những bài học đã làm cho ta thất bại. Thất bại là một mặt khác của thành công, nếu ta biết rút tỉa từ nó những kinh nghiệm. Và đau khổ là một mặt khác của hạnh phúc, nên ta cần rút tỉa những phương pháp chế tác hạnh phúc ngay nơi mặt đau khổ ấy.

Bất cứ quá khứ nào, dù thành công hay thất bại, dù hạnh phúc hay khổ đau, dù vinh quang hay tủi nhục, đều là những bài học quí báu cho ta trong hiện tại, nếu ta biết nhìn nó một cách trầm tĩnh và sâu sắc.

Không có hiện tại và tương lai nào của ta mà không có gốc rễ từ quá khứ và không có tương lai nào của ta là không bắt rễ từ hiện tại. Những ý nghĩ và hành động của ta hôm nay, chính nó quyết định tương lai của ta, chứ không phải một ai khác hay một cái gì khác.

Vậy, bài học tương lai của ta phải đuợc rút tỉa ra từ bài học quá khứ, bài học thành công của ta phải được rút ra từ những thất bại và bài học hạnh phúc của ta phải được rút ra từ những kinh nghiệm khổ đau.

Không có khổ đau nào của ta không hiện ra từ phiền não.

Căn bản của phiền não chưa được ta nhận diện thấu đáo và chặt đứt một cách dứt khoát và chính xác, thì mọi khổ đau của ta không thể chấm dứt. Và vì vậy mà khổ đau trong đời sống của ta, nó không biểu hiện ở trong điều kiện nầy, thì nó cũng biểu hiện ở trong điều kiện khác, nó không biểu hiện ở hình thức nầy, nó cũng biểu hiện duới những hình thức khác.

Ta đừng nghĩ đơn giản rằng, chỉ có người nghèo mới đau khổ. Đau khổ không phải chỉ dành cho người nghèo mà cho tất cả những ai còn tham, sân, si, kiêu mạn và chấp ngã hay còn căn bản phiền não.

Ta chỉ biết nỗ lực tìm kiếm hạnh phúc, mà không biết nỗ lực đoạn trừ căn bản phiền não ngay ở nơi tâm ta, ấy là cái biết của tục lụy. Ta biết nỗ lực tìm kiếm hạnh phúc ngay trong những nỗ lực đoạn trừ những căn bản của phiền não, ấy là cái biết lợi ích hết sức thiết thực của những bậc chân nhân.

 

 

PHƯƠNG PHÁP
CHẶT ĐỨT KHỔ ĐAU

 

Ta giao tiếp với bạn bè điều tối kỵ nhất là nói về lợi và đừng bao giờ dùng thủ thuật về lợi để mưu cầu.

Vì sao? Vì không có cái lợi nào mà không có cái hại kèm theo. Lợi bao nhiêu là hại bấy nhiêu. Chơi với bạn, mà ta có lợi, thì nhất định bạn phải có hại. Không thiệt hại ở mặt nầy, thì nhất định cũng phải có sự thiệt hại ở mặt khác.

Chơi với bạn mà ta để cho bạn bị thiệt hại, thì ta không còn là người nhân nghĩa. Sống mất nhân nghĩa là ta mất nhân tính. Nhân tính đã bị đánh mất, thì tình người không thể nào có được. Một khi tình người đã không có, thì làm gì mà có tình bạn?

 Nhân tính đánh mất, tình người không có, tình bạn chia lìa là do ta đến với nhau với tâm “dùng lợi mà cầu lợi đó vậy”.

Có những cái ta làm, có lợi cho ta trước mặt, nhưng nó sẽ gây hại cho ta sau lưng; có những cái ta vừa làm có lợi cho ta trước mặt, thì cũng chính cái lợi đó đã gây thiệt hại cho ta ngay đó. Có những cái ta làm có lợi cho ta bên phải, thì nó gây thiệt hại cho ta bên trái; có những cái ta làm có lợi cho ta bên trái, thì nó gây thiệt hại cho ta bên phải; có những cái ta làm có lợi cho ta sau lưng, thì nó gây thiệt hại cho ta trước mặt; có những cái ta làm có lợi cho ta nơi nầy, thì nó gây thiệt hại cho ta ở nơi kia; những cái ta làm có lợi cho ta đời nầy, thì nó gây thiệt hại cho ta đời sau.

Nói tóm lại, không có cái lợi nào mà không có cái hại. Ta biết như vậy, ta thấy như vậy để làm gì? Để tránh nó, như voi tránh bẫy sập. Nếu ta thấy lợi mà không tránh, thì trước sau gì ta cũng rơi vào bẫy sập của thất vọng, hận thù và khổ đau.

Ta đến với bạn ta, hay giao tiếp với mọi người không bằng cái tâm cầu lợi mà bằng cái tâm cầu toàn và cầu đức, thì tình thân hữu của ta với bạn và tình ta với mọi người sẽ được bảo đảm lâu dài, mà đức hạnh của ta càng ngày càng trở nên trong sáng và hoàn chỉnh.

Tuy nhiên, ta đến với bạn ta và mọi nguời với tâm cầu toàn và cầu đức, không bằng đến với tâm “xả lợi”. Vì sao? Vì dù là cầu toàn hay cầu đức, thì vẫn còn có tâm mong cầu. Còn cầu thì còn ích kỷ. Cầu được thì vui, cầu không được thì khổ. Nhưng, ta đến với bạn ta hay đến với mọi người bằng tâm xả lợi, thì không còn bất cứ cái hại nào nữa để làm cho ta khổ và không còn bất cứ cái cầu nào làm cho ta thất vọng!

Sống ở đời, ta lấy lợi mà cầu lợi, lợi ấy làm cho ta thêm ưu và khổ. Ta lấy lợi mà cầu lợi, nhân cách của ta ngày càng bị xói mòn, sự hiểu biết của ta ngày càng bị thương tổn, gia đình của ta ngày càng bất an. Cái nguy trong đời sống của ta không phải từ trời cao giáng xuống, không phải từ dưới đất vọt lên, cũng không phải từ tự nhiên mà có, mà từ nơi tâm cầu lợi ấy của ta sinh ra.

Bởi vậy, những bậc hiền triết trên đời, không lấy lợi làm vinh hoa mà “lấy xả lợi làm vinh hoa”.

Người lấy lợi làm vinh hoa, thì tự thân của người ấy bị lòng tham sai sử và trói buộc, nên không ai phản họ mà họ tự phản, không ai ruồng bỏ họ mà họ tự ruồng bỏ mọi người, không ai làm cho họ sợ hãi mà tự họ sợ hãi mọi người, không ai làm cho họ thấp kém mà tự họ đứng thấp giữa mọi người và không ai làm cho họ mất tự do mà tự họ làm cho họ mất hết tự do.

Trái lại, đối với người lấy “xả lợi làm vinh hoa”, thì tự thân của người ấy không bị lòng tham sai sử và trói buộc, nên nhân cách của họ càng ngày càng lớn, sự bình an của họ không những che chở được họ, mà còn che chở được nhiều người chung quanh và không những che chở được quốc gia của họ, mà còn che chở được nhiều quốc gia trên thế giới. Họ không những che chở cho con cháu của họ một đời mà nhiều đời; họ không những có khả năng che chở cho đồng loại của họ, mà ngay cho cả dị loại và muôn loài.

Vì vậy, đối với người xả lợi, họ không cần tìm kiếm tự do mà tự do vẫn có; họ không để tâm tìm cầu an lạc mà an lạc tự viên thành; họ không tranh đua với ai mà mọi người đều nhường bước; họ không xưng bất cứ danh nghĩa nào mà mọi việc làm của họ đều được công truyền một cách tự nhiên.

Do đó, người nào càng xả lợi, thì tâm đức của họ càng sáng, trí đức của họ càng minh bạch, hình của họ càng ngay, bóng của họ càng thẳng, mỗi lời nói của họ đều như gấm thêu, mọi phong thái đi, đứng, nằm, ngồi của họ đều nhẹ nhàng và sáng trong như băng tuyết.

“Xả lợi”, ngôn từ ấy thật bình dị mà hàm chứa đạo lý vừa thực tế, vừa thâm diệu vô cùng. “Xả lợi” là pháp hành tuy giản dị, nhưng có khả năng chặt đứt hết mọi gốc rễ khổ đau cho tất cả những ai hết lòng thực tập đối với nó.

 

 

 

 

 

 

 

AN TOÀN VÀ CAO QUÍ CHO BẠN

 

Sống ở giữa đời, bạn đứng trước người, sẽ bị người ghét; bạn đứng sau người sẽ bị người khinh; bạn đứng ngang người sẽ bị người nghi, vậy bạn đứng ở đâu cho được an toàn?

Nếu bạn đứng trước người với tâm ganh đua và cao ngạo, bạn không những bị người ghét mà còn bị nguy hiểm đến tánh mạng, nhưng nếu bạn đứng trước người với tâm khiêm tốn, chắc chắn bạn không bị người ghét mà được người thương và ủng hộ. Nếu bạn đứng sau người với tâm mặc cảm hay bợ đỡ, thì bạn không những bị người khinh mà còn bị người ghét bỏ, nhưng nếu bạn đứng sau người với tâm khiêm tốn, nhường nhịn và yểm trợ cho cái yếu của người, thì chính bạn đang đứng sau người trên thực tế, nhưng ở mặt nhân cách và đạo lý bạn đã đứng cách người ở phía trước rất xa và an toàn.

Nếu bạn đứng ngang người với tâm ganh đua và chờ đợi cơ hội, bạn không những bị người nghi ngờ, mà bạn còn bị người ra tay trước khi bạn có cơ hội hành động, nhưng nếu bạn đứng một bên người với sự đồng cảm, hỗ trợ, chia sẻ, tin tưởng và cùng nhau biết nhìn về một hướng cho cái chung, thì việc đứng một bên của bạn không phải là một bên mà nó đang đứng một cách an toàn trong tâm hồn và việc làm của nhau.

Vậy, bạn đứng bất cứ ở đâu với tâm hiểu biết, khiêm tốn, chân tình, tin tưởng, vị tha và thương yêu là ở đó có sự an toàn và cao quí cho bạn.

 
 
 
VÔ THƯỜNG
VÀ NHÂN DUYÊN HỘI ĐỦ

 

Ở giữa đời nầy không một ai có khả năng chống lại vô thường, tại sao? Vì tự bản thân của người chống lại vô thường hơn cả sự vô thường nữa thì làm sao mà chống?

Vô thường không phải chỉ là chân lý tất yếu cho tất cả chúng ta mà còn cho tất cả mọi sự hiện hữu. Vì vậy, chỉ có những kẻ vô minh, tà kiến mới chống lại vô thường.

Những bậc có trí trong đời do nhận ra được lý vô thường nơi mọi sự hiện hữu, để tu tập và chuyển hóa những ác nghiệp trở thành thiện nghiệp, chuyển hóa đời sống khổ đau trở thành nếp sống lành mạnh, an hòa.

Vô thường là sự sống, không có vô thường, ta không bao giờ có sự sống. Chống lại vô thường là chống lại quy luật phát triển của mọi sự hiện hữu và phát triển của sự sống.

Ta biết đời vô thường là ta biết quy luật sinh thành, biến đổi và ẩn diệt của mọi sự hiện hữu hay toàn thể sự sống, để ta tạo cho ta những nhân duyên tốt đẹp, nhằm vận dụng quy luật vô thường ấy, khiến  chúng dẫn sinh cho ta những kết quả tốt đẹp.

Nhờ thấy và biết vô thường của mọi sự hiện hữu không phải chỉ trong từng chu kỳ mà chúng biến đổi trong từng khoảnh khắc qua những tác động của nhân duyên, khiến cho trong đời sống của ta, những gì cần làm là ta nỗ lực làm ngay mà không có hẹn.

Nếu nhân duyên hội đủ cho những hành động tốt đẹp của ta, mà ta không ra tay hành động kịp thời hay đúng lúc, thì thời điểm ấy sẽ đi qua và ta sẽ ân hận.

Thấy và biết vô thường không phải để chống lại nó, vì không một ai có thể, nhưng thấy và biết vô thường là để không làm những gì không cần thiết mà chỉ nói và làm những gì cần thiết cho những tác nhân tốt đẹp. Khiến cho những gì tốt đẹp của những tác nhân ấy tồn tại và biến chuyển liên tục trong dòng chảy vô thường để tạo thành những kết quả đồng loại tốt đẹp đúng như những hành động của chính nó.

Vì vậy, không một ai có thể chống lại quy luật vô thường, nhưng ta có quyền thấy và biết quy luật ấy một cách tường tận, đồng thời có quyền vận dụng quy luật vô thường ấy, vào trong đời sống nhân quả của chính ta, và đời sống của ta có thể thăng hoa một cách tốt đẹp theo ý muốn, trong quy luật vô thường với sự tác động liên hệ giữa nhân và quả. Nhân cao quí sẽ sinh khởi cho ta kết quả an lành.

Nhân cao quí, chính là phát khởi tâm bồ đề, do tâm ấy được phát khởi và được nuôi dưỡng liên tục bởi các hạnh nguyện từ bi, chúng sẽ dẫn sinh cho ta những kết quả cao thượng.

Nếu không có vô thường, nhân không thể nào sinh khởi được quả. Nhân mà sinh được quả là nhờ có vô thường vậy. Vô thường không phải là đoạn diệt. Vô thường là sự chuyển biến liên tục, không gián đoạn, giữa nhân và quả, giữa quả và nhân.

Vì vậy, ta gieo nhân gì, ta sẽ gặt quả ấy, khi các duyên của chúng hội đủ.

 

 

 

NHỮNG TÊN TRỘM BỊ HỦY DIỆT

 

Bất cứ luật pháp hay chính quyền của thời đại nào, cũng đều triệt để chống lại những tên ăn trộm. Không những luật pháp và các chính quyền đều chống lại tên ăn trộm, mà luật pháp của các tôn giáo và ngay cả nề nếp của mọi gia đình cũng đều chống lại những tên ăn trộm, thế mà những tên ăn trộm lúc nào và ở đâu cũng nghiễm nhiên tồn tại.

Tại sao? Bởi vì tên ăn trộm không phải tồn tại ngoài lề xã hội mà tồn tại trong lòng xã hội. Và nó cũng không phải chỉ tồn tại trong lòng xã hội, mà còn tồn tại một cách ngang nhiên ở trong lòng người.

Thử hỏi có luật pháp nào, có chính quyền nào, có người nào đủ khả năng để diệt trừ lòng tham của con người? Chính lòng tham của con người là nguồn gốc sản xuất ra những tên ăn trộm, chứ có phải ai khác. Vì vậy, biết đâu những người chống lại kẻ ăn trộm hôm nay, lại có thể trở thành những tên ăn trộm của ngày mai?

Hành vi ăn trộm không phải đơn thuần chỉ là những tệ nạn của xã hội, mà chính nó là tệ nạn của tâm hồn. Bất cứ hành vi nào được tác động bởi lòng tham và từ nơi lòng tham mà biểu hiện, đều là những hành vi ăn trộm và đều là thân thuộc của chúng.

Tham là nguồn nước độc hại và dơ bẩn, rỉ chảy làm hoen nhiễm môi trường sinh hoạt của tâm và những môi trường sinh thái tự nhiên của con người cũng từ đó mà bị ô nhiễm.

Người nông dân làm ô nhiễm môi trường chỉ là phì phà khói của những điếu thuốc lá, đâu có tác hại bằng những xí nghiệp, những nhà máy sản xuất thuốc lá, bia rượu, đánh cắp và giết chết sự thanh trong của môi trường, ngầm gây nên những thảm họa cho con người và xã hội.

Những trẻ em khờ dại chỉ vứt những bao nilon giữa đường hay không đúng chỗ quy định, đâu có bằng những quốc gia tự cho mình có nền văn minh khoa học tân kỳ, đánh cắp và giết chết môi trường sinh thái của con người và muôn thú.

Vì vậy, những thủ phạm làm ô nhiễm môi trường của con người và muôn thú không phải chỉ là những nông dân chất phác, những trẻ thơ khờ dại mà chính là những kẻ tà trí hay thế gian trí. Chính những kẻ ấy đã làm cho bầu khí quyển bị ô nhiễm, quả đất bị rạn nứt bởi những khai thác tài nguyên thiên nhiên, bằng những dụng cụ khoa học tân kỳ, núi rừng và cỏ cây trụi lá bởi những chất hóa học phóng xạ của họ.

Vì vậy, những tên ăn trộm lớn nhất của xã hội con người hiện nay, không phải là những kẻ sinh hoạt đầu đường xó chợ, mà chính là những kẻ có nhiều tham vọng đang vào ra sinh hoạt nơi những dinh thự nguy nga.

Tham vọng về tài sản sẽ nảy sanh hành động ăn cắp tài sản của con người cá nhân và cộng đồng, sẽ nảy sinh hành động đánh cắp tài sản và giết chết sự sống của muôn loài và ngay cả thiên nhiên, và lẽ đương nhiên hành động ấy, tự nó là hành động làm ô nhiễm môi trường, giết chết mọi sinh hoạt của con người, muôn loài và thiên nhiên.

Tham vọng càng lớn, thì các nhà máy càng nỗ lực tiêu thụ nhiều xăng dầu để tạo ra nhiều sản phẩm và kiếm được nhiều lợi nhuận. Kẻ nào có nhiều lợi nhuận, kẻ đó phải chịu trách nhiệm về sự gây ô nhiễm môi trường. Quốc gia nào thu nhập lợi nhuận kinh tế cao, quốc gia đó phải chịu trách nhiệm về ô nhiễm môi trường trong vùng và toàn thể.

Tham vọng về quyền lực sẽ nảy sinh những hành động đánh cắp quyền lực. Muốn đánh cắp quyền lực của người khác, thì trước hết ta phải có quyền lực và củng cố quyền lực. Muốn đánh cắp quyền lực của những tổ chức khác, thì tổ chức ta phải có quyền lực và liên kết với những quyền lực bất chính khác để củng cố quyền lực cho ta. Muốn đánh cắp quyền lực của quốc gia khác, thì trước hết quốc gia ta phải có quyền lực và phải biết củng cố quyền lực.

Mọi quyền lực của thế gian đều có gốc rễ từ vô minh và tham vọng. Tham vọng quyền lực càng lớn thì buộc họ phải chế tạo ra những loại vũ khí tân kỳ để giết người và giết mọi loài hàng loạt. Nên, chế tạo những loại vũ khí tân kỳ với những động cơ từ vô minh và tham vọng, tự nó đã hủy hoại và cướp đoạt môi trường thanh khiết của thiên nhiên và cướp đoạt nhiều sinh mạng của con người và các sinh vật trên trái đất.

Như vậy, kẻ ăn trộm không còn là kẻ đeo những mặt nạ đơn thuần để dọa dẫm người khác hay những trẻ thơ để lấy của, mà kẻ ăn trộm núp dưới mặt nạ văn minh khoa học và quyền lực, để cướp đoạt sự sống của con người, sinh vật và thiên nhiên.

Vì vậy, không có luật pháp, khoa học hoặc bất cứ một đội quân hùng tráng nào có thể thương thuyết, chinh phục và tiêu diệt được những tên ăn trộm của xã hội và của thiên nhiên, khi mà mọi lòng tham của con người chưa được nhận diện một cách chính xác để chuyển hóa và khi con người chưa chịu buông thả những mặt nạ vô minh.

Tùy theo những nhu cầu của từng thời đại, mà lòng tham của con người sẽ biến thể tinh tế hay thô bạo để sinh ra những tên ăn trộm thích ứng. Lòng tham của con người là nguồn gốc phát sinh những tên ăn trộm và những tên khủng bố của xã hội.

Vậy, muốn diệt trừ những tên ăn trộm và khủng bố của xã hội dưới hình thức nầy hoặc hình thức khác, thì mỗi thành viên của xã hội phải tự đối diện và diệt trừ lòng tham của chính mình.

Và, ta muốn làm cho môi trường sống của ta sạch đẹp, không ô nhiễm, không phải chỉ là tuyên truyền qua băng cờ, biểu ngữ, sách báo, phim ảnh mà mỗi người phải biết nỗ lực làm cho tâm ý của mình càng ngày càng trở nên an tịnh và trong sạch. Nếu mỗi chúng ta không có khả năng làm trong sạch và an tịnh tâm ý, thì những môi trường xinh và sạch chỉ là những giả tạo, mà bản chất ô nhiễm của nó là lòng tham, lại không hề thay đổi chút nào!

Và như vậy, những tên ăn trộm và khủng bố vẫn còn điều kiện để hiện hữu và hoạt động theo quan hệ nhân duyên và nghiệp báo của nó. Và lẽ đương nhiên, nó khuấy động, làm ô nhiễm môi truờng sinh hoạt của xã hội, theo sự quan hệ sinh khởi giữa hành động và lòng tham.

Đến khi nào, con người nhận ra rằng, sự sống của mình là liên hệ tất cả, có mặt trong tất cả và là tất cả; và cho đến khi nào mọi hành động của con người không liên hệ đến lòng tham, thì những tên trộm tự nó bị hủy diệt ngay trong trứng nước, và tức khắc, môi trường sinh thái của con người tự nó xinh đẹp, thơm trong, mà không cần một ai lên tiếng kêu gọi bảo vệ!

 

 

NGU VÀ TRÍ

 

Ta ngồi lặng lẽ một mình trên núi, ta có tâm an tịnh trong khung cảnh của núi, nhưng khi ta ngồi giữa phố người, mà tâm ta không được yên tịnh, như khi ta ngồi một mình ở trên núi, điều ấy khiến cho ta phải luôn luôn nhìn lại tâm ta, để biết nó đang là gì đối với cảnh.

Ta ngồi trên núi, ta chế ngự được tâm, nhưng ta ngồi giữa phố thị mà ta không chế ngự được tâm ta, điều ấy nhiều người cho rằng, đó là do cảnh, chứ không phải do tâm. Nhưng, đúng ra không phải do cảnh, mà chính do tâm ta vậy. Do ta không chế ngự được tâm ta hoàn toàn, nên khi tiếp xúc với cảnh là phiền não nơi tâm liền sinh.

