Tháp đá Báo Thiên,
chùa Bút Tháp
Tháp Phổ Minh,
chùa Phổ Minh, Nam Định
Trụ biểu chùa Thiên Mụ,
bình minh trong sương mù
  
 
   
 
 
Làm sao để hiểu tâm mình
TN Giải Nghiêm
Cập nhật: 07:05:00 02/05/2009

Làm sao để hiểu tâm mình

Thanissaro Bhikkhu

Phương pháp thiền mà người ta chỉ dẫn thường rơi vào hai loại chính. Loại thứ nhất bảo mình phải làm gì – nghĩ như thế nào, quán tưởng như thế nào, thở như thế nào - để tạo ra một trạng thái nơi thân và tâm: cảm giác thênh thang rộng lớn, từ bi, hay có định vững vàng. Loại thứ hai bảo mình đừng làm gì cả. Chỉ có mặt, chấp nhận, và theo dõi những gì đang có đó.

Sở dĩ có hai đường lối như vậy, là vì tâm có hai loại vấn đề: loại chỉ rút lui khi nào mình chủ động giải quyết chúng, và loại rút lui khi mình đơn thuần theo dõi chúng một cách kiên nhẫn. Cơn giận chẳng hạn, đôi khi rõ ràng chỉ chịu rút lui khi mình ngồi xuống, nói chuyện với chính mình, dò cho ra những giả định nằm bên dưới cơn giận đó, và phân tích chúng cho đến khi mình bằng lòng công nhận rằng chúng không đáng để phải ồn ào lớn chuyện. Có những lúc khác, cơn giận tự phai đi dưới cái nhìn chằm chặp của mình.

Điều này có nghĩa là trong sự tu tập, ta không thể trông đợi một kỹ thuật hành thiền duy nhất làm tất cả mọi việc cho mình. Ta cần phải nắm vững cả hai cách. Không những vậy, ta còn cần phải biết cách nào áp dụng cho vấn đề nào, và làm sao để phối hợp chúng một cách tốt nhất. Để đạt được cái biết này, tuy vậy, không phải là một công việc cực nhọc vất vả. Kỳ thực, đó là một cuộc phiêu lưu. Ta cần phải tự mình khám phá, thử nghiệm, xem và phán đoán kết quả, và học từ các sai lầm của mình. Ta học làm sao để hiểu được tâm mình.

Đó là vì sao Đức Phật đã không dạy các kỹ thuật hành thiền mà thôi. Ngài còn dạy các kỹ năng cần thiết để có thể luôn luôn đọc được tâm ý: làm sao để hiểu những vận hành trong tâm để biết mình cần nhận diện những gì, và làm sao để phát triển những phẩm chất chân thật và kham xả mà ta cần phải có để có thể tin cậy được chính mình, với tư cách một người quán sát.

Chỉ trong bối cảnh ấy, Ngài mới dạy các kỹ thuật hành thiền, và thậm chí còn không giải thích cặn kẽ mọi thứ nữa. Ngài đặt ra những câu hỏi, và gợi ra những lĩnh vực để thử nghiệm. Thay vì tìm cách mớm cho mình câu trả lời, hay bó buộc không cho mình suy nghĩ, Ngài muốn sự hành thiền thu hút óc sáng tạo của mình để mình có thể phát triển được trí tuệ của chính mình và đạt được những cái thấy của chính mình. Chỉ khi nào mình thử nghiệm để nhận ra được cái gì công hiệu, cái gì không thì lúc đó mình mới hiểu được nhân và quả. Và chỉ do hiểu được Nhân quả mà mình mới có thể loại trừ được những nguyên nhân gây khổ và căng thẳng, và nuôi dưỡng được con đường đưa đến sự Giác ngộ chân chính.

