Đôi bạn hành hương
(Công Chúa Tinh Khôi và Hoàng tử Ếch)
Chiêu Hoàng
Chương 5: Mùi hương
Cả hai đi khoảng ba ngày đường thì ra khỏi cánh rừng. Họ đến một ngôi làng nhỏ. Nơi đây chắc còn xa thị tứ nên dân cư thưa thớt. Phần đông làm nghề đốn củi và trồng trọt một vài loại ngũ cốc để trao đổi. Họ dùng một loại tiếng thổ ngữ rất khó nghe. Có một điều lạ là ở đây người nam cũng như người nữ đều ăn mặc giống nhau, cùng mặc những bộ quần áo chẽn màu đen hoặc nâu. Có lẽ mặc như vậy cho dễ đốn củi, trồng trọt chăng?
Ếch cũng biến ra một bộ quần áo kiểu thư sinh và một tấm khăn vuông bịt đầu cho công chúa. Tuy nàng không son phấn và mặc bộ quần áo kiểu đàn ông rộng thùng thình, nhưng vẫn không giấu được nét thanh tú trên gương mặt. Cả hai cùng khúc khích cười về bộ quần áo mới.
Ếch khen:
– Công chúa mặc bộ này trông ngồ ngộ và... xinh trai làm sao! (giả vờ trêu) Chết! Coi chừng đấy nhá. Ra ngoài đường gặp mấy anh “bóng” thì có mà chạy te tua, không chừng còn bị mấy anh mê mệt đi theo về đến tận nhà.
Công chúa nhăn mặt:
– Eo ơiiiii! Ếch đừng có hù à nha. Phỉ thui nè! Coi chừng nói trúng giờ thiêng là bị vận vào người đó!
Nói rồi, công chúa vội vã chu miệng thổi phù phù chung quanh. Còn Ếch thì nổi lên tiếng cười ròn rã. Tinh nghịch, công chúa cố tình thổi văng nước bọt lên người Ếch rồi kêu lớn:
– Tránh ra... tránh ra... Coi chừng nước bọt văng trúng... Hi...hi..hi...
Ếch vội vã nhập cuộc:
– Ối chà! Sao tự nhiên lại có một trận mưa thế này? Ướt hết... má trái của tại hạ rồi! Ha...ha...ha!
– Hi...hi...hi...
Cả hai cùng cười nói và bắt đầu đi xuống phố. Vừa xuống đến khu thị tứ, công chúa bỗng giật mình khi thấy hình mình dán đầy khắp mọi nơi. Xem ra mới biết, triều đình đã báo tin công chúa bị mất tích mấy hôm nay. Sẽ trọng thưởng cho ai tìm ra được, hay ít nhất, biết được bất cứ tin tức nào của nàng.
Lo sợ bị nhận diện, công chúa bảo với Ếch:
– Ếch à. Chắc có lẽ ta phải cải trang thành một gã hán tử. Hay là Ếch biến ra cho ta một bộ ria mép và cặp lông mày đậm nhé?
– Được!
Tức thì, trên tay công chúa đã có những thứ nàng yêu cầu. Công chúa vội vã vào một nơi khuất, lục trong túi lấy ra một cái gương nhỏ, loay hoay dán bộ ria mép lên môi. Nhưng chừng như cũng chẳng ổn, vì vừa gắn lên, công chúa đã bị hắt xì liên tiếp, khi ngừng được thì bộ ria bị lệch qua một bên, nhìn vào gương, cả công chúa và Ếch đều phá lên cười lớn. Trông công chúa... tếu không chịu được! Công chúa bèn vất bộ ria qua bên, còn lại cặp lông mày đậm, nàng cẩn thận dán chồng lên đôi mày thanh tú của nàng. Nay, công chúa bỗng trở thành một hán tử khá xinh trai.
Càng đi sâu vào dòng phố chính, dân cư càng đông đúc, tấp nập. Tiếng rao của người bán hàng, tiếng người cười nói, tiếng vó ngựa gõ cồm cộp xuống mặt đường v.v... tạo nên một âm thanh hỗn độn, hối hả. Nhịp sống đang vội vã chảy xuôi. Dân chúng như đang quay cuồng trong một sức hút vô hình nào đó. Họ hối hả làm việc, ăn, chơi, ngủ nghỉ và cầu nguyện. Họ làm tất cả những điều đó và chạy theo thời gian một cách máy móc. Những nỗi buồn, niềm vui trôi nổi như bọt nước theo giòng. Nơi kia, một phụ nữ đang ôm xác đứa con khóc ngất. Bên vỉa hè, một người ăn mày đang ngủ gật bên cái ống bơ trống rỗng. Trong quán rượu, cả trăm cái miệng há ra ăn, nuốt, nói chuyện ồn ào, những chuyện tầm phào không mang lại một chút hữu ích gì cho đời sống tâm linh.