Nếu các phiền nào trong tâm được chế ngự bởi thiền định và đã được quét sạch bởi tuệ, thì dù ở núi hay ở phố, dù ở trong cảnh thuận hay nghịch, thì tâm ta vẫn như như bất động.

Tâm ta động là do phiền não trong tâm ta khởi lên tương ứng với ngoại cảnh. Nếu tâm ta không còn phiền não, thì cảnh đâu có làm não loạn được tâm.

Vì vậy, người biết tu tập, mọi chuyện xảy ra cho họ, họ không bao giờ trách cứ hoàn cảnh mà họ chỉ trách cứ tâm họ. Và họ cũng không cần chạy rong ra ngoài để nhiếp phục hoàn cảnh, mà họ chỉ chuyên sâu vào nội tâm để nhiếp phục phiền não.

Phiền não nơi tâm là những gì? Đó là những tham dục. Một khi nơi tâm các dục không còn, thì các cảnh diễn ra trước mắt như tiền tài, danh vọng, sắc dục, ăn uống, ngủ nghỉ đâu có kích động và cuốn hút được tâm. Trong hoàn cảnh thuận lợi cũng không kích thích được tâm tham ái, vì tham ái nơi tâm đã diệt. Và trong hoàn cảnh trái nghịch cũng không kích thích được tâm hận thù, vì những hạt giống hận thù nơi tâm không còn.

Người nào mà tham ái nơi tâm đã diệt, hận thù nơi tâm không còn, bóng dáng ngã chấp nơi tâm đã bị quét sạch bởi tuệ, thì người ấy ở đâu, cảnh cũng không làm động tâm, mà tâm của họ có khả năng soi chiếu suốt thông cả vạn cảnh.

Vì vậy, cùng một sự kiện xảy ra mà kẻ trí thì trách tâm, mà người ngu thì trách cảnh. Ngu và trí chỉ khác nhau ở điểm nầy, chứ không phải ở điểm nào khác.

 

 
NHIẾP PHỤC TÂM SÂN HẬN

 

Trong đời sống hàng ngày, ta không có hạnh phúc và an lạc là do những hạt giống sân hận biểu lộ lên mặt ý thức và thân ngữ của ta.

Tại sao ta sân hận nhỉ? Ta sân hận là do khi sáu quan năng của ta tiếp xúc với mọi đối tượng không làm cho ta như ý. Khi mắt ta tiếp xúc với mọi hình sắc, các hình sắc ấy không làm cho tâm ta như ý, vì vậy mà sân khởi lên nơi tâm ta; khi tai ta tiếp xúc với mọi âm thanh, các âm thanh ấy không làm cho tâm ta như ý, nên sân khởi lên nơi tâm ta; khi mũi ta tiếp xúc với mọi mùi hương, các mùi hương ấy không làm cho tâm ta như ý, nên sân khởi lên nơi tâm ta; khi lưỡi ta tiếp xúc với các mùi vị, các mùi vị ấy không làm cho tâm ta như ý, nên sân hận khởi lên nơi tâm ta; khi thân ta tiếp xúc với mọi đối tượng liên hệ với thân, các đối tượng tiếp xúc liên hệ với thân ấy không làm cho tâm ta như ý, nên sân hận khởi lên nơi tâm ta; khi ý của ta tiếp xúc với các đối tượng liên hệ đến ý, nhưng các đối tượng ấy không làm cho tâm ta như ý, nên sân khởi lên nơi tâm ta.

Khi sáu quan năng nhận thức của ta tiếp xúc với các đối tượng không như ý thì sân tâm của ta khởi lên, tại sao như vậy? Tại sân giận là thuộc tính của tham dục, vô minh và chấp ngã.

Nếu khi sáu quan năng của ta tiếp xúc với các đối tượng với tâm ý tham dục, thì không có bất cứ đối tượng nào có thể làm thỏa mãn được tâm tham dục của ta. Tâm tham dục là tâm mong cầu không có giới hạn, trong lúc đó các đối tượng chỉ hoạt khởi có giới hạn. Nên tự bản thân giới hạn của các đối tượng, không thể nào đáp ứng được lòng tham dục vô hạn của ta. Vì vậy, mà không có bất cứ một đối tượng sắc, thanh, mùi, vị, xúc chạm và ý tưởng hay ấn tượng nào có thể đáp ứng đuợc nhu cầu tâm tham dục của ta. Tham dục không đáp ứng được, thì sận giận tức thời hiện khởi, ấy là điều đương nhiên.

Một khi sân giận đã hiện khởi nơi tâm ý, nó có tác dụng làm cho tâm ý mờ đục. Và những tác ý liên hệ đến sân giận là những tác ý mù quáng. Tác ý ấy có tác dụng gây thiệt hại cho mình và người qua lời nói hay qua hành động.

Lời nói và hành động gây thiệt hại cho mình và người, đó là lời nói và hành động lệ thuộc vô minh. Vì vậy, sân giận không những là thuộc tính của vô minh mà chính nó là vô minh.

Vô minh là gì? Vô minh là không nhận chân được thực tại là duyên sinh, nên vô thường và không nhận chân được thực tại là duyên sinh, nên vô ngã.

Do không nhận chân được thực tại là một tổng thể hòa điệu giữa những cái cái nầy và cái kia, giữa những cái kia và cái nầy, chúng tương tác lên nhau tạo hành một dòng chảy quan hệ nhân duyên, nhân quả liên tục giữa thường trong vô thường, giữa vô thường trong thường. Vì vậy, gọi là vô minh.

Thường trong vô thường, ví như trứng gà là nhân của con gà, con gà là quả của trứng gà. Trứng gà khi đủ duyên, thì nhất định sẽ sinh ra con gà, chứ không thể sinh ra con vịt. Đó là tính chất tồn tại thường tục của nhân. Và nhân luôn luôn chuyển biến với những tác động của duyên thích hợp để dẫn sinh quả đồng loại. Nhân và quả đồng loại như vậy là thường trong vô thường, và vô thường trong thường.

Nếu ta chỉ thấy sự vô thường của nhân quả mà không thấy tính chất thường tục của nhân quả, thì cái thấy ấy của ta cũng rơi vào vô mình. Và nếu chỉ thấy tính chất thường tục của nhân quả mà không thấy hiện tượng sinh diệt vô thường của nhân quả, thì cái thấy của ta chưa sạch hết vô minh, cái thấy ấy vẫn làm điều kiện cho sân hận hay tham ái khởi lên nơi tâm ta.

Và nếu ta thấy các pháp là duyên sinh vô ngã, nhưng ta không quán chiếu để thấy rõ tính chất thường tục nhân quả ở nơi các pháp duyên sinh vô ngã ấy, cũng là vô minh. Và, nếu ta chỉ thấy tính chất thường tục nhân quả mà không thấy tự tính duyên khởi vô ngã nơi tính chất thường tục nhân quả ấy, cũng là vô minh.

Một khi vô minh chưa sạch nơi cái thấy của ta, thì cái thấy của ta liền rơi vào những nhận thức nhị biên rằng, các pháp là thường hoặc vô thường, là ngã hoặc vô ngã, là sinh hoặc vô sinh, là diệt hoặc vô diệt,… Cái thấy của ta rơi vào ở nơi các pháp là vô thường, thì khi nghe người khác chủ trương và nói rằng, các pháp là thường là tâm ta tức khắc khởi lên sự sân hận; hoặc cái thấy của ta rơi vào nơi các pháp là thường, thì khi nghe người khác chủ trương và nói rằng, các pháp là vô thường là tức khắc tâm ta khởi lên sự sân hận,… hoặc cái thấy của ta rơi vào nhận thức của ngã, khi nghe người khác nói rằng, các pháp là vô ngã là tức khắc tâm ta khởi lên sự sân hận; hoặc cái thấy của ta rơi vào những nhận thức vô ngã, khi ta nghe người khác chủ trương và nói rằng, các pháp đều có ngã tính là tức khắc tâm ta liền khởi lên sự sân hận,… Sân hận thì khi nào cũng dẫn sinh sự tranh cãi, và cũng từ đó mà phiền não sinh khởi làm nhiễu loạn tâm ta.

Vậy, ta muốn nhiếp phục tâm sân hận của ta, thì ta phải nhiếp phục vô minh, vì sao? Vì vô minh là thực phẩm quí phái của sân hận. và muốn nhiếp phục vô minh, thì ta phải có chánh kiến. Chánh kiến do đâu mà có? Do ta thực tập thiền định đầy đủ cả hai mặt Chỉ và Quán.

Chỉ là làm cho tâm ngưng lắng hết thảy mọi phiền não và mọi ý tưởng về ngã và phi ngã, về nhân và phi nhân, về chúng sanh và phi chúng sanh, về thọ mạng và phi thọ mạng, về pháp và phi pháp, nghĩa là tâm yên lắng, chặt đứt mọi ý niệm sinh khởi do quan hệ nhị nguyên.

Quán là nhìn sâu vào mọi đối tượng để thấy rõ từ bản thể đến hiện tượng, từ tác dụng đến năng lực, từ nhân duyên đến quả báo và từ gốc rễ đến ngọn ngành của nó.

Chẳng hạn, khi tâm sân giận của ta khởi lên, ta phải biết đình chỉ, nhiếp phục và quán chiếu nó một cách tường tận qua mười lãnh vực như sau:

1.Bản thể: Đối với bản thể của sân, ta thấy nó là ô nhiễm. Vì vậy, nó có mặt ở ý thì nó làm cho môi trường hoạt động của ý bị ô nhiễm; nó có mặt ở ngữ, nó làm cho môi trường hoạt động của ngữ bị ô nhiễm và nó có mặt ở thân thì nó làm cho môi trường hoạt động của thân bị ô nhiễm.

2.Tự tính:  Tự tính của sân hận là nóng nảy, xấu ác.

3.Tướng trạng: Tướng của sân hận là là hung dữ, cộc cằn, bạo động.

4.Tác dụng: Tác dụng của sân hận phá hỏng và tàn hại hết thảy thiện pháp.

5.Năng lực: Năng lực của sân hận là trở ngại. Nó làm trở ngại tự tính vô sân và Niết bàn, thiêu hủy hết thảy điều lành cũng như các thiện căn công đức.

6.Nhân: Nhân của sân là vô minh, tham ái và chấp thủ ngã và pháp.

7.Duyên: Duyên của sân hận là tiếp xúc với các đối tượng không như ý. Và do tư duy phi như lý tác ý, tác động vào các chủng tử bản hữu và tân huân tự nội và hiện hành.

8.Quả: Quả của sân hận là khổ đau.

9.Báo:  Báo của sân hận là thời gian tồn tại của khổ quả, gồm đủ cả chánh báo và y báo.

10.Gốc rễ và ngọn ngành: Từ gốc rễ của sân hận là ô nhiễm cho đến ngọn ngành của sân hận là y báo, chánh báo và thời gian tồn tại của khổ quả, chúng xuyên suốt với nhau như vậy là như vậy.

Ta quán chiếu để thấy rõ hạt giống sân hận nơi tâm ta qua mười lãnh vực một cách tường tận như vậy là ta thấy được “bản lai diện mục” của hạt giống sân hận nơi tâm ta.

Mỗi khi quán chiếu, ta thấy được “bản lai diện mục” của tâm sân hận, thì ta mới có khả năng nhiếp nó tùy theo những điều kiện tu tập mà ta có thể.

Ta có thể nhiếp phục tâm sân hận của ta qua sự mở rộng lòng từ hay mở rộng lòng bi hoặc mở rộng lòng hỷ và lòng xả của ta.

Ta có thể nhiếp phục tâm sân hận của ta qua cách nhìn sâu vào bản chất tồn tại hay không tồn tại của mọi sự hiện hữu; hoặc lắng nghe âm thanh của mọi đối tượng từ cuộc đời, mà nhất là lắng nghe âm thanh của chánh pháp được tuyên dương từ Bậc giác ngộ hay từ những Thiện hữu tri thức của ta.

Ta có thể nhiếp phục tâm sân hận của ta do quán chiếu nhân duyên, nhân quả liên hệ một đời, hai đời, ba đời và nhiều đời của ta và với mọi người. Ta quán chiếu nhân duyên, nhân quả một cách sâu xa như vậy để thấy rõ ân oán giữa ta với mọi người từ một đời, hai đời, ba đời, nhiều đời, để ta có thể chế ngự, nhiếp phục, và chuyển hóa cơn sân hận nơi tâm ta đối với những người hay những hoàn cảnh liên hệ.

Và do quán chiếu như vậy, ta có thể chuyển hóa tâm sân hận thành tâm vô sân. Khi tâm đã vô sân, thì bản thể ô nhiễm của sân không còn và toàn bộ những gì liên hệ đến sân hận như tự tính, tướng trạng, tác dụng ,… của chúng đều hoàn toàn thay đổi. Khổ quả do sân hận tạo thành hoàn toàn bị rơi rụng không còn sinh khởi trở lại, vì gốc rễ của nó đã bị chặt đứt hoàn toàn.

Những hạt giống sân hận nơi tâm ta chưa được nhiếp phục và chuyển hóa, thì mọi hạnh phúc, an lạc và hòa bình trong đời sống của ta và xã hội cũng chỉ là những mộng tưởng và điên đảo.

 
 
NƠI BÀN TAY TA

 

Khổ đau không phải đến với ta từ một con đường mà rất nhiều con đường, thì hạnh phúc cũng vậy, nó không phải đến với ta từ một con đường mà đến với ta cũng từ rất nhiều con đường.

Ta khổ đau không phải do cuộc sống, mà do ta đi kiếm tìm cuộc sống hạnh phúc. Hạnh phúc không bao giờ đến với ta từ sự tìm kiếm mà đến với ta từ sự đoạn tận nguyên nhân khổ đau.

Ta thử nghĩ xem, khi một người mang tâm trạng buồn phiền và khổ đau, thì không có bất cứ một loại ca nhạc nào có thể làm cho họ hạnh phúc được cả và khi một người đã mang tâm trạng buồn chán và thất vọng, thì không có bất cứ một tiện nghi vật chất tinh kỳ nào có thể làm cho họ thỏa mãn để vui sống.

Vì vậy, muốn có hạnh phúc, ta không cần phải nỗ lực săn đuổi, tìm kiếm những cái hấp dẫn bên ngoài. Những cái bên ngoài chỉ hấp dẫn, khi tâm ta thèm khát nó và nếu tâm ta không thèm khát nó, thì nó chẳng còn có gì để cuốn hút được ta nữa. Nên, muốn không khổ đau, ta phải biết đình chỉ những thèm khát nơi tâm ta đối với ngoại vật.

Không những vậy mà ta còn phải biết rằng, những đối tượng mà tâm ta đang thèm khát và kiếm tìm ấy là những đối tượng vô tri. Mọi hình sắc đều là vô tri, mọi danh xưng đều là vô tri, mọi thực phẩm đều là vô tri, trên thực tế không có bất cứ đối tượng vô tri nào có thể đem lại hạnh phúc cho ta cả.

Hạnh phúc hay khổ đau là do tâm ta cảm thụ khi tiếp xúc với các đối tượng. Tâm ta thù hận người nào, khi tiếp xúc với người ấy, thì những khổ đau sẽ sinh khởi trong ta, chứ không phải nơi đối tượng; tâm ta thương kính người nào, khi tiếp xúc với người ấy, thì niềm vui sẽ sinh khởi trong ta, chứ không phải sinh khởi nơi đối tượng. Đối tượng chỉ là ngoại duyên để cho tâm thương ghét của ta sinh khởi.

Vì vậy, có bao nhiêu đối tượng làm duyên để tâm ta sinh khởi sự thương và ghét là ta có bấy nhiêu điều kiện để sinh khởi khổ đau hay hạnh phúc.

Nên, nếu tâm ta có quá nhiều chất độc, thì khổ đau không phải chỉ đến với ta từ một con đường mà vô số con đường và nếu tâm ta có nhiều chất liệu tốt đẹp, thì an lạc và hạnh phúc cũng không phải đến với ta từ một đối tượng hay một điều kiện, mà có vô số đối tượng hay vô số điều kiện làm sinh khởi hạnh phúc cho ta.

Nếu ta nhìn bàn tay ta với những tâm ý độc hại, thì ta thấy ngay mỗi tế bào nơi bàn tay ta có thể tạo ra cho ta vô số đau khổ. Và nếu ta nhìn bàn tay ta với tâm ý lắng yên, trong sáng, tin yêu và lành mạnh, thì ta cũng thấy ngay mỗi tế bào nơi bàn tay ta là mỗi quê hương Tịnh độ, là mỗi vị Bồ tát hay mỗi đức Phật đang cùng ta hiện hữu và đang hiến tặng sự an lạc và hạnh phúc cho ta. Vì vậy, ta hãy tập nhìn để thấy hết thảy cõi chúng sanh và vô biên quốc độ của chư Phật đều đang có mặt ở nơi bàn tay ta.

 

 

NHỮNG ĐỊA NGỤC TRÁ HÌNH

 

Căn bản của hạnh phúc gia đình là hai chất liệu ái và kính có mặt trong nhau. Vợ chỉ biết thương chồng mà không biết kính chồng, thì không thể tạo ra hạnh phúc cho chồng được. Chồng chỉ biết thương vợ mà không biết kính vợ, thì cũng không thể nào tạo ra hạnh phúc cho vợ được.

Con cái chỉ biết thương cha mẹ mà không biết kính trọng cha mẹ, thì cũng không tạo ra hạnh phúc cho cha mẹ được. Và cha mẹ chỉ biết thương con cái mà không biết quí con cái, thì cũng không tạo ra hạnh phúc cho con cái được.

Tại sao? Vì thương mà không kính và không quí, thì tình thương ấy, chỉ là một sự thương yêu trống rỗng, không có nội dung của hướng thượng. Thương không có nội dung hướng thượng, tình thương ấy không thể tạo ra hạnh phúc cho người thương và người được thương. Và kính hay quí mà không có thương sẽ phát sinh tâm sợ hãi và xa cách. Kính và quí như vậy, không thể tạo ra hạnh phúc cho người kính quí và đối tượng được kính quí.

Vì vậy, ái và kính hay thương và kính hai chất liệu ấy luôn luôn gắn liền với nhau trong mọi sinh hoạt và hành xử của những thành viên trong gia đình, thì gia đình ấy mới có thể gọi là gia đình hạnh phúc.

Ở mặt tổ chức xã hội cũng vậy, bất cứ tổ chức nào mà thiếu chất liệu ái và kính trộn quyện vào nhau trong những hành xử giữa những người lãnh đạo và thuộc cấp, thì trước sau gì tổ chức ấy cũng bị tan rã và nếu không bị tan rã, thì nó cũng chỉ tồn tại trong quan hệ oan nghiệp để tạo ra khổ đau cho nhau.

Trong những liên hệ gia đình và tổ chức xã hội thiếu hai chất liệu ái kính trộn lẫn vào nhau của các thành viên, thì mọi sinh hoạt của họ chỉ là hình thức của một địa ngục trá hình qua huyết thống hay qua lý tưởng.

 

 

ĐẸP
TRONG QUY LUẬT VÔ THƯỜNG

 

Ở trong thế giới vô thường, không có cái đẹp nào mang tính vĩnh cửu. Hoa nở rồi tàn, trăng tròn rồi khuyết. Trẻ rồi phải già, đẹp rồi phải xấu.

Vì vậy, trong thế giới vô thường, không có cái đẹp hay cái xấu nào mang tính vĩnh cửu mà chỉ có vô thường là tính chất vĩnh cửu của thế gian.

Ta phải thường thấy như vậy, khiến ta không quá hăm hở và ngưỡng mộ để rồi bị thất vọng đối với những cái đẹp thế gian; và ta cũng phải thường thấy như vậy, để ta không bị buồn chán và thất vọng đối với những cái xấu của thế gian.

Ta phải thường quán chiếu để biết rõ quy luật vô thường của thế gian như vậy, khiến cho ta vượt ra khỏi những tâm lý hăm hở hay buồn chán đối với những gì đang diễn ra ở trong sinh hoạt của thế gian nầy.

Sống không bị những tâm ý buồn chán hay hăm hở chi phối, ta sẽ có đủ khả năng chế tác ra đời sống tự do và cao thượng cho chính ta và mọi người ngay trong thế gian nầy.

 

 
CAO QUÍ
TRONG TÂM THỨC Ô NHIỄM

 

Trong cuộc sống, ta đến với nhau bằng tâm thức ô nhiễm, thì mọi sự trân quí nhau chỉ là những sự trân quí nhiễm ô. Vì vậy mà “thương nhau rồi lại bằng mười ghét nhau” hay nói theo cách nói lịch lãm của người bình dân: “Thương nhau lắm, cắn nhau đau”.

 

Ta đem tâm thức ô nhiễm mà đến với nhau, dù nó được trang bị bằng những hình thức lễ nghi cao quí tột bực, bằng những ngôn từ tưng bốc nhau mỹ diệu, nhưng kết quả của nó vẫn xảy ra cho ta bằng những chất liệu ô nhiễm, ươn thúi mà thôi.

Tại sao? Vì những lễ nghi và những lời tưng bốc cao quí ấy không đi từ tâm thức thanh tịnh mà khởi lên từ những tác ý ô nhiễm vậy.

 

 

NGƯỜI THÔNG MINH

 

Người thông minh không bao giờ nói xấu người khác để tự tưng bốc mình; không bao giờ chỉ trích pháp môn của người khác để tưng bốc pháp môn của mình, không bao giờ chỉ trích việc làm của người khác để tưng bốc việc làm của mình và lại càng không bao giờ chỉ trích thầy của người khác để tưng bôc thầy của mình.

Người thông minh phải luôn luôn quán sát để thấy cái yếu của mình để cầu tiến, thấy cái tốt của người để cầu học. Phải biết khiêm tốn đối với pháp môn mà mình đang hành trì, để có nhiều cơ hội học hỏi nhiều pháp môn từ những vị thầy khác. Nhờ vậy mà họ luôn luôn mới mẻ và giàu có. Họ biết nhìn việc xấu của người để tránh và biết nhìn việc tốt của người để học hỏi.

