Tháp đá Báo Thiên,
chùa Bút Tháp
Tháp Phổ Minh,
chùa Phổ Minh, Nam Định
Trụ biểu chùa Thiên Mụ,
bình minh trong sương mù
  
 
   
 
 
Khắc phục định kiến (phần 2)...
Tenzin Palmo
Cập nhật: 11:57:00 03/05/2009

Khắc Phục Định Kiến Và

Tập Khí Chỉ Lo Nghĩ Cho Bản Thân

Phần II

 

Tenzin Palmo

 

(tiếp theo và hết)

 

Có rất nhiều điều ta có thể thực tập. Trước hết, ta khởi sự nỗ lực làm cho những người xung quanh ta được hạnh phúc. Đó là một sự thử thách đối với ta.

 

Có những người quá ư lo lắng cho thú rừng, cây cối, và môi sinh của chúng ta. Thật là tuyệt vời. Nhưng lắm lúc, cũng những người này lại đối xử thô lỗ với cha mẹ mình làm cho các bậc song thân đau lòng và ưu phiền. Ta phải bắt đầu ngay tại nơi nào mà mình có mặt, và với ai mà mình tiếp xúc. Nghĩa là bắt đầu với cha mẹ, vợ chồng, con cái, và bạn bè đồng nghiệp của ta. Hãy làm cho họ được hạnh phúc! Hãy thực tập lòng nhân từ, rộng rãi, thương yêu, khoan thứ đối với những người xung quanh ta, rồi đến người cùng làm việc với ta, và những người ta gặp gỡ. Hãy có mặt vì họ, hãy cư xử tử tế với họ, hãy nhớ rằng họ cũng muốn được hạnh phúc. Hãy cố gắng tránh tạo nên điều bất hạnh cho bất cứ ai. Hãy cố gắng mang niềm vui nho nhỏ cho người nào đó; một nụ cười hay một lời nói ân cần lan đi thật xa, có ảnh hưởng nhiều lắm. Hãy thôi đắm mình vào cái tôi. Hãy nhớ nghĩ tới những người khác. Cái gì mà ta muốn không thực sự quan trọng lắm đâu.

 

Thường thường, ta phấn đấu quá mức để nắm bắt niềm hạnh phúc cho mình bằng cách tìm kiếm cho được những gì mình muốn mà quên nghĩ tới những gì người khác muốn, cũng như làm thế nào để khiến cho người khác được hạnh phúc. Điều trớ trêu là nếu ta chân thật lo nghĩ cho người khác nhiều hơn cho chính ta, thì ta trở nên hạnh phúc. Một ngày nào đó khi ta thức giấc, ta nhận ra lòng mình vui vẻ ngay cả khi ta không hề tìm cầu hạnh phúc. Thật là ngược đời: khi ta ít nghĩ tới mình và nghĩ tới người khác nhiều hơn, nói chung thì ta lại càng có nhiều hạnh phúc hơn. Càng bị ám ảnh bởi niềm hạnh phúc cho riêng mình và ít quan tâm tới người khác, thì ta càng làm cho mình và những người xung quanh khốn khổ hơn.

 

Có rất nhiều điều ta có thể thực tập. Trước hết, ta khởi sự cố gắng mang hạnh phúc đến những người xung quanh ta. Đó là một sự thử thách đối với ta. Thật là dễ dàng hơn nhiều nếu chỉ ngồi và nghĩ: “Cầu mong sao cho chúng sanh ở khắp mọi nơi được an lành và hạnh phúc!” Và khi ta nghĩ tới những con căn-gu-ru (kangaroos), con opốt (possums), và con căn-gu-ru nhỏ (wallabies) dễ thương đang nhảy vòng quanh, ta rơi lệ. Nhưng rồi, nếu ta đang dự tính đi ra ngoài chơi vừa đúng lúc mẹ muốn mình rửa chén, mình lại tức tối. Tuy nhiên, mẹ là một chúng sanh hữu tình, người hôn phối là một chúng sanh hữu tình, con cái là những chúng sanh hữu tình, và hết thảy họ là những chúng sanh hữu tình ngay trước mặt ta. Đây là những người mà ta phải ước mong sao cho họ được khỏe mạnh và hạnh phúc trước nhất.

 

Theo truyền thống Tây Tạng, khi ta ngồi thiền hướng tâm tới hết thảy chúng sanh hữu tình, ta đặt cha phía bên phải, mẹ phía bên trái, và kẻ thù ở phía trước ta. Ta đặt những người ta không ưa thích ngay trước mặt ta, tiếp theo đó là gia đình, là bạn bè ta. Đây là một sự sắp xếp quyền xảo vì ta được nhắc nhở rằng họ không chỉ là những chúng sanh hữu tình chung chung có mặt nơi thế gian này – như những chấm nhỏ ở chân trời – mà họ thật là quan trọng và là những người mà ta phải ứng phó ngay tại đây, bây giờ. Đó là những người mà ta đang đề cập tới – những người có liên hệ và có mối tương quan nghiệp báo với ta. Mặc dù ta thích hay không thích những người này, họ là những chúng sanh hữu tình mong muốn được hạnh phúc, và ta có trách nhiệm làm cho họ được hạnh phúc.