Điều này cũng giống như việc học đàn. Học chơi các bài hát của người khác chỉ là một phần cần có để làm quen với cây đàn. Mình cũng muốn hiểu một ít nhạc lý và thực tập để phát triển lỗ tai nghe nhạc của mình. Rồi mình có thể dùng một số bài hát mẫu như điểm xuất phát cho những thử nghiệm và tức hứng của chính mình. Đó là khi mình có thể thực sự bắt đầu hiểu cây đàn, và khai thác trọn vẹn tiềm năng của nó.

Do vậy, nếu ta muốn khám phá tiềm năng của tâm mình, sự chuẩn bị hay nhất là xem lại các hướng dẫn hành thiền của Đức Phật trên ba lĩnh vực: sự hiểu biết, thái độ, và kỹ thuật (phương pháp.)

Sự hiểu biết:

 Để hiểu sự vận hành của tâm ý, ta phải hiểu về nghiệp (karma), hay hành động, vì nghiệp là cái tâm lúc nào cũng đang tạo tác. Nhờ xem những hành động của tâm ý mà ta có thể bắt đầu hiểu được tâm. Những nguyên nhân gây khổ là một dạng nghiệp, và sự kết thúc con đường đưa tới khổ cũng vậy.

Hai điểm quan trọng nhất trong giáo lý về nghiệp của Đức Phật – hai điểm khiến cho giáo lý của Ngài tách biệt hẳn với mọi giáo lý về nghiệp khác được giảng dạy đồng thời với Ngài – là nghiệp (karma) là ý hướng (ý định), và những gì thọ nghiệm trong hiện tại đều được định bởi hai loại ý hướng: quá khứ và hiện tại. Các ý hướng quá khứ đang chín mùi sẽ thiết lập một dãy khả năng mà ta có thể thọ nghiệm trong lúc này. Các ý hướng trong hiện tại của ta sẽ chọn lựa từ những khả năng có thể xảy ra kia để định hình cái mà ta thật sự thọ nghiệm. Ngay cả ý hướng chỉ có mặt thôi, hay chỉ quán sát thôi cũng vẫn là một ý định, và nó là một dạng nghiệp định nên cái mà mình thấy biết.

Trong khi thiền, những điểm này nhắc nhở ta rằng những gì ta thọ nghiệm trong hiện tại đến từ các ý định trong quá khứ, và cũng đến một phần từ các ý hướng trong hiện tại; ta phải có khả năng nhận ra sự khác biệt giữa hai cái nếu ta muốn hiểu được kết quả của những hành động hiện tại của mình. Giả dụ như trong lúc thiền tập, một ý nghĩ dục vọng - kết quả từ các ý hướng trong quá khứ - khởi lên trong tâm. Nếu ta không tỉnh táo, ta có thể nghĩ rằng việc hành thiền đang gây nên ý nghĩ dục vọng. Và như vậy, ta sẽ hiểu sai kết quả của các hành động hiện tại của mình. Kinh nghiệm cho thấy rằng thường thường một ý nghĩ chợt móng lên trong đầu mình đến từ các ý hướng quá khứ. Mình làm gì với nó tạo nên ý hướng hiện tại của mình. Ta không điều khiển được các ý hướng quá khứ - trong đó có những ý hướng xấu – nhưng ta có thể tạo nên sự thay đổi bằng các ý hướng hiện tại của mình. Ta có thể đối xử với ý nghĩ của mình một cách khéo léo – đưa tới những dạng hạnh phúc vô hại – hay là không khéo léo. Và cho dù nghiệp quá khứ của mình là gì đi chăng nữa, thì mỗi giây mỗi phút ta luôn luôn có thể chọn một ý hướng thiện.

Những điểm này quan trọng đến nỗi Đức Phật xem sự phân biệt giữa thiện và bất thiện là một trong những giáo huấn căn bản nhất của Ngài. Thiền tập cơ bản là nỗ lực để phát triển các ý hướng thiện, và từ bỏ các ý hướng bất thiện trong mọi nơi mọi lúc.

