Hòa thượng Tâm Ưng Đảnh Lễ
Thích Thái Hòa
Cập nhật: 10:21:00 19/04/2009

HÒA THƯỢNG THÍCH ĐẢNH LỄ

 

Xuất thân:

Hòa thượng xuất thân trong một gia đình chất phác thuần lương, thế danh Võ Đức Phú, sinh ngày 11.4 năm Mậu Ngọ (tức 20.5.1918), tuổi khai theo giấy tờ là 20.5.1905, tại làng Thành Công, xã Điền Thành, quận Hương Điền, tỉnh Thừa Thiên (nay là xã Quảng Công, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế).

Thân phụ là cụ Võ Đức Lãng, thân mẫu là bà cụ Nguyễn Thị Diên. Hai ông bà có truyền thống đạo Phật, tính tình cần mẫn đạo đức, sinh hạ được hai người con trai, Hòa thượng là người con trai thứ.

Buổi thiếu thời:

Lúc thiếu thời, Hòa thượng đã được song thân cho theo học chữ Nho với các bậc sĩ phu trong làng, và sau một thời gian lại chuyển sang tân học. Vốn có bản chất thông minh, lại thêm tánh tình chịu khó, siêng năng nên không bao lâu Hòa thượng đã trường thành về mặt tri thức.

Sự hiểu biết, so với bạn đồng lứa, Hòa thượng hơn hẳn, nhưng có một điều là không khi nào Hòa thượng tỏ thái độ tự tôn, trái lại, ngài rất khiêm kính với mọi người, do đức tính này, nên song thân đã đặt Ngài với tên Đức Phú, có nghĩa là người con giàu có về đức hạnh.

Chí nguyện xuất trần:

Khi còn là một chàng trai ở vùng thùy dương cát trắng, vào độ tuổi trăng tròn, với bao nhiêu ưu tư về quan điểm sống, về thân phận của kiếp người đã khiến Hòa thượng khởi sinh chí nguyện xuất trần.

Năm lên 17 tuổi, Ngài xin phép song thân được xuất gia. Hòa thượng khăn gói lên đường đến kinh đô Huế, tìm đến tổ đình Từ Hiếu, bái yết Hòa thượng Huệ Minh, xin thỉnh giáo.

Ngài Huệ Minh thấy dáng người đĩnh đạc, diện mạo khôi ngôi tuấn tú, chí khí siêu quần, sau này có thể trở thành người có khả năng phụng đạo, cứu đời, nên Ngài rất hoan hỷ hứa khả.

Tu tập và hoằng pháp:

Sau khi được Ngài Huệ Minh nhận cho xuất gia, Hòa thượng rất tinh cần trong việc tu học, qua hai năm hành điệu, đạo phong mỗi ngày một thanh thoát, công hạnh mỗi lúc mỗi nhuần sâu, Ngài được Hòa thượng Huệ Minh cho theo học và làm đệ tử với Ngài Chơn Như, khai sơn chùa Đông Lâm, Huế.

Năm 1938, Hòa thượng đã được Ngài Chơn Như, giáo dưỡng, truyền thọ sa-di giới, đặt pháp danh Tâm Ứng, pháp tự Đảnh Lễ. Ngài Chơn Như ban cho Hòa thượng pháp tự Đảnh Lễ là ý muốn ngợi khen công hạnh tu học rất mực khiêm kính của Ngài đối với mọi người.

Mùa Đông qua, mùa Xuân đến, với áo người cầu đạo, sương thời gian đã phủ lên bao lớp dạn dày, chí vượt tục đến đây nhuần nhuyễn.

Năm 1938, Hòa thượng đã được Bổn sư cho thọ tỷ-kheo Bồ-tát giới, tại đại giới đàn Thanh Hóa, do Hòa thượng Huệ Minh trú trì chùa Từ Hiếu làm Đàn đầu, Ngài Chơn Không làm Đàn chủ, bấy giờ Hòa thượng vừa tròn 20 tuổi.

Thọ đại giới xong, Hòa thượng được Bổn sư chỉ dạy giới luật suốt bốn năm trường.

Năm 1941, Hòa thượng học Trường sơn môn Phật học tại chùa Linh Quang, Huế, và sau đó lại tiếp tục học các lớp Phật học tại Phật học đường Báo Quốc.

Năm 1946, khi rời khỏi ghế nhà trường, Hòa thượng đã được Hòa thượng Thích Đôn Hậu mời làm giám tự Quốc tự Linh Mụ.

Cũng chính trong năm này, trên bước đường hoằng pháp, Hòa thượng đã bị Pháp bắt giam giữ tại đồn Vân Cù, thuộc quận Hương Trà, Tỉnh Thừa Thiên trong một thời gian.

