Ghi ơn tiền bối
HT Thích Thiện Hoa
Cập nhật: 08:12:00 20/04/2009

GHI ƠN TIỀN BỐI

50 NĂM (1920-1970)

CHẤN HƯNG PHẬT GIÁO VIỆT NAM

Sa môn THÍCH THIỆN HOA soạn

 

TIỂU SỬ

BỒ TÁT QUẢNG ĐỨC

 

I – THỜI KỲ THIẾU NIÊN

Bồ Tát sinh năm 1897, tại làng Hội Khánh, quận Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, Trung Việt; tên đời Lâm Văn Tuất, pháp danh Thị Thủy, pháp tự Hành Pháp, pháp hiệu Quảng Đức.

Lên 7 tuổi, Bồ Tát được song thân cho xuất gia học đạo, thọ giáo với Hòa Thượng Thích Hoằng Thăm. Năm 15 tuổi, Bồ Tát thọ giới Sa Di, năm 20 tuổi thọ giới Tỳ Kheo và Bồ Tát. Sau khi thọ giới, Bồ Tát ở tu 3 năm tại núi Ninh Hòa. Sau đó, Bồ Tát tu hạnh Đầu Đà, một mình với chiếc bình bát đi Hóa-Đạo khắp nơi, rồi về nhập thất tại chùa Thiên Ân, Ninh Hòa, Nha Trang.

II – THỜI KỲ TRUNG NIÊN

Năm 1932, chi hội An Nam Phật Học tại tỉnh Ninh Hòa, thỉnh Bồ Tát làm Chứng Minh Đạo Sư. Và Giáo Hội Tăng già Trung Việt mời Bồ Tát làm chức Kiểm Tăng ở tỉnh Khánh Hòa. Trong thời gian hành đạo ở miền Trung, Bồ Tát đã kiến tạo và trùng tu được 14 ngôi chùa.

Năm 1943, Bồ Tát vào Nam đi Hóa-Đạo các tỉnh Sài gòn, Gia Định, Bà Rịa, Long Khánh, Định Tường, Hà Tiên, rồi Bồ Tát đến Nam Vang 3 năm nghiên cứu kinh điển chữ pali.

Hai mươi năm hành đạo ở miền Nam, Bồ Tát đã khai sơn và trùng tu được 17 ngôi chùa. Như thế là Bồ Tát đã có công trùng tu và khai sơn tất cả 31 ngôi chùa. Bồ Tát thường ở chùa Long Vĩnh, nên được người đời gọi là Hòa Thượng Long Vĩnh.

III – THỜI KỲ LÃO THÀNH

Năm 1953, Giáo Hội Tăng già Nam Việt mời Bồ Tát làm chức Trưởng Ban Nghi Lễ. Và theo lời thỉnh cầu của hội Phật Học Nam Việt, Bồ Tát nhận làm chủ trì chùa Phước Hòa (Bàn Cờ), trụ sở của Hội.

Đến năm 1963, vì thấy chế độ tàn bạo độc tài, âm mưu tiêu diệt Phật-giáo của Ngô Triều, nên Bồ Tát phát nguyện thiêu thân để cứu nguy cho Dân tộc và Đạo pháp.

IV – THỜI KỲ SẮP VIÊN TỊCH

Đến ngày 20.4 nhuần năm Quý Mão (11.6.1963), sau buổi lễ cầu siêu tại chùa Phật Bửu, hàng ngàn Tăng Ni đang diễn hành trên các đường phố để đòi chính phủ thực thi 5 nguyện vọng chân chính của Phật-giáo và đòi phải chấm dứt chính sách kỳ thị tôn giáo. Khi đến ngã tư đường Phan Đình Phùng và Lê Văn Duyệt, Bồ Tát từ trên xe ung dung bước xuống, đến ngồi kiết già tại giữa ngã tư, rồi tự tay mình quẹt lửa châm vào y hậu. Sau khi ngọn lửa bắt xăng bốc cháy cao phủ kín cả thân người trên 15 phút, Bồ Tát vẫn ngồi kiết già lưng thẳng như tượng đồng đen, tay còn bắt Ấn Tam Muội. Đến lúc lửa hạ ngọn, Bồ Tát gật đầu 3 lần như cuối chào vĩnh biệt, rồi ngã ngửa xuống.

