Hòa thượng Nguyên Minh Phước Thành
MĐĐT
Cập nhật: 07:39:00 20/04/2009

TIỂU SỬ

CỐ HÒA THƯỢNG HÚY thượng NGUYÊN hạ MINH

HIỆU PHƯỚC THÀNH

TRÚ TRÌ CHÙA CHÂU LÂM, THÀNH PHỐ HUẾ

(1948-2008)

 

 

I. THÂN THẾ

Hòa thượng họ Nguyễn húy Thành, pháp danh Nguyên Minh, tự Phước Thành, thuộc dòng Lâm Tế đời thứ 44.

Sanh ngày 18 tháng 06 năm Mậu Tý, tức năm 1948, tại làng Triều Sơn Tây, xã Hương Sơ, quận Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên nay là tổ I, phường An Hòa, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Thân sinh, Cụ Ông là Nguyễn Hải pháp danh Nguyên Trước, Cụ Bà Lê Thị Nương pháp danh Nguyên Ngân, nhiều đời tin Phật và đều thọ tại gia Bồ Tát giới. Gia đình có năm chị em, Hoà thượng là con thứ ba.

Hòa thượng có người chú ruột xuất gia học đạo với Hòa thượng khai sơn chùa Châu Lâm và hai người em trai là Thượng toạ Thích Huệ Chúc đệ tử cố Hòa thượng Thích Chánh Pháp; Trú trì chùa Phổ Quang và cố Thượng toạ Thích Thiện Đức, đệ tử của cố Hòa thượng Thích Thiên Hỷ, khai sơn chùa Thiên Hỷ, Huế.

Chính trong môi trường gia đình có truyền thống thâm tín Tam Bảo đã trợ duyên lớn cho chủng tử thiện nghiệp và chí nguyện xuất trần nảy nở, Hòa thượng đã phát nguyện ăn chay niệm Phật và đặc biệt là đã thuộc lòng kinh Lăng Nghiêm, đợi cơ duyên đầu sư học đạo.

Năm 19 tuổi, ngày 15 tháng 7 năm Đinh Mùi tức ngày 20 tháng 8 năm 1967, được sự chấp thuận của song thân, Hòa thượng đến đảnh lễ Hòa thượng thượng Tâm hạ Ấn, tự Vĩnh Thừa, hiệu Viên Quang, vị Tổ khai sơn chùa Châu Lâm, cầu xin pháp yếu và được Hòa thượng Bổn sư đặt cho pháp danh là Nguyên Minh.

Trải qua những năm tháng hành điệu cần mẫn, chăm học, với bản chất đôn hậu, chất trực và cầu tiến nên Hòa thượng được thọ giới Sa Di với pháp tự Phước Thành, tại Tổ đình Tây Thiên ngày 19 tháng 6 năm Kỷ Dậu, tức ngày 1 tháng 8 năm 1969; do Cố Hòa thượng Thích Chánh Pháp truyền giới, cố Hòa thượng Thích Chơn Thức và cố Hòa thượng Thích Chánh Nguyên hộ giới. Sau khi thọ giới, Hòa thượng lại càng tinh tấn hơn, thỉnh chuông hôm sớm, hai thời công phu đều đặn và chăm lo hầu hạ Bổn sư chu đáo, lại để tâm nghiên tầm các bộ Kinh, Luật, Luận.

Năm Quý Sửu – 1973, Hòa thượng thọ Cụ túc giới tại Đại giới đàn Phước Huệ do Hòa thượng Thích Phước Hộ làm Đàn đầu, tổ chức tại thành phố Nha trang, tỉnh Khánh Hòa.

 

II. SỰ NGHIỆP TU HỌC VÀ HOẰNG PHÁP

Từ đây, cuộc đời Hòa thượng như chim đại bàng vững cánh để tung bay giữa gió núi mây ngàn, góp cánh én mùa xuân với đất trời bát ngát bằng tinh thần “Phát túc siêu phương, thiệu long Thánh chủng” trong giai đoạn đất nước đang chuyển mình.