Nguời thông minh họ làm việc gì, họ thấy kết quả ngay nơi nguyên nhân, nên họ hoàn chỉnh những kết quả của họ ngay ở nơi những nguyên nhân.

Vì vậy, đời sống của họ không rơi vào những ước mơ hão huyền, không van xin cầu cạnh và mọi hư nên, suy thịnh, họ không đổ lỗi cho người khác hay cho hoàn cảnh mà họ an nhiên, mỉm cười với nhân quả đang diễn ra nơi tâm thức và nơi những hành động của họ mỗi ngày.

Do đó, người thông minh, họ thấy nhân quả để hành động, họ chấp nhận nhân quả để sống và họ biết vận dụng những nhân duyên tốt đẹp để thăng hoa cuộc sống con người.

 

 

CHỈ NÓI MỘT LỜI

 

Dù chỉ nói một lời mà đúng, còn hơn nói cả vạn lời mà sai. Một lời nói đúng có khả năng tạo dựng hạnh phúc cho nhiều người, nhưng một lời nói sai thì có thể gieo rắc tai họa cho nhiều người, huống gì cả vạn lời nói sai?

Tại sao ta nói đúng? Ta nói đúng vì do ta có chánh kiến. Chánh kiến là cái nhìn thấy không bị điều động bởi tham ái, bởi sân hận, bởi sự sợ hãi, bởi si mê và mù quáng. Chánh kiến là cái thấy đúng pháp, đúng thời, đúng đối tượng từ hình thức đến nội dung và từ một điểm đến toàn thể.

Tại sao ta nói sai? Ta nói sai vì do ta có tà kiến và thành kiến. Tà kiến là cái nhìn một phía, cái hiểu thiên lệch, nó đi từ cá tính và do bản ngã điều khiển. Tà kiến là cái nhìn, cái hiểu bị tham ái, bị sân hận, bị sợ hãi, bị bất minh và cố chấp điều khiển. Thành kiến là cái thấy, cái nhìn, cái hiểu được tạo nên do quá trình tích lũy sai lầm từ sự nghe, sự học tập và từ sự tư duy sắp sẵn.

Lời nói được hiện khởi từ tà kiến, thành kiến và từ cá tính cố chấp, thì cho dù ta dùng đến cả một đời để nói, cũng không có một lời nào đúng và có lợi ích thiết thực cho đời.

Và lời nói được hiện khởi từ chánh kiến, thì dù chỉ nói một lời mà đem lại lợi ích vĩnh cửu cho tất cả.

 

  
GIẶT CHIẾC ÁO

 

Ta mặc chiếc áo dù bị bám nhớp một tuần, nhưng khi thay áo, ta chỉ cần giặt nửa giờ là áo sạch hoặc giặt bằng máy thì chỉ mười lăm phút thôi. Cũng vậy, dù ta do vô minh mà tạo nhiều tội lỗi, nhưng khi biết tội lỗi và dừng lại không tạo thêm nữa, lại còn phát tâm chí thành sám hối đúng phương pháp, thì tội lỗi nhất định sẽ bị tiêu diệt vậy.

Muốn sám hối có kết quả, trước hết là ta phải biết phòng hộ sáu căn, khiến cho các đối tượng liên hệ với sáu căn không còn tự do xâm nhập, sau đó ta đem hết lòng thành mà ăn năn tự trách, mở rộng tầm nhìn và phát khởi hạnh nguyện từ bi một cách cụ thể và rộng lớn.

Ta thực tập như vậy mỗi ngày, thì không có tội lỗi nào mà không tiêu, không có oán thù nào mà không hóa giải, không có chướng ngại nào mà không diệt sạch và không có quả báo xấu nào mà không thay đổi.

Do đó, ta đừng mặc cảm tội lỗi, chỉ tự trách mình không biết phương pháp sám hối mà thôi.

 

 

BẬC ĐẠI NHÂN

 

Trong đời sống hàng ngày, ta có cảm giác cô đơn là do ta có tầm nhìn hạn hẹp. Tầm nhìn của ta hạn hẹp là do ta cố chấp, thành kiến, không chịu lắng nghe và học hỏi. Ta càng ích kỷ bao nhiêu thì tầm nhìn của ta càng hạn hẹp bấy nhiêu. Và tầm nhìn ta hạn hẹp bao nhiêu, thì những cảm giác cô đơn và cô độc sinh khởi nơi tâm thức ta và nơi đời sống của ta bấy nhiêu.

Ta đừng bao giờ bảo rằng, giữa đời nầy không có ai hiểu ta, và nếu ta muốn người khác hiểu ta, thì trước hết ta phải hiểu người khác; ta muốn người khác thương ta, thì trước hết, ta phải thương người khác; ta muốn người khác tôn trọng ta, thì trước hết ta phải biết tôn trọng người khác.

Nếu ta không hiểu người khác mà mong người khác hiểu ta; ta không thương người khác mà mong người thương ta; ta không tôn trọng người khác mà mong người khác tôn trọng ta, là những điều chưa bao giờ xảy ra trong thế gian này. Chính những cảm giác cô đơn của ta từ đó mà sinh khởi.

Nếu ta không hiểu người khác mà người khác hiểu ta, cái hiểu ấy là cái hiểu của những bậc đại nhân; nếu ta không thương người khác mà người khác thương ta, cái thương ấy là cái thương của những bậc đại nhân; nếu ta không tôn trọng người khác mà người khác tôn trọng ta, cái tôn trọng ấy là của những bậc đại nhân.

Những bậc đại nhân là ai? Đó là những người ở trong đời, cũng ăn như ta, cũng uống như ta, cũng đi, đứng, nằm, ngồi, nói cười, sinh hoạt như ta, nhưng họ khác ta là do họ có tầm nhìn lớn, họ có tâm hồn lớn, nhưng những nhu cầu tiêu thụ cho đời sống của họ thì lại rất ít và họ lại chín chắn, cẩn trọng để làm chủ tâm trong những hành xử nhỏ nhặt hàng ngày đối với bản thân họ và mọi người, vì vậy mà họ là bậc đại nhân.

Những bậc đại nhân thì không nhìn đời bằng nhận thức mà bằng tuệ giác; không thương đời bằng cảm tính mà bằng từ bi; không đối đãi với đời bằng sự tương quan mà bằng xả lợi.

Do đó, bậc đại nhân đi đến đâu cũng an toàn và sống với ai cũng an lạc.

 

 

 

NGƯỜI BIẾT SỐNG HẠNH PHÚC

 

Ta lạm dụng thân thể của ta cho những mục tiêu thấp kém, ta sẽ bị thân thể của ta phản ứng. Bệnh là một hình thức phản ứng của thân thể đối với những lạm dụng thấp kém của ta đối với nó.

Ta lạm dụng thân thể của ta cho những mục tiêu tốt đẹp, ta cũng sẽ bị thân thể của ta phản ứng. Bệnh là một hình thức phản ứng của thân thể đối với những lạm dụng cao thượng của ta đối với nó.

Lạm dụng thân thể nầy cho mục tiêu thấp kém là ta đang sử dụng nó cho những vấn đề lợi nhuận tiền bạc, danh vọng, sắc dục và ăn uống, khiến cho mọi cơ chế sinh hoạt cơ thể của ta hoạt động mất bình thường và quá tải, chúng sẽ trở nên chai lỳ và vô cảm, khiến dẫn sinh những bệnh hoạn trong đời sống của ta, không những chỉ giới hạn ở nơi những yếu tố vật lý mà còn ngay cả nơi nbững yếu tố thuộc tâm lý nữa.

Và lạm dụng thân thể cho những mục tiêu cao quí như học hành, nghiên cứu, tu luyện, chúng cũng có thể dẫn sinh những bệnh hoạn cho thân và tâm của chúng ta. Chúng cũng có thể dẫn sinh đời sống của ta đi từ những cực đoan nầy đến những cực đoan khác.

Nên nhớ rằng, không có cực đoan nào được mệnh danh là cực đoan lành mạnh cả, ngay cả những cực đoan mà ta quen gọi là cao quí.

Phần nhiều các hành sử cực đoan của ta đều là do vắng mặt của tuệ giác chánh kiến. Trong đời sống hàng ngày ta thiếu chánh kiến, thì mọi hành sử của ta không bị rơi vào những cực đoan nầy, chúng sẽ bị rơi vào những cực đoan khác. Thiếu chánh kiến ta không bị rơi vào cực đoan của thân, thì ta cũng bị rơi vào cực đoan của tâm hoặc ngược lại.

Một cảm thọ bệnh hoạn, chúng thường đi kèm với các phiền não tham đang hoạt động nơi tâm; một tri giác bệnh hoạn, chúng thường đi kèm với những phiền não tham đang hoạt động nơi tâm; một tư duy hay ý chí bệnh hoạn, chúng thường đi kèm với những phiền não tham đang hoạt động nơi tâm và một nhận thức bệnh hoạn, chúng thường đi kèm với những phiền não đang hoạt động nơi tâm.

Nói tóm lại, tâm bị rỉ chảy bởi những tham dục, thì không có những hoạt động nào nơi tâm là không dẫn sinh bệnh hoạn và mỗi khi tâm đã bệnh hoạn, thì không có hoạt động gì của thân là không bệnh hoạn. Bệnh hoạn của thân do những rỉ chảy của phiền não nơi tâm tác động và nuôi dưỡng, bệnh hoạn ấy không còn là bệnh hoạn đơn thuần của sinh hay tử thuộc vật lý mà là bệnh hoạn của sinh tử liên hệ đến nghiệp và phiền não. Bệnh hoạn của sinh tử liên hệ đến nghiệp và phiền não là bệnh hoạn thuộc về khổ đế.

Trị liệu bệnh nầy không phải là những phương pháp y học hiện đại và những dược liệu thuộc về y học hiện đại mà là những phương pháp thọ giới và hành trì giới; phương pháp thiền định và tuệ quán.

Thọ giới đúng pháp, thì đời sống đạo đức mới phát sinh trong ta. Cốt tủy của đạo đức là ly tham. Ta thọ giới với tâm mong cầu ly tham, thì giới ấy mới có khả năng ngăn chận lòng tham cho ta. Cũng vậy, ta thực hành thiền định để giảm trừ và đoạn diệt phiền não tham nơi tâm ta, thì hỷ và lạc nơi tâm ta mới phát sinh, làm cho tâm ta càng lúc, càng nhẹ nhàng và tươi nhuận. Tuệ quán làm cho tâm ta mỗi lúc mỗi sáng lên để xóa sạch những bóng tối của tham nơi tâm.

Tâm ở trạng thái sáng trong, vô ưu, sạch hết phiền não, tâm như vậy gọi là tâm không bệnh. Thân được nuôi dưỡng bởi tâm ấy và các thực phẩm để nuôi thân được giám định và chọn lựa thích hợp bởi tâm ấy để nuôi thân, thân ấy là thân không bệnh.

Vậy, thế nào là một người hạnh phúc? Một người hạnh phúc là một người không bị bệnh cả thân lẫn tâm. Một người bị bệnh cả thân và tâm, người ấy không có đời sống hạnh phúc đã đành, nhưng đối với một người hoặc bị bệnh của thân hoặc bị bệnh của tâm. người ấy cũng không thể nào gọi là người hạnh phúc. Người có đời sống hạnh phúc là người biết sống với thân không tật bệnh và tâm không phiền não vậy.

 

 

 

NHỮNG BI KỊCH

 

Phần nhiều những gì ta đang làm trong hiện tại là đều bị những áp lực bởi tương lai. Những em học sinh mới học lớp ba hay lớp bốn, lưng chúng mang đầy cả túi sách, chúng đã bị những áp lực học hành cho một tương lai của chúng bởi cha mẹ và nhà trường, khiến tuổi thơ trong hiện tại của chúng bị biến mất.

Ta khó có thể lý luận hạnh phúc của tuổi trẻ là gì, khi tuổi thơ của nó đã bị biến mất? Cha mẹ nhìn những trẻ thơ bằng những cách nhìn của người lớn, khiến cho những trẻ thơ trở thành nạn nhân của người lớn. Tại sao ta không có hai con mắt để nhìn trẻ thơ? 

Trước hết, ta phải nhìn trẻ thơ bằng chính con mắt của nó, để thấy nó đúng như là những gì nhu cầu của chính nó. Và thứ hai, ta phải nhìn trẻ thơ trong đôi mắt người lớn, để định hướng cho nó vươn tới theo những điều kiện mà nó có thể.

Hai con mắt nầy là cần thiết cho những người làm cha mẹ đối với con cái và những vị thầy đối với học trò. Thiếu một trong hai cách nhìn ấy, cha mẹ trở thành nạn nhân của con cái, vì con cái có cảm giác rằng, mình đang bị áp lực học hành bởi cha mẹ và vì cha mẹ mà học, chứ không phải học hành để có khả năng tạo dựng sự hiểu biết cho chính mình. Học bị áp lực, con người càng học càng trở nên ngu muội và oán thù đối với việc học và người dạy.

Và thiếu một trong hai cách nhìn ấy, thầy giáo là độc hại và tàn nhẫn đối với học trò. Học trò thù ghét thầy giáo hơn là biết ơn thầy giáo.

Nếu thiếu một trong hai cách nhìn ấy, bậc làm cha mẹ sẽ thất bại trong việc giáo dục đối với con cái và nếu làm thầy giáo, thì sẽ thất bại đối với việc giáo dục học trò. Đối với mặt xã hội cũng vậy. Nếu ta làm nhà lãnh đạo đất nước, trước hết là ta phải có cách nhìn của quần chúng như chính quần chúng đã nhìn chính họ và nhìn nhà lãnh đạo. Và tiếp theo là ta phải có cách nhìn của nhà lãnh đạo đúng như là những nhà lãnh đạo đối với quần chúng.

Nếu thiếu một trong hai cách nhìn, tư cách của nhà lãnh đạo tự nó biến mất trong lòng của quần chúng và họ sẽ bị quần chúng thù hận và nguyền rủa.

Cha mẹ đối với con cái, tình thương không còn là lý thuyết, ngôn thuyết hay lý luận mà chính là cuộc sống. Thầy đối với học trò, đạo đức không còn là lý thuyết, ngôn ngữ hay lý luận mà chính là cuộc sống. Và người lãnh đạo đối với nhân viên hay quần chúng, hiến pháp, luật pháp, nội quy không còn là lý thuyết, ngôn thuyết hay là những lý luận triết học hoặc khoa học mà chính là cuộc sống.

Mọi giá trị của lời nói phải đi từ cuộc sống mà không phải đi từ những lý luận sắc bén. Mọi lý luận sắc bén có thể chinh phục được đối phương tức thì, nhưng nó sẽ bị đối phương nguyền rủa và tránh xa, khi bị phát hiện lý luận chỉ là những sản phẩm của lý trí mà không phải chính nó là cuộc sống.

Ta nên nhớ rằng, thấy thì không cần phải lý luận mà càng lý luận là càng không thấy. Những bi kịch của gia đình và xã hội ngày nay, là do người ta phần nhiều làm theo thói quen hay lý luận mà không làm và nói theo cái thấy.

 

 

 
TẠM GỌI NHƯ VẬY

 

Những chú rồng trước khi vươn mình đến trước, chú đều phải uốn mình lui sau để lấy thế và những chú cọp cũng vậy.

Ở trong đời những kẻ đầy mưu lược và xảo trí thường hay áp dụng tính nầy của rồng và cọp, nên muốn tiến thân xa, họ phải học thế bước lùi của những chú rồng và cọp.

Nhưng, những bậc chân nhân ở trong đời, họ không phải bước lui để tiến tới và họ cũng không phải bước tới để thối lui, nên họ không cần phải nhọc công thủ thế trong khi tới hay trong khi lui. Họ bước tới trong tỉnh giác, họ bước lui trong tỉnh giác; họ bước tới bằng tất cả tấm lòng, họ bước lui bằng tất cả tấm lòng.

Nên, việc bước tới không có một lực nào ở phía trước hấp dẫn được họ và khi họ bước lui, cũng không có một lực nào ở phía sau áp lực được họ. Họ bước tới và bước lui đều ở trạng thái của sự tỉnh thức và tự do.

Những người bước tới và bước lui như vậy, ta không biết gọi họ là gì, chỉ tạm gọi họ là những bậc chân nhân ở trong đời.

 

 

VƯỢT QUA ẢO TƯỞNG

 

Khi đối diện với khó khăn đừng bước lui, vì bước lui sẽ bị nhận chìm; khi đối diện với những thuận lợi đừng bước tới, vì bước tới sẽ bị cuốn theo, mà cần phải biết được sự thực của chúng để vượt qua.

Vượt qua bằng cách nào? Hãy vượt qua những ảo tưởng trong ta. Chính những ảo tưởng trong ta đã đánh lừa ta, khiến cho ta không đủ khả năng khám phá và chấp nhận sự thực, để vượt qua những khó khăn và thuận lợi mà ta đang đối mặt.

Những khó khăn và thuận lợi giữa cuộc đời đều là những bẫy sập của ảo tưởng, nên ta cần vượt qua ảo tưởng, thì những bẫy sập ấy không còn có khả năng gài sập được ta.

Vì vậy, ta có ngay sự tự do và an lạc giữa những khó khăn và thuận lợi của cuộc đời.

 

 

KHÔNG MỘT AI

CÓ THỂ THAY THẾ

 

Sáng nay chủ nhật, ngày 13 tháng 7 năm 2008, tôi đã tâm sự với các Thầy trẻ ở chùa Phước Duyên rằng:

Người khác có thể giúp mình nấu cơm, pha nước, giặt áo quần, quét nhà, cắm hoa, khai chuông và trải bồ đoàn để ngồi thiền, nhưng họ không thể ăn cơm thế cho mình, không thể uống nước thế cho mình, không thể mặc áo quần thế cho mình, không thể ở trong nhà để tránh mưa nắng bão bùng thế cho mình, không thể tiếp xúc và thưởng thức hoa thế cho mình và lại càng không thể ngồi thiền thế cho mình. Chúng ta muốn thoát khỏi cảm giác đói thì phải tự ăn lấy; muốn thoát khỏi cảm giác khát, thì phải tự mình uống lấy; muốn tránh khỏi mưa nắng, bão bùng thì phải tự mình lưu trú trong nhà, chứ không phải người khác; muốn tĩnh tâm, thì phải tự mình thực tập thiền định, chứ không một ai có thể thực tập thiền định thế cho mình. Vì vậy, Đức Phật dạy: “Pháp của Ngài là đến để thấy, tự mình thực tập để giác liễu”. Do đó, không một ai có thể tu thế, niệm Phật thế, ngồi thiền thế và giải thoát hay vãng sanh tịnh độ thế cho ai được cả, nên các Thầy phải tự lo liệu lấy chính cuộc đời của mình ngay từ bây giờ, để sau đó khỏi phải ân hận.

Thầy chỉ là người chỉ đường và động viên tu tập, các thiện tri thức cũng chỉ đóng vai trò yểm trợ, khuyến khích mà không thể thay thế và không một ai có thể thay thế cho ai một khi quả báo đã hình thành!

 

 

UNG DUNG
VƯỢT RA KHỎI MỆNH LỆNH

 

Phần nhiều những người yêu mến điều thiện và làm việc thiện, thì hay ghét điều ác và ghét những người làm việc ác; những người thích thú làm điều ác, thì họ lại ghét những người yêu mến điều thiện và làm việc thiện.

Thương và ghét của hai hạng người như vậy, đều rơi vào những cạm bẫy của khổ đau.

Ta thương người làm thiện mà ghét người làm ác, thì tính ghét người nơi ta càng lúc càng tăng, vì ở giữa đời người làm việc ác nhiều hơn người làm việc thiện. Và ta thương người làm thiện mà ghét người làm ác, thì tính thương người nơi ta càng ngày càng giảm, vì ở giữa đời, người làm thiện thì ít, mà người làm ác thì nhiều.

Những bậc hiền trí trong đời, luôn luôn tự mình quán sát, thấy việc phải thì làm, thấy việc quấy thì tránh. Những hành động làm hay tránh của họ không bị điều động bởi cái thương hay cái ghét mà được điều động bởi trí.

Do đó, trong khi làm, họ diệt trừ được tâm tham ái và trong khi tránh họ diệt trừ được tâm sân hận. Diệt trừ được tâm tham ái, nên họ không bị mắc kẹt và mù quáng đối với các lạc thọ. Và do diệt trừ được tâm sân hận, nên họ không bị mắc kẹt và mù quáng đối với các khổ thọ.

Bất cứ lời nói nào khi nói ra, không bị chi phối bởi những lạc thọ hay khổ thọ, ấy là lời nói chân thực, lời nói đúng đắn, lời nói đúng với tự thân thực tại của chính nó, và ấy là lời nói có chất liệu của sự tự do hiện thực, có khả năng giúp cho mình và những người nghe tháo gỡ được những hệ lụy để hướng thượng.

Bất cứ những hoạt động nào khi biểu hiện, không bị chi phối bởi những lạc thọ hay khổ thọ, sự biểu hiện ấy là chân thực, là đúng đắn, là thích ứng đối với tự thân của thực tại. Sự biểu hiện ấy là sự biểu hiện có chất liệu của sự tự do hiện thực, có khả năng giúp cho mình và những ai liên hệ, đều có khả năng tháo gỡ được những hệ lụy để hướng thượng.

Và bất cứ ý nghĩ nào, vận hành trong tâm thức, chúng không bị chi phối bởi những lạc thọ hay khổ thọ, thì tâm ý vận hành ấy là chân thực, là đúng đắn, là thích ứng với tự thân của thực tại. Sự vận  hành của tâm thức ấy là sự vận hành của tâm thức tự do, vì chúng không còn bị chi phối bởi những hạt giống tham lam, sân hận, si mê và tà kiến.

Vì vậy, ta phải biết thực tập cách nhìn các cảm giác vui và buồn hay lạc thọ và khổ thọ từ nơi tâm thức ta, để thấy rõ chúng là gì và gốc rễ của chúng là đang ở đâu và do đâu, rồi mỉm cười và ung dung vượt ra khỏi mệnh lệnh của chúng.

