VÀI NÉT TIỂU SỬ VỀ HÒA THƯỢNG THANH NINH TÂM TỊNH (1)
1.Thân thế:
Hòa thượng thế danh là HỒ HỮU VĨNH.
Sinh giữa giờ Tý, ngày 18 tháng 5 năm Mậu Thìn (0 giờ ngày 07.7.1928). Tại làng Trung Kiên, tổng Bích La, phủ Đăng Xương, (2) huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị(Nay là thôn Trung Kiên, xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong). Hòa thượng là người cùng làng với quý Hòa thượng Tánh Thiên Nhất Định (1784-1847), Tổ khai sơn An Dưỡng am -Từ Hiếu, Hòa thượng Thanh Tú Tuệ Pháp (1871-1927) trú trì chùa Thiên Hưng, Hòa thượng Thanh Đức Tâm Khoan (1874-1937), trú trì chùa Hàm Long Bảo Quốc, Huế…
Hòa thượng thác sinh trong một gia đình mà song thân đều thành tâm quy ngưỡng Phật pháp. Cho nên, từ thuở ấu thơ và cả thời niên thiếu, Hòa thượng thường theo song thân lên chùa dâng hương lễ Phật. Nhờ cơ duyên ấy nên Hòa thượng sớm thấm nhuần cuộc sống trang nghiêm, thanh tịnh của chốn Thiền môn. Từ ấy, con đường nhập đạo như đang mở rộng trước tầm mắt của người thiếu niên.
2. Xuất gia và học đạo:
Năm 12 tuổi, Canh Thìn, 1880, Hòa thượng tỏ bày chí nguyện xin được xuất gia, song thân không chỉ vui lòng chấp thuận mà còn hết lời khuyến khích. Hòa thượng liền lên đường vô Kinh đô Huế, đến chùa Hàm Long Bảo Quốc, xin đầu sư với Hòa thượng Hải Thuận Diệu Giác (trong các sử liệu có nhiều nơi ghi pháp tự của Ngài là Lương Duyên (1806-1896) (3).
Năm 19 tuổi, Đinh Hợi, 1887, Hòa thượng đồng đàn thọ Sa di giới tại giới đàn chùa Bảo Quốc, được Bổn sư đặt pháp danh là THANH NINH, pháp tự là HỮU VĨNH. Thể nhập đời thứ 41 dòng Thiền Lâm tế Chánh tông, Trung Hoa, đời thứ 7 dòng Thiền Thiệt Diệu Liễu Quán, Việt Nam.
Sau khi thọ Sa di giới, Hòa thượng càng nỗ lực trau giồi giới hạnh và chăm chỉ học tập. Suốt bảy năm dưới sự giáo dưỡng tận tình của Bổn sư, Hòa thượng càng tỏ rõ là một vị Sa di xuất sắc, học hạnh kiêm toàn, giới luật tinh nghiêm.
Năm 26 tuổi, Giáp Ngọ, 1894, Hòa thượng được đăng đàn thọ Tỳ-kheo Bồ-tát giới, cũng tại giới đàn chùa Hàm Long Bảo Quốc. Đại giới đàn này, Bổn sư của Hòa thượng làm Đàn đầu, Hòa thượng Hải Thiệu Cương Kỹ (1810-1899), trú trì chùa Từ Hiếu, làm Yết-ma, Hòa thượng Hải Toàn Linh Cơ (1823-1896) trú trì chùa Tường Vân, làm Giáo thọ.
Sau khi thọ Đại giới, được Bổn sư ban pháp hiệu là TÂM TỊNH và phú kệ đắc pháp:
河 清 寧 密 四 方 安
有 永 心 心 道 即 閑
心 似 菩 提 開 慧 日
包 含 剃 界 如 是 觀
Âm:
Hà Thanh Ninh mật tứ phương an
Hữu Vĩnh tâm tâm đạo tức nhàn
Tâm tự Bồ-đề khai tuệ nhật
Bao hàm thế giới như thị quan.
Nghĩa:
Sông trong yên lặng bốn phương an,
Vĩnh viễn tâm tâm đạo ấy nhàn,
Tâm tựa Bồ-đề soi tuệ nhật,
Một bầu thế giới chứa muôn vàn.
