Tháp đá Báo Thiên,
chùa Bút Tháp
Tháp Phổ Minh,
chùa Phổ Minh, Nam Định
Trụ biểu chùa Thiên Mụ,
bình minh trong sương mù
  
 
   
 
 
Thiền định
TN Giải Nghiêm
Cập nhật: 13:14:00 25/04/2009

Thiền Định


(
TKN Giải Nghiêm dịch từ bản Pali-English của Tì Khưu Thanissaro. Xin chỉ dùng để phát tặng không, không bán.)

“Tôi bảo với quý thầy: sự chấm dứt lậu hoặc tùy thuộc vào sơ thiền… nhị thiền… tam thiền… tứ thiền… bình diện không gian vô biên… bình diện thức vô biên… bình diện không có một vật nào. Tôi bảo với quý thầy: sự chấm dứt lậu hoặc tùy thuộc vào bình diện không phải có tưởng cũng không phải không có tưởng.

“Nói rằng: ‘Tôi bảo với quý thầy: sự chấm dứt lậu hoặc tùy thuộc vào sơ thiền.’ Nói như vậy là nói về việc gì? Trường hợp một tì khưu, tách lìa khỏi dục, tách lìa khỏi các phẩm chất bất thiện, đi vào & an trú  trong sơ thiền: hỷ & lạc được sinh từ sự xa lìa, có tầm & tứ đi kèm. Vị ấy xem bất kỳ hiện tượng nào liên hệ đến sắc, thọ, tưởng, hành, thức cũng đều là vô thường, là gây khổ, là căn bệnh, là ung nhọt, là mũi tên, là gây đau nhức, là phiền não, là xa lạ, là sự tan rã, là không, là không phải ngã. Vị ấy xoay tâm mình khỏi các hiện tượng đó, và do làm như vậy, khiến tâm mình xuôi về lĩnh địa của bất tử: ‘Đây là tịnh, đây là diệu - sự giải tán của tất cả các hành; sự buông nhả mọi chấp thủ (hành trang)[1]; sự chấm dứt ái; ly tham; diệt tận; Niết Bàn/Giải Thoát.’

“Giả sử một người bắn cung hay một người học bắn cung tập bắn trên một hình nộm bằng rơm hay trên một ụ đất sét, để sau một thời gian người ấy có thể bắn xa, bắn đi những tràng liên tục & chính xác, và bắn xuyên qua những khối lớn. Cũng vậy, trường hợp một tì khưu… đi vào & an trú trong sơ thiền: hỷ & lạc được sinh từ sự xa lìa, có tầm & tứ đi kèm. Vị ấy xem bất kỳ hiện tượng nào liên hệ đến sắc, thọ, tưởng, hành, thức cũng đều là vô thường, là gây khổ, là căn bệnh, là ung nhọt, là mũi tên, là gây đau nhức, là phiền não, là xa lạ, là sự tan rã, là không, là không phải ngã. Vị ấy xoay tâm mình khỏi các hiện tượng đó, và do làm như vậy, khiến tâm mình xuôi về lĩnh địa của bất tử: ‘Đây là tịnh, đây là diệu - sự giải tán của tất cả các hành; sự buông nhả mọi chấp thủ (hành trang); sự chấm dứt ái; ly tham; đoạn diệt; Niết Bàn/Giải Thoát.’

“Trú tại ngay đó, vị ấy đạt tới chỗ chấm dứt lậu hoặc. Hoặc nếu chưa được như vậy, thì – do sự yêu mến pháp (pháp ái) này, sự vui thích nơi pháp (pháp hỷ) này, và sự dứt bỏ hoàn toàn năm cùm xích (kết sử) đầu[2] - vị ấy tái sinh [nơi các Tịnh Xứ], và được hoàn toàn giải thoát (vô dư Niết Bàn) tại đó, không bao giờ còn quay lại cõi giới này.

“Nói rằng: ‘Tôi bảo với quý thầy: sự chấm dứt lậu hoặc tùy thuộc vào sơ thiền.’ Nói như vậy là nói về việc này.

(Tương tự với nhị thiền, tam thiền và tứ thiền.)

“Nói rằng: ‘Sự chấm dứt lậu hoặc tùy thuộc vào bình diện không gian vô biên.’ Nói như vậy là nói về việc gì? Trường hợp một tì khưu, với sự vượt hoàn toàn lên trên các tưởng về hình sắc, với sự biến mất của các tưởng về đối chống, và không chú vào các tưởng về dị biệt, [cảm nhận:] ‘Không gian vô biên,’ đi vào & an trú trong bình diện của không gian vô biên (không vô biên xứ.) Vị ấy xem bất kỳ hiện tượng nào liên hệ đến sắc, thọ, tưởng, hành, thức cũng đều là vô thường, là gây khổ, là căn bệnh, là ung nhọt, là mũi tên, là gây đau nhức, là phiền não, là xa lạ, là sự tan rã, là không, là không phải ngã. Vị ấy xoay tâm mình khỏi các hiện tượng đó, và do làm như vậy, khiến tâm mình xuôi về lĩnh địa của bất tử: ‘Đây là tịnh, đây là diệu - sự giải tán của tất cả các hành; sự buông nhả mọi chấp thủ (hành trang); sự chấm dứt ái; ly tham; đoạn diệt; Niết Bàn/Giải Thoát.’