Mọi nơi...
Mọi chốn...
Nhịp sống ồn ào suôi xuôi chảy, quẩn quanh...
Bất–khả–hủy–diệt...
Công chúa và Ếch như hai thành phần lạc lõng. Họ giống như hai người khách đi xem một màn kịch. Vừa đi, vừa lạ lùng, thích thú. Nhưng mục đích của họ vẫn nhắm hướng bắc mà tiến.
Thương công chúa đi đường vất vả. Ếch vào tiệm mua một con ngựa. Cũng may, vừa đúng lứa ngựa non mới lớn, Ếch chọn được một con khá khỏe mạnh, thon gọn, giống ngựa có sức chịu đựng rất dẻo dai dùng để đi đường trường.
Đi khoảng thêm mươi ngày đường thì họ vào một khu chợ. Nơi đây, gần cả một khu phố lớn chỉ chuyên bán cơ man nào là những loại hương đủ mùi, đủ loại. Có những mùi thật nồng, ngửi qua đã thấy choáng váng, chóng mặt. Có những mùi nhẹ như mùi trầm, thoang thoảng, dịu dàng.
Công chúa tò mò, dừng chân trước một gian hàng lớn, trước mặt xếp đầy những hộp hương đủ cỡ, dài có, ngắn có, tròn có, vuông có v.v... được đựng trong những hộp vẽ đầy hình sắc sặc sỡ. Nàng tò mò, cầm lên một hộp vẽ hình đôi rồng đang quấn lấy nhau. Ếch bảo khẽ:
– Đây là một loại hương làm bằng nước dãi của loài rồng. Nước này chỉ chảy ra khi hai con đang giao hợp. Người nghe mùi hương này sẽ rất bị kích thích về tình dục.
Công chúa ngạc nhiên:
– Thật vậy sao?
– Ta có nói dối công chúa bao giờ?
– Lạ nhỉ...
Đang ngẩn ngơ thì ông chủ (chắc thế) vừa mập, vừa béo phệ lúp xúp chạy ra. Lão hơi khựng lại vì trông thấy một hán tử rất xinh trai, có khuôn mặt đẹp như con gái, với chiếc miệng đỏ như son. Trên vai, một con Ếch tam sắc với hạt ngọc xanh biếc đính trên trán. Nhìn qua, lão biết ngay không phải là người địa phương, chắc chắn phải là người phương xa tới, nhưng lão đã quen với khách hàng như thế. Điều “cấm kỵ” nhất là không nên tò mò hỏi han. Bằng một cử chỉ rất nhà nghề đầy kinh nghiệm, lão đon đả mời chào:
– “Công tử” muốn mua hương hả? Thật đúng lúc, hàng chúng tôi mới về hôm qua. Đủ mùi cho công tử chọn lựa (chợt nhìn thấy công chúa đang cầm hộp hương trên tay, gã cười – nụ cười hóm hỉnh – như biểu đồng tình). Phải đó, hương này đang bán chạy lắm, vị công tử nào cũng muốn tìm mua cho bằng được để dùng thử. Bảo đảm! Tốt lắm đấy! Mùi hương quyến rũ, vừa thơm lại vừa nhẹ...
Công chúa đỏ mặt, ấp úng:
– Không... ta chỉ coi cho... biết thôi...
Sốt sắng, người bán hàng đon đả:
– Vậy công tử có cần mua hương gì không? Ở đây, chúng tôi có đủ loại, từ các loại hương trầm cho tới các loại hương hoa.
– Lão có các loại hương nào, nói nghe thử?
– Ôi chào, đủ thứ! Này nhé, hương hoa huệ, hoa cúc, hoa nhài, hoa ngọc lan v.v... Nếu công tử muốn, ta còn có loại làm bằng nước nữa cơ. Nước hoa thì đắt hơn, nhưng thơm rất lâu.
– Còn hương trầm thì sao, lão có không?
– Hương trầm hả? Có chứ! Chúng tôi để ở kệ bên kia (vừa nói, lão vừa chỉ tay về một cái kệ cao để cuối phòng)
Công chúa và Ếch phóng mắt nhìn về cuối phòng. Ếch nói khẽ:
– Chà. Ông chủ này cũng chịu khó nghiên cứu về hương. Có những loại hương thật hiếm cũng thấy bày bán nơi đây.