Điều này có nghĩa là thiền tập không phải chỉ là vấn đề buông xả. Hành thiền bao gồm vừa từ bỏ lẫn phát triển, cộng thêm một hoạt động thứ ba nữa, đó là: hiểu rõ cái gì là thiện hay bất thiện để biết phải làm gì lúc nào. Và chính là qua sự thử nghiệm mà mình tìm ra được hoạt động nào là phù hợp trong lúc đó.

Và, cũng lại giống như việc học chơi đàn. Ta khảy đàn và lắng nghe; nếu không thích những gì mình nghe, thì ta lại khảy khác đi, bớt vài nốt này, thêm vài nốt khác, cho đến khi nào nghe được cái vừa ý. Ta sẽ không học được gì về cây đàn nếu chỉ khảy mà không nghe, hay nghe mà không khảy. Điều này cũng đúng với tâm. Ta tìm hiểu cái gì gây nên khổ và cái gì dẫn đến sự chấm dứt khổ bằng cách khuyến khích các trạng thái nào đó nơi thân và nơi tâm, rồi xem xem mình được những gì. Đó là vì sao cả làm lẫn ngó đều cần thiết trong sự hành thiền, và chúng phải phối hợp với nhau để mang lại kết quả.

Thái độ:

Cũng như ta cần phải luyện tai để thẩm định tốt hơn việc chơi đàn của mình, ta cần phải phát triển những phẩm chất đáng tin cậy nơi tâm để có thể tin tin được những gì mình thấy khi quán tâm ý của mình. Bằng không, nếu không cẩn thận, sự hành thiền sẽ trở nên một trong những phương tiện trốn tránh khác của tâm. Ta có thể có một vấn đề phức tạp trong gia đình cần phải giải quyết, nhưng ta tự thuyết phục mình rằng nếu mình chỉ ngồi yên với nó, nó sẽ tự rút lui. Hay ta có thể có một sự ghiền nghiện đáng xấu hổ, nó sôi sục, day dứt chỉ vì mình không chịu nhìn vào nó, mà lại bận rộn với những thứ khác: các phép quán tưởng (hình dung), thở toàn thân – hay bất cứ cái gì ngoại trừ vấn đề trước mặt.

Để tránh vấn đề này, ta cần phải phát triển hai phẩm chất căn bản: kham xả và thành thật.

Trước khi dạy phép hành thiền với hơi thở cho Rahula, con trai của Ngài, Đức Phật dạy Rahula một bài tập mào đầu để phát triển tâm kham xả (nhẫn và xả). Ngài nói: hãy quán tâm mình như đất. Những thứ dơ bẩn được ném lên đất, nhưng đất không kinh tởm hay khó chịu. Khi ta làm cho tâm mình giống như đất, thì các cảm giác vừa ý hay không vừa ý đều sẽ không điều khiển tâm mình được.

Đức Phật không bảo Rahula trở nên một cục đất ù lì. Ngài chỉ dạy tôn giả hãy vững vàng, phát triển sức kham nhẫn, để khi những việc khó chịu xảy đến trong sự hành thiền của mình – như vẫn thường xảy ra – tôn giả sẽ không bị chao đảo. Khi những việc dễ chịu xảy đến, tôn giả sẽ không bị cuốn hút bởi sự dễ chịu, thích thú đó. Tôn giả sẽ có khả năng quán sát những hiện tượng lạc và bất lạc nơi thân và nơi tâm mà không vội vàng đi tới những kết luận hấp tấp.

Để phát triển đức thành thực trong thiền tập, Đức Phật dạy Rahula thêm một bài tập khác nữa. Ngài nói: Hãy nhìn tính Vô thường của các hiện tượng nơi thân và nơi tâm, để không xây dựng cảm giác “tôi là” quanh chúng. Ở đây, Đức Phật dạy thêm, dựa trên bài học Ngài đã dạy Rahula khi tôn giả mới bảy tuổi. Ngài từng nói: hãy tập nhìn các hành động của mình trước khi làm, trong khi làm, và sau khi đã làm xong. Nếu thấy mình đã hành động không khéo léo và gây tổn hại, hãy quyết tâm không lặp lại lỗi lầm đó nữa, rồi phát lộ với một người mình kính trọng.