 

 
 
             GIÚP TA LÀM ĐẸP CUỘC ĐỜI

 

Thế giới của mũi không phải chỉ liên hệ đến hệ thần kinh khứu giác, mà còn liên hệ đến những đối tượng của nó là hương. Nếu không có hương, thì hệ thần kinh khứu giác không có đủ điều kiện khởi động. Và nếu có đối tượng là hương mà không có tỷ thức, tức là nhận thức thuộc về mũi, thì hệ thần kinh khứu giác không có khả năng nhận biết.

Lại nữa, nếu khi tỷ thức tiếp xúc với đối tượng là hương, mà không có ý thức cùng lúc sinh khởi để có mặt với tỷ thức, thì tỷ thức không có khả năng biết được mùi thơm của  hương là dễ chịu, khó chịu hay không phải dễ chịu, không phải khó chịu một cách bén nhạy, linh hoạt và tinh tế.

Vì vậy, lỗ mũi của ta không hề hiện hữu đơn thuần, mà hiện hữu với toàn thể thế giới liên hệ với nó.

Nó liên hệ với nhân duyên tự thân và nhân duyên cộng đồng. Nhân duyên tự thân là những nhân duyên trực tiếp hình thành mũi. Nghĩa là tâm ý của ta xấu tốt như thế nào, thì ta có nhân duyên, hình tướng, tác dụng và quả báo xấu tốt của mũi như thế ấy.

Vì vậy, có bao nhiêu con người, có bao nhiêu chủng loại chúng sanh là có bấy nhiêu hình tướng mũi xấu đẹp khác nhau. Mỗi người là mỗi thế giới của mũi; mỗi chúng sanh là một thế giới của mũi. Dù là mũi, nhưng không có tướng lỗ mũi nào giống tướng lỗ mũi nào.

Ngoài nhân duyên tự thân, mũi hiện hữu và tồn tại trong sự tồn tại của nhân duyên cộng đồng. Nếu không có mặt hay thân thể, thì mũi không có điều kiện để tồn tại. Mũi của ta tồn tại là tồn tại với mặt và thân thể. Mũi tồn tại là tồn tại với đồng loại, dị loại và thiên nhiên.

Nếu không có đồng loại, ta không thể sinh ra, lấy gì mà có lỗ mũi. Ta sinh ra là sinh ra từ đồng loại và ta được hỗ trợ để sinh trưởng và tồn tại không những chỉ từ đồng loại mà còn cả dị loại nữa. Không những miệng hỗ trợ cho mũi, mắt hỗ trợ cho mũi, răng, luỡi, phổi, tim, gan,… hỗ trợ cho mũi mà ngay cả không khí, núi rừng, dòng sông, ánh sáng mặt trời, mặt trăng, sự chuyển động của trái đất đều là hỗ trợ cho sự có mặt và tồn tại của mũi.

Như vậy, lỗ mũi của ta hiện hữu, chưa từng là hiện hữu một mình mà hiện hữu với tất cả. Lỗ mũi của ta chưa bao giờ tồn tại trong cô độc, huống gì là ta!

Ta không bao giờ tồn tại trong cô độc, ta luôn luôn tồn tại với mọi người và trong lòng mọi người. Ta không bao giờ tồn tại trong sự cô độc, mà tồn tại trong lòng sự sống của muôn vật.

Chỉ có vô minh và tính chấp ngã trong ta, đẩy ta ra khỏi trái tim của sống, để trở thành những kẻ lạc loài giữa muôn vật. Trong lúc đó, muôn vật không hề rời xa cách ta, dù chỉ là một khoảnh khắc.

Lỗ mũi của ta đang nằm ngay trước mặt, nó đang nằm dọc, đừng bắt nó nằm ngang. Nếu bắt nó nằm ngang, ta sẽ rơi vào thế giới hư ảo và ta sẽ mất trắng tất cả. Ta hãy để cho nó nằm dọc, như chính nó đã nằm, rồi cười và thở với nó mỗi ngày bằng tâm ý tĩnh lặng của ta.

Bấy giờ, bình an sẽ đến với ta từ lỗ mũi ấy, muôn vật sẽ cùng ta hiện hữu và sẽ giúp ta làm đẹp cuộc đời.

 
 
NHỮNG XUNG ĐỘT
NƠI XÃ HỘI NGƯỜI MÙ

 

Xung đột là quy luật tồn tại tự nhiên của mọi sự hiện hữu. Quy luật ấy không làm cho thế gian trở thành hố thẳm ngăn cách và sầu hận. Quy luật ấy làm cho thế gian trở thành bức tranh nghệ thuật tuyệt hảo và làm cho sự sống nở thêm hoa và lá; thêm cây xanh và trái ngọt; làm cho bao sự nhớ và thương của cõi người càng thêm có ý nghĩa và thi vị.

Nhưng xung đột do muốn độc quyền về bản ngã và quyền lực cũng như lợi nhuận kinh tế của con người, chính đó là nhân tai. Nhân tai là tai nạn do vô minh của con người tạo ra, khiến cho con người không đi tới được với con người; khiến cho vợ không đi tới được với chồng; khiến cho chồng không đi tới được với vợ; khiến cho cha mẹ không đi tới được với con cái; khiến cho con cái không đi tới được với cha mẹ; khiến cho anh em không đi tới được với nhau; khiến cho thầy trò không đi tới được với nhau; khiến cho mọi tổ chức trong xã hội không đi tới được với nhau; khiến cho các quốc gia đối với nhau trở nên rời rạc.

Những độc quyền ấy càng nhiều, thì những xung đột của nó càng trở nên gay gắt, và tai nạn xảy đến cho xã hội con người khắp cả mọi nẻo đường và cùng khắp trong mọi lứa tuổi mỗi lúc mỗi hiểm nghèo khó tránh.

Các tai nạn khác như thiên tai, địa tai, hỏa tai, thủy tai, phong tai, đao binh tai, tật dịch tai…, cũng từ nơi nhân tai mà chiêu cảm.

Tác nhân của nhân tai chính là tham vọng độc quyền về bản ngã. Nếu không có tham vọng độc quyền về bản ngã, thì những tham vọng khác không thể phát sinh.

Bản ngã sinh ra từ vô minh. Vô minh càng dày thì bản ngã càng lớn. Vô minh càng sâu, thì bản ngã càng cao. Vô minh càng mãnh liệt, thì sự xung đột và sức công phá của nó càng khốc liệt và bạo tàn.

Do đó, mọi xung đột của con người trong thế gian nầy đều đến từ vô minh chấp ngã. Vô minh không còn, thì ngã chấp tự diệt. Ngã chấp không còn, thì vô minh tự tiêu.

Nên, vô minh và ngã chấp luôn luôn hỗ trợ cho nhau, tạo ra vô số tai họa cho con người dưới vô số hình thức khác nhau.

Vô minh và chấp ngã cá nhân tạo ra những xung đột giữa cá nhân với cá nhân; giữa cá nhân với tập thể. Vô minh và chấp ngã tập thể tạo ra những xung đột giữa tập thể với tập thể và giữa tập thể với cá nhân. Chính đó là tác nhân đã, đang và sẽ gây ra không những tai nạn cho xã hội con người mà còn cho cả muôn thú và thiên nhiên.

Sinh hoạt trong xã hội Việt nam hiện nay, con người đi ra đường phần nhiều tự động che mặt, điều ấy tự nó đã nói lên tai họa rất lớn đã xảy đến với xã hội và môi trường sinh hoạt của con người, do chính vô minh và chấp ngã của con người đã tạo ra nó.

Muốn giải quyết những vấn đề xung đột xã hội, ta phải biết giải quyết những vấn đề xung đột nơi con người. Những xung đột của con người không phải đến từ trên trời cao giáng xuống hay từ lòng đất sâu vọt lên mà đến từ nơi tâm vô minh và chấp ngã con người.

Ta phải biết cách làm cho tâm con người sáng lên, mọi sự hiểu biết của con người từ đó mà khởi hiện và mọi hành động của con người là phải khởi động từ đó, khiến cho mọi xung đột trong thế giới con người tự nó hóa giải.

Bấy giờ con người không còn nhìn nhau với cái nhìn “chủ và nô”, hay là những hiện hữu đối lập mà là hỗ dụng sinh tồn. Nghĩa là người nầy hiện hữu là để hỗ dụng cho người kia và người kia hiện hữu là để hỗ dụng cho người nầy. Do biết như vậy, từ thô đến tế, từ cạn đến sâu, từ gần đến xa, từ thấp đến cao mà vô minh và chấp ngã nơi tự tâm dần dần bị xóa sạch, khiến cho mọi xung đột của xã hội con người không còn là xung đột của nhân tai mà chỉ là những xung đột hỗ dụng của quy luật tự nhiên. Xung đột của quy luật tự nhiên là xung đột để giúp cho con người có đời sống của cân bằng; xung đột theo quy luật tự nhiên là sự xung đột của hòa bình, sự xung đột ấy không bao giờ dẫn đến chiến tranh. Sự xung đột ấy tạo ra những bức tranh đời tuyệt đẹp, để cho người ta thưởng thức sự sống, yêu chuộng và tôn trọng sự sống trong từng khoảnh khắc. Và khoảnh khắc nào cũng là khoảnh khắc mầu nhiệm của sự sống.

Vì vậy, ta nhìn lên một thân cây, ta chỉ thấy lá xanh mơn mởn và ta chỉ biết thưởng thức đời sống qua mơn mởn của những lá xanh, mà không biết thưởng thức đời sống qua những chiếc lá vàng, thì sự thưởng thức của ta trở nên nghèo nàn và lạc hậu.

Nghèo nàn và lạc hậu của ta là ở chỗ đó mà không phải ở chỗ khác. Nghĩa là ta nghèo nàn và lạc hậu là vì ta không có khả năng thưởng thức toàn diện của cuộc sống, chẳng khác nào chàng trai tuấn kiệt mà mù, khi tay của chàng ta chạm vào chú voi và chàng ấy đã biết chú voi qua những cảm giác khuyết tật của mình. Và nhiều chàng trai tuấn kiệt mù mà rờ voi, rồi mỗi vị đều biết chú voi qua những cảm giác và tri giác khuyết tật của họ, thì thử hỏi xã hội của những người mù đến khi nào mới hết xung đột và mới có hòa bình.

Xã hội của những người mù, họ sẽ đi từ sự xung đột nầy đến những sự xung đột khác. Khi họ tiếp xúc với chú voi, họ sẽ bị xung đột nhau bởi những hình tướng của chú voi qua những cảm giác và tri giác của họ. Khi họ tiếp xúc với những chú chó, chú mèo, họ sẽ bị xung đột nhau với những hình tướng của chú chó và chú mèo, qua những cảm giác và tri giác của họ. Nghĩa là trong xã hội của những người mù, khi họ tiếp xúc với bất cứ cái gì, thì họ sẽ bị xung đột bởi cái đó, qua những cảm giác và tri giác của họ. Chính cái xung đột của xã hội người mù là ở chỗ đó và chính chỗ đó làm cho họ nẩy sinh chiến tranh, làm cho họ khổ đau và không có hòa bình.

Giải quyết những xung đột nơi xã hội người mù không có phép lạ nào, ngoài phép lạ làm cho đôi mắt của họ sáng ra.

Nhưng, than ôi ở trong đời, có những người có đôi mắt thật sáng, mà tâm của của họ đã bị mù lòa từ vô lượng kiếp rồi!

Nên, ta phải biết giúp nhau và cùng nhau làm cho tâm sáng lên, thì trước sau gì ta cũng có đôi mắt sáng để nhìn đời, có đôi tai sáng để lắng nghe được tiếng nói của cuộc đời từ nhiều phía. Và bấy giờ ta càng nghe là càng hiểu, càng nhìn là càng yêu và càng trân trọng!

 

 
 
                            NHẬN DIỆN
VÀ YÊU MẾN CUỘC ĐỜI

 

Có nhiều vị tương đối có chút trí thức và ngay cả một vài phật tử cũng thường tự cho mình là trí thức Phật giáo, đã gặp tôi nói chuyện và đã đề nghị tôi nên góp phần vào việc “hiện đại hóa đạo Phật”.

Tôi đã cười và nói với những vị ấy rằng: “Đạo Phật không cần hiện đại hóa, mà các anh nên hiện đại hóa cách nhìn và cách tu của các anh cho thích hợp với đạo Phật”.

Ở trong kinh đức Phật đã từng dạy: “Những gì Ngài đã trình bày ở trong giáo pháp, phần đầu là thiện, phần giữa là thiện và phần sau là thiện”.

Thiện do đức Phật trình bày, thiện ấy là tốt đẹp, cao thượng và hoàn chỉnh. Thiện ấy là xuyên suốt mọi thời gian mà không phải từng giai đoạn. Và thiện ấy là xuyên suốt mọi không gian mà không phải bị đóng khung cục bộ, trong một xứ sở.

Vậy, ta hiện đại hóa đạo Phật là ta hiện đại hóa cái gì nơi đạo Phật?

Những gì đức Phật dạy là khế lý. Vì chính nó là chân lý do tự thân Ngài chứng nghiệm và giác ngộ. Nó như vậy là như vậy. Ta muốn làm cho nó cũ cũng không được và muốn làm cho nó mới cũng không xong. Vậy, ta hiện đại hóa cái gì nơi chân lý mà đức Phật đã chứng ngộ?

Những gì đức Phật đã dạy là khế cơ. Lời dạy khế cơ, là lời dạy thích ứng với thực tế, không viễn vông, mơ hồ, đúng với trình độ và hoàn cảnh của con người hay chúng sanh.

Lời dạy khế cơ là lời dạy thích ứng với nghiệp lực của chúng sanh và có khả năng làm thay đổi nghiệp lực ấy thành nguyện lực. Vì do nghiệp lực chúng sanh sai khác, nên căn cơ, trình độ của họ sai thù, vạn biệt, vì vậy trước khi vận chuyển pháp luân, đức Phật đã quán chiếu tường tận về nghiệp duyên của chúng sanh, để chuyển vận giáo pháp cho thích ứng, nhằm giúp chúng sanh chứng nghiệm và giác ngộ chân lý theo điều kiện và tầm mức của họ.

Tầm mức trình độ của họ ngang đâu, thì họ hiểu lời Phật dạy ngang đó, chứ không phải đức Phật và lời dạy của Ngài, ngang nơi tầm mức họ hiểu. Đức Phật và lời dạy của Ngài không một ai có thể hiểu hết, ngay cả những vị bồ tát còn một đời nữa sẽ được bổ xứ thành Phật, vậy ta là ai mà đòi hiện đại hóa đạo Phật? Vì Phật thì không cần phải hiện đại, vì Ngài là xuyên suốt cho mọi thời đại.

Và những gì đức Phật dạy là khế thời. Vì nghiệp lực và quả báo của chúng sanh không nhất định, không có người nào giống người nào, và cũng không có loài nào giống loài nào, và cũng không có thời đại nào giống thời đại nào. Tại sao? Vì nó luôn luôn vô thường và biến chuyển theo duyên để khởi hiện hay ẩn tàng. Và tuy nó khởi hiện hay ẩn tàng, nhưng nó vẫn luôn luôn thống nhất trong một dòng chảy của nghiệp. Thời đại nào cũng liên hệ đến nghiệp của chúng sanh, và từ nơi nghiệp thiện ác của chúng sanh mà biểu hiện.

Nên, pháp của đức Phật dạy là để chuyển hóa nghiệp chủng xấu ác cho chúng sanh, chứ không phải chạy theo nghiệp chủng của chúng sanh để hiện đại đạo Phật.

Và thời đại nào, chúng sanh cũng cần có an lạc và hạnh phúc, cũng cần có tự do và giải thoát. Họ muốn vậy, nhưng không thể, là vì do nghiệp chủng xấu ác của họ. Vậy, muốn có hạnh phúc và an lạc, giải thoát và tự do, thì tự thân của họ phải chuyển hóa nghiệp chủng xấu ác; họ phải biết đặt gánh nặng nghiệp chủng xấu ác của họ xuống để bước tới và đi lên.

Pháp của Phật, nếu ai thực hành, thì sẽ có khả năng giúp cho họ chuyển hóa những nghiệp chủng xấu ác ấy để thành tựu đời sống an lạc và hạnh phúc, giải thoát và tự do. Và vì vậy, pháp của Phật là thích ứng cho mọi thời đại của chúng sanh.

Vì vậy, ở đâu và lúc nào trong ba cõi, pháp của Phật cũng thích ứng với những khát vọng cao quí của chúng sanh, nên pháp của Phật dạy, gọi là khế thời.

Lại nữa, Pháp của Phật không phải chỉ có một pháp môn mà có đến vô lượng pháp môn để đáp ứng nhu cầu tu học cho hết thảy chúng sanh. Nếu ta là người tu học có chất liệu của trí tuệ và từ bi, và là người có tâm nguyện hoằng pháp, thì ta trình bày pháp môn nầy cho chúng sanh tu học, nếu không thích ứng, thì ta hãy trình bày pháp môn khác; nếu ta trình bày bằng phương pháp nầy mà họ không hiểu, thì ta trình bày bằng những phương pháp khác. Nghĩa là chân lý giác ngộ thì chỉ có một, mà phương pháp để đạt ngộ, lại có nhiều cách, có nhiều pháp môn. Vì vậy, ta không nên quá cứng kẹt ở pháp môn nầy mà chỉ trích pháp môn kia, vì làm như vậy, dù là vô tình, ta vẫn tạo ra sự phân cắt, chia rẽ và bè phái, tạo nên sự bất ổn cho xã hội.

Một người muốn hoằng pháp theo pháp của đức Thế Tôn, điều kiện trước hết là vị ấy phải học pháp và hành pháp do đức Thế Tôn giảng dạy, để tự thân giác ngộ và thể nhập chân lý tối hậu của pháp mà Ngài muốn nói.

Sự thể nhập ấy, gọi là khế lý. Nếu không có khế lý, lấy gì để khế cơ và khế thời? Khế cơ và khế thời phải từ nơi khế lý mà biểu hiện. Và vì vậy, người hoằng pháp biết khế cơ và khế thời cũng phải có khả năng chuyển tải nội dung của khế lý.

Nên, khế cơ và khế thời cũng chỉ là cách nói khác của khế lý mà thôi. Nếu không, thì khế cơ, khế thời cũng chỉ là những sáng tạo tùy tiện, chúng có tác dụng gây mê, làm dịu thần kinh cho những người khó ngủ mà không phải là đạo lý chân thực.

Và nếu ta không học pháp và hành pháp để chứng nhập lý tính chân thực và từ nơi lý tính chân thực ấy, mà biểu hiện cuộc sống của trí tuệ và từ bi, thì ta lấy gì để hoằng pháp.

Phải chăng hoằng pháp là mượn ngôn ngữ của trí tuệ và từ bi để phơi bày kiến thức về đạo Phật của mình cho người khác? Hoằng pháp như vậy, thì chẳng có pháp nào của Phật để hoằng, mà ta chỉ phơi bày bản ngã của ta, tạo ra những rối rắm và phe nhóm cho xã hội vậy.

Tại sao?  Vì ngôn ngữ trí tuệ không phải là trí tuệ và ngôn ngữ từ bi không phải là từ bi. Cũng vậy, ngôn ngữ diễn tả cái nón, tự thân của nó không phải là cái nón. Cái nón phải là cái nón của tự thân, nó không hề dính dáng gì đến những ngôn ngữ của người đang diễn tả về nó. Vì nón và người đang diễn tả về nón là hai thực thể khác biệt, hai nhân duyên khác nhau vậy.

Nên, tôi đã nói với quí vị ấy rằng: Mình cứ thực tập những gì đức Phật đã dạy, ngay trong những điều kiện mà mình đang sống, để có thể tháo tung những hạt giống kiêu mạn và chấp ngã đang ràng buộc nơi tâm mình, khiến cho tâm mình càng lúc càng sáng và càng lúc càng có tự do.

Ta đem tâm trong sáng và tự do ấy, để tiếp xúc với mọi cảnh vật, ta sẽ phát hiện được nhiều cái mới nơi ngoại cảnh, qua cách nhìn của ta. Và một lần tiếp xúc lại là một lần mới. Mới ngay từ nơi cách nhìn và cách ứng dụng của ta.

Cũng vậy, khi ta đặt la bàn xuống một điểm và ta nhìn mọi vật từ một điểm của la bàn, thì mọi vật sẽ hiện nguyên hình cho ta từ một điểm ấy để ta nhận diện. Và cũng la bàn ấy, ta chỉ cần nhích cái kim của la bàn sang một điểm khác, thì cũng từ nơi một điểm khác ấy của la bàn, mọi vật sẽ hiện nguyên hình cho ta từ nơi một điểm mới ấy để cho ta nhận diện. Và cứ như vậy, ta chỉ cần thay đổi một điểm, một cự ly là ta có một cách nhìn mới, một cách phát hiện mới đối với mọi sự vật qua cái la bàn của ta. Nên, vua Trần Nhân Tông nói: “Nhất hồi niêm xuất, nhất hồi tân”. Nghĩa là một lần đưa ra là một lần mới tinh. Một lần nhích la bàn là một lần ta có cách nhìn mới đối với mọi sự vật.

Vì vậy, tâm ta đầy những hạt giống vô minh, kiêu mạn và chấp ngã, ta cố gắng nói cho mới, trình bày cho mới và nỗ lực làm cho mới, thì nó vẫn là cũ. Và mỗi khi ta biết ứng dụng lời Phật dạy vào trong đời sống của ta, thì những hạt giống vô minh, kiêu mạn và chấp ngã nơi tâm ta tự nó lắng xuống, bấy giờ tâm giải thoát và sự sáng trong nơi tâm ta biểu lộ một cách tự nhiên, thì cho dù ta nói chuyện cũ mà vẫn thành chuyện mới, ta làm việc cũ mà vẫn thành việc mới, hay khi ta nói hoặc làm, ta chẳng cần quan tâm đến cũ và mới gì cả, mà lời nói của ta vẫn khế lý, khế cơ và khế thời như thường.