Trước giờ thị tịch, Bồ Tát thốt ra những lời tâm huyết như sau:

“Trước khi tôi nhắm mắt về cảnh Phật, tôi trân trọng gởi lời cho Tổng thống Ngô Đình Diệm, nên lấy lòng Từ Bi Bác Ái mà đối xử với quốc dân và thi hành chính sách bình đẳng tôn giáo, để giữ vững nước nhà muôn thuở.”

   Và Bồ Tát không quên nhắn nhủ Tăng Ni và Phật tử như sau:

   “Tôi thiết tha kêu gọi chư Thượng Tọa, Đại Đức, Tăng Ni và Phật tử nên đoàn kết nhất trí, hy sinh để bảo tồn Phật Pháp.”

Kim thân của Bồ Tát Quảng Đức quàn lại chùa Xá Lợi 5 ngày. Đến ngày 16.6.1963, Tất cả Tăng Ni và Phật tử trong Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật-giáo đưa Ngài về an dưỡng địa, cử hành trọng thể lễ Trà tỳ.

Sau khi hỏa thiêu suốt ngày, xương thịt đều tiêu hết nhưng trái tim Bồ Tát vẫn còn y nguyên, mặc dù đã thiêu bằng lửa điện trên 6 tiếng đồng hồ. Hiện nay trái tim Bồ Tát tôn thờ tại chùa Ấn Quang trụ sở tạm của Giáo Hội Phật-giáo Việt-Nam Thống Nhất.

Sự thị tịch của Bồ Tát, có 2 điều huyền diệu:

1.      – Khi lửa cháy phủ người mà Ngài vẫn ngồi như tượng đồng đen, tay bắt ấn tam muội, chân ngồi kiết già, không hề lay chuyển.

2.      – Khi trà tỳ, xương thịt cháy hết, trái tim vẫn còn y nguyên. Sự huyền diệu này làm cho Tăng Ni và Phật tử trong ngoài nước đều vô cùng kính phục.

Linh cốt Bồ Tát, được tôn thờ tại các chùa như sau:

3.      – Việt Nam Quốc Tự, Trụ sở Viện Hóa-Đạo.

4.      – Chùa Ấn Quang, trụ sở Giáo Hội Tăng già toàn quốc.

5.      – Tháp Đa Bảo, chùa Phước Hậu, Trà Ôn.

6.      – Chùa Từ Nghiêm, trụ sở Ni Bộ Bắc Tông, …

7.      – Chùa Quán Thế Âm (Phú Nhuận) nơi di tích cuối cùng của Bồ Tát QUẢNG ĐỨC.

Tóm lại, Bồ Tát dùng nhục thân làm ngọn đuốc, đốt lên để phá tan mây vô minh hắc ám của Ngô Triều, làm chấn động năm Châu, tất cả các nước trên Thế Giới đều bênh vực Phong trào tranh đấu chân chánh của Phật-giáo.

Nhờ ngọn lửa từ bi của Bồ Tát mà cứu nguy được cả Dân tộc và Đạo pháp, làm cho Liên Hiệp Quốc phải tận tâm chú ý đến nước Việt Nam bé nhỏ này và cử một phái đoàn đến can thiệp; cả Thế giới đều kính phục sự can đảm anh dũng của Dân tộc Việt Nam nói chung và của Phật-giáo nói riêng.

Bồ Tát tuy viên tịch, nhưng ngọn lửa Đại Hùng, Đại Lực Đại Từ Bi của Bồ Tát vẫn còn sáng chói mãi trong lòng người Phật tử trong và ngoài nước đến muôn đời chẳng hết.

Nam mô Đại Hùng, Đại Lực, Đại Từ Bi QUẢNG ĐỨC Bồ Tát.

 

LỬA TỪ BI

  Kính dâng lên Bồ Tát Quảng Đức.

Lửa! Lửa cháy ngất Tòa Sen!