(Nguyễn Lê Châu, dịch)
3. Sự nghiệp hoằng hóa:
Năm 27 tuổi, Ất Mùi, 1895, Hòa thượng vâng lệnh Bổn sư lên chùa Từ Hiếu để hầu hạ và tiếp tục tham học với Hòa thượng Yết-ma Hải Thiệu Cương Kỹ.
Lúc Hòa thượng lên chùa Từ Hiếu, thì chùa đang bắt đầu công cuộc đại trùng tu, nên Ngài Yết-ma Hải Thiệu liền giao cho Hòa thượng nhiệm vụ trông coi công việc trùng tu chùa.
Đến ngày mồng 01 tháng 3 năm Mậu Tuất, 1898, Ngài Yết-ma Hải Thiệu viên tịch. Hòa thượng được môn đồ cung thỉnh kế tục trú trì. Trong thời gian 4 năm làm trú trì, Hòa thượng không ngừng tiếp tục sửa sang chùa Từ Hiếu ngày thêm sáng lạng, xứng đáng là một Tòng lâm danh tiếng ở đất Thần kinh.
Ngày 15 tháng 2 năm Kỷ Hợi, 1899, Hòa thượng tổ chức “Pháp nghi Liên trì xã” và cung thỉnh chư vị tôn túc trong Sơn môn cùng hàng trăm cư sĩ các giới về tham dự. “Pháp nghi Liên trì xã” ra đời đã mở đầu cho sự nghiệp hoằng hóa của Hòa thượng, và cũng muốn mở rộng con đường hoằng hóa, nên đến đầu năm Nhâm Dần, 1902, Hòa thượng giao nhiệm vụ trú trì lại cho pháp đệ Thanh Thái Tuệ Minh (1861-1939), rồi cùng vài đệ tử vân du về ấp Thuận Hòa, làng Dương Xuân hạ, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên (nay là thôn Thượng Một, xã Thủy Xuân, thành phố Huế) cắm tích trượng, dựng thảo am đặt tên là Thiếu Lâm trượng thất để làm nơi ẩn náu tu hành.
Tại thảo am này, ngoài việc chăm nom giáo dưỡng cho các đệ tử, Hòa thượng còn chuyên tâm nghiên cứu về Thiền học, Giới luật và tham khảo rộng rãi về Tịnh độ tông.
Thâm nhập sâu sắc Thiền ý của Tổ Bách Trượng Hoài Hải (720-814), nên hằng ngày Hòa thượng thường nhắc nhủ các đệ tử rằng:
栽 竹 栽 梅 消 舊 日
種 瓜 種豆 度 新 朝
Âm:
Tài trúc tài mai tiêu cựu nhật
Chủng qua, chủng đậu độ tân triêu.
Nghĩa:
Chăm bón trúc mai qua ngày tháng,
Trồng dưa, trồng đậu độ người sau.
Ngoài ra, ngài có cảm tác một bài thơ thất ngôn tứ tuyệt, rất được chư tôn đức tâm đắc. Nội dung như sau:
少 林 深 隱 月 三 更
靜 聽 松 風 弄 古 爭
一 曲 吟 成 無 限 句
良 田 萬 頃 任 君 耕
Âm:
Thiếu Lâm thâm ẩn nguyệt tam canh
Tĩnh thính tùng phong lộng cổ tranh
Nhất khúc ngâm thành vô hạn cú
Lương điền vạn khoảnh nhậm quân canh.
Nghĩa:
Bản 1.
Thiếu Lâm thâm ẩn nguyệt ba canh
Lắng nghe gió thoảng dưới cổ tùng
Một khúc ngâm thành câu vô tận
Ruộng vườn ngàn khoảnh mặc sức canh.
Bản này trích trong “Tiểu sử ngài Tâm Tịnh”
Bản 2.
Thiếu Lâm ẩn hiện vầng trăng
Tam canh cổ nguyệt vẫn hằng chiếu soi
Lắng nghe khúc nhạc không lời
Tùng xao gió lộng khơi vơi tiếng đàn
Thanh âm đại hải tràng giang
Tự thân hiển hiện rõ ràng dung thông
Tha hồ ruộng tốt ra công
Cò bay thẳng cánh mục đồng dạo chơi.