Nên, mới hay cũ, hợp thời hay không hợp thời là do khả năng diệt trừ hay không diệt trừ những mê lầm của phiền não và vô minh nơi tâm ta.

Mỗi ngày, ta nhận diện những phiền não nơi tâm ta và làm cho chúng càng lúc càng lắng yên là mỗi ngày tâm ta đều mới. Ta hãy đem cái mới ấy để nhận diện và yêu mến cuộc đời. 

 

CHIẾC LÁ VÀ TÊN PHÙ THỦY

 

Nỗi thất vọng lớn nhất của con người là chạy bươn về phía trước hay chạy ngược về phía sau để kiếm tìm cho mình một bản ngã. Bản ngã trong cơm áo, gạo tiền, trong kiến thức chữ nghĩa, trong địa vị quyền uy hay trong những lý tưởng hão huyền.

Tự thân của bản ngã là hão huyền. Hão huyền trong tư duy và hão huyền trong thực tế. Lịch sử loài người đã bị cày nát, để trở thành hầm hố ngăn cách, thù hận ngàn đời bởi những hão huyền ấy.

Chiếc lá không hề đi tìm cho nó bất cứ một bản ngã nào, nên chiếc lá lúc nào và ở đâu cũng hiện thực và bình dị. Nó vốn bình dị với chính nó và bình dị với những gì liên hệ với nó. Nó là hiện thực, vì nó không hão huyền với chính nó. Nó không hão huyền với những gì mà gốc rễ của nó đã và đang cưu mang. Nó là hiện thực, vì nó đang tiếp nhận ánh sáng mặt trời, mặt trăng, những giọt nước của mưa hay sương, những hơi ấm và lạnh được chuyển động từ lòng đất lên thân cây qua cành và lá. Lá đã tiếp nhận và tặng lại một cách bình dị đối với những gì mà nó đã liên hệ, suốt cả cuộc hành trình.

Lá đã tiếp nhận như thế và ngàn đời vẫn tiếp nhận như thế. Nó không bám víu khi đến mùa phải rụng. Nó rụng một cách thanh thản nhẹ nhàng, để hội chứng cho những gì vĩnh cửu ngay giữa những cuộc ảo hóa, phù sinh.

Con người sao không thấy mình là lá và là lá của hoa nhỉ! Và con người sao không thấy mình là người giữa tất cả mọi người, để cho nhân tính và tình người được tự nhiên hiển lộ. Và tại sao con người không thấy mình là bọt nước giữa đại dương để quê hương con người trở thành thẳm sâu và rộng lớn. Và tại sao, con người không tự thấy mình là một vệt sáng chớp nhoáng giữa trời không, để không gian vô biên là cõi tuyệt đối bình an cho mọi sinh thể đi về và mình cũng được đi về ngay ở trong sinh thể ấy!

Thực tại là toàn diện. Con người vốn là một thực tại toàn diện. Nhưng vì con người muốn nghe tiếng nói của riêng mình và muốn cất lên tiếng nói ấy, nên bỗng chốc trở thành kẻ độc hành giữa sa mạc hoang liêu mà tiếng nói của riêng mình nghe như chừng đồng vọng. Công lý trở thành những khát thèm và hố thẳm. Tiếng nói công lý đã trở thành ngôn ngữ của đọa đày, chợ búa, trớ trêu và phù thủy. Bình an cho con người chỉ là những lát kiếm bén nhọn quờ quạng đâm thủng giữa hư không. Nên, bình an chỉ là những ảnh tượng muôn đời cho con người khát vọng. 

Càng khát vọng, con người càng đánh mất và xa lạ với chính mình và cuộc sống. Càng ước vọng con người lại càng có những tiếng thở dài nghe ra não nuột. Não nuột, vì ước vọng bao giờ cũng được đáp lại bằng những thất vọng, ê chề.

Thất vọng không phải do dòng sông, mặt trời, mặt trăng, biển cả, núi rừng hay cuộc đời mà do tâm thức đầy vô minh và tham vọng của con người. Chính những tham vọng của con người đã khiến cho con người hèn yếu hơn cả lau sậy, độc ác và tàn bạo hơn cả quỷ dữ dạ- xoa.

Cuộc đời vốn hoàn hảo ngay từ buổi bắt đầu. Cuộc đời không cần con người hoàn hảo. Con người hãy hoàn hảo lại chính mình để thích ứng với cuộc đời, chứ cuộc đời không cần thích ứng với con người đâu nhé!

Không có con người, thì dòng sông vẫn chảy, nhưng không có sự trôi chảy của dòng sông, thì con người không còn là con người nữa, con người là cát bụi ven đường cho gió cuốn mù sa.

Không có con người thì không gian vẫn đầy ắp không khí, nhưng không có không khí thì con người là gì, mỗi người phải tự trả lời lấy một cách nghiêm túc cho thân phận của chính mình.

Có những người đã đem hết khả năng và kiến thức học hỏi của mình suốt cả một đời người để trả lời rằng, không có không khí thì chết. Nhưng, họ nào có biết ai chết? Và cái gì chết?

Chết không có gì quan trọng và mới lạ đối với con người. Không có không khí, thì không có bất cứ một ai có thể sinh ra, thì lấy gì để sống. Không có sống, lấy gì để chết? Chết là một vinh hạnh lớn của con người, vì con người dù sống ít hay nhiều, dài hay ngắn gì đi nữa thì vẫn đã từng có sự sinh ra và đã từng có sống. Đã từng có sống, nên phải có chết và đã từng chết nhiều lần ngay nơi sự sống.

Đằng nầy, không có không khí là không có sự sống, không có cái sinh ra sự sống, thì làm gì có sống. Đã không có sự sống, thì làm gì có sự chết. Sự chết cũng mầu nhiệm như sự sống vậy. Và mỗi khi sống đã không thể, thì chết làm gì mà có thể. Chết không thể xẩy ra, nếu không có sự sống. Sống không thể xẩy ra, nếu không có sự chết. Nên, không có không khí thì không có ai chết cả và không có bất cứ cái gì để chết cả.

Vậy, trước khi sự sống và sự chết cùng xảy ra cho nhau và cùng nhau chơi trò chơi trốn tìm, cút bắt, thì ta là gì, mặt mũi như thế nào, ấy là công án mà nỗi thất vọng của con người vẫn muôn đời lận đận, ám ảnh và khát thèm để kiếm tìm cho đời mình một bản ngã!

Bản ngã là tên phù thủy, chính nó đã cho tất cả chúng ta ăn bánh vẽ, trong những cơn xúc cảm điên khùng và làm mục ruỗng hết sự sống bình an của tất cả chúng ta!

Trong lúc đó, chiếc lá mỗi ngày vẫn đong đưa trên cành và đùa chơi với những chú chim non, với những cánh bướm vàng và không hề bị bất cứ những tên phù thủy tài hoa nào lừa bịp! 

 

 

NHÌN LẠI THÂN MÌNH

 

Nhìn lại thân thể của mình mỗi ngày là một trong những phương pháp thực tập rất căn bản của thiền học. Tiếp xúc với thân thể của ta bằng con mắt thiền quán, ta thấy sự có mặt của thân thể đối với ta là sự có mặt của một thực tại mầu nhiệm.

Mầu nhiệm, vì nó không hề hiện hữu trong đơn thuần, mà nó hiện hữu trong sự hòa điệu, hỗ dụng và thống nhất. Nó không phải chỉ hiện hữu ở đây mà còn hiện hữu ở chỗ khác và thống nhất với nhau trong sự quan hệ tương cảm duyên khởi. Nó không phải hiện hữu chỉ bây giờ, mà còn liên hệ đến những hiện hữu trước đó và sau đó, trong quan hệ tương tác của nhân quả thống nhất.

Biết hòa điệu với cuộc sống đã là một sự mầu nhiệm, huống gì thân thể của ta không phải chỉ biết hòa điệu ở nơi mặt ý thức và dừng lại ở đó, mà luôn luôn hòa điệu ở trong bản chất. Mầu nhiệm không phải là ý thức hòa điệu mà vì hòa điệu ngay nơi bản chất hay tánh thể. Chính tánh thể của thân thể là sự hòa điệu. Chính hòa điệu là sự mầu nhiệm ở nơi  thân thể của chúng ta.

Nơi thân thể của ta, bốn yếu tố tạo nên thân thể vật lý, gồm rắn, lỏng, nhiệt và khí đã trộn quyện vào nhau, đến nỗi ta không tìm đâu ra lằn mức của chúng. Bốn yếu tố ấy, không có sự hòa điệu tuyệt đối, thì ta không bao giờ có hình hài nầy và ta không bao giờ hiện hữu. Vì vậy, hòa điệu là nhiệm thể của hình hài.

Biết tiếp nhận những điều kiện từ cuộc sống để hình thành cho cái riêng mình, đó là cái biết của kẻ ngu hèn. Cái biết ấy, không cần phải trải qua bất cứ trường lớp huấn luyện và đào tạo nào.

Biết tiếp nhận những cái hay, cái đẹp từ cuộc sống, để tạo nên cái hay, cái đẹp cho chính mình và biết đem cái hay, cái đẹp mà chính mình đã tạo ra được để hiến tặng cho mọi người, hay cuộc sống, đó là cái biết của người trưởng thành hay là cái biết của người có học từ các trường lớp hay chính bản thân đã từng tôi luyện và lịch nghiệm.

Nhưng, biết tiếp nhận và hỗ dụng tự nhiên cho nhau là cái biết của tự tánh hay là cái biết tự thân của thân thể. Chính cái biết ấy là cái biết mầu nhiệm.

Không mầu nhiệm sao được, khi ta đưa vào thân thể những thực phẩm, nhưng sau một thời gian, những thực phẩm ấy được tiêu hóa, để nó không còn là nó nữa, nó là gluco, protid, lipid, amind, Fe, máu,… cái tinh thì nuôi cơ thể, cái thô, thì thải ra ngoài, không có bất cứ một máy cơ học nào mà tinh vi và mầu nhiệm đến thế!

Thân thể của ta biết hỗ dụng cho nhau để cùng nhau hoạt động, cùng nhau tiếp nhận, cùng nhau tiêu hóa, cùng nhau gạn lọc, sáng tạo và chuyển hóa mà không lạm dụng chức năng của nhau. Vì sao? Vì chúng chỉ hỗ dụng mà vô cầu.

Do biết hỗ dụng mà vô cầu, nên chúng không lạm dụng nhau. Các bộ phận trong cơ thể của ta, chúng tồn tại, hoạt động có phân quyền và đồng bộ, và sống thống nhất với nhau trong hòa bình.

Sự thống nhất của thân thể như vậy là một sự thống nhất mầu nhiệm. Nó mầu nhiệm, vì nó không phải là sự thống nhất của ý thức hay ý chí.

Sự thống nhất của ý thức hay ý chí là sự thống nhất có giới hạn. Vì ý thức chỉ hoạt động khi ta ý thức và ý thức không thể hoạt động khi ta không ý thức, nghĩa là khi ta ngủ. Và ý thức không phải lúc nào cũng ý thức, vì có nhiều khi ta đi, đứng, nằm, ngồi, ăn uống, nói cười, làm việc không có ý thức.

Ý thức là ý thức đối với một cái gì và nếu không có cái gì, thì ý thức không thể biểu hiện để có mặt. Vì vậy, tự thân của ý thức là giới hạn. Nên, những gì do ý thức đem lại cho ta cũng bị giới hạn như chính nó.

Do đó, trong đời sống, ý thức đem lại sự hòa điệu, thống nhất cho ta thì rất ít, nhưng nó đem lại sự phân biệt, kỳ thị, chia rẽ, chiến tranh, bất an và sợ hãi cho ta rất nhiều. Vì sao? Vì tự thân của nó là ý thức. Ý thức có mặt ở đâu, thì ở đó có sự phân hai. Vì sao? Vì bản thân của ý thức là phân biệt. Phân biệt thì bất cứ lúc nào và ở đâu cũng cần có chủ thể và đối tượng.

Vì vậy, sự thống nhất của thân thể không phải là sự thống nhất của ý thức mà sự thống nhất tự bản chất hay từ tánh thể của chính nó. Sự thống nhất như vậy là sự thống nhất mầu nhiệm của thân thể.

Thân thể không phải chỉ thống nhất với đồng loại mà còn thống nhất với phi loại. Thống nhất đồng loại, nghĩa là thân thể cùng liên kết, hỗ dụng và thống nhất với nhau trong những cấu trúc sinh học vật lý. Thống nhất phi loại, nghĩa là trong quá trình tiếp xúc với những phi loại, tự thân của thân thể chế tác ra những phi loại tương ứng, để cộng thông với những phi loại ấy và cùng với những phi loại ấy, tạo ra những tương tác thống nhất trong mâu thuẫn và mâu thuẫn trong thống nhất.

Không có mâu thuẫn sẽ không có thống nhất. Không có bất cứ sự mâu thuẫn nào xảy ra đơn thuần mà mọi mâu thuẫn đều xảy ra từ thống nhất. Mâu thuẫn đơn thuần là mâu thuẫn hư huyễn. Mâu thuẫn ấy như lông rùa, sừng thỏ. Nhưng mâu thuẫn ở trong thống nhất là những mâu thuẫn có thực và có tác dụng hiện thực đối với  sự có mặt của thân thể và cuộc sống. Nên, mâu thuẫn mà thống nhất. Thống nhất như vậy là sự thống nhất mầu nhiệm của thân thể. Thống nhất ấy, không phải là những thống nhất ráp nối của những hiện tượng do ý thức hay ý chí trình diễn mà thống nhất từ bản chất hay từ tính thể của chính nó.

Không những thân thể của ta thống nhất một cách mầu nhiệm với những bộ phận của chính nó mà nó còn thống nhất với những yếu tố tâm lý, như cảm giác, tri giác, tâm hành và nhận thức.

Khi tâm ta vui, ta thấy thân ta nhẹ nhàng, thanh thoát, mặt mày tươi nhuận, làn da bóng láng; khi tâm ta buồn, ta thấy thân ta nặng nề, ủ dượi, mặt mày hốc hác, bơ phờ, làn da xù xám. Như vậy, ta thấy rằng, thân thể và tâm hồn không phải chỉ gắn bó với nhau mà còn thống nhất với nhau rất mực tự nhiên. Tự nhiên đến nỗi ta không thể nào biết được đâu là lằn mức của chúng.

Ta nhìn thân thể của ta qua những tri giác, tâm hành và nhận thức cũng đều như vậy. Nên, sự thống nhất của thân và tâm là một sự thống nhất mầu nhiệm. Mầu nhiệm, vì chúng thống nhất với nhau từ bản thể.

Bản thể thống nhất của chúng là không. Thân không có bất cứ một cái ta nào cho chính nó và tâm cũng không có bất cứ một cái ta nào cho chính nó. Chính không có cái ta ấy, là bản thể thống nhất của thân và tâm, và là cốt lõi cho mọi sự hòa điệu.

Do đó, vô thể hay tánh - không là thực thể thống nhất mầu nhiệm của thân và tâm. Bản thể của thân và tâm là tánh - không. Nhưng, tánh - không, không những có tác dụng làm cho các yếu tố của thân hoạt động hòa điệu và thống nhất với nhau mà còn làm cho mọi hoạt động của thân và tâm đều hòa điệu trong nhất thể.

Thân và tâm của ta vốn là hòa điệu trong nhất thể. Đời sống hòa bình và an lạc của ta và của mọi người cũng đã có nghiễm nhiên từ đó và nghiễm nhiên siêu việt ngay đó. Nghiễm nhiên từ đó, vì từ đó không có bất cứ một sự dự phần nào của tạo tác. Và nghiễm nhiên ngay đó, vì ngay đó không còn bị chi phối bởi bất cứ quy luật nào của biến hoại, sinh diệt.

Ngay đó mà ta không sống cùng và sống với, nên mọi giá trị vĩnh cửu của đời sống đã bị ta đánh mất, như gã say quên mất hạt minh châu trong chéo áo, như cùng tử lạc mất quê hương và như chàng lãng trí cầm đồng tiền vàng trong tay tưởng là mất, lại loáy hoáy kiếm tìm. Ý thức phân hai, đã đẩy ta đi tìm kiếm đối tượng. Đối tượng ngữa nghiêng, khiến cho ta cũng nghiêng ngữa, lận đận và ngác ngơ giữa những cuộc đuổi tìm.

Với những người đi đầu lộn ngược, họ đi tìm kiếm hạnh phúc, thì hạnh phúc chỉ là cái bóng cho họ khát thèm mà khổ đau đã hiện nguyên hình ngay nơi những hành động khát thèm của chính họ.

Ôi, làm sao ta có thể có an lạc và hạnh phúc, khi ta đi tìm cầu hạnh phúc với cái đầu sinh ra lộn ngược!

Vậy, ta phải nhìn thân thể của ta mỗi ngày trong con mắt thiền quán, để thấy rất rõ những gì mầu nhiệm trong thể tính chân như tuyệt hảo của nó. Và đừng bao giờ thúc đẩy nó đi tìm kiếm hạnh phúc, an lạc trong ý thức phân đôi hay bằng cái đầu lột ngược!

 

 

BUÔNG BỎ Ý NIỆM ĐỐI LẬP

 

Ta hãy thực tập không quan tâm đến việc xấu của người là ta đã có 25% sự thanh thản tâm hồn trong cuộc sống; và ta lại tiếp tục thực tập không quan tâm đến việc tốt của người, thì sự thanh thản của tâm hồn sẽ đến với ta thêm 25% nữa.

Ta hãy thực tập tiếp, không quan tâm đến những điều xấu mà ta đã làm, dù ta làm trong bất cứ hoàn cảnh nào, là ta có thêm 50% sự bình an của tâm hồn.

Và ta lại tiếp tục thực tập, không quan tâm đến những việc tốt của ta đã làm, dù làm cho ta hay làm cho người, thì ta không còn nghi ngờ và đề phòng những sự phản bội từ những người khác, ta sẽ dẹp trừ được oán thù, hờn giận và trách móc ở trong tâm ta. Bước chân an lạc và thảnh thơi của ta có mặt một cách đích thực từ đó, mà không phải có từ những bước chân.

Ta không thể nào có những bước chân an lạc và thảnh thơi, khi ta không có một tâm hồn thảnh thơi và an lạc.

Nếu ta thực tập buông bỏ những ý niệm đúng và sai ra khỏi tâm ta bằng cách không nghĩ đến nó, khiến cho nó luôn luôn trống rỗng ở trong tâm ta, là ta sẽ có rất nhiều không gian của an lạc, hạnh phúc và thảnh thơi.

Trong đời sống của ta không có hạnh phúc, không có an lạc, không có những bước chân thảnh thơi, không có những cái nhìn độ lượng và những nụ cười bao dung là do trong tâm ta chứa đầy ắp những ý niệm đúng sai ấy.

Vì vậy, tu tập là ta phải biết thực tập buông bỏ những ý niệm đó, khiến cho chúng trống rỗng ở trong tâm ta.

Những khổ đau và tai họa đến với ta không phải từ bên ngoài mà đến với ta từ nơi những ý niệm ấy. Ý niệm đúng sai càng hoạt động nơi tâm ta mãnh liệt chừng nào, thì đời sống của ta bị khổ đau và bất an chừng đó. Và những ý niệm đúng sai càng trống rỗng nơi tâm thức ta bao nhiêu, thì ta càng có không gian tự do, hạnh phúc và an lạc rộng lớn bấy nhiêu.

Và, nếu những ý niệm ấy không còn hoạt động nơi tâm ta nữa, nghĩa là nó hoàn toàn rỗng lặng, bấy giờ hạnh phúc, an lạc và sự tự do của ta không còn bị bất cứ sự giới hạn nào nữa, mà nó là vô biên. Nó vô biên, vì tâm ta đã trở lại với bản tánh vô nhiễm và sáng trong từ thuở hồng hoang của nó.

Thực tập buông bỏ những ý niệm đúng sai, hơn thua, xấu tốt, ta và người,... ngay trong tất cả mọi không gian. Ta phải biết thực tập nó ngay nơi những không gian hoạt động của các nhận thức như mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý, để cho mọi hoạt động của ta liên hệ đến mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý không bị rơi vào cạm bẫy của những ý niệm đối lập.

Mọi hoạt động của mắt không bị rơi vào cạm bẫy của không gian đối lập, ta sẽ có cách nhìn tự do đối với mọi hình và mọi sắc; mọi hoạt động liên hệ đến tai không bị rơi vào cạm bẫy của không gian đối lập là ta có cách nghe tự do đối với mọi âm thanh; mọi hoạt động liên hệ đến mũi không bị rơi vào cạm bẫy của không gian đối lập là ta có cách ngửi tự do đối với các hương vị; mọi hoạt động của lưỡi không bị rơi vào cạm bẫy của không gian đối lập là ta có cách nếm tự do đối với mọi mùi vị và ta có cách biểu hiện ngôn ngữ để diễn đạt mọi vấn đề một cách tự do; mọi hoạt động của thân không bị rơi vào cạm bẫy của không gian đối lâp là ta có những hoạt động tự do của thân đối với những động tác đi đứng nằm ngồi, và những xúc chạm; và mọi hoạt động tâm ý của ta không bị rơi vào những cạm bẫy của không gian đối lập là ta có tâm ý tự do đối với những cảm giác, tri giác, tâm hành, nhận thức, và ngay đó ta có tâm ý giải thoát, tâm ý rỗng lặng và giác ngộ.

Trên đời nầy không có một phép lạ nào có khả năng hiến tặng hạnh phúc và tự do cho ta, khi mà mọi hành hoạt của ta đang hành hoạt theo những ý niệm đối lập.

Ta hãy thực tập buông bỏ những ý niệm đối lập ấy một cách tinh cần trong mọi không gian và thời gian, thì đối với đời sống của ta, an lạc không phải là những ước mơ hão huyền mà là hiện thực và tự do không phải là van xin hay đấu tranh để đòi hỏi từ người khác hiến tặng hay nhượng bộ, mà phải biết tháo gỡ những gì đang trói buộc nơi tâm mình.