Tám chính phương nhục thể trần tâm hiện thành THƠ, quỳ cả xuống.

Hai vầng sáng rưng rưng

Đông Tây nhòa lệ ngọc

Chắp tay đón một Mặt Trời Mới Mọc

Ánh Đạo vàng phơi phới, đang bừng lên dâng lên …

Ôi ! Đích thực hôm nay Trời có Mặt

Giờ là Giờ Hoàng Đạo nguy nga.

Muôn vạn khối sân si vừa mở mắt

Nhìn nhau: tình huynh đệ bao la.

Nam Mô Đức Phật Di Đà

Sông Hằng kia, bởi đâu mà cát bay?

Thương chúng sinh trầm luân bể khổ

NGƯỜI rẽ phăng đêm tối đất dày

Bước ra, ngồi nhập định, hướng về Tây

Gọi hết LỬA vào xương da bỏ ngỏ

Phật pháp chẳng rời tay …

Sáu ngả luân hồi đâu đó

Mang mang cùng nín thở

Tiếng nấc lên ngừng nhịp Bánh Xe Quay.

Không khí vặn mình theo, khóc òa lên nổi gió;

Người siêu thăng … Giông bão lắng từ đây,

Bổng người vượt chín tầng mây

Nhân gian mát rợi bóng cây Bồ Đề

Ngọc hay đá, tượng chẳng cần ai tạc!

Lụa hay tre, nào khiến bút ai ghi.!

Chổ Người ngồi: Một thiên thu tuyệt tác

Trong vô hình sáng chói nét Từ Bi.

Rồi đây, rồi mai sau, còn chi?

Ngọc đá cũng thành tro, lụa tre dần mục nát

Với thời gian lê vết máu qua đi.

Còn mãi chứ ! Trái tim BỒ TÁT

Gội hào quang xuống tận ngục A Tỳ.

Ôi ngọn Lửa Huyền Vi!

Thế giới ba nghìn phút giây ngơ ngác

Từ cõi Vô Minh

Hướng về Cực Lạc.

Vần điệu của thi nhân chỉ còn lại rơm rác

Và chỉ nguyện được là rơm rác

Thơ cháy lên theo với lời Kinh

Tụng cho Nhân Loại Hòa Bình

Trước sau bền vững tình Huynh Đệ này.

Thổn thức nhẹ lòng Trái Đất

Mong thành Quả Phúc về Cây,

Nam mô Thích ca Mâu Ni Phật

Đồng loại chúng con nắm tay nhau tràn nước mắt

Tình thương hiện Tháp Chín Tầng xây.

VŨ HOÀNG CHƯƠNG

Sài gòn – 1963

 

TIỂU SỬ

Đại Đức THÍCH NGUYÊN HƯƠNG

 

Đại Đức THÍCH NGUYÊN HƯƠNG 23 tuổi, hiệu là Đức Phong, tục danh là Huỳnh Văn Lễ, sanh năm 1940, tại làng Long Tỉnh, xã Liên Hương, Quận tuy Phong, Tỉnh Bình Thuận (Trung Việt). Thân phụ là Huỳnh Thân, Thân Mẫu là Trương Thị Lang, chỉ sanh một mình Đại Đức, đặt tên là Huỳnh Văn Lễ.

Trong thời thơ ấu, vì nhà ở sát chùa, nên Đại Đức thường được mẹ dẫn dắt tới lui cảnh thiền môn để lễ Phật nghe kinh. Do đó, năm vừa lên 6, lòng mến đạo đã thấm nhuần trong tâm tưởng, Đại Đức được cha mẹ cho xuất gia học đạo, và được Thượng Tọa Thích Quang Chí, tọa chủ chùa Linh Bửu cho thọ Tam Qui, Pháp danh là Nguyên Hương. Năm 12 tuổi, Đại Đức được thọ ngũ giới. Từ đó Đại Đức chuyên tâm tu niệm, dốc lòng phụng sự Tam Bảo.