Chỉ sau thời gian ngắn nước nhà thống nhất giang sơn, ngày 14 tháng Giêng năm Bính Thìn, tức ngày 13 tháng 2 năm 1976, Bổn sư viên tịch, Hòa thượng phải gánh vác trọng nhiệm trú trì, kế thừa sự nghiệp tục diệm truyền đăng tại Châu Lâm mà Bổn sư giao phó.

Trong vai trò mới, với tuổi trẻ đang lên, với chí nguyện thiết tha “tiếp dẫn hậu lai, báo ân Phật tổ” Hòa thượng đã ra sức tiếp Tăng độ chúng, duy trì và phát triển chốn Già Lam xán lạn, xây dựng kinh tế nông thiền phù hợp với đời sống của Tăng Ni trong giai đoạn kinh tế tự túc, tự lực của quê hương. Do vậy, Hòa thượng đã nhận được những tấm lòng mến mộ của Tăng Ni pháp lữ, Phật tử gần xa.

Năm 1986 Hòa thượng đảm nhận nhiệm vụ Phó Ban kinh tế nhà chùa và Từ thiện xã hội, đến năm 1989 thành lập tổ hợp Tín Thành ở phường Trường An và làm Tổ trưởng tổ Mây Tre xuất khẩu, giải quyết công ăn việc làm cho một số lượng người khá đông.

Năm 1992, Đại hội Phật giáo tỉnh lần thứ 2, với tâm nguyện góp phần trong sự nghiệp hoằng dương chánh pháp, xây dựng ngôi nhà Giáo Hội vững mạnh, Hòa thượng đã tham gia Ban Trị sự Phật giáo tỉnh với cương vị Trưởng Ban Kinh tế. Trong nhiệm vụ của mình, Hòa thượng rất nhiệt tình với công tác Phật sự chung của Giáo hội, luôn là người tiên phong, không ngại gian lao, không quản khó nhọc.

Năm 1995 Hòa thượng đã cùng chư Tôn đức trong Giáo hội đứng ra xin thành lập Tuệ Tĩnh đường Diệu Đế. Song chỉ ít năm sau, do bịnh duyên, Hòa thượng đã dừng lại mọi công việc Giáo hội, lui về vui vầy với đồ chúng, chuyên sâu kỹ năng viết thư pháp.

Năm 1996, Hòa thượng hợp tác với Hòa thượng Thích Tịnh Hạnh ở Đài Loan tổ chức các lớp dịch thuật Đại tạng và giảng dạy giới luật cho một số Tăng Ni tại chùa, xây dựng mới cổng tam quan, trùng tu Bảo tháp của Hòa thượng Bổn sư năm 1997. Cơn lũ lịch sử năm 1999, Hòa thượng đã tích cực trong việc cứu trợ nạn nhân bị bão lụt, đồng thời Hòa thượng còn đề xuất và thực hiện chương trình hỗ trợ vốn làm ăn cho hàng trăm đồng bào Phật tử, cho những người nghèo khó.

Tháng 4 năm 1999, nhân kỷ niệm 990 năm ngày vua Lý Thái Tổ ra chiếu dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long, Hòa thượng đã được mời tham gia triển lãm thư pháp nhân Tuần Văn hoá Huế tại thủ đô Hà Nội cùng với hai nhà thư pháp xứ Huế là Thượng tọa Thích Giới Đức bút hiệu Minh Đức Triều Tâm Ảnh và cư sỹ Nguyệt Đình.

Vào năm 2000, Hòa thượng tham gia sinh hoạt Festival Huế. Bằng những bức thư pháp nghệ thuật rất độc đáo được trưng bày trong lễ hội đầu tiên này, Hòa thượng được mời làm thành viên thư pháp của Unesco tại Việt Nam.

Tháng 8 năm 2001, Hội Thân hữu Phật tử Châu Âu và chùa Khuông Việt tại Paris Pháp quốc mời Hòa thượng sang thăm và chữa bệnh mắt. Trong dịp này Hòa thượng được bà Dominique de Miscault, hoạ sỹ Pháp gốc Nga, mời thực hiện một cuộc triển lãm thư pháp tại quận 13 thành phố Paris với chủ đề: “Bút Khí”.