 

 

 

 

 

HẠNH PHÚC TRONG BÓNG ĐÊM

 

Thế gian không có cái gì khổ cả, khổ chỉ là những ảo giác của con người. Những ảo giác của con người cá nhân và con người cộng đồng đã tạo nên những khổ hải cho chính họ và thế giới của họ.

Vì vậy, thế giới vật chất chỉ là những dụng cụ giúp con người sống mà không phải thay thế cho con người để sống. Nếu ai cho rằng, vật chất là cứu cánh của hạnh phúc, người ấy sẽ bị rơi vào cạm bẫy của ảo giác. Chính những ảo giác của họ đã làm cho họ khổ đau.

Ta nên biết rằng, những vật chất đã giúp cho ta tiện nghi bao nhiêu, thì ta cũng bị chính nó gây ra cho ta mất tiện nghi bấy nhiêu. Nó giúp cho ta bao nhiêu hạnh phúc, thì nó cũng lấy mất hạnh phúc của ta bấy nhiêu. Nó giải phóng sự đói nghèo cho ta bao nhiêu, thì chính chúng cũng đang làm cho ta đói nghèo, lo lắng và sợ hãi bấy nhiêu.

Một đời sống sung mãn về vật chất đang hấp hối và giãy giụa trên những đống ngói gạch, xi măng, cột sắt là vì chúng đang bị đói nghèo bởi đời sống tinh thần. Và một người sung mãn về đời sống tinh thần, họ nghèo vật chất đến nỗi, đói thì ăn, khát thì uống, mệt thì nằm. Họ chỉ biết nhận vừa đủ những gì từ cuộc sống cho họ, và họ biết cám ơn cuộc sống một cách sâu sắc. Và, nếu họ có làm được điều gì hữu ích cho cuộc sống, thì chính cái ấy là của cuộc sống mà không phải của họ.

Từ chối đời sống vật chất là một người điên, nhưng bám víu vào đời sống vật chất là một kẻ khốn nạn. Điên, vì chính đời sống của nó đã bị đảo lộn. Khốn nạn, vì nó muốn thảnh thơi mà thân và tâm của nó luôn luôn mang vào những khối nặng lầm lì, vô tri, không biết nói, không biết cười, không biết cảm thông và sẻ chia.

Thế thì sao? Từ chối ư? – Không! Bám víu ư? – Không! Không từ chối mà cũng không bám víu, mà hãy trân trọng và sử dụng nó như là những phương tiện của cuộc sống mà không phải là cứu cánh.

Vậy, cứu cánh của cuộc sống là gì? Cứu cánh của cuộc sống chính là sự giác ngộ.

Giác ngộ cao nhất, là biết được rằng, những gì ta đang có và đang trân quí hôm nay, chính những cái ấy, tự nó đã và đang biến mất trong từng khoảnh khắc hiện hữu của chính nó. Nó biến mất không phải để trở thành hư vô, mà để tiếp tục tái lập trong những điều kiện nhân quả của nó. Và nhân quả của nó còn đó, nhưng không phải bất biến và thường tại. Nó thường tại ngay ở nơi cái không thường tại của chính nó. Và nó chuyển biến ngay nơi cái bất biến của chính nó.

Ta hãy nhìn bản thân ta, đời sống của ta bằng con mắt giác ngộ, ta sẽ nhận ra rằng, ta không có bất cứ một cái ta nào riêng biệt, độc tồn và tự hữu. Cái ta độc tồn và tự hữu chỉ là những ảo giác.

Không ảo giác sao được? Khi mà bàn tay ta chưa bao giờ là bàn tay hiện hữu một mình, mà nó cùng hiện hữu với những cái khác. Nó hiện hữu với xương, với thịt, với hệ thần kinh, với máu tim, với cha mẹ, với nhân duyên nghiệp quả của chính nó và với cuộc đời.

Nếu giác ngộ được như thế, tầm nhìn và sự hiểu biết của ta đối với bản thân mình, đối với cuộc sống của mình càng ngày càng rộng lớn và sâu sắc. Tình thương chân thực của ta đối với mọi người và mọi loài, cũng từ nơi sự giác ngộ ấy mà sinh khởi và lớn rộng.

Bấy giờ, hạnh phúc của ta chính là tình thương. Tình thương càng lớn, thì hạnh phúc càng nhiều. Tình thương càng đằm thắm và thẳm sâu, thì hạnh phúc của ta càng trở nên cao thượng và diệu vợi.

Muốn chấm dứt mọi tranh chấp và khổ đau của con người cá nhân và cộng đồng ta chỉ cần thực tập ba chữ “đừng ảo giác” mà thôi.

Vì sao? Vì chính ảo giác về một cái ta tự hữu ấy, đã tạo ra những tham đắm, thất vọng và thù hận cho ta. Đời sống bận rộn, tham đắm, thất vọng, hận thù và khổ đau của ta đã được tạo ra từ những ảo giác ấy. Và từ đó, ảo giác đã đẩy ta vào cuộc chạy đua với bận rộn, để kiếm tìm hạnh phúc trong bóng đêm, mà ảo giác vừa là huấn luyện viên, vừa là cổ động viên, đẩy ta đi dài trong bóng đêm tăm tối!

 

 

TỪ BIỂN TÂM TĨNH LẶNG

 

Sống với bậc hiền trí thì ai cũng thích, nhưng làm sao để bảo vệ họ? Họ hiền trí thì cứ để cho họ hiền trí theo cách sống hiền trí của họ là ta đã bảo vệ được họ. Ta hãy bảo vệ họ bằng những hành động và tâm ý không bảo vệ gì cả, đó mới là cách bảo vệ chân thực đối với họ.

Nếu ta khen và trọng dụng họ là vô tình ta làm cho nhiều người cạnh tranh với họ và ghét họ. Vì sao? Vì tâm cạnh tranh và ganh tỵ tài năng nơi mỗi người đối với mọi người nhiều hơn cát bụi.

Nhưng, có người lại bảo, nếu có nhiều người cạnh tranh với người hiền trí, để trở thành bậc hiền trí, thì xã hội sẽ có được nhiều người hiền trí để phục vụ chứ sao?

Hiền trí không phải do cạnh tranh mà được, nếu hiền trí do cạnh tranh mà được thì không phải là hiền trí, ấy chỉ là thủ thuật và trí xảo. Cạnh tranh đã

tạo nên nỗi bất hạnh của thế giới con người. Cạnh tranh là bất hạnh.

Thủ thuật thì không phải là hiền trí mà nó giết hiền trí và hại hiền đức. Thủ thuật chỉ có giá trị tạm thời mà không phải là giá trị vĩnh cửu. Hiền trí có giá trị vĩnh cửu là vì hiền trí có mặt ngay nơi tự thân hiền đức của nó.

Muốn cạnh tranh để hơn người khác thì phải có thủ thuật, phải có trí xảo. Càng sử dụng thủ thuật và trí xảo là người khiếm đức, và tự thân của họ đã làm tổn thương hiền đức. Đức đã tổn thì làm gì có hiền. Hiền đã không có, thì hiền trí do đâu mà có?

Không có hiền đức, thì không thể có hiền trí. Không có hiền trí thì làm gì có đại dụng? Không có đại dụng, thì tiểu dụng cũng mất luôn. Xã hội mà không có đại dụng của bậc hiền đức và không có tiểu dụng của bậc hiền trí, mà chỉ có đại dụng là những kẻ khiếm đức và tiểu dụng là những kẻ trí xảo, thì khuôn mặt của xã hội là cái gì, xin mời mỗi người hãy tự soi gương để thấy mình, trước khi trả lời. Vì sao? Vì hình ảnh xã hội, chỉ là hình ảnh của nhiều con người phóng đại.

Bậc có hiền trí, thì đã có hiền đức của họ bảo vệ, mà không cần ai bảo vệ và đã có hiền đức của họ bảo chứng mà không cần phải thêm bất cứ một sự bảo chứng nào. Nếu ta thêm cho họ một bảo chứng, thì chẳng khác nào ta vẽ thêm một mặt trăng cho một mặt trăng giữa đêm rằm.

Người nào manh tâm hại bậc hiền đức, người ấy chẳng khác nào đi ngược gió mà giê bụi và người nào manh tâm ganh tỵ với bậc hiền trí, thì chẳng khác nào người lãng trí lấy chất dơ bôi vào mặt mình.

Bậc hiền đức, thấy việc phải thì làm mà không mong cầu, không vụ lợi; bậc hiền trí thì luôn tránh những lỗi nhỏ nhặt nơi lời nói và việc làm của mình, khiến không tổn hại người và vật, và họ luôn luôn biết tránh những bất giác ở nơi tâm mình. Họ thấy việc phải thì thõng tay mà không cần ai mời gọi, họ làm xong việc thì buông tay mà không cần nắm bắt bất cứ một cái gì. Cần việc thì họ đến, ta không biết họ đến từ đâu; việc xong họ đi, ta không biết họ đi về đâu.

Họ là vậy, nên họ chỉ mỉm cười và bất động trước những thịnh suy, tán tụ, vinh nhục hay khen chê nơi trần thế.

Vậy, họ là ai? Họ hoàn toàn không có tên gọi. Họ là những hoạt khởi từ biển tâm tĩnh lặng không có danh ngôn. Nhưng, nếu cần gọi, thì ta cứ gọi họ bằng bất cứ tên gì cũng được. Ta gọi là quyền của chúng ta, nhưng bất động là quyền của những người đang hoạt dụng từ biển tâm tĩnh lặng ấy!

 

 

KHAM NHẪN
LÀ NHỮNG PHÉP LẠ

 

Sống kham nhẫn giữa những người ăn nói bận rộn, để nói cho họ những lợi ích do ăn nói không bận rộn đem lại là một phép lạ.

Sống kham nhẫn giữa những người ăn nói thô lỗ, để nói lợi ích của những lời nói dễ thương cho họ là một phép lạ.

Sống kham nhẫn giữa những người ăn nói dối trá, để nói lợi ích của những lời nói chân thực cho họ là một phép lạ.

Sống kham nhẫn giữa những người ăn nói chia rẽ, để nói lợi ích cho họ của những lời nói hòa hợp là một phép lạ.

Sống kham nhẫn giữa những người ưa tranh cãi, để nói cho họ những lợi ích của ít nói và im lặng là một phép lạ.

Sống kham nhẫn giữa những người ưa giết hại, mà nói cho họ lợi ích và giá trị của sự sống ở nơi mọi người và mọi loài cần phải được tôn trọng và bảo vệ là một phép lạ.

Sống kham nhẫn giữa những người trộm cắp, mà nói cho họ lợi ích về sự tôn trọng và bảo vệ tài sản của những kẻ khác là một phép lạ.

Sống kham nhẫn giữa những người không thủ tiết mà nói lợi ích của tiết hạnh cho họ là một phép lạ.

Sống kham nhẫn giữa những người tham lam, ích kỷ mà nói cho họ về lợi ích của hạnh thí xả là một phép lạ.

Sống kham nhẫn giữa những người đầy thù hận mà nói lợi ích của hạnh từ bi là một phép lạ.

Sống kham nhẫn giữa những người cố chấp vô trí mà nói lợi ích của hạnh trí tuệ cho họ là một phép lạ.

Phép lạ của con người không phải là đi gió về mây, vì đi gió về mây, thì ta sẽ thua mây và gió; phép lạ của con người không phải nhảy cao, đá lẹ, vì nhảy cao đá lẹ, ta không bằng sư tử và mèo; phép lạ của con người không phải là lặn sâu dưới nước, vì lặn sâu dưới nước ta không bằng cá; và phép lạ của con người không phải bay cao trên trời, vì bay cao trên trời, ta không thể bằng chim.

Phép lạ của con người là sống giữa những may mắn mà không sanh tâm kiêu ngạo, sống giữa những khó khăn mà không nản lòng và sống với những người bất hạnh mà kham nhẫn giúp họ với tâm hạnh không mong cầu. Và phép lạ cao nhất, mầu nhiệm nhất là sống giữa những sự sanh của cuộc đời, mà tâm không hề sanh sự.

 

 

CÁI NHÌN MẦU NHIỆM

 

Có những khi thực tập thiền quán, tôi tự nghĩ và tự mừng cho mình rằng: “Nhờ thiện duyên nhiều đời, mà đời nầy, sinh ra với tinh cha huyết mẹ, mình có đôi mắt không bị khuyết tật”.

Đôi mắt của ta bị khuyết tật, không phải do cha mẹ sinh ra, mà do một trong những thiện căn của ta đã bị khuyết tật từ nhiều đời, mà ta không nhận ra để điều chỉnh, nên đời nầy nó tiếp tục bị khuyết tật và có thể những khuyết tật ấy sẽ tiếp tục cả đời sau.

Điều nầy không có gì khó hiểu, nếu ta cần có một chút trầm tĩnh để suy nghĩ. Không có cha mẹ nào khi sinh con, muốn con của mình bị khuyết tật cả, thế mà có những người con bị khuyết tật từ cha mẹ sinh ra.

Trong việc sinh con, cha mẹ không phải là tác nhân mà chỉ là tác duyên. Nhân là ở nơi tự thân của người con và duyên là vừa ở nơi tự thân của người con và vừa ở nơi tự thân của cả cha mẹ.

Nếu cha mẹ có ý thức và tạo ra duyên tốt, thì hạt giống tốt nơi tác nhân của người con có cơ hội phát triển tùy thuận theo cái nhân tốt của nó vốn có. Và nếu cha mẹ có ý thức tạo ra duyên tốt, thì hạt giống xấu nơi tác nhân của người con không thể tự do phát triển, nó chỉ phát triển trong trạng thái tiềm ẩn và có thể sẽ bị triệt tiêu, khi tự thân của hạt giống đã bị mất thời hiệu.

Nếu cha mẹ không có ý thức tạo ra duyên tốt, thì hạt giống tốt nơi người con có cơ hội bị triệt tiêu hay bị khuyết tật. Và nếu đã bị khuyết tật lại càng bị khuyết tật thêm và vốn không bị khuyết tật sẽ bị khuyết tật.

Như vậy, hạt giống khi nẩy mầm mà bị khuyết tật hay bị triệt tiêu là do nghịch duyên. Duyên đóng một vai trò hết sức quan trọng đối với tác nhân. Duyên có khả năng làm cho hạt giống vốn xấu lại càng thêm xấu. Duyên có khả năng làm cho hạt giống xấu trở nên tốt. Duyên có khả năng làm cho hạt giống tốt lại càng thêm tốt.

Vì sao vậy? Vì duyên có năng lực tác động trực tiếp vào nhân để cho nhân sinh khởi. Không những duyên có năng lực tác động trực tiếp vào nhân mà còn có khả năng tác động trực tiếp vào quả nữa. Vì sao vậy? Vì trong quả có nhân. Và nhân luôn luôn tiềm ẩn ở trong quả. Quả là hình tướng biểu hiện cụ thể của nhân qua những tác động của duyên.

Ví dụ một hậu quả xấu đã hình thành, ta nỗ lực khắc phục hậu quả, khiến cho hậu quả đó không thể tiếp tục kéo dài. Khắc phục bằng cách nào? Bằng cách không tạo thêm duyên cho những tác nhân đang tiềm ẩn ở trong hậu quả tiếp tục tồn tại và phát triển. Và nỗ lực chặt đứt cái nhân của quả ấy qua duyên.

Quả khổ hay vui, như ý hay không như ý đều sinh khởi từ nơi nhân thiện ác. Nhân ác dẫn sinh quả khổ. Nhân thiện dẫn sinh quả vui. Tâm là tác nhân của thiện ác và là xuất phát của mọi kết quả khổ vui, như ý hay không như ý.

Tâm khởi lên tác ý liên hệ đến tham, sân, si, kiêu mạn và chấp ngã với sự tác động và hỗ trợ của ác tri thức, lại được giáo dục bởi những chủ thuyết, học thuyết tai hại, sai lầm, thì nhất định khổ quả sẽ phát sinh. Ta nên nhớ rằng, nhân do tác động bởi tâm tham, thì hậu quả của nó xảy ra bất cứ lúc nào và ở đâu cũng bất như ý và khổ.

Tâm khởi lên tác ý liên hệ đến vô tham, vô sân, vô si, không kiêu mạn, từ bi và vô ngã, với sự tác động và hỗ trợ của những bậc thiện tri thức, lại được giáo dục bởi giáo pháp giới, định, tuệ, thì nhất định khổ quả không thể phát sinh. Ta nên nhớ rằng, nhân do tác động bởi tâm vô tham, vô sân, vô si, khiêm tốn, từ bi và vô ngã, thì ở đâu và lúc nào cũng không có khổ quả. Không có khổ quả là như ý của sự thực hành hạnh vô tham. Vô tham là như ý. Hễ tham là bất như ý.

Nay, ta đang thực hành hạnh của tâm vô tham,… nhưng thân ta vẫn đang chịu khổ quả. Khổ quả ấy, không phải do thực hành tâm vô tham đem lại, mà nó là dư báo của tâm hữu tham trước đó của ta tạo ra còn lại. Ví như xe chạy ta đã tắt máy, nhưng vẫn còn đà. Hết đà, thì dứt khoát xe phải đứng lại, tài xế không cần phải đạp thắng.

Do quán chiếu nhân duyên, nhân quả ở nơi tâm mình như vậy, nên mỗi khi thọ nhận bất cứ cái gì, tôi cũng biết ơn sâu sắc và trân quý những phước đức tự thân đã có; trân quý nhân duyên phước đức sinh thành từ cha mẹ, những giáo dục từ thầy, những yểm trợ từ anh chị em, bạn bè, đồng loại và muôn loài.

Vì biết ơn tất cả, nên những gì đến với mình, dù vui hay buồn, dù như ý hay không như ý, đều hoan hỷ thọ dụng mà không lạm dụng. Mọi lạm dụng đều dẫn đến phản tác dụng. Ngay cả những lạm dụng cho những mục tiêu tốt đẹp.

Vì vậy, tôi đã sám hối với đôi mắt của tôi và hứa phải chăm sóc nó mỗi ngày. Tôi đã lạm dụng đôi mắt của tôi cho việc học hành, đọc sách, nghiên cứu và dịch thuật, mắt tôi đã bị yếu, hậu quả là do lạm dụng mắt để làm việc quá tải.

Nhờ chăm sóc mắt, mà vào mỗi buổi sáng sớm, tôi đều đưa mắt nhìn lên mặt trời và để cho mắt chạm vào mặt trời mười lăm phút với tâm định tĩnh bất động, mắt tôi đã cho tôi sự sáng trong trở lại như những ngày trước.

Không những vậy mà tôi còn phát hiện ra sự mầu nhiệm của cái nhìn. Trong đời sống không thể thiếu cái nhìn mà nhất là cái nhìn định tĩnh và sáng trong.

Một khi ta có cái nhìn định tĩnh, sáng trong, không những cái nhìn của ta chạm tới và tiếp xúc được với mặt trời của không gian vật lý, mà còn chạm tới và tiếp xúc được với mặt trời mầu nhiệm của không gian tâm linh nữa. Ta nên biết rằng, không có bất cứ một vật thể nào có thể chạm tới và tiếp xúc được với mặt trời, ngoại trừ cái thấy.

Ánh sáng của mặt trời vật lý và ánh sáng của mặt trời tâm linh, đang giao hòa với nhau, để giúp cho ta cái thấy và trong cái nhìn ấy, ta biết rằng, ta đang đứng ở đâu và ta sẽ đi về đâu giữa cuộc đời nầy. Và ta cũng thấy ngay cả trước đó ta chưa sanh là gì và sau đời nầy ta là gì nữa.

Cái thấy liên hệ đến những yếu tố vật lý, cái thấy ấy rất hạn chế, vì nó cần có chủ thể và đối tượng để thấy. Không có đối tượng, thì cái thấy không thể biểu hiện. Cái thấy liên hệ đến những yếu tố vật lý, nó chỉ có khả năng hoạt động trong phạm vi đối đãi. Nếu không có đối đãi, thì chúng không thể hoạt động. Và vì vậy, những hoạt khởi của chúng luôn luôn ở trong phạm vi sanh diệt của tâm và cảnh. Tâm sinh khởi cảnh, cảnh tác động vào tâm, chúng cùng nhau đãi ngộ, khiến khởi sinh cái thấy sinh diệt.

Cái thấy tâm linh không liên hệ đến những yếu tố vật lý, nó liên hệ đến những yếu tố của tâm. Cái thấy của ta liên hệ đến niệm thanh tịnh, thì ngay giây phút đó cái thấy không bị các vọng niệm chi phối, nên nó thấy thực tại đúng như tự thân của thực tại. Cái thấy của ta liên hệ đến định thanh tịnh, thì ngay giây phút đó, không bị các loạn tưởng vọng động phân biệt và kỳ thị của tâm chi phối, nên nó thấy thực tại đúng như tự thân của thực tại. Cái thấy của ta liên hệ đến tuệ thanh tịnh, thì ngay giây phút đó, nó không bị cái biết của nhận thức và cái biết của trí phân biệt chi phối, nên nó thấy được tự thân thực tại đúng như là chính nó, mà không hề thông qua bất cứ khởi niệm và tác ý nào.

Cái thấy tự thân thực tại, không thông qua những khởi niệm và tác ý của tâm, đó là cái thấy của tuệ giác. Và đó là cái thấy của tự tánh giác ngộ. Cái thấy ấy là cái thấy nghiễm nhiên, thường tại và siêu việt. Vì sao? Vì nó vượt khỏi mọi ước lệ của thời gian vật lý và tâm thức, và nó cũng vượt khỏi mọi không gian quy ước của các vật thể và tâm thức. Cái thấy ấy tất cả chúng sanh đều có. Có từ khi nào? Không có khởi điểm, vì nó là vô thỉ. Nó kết thúc như thế nào? Nó không có kết thúc, vì nó là vô chung.

Xin cảm ơn và trân trọng, chắp tay và cúi đầu trước cái thấy mầu nhiệm. Thấy được cái thấy mầu nhiệm, không phải là tôi và không phải là của tôi, mà tôi đã nhận được từ chư Phật, lịch đại Tổ sư, cha mẹ, thầy bạn, mọi người và mọi loài từ nhiều đời cũng như trong hiện thế, và nguyện đem công đức nầy, hồi hướng đến khắp tất cả mọi người và mọi loài sớm biết quay về tiếp nhận và sống với tuệ giác.