(Thượng tọa Nguyên Không Từ Phương, Giám tự chùa Tây Thiên, dịch)
(Đây là bản dịch tuy không theo đúng nguyên tác, chỉ dịch thoát theo thể Lục bát nhưng khá lưu loát và sát nghĩa. Người đọc dễ dàng lãnh hội thâm ý của Tổ. Do đó, được sự cho phép của Thượng tọa dịch giả lúc còn tại thế, nên chúng tôi xin chép vào đây để chư vị Tăng Ni, Phật tử tiện tìm hiểu ý nghĩa sâu sắc bài thơ Thiền của Tổ).
Hòa thượng là vị Thiền sư uyên thâm tư tưởng Thiền và Tịnh độ tông, ngài lại muốn phát triển rộng rãi tông chỉ “Thiền Tịnh song tu”, nên vào mùa Đông năm Giáp Thìn, 1904, Hòa thượng cho xây dựng thêm một Thiền thất nằm phía hữu của thảo am, rồi đổi tên thành Thiếu Lâm tự.
Năm Canh Tuất, 1910, Hòa thượng được Sơn môn Tăng già cung thỉnh làm Đệ nhất Tôn chứng tại giới đàn chùa Phước Lâm, thị xã Hội An, tỉnh Quảng Nam. Đại giới đàn này, Hòa thượng Ấn Bổn Vĩnh Gia (1840-1918) làm Đàn đầu, Hòa thượng Thanh Minh Tâm Truyền (1832-1911) làm Giáo thọ và Hòa thượng Hoàng Phú làm Yết-ma. Phần nhiều các giới tử trong giới đàn này, về sau đều trở thành những bậc long tượng lừng lẫy trong sơn môn, như quý Hòa thượng Trừng Thông Tịnh Khiết (1891-1973) Đệ nhất Tăng Thống GHPGVNTN, Hòa thượng Trừng Thủy Giác Nhiên (1878-1979) Đệ nhị Tăng Thống GHPGVNTN, Hòa thượng Trừng Thành Giác Tiên (1880-1936) một bậc Cao tăng vô cùng lỗi lạc và là một vị Tăng già tiên phong, nỗ lực hết mình trong công cuộc chấn hưng Phật giáo tại miền Trung v.v…
Năm Tân Hợi, 1911, Hòa thượng có chỉ chuẩn của vua Duy Tân (1907-1916) về Trú trì quốc tự Diệu Đế, Huế.
Đến ngày 10 tháng 3 năm Mậu Ngọ (10.4.1918), Ngài Tăng cang quốc tự Diệu Đế viên tịch. Bộ Lễ lại có phiến tấu, vua Khải Định (1916-1925) đã chuẩn tấu Hòa thượng kế tục giữ chức Tăng cang quốc tự Diệu Đế, từ đầu năm Kỷ Mùi, 1919 cho đến năm Bính Dần, 1926 thì Hòa thượng Thanh Tú Tuệ Pháp (1871-1927) lên thay.
Vào ngày 15.6 năm Giáp Tý (16.7.1924), vua Khải Định có sắc chỉ mở giới đàn tại chùa Từ Hiếu và cung thỉnh Hòa thượng làm Đàn đầu, Hòa thượng Thanh Trí Tuệ Giác, trú trì chùa Quảng Tế làm Yết-ma, Hòa thượng Thanh Tú Tuệ Pháp, trú trì chùa Thiên Hưng làm Giáo thọ. Quý Hòa thượng Trừng Thành Giác Tiên, Trừng Thủy Giác Nhiên, Trừng Hương Tịnh Hạnh và Trừng Thông Tịnh Khiết làm Kiến đàn.
Đây là một giới đàn được tổ chức rất qui mô tại kinh đô Huế, sau 33 năm kể từ giới đàn được khai giới vào ngày 19.4 năm Giáp Ngọ, niên hiệu Thành Thái thứ 6, 1894 do Hòa thượng Hải Thuận Diệu Giác (Bổn sư của Hòa thượng) làm Đàn đầu.