Năm 1948, Hòa thượng khai sơn chùa Phước Duyên ; chùa tọa lạc tại ngọn rú Vi, thôn An Ninh thượng, xã Hương Long, quận Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên.

Năm 1953, trên bước đường hoằng pháp, Hòa thượng đã bị Việt Minh bắt giam tại chiến khu Dương Hòa, sau đó đưa ra Quảng Bình. Hòa thượng được trở về tháng 08 năm 1954.

Năm 1963, chính quyền Ngô triều đàn áp Phật giáo, phong trào đấu tranh Phật giáo bùng vỡ, Đại đức Thích Thanh Tuệ là tăng sinh đang tu học tại chùa Phước Duyên, được Hòa thượng giáo dưỡng đã phát nguyện tự thiêu ngày 24.06.Quý Mão, tức ngày 13.8.1963, để phản đối sự đàn áp Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm, yêu cầu chính quyền đáp ứng những nguyện vọng như sau :

1. «Hãy chấm dứt mọi tình trạng khủng bố và áp bức Phật giáo đồ và thả tất cả những Phật tử bị bắt giam kể từ ngày 8.5.1963 đến nay.

2. Hãy giải quyết thỏa đáng gấp những nguyện vọng của Phật giáo đã nêu trong các biểu ngữ.

3. Triệt để không cho bà Ngô Đình Nhu lên đài phát thanh, tiếng nói Việt Nam Cộng Hòa, để nhục mạ Phật giáo và báng bổ cố Hòa thượng Thích Quảng Đức, như vậy, không những làm giảm giá trị của Phật giáo mà trái lại, tạo nên sự căm phẫn trong quần chúng.

Tuy nhiên, bà Ngô Đình Nhu là ân nhân của Phật giáo chúng tôi cũng như toàn thể Phật giáo đồ, chúng tôi xem bà như là Đề-bà-đạt-đa hồi Phật còn tại thế».

Đại đức Thích Thanh Tuệ tự thiêu, nhục thân bị chính quyền dùng bạo lực ngang nhiên cướp đoạt; chùa Phước Duyên bị công an mật vụ bao vây cô lập; Tăng chúng trong chùa bị bắt bớ giam cầm, tra khảo đủ điều; một số Phật tử thân tín thường lui tới tu học ở chùa bị bám sát theo dõi, bị bắt bớ thẩm vấn. Trước tình hình ấy, Hòa thượng phải đi tỵ nạn. Sau đó, lại có nhiều lệnh tầm nã của chính quyền, chẳng hạn như lệnh tầm nã số 5250/TT/ĐA/CT/PM.

Nội dung như sau:

"Tỉnh Trưởng tỉnh Thừa Thiên Huế, thị trưởng Thành phố Huế, yêu cầu các cơ quan hữu trách cho truy tầm và dẫn giải đến tòa hành chánh, hoặc Ty cảnh sát quốc gia Thừa Thiên: Ông Võ Đức Phú tức Thích Đảnh Lễ, sinh ngày 20.5.1905 tại thôn Thành Công, quận Hương Điền, Thừa Thiên. Con ông Võ Lãng (c) và Bà Nguyễn Thị Diên (c) nguyên trú trì chùa Phước Duyên, thôn An Ninh thượng, xã Hương Long, quận Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên, căn cước số 076527 cấp ngày 4.5.1962 tại Hương Trà.

Đặc điểm nhận dạng:     - Cao 1 thước 65

                                   - Nặng 41 ký

                                   - Chấm cà phê cách 1 phân dưới khóe ngoài mắt trái

Lý do tầm nã : Liên can trong vụ điệu Bùi Huy Chương chết thiêu tại chùa Phước Duyên ngày 13.08.1963.

Huế, ngày 20/09/1963.

K.T. Tỉnh trưởng Thừa Thiên

Thiếu tá Nguyễn Phu

Phó Tỉnh trưởng Nội an

(Ký tên và đóng dấu)

Lệnh tầm nã số 263 - 6903/4 nội dung như sau :

Huế, ngày 13.9.1963.

Trưởng Ty Cảnh sát quốc gia Thừa Thiên.

Kính gởi Thiếu tá Tỉnh Trưởng tỉnh Thừa Thiên, Thị trưởng thành phố Huế.

Trích yếu : V/v xin truy tầm Ông Võ Đức Phú tức Thích Đảnh Lễ (chứ không phải Nguyễn Đức Phú).

