Cho Ngày Mai
Mặc Không Tử
Cập nhật: 16:06:00 29/08/2008

CHO NGÀY MAI

 

Mặc Không Tử

 

 

Chiều xuống. Phố núi chìm trong biển sương. Vài tia nắng còn rơi rớt lại trên ngọn thông khiến cho cảnh vật thêm lung linh, huyền ảo. Ngôi chùa của Tuệ nằm trên một ngọn đồi nhỏ, đủ để phóng tầm nhìn bao quát cả thành phố, nửa như thần tiên một cõi, nửa mang chút mộng mơ của xứ lạnh. Đó là những gì Tuệ thường tự hào khi nói về trú xứ của mình.

Hơn một tháng nay Tuệ sống khép mình, chìm đắm trong dòng suy nghĩ miên man bất tận, suy nghĩ về ngày mai, về tương lai của mình. Sau những giờ chấp tác cùng chúng, Tuệ thường thả bộ quanh đồi thông của chùa để quay về trò chuyện với con người trong cõi lòng mình. Tuệ thường tìm niềm vui trong tận cùng nỗi sầu. Có lẽ vậy mà trong đôi mắt Tuệ luôn mang một nỗi buồn u uất.

Một khi nỗi buồn chợt đến, Tuệ không khỏa lấp, không trốn tránh mà lặng lẽ ngắm nhìn nó như ngắm cảnh hoàng hôn xuống phố hay cảnh đêm về trên ngọn đồi sương khói phủ mênh mang. Với Tuệ, nỗi buồn có một cái gì đó gần gũi thân thương, một cái gì đó sâu xa trầm lắng, rồi phút chốc mình sẽ tự hòa tan, nó nhẹ nhàng biến mất, thầm lặng như lúc nó đến. Vì vậy mọi người thường gọi Tuệ là “bà cụ non”, một con bé trầm mặc, lạnh lùng. Cũng đúng thật, mới hai mươi hai tuổi đầu mà Tuệ đã có sự nhìn nhận về cuộc đời cũng như cách biểu hiện niềm vui, nỗi buồn khác hơn so với những bạn cùng trang lứa.

Nhớ ngày nào Tuệ chỉ là một con bé đến từ núi rừng Tây Nguyên. Vậy mà, thắm thoát đã gần mười năm Tuệ gắn bó với xứ lạnh này, được sư phụ cho xuống tóc, rồi cho đi thọ giới, vừa tốt nghiệp Phổ thông trung học liền được vào học Trung cấp Phật học. Ngày dự lễ mãn khóa, Tăng Ni sinh ai nấy đều hân hoan khi nhận văn bằng. Thế mà trên khuôn mặt Tuệ lại thoáng hiện nét buồn. Bạn bè thấy vậy hỏi đùa : “Tốt nghiệp hạng A ở lứa tuổi nhóc con, Tuệ còn muốn gì nữa nào”. Tuệ chỉ mỉm cười, im lặng. Ai mà biết được trong sâu thẳm tâm hồn, Tuệ đang suy nghĩ gì ? Buồn gì ?

Vốn mang trong người dòng máu trầm lặng của chốn Cố đô, lại được sinh ra ở chốn núi rừng hoang dã và giờ đây đang hít thở không  khí của xứ mộng mơ, nên Tuệ là một con bé vừa hơi “cứng đầu” vừa hơi “đa sầu đa cảm”. Điều này đã khiến cho sư phụ không ít phiền lòng. Những lần làm cho sư phụ buồn, Tuệ chỉ biết lặng lẽ nhận lỗi và tự cố gắng sửa đổi. Tuệ không muốn giải thích với ai về bất cứ việc gì, ngay cả với sư phụ. Tuệ biết bây giờ sư phụ đang còn giận Tuệ lắm. Có những lúc làm việc gần sư phụ, Tuệ định bày tỏ nỗi lòng mình để sư phụ cảm thông nhưng lại thôi. Bao lần Tuệ đến trước cửa phòng sư phụ toan đưa tay gõ cửa, nhưng … rồi lặng lẽ trở về phòng.