Trong các bài học này, Đức Phật rèn luyện cho Rahula thành thực với bản thân và với kẻ khác. Và chìa khóa dẫn đến sự thành thực này là xem các hành động của mình như những thí nghiệm. Như vậy, nếu thấy kết quả không tốt, ta có tự do để thay đổi chúng theo ý mình.

Cũng vậy, thái độ này thiết yếu trong việc rèn luyện đức thành thực trong việc hành thiền của mình. Nếu ta xem mọi sự - tốt hay xấu - xảy đến trong khi hành thiền như một dấu hiệu cho thấy mình thuộc loại người nào, thì khó mà quán sát điều gì một cách trung thực. Nếu một ý hướng bất thiện khởi lên, ta có khuynh hướng hoặc mắng nhiếc chính mình là một thiền giả tồi tệ, hoặc che giấu ý hướng kia dưới lốt vỏ phủ nhận. Nếu một ý hướng thiện khởi lên, ta có khuynh hướng tự hào và thỏa mãn, xem đó như là một dấu hiệu của bản chất hiền thiện bẩm sinh của mình. Kết quả là ta không bao giờ thấy được các ý hướng ấy có thật sự hiền thiện như chúng thoạt nhìn có vẻ như vậy hay không.

Để tránh các cạm bẫy này, ta có thể tập nhìn sự việc đơn giản như là sự việc, mà không phải là những biểu hiện của Phật tánh bẩm sinh hay của sự xấu ác của con người mình. Và rồi ta có thể quán sát các sự việc một cách thành thật, để xem chúng đến từ đâu và sẽ đưa mình đến đâu. Khi ta phối hợp đức thành thật này với đức kham xả, ta ở vào một vị thế tốt để hiểu được tâm mình.

Kỹ thuật (phương pháp):

Đức Phật đã dạy hàng chục đề mục hành thiền để đối phó với những vấn đề khác nhau, nhưng có một đề mục được Ngài gọi là căn cứ địa của tâm Ngài: hơi thở. Có lẽ bởi vì hơi thở là cái ta có thể đơn thuần quán sát hay chủ động uốn nắn. Hơi thở là đề mục chung của cả hai loại hành thiền. Thỉnh thoảng ta có thể cần những đề mục khác để đối phó với những vấn đề riêng – như giận, tự mãn, hay tham dục – nhưng hơi thở quá gần gũi với tâm ý, nó là chỗ trụ tốt khi ta muốn tìm hiểu tâm đang cần gì. Thường thường, tự thân hơi thở có thể được dùng để đưa tâm trở về trạng thái ổn định.

Đức Phật đã giới thiệu mười sáu bước để thực tập với hơi thở. Hai bước đầu gồm những hướng dẫn đơn giản, không phức tạp. Những bước còn lại đặt những câu hỏi để thăm dò, khám phá. Như vậy, hơi thở trở thành một phương tiện để khai triển sự khéo léo của mình trong việc giải quyết các vấn đề của tâm, và rèn luyện độ nhạy cảm trong việc đo lường các kết quả.

Khởi đầu, chỉ đơn thuần để ý khi nào hơi thở dài, và khi nào hơi thở ngắn. Thế nhưng, trong những bước còn lại, ta phải tự rèn luyện chính mình. Nói khác hơn, ta phải tự tìm tòi làm sao để thực hiện những gì Đức Phật khuyên làm. Hai bài tập đầu là thở vào và thở ra nhạy bén với toàn thân, rồi làm lắng lại những hiệu ứng mà hơi thở tác động lên thân thể. Làm sao để làm điều đó? Ta phải thử nghiệm. Thở theo nhịp điệu nào, hình dung hơi thở theo cách nào thì có thể làm lắng lại hiệu ứng của nó lên thân thể? Hãy thử nghĩ về hơi thở không phải như không khí ra vào hai lá phổi mà như năng lượng lưu nhuận khắp châu thân, kéo theo không khí ra vào. Ta cảm thấy năng lượng đó lưu nhuận ở đâu? Hãy nghĩ như nó đang lưu nhuận ra vào ở sau gáy mình, nơi chân, tay, dọc theo các kinh mạch, trong xương mình. Hãy nghĩ như nó đang ra vào mỗi lỗ chân lông mình. Nó bị bế tắc ở đâu? Làm sao để khai thông những bế tắc đó? Bằng cách thở cùng với chúng? Quanh chúng? Xuyên thẳng qua chúng? Hãy xem xem cách nào công hiệu.