Năm 20 tuổi, Đại Đức thọ Cụ túc giới, được hiệu là Đức Phong. Thọ giới xong, đạo niệm của Đại Đức ngày một thêm tinh tấn. Và trên bước đường vân du Hóa-Đạo, Đại Đức đã được rất nhiều người cảm mến kính trọng. Nhưng vì thầm nguyện an tâm tu niệm, nên Đại Đức dừng bước vân du và nhận chức Trụ trì tại chùa Bảo Tạng.

Từ ngày Phật-giáo bị đại nạn, Đại Đức đã thấu triệt sự tồn vong của Đạo pháp là vấn đề trọng đại, còn tấm thân ngũ uẫn này là tạm bợ, nên sau 2 ngày tuyệt thực tại chùa Tỉnh hội Phật-giáo Bình Thuận, Đại Đức bèn noi gương Bồ Tát Quảng Đức, dũng cảm hiến thân cho Đạo pháp bằng cách tự thiêu hồi 12 giờ ngày 4.8.1963, tức là ngày rằm tháng 6 âm lịch, trước tòa Tỉnh Trưởng Bình Thuận.

Huyễn thân tuy mất, nhưng Đại Đức còn để lại trong lòng người một cái gì bất diệt.


TIỂU SỬ

Đại Đức THÍCH THANH TUỆ

 

Đại Đức THÍCH THANH TUỆ 18 tuổi, tục danh Bùi Huy Chương, sinh tại ba Khê, quận Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Thân phụ là Bùi Dư, thân mẫu là bà Hoàng Thị Phục. Mẹ mất từ lúc Đại Đức lên 10 tuổi. Cụ Dư ở vậy nuôi con. Đại Đức có 22 chị gái lớn và 1 anh trai là Bùi Cầu 23 tuổi, quân nhân. Sau Đại Đức còn 1 em trai út.

Vì ham mộ đạo lý nhà Phật, nên năm 1960 Đại Đức vào quy y chùa Phước Duyên, thuộc xã Hưng long, quận Hương trà, tỉnh Thừa thiên, được pháp danh là Thanh Tuệ.

Năm 1963, Đại Đức đỗ bằng trung học Đệ Nhất cấp với hạng bình thứ. Vì tính rất ôn hòa và hiền hậu, nên Đại Đức đã được Ngài trụ trì chùa Cu Võ Đức Phú, pháp danh Thích Đãnh Lễ rất thương yêu. Đặc biệt là Đại Đức rất hiếu thảo với cha mẹ, thường tỏ ý thương tiếc Từ mẫu đã quá vãng sớm. Hằng năm đến ngày rằm tháng 6 là ngày giỗ mẹ, dầu cho bận việc thế nào, Đại Đức cũng về quê tại Hải Lăng, tụng kinh niệm Phật ngày đêm để cầu siêu cho Mẹ.

Trước ngày tự thiêu 9 hôm, tức là ngày mùng 4.8.1963, nhằm ngày rằm tháng 6 là ngày giỗ mẹ, Đại Đức cùng Ngài trụ trì là Thích Đãnh Lễ về quê nhà. Đại Đức tụng niệm suốt đêm ngày, để cầu siêu cho Mẹ và cũng là lần chót Đại Đức từ giã gia đình về cõi Phật.

Vì thấy Phật-giáo bị đại nạn, đứng trước sự tồn vong của Đạo pháp, Đại Đức phát nguyện tự thiêu vào đêm 12 rạng 13.8.1963 để cứu nguy Đạo pháp.

 

TIỂU SỬ

Ni Cô THÍCH NỮ DIỆU QUANG

 

Thích Nữ  Diệu Quang 27 tuổi, tục danh là Ngô Thị Thu Minh, tự Minh Nguyệt, sinh ngày 11.1.1936, tại xã Phù Cát, quận Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên và nơi đây cũng là chánh quán. Thân phụ là Ngô Đình Hòe và Thân Mẫu là bà Nguyễn Thị Nghĩa, gia đình của ni cô hiện cư trú tại Nha Trang.

Sinh trưởng trong một gia đình nề nếp gia phong, thuở thiếu thời Ni Cô đã là một người chị gương mẫu trong gia đình (Cô là con thứ 2, chị đầu của Ni cô là tu sĩ Huệ Thành hiện tu tại chùa Từ Nghiêm Sài gòn).