Tham chiếu mật văn số 9049… ngày 9.8.1963 của Ty tôi :

Trân trọng kính trình quý Tỉnh, quý Nha cho ban lệnh truy tầm ông Võ Đức Phú, tức Thích Đảnh Lễ (xin đính chính Võ Đức Phú tức Thích Đảnh Lễ, chứ không phải Nguyễn Đức Phú như Ty tôi đã trình tại mật văn chiếu thượng), trú trì chùa Phước Duyên, sinh ngày 20.5.1905 tại Thành Công, Hương Điền, Thừa Thiên, trú tại chùa Phước Duyên, thôn An Ninh thượng, xã Hương Long, quận Hương Trà (Thừa Thiên). Con ông Võ Lãng (c) và bà Nguyễn Thị Diên (c) thẻ căn cước số 072527 cấp ngày 4.5.1962 tại quận Hương Trà, vì đương sự liên can trong vụ án mạng tại chùa nói trên, hiện tại đào.

Đặc điểm :      - Cao 1 thước 65, nặng 41 ký

                      - Có chấm cà phê cách 2 phân dưới khóe ngoài mắt trái.

                      - Trường hợp bắt gặp, xin cho giải đến Ty tôi nhận hành.

Ký tên và đóng dấu

Lê Văn Dư

Những lệnh tầm nã này đã được chính quyền thi hành mỗi lúc mỗi gắt gao, Hòa thượng đã phải hóa trang nhiều dạng, khi thì làm người lái buôn, khi thì làm ông thầy thuốc, khi thì làm kẻ giúp việc… dưới màng lưới công an mật vụ dày đặc; chúng còn treo giải thưởng 300.000$ cho những cơ quan nào bắt được Hòa thượng. Thấy tình hình càng căng thẳng, nên Hòa thượng phải vào Lãnh sự quán Mỹ tại Đà Nẵng để xin tỵ nạn cho đến ngày chính quyền Ngô triều bị lật đổ.

Năm 1964, Hòa thượng xây dựng giảng đường chùa Phước Duyên, để làm nơi diễn giảng Phật pháp cho quần chúng Phật tử.

Năm 1965, nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng và dìu dắt quần chúng hướng về Phật pháp, Hòa thượng đã khai sơn chùa Phước Hải, tại Văn Xá, quận Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên. Điều này được thể hiện qua bài thơ mà Ngài đã cảm tác trong khi xây dựng:

"Chìm nổi chúng sanh để thế à

Kẻ công người của vỗ tay ra

Lấp bồi bể ái đường lui tới

Mở rộng rừng thiền chúng lại qua

Rưới nước dương chi cùng thế giới

Khêu đèn trí huệ rạng sơn hà,

Thuyền từ đã sẵn mau mau đến

Bốn bể vui theo hiệp một nhà".

Nhiếp hóa đồ chúng:

Phụng sự chúng sanh, chính là phụng và cúng dường chư Phật. Do đó, Hòa thượng đã đến với mọi người trong ý nghĩa phụng sự, và mọi người cũng đã đến với Hòa thượng cũng trong cùng ý nghĩa ấy.

Phụng sự chúng sanh là để đưa họ trở về với giác ngộ và giải thoát, cứu cánh là ở điểm này, còn phương tiện thì lại tùy duyên.

Nhưng dù sử dụng phương tiện nào, Hòa thượng vẫn luôn luôn khuyên dạy họ bỏ ác hành thiện, bỏ tà quy chánh, nội dung của sự khuyên dạy ấy đã được Hòa thượng tóm lược lại trong 12 câu thơ :

"Dục tình danh lợi chớ nên tham

Sửa trí tu tâm thoát cảnh phàm

Tội lỗi khuyên ai đừng sai phạm

Căn nguyên khổ não bởi lòng tham.

Có thân ta phải biết tu thân

Đức hạnh dồi trau sạch nợ trần

Ngọn lửa giận hờn nên dẹp tắt

Muôn điều hư hỏng bởi lòng sân.

Khuyên ai đường đạo gắng công đi

Học hỏi chuyên cần phải xét suy

Trí tuệ phải cho ngày sáng tỏ

Xưa nay lầm lạc bởi lòng si".

Giáo lý Phật đà có vô lượng pháp môn để tu tập, nhưng không có pháp môn nào là không nhắm đến đoạn trừ các hoặc lậu, tham, sân, si ; tham-sân-si có được đoạn trừ, thì cảnh giới giác ngộ và niết-bàn mới được khai mở hiển bày.

Đồ chúng xuất gia : Hòa thượng đã đào tạo khá nhiều nhưng hiện nay chỉ còn lại một vài vị như : Hòa thượng Thích Tánh Hải, trú trì chùa Linh Sơn, Đà Lạt, Lâm Đồng, Hòa thượng Thích Lương Phương trú trì chùa Phước Duyên, thôn An Ninh thượng, xã Hương Long, Tp Huế, tỉnh Thừa Thiên.