Giới đàn này, vân tập hơn 400 giới tử xuất gia và đông đảo giới tử tại gia. Các giới tử xuất thân từ giới đàn này, về sau là những bậc Tăng già lỗi lạc trong Thiền môn như Hòa thượng Tâm Ấn Viên Quang (1894-1977) (thường tôn xưng là Ôn Vĩnh Thừa) khai sơn chùa Châu Lâm, Huế, Thượng tọa Tâm Địa Mật Khế (1904-1935) một vị Giáo thọ sư tài năng và đức độ tại các Đạo tràng Phật học ở Huế, Hòa thượng Trừng Nguyên Đôn Hậu (1905-1992), gần 50 năm trú trì chùa Linh Mụ, Đệ tam Tăng Thống GHPGVNTN, Tỳ-kheo ni Trừng Ninh Diệu Hương (1884-1971), vị Ni trưởng có công đầu trong việc thành lập và lãnh đạo xuất sắc Ni bộ Bắc tông Thừa Thiên, Huế…
Có thể nói, đây là một giới đàn đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong tâm trí nhiều thế hệ Tăng Ni, Phật tử suốt cả dải đất miền Trung trong nhiều thập kỷ qua.
Năm Ất Sửu, 1925, Sơn môn Tăng già cung thỉnh Hòa thượng chứng minh Lễ trùng san Pháp Bảo Đàn kinh do nhị vị Hòa thượng Trừng Thành Giác Tiên, Trừng Hương Tịnh Hạnh (bào huynh của Hòa thượng Trừng Thông Tịnh Khiết) trú trì chùa Tường Vân tăng bổ. Đại sư Trừng Thông Viên Thành, khai sơn chùa Tra Am đề bạt. Đây là khắc bản Pháp Bảo Đàn kinh đầu tiên tại kinh đô Huế. (Bản khắc này hiện không rõ tàng trử tại chùa nào hay đã thất lạc!)
Hòa thượng không chỉ uyên thâm tư tưởng Thiền và Tịnh độ tông, mà ngài còn tinh thông cả Lễ nhạc Phật giáo và Lễ nhạc cung đình. Độ thẩm định âm nhạc của Hòa thượng rất tinh tường, các nhà nghiên cứu âm nhạc cả hai lãnh vực này đều hết lời khâm phục.
Hòa thượng cũng là vị Tăng già có sáng kiến “chế tác” ra chiếc áo “Nhật bình” để thay thế cho chiếc áo “Tràng xiêng” mà chư Tăng thời bấy giờ và ngày nay thường mặc. Sáng kiến này, đã được chư vị tôn túc trong Sơn môn thời bấy giờ công nhận và vô cùng tán thán.
Suốt 34 năm - từ năm Giáp Ngọ, 1894 đến năm Mậu Thìn, 1928 - kể từ năm Hòa thượng thọ Đại giới cho đến năm ngài viên tịch. Hòa thượng đã thu nhận và giáo dưỡng cho 94 (chín mươi bốn) (4) vị đệ tử xuất gia và hơn 500 đệ tử tại gia. Trong số 94 vị đệ tử xuất gia, thì có đến Chín vị Cao đệ. Chín vị Cao đệ này, đều có pháp hiệu là chữ “GIÁC”. Do đó, từ nhiều thập kỷ qua, Tăng Ni và Phật tử Thừa Thiên, Huế thường tôn xưng quý Ngài là “Cửu Giác Hòa thượng”.
Có thể thấy, chỉ riêng việc giáo dưỡng và đào tạo nên tân trào “Cửu Giác” cũng đã chói sáng cả sự nghiệp Hoằng hóa vô cùng lớn lao của Ngài.
4. Năm tháng cuối đời
Những năm tháng cuối đời, mặc dầu pháp thể khiếm an, nhưng lúc nào Hòa thượng cũng ân cần lo lắng đến việc giáo dưỡng chúng Tăng. Từ tâm và sự lo lắng của Hòa thượng không chỉ làm xúc động các đệ tử cận kề, mà còn lan tỏa khắp chốn Thiền môn.
Đầu mùa Xuân năm Mậu Thìn, 1928 bệnh tình ngài nhiễm nặng, chư vị đệ tử đã tận tình chăm sóc, nhưng vào giờ Thìn, ngày mồng 6 tháng 3 (từ 7 giờ đến 9 giờ sáng ngày 25.4.1928) ngài an nhiên xả bỏ báo thân. Thọ 60 tuổi, 33 Hạ lạp. .