Tháng 7 năm 2005, Hòa thượng được Phật học viện Viên Quang, Trung Lịch – Đài Bắc mời tham dự hội thảo giao lưu văn hóa và dự lễ tốt nghiệp, cấp phát văn bằng Cao học niên khóa 2002-2005. Với đức hạnh khả kính Hòa thượng được cung thỉnh thuyết giảng cho lớp học Tăng Ni tại Khai Thành Thiền tự, huyện Nghi Lan. Khi viếng thăm Phật Quang Sơn với tư cách là nhà thư pháp, Hòa thượng được mời phóng bút, hiện nay bút tích này vẫn còn lưu giữ một cách trang trọng trong bộ sưu tập thư pháp của thư viện.

Năm 2006 Hòa thượng lại tổ chức lớp phiên dịch Đại tạng khác trong hợp tác với Hòa thượng Thích Hải Ấn trú trì chùa Từ Đàm- Huế.

Năm 2007 Hòa thượng trùng kiến hai nhà Đông-Tây của chùa.

 

III. NHỮNG NGÀY CUỐI CÙNG

Đời Hòa thượng là một đời sống bình dị, chơn chất, trực tánh, trách nhiệm với công việc, luôn sát cánh cùng huynh đệ pháp lữ trong môn phái Tường Vân với tâm nguyện “Tổ ấn trùng quang”. Đối với đạo hữu Phật tử, Hòa thượng rất từ mẫn, nhiệt tình chăm lo và hỗ trợ tinh thần lẫn vật chất, đáp ứng nhu cầu nghi lễ khi hữu sự. Đối với hàng đệ tử Hòa thượng rất mực quan tâm dạy dỗ, nhờ đó các vị đệ tử  từng bước dễ dàng trưởng thành trên con đường học vấn và du hóa như Thượng tọa Thích Thiện Phước, Đại Đức Thích Thiện Niệm, Đại Đức Thích Thiện Tâm, Đại Đức Thích Thiện Quang, Đại Đức Thích Thiện Ngộ ...

Đầu xuân Mậu Tý – 2008, trong dịp húy nhật Hòa thượng Bổn sư, Hòa thượng đã tổ chức đặt viên đá khởi công đại trùng tu ngôi chánh điện.

Công việc đang tiến hành thuận lợi thì Hòa thượng lâm bệnh, mặc dù được các y bác sỹ khoa Cấp cứu hồi sức bệnh viện Trung Ương Huế cùng các đệ tử  chăm sóc tận tình chu đáo, nhưng hóa duyên đã mãn, thân tứ đại trở về với tứ đại, tất cả các pháp hữu vi sanh diệt, diệt sanh, Hòa thượng đã nhẹ nhàng xả báo thân vào lúc14h15’ ngày 8 tháng 8 năm 2008, tức ngày 8 tháng 7 năm Mậu Tý giữa muôn vàn thương tiếc.

Kể từ đây trượng thất vắng bóng, nhưng Giác linh Hòa thượng, sự nghiệp hoằng hóa của Hòa thượng vẫn bất diệt giữa dòng sinh diệt như Cổ đức thường dạy: “Hoa ưu đàm rụng, hương vẫn còn thơm”.

NAM MÔ TÂN VIÊN TỊCH LÂM TẾ TÔN TỨ THẬP TỨ THẾ, TRÙNG KIẾN CHÂU LÂM TỰ TRÚ TRÌ, HÚY thượng NGUYÊN hạ MINH HIỆU PHƯỚC THÀNH HÒA THƯỢNG

THUỲ TỪ CHỨNG GIÁM.

(Môn đồ đệ tử cẩn soạn)

 

 
 
   
 
  
Tìm kiếm

 
  
Tìm trên:     hoangphap.info web khác
Visitor Number: 
Hôm nay