Nhận thấy cuộc đời là giả tạm, năm 21 tuổi, Ni Cô đã cắt ái từ thân, mở đầu cuộc hành trình, đi tìm Đạo pháp. Thấu được lòng thành khẩn của Ni cô, Ni Sư Thích Nữ Như Hoa, trụ trì chùa Vạn Thạnh ở Nha Trang, đã thâu nhận Ni cô làm đệ tử.

Với tinh thần quyết chí tu học và nhờ trợ duyên ngoại điển (học xong ban trung học) Ni Cô đã thọ Sa Di giới năm 21 tuổi và được theo học các lớp nội điển tại Phật học Viện Nha trang.

Năm 26 tuổi, Ni Cô được thọ giới Thức Xoa ma Na. để đóng góp vào phần nào công việc xây dựng thế hệ mai sau và thể hiện được tinh thần lợi tha của Phật pháp, Ni Cô đã phát tâm theo dạy các lớp Sơ học Thiên Tài miễn phí, do tỉnh Giáo Hội Khánh Hòa quản trị.

Đến năm 1963, Ni Cô được 27 tuổi, vì thấy Đạo pháp lâm nguy nên tự mình tẩm xăng tự thiêu, để cảnh tỉnh sự mê muội của nhà Ngô và cứu nguy Đạo pháp.

Ni Cô đã tự thiêu vào lúc 8 giờ 30 ngày 26.6 năm Quý Mão, tức ngày 15.8.1963, tại cạnh trường Hòa Xuyên, quận Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa.

Ngọn đuốc Diệu Quang là ngọn đuốc thứ tư của Pháp nạn 1963.


TIỂU SỬ
Thượng Tọa THÍCH TIÊU DIÊU

 

Thượng Tọa Thích Tiêu Diêu 71 tuổi, hiệu là Tâm Nguyện, tục danh là Đoàn Mễ, sanh năm 1892 tại làng An Tuyền  tức là Chuồn, quận Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên, cách Thị xã Huế ngót 10 cây số.

Thượng Tọa sanh trưởng trong một gia đình đạo đức giàu có và chức sắc trong làng.

Thượng Tọa có 9 người con, hai người cũng đã xuất gia tu hành là Đại Đức thích Thiên Ân (đậu bằng tiến Sĩ ở Nhật) và Đại Đức Thích Đức Tường, hiện tu học tại Phật Học Viện Nha Trang Trung Phần.

Thượng Tọa Tiêu Diêu xuất gia năm 1930 và tu tại chùa Tường Vân, làng Dương Xuân Thượng. Thượng Tọa là đệ tử của Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết, tăng Thống GHPGVNTN. Năm 1952, người thọ Cụ túc giới. Vì muốn tu trong cảnh thanh vắng, nên Thượng Tọa đã lập một cái cốc trên ngọn đồi bên chùa Châu Lâm, để tiện nhập thất tu niệm.

Thượng Tọa rất chuyên tâm nghiên cứu Phật pháp qua kinh sách và đã dự các lớp Phật pháp tại Phật học viện Tây Thiên, Linh Quang. Thượng Tọa tu theo hạnh Đầu đà: ăn ngủ rất ít, cứ 2 ngày mới ăn một bữa vào giờ ngọ.

Khi cuộc tranh đấu của Phật-giáo phát khởi, Thượng Tọa thường đến ở chùa Từ Đàm Huế, để tham dự các cuộc cầu siêu và tuyệt thực.

Thượng Tọa dự định sẽ tự mổ bụng hoặc tuyệt thực cho đến chết. Đến ngày 16.8.1963, Thượng Tọa đã tự thiêu vào lúc 4 giờ sáng tại chùa Từ Đàm huế, để bảo vệ Đạo pháp.

 

 

TIỂU SỬ

Đại Đức THÍCH QUẢNG HƯƠNG

 

Đại Đức Thích Quảng Hương 37 tuổi, tục danh là Nguyễn Ngọc Kỳ, đạo hiệu là Bảo Châu, sanh ngày 28.7.1926 tại xã An Ninh, quận Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.