Với Phật tử tại gia : Hòa thượng đã làm Bổn sư truyền giới hơn cả vạn người.

 Nhưng ngày cuối cùng :

Cuối mùa Đông năm Đinh Mùi, 1967, Hòa thượng đã tự tay bưng nghiên mực, viết lên tường bốn câu thơ chữ Hán.

"Sơ tổ an nhiên tại Thiếu Lâm

Bất truyền kinh điển đản truyền tâm

Hậu nhơn nhược ngộ chơn như tánh

Bất uổng công phu điệu lý tầm".

Khi viết xong bài kệ này, Hòa thượng nói với đồ chúng rằng: Tất cả kinh điển được Đức Phật trình bày, giảng thuyết suốt 49 năm như là “chiếc thuyền đưa người sang sông” hay “ngón tay chỉ mặt trăng”. Bởi vậy, đừng lầm tưởng rằng, chiếc thuyền là bờ giác, ngón tay là mặt trăng, để rồi bị điên đảo giữa cứu cánh và phương tiện, giữa pháp và phi pháp.

Lại nữa, ngôn ngữ, văn tự, chỉ là phương tiện để diễn đạt tư duy, diễn đạt đạo lý chứ không phải là đạo lý.

Do đó, khi đã hội nhập lý đạo, thì nên xả bỏ ngôn ngữ, xả bỏ văn tự, xả bỏ pháp và phi pháp.

Nếu người hành đạo, không hiểu và thực hành như thế, thì tâm ắt bị thủ trước, nếu tâm có thủ trước, tức tâm có chướng ngại, một khi tâm đã bị chướng ngại, thì khó đạt đến giác ngộ và niết-bàn. Tâm không thủ trước, là tâm mà ba đời chư Phật và Bồ-tát đã ấn mật truyền thừa cho nhau đó vậy!

Năm 1968, Cố đô Huế trong cảnh mưa phùn gió bấc của mùa xuân không mặt trời, không hơi ấm, mùa xuân của chiến tranh, của hãi hùng và chết chóc, bao nhiêu thảm cảnh đau thương đang hiện ra trước mắt, sự chết đe dọa sự sống, đau thương cướp mất bình an có thể xảy ra bất cứ ở đâu và lúc nào. Trong tình cảnh ấy, Hòa thượng phải đi viếng thăm, an ủi, vỗ về quần chúng Phật tử, ngõ hầu đem lại cho họ phần nào an tâm trong cơn khủng hoảng. Trên bước đường thực hành hạnh nguyện, nào ngờ đâu gió vô thường hút mất nhục thân, Hòa thượng đã trở về với pháp thân bất hoại vào lúc 16 giờ ngày 11 tháng Giêng năm Mậu Thân (tức ngày 03.2.1968), trụ thế 50 năm, với 29 Hạ lạp, thuộc đời thứ 43, phái thiền Lâm Tế.

Bảo tháp của Ngài được tôn trí tại khuôn viên chùa Phước Duyên, Huế.

Cuộc đời tu tập và hoằng pháp, Hòa thượng đã trải qua những bước thăng trầm đầy nguy nan và thử thách, nhưng những chướng duyên ấy đã không làm trở ngại chí hướng và bước chân đi của Người.

Trái lại, nó là động cơ thúc đẩy, khiến Hòa thượng thêm kiên cường trong ý chí, nhiệt tình trong hành động, và hoan hỷ trong bất cứ cảnh ngộ nào.

Đến đã từ nơi bản nguyện, thì khi đi âu cũng từ bản nguyện ấy mà đi, làm rất nhiều Phật sự, nhưng chẳng thấy có Phật sự nào mình đã làm, hẳn đó không phải là điểm đặc biệt, mà Người đã chung thân hành đạo đó sao!

Bởi vậy, khi hóa duyên đã mãn, người ra về như “Nhạn lướt mặt hồ không để ảnh, gió luồng khóm trúc chẳng lưu vang”.

Để tưởng niệm công hạnh tu tập và hoằng pháp của Hòa thượng, nơi đây, chúng con chỉ xin ghi lại phần nào công hạnh mà Ngài đã dâng hiến cho cho đạo, cho đời trong những ngày còn tại thế.

Nam mô Lâm Tế chánh Tông Tứ Thập Tam Thế Húy Thượng Tâm, Hạ Ưng, Hiệu Đảnh Lễ Hòa thượng Chứng Minh

 

 
 
   
 
  
Tìm kiếm

 
  
Tìm trên:     hoangphap.info web khác
Visitor Number: 
Hôm nay