“Giả sử một người bắn cung hay một người học bắn cung tập bắn trên một hình nộm bằng rơm hay trên một ụ đất sét, để sau một thời gian người ấy có thể bắn xa, bắn đi những tràng liên tục & chính xác, và bắn xuyên qua những khối lớn. Cũng vậy, trường hợp một tì khưu… đi vào & an trú trong bình diện không gian vô biên. Vị ấy xem bất kỳ hiện tượng nào liên hệ đến sắc, thọ, tưởng, hành, thức cũng đều là vô thường, là gây khổ, là căn bệnh, là ung nhọt, là mũi tên, là gây đau nhức, là phiền não, là xa lạ, là sự tan rã, là không, là không phải ngã. Vị ấy xoay tâm mình khỏi các hiện tượng đó, và do làm như vậy, khiến tâm mình xuôi về lĩnh địa của bất tử: ‘Đây là tịnh, đây là diệu - sự giải tán của tất cả các hành; sự buông nhả mọi chấp thủ (hành trang); sự chấm dứt ái; ly tham; đoạn diệt; Niết Bàn/Giải Thoát.’

“Trú tại ngay đó, vị ấy đạt tới chỗ chấm dứt lậu hoặc. Hoặc nếu chưa được như vậy, thì – do sự yêu mến pháp (pháp ái) này, sự vui thích nơi pháp (pháp hỷ) này, và sự dứt bỏ hoàn toàn năm cùm xích (kết sử) đầu - vị ấy tái sinh [nơi các Tịnh Xứ], và được hoàn toàn giải thoát (vô dư Niết Bàn) tại đó, không bao giờ còn quay lại cõi giới này.

“Nói rằng: ‘Tôi bảo với quý thầy: sự chấm dứt lậu hoặc tùy thuộc vào bình diện không gian vô biên.’ Nói như vậy là nói về việc này.

(Tương tự với bình diện thức vô biên, và bình diện không có một vật nào.)

“Như vậy, các thiền định đắc được nhờ tưởng đi được đến đâu, thì giác trí thẩm nhập đến đó. Còn với hai xứ này - sự đắc được bình diện không phải có tưởng cũng không phải không có tưởng, và sự đắc được diệt thọ tưởng định – thì tôi bảo chúng (chỉ có thể) được liễu giải thực sự bởi các tì khưu có hành thiền, giỏi đắc nhập, giỏi đắc & xuất, những người đã đắc & xuất được nơi các xứ này.”

 

Xem thêm: AN 10.6; AN 10.7.

 


[1] Upadhi: nghĩa thông thường là hành trang mang theo, trên phương diện tâm lý thì đây là  cảm giác ‘tôi’ hay ‘của tôi’ mà một tâm thức chưa giác ngộ kè kè mang theo. Đây là nền tảng của hữu khiến có sự sinh tử trong ba cõi. HT Minh Châu dịch từ này là ‘sanh y’, có lẽ do tham khảo tự điển Pali-English của Nyanaltiloka (xuất bản lần đầu năm 1952.)

Trong Hán Tạng, ta thường thấy câu ‘buông bỏ gánh nặng xuống’ hay đúng ra là ‘buông bỏ  hành trang’ để nói tới một vị chứng A La Hán; ‘gánh nặng’ hay ‘hành trang’ đó tức là upadhi. Thầy Tuệ Sĩ chú giải Kinh Tạp A Hàm 785 (Sở Thuyết Bát Thánh Đạo) có chú chữ ‘thủ’ như sau: Hán: thủ , ở đây, Pāli: upadhi, sanh y, hay hữu y, tức sở y của tái sanh.

Culaniddesa - (Tiểu Nghĩa Thích, chứa các bài luận giải của Ngài Xá Lợi Phất (Sariputta)) - liệt kê mười loại hành trang/thủ trước là: 1/ khao khát (ái trước), 2/ quan điểm (kiến trước), 3/ phiền não (cấu trước), 4/ hành động (nghiệp trước), 5/ tội, 6/ thức ăn (vật chất và tinh thần, Tứ Thực), 7/ sự kháng đối (khuể trước), 8/ tứ đại, 9/ sáu trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp), và 10/ sáu thức (nhãn thức, nhĩ thức, tỉ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức.) Chỗ không có thủ trước hay không có hành trang tức là Niết Bàn; Hán Tạng dịch là ‘vô sở trước’ (無所著.)  (Chữ trước có nghĩa là mặc, quàng, máng vào.) - Một từ liên hệ đến upadhi là upàdi: ‘sở trước’ cái được nắm bắt, bám víu, ví dụ như năm uẩn. Trong Kinh từ này thường được dùng trong chỗ tả 2 loại quả: vô dư hay hữu dư (sati upàdi-sese.) -

Ngày nay nhiều người giảng chữ ‘trước’ với ý nghĩa là tâm tình dính mắc vào sự vật không thoát ra được (như Hán Việt Tự Điển của Minh Chi), có lẽ đã phần nào làm nhẹ đi (hay để sót) nội dung quan trọng là cảm giác ‘tôi’ hay ‘của tôi’ dựa trên các ‘món hành trang’ này (sự chấp ngã), và đó là nền tảng của sinh tử.

Tóm lại, upadhi (acquisitions) đã được dịch trong Hán Tạng là gánh nặng, hành trang, trước, hay thủ trước, và gần đây (hậu bán thế kỷ 20) còn được dịch là ‘sanh y’ hay ‘hữu y’ (có lẽ do ảnh hưởng tự điển Buddhist Dictionary của Nyanatiloka.)

[GN – tham khảo chú giải các Kinh Itivuttaka (Phật Thuyết Như Vậy) trong Tiểu Bộ (Khuddaka Nikaya) của thầy Thanissaro, các chú  giải các kinh A Hàm của thầy Tuệ Sĩ, và các tự điển Phật Học của Nyanatiloka, Minh Chi]

[2] Thân kiến (quan niệm cho mình là một cái gì), giới cấm thủ, nghi (do dự), tham dục, và kháng đối. [Thanissaro]

 

 
 
   
 
  
Tìm kiếm

 
  
Tìm trên:     hoangphap.info web khác
Visitor Number: 
Hôm nay