 

 

NHU CẦU CON NGƯỜI

 

Những nhu cầu của con người sinh học thì giản dị, khi đói chỉ mong được ăn, khi khát mong được uống, khi mệt mong được nằm, khi bệnh mong được trị liệu, khi mưa nắng mong được có nhà cửa che thân, khi muốn học hành có thầy cô giáo và trường lớp, khi bị áp bức thì có khí cụ hay pháp luật bảo vệ. Những nhu cầu của con người sinh học như vậy đã trải qua hàng ngàn thế kỷ mà chưa có một chính quyền hay một thể chế xã hội văn minh nào có thể đáp ứng đầy đủ.

Xã hội ngày nay với văn minh khoa học tân kỳ con người đã chinh phục được mặt trăng, khám phá được những thiên thể từ trời cao, khám phá và khai quật những hầm mỏ nằm sâu tận lòng đất, đã sử dụng Internet để siêu tốc hóa mọi thông tin toàn cầu chỉ trong nháy mắt, biết đưa toàn bộ sinh hoạt của toàn thể thế giới thu hẹp trong một màn hình nhỏ, biết nhìn các thiên hà xa xôi qua viễn vọng kính Hubble và đã biết sử dụng máy gia tốc hạt cơ bản để giải quyết những nhu cầu sống của con người. Tuy vậy, nhưng hiện nay vẫn không giải quyết nổi những nhu cầu sinh học thực tế của con người xã hội.

Những đói nghèo, bệnh tật, thất nghiệp và bị áp lực bởi những công việc không những đã đè nặng mà còn khủng bố lên mọi sinh hoạt của con người.

Đối với những nhu cầu của con người sinh học mà không có bất cứ tổ chức xã hội nào có thể đáp ứng nổi, huống là những nhu cầu của con người tâm học.

Nhu cầu của con người tâm học là nhu cầu về cảm giác, nhu cầu về tri giác, nhu cầu về tư duy và nhận thức, với những nhu cầu ấy không có một nền văn minh khoa học tân kỳ nào có thể đáp ứng nổi.

Khởi đầu của sự sống là con người nhu cầu được ăn, nhưng khi đã có ăn, thì nhu cầu của con người không phải chỉ là ăn mà ăn ngon; khi con người đã có mặc thì không còn nhu cầu mặc mà mặc đẹp; khi đã có nhà ở, thì không còn nhu cầu nhà ở theo kiểu sinh học mà nhu cầu nhà ở đẹp và tiện nghi tân kỳ; khi con người đã biết đọc, biết viết, thì không còn nhu cầu đọc và viết mà nhu cầu sáng tác văn học, nghệ thuật để diễn tả nhận thức và tư tưởng của mình đối với những cảm nhận cuộc sống một cách sâu xa và tế nhị.

Như vậy, đối với những nhu cầu sinh học của con người không có một nền văn minh khoa học nào có thể đáp ứng, huống là những nhu cầu tâm học.

Những Nhà xã hội học xưa và nay thật ngây thơ đối với con người, khi họ nhận thức rằng, con người chỉ là những con vật cao cấp và có thể dùng thước đo khoa học để có thể đo được những nhu cầu tâm sinh học của nó. Và có thể đáp ứng cho nó một số điều kiện vật chất là nó có thể thỏa mãn, từ đó làm nẩy sinh chủ nghĩa thực dụng.

Thực dụng thì lúc nào và ở đâu tự nó vẫn là hữu hạn. Nhu cầu của con người là vô hạn, ngay cả con người sinh học. Vì con người sinh học được tạo nên từ con người tâm học. Nhu cầu của người tâm học đã vô hạn, tự nó kéo theo những nhu cầu vô hạn của con người sinh học vậy.

Nhu cầu của con người tâm học không hề dừng lại ở nơi cơm áo, gạo tiền mà nó tiến rất xa về những nhu cầu hiểu biết. Trước hết nó muốn biết nó là gì? Nó tồn tại như thế nào? Từ đâu mà nó sống và từ đâu mà nó chết? Đâu là cái sống và cái chết có ý nghĩa? Sau cái sống và sau cái chết là cái gì,..? Một loạt những nhu cầu tri thức của con người tâm học như vậy, chủ nghĩa nào có thể đáp ứng, duy tâm chăng, duy vật chăng, phi tâm phi vật chăng, hay vừa là tâm vừa là vật chăng, hay tất cả đều là hố thẳm tư tưởng chăng, hoặc hư vô chăng, hay không là gì cả chăng?

Tóm lại, những nhu cầu con người là những nhu cầu vô hạn. Vì sao? Vì con người sống trong tự tính duyên khởi và vô thường. Do vô thường, nên vô hạn. Do duyên khởi, nên vô ngã và vô cùng.

Do sống trong thế giới vô thường mà con người không nhận chân được thế giới ấy, nên con người đã chạy theo để đuổi bắt những giá trị và ý nghĩa của cuộc sống trong các pháp vô thường ấy, khiến cho tự nó đã đánh mất nó và tự nó đã phủ nhận nó thì không còn một ai khác, một chủ nghĩa nào khác có thể đáp ứng được những nhu cầu của nó, ngoại trừ khi nó biết nó là vô thường và biết những gì đang diễn ra chung quanh nó cũng vậy.

Do sống trong thế giới duyên khởi, vô ngã mà con người sống với tâm ý ích kỷ, chấp ngã, khiến cho lòng tham của con người không bao giờ ngừng nghỉ. Mỗi khi con người không biết dừng lại lòng tham của mình, thì không có một xã hội văn minh nào có thể đáp ứng nổi lòng tham của con người. Chính lòng tham của con người đã đốt cháy sự sống của chính nó. Và chính tính chấp ngã của con người đã biến đời sống của con người thành đời sống của chiến tranh, hận thù, nghèo nàn và lạc hậu.

Lời nói và những hành xử của con người chỉ trở nên dễ thương và thánh thiện, khi nào họ nhận ra được rằng, chính họ không thể hiện hữu đơn thuần mà hiện hữu trong sự tương quan, tương sinh. Tương quan và tương sinh giữa mình và mọi người; tương quan tương sinh giữa mình và muôn vật; tương quan, tương sinh giữa mình với mọi thời gian và mọi không gian. Và chỉ khi nào con người nhận ra được cái đó và sống với cái đó, thì con người sẽ có chân hạnh phúc.

 

 

                       

BÀI KINH NHỎ
HAY BÀI KINH VƯỢT QUA

 

Bát nhã tâm kinh không phải chỉ là bài kinh nhỏ của bộ kinh Đại Bát Nhã mà còn là tinh yếu hay trái tim của bộ kinh ấy.

Bài kinh nhỏ này chỉ hơn hai trăm chữ, trong hơn hai trăm chữ ấy, chỉ gói trọn trong bốn chữ “Ngũ uẩn giai không”. Và trong bốn chữ ấy, chỉ gói trọn trong một chữ “không” mà thôi.

Bài kinh ấy chỉ có một chữ “không” mà ta học suốt cả cuộc đời vẫn không thuộc. Và nếu ta có thuộc được chữ “không” ấy chăng nữa, cũng chỉ là ngôn ngữ, cũng chỉ là những khái niệm và kiến thức của ký ức.

Ta dùng ngôn ngữ để diễn tả về “không”, chẳng khác nào chàng họa sĩ vẽ thêm cho những chú rắn đôi chân. Ta dùng những kiến thức và khái niệm để diễn tả về “không”, thì chẳng khác nào người Việt nam đến đất Mỹ hay người Mỹ đến Việt nam trên bản đồ.

Ta dùng ký ức để diễn tả về “không”, chẳng khác nào chú bò nhai lại những thực phẩm mà ngày hôm qua chú dùng không hết, cất vào túi ướm, để sáng nay nhai lại.

Ta không nói về “không”, mà ta chỉ thực tập và sống với “không”; ta không diễn đạt về “không” bằng những khái niệm và kiến thức mà chính bằng cuộc sống. Tự thân của “không” mà Bát nhã tâm kinh đã hiển thị cho ta không phải là điều gì bí hiểm và xa lạ, mà chính ngay nơi sự hòa điệu của thân tâm ta và ngay nơi cuộc sống của ta và chung quanh ta mỗi ngày.

Chính “không” là cuộc sống hòa điệu tuyệt đối giữa những cái nầy và những cái kia; giữa những cái kia và những cái nầy, nên đối với không gian, chúng hiện hữu mà không có lằn mức của biên giới và đối với thời gian, chúng hiện hữu mà không bị chi phối bởi sinh và diệt.

“Không” là vậy, nên trong “không”, không có ý niệm về ngã hay phi ngã, về pháp hay phi pháp.

Hễ còn ý niệm về ngã hay phi ngã, về pháp hay phi pháp, thì không phải là “không” mà Bát nhã tâm kinh đã hiển thị cho ta tu học.

“Không” là vậy, nên trong “không”, không có ý niệm về sinh tử hay niết bàn, phiền não hay bồ đề.

Hễ còn ý niệm về sinh tử hay niết bàn, phiền não hay bồ đề, thì  không phải là “không” mà Bát nhã tâm kinh đã hiển thị cho ta tu học.

“Không” là vậy, nên trong “không”, không có ý niệm về không đối lập với có, hay có đối lập với không; sinh đối lập với diệt, diệt đối lập với sinh; thiện đối lập với ác, ác đối lập với thiện; thất bại đối lập với thành công, thành công đối lập với thất bại; thường đối lập với vô thường hay vô thường đối lập với thường,…

Hễ còn có những ý niệm đối lập và ý niệm không đối lập, thì không phải là “không” mà Bát nhã tâm kinh đã hiển thị cho ta tu học.

Hễ còn có đối lập, thì còn có ý niệm; hễ còn có ý niệm thì còn có điên đảo; hễ còn có điên đảo thì còn có vọng tưởng; hễ còn có vọng tưởng thì còn có sợ hãi; hễ còn có sợ hãi thì còn có khổ đau. Hết ý niệm thì hết đối lập; hết đối lập thì hết điên đảo; hết điên đảo thì hết vọng tưởng; hết vọng tưởng thì hết sợ hãi; hết sợ hãi thì mọi khổ đau đều chấm dứt.

Vì vậy, bài Bát nhã tâm kinh là bài kinh giúp cho ta phương pháp chặt đứt gốc rễ của chiến tranh đưa ta trở lại với đời sống hòa bình; là bài kinh giúp cho ta phương pháp chặt đứt gốc rễ của mọi khổ đau, đưa ta trở lại với đời sống an lạc; là bài kinh giúp cho ta phương pháp chặt đứt mọi gốc rễ chia rẽ, phân hóa và độc tài, đưa ta trở lại với đời sống hòa hợp, đoàn kết, thống nhất và toàn diện. Bài kinh giúp cho ta có cái thấy dung hợp toàn diện, lành mạnh, không khuyết tật, vượt ra khỏi mọi biên giới hữu ngã và giúp cho ta biết hành sử với nhau trong sự tôn trọng và thương yêu, để cùng nhau sống chung trong hòa bình và trân quí sự sống hòa bình trong từng khoảnh khắc.

Bài kinh ấy, ta đã học và tụng hoài từ vô lượng kiếp, nhưng ta vẫn là kẻ nghèo cùng khốn khổ, ta vẫn là kẻ đã tạo ra khổ đau cho chính ta và mọi người, ta là kẻ phạm tội và đồng lõa với chiến tranh, và ta đã dong ruổi miệt mài trong bóng tối, là vì do ta chỉ học, tụng mà không thuộc. Hoặc vì ta chỉ thuộc lòng mà không hiểu. Hoặc hiểu mà không biết. Hoặc biết mà không sống. Hoặc sống mà không thành khẩn và không nhất tâm.

Do ta không thành khẩn và không nhất tâm, nên mọi ý niệm nhị nguyên trong tâm ta sinh khởi. Và mỗi khi ý niệm nhị nguyên sinh khởi nơi tâm ta, thì ngã tưởng và pháp tưởng cũng từ đó mà hiển bày trong đời sống của ta. Chúng tạo ra sự phân hóa và kỳ thị cho ta rằng: “Cái nầy là tôi, cái nầy không phải là tôi và cái nầy không phải là của tôi”.

Cứ như thế mà phân biệt, cứ như thế mà kỳ thị, cứ như thế mà chia rẽ, cứ nhứ thế mà chiến tranh. Từ chiến tranh tư tưởng đến chiến tranh miệng lưỡi; từ chiến tranh miệng lưỡi đến chiến tranh binh khí; và từ chiến tranh cá nhân đến chiến tranh cộng đồng, từ chiến tranh cục bộ đến chiến tranh toàn thể.

Ngã tưởng càng to, thì pháp tưởng càng lớn, khiến cho khổ đau càng nhiều và thất bại càng lắm. Ta khổ đau và thất vọng là vì do ta có vọng tưởng về ngã. Nếu ta không chấp ngã thì lấy gì để khổ đau và nếu ta không chấp ngã thì lấy gì để thất vọng?

Do đó, đây là bài kinh quý báu, đưa mọi người và mọi loài đi tới với nhau, cùng nhau sống chung hòa bình, an lạc trong tự tính vô ngã và phi vô ngã của vạn hữu.

Bài kinh ấy đã tháo gỡ và giải quyết triệt để mọi vướng mắc cho chúng ta, phục hồi đời sống hòa bình và tự do cho ta, mà do ta vụng dại, nên đã bị đánh mất từ vô lượng kiếp.

Vì vậy, bài kinh tuy nhỏ, mà hàm chứa năng lượng phi thường. Bài kinh tuy một chữ, mà không có bất cứ loại chữ nghĩa nào có thể địch nổi và vượt qua, mà chỉ có bài kinh ấy là vượt qua tất cả. Nó không phải chỉ vượt qua những cái khác nó, mà nó còn vượt qua tất cả những cái gì của chính nó nữa, ngay cả chữ “không” mà nó đang hiển thị ấy.

 

 

 

HOÀN THIỆN TỪ LẦM LỖI

 

Đã làm con người thì không ai hoàn hảo, câu nói ấy là chân lý cho tất cả chúng ta. Nhưng sự hoàn hảo sẽ làm đẹp con người và làm cho đời sống con người có ý nghĩa. Câu nói nầy không phải là chân lý chết cứng mà là chân lý sống động, khẳng định khả năng phản tỉnh và cầu toàn nơi mỗi chúng ta. Vì vậy, con người chúng ta cần phải biết hoàn hảo hóa ngay trong đời sống của chính mình.

Sự lầm lỗi hay không hoàn hảo của con người sinh ra ngay nơi cách nhìn của chính họ, vậy ngay nơi cách nhìn mà con người hoàn thiện và chuyển hóa những lầm lỗi của họ, khiến cho cách nhìn của họ trở nên hoàn hảo. Cách nhìn thiển cận, cạn cợt và vội vã đã tạo ra những lầm lỗi cho con người bao nhiêu, thì cách nhìn sâu lắng, rộng lớn, giảo nghiệm và chính xác, sẽ tạo nên cho con người có những hành động hoàn thiện bấy nhiêu.

Cách nghe thiển cận, cạn cợt và vội vã đã tạo nên những lầm lỗi cho con người bao nhiêu, thì cách nghe sâu lắng, có đối chiếu từ nhiều phía, có kiểm chứng từ nhiều sự kiện, sẽ tạo nên một cách nghe chính xác không lầm lỗi, giúp cho con người có những hành động hoàn thiện và chuyển hóa những lầm lỗi bấy nhiêu.

Cách ngửi, cách ăn, cách nói, cách tiếp xúc và cách suy nghĩ cũng vậy, nếu chúng thiển cận, thiếu gạn lọc và vội vã, sẽ tạo nên những lầm lỗi cho con người bao nhiêu, thì những cách ngửi, cách ăn, cách nói, cách tiếp xúc và cách suy nghĩ của con người càng tế nhị, sâu lắng, có tư duy, có gạn lọc bao nhiêu, chúng sẽ tạo ra cho con người những hành động hoàn thiện, để chuyển hóa những gì lầm lỗi của con người trở nên hoàn hảo bấy nhiêu.

Biết hoàn hảo hóa đời mình ngay nơi những chủng tử tâm thức của mình, ngay nơi những điều kiện vốn có của thân tâm hay ngay nơi đời sống của chính mình, mà không phải ngay nơi những người khác, nơi những điều kiện của cái khác, và những lúc khác, đó là cái biết chính xác của ý thức tự giác con người. Và cái biết ấy là cái biết của con người, chứ không phải là cái biết của thế giới dưới người.

Cái biết dưới cái biết của thế giới con người, thì khi lạnh nó đi tìm cái ấm và nó có thể tranh giành cái ấm của đồng loại, khi nóng nó đi tìm cái mát và có thể tranh giành với cái mát của đồng loại, khi đói nó đi tìm cái ăn và giành giựt cái ăn với đồng loài, khi khát nó đi tìm cái uống và giành giựt cái uống với đồng loại, khi mệt nó đi tìm cái nghỉ ngơi và giành giựt sự nghỉ ngơi của đồng loại, mạnh được yếu thua, đó là những cái biết dưới mức con người, là quy luật tự nhiên của thú tính, nhưng cái biết của con người thì không phải như thế và nếu chỉ có biết như thế, thì làm sao gọi là con người?

Khi lạnh con người không phải chỉ biết là lạnh và đi tìm cái ấm từ người khác hay từ nơi khác, mà trước hết họ phải biết hoàn thiện cái ấm ngay nơi cái lạnh của chính họ. Họ hoàn thiện bằng cách nào?

Trước hết, họ không có những hành động làm cho cái lạnh lạnh thêm, tiếp theo là họ biết làm ngưng chỉ những yếu tố tạo nên cái lạnh, tiếp theo nữa là họ biết sử dụng những yếu tố tạo nên cái ấm cho chính họ và sau cùng là họ biết nuôi dưỡng cái ấm ấy, qua những động tác cụ thể của họ, khiến cho cái ấm áp thực sự có mặt trong đời sống của chính họ. Bấy giờ, sự ấm áp đối với họ không còn là những khái niệm, không còn là những ước mơ tìm cầu, mà đã trở thành hiện thực, và nó đã hiện thực ngay trong đời sống của chính họ mỗi ngày.

Khi con người đã biết hoàn thiện cái ấm ngay nơi cái lạnh của chính mình, thì lúc ấy con người mới có khả năng giúp cho người khác hoàn thiện cái ấm ngay nơi cái lạnh của họ. Con người biết cách làm cho đời sống của mình từ lạnh lẽo trở nên ấm áp đã là một sự thông minh kỳ diệu, nhưng biết giúp cho người khác biết vươn lên với sự ấm áp từ đời sống lạnh lẽo của chính họ, lại là một khả năng kỳ diệu hơn nữa của con người.

Biết làm cho mình hết đói, hết khát, hết mệt không phải chỉ có con người mà các thú vật cũng có khả năng ấy. Đó là khả năng vốn có để tự sinh tồn của muôn vật. Nhưng, những loài vật không có khả năng chọn lựa thức ăn và chọn lựa cách ăn hoàn hảo để ăn, không có khả năng chọn lựa thức uống và cách uống hoàn hảo để uống, không có khả năng chọn lựa sự nghỉ ngơi và cách nghỉ ngơi hoàn hảo để nghỉ ngơi. Chúng cũng không có khả năng thay đổi cách nghe, cách thấy, cách ăn, cách tiếp xúc, cách suy nghĩ của chúng một cách nhanh chóng, chính xác, hợp lý, cao thượng và bén nhạy như con người và chúng khó có thể chọn lựa một cách sống hay những cách sinh hoạt hoàn hảo, để hướng tới đời sống chí chân, chí thiện và chí mỹ như con người.

Và con người không phải chỉ biết làm cho mình hoàn hảo, mà còn phải biết liên kết lại với nhau để giúp nhau hoàn hảo và có khả năng bảo vệ sự hoàn hảo cho nhau. Khả năng ấy gọi là khả năng hiểu biết và khả năng bác ái và từ bi nơi con người.

Lại nữa, con người không phải chỉ biết liên kết với nhau để bảo vệ sự hoàn hảo cho đồng loại, mà còn tìm cách giúp cho các loài vật khác cải thiện đời sống, để chúng cũng có một đời sống tương đối hoàn thiện không thể bằng con người, nhưng ít ra chúng cũng cùng với con người đi lên và đi lên từ tấm lòng và bàn tay chăm sóc của con người. Và con nguời không phải chỉ biết chăm sóc người và vật, mà còn phải biết chăm sóc và bảo vệ sinh môi xanh đẹp và trong lành cho tất cả, để tất cả cùng nhau chung sống an bình.

Và nếu đời sống của con người có những nội dung như vậy, thì sự sống của con người không những quý báu cho con người, mà còn quý báu và có ý nghĩa cho cả muôn vật.

Con người không ai không lầm lỗi, câu nói ấy không nên sử dụng như là những câu bùa chú để đồng hóa những sai lầm và tội lỗi của mình với thói quen và với nhiều người, nhằm bảo chứng cho những sai lầm di căn của mình và dẫn dắt đời mình sống theo kiểu “chứng nào tật nấy”.

Con người không ai không lầm lỗi, nhưng cần phải nỗ lực làm cho đời sống lầm lỗi ấy trở nên hoàn thiện, chính đó mới là việc làm và đời sống của con người vậy.

 

 

 

 

HƯƠNG ĐỨC HẠNH

 

Nếu có phước, bạn được ngồi trên người, thì bạn không nên dùng uy quyền để chèn ép người, mà nên dùng đức hạnh để đối xử với người. Nếu không may mà bạn đứng ở dưới người, thì không nên sanh tâm ganh tỵ và dòm ngó địa vị của người trên, mà hãy nên giữ mình cho đoan chánh và đem sự đoan chánh ấy mà đối xử với người.

Đức hạnh của người trên, đoan chánh của người duới sẽ tạo ra một gia đình đẹp, một tổ chức đẹp, một xã hội đẹp, một quốc gia đẹp và một thế giới đẹp.