Trong khi mày mò với hơi thở như vậy, ta sẽ có lúc phạm những sai lầm – tôi cũng có những lần làm mình nhức đầu vì ép hơi thở hơi quá – nhưng với thái độ đúng, các sai lầm này trở thành những bài học trong việc tìm hiểu ảnh hưởng của nhận thức tác động lên cách ta thở như thế nào. Ta cũng sẽ bắt gặp mình mất kiên nhẫn hay nản lòng, nhưng rồi ta sẽ nhận ra rằng khi ta thở cùng với các cảm xúc này, chúng sẽ hết. Ta sẽ bắt đầu thấy được ảnh hưởng của hơi thở tác động lên tâm ý.

Bước kế tiếp là thở vào, thở ra với cảm giác sung mãn, khinh khoái. Ở đây, ta cũng sẽ cần phải thử nghiệm cả về cách thở lẫn cách quan niệm về hơi thở. Hãy để ý các cảm giác và quan niệm này tác động lên tâm ý như thế nào, và làm sao ta có thể làm lắng lại các ảnh hưởng đó để tâm cảm thấy nhàn tịnh nhất.

Khi hơi thở đã an tịnh, và ta đã được khinh khoái nhờ các cảm giác nhàn tịnh, thì đó là lúc ta sẵn sàng để quán sát tâm trong chính tự thân của nó. Thế nhưng, ta vẫn không rời hơi thở. Ta điều chỉnh sự chú ý (tác ý) của mình một chút để có thể quán sát tâm, trong khi tâm vẫn trụ vào hơi thở. Ở đây, Đức Phật khuyên ta thử ba lĩnh vực: Để ý làm sao để làm cho tâm được hân hoan khi tâm cần được hân hoan, làm sao để làm cho tâm vững chãi khi tâm cần được vững chãi, và làm sao để giải thoát cho tâm khỏi các gánh nặng và ràng buộc khi tâm sẵn sàng với sự giải thoát.

Đôi khi, việc làm cho tâm mừng vui và vững chãi đòi hỏi phải đưa vào các đề mục quán khác. Chẳng hạn như, để làm cho tâm hân hoan, ta có thể tu tập trú nơi từ tâm (thiện ý) không bờ bến, hay nhớ lại những lần trong quá khứ ta đã từng có giới đức hay sự rộng rãi (thí.) Để làm cho tâm được vững chãi khi bị chao đảo bởi dục vọng, ta có thể quán khía cạnh bất tịnh (không hấp dẫn) của thân người. Để tái lập điểm chú tâm khi ta hôn trầm hay tự mãn, ta có thể quán về sự chết - nhận thức rằng cái chết có thể đến bất cứ lúc nào, và ta cần phải chuẩn bị tâm mình nếu muốn đàng hoàng đối diện với cái chết - có thể làm ta giật mình cảnh tỉnh. Vào lúc khác, ta có thể làm cho tâm hân hoan hay vững chãi chỉ qua cách ta tập trung vào hơi thở. Chẳng hạn, thở vào qua tay và chân mình có thể giúp tâm trụ lại, khi định đã lung lay. Khi một điểm nơi thân không đủ để ta hứng khởi trụ lại, hãy thử để ý đến hơi thở nơi hai điểm đồng một lúc.