Khi ngài thị tịch, chư vị tôn túc trong Sơn môn đều vô cùng thương tiếc, không ngớt lời xưng tán từ tâm và đức độ cao cả của Ngài.
Đại sư Viên Thành, cũng là pháp hữu tương đắc của Hòa thượng, đã tỏ lời vô cùng thống thiết:
Chốn Song lâm mây ẩn bóng Ưu đàm, dứt nối tiếng chuông, dép cỏ đi về còn tưởng tượng.
Miền Thiếu thất trăng lồng gương Bát nhã, mênh mông bể học, thuyền từ che chở biết nhờ ai !.
(Câu này Đại sư soạn bằng văn Nôm)
Đại sư còn soạn thêm câu đối bằng Hán văn, hiện được khắc ở hai trụ nơi bảo tháp của Hòa thượng, có nội dung thâm sâu, trác việt:
四 十 一 代 臨 濟 振 禪 風 陶 鑄 功 深 誰 是 當 頭 喝 捧
五 十 九 年 閻 浮 垂 化 蹟 智 悲 願 滿 而 今 撒 手 還 家
Âm:
Tứ thập nhất đại Lâm tế chấn Thiền phong đào chú công thâm thùy thị đương đầu hát bổng.
Ngũ thập cửu niên Diêm phù thùy hóa tích trí bi nguyện mãn nhi kim tát thủ hoàn gia.
Nghĩa: (Có hai bản dịch, chúng tôi xin ghi vào đây để chư Tăng Ni, Phật tử tiện tìm hiểu) Lâm tế đời bốn mươi mốt chấn chỉnh Thiền phong nung đúc công sâu còn ai trao truyền đánh hét.
Diêm phù thọ năm mươi chín rủ lòng giáo huấn trí bi nguyện đủ chừ đây buông thõng về nhà. (Nguyên Hạnh, dịch)
Bốn mươi mốt đời Lâm tế dựng Thiền phong rèn luyện công cao còn biết nhờ ai đánh la vào mặt.
Năm mươi chín năm Diêm phù vang giáo hóa trí bi trọn vẹn nay đành buông tay tiêu sái về nhà. (Nguyễn Văn Thoa, dịch)
(Trích từ Tra Am và sư Viên Thành)
***
Hòa thượng là vị Cao tăng uyên thâm giáo pháp, đức hạnh cao siêu, tánh tình hồn nhiên, phóng khoáng, không câu chấp tiểu tiết, nên chư tôn đức khắp chốn Thiền môn đều hết lòng kính nể. Ngoài ra Ngài còn nhiếp hóa được tất cả mọi người, mọi giới. Từ vua quan cho đến dân chúng, không ai là không ngưỡng vọng đạo phong thanh thoát, từ tâm quảng bác của Ngài.
Sự nghiệp Ngài lưu lại cho hậu thế là tấm gương vô cùng sáng chói cho các thế hệ Tăng Ni, Phật tử hôm nay và ngày mai soi rọi để trưởng dưỡng thân tâm.
Cao quý thay !
Hạnh nguyện cao cả của một vị Bổn sư đã tận tụy suốt đời để nuôi dưỡng và đào tạo nên Chín bậc Cao Tăng kỳ vĩ, là những bậc long tượng Tăng già đã làm nên một giai đoạn lịch sử vẻ vang và hưng thịnh bậc nhất cho nền Phật giáo Việt Nam hiện đại.
***
Sau khi Hòa thượng viên tịch, môn đồ cung thỉnh Hòa thượng Trừng Văn Giác Nguyên, trưởng tử của ngài kế tục trú trì. Đến năm Canh Thân, 1980, Hòa thượng Giác Nguyên viên tịch. Theo Thiền phổ của môn phái chùa Tây Thiên, hiện tiền còn có Hòa thượng Tâm Khai Trí Ấn Nhật Liên, đệ tử của Hòa thượng Giác Nguyên, kế thế trú trì. Tuy nhiên, vì tuổi cao, nên Hòa thượng ít có thời gian về thường trú tại chùa. Mọi Phật sự ở chùa đều giao cho Thượng tọa Giám tự Nguyên Không Từ Phương quán xuyến. Đến năm Nhâm Ngọ, 2002 thì thành lập Ban Điều hành môn phái. Đầu năm 2005, Thượng tọa Từ Phương viên tịch. Sau đó thì Đại đức Quảng Đại Nguyên Minh kế tục làm Giám tự cho đến ngày nay.