 

Một lần nữa, chúng ta trở lại điều đầu tiên mà ta đã bắt đầu với sự cảm nhận được mối liên hệ thân thiết với gia đình, với dòng tộc, và sau đó với văn hóa của ta. Điều này rất quan trọng. Ta phải giữ sao cho được thăng bằng giữa việc dễ dàng bị chi phối bởi trách vụ làm phụ huynh và trách vụ đối với dòng tộc, cùng với thái độ tự do, thảnh thơi, thản nhiên của ta trước mọi sự việc. Một cách để thực hiện điều này là phải phát triển khả năng quay lại và cảm nhận chính con người mình (inner centeredness). Tại đây ta có thể bắt đầu hướng tâm đến tất cả chúng sanh quanh ta. Ta không còn cảm thấy cô đơn vì tận trong tâm khảm, ta thấy biết rõ ràng mình có liên quan với những chúng sanh đó. Ta không còn lo lắng về chuyện người khác nghĩ gì về mình; ta chỉ quan tâm làm sao có thể mang lợi lạc đến cho những người khác mà thôi.

 

Xã hội vật chất đã trở nên bị méo mó đến như vậy. Nó không ban cho chúng ta những gì mà nó đã hứa hẹn ban cho chúng ta. Nó không mang lại hạnh phúc và an lạc mãi mãi. Xã hội chỉ làm cho chúng ta cảm thấy thất vọng, chia rẽ, chán nản, tham cầu vô độ mà nó sẽ không bao giờ được đáp ứng cả, và một khoảng trống vắng to lớn trong tâm. Nhiều người cảm thấy mọi thứ vô nghĩa, và họ hoàn toàn tuyệt vọng. Có quá nhiều con bệnh trầm cảm – hãy nhìn xem nhiều người phải dùng thuốc, như là Prozac (thuốc trị bệnh trầm cảm). Người dân Tây Tạng chưa hề nghe qua những thứ thuốc này, như là Prozac.

 

Vậy thì tùy ta. Không ai có thể làm thế cho ta được. Mỗi người trong chúng ta có trách nhiệm đối với cuộc đời mình, để làm cho đời sống mình quay lại với chính mình và có định hướng rõ ràng. Có sẵn các phương pháp hết rồi, nhưng ta phải tự ứng dụng lấy. Khi tâm ta trong sáng, khi ta thực sự thấy biết sự việc ở một mức độ thấu đáo nào đó, lúc đó mọi sự việc trở nên thứ tự đâu vào đó. Rồi thì quá hiển nhiên ta cần phải làm gì. Nhưng không ai có thể làm thế cho ta được. Tương tự như là lội ngược dòng. Xã hội đang chảy xuôi dòng tới những vũng đầm lầy, đó là chảy xuống những mảnh đất hoang vu của nỗi niềm tuyệt vọng. Nếu ta buông xuôi theo dòng chảy đó, ta sẽ bị đắm thuyền và trôi giạt tới tận những nơi này. Vì thế ta phải lội ngược dòng, và điều này đòi hỏi nhiều nỗ lực tinh tấn. Như vậy, ta đang đi theo chiều hướng ngược lại với chiều hướng chung chung, nhưng khá lạ lùng là ta không trở nên xa lạ với chính mình.

 

Một lần nữa bằng cách nào đó, ta thực sự nối kết với con người của chính mình, không cảm thấy phân cách chút nào với mọi người xung quanh, ta cảm nhận thật sâu sắc mối liên hệ mật thiết này. Khi ta hướng đời mình đi đúng lối, lúc đó ta có thể giúp hướng dẫn những người khác cùng đi. Ta sẽ thu hút được những người cùng tâm ý, mà họ cũng bắt đầu nêu lên nghi vấn về những phong tục tập quán thời nay. Có lẽ ta sẽ sớm thưởng thức được xã hội và tình bạn với nhiều người tương hợp.

 

Đức Phật ca ngợi tình bạn rất nhiều. Có một mẩu đối thoại trong kinh điển khiến ta phải nghĩ ngợi, khi ngài A-nan (Ananda), thị giả của đức Phật, thưa với đức Phật như thế này: “Con nghĩ có được người bạn lành là có nửa cuộc đời thánh thiện.” Và đức Phật đáp lại: “Chớ nói vậy, thầy A-nan. Có được người bạn lành là có cả cuộc đời thánh thiện.”

Kết bạn với những người có cùng tâm ý hỗ trợ, thông cảm và giúp ích thì quan trọng vô cùng. Trong đời sống của ta, khi ta làm một cuộc hành trình theo phương hướng tâm linh mới mẻ này, thì những người này sẽ đến với ta. Họ được thu hút giống như là các thỏi nam châm.²

Tâm Diệu Phú dịch

 
 
   
 
  
Tìm kiếm

 
  
Tìm trên:     hoangphap.info web khác
Visitor Number: 
Hôm nay