Năm 1940, anh ruột của Đại Đức xuất gia đầu Phật, nên Đại Đức thường xuyên lui tới chùa để tụng kinh sám hối và học kinh.

Năm 1943, Đại Đức xuất gia tu học, làm đệ tử của Hòa Thượng trụ trì chùa Kim Cang, Phú Yên.

Năm 1947, Đại Đức cùng với 5 vị Đại Đức khác trong xã An Đức, quận An Thành, lập Chi hội Phật học tại quận này.

Năm 1949, Đại Đức cầu Pháp và thọ Cụ Túc giới với Hòa Thượng Liểu Tôn, trụ trì chùa Quãng Sơn và nhận chức Thư Ký của chi hội Phật-giáo An Hiệp.

Năm 1950, Đại Đức đến Phan Thiết chữa bệnh. Sau khi bình phục, Đại Đức vào học tại Phật Học Viện Nha Trang.

Năm 1959, Đại Đức được Thượng Tọa Giám Viện Phật học Viện Nha Trang cử làm Giảng sư tại tỉnh Hội Phật-giáo Đà Lạt.

Năm 1961, Đại Đức được Hòa Thượng Hội Chủ cử kiêm nhiệm trụ trì và Giảng sư tại tỉnh Hội Phật-giáo Buôn Mê Thuột. Đại Đức đã ở đây cho đến ngày tự thiêu.

Vì thấy Phật-giáo bị đại nạn, nên Đại Đức phát nguyện tự thiêu vào 12:25 ngày 5.10.1963, tại bồn binh chợ Bến Thành Sài gòn, để tranh thủ cho 5 nguyện vọng chân chính của Phật-giáo.

 

TIỂU SỬ

Đại Đức THÍCH THIỆN MỸ

 

Đại Đức Thích Thiện Mỹ chờ đúng ngày 27.10.1963, cùng giờ phái đoàn điều tra Liên Hiệp Quốc trên đường tới thăm chùa Ấn Quang, thì Đại Đức tự thiêu tại công trường Hòa Bình (đối diện Vương Cung Thánh Đường Sài gòn).

Đại Đức Thiện Mỹ đã tự thiêu ngay dưới cột đèn, có gắn bảng đường Tự Do. Lúc Đại Đức mới châm lửa vào áo tẩm xăng sẵn, thì có một số đồng bào từ trong nhà thờ đi ra, và người đi đường xúm lại bao quanh lễ Ngài.

Một phút sau, cảnh sát ập lại, lấy mền đè Đại Đức ngã xuống. Nhưng ngọn lửa bùng lớn, làm cháy luôn cái mền. Cảnh sát vùng chạy, Đại Đức lại từ từ ngồi ngay dậy, chấp tay vái lạy những Phật tử bên đường đang lễ Ngài, cho đến lúc Ngài tịch diệt.

Sụ hy sinh cao cả và phi thường của Đại Đức Thích Thiện Mỹ đã gây xúc động mạnh toàn Thế giới, gây khó khăn cho chính quyền Diệm và cũng thúc đẩy phái đoàn điều tra Liên hiệp Quốc mau chóng hoàn tất nhiệm vụ, để cứu vớt Dân tộc Việt Nam.

Ngọn lửa tự thiêu thứ 8 của Phật-giáo Việt-Nam đã là ngọn lửa thiêng châm vào bể căm hờn âm ỉ trong lòng quân dân Việt Nam bùng lên dữ dội, bốc thành biển lửa cách mạng ngày 1.11.1963, đốt thiêu một chế độ tàn bạo đen tối.

Sự hy sinh của Đại Đức Thích Thiện Mỹ, quả đã đưa cuộc đấu tranh đầy nguy hiểm gian nan khổ cực của Phật-giáo Việt-Nam đến chổ toàn thiện và toàn mỹ.

(Tranh đấu sử Phật-giáo Việt-Nam)

         (phatviet.com)
 
 
   
 
  
Tìm kiếm

 
  
Tìm trên:     hoangphap.info web khác
Visitor Number: 
Hôm nay