Trong cuộc sống hằng ngày, những lúc gặp chuyện khó xử, Tuệ thường ra trước tôn tượng Quan Âm lộ thiên. Khi đối diện với Ngài, Tuệ cảm nhận được từ trường giải thoát của Ngài truyền sang, cảm thấy nỗi buồn vơi đi và cõi lòng cũng trở nên thanh thản. Tuệ đã tỏ bày bằng sự im lặng và Ngài đã sẻ chia bằng tiếng nói vô ngôn. Nhưng còn chuyện suy nghĩ cả tháng nay thì Tuệ phải thưa với sư phụ chứ không thể im lặng bày tỏ với Bồ-tát được. Tối ấy, sau giờ tịnh độ, Tuệ đã đến trước phòng sư phụ, đứng lặng một hồi lâu. Cuối cùng Tuệ lấy hết can đảm đánh bạo vào thưa với sư phụ quyết định về Sài Gòn học của mình. Tuệ lo lắng không biết sư phụ sẽ phản ứng thế nào khi nghe được điều đó. Thế nhưng sư phụ đã im lặng lắng nghe và ôn tồn dạy bảo: “…con phải cố gắng tu học thật tốt, vì từ đây con không còn gần gũi sư phụ nữa”. Tuệ nghe lòng nhẹ nhõm, trút bỏ được gánh nặng cưu mang cả tháng nay. Tuệ thầm cảm ơn mẹ hiền Quan Âm đã ban cho sư phụ và mình một mối cảm thông để giờ đây sư phụ hiểu và tán đồng tâm tư nguyện vọng của Tuệ.

Thả bộ dưới ánh nắng chiều còn sót lại, Tuệ suy nghĩ thật nhiều về một ngày mai vào đời. Với Tuệ, những ngày cuối ở Đà Lạt sao qua nhanh chi lạ. Từng tia nắng, từng giọt sương, từng cánh hoa, từng chiếc lá … đều trở nên quá đỗi thân thương. Phải chăng cái gì sắp tuột khỏi tầm tay, chúng ta mới biết trân trọng, yêu mến nó. Mười năm, thời gian quá ngắn so với lộ trình tu tập để đạt được quả vị giải thoát, nhưng lại quá đủ để Tuệ trang bị cho mình những tư lương cần thiết bước vào đời. Tuệ thầm tri ân xứ ngàn hoa, nơi bốn mùa thông reo, nơi sương mù giăng phủ… đã nuôi lớn tâm hồn mình.

…Màn đêm lặng lẽ buông. Khí lạnh trùm khắp vạn vật. Tiếng đại hồng chung vang lên đưa Tuệ trở về thực tại. Cô bé  từ giã tất cả, trở vào chuẩn bị thời kinh Tịnh độ với khuôn mặt rạng ngời khi đã chọn được cho mình một hướng đi và quyết tâm đi trọn con đường ấy. Tuệ tự dặn lòng sẽ từng bước chuyển hóa nội tâm để thay đổi hoàn cảnh sống. Tuệ biết con đường mình sắp đặt chân lên sẽ lắm gian nan thử thách, nhưng không vì vậy mà Tuệ chùn bước hay đánh mất “tâm ban đầu” của mình. Từ đây Tuệ sẽ không chạy tìm hạnh phúc bên ngoài, vì niềm vui đã có sẵn. Tuệ nghĩ, không có con đường hạnh phúc mà chỉ có hạnh phúc trên con đường mà thôi.

Đạo quả giải thoát – mục đích tối hậu của người xuất gia – có lẽ còn quá xa đối với bao hành giả, với Tuệ. Song từ nay, ngay trong cuộc sống này, ngay trong từng phút giây, Tuệ nguyện quay về sống với chính mình, sống trọn vẹn với “cõi Niết Bàn của tự tâm”. Tuệ ước mong những Tăng Ni sinh với tuổi đời và đạo còn quá trẻ như Tuệ hãy luôn quay về với chính mình để sớm mai kia thức dậy bỗng thấy cuộc đời nở hoa.²


 
 
   
 
  
Tìm kiếm

 
  
Tìm trên:     hoangphap.info web khác
Visitor Number: 
Hôm nay