Làm thế nào để trở thành một người đức hạnh? Muốn trở thành một người đức hạnh, người ấy đối với bản thân phải luôn luôn biết nhìn kỹ những lỗi nhỏ nhặt của mình để khắc phục; phải biết thực tập nhìn sâu để thấy sự thật nơi mọi vấn đề qua hình tượng; phải biết nghe sâu để hiểu sự thực của mọi vấn đề qua ngôn ngữ, âm thanh; phải biết ngửi sâu để hiểu sự thực của mọi vấn đề qua hương thơm; phải biết nếm sâu để hiểu sự thực của mọi vấn đề qua mùi vị; phải biết tiếp xúc sâu để hiểu được sự thực của mọi vấn đề qua xúc giác; phải biết suy nghĩ sâu để hiểu được sự thực của mọi vấn đề qua tâm ý và phải biết sống khoan dung, độ lượng đối với những ai đã từng làm cho mình khốn đốn, khổ đau.

Lại nữa, mọi hành xử hay ẩn tàng đều vì lợi ích chung mà không phải vì bản thân. Ai thực tập được như vậy là người đức hạnh, là người sống có đạo và đang đi ở trong chánh đạo. Người ấy không tranh người để ngồi trên mà thường ngồi trên người; không tranh người để đứng trước mà thường đứng trước người.

Thế nào để trở thành một người đoan chánh? Muốn trở thành một người đoan chánh, người ấy luôn luôn thực tập đời sống từ hòa, và chân thực.

Thực tập lời nói từ hòa và chân thực đối với mọi người trước mặt cũng như sau lưng, bên phải cũng như bên trái, từ người bên trên cho đến người bên dưới.

Thực tập những hành xử từ hòa và chân thực đối với mọi người trước mặt cũng như sau lưng, bên phải cũng như bên trái, từ người bên trên cho đến người bên dưới.

Thực tập tâm ý từ hòa và chân thực đối với mọi người trước mặt cũng như sau lưng, bên phải cũng như bên trái, từ người bên trên cho đến người bên dưới.

Người nào sống với đời sống có những chất liệu như vậy là người đoan chánh. Người ấy là người sống có đạo và đang đi ở trong chánh đạo.

Người ấy ở trong mọi người không trang sức bất cứ loại sắc phục và mỹ phẩm nào, mà vẫn đoan chánh và đẹp đẽ hơn người; không xông ướp bất cứ loại dầu thơm nào mà vẫn thơm tho hơn người. Vì sao? Vì người ấy là người đức hạnh vậy.

 

 

PHÁP CỦA NGƯỜI LÃNH ĐẠO

 

Người lãnh đạo muốn thành công phải thực hành mười pháp như sau:

1- Chánh tâm và đại tâm: Người lãnh đạo phải biết phát khởi tâm nguyện chơn chánh và rộng lớn, bằng cách đem mạng mạch của mình mà hiến dâng cho mạng mạch của tổ chức; phải biết lấy vinh nhục, thăng trầm của tổ chức làm vinh nhục, thăng trầm của đời mình và phải biết hiến dâng thọ mạng của mình cho thọ mạng tồn tại của tổ chức. Và không phải chỉ hội nhập sinh mệnh của mình với sinh mệnh của tổ chức với nhau trong một đời mà nhiều đời, cho đến khi viên thành đại nguyện.

2- Dĩ thân tác chứng: Muốn khuyến khích người khác đoan chánh, thì trước hết mình phải đoan chánh; muốn khuyên dạy người khác đạo đức, thì trước hết là mình phải sống có đạo đức. Mình và người đều đoan chánh và sống có đạo đức, khiến cho đạo đức tự thịnh trị, xã hội tự đoan chánh, thanh bình và tổ chức tự vững mạnh một cách có ý nghĩa.

Xã hội có trật tự và đạo đức bắt nguồn từ nơi những người đứng đầu xã hội mà ra và xã hội mất ổn định và đạo đức, cũng bắt đầu từ nơi những người đứng đầu xã hội mà có.

Người đứng đầu xã hội hay đứng đầu tổ chức là tấm gương sáng, nên phải lấy việc tu thân để làm cho gương của mình được sáng, gọi là “dĩ thân tác chứng”.

3-Tôn trọng hiền nhân: Người lãnh đạo muốn an bình quốc gia, vững mạnh tổ chức, họ phải có khả năng tôn trọng các bậc hiền tài. Bậc hiền tài thì lúc nào và ở đâu, họ cũng xem vinh hoa như miếng giẻ rách, xem lợi danh như đôi giép bỏ.

Vì vậy, người lãnh đạo quốc gia phải có khả năng biết lắng nghe, học hỏi những vị hiền tài để thiết lập chính sách an dân lâu dài khỏi bị lầm lỗi.

4-Phải biết tề chỉnh thân thích: Phải biết hiếu kính cha mẹ, thuận thảo với anh chị em trong thân tộc, khiến cho người lãnh đạo tề chỉnh được thân quyến, ngay trong thân quyến không có sự oán thù. Thân thích tề chỉnh là cơ sở vững chãi, khiến cho người lãnh đạo có thể vươn mình cao hơn, để tạo ra và lãnh đạo những tổ chức lớn rộng.

5-Kính quý những người trợ lý: Người lãnh đạo phải biết kính quý những người trợ lý, giúp việc, khiến cho những người ấy đem hết lòng chân chính mà yểm trợ, làm cho những kẻ dua nịnh, không thể dối lường.

6-Khen thưởng đúng công trạng: Phải biết xét đúng công trạng của những cộng sự để khen thưởng đúng lúc, đúng đối tượng, không sai lệch, không thiên vị.

7-Thương mến nhân viên như con: Người lãnh đạo tổ chức biết thực tập thương nhân viên như con, thương người trợ lý như bạn, chắc chắn những người ấy sẽ phục tùng và ủng hộ sự lãnh đạo của mình.

8-Trọng đãi bách công: Người lãnh đạo đất nước phải biết chiêu mộ và trọng đãi các nhà công nghệ, các nhà sản xuất, để họ đem hết lòng thành mà sản xuất những nhu yếu phẩm cho xã hội tiêu dùng, nhằm ủng hộ cho quốc gia hay tổ chức của mình, khiến cho quốc gia hay tổ chức của mình không bị đóng khung, mà trái lại trở thành một tổ chức của mọi thành phần xã hội và tồn tại một cách nghiễm nhiên trong sự phát triển của dân tộc và nhân loại.

9-Biết đãi ngộ đối với những người cùng tổ chức và những người dân đến từ xa xứ : Người lãnh đạo biết trọng đãi những người như vậy, thì người dân bốn phương sẽ quần tụ để yểm trợ và tuân phục sự lãnh đạo của mình.

10-Biết tôn trọng, giao hảo và học hỏi từ những tổ chức khác: Người lãnh đạo quốc gia hay tổ chức phải biết khiêm cung và cầu tiến mà đối xử với các quốc gia khác, với các tổ chức khác, phải biết tôn trọng và học hỏi những cái hay, những cái đẹp, từ những quốc gia khác, từ những tổ chức khác, để làm phong phú và đa dạng cái hay, cái đẹp của đất nước mình, của tổ chức mình.

Mười pháp nầy là nguyên tắc căn bản cho những ai muốn thành công trên cương vị của một người làm thủ trưởng hay làm một nhà lãnh đạo tổ chức hoặc đất nước.

 

 BÀI TOÁN MUÔN ĐỜI

 

Bài toán chính xác và muôn đời cho đời sống của mỗi chúng ta là bài toán nhân quả. Nghĩa là ta gieo nhân gì, thì ta gặt quả ấy. Và ta sống trong môi trường nào, thì trước sau gì ta cũng bị xông ướp bởi môi trường ấy.

Ta chỉ thoát ra khỏi bài toán nhân quả là khi nào ta không gieo nhân. Nhân đã không gieo thì quả không bao giờ có. Quả đã có thì nhất định phải có nhân và có duyên. Và ta không bị xông ướp bởi môi trường nào, là do sự sinh hoạt của ta hoàn toàn không liên hệ gì đến môi trường ấy.

Ta sống và hành hoạt giữa cuộc đời mà không bị xông ướp bởi những hoàn cảnh sai lầm, bởi những nhận thức sai lạc, bởi những tâm lý tà vạy, bởi những quan hệ sai lầm và bởi những sự nuôi sống sai lầm là một phép lạ.

Phép lạ đó là gì? Đó là phép lạ do quán chiếu nhân quả đem lại. Nhân xấu ta không gieo, thì quả khổ ta không gặt. Nhân lành ta đã gieo trồng, thì quả vui ắt ta phải có. Nhưng, tại sao ở trong đời có những người gieo nhân lành mà quả khổ vẫn nẩy sinh; những kẻ gieo nhân ác mà quả vui thường có?

Thế nào là nhân lành? Nhân lành là hạt giống tốt đẹp, có khả năng sinh ra trái ngọt. Người biết gieo nhân lành là người biết quan hệ với những người khác trong những ý hướng tốt đẹp. Một người có ý hướng tốt đẹp, người ấy quan hệ với mọi người mà không hề khởi lên ý hướng thủ lợi cho mình dưới bất cứ hình thức nào. Khi quan hệ với mọi người không thủ lợi cho mình dưới bất cứ hình thức nào, tức là người ấy đã gieo nhân lành vào đời sống của mình. Và do gieo nhân lành như vậy, nên người ấy ở đâu và lúc nào cũng nếm được trái ngọt.

Thế nào là nhân không lành? Nhân không lành là hạt giống không tốt đẹp, có khả năng sinh ra trái đắng. Người không biết gieo nhân lành là người chỉ biết thủ lợi cho mình, khi quan hệ với những người khác dưới bất cứ hình thức nào. Một người khi quan hệ với những người khác có ý hướng thủ lợi cho mình, người ấy là người gieo nhân không lành vào đời sống của mình. Và do gieo nhân không lành như vậy, nên người ấy ở đâu và lúc nào cũng bị nếm trái đắng.

Nhân thiện và ác hay nhân tốt và xấu, không nên nhìn vào những hình thức biểu hiện mà hãy nhìn vào ngay nơi bản chất hay ý hướng của hành động.

Một người với hình thức đem tài sản để hiến dâng cho những người khác, chưa hẳn người ấy đã tạo ra được nhân lành. Tại sao? Vì nếu người ấy hiến dâng tài sản cho người khác với ý hướng thâu tóm danh dự về cho mình và mình sẽ được mọi người tôn vinh là đạo đức hay hiền thiện, thì việc hiến dâng tài sản của người ấy đi từ một ý hướng xấu hay ác, nên dù hiến dâng cả tài sản cho người khác, mà vẫn dẫn sinh quả khổ hay trái đắng cho họ.

Và trong đời, không có người nào do hiện thế gieo nhân ác mà sống an vui cả. Sự an vui của họ trong hiện thế là do họ thừa hưởng cái nhân tốt của họ đã từng gieo trồng trong quá khứ. Ví như người nông dân làm ruộng bị thất thu ba vụ mùa liên tiếp, nhưng họ không hề nợ nần và ăn gạo mua. Tại sao? Vì lúa cũ trong kho của họ còn lại từ những vụ được mùa trước đó. Nếu vụ tới tiếp tục mất mùa nữa, họ sẽ ăn gạo mua và sẽ gặp nhiều khốn đốn của gia đình.

Và trong đời, không có một người nào do hiện thế gieo nhân thiện mà sống khổ đau cả. Những kết quả khổ đau mà họ đang có và đang chịu đựng trong hiện thế là do nhân không lành của họ đã từng gieo trồng từ quá khứ đem lại. Ví như người nông dân làm được mùa liên tiếp ba vụ mà vẫn ăn gạo mua. Tại sao? Vì những vụ mùa trước đó, họ đã bị thất thu, phải vay lúa để ăn, phải vay tiền để tiếp tục canh tác, nên dù vụ mùa hiện tại đang được bội thu, nhưng phải bù lỗ và trả nợ cho những vụ trước, khiến cho mùa hiện tại, tuy được mùa, nhưng họ vẫn ăn gạo mua. Nếu vụ tới tiếp tục được mùa, họ sẽ không còn ăn gạo mua, họ ăn chính gạo do họ làm ra và họ không còn là người mắc nợ.

Do đó, ta phải biết nhìn sâu vào quy luật nhân quả để ta có thể giải mã ẩn số của bất cứ bài toán nào trong cuộc sống của ta và có thể giúp cho mọi người cũng có khả năng giải mã ẩn số của bất cứ bài toán nào trong đời sống của chính họ.

Bởi vậy, một sự kiện dù xấu hay tốt xảy ra cho ta, ta phải có khả năng trầm tĩnh để nhìn sâu vào sự kiện ấy một cách sâu sắc, nhằm khám phá ra sự thật đang chứa đựng ở nơi sự kiện ấy. Một sự kiện dù xấu hay tốt đã xảy ra cho ta, đang xảy ra cho ta và sẽ xảy ra cho ta, chúng không bao giờ xảy ra cho ta một cách đơn thuần mà chúng xảy ra theo sự tác động liên đới của nhân duyên, nhân quả ba đời.

Mọi ẩn số trong các bài toán cộng, trừ, nhân, chia, phương trình hay lũy thừa của cuộc đời ta, chúng không ra ngoài sự tác động liên đới của các pháp thuộc về nhân duyên, nhân quả quan hệ ba đời mà mẫu số chung của chúng đều là tâm.

Tâm ta khởi lên tác ý thiện, thì chúng có khả năng hạn chế những hạt giống bất thiện nơi tâm ta, khiến cho thiện tâm của ta được tăng trưởng và lớn mạnh trong mọi ý hướng và hành động của ta, làm nảy sinh những hoa trái an lạc trong đời sống của ta.

Tâm ta khởi lên tác ý bất thiện, thì chúng có khả năng hạn chế những hạt giống thiện nơi tâm ta, khiến cho những hạt giống bất thiện nơi tâm ta tăng trưởng và lớn mạnh trong mọi ý hướng và hành động của ta làm nảy sinh những hoa trái bất hạnh trong đời sống cho ta.

Bài toán học ấy là bài toán học muôn đời và chính xác cho mỗi chúng ta.

Vậy, ta phải chín chắn với mọi ý hướng của ta, trước khi hành động để mọi hậu quả xảy ra với ta, khiến tâm ta không bị rơi vào sự ân hận, rồi buông ra khẩu nghiệp một cách hèn hạ là tại, bởi và vì!

Nhân quả là bài toán muôn đời cho tất cả chúng ta. Bài toán ấy không phải làm ở trên giấy hay ở trong sách vỡ mà chính ngay trong cuộc sống. Và nó hiện hữu một cách linh hoạt và sống động đúng như sự sống động và linh hoạt của tâm thức chúng ta.

 

 

KHÔNG CÓ CÁI DUY NHẤT

 

Trong đời sống hàng ngày, ta chỉ biết nhìn về một hướng, thì ta cũng chẳng có một hướng nào để nhìn. Tại sao? Bởi vì, Đông, Tây, Nam, Bắc tạo ra các phương hướng trong không gian. Ta chỉ biết hướng Đông mà không biết hướng Tây, chỉ biết hướng Bắc mà không biết hướng Nam, hoặc ngược lại là cái biết của ta bị khuyết tật.

Ta chỉ biết rất rõ về hướng Đông, khi nào ta có cái biết rất rõ về hướng Tây, ta chỉ biết rất rõ về hướng Bắc, khi nào ta có cái biết rất rõ về hướng Nam.

Vì sao? Vì không có hướng Tây, thì làm gì có hướng Đông và không có hướng Nam thì làm gì có hướng Bắc. Vì vậy, trong đời sống hàng ngày, ta muốn hiểu cái nầy, thì ta phải có khả năng hiểu cái kia và nếu ta không hiểu được cái kia, thì ta không bao giờ hiểu được cái nầy. Và trong đời sống hàng ngày, ta chấp nhận sống với cái nầy mà không chấp nhận sống với cái kia là đời sống của ta bị rơi vào ảo tưởng và những thất vọng hay khổ đau của ta từ đó mà phát sinh.

Sự thất vọng và khổ đau của ta là do ta ảo tưởng. Ta ảo tưởng rằng, thế giới của ta chỉ có một cái duy nhất, nên cái duy nhất ấy là cái của ảo tưởng mà không phải là tự thân của cuộc sống hay tự thân của thực tại. Tự thân của cuộc sống hay tự thân của thực tại không có cái nào gọi là cái duy nhất.

 

NGƯỜI TỰ HẠI

 

Người khác hại bạn, bạn có thể tránh được và những người khác có thể cứu giúp được bạn, nhưng nếu bạn có những hành động hay lời nói tự hại, thì bạn không thể tránh đi đâu để thoát khỏi tai hại và không một ai có tài nào cứu giúp được bạn thoát khỏi tai hại.

Lời nói và hành động tham lam của bạn, chính nó làm hại bạn và bạn không thể tránh khỏi sự tàn hại của nó.

Lời nói và hành động sân hận của bạn, chính nó làm hại bạn và bạn không thể nào thoát khỏi sự tàn hại của nó.

Lời nói và hành động mù quáng của bạn, chính nó làm hại bạn và bạn không thể nào thoát khỏi sự tàn hại của nó.

Lời nói và hành động bất nhân của bạn, chính nó làm hại bạn và bạn không thể nào thoát khỏi sự tàn hại của nó.

Lời nói và hành động gian dối của bạn, chính nó làm hại bạn và bạn không thể nào thoát khỏi sự tàn hại của nó.

Lời nói và hành động không trung thực và không đoan chính của bạn, chính nó làm hại bạn và bạn không thể nào thoát khỏi sự tàn hại của nó.

Lời nói và hành động theo cá tính của bạn tự gây thiệt hại cho bạn chứ không phải một ai khác.

Bạn muốn thoát ra khỏi những sự tự hại ấy, bạn không nên nói và làm theo cá tính mà hãy nói và làm theo trí tuệ và từ bi.

Nói và làm có nội dung của trí tuệ phải hội đủ cả ba mặt:

Đối với mặt không gian: Bạn phải biết chọn không gian thích hợp để nói và làm. Ở trong một không gian không thích hợp cho lời nói và việc làm của bạn mà bạn nói và làm, thì lời nói và việc làm của bạn sẽ làm hại bạn chứ không phải ai khác.

Đối với mặt thời gian: Bạn phải biết chọn thời gian thích hợp để nói và làm. Ở vào một thời điểm không thích hợp cho lời nói và việc làm của bạn mà bạn cứ nói và làm, thì lời nói và việc làm của bạn sẽ làm hại bạn chứ không phải ai khác.

Đối với đối tượng: Bạn phải biết chọn lựa đối tượng thích hợp để nói và làm. Nếu với đối tượng không thích hợp cho lời nói và việc làm của bạn mà bạn cứ nói và làm, thì lời nói và việc làm của bạn tự gây thiệt hại cho bạn, chứ không phải ai khác.

Nói và làm có nội dung của từ bi cũng vậy, nó cũng phải hội đủ cả ba mặt:

Đối với không gian: Với không gian không thích hợp mà bạn nói và làm, lời nói và việc làm ấy của bạn không những gây thiệt hại cho bạn, mà còn gây thiệt hại cho những người còn đang sinh hoạt trong cùng một không gian ấy với bạn, điều đó chứng tỏ bạn không có từ bi.

Đối với thời gian: Với thời gian không thích hợp mà bạn nói và làm, lời nói và việc làm ấy của bạn không những gây thiệt hại cho bạn, mà còn gây thiệt hại cho những người đang cùng sinh hoạt với bạn trong một thời điểm, điều ấy chứng tỏ việc làm và lời nói của bạn không có từ bi.

Đối với đối tượng: Với đối tượng không thích hợp với lời nói và việc làm của bạn, mà bạn cứ nói và làm, thì không những bạn gây thiệt hại cho bạn, mà bạn còn gây thiệt hại cho các đối tượng chung quanh bạn, điều đó chứng tỏ lời nói và việc làm của bạn không có từ bi.

Việc làm không có trí tuệ, từ bi sẽ dẫn đến hại mình hại người, hại cả hai, không những đời nầy mà còn cả đời sau.

Vì vậy, nếu bạn tự cho mình là người hiểu biết, thì trước hết phải biết những điều căn bản ấy để nói và làm, nhằm tạo ra phước đức cho tự thân của bạn và sự an lạc cho mọi người đang liên hệ với bạn.

Nếu nói và làm mà thiếu những điều căn bản ấy, thì không thể gọi là người có chất liệu hiểu biết và lại càng không thể gọi là người có chất liệu từ bi mà chỉ là người tự hại và hại người.

Vì vậy, ta phải trầm tĩnh và quán chiếu thật sâu sắc, trước khi nói và làm bất cứ một việc gì, dù điều ấy hết sức nhỏ nhặt.

 

 

PHẢI BIẾT

TỰ CỨU LẤY MÌNH

 

Khi ta đau, không còn có khả năng để ăn, có nhiều người thương và giúp cho ta đủ loại thực phẩm, nhưng ta không còn có khả năng nào để sử dụng, thì mọi thực phẩm bấy giờ đối với ta đều trở thành vô nghĩa.

Và khi ta có đầy đủ khả năng để ăn và có đầy đủ những sinh lực để sống, cho dù không ai giúp ta bất cứ thực phẩm nào, nhưng ta vẫn tìm đủ mọi cách tạo ra thực phẩm để dùng, bấy giờ thực phẩm nào đối với ta cũng đều có ý nghĩa.

Cũng vậy, khi ta không còn có bất cứ nội lực nào để sống, thì không còn có bất cứ một phép lạ nào có thể yểm trợ cho ta sự sống.

Ta phải có nội lực để sống trước khi nhận sự sống từ mọi phía.

Vậy, bạn hãy tự cứu lấy bản thân của bạn, trước khi cầu người khác cứu./.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

                      

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 



[1] Kinh Pháp Hoa - Phẩm Phương Tiện.

 
 
   
 
  
Tìm kiếm

 
  
Tìm trên:     hoangphap.info web khác
Visitor Number: 
Hôm nay