– Chẳng hạn như?
– Chẳng hạn như hương chiên đàn kìa. Cây chiên đàn hình như còn rất ít trên thế gian. Giống này một vài nơi đã bị biến mất rồi.
– Phải, nghe nói mùi chiên đàn rất thơm. Phần đông họ dùng cây chiên đàn để đẽo thành tượng Phật, để hoài cũng không hết mùi hương.
Công chúa đi một vòng quanh tiệm, vừa xem, vừa lạ lùng. Cơ man đủ loại hương, đủ loại mùi. Rồi nàng lại ngẩn ngơ suy nghĩ. Quái, chỉ có mùi hương thôi mà cũng làm cho thiên hạ... đảo điên!
Ếch tiếp:
– Mùi hương cũng chiếm một vị thế rất quan trọng. Đôi khi chỉ cần ngửi mùi mà tâm thức người nghe cũng thay đổi: buồn, vui, an lạc hay rạo rực vì dục tình.
– Ồ... lạ nhỉ?
– Phải, thường mùi trầm làm cho tâm thức an lạc. Hơn thế nữa, hương trầm hình như cũng trị được vài căn bệnh. Rất tiếc là ta không nhớ rõ nó trị được bệnh gì. Còn các loại hương khác làm từ những đóa hoa thì làm cho người ngửi hay bị quyến luyến. Chính vì vậy mà mấy cô thiếu nữ hay bôi nước hoa lên thân thể. Mùi hương của nước hoa làm cho các chàng say mê, đêm ngày chỉ tưởng đến mùi hương ấy, rồi từ mùi hương sinh ra say mê người ngọc lúc nào không biết.
– Thế còn... còn...(công chúa đỏ mặt, nhưng vì tò mò quá đành... đánh liều... hỏi đại) còn... còn... mùi hương làm từ nước dãi loài rồng như Ếch vừa nói thì sao?
– À... mùi đó là một loại dùng để kích thích về tình dục mà thôi. Người ngửi mùi này, tâm sinh ra một cảm giác bị kích thích. Tựa như người vừa nhấp chút rượu mạnh, tâm thần trở nên dễ dãi và ưa thích dấn thân trong những cuộc hoan lạc. Trong các loài hoa cũng thế, có loài tỏa ra những mùi thơm nhè nhẹ nhưng ngát cả một vùng. Còn có những loài, mùi của nó hôi đến độ không ai muốn đến gần cả. (đổi giọng) Công chúa nên biết, trong mỗi chúng ta cũng đều có mùi hương riêng của mình. Có người có những mùi rất nồng, phần do bản chất tự nhiên, phần cũng do từ lối ăn uống không điều độ, hoặc ăn quá nhiều các chất kích thích như hành, tỏi v.v... Mùi nồng tới độ làm cho những người chung quanh không thể chịu nổi. Lại còn có những mùi nhẹ nhàng làm cho thân tâm rất an lạc, hay dìu dịu, thoang thoảng rất khó quên. (mỉm cười, thấp giọng như thủ thỉ) Hình như công chúa không dùng nước hoa bao giờ? Từ khi ta gặp nàng, được nàng để trên vai, ta chỉ nghe được mùi hương của nàng, mùi hương của tóc... của vai... của da thịt...
Công chúa thẹn quá hóa giận, kêu lên, vội nhấc bổng Ếch cầm trên tay:
– Trời ơi! Hóa ra từ đó đến giờ Ếch... ăn cắp mùi hương của ta...
Ếch xụ mặt:
– Sao công chúa lại nói oan cho ta như thế? Ta chẳng có ý ăn cắp của ai bao giờ. Chỉ là tình cờ, ta được hưởng như thế thôi.
Công chúa vùng vằng, hờn dỗi:
– Thôi, từ giờ về sau ta không để Ếch trên vai nữa...
– Tại sao?
– Tại vì...
– Vì...!?
– Vì... Ếch sẽ ngửi được mùi... hương của ta...
– Trễ lắm rồi! Ta đã quen mùi ấy từ lâu rồi. (trách khẽ) Công chúa không để ta trên vai nữa thì... ác lắm đấy nhé! Chúng ta đều ước được làm “một Phật tử chân chính” thì không bao giờ nên có tâm làm cho người khác khổ cả...
Công chúa im lặng...
Một lần nữa, nàng lại chào thua trước luận điệu của Ếch...
|