Điểm quan trọng là ta đặt mình vào chỗ cho phép mình có thể thử nghiệm với tâm, và đọc kết quả của các thí nghiệm của mình với độ chính xác càng ngày càng lớn. Ta cũng có thể thử thăm dò các kỹ năng này khi không ngồi trên toạ cụ: Làm sao để làm cho tâm hân hoan trong lúc bị bệnh? Làm sao để làm cho tâm vững chãi khi đối phó với một người khó chịu, khó chơi?

Để giải thoát cho tâm khỏi những gánh nặng của nó, ta chuẩn bị cho cái tự do tuyệt đối của Niết-bàn, trước tiên, bằng cách tháo gỡ cho tâm khỏi các vụng về, lúng túng để được định. Một khi tâm đã lắng xuống, hãy kiểm lại xem có cách nào để làm cho sự an tịnh đó vi tế, thâm diệu thêm không. Chẳng hạn, trong các giai đoạn đầu của định, ta cần liên tục hướng ý nghĩ của mình vào định, thẩm định (đánh giá) và điều chỉnh để làm cho hơi thở dễ chịu hơn. Nhưng một khi tâm đã lắng rồi, thì sự thẩm định hơi thở không còn cần thiết nữa. Lúc đó, ta tìm hiểu xem làm sao để làm cho tâm hợp nhất với hơi thở, và như vậy, ta tháo gỡ cho tâm bước vào một trạng thái tịnh lạc sâu sắc hơn.

Trong khi phát triển các kỹ năng của mình như vậy, các ý hướng ta dùng để nắn gọt kinh nghiệm của thân tâm mình càng lúc càng rõ ràng hơn. Tại điểm này, Đức Phật khuyên hãy xem lại chủ đề Vô thường, tìm cách nhận diện Vô thường nơi kết quả của từng ý hướng. Ta thấy rằng ngay cả những trạng thái tốt đẹp nhất tạo nên bởi các ý hướng thiện hảo nhất - những trạng thái định kiên cố và vi diệu nhất – cũng dao động và biến chuyển. Nhận ra được điều này sẽ đem lại sự nhàm chán, không còn ảo tưởng đối với mọi ý hướng. Ta thấy rằng cách duy nhất để vượt qua tính biến dịch này là cho phép mọi ý hướng dừng lại. Ta chứng kiến mọi thứ được xả bỏ, kể cả con đường (đạo). Cái còn lại là vô hành: bất tử. Ước muốn khám phá hơi thở đã đưa ta vượt khỏi phạm trù của mong muốn, của hơi thở, đến được Niết-bàn. Khi điều này xảy ra, ta biết ta đã hiểu đúng tâm mình.

Nhưng trong lúc này, ta phải hiểu đường hướng tổng quát của sự tu tập. Ta nhìn xem hơi thở hay tâm đang căng hay khổ ở chỗ nào; ta làm vài thử nghiệm – mày mò cái này, thăm thú cái kia - để xem cái gì làm vơi giảm sự căng hay khổ kia; và rồi ta nhìn lại, xem cách nào công hiệu, cách nào không. Rồi ta lại thử nghiệm thêm nữa. Ta tiếp tục mày mò, thăm thú. Nhưng ta không phải chỉ loay hoay suông. Ta đang tìm xem cái gì là lành thiện (khéo léo) và vô hại; ta đang áp dụng các phẩm chất thành thật và kham xả vào việc này, và ta học trong khi mày mò tìm hiểu. Ta có được niềm vui tạo ra những âm thanh tiêu khiển (và phù ảo) với cây đàn, và đồng thời, - một ngày kia, khi ta đặt cây đàn xuống - ta có được sự thỏa mãn đã thấu triệt được một kỹ năng.

Nguyên tác: ‘How to read your own mind’ của Thanissaro Bhikkhu.

Việt dịch: TN Giải Nghiêm


 

 
 
   
 
  
Tìm kiếm

 
  
Tìm trên:     hoangphap.info web khác
Visitor Number: 
Hôm nay