Tâm Quang
Chú thích:
1. Chúng tôi không rõ vì lý do gì, Hòa thượng là bậc Cao tăng lừng danh từ nửa đầu thế kỷ XX, người có công rất lớn trong việc giáo dưỡng hàng trăm vị đệ tử xuất gia, cũng như quý Hòa thượng Thanh Tú Tuệ Pháp, Tâm Ấn Viên Quang, Đại sư Viên Thành, là những bậc Cao tăng lừng lẫy của Phật giáo, lại không được Hội đồng Cố vấn, Ban Biên soạn và 36 cộng tác viên, trong đó có Thượng tọa Nguyên Anh Hải Ấn của Phật giáo Huế, lại không ghi Tiểu sử quý Ngài vào Bộ “Tiểu sử Danh Tăng Việt Nam thế kỷ XX”. Trong khi đó, các vị đệ tử của quý Ngài lại có ghi ?
Chúng tôi nghĩ, dù với lý do gì thì đây cũng là một việc làm có phần khiếm khuyết. Thật đáng tiếc !
2. Trong Đặc san “Kỷ niệm 150 năm ngày Tổ khai sơn chùa Từ Hiếu viên tịch”, do môn đồ chùa Từ Hiếu ấn hành năm Phật lịch 2541, 1997, ở các trang 12, 60, 94 và 115 đều ghi là: “huyện Đăng XUYÊN”. Chắc là nhầm, vì địa danh này chỉ gọi là Đăng XƯƠNG, chứ không có thời nào gọi là Đăng XUYÊN.
Trong sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn, do Nxb Khxh. Hà Nội ấn hành năm 1977, ở trang 81 ghi: “huyện Đăng XƯƠNG, có 5 tổng…”.
Chúng tôi xin nêu thêm một sử liệu có giá trị gần đây nhất, để bổ chính cho sự nhầm lẫn này. Hiện trong nội dung văn bia nơi bảo tháp của Hòa thượng Thanh Tú Tuệ Pháp, tại chùa Thiên Hưng, do Đại sư Viên Thành cẩn soạn vào năm Đinh Mão, 1927, ghi rõ địa danh này như sau: “Thiên Hưng tự Giáo thụ Hòa thượng bi minh. Giáo thụ Hòa thượng Quảng Trị tỉnh, Triệu Phong phủ, Đăng XƯƠNG huyện, Bích La tổng, Trung Kiên thôn nhân dã…”.
3. Trong cuốn “Lịch sử Phật giáo xứ Huế” của TT. Hải Ấn và Hà Xuân Liêm, bản in năm 2001, tại Tp Hồ Chí Minh. ở trang 314 ghi: “Ngài Hải Thuận Lương Duyên, chùa Bảo Quốc (1806-1892)…” Ở trang 316 lại ghi: “Ngày 13.01 năm Ất Mùi, 1892 thì Ngài an nhiên thị tịch”. Rõ ràng, các niên đại trên đều xác định là Ngài tịch vào năm 1892. Chắc là nhầm, vì năm Ất Mùi là năm 1895, chứ không phải là 1892. Năm 1892 là Nhâm Thìn).
Hiện có hai sử liệu rất đáng tin cậy, về năm tịch của Ngài Hải Thuận Lương Duyên như sau:
a. Trong văn bia ở bảo tháp của Hòa thượng Thanh Tú Tuệ Pháp, tại chùa Thiên Hưng, do Đại sư Viên Thành, chùa Tra Am cẩn soạn vào năm Đinh Mão, 1927 có nội dung như sau: “Thành Thái Giáp Ngọ niên, Sắc tứ Bảo Quốc tự, khai Đại giới đàn, lễ Đỗ Lương Duyên Đại lão Hòa thượng, cầu thụ cụ túc…”. Nghĩa là: “Năm Giáp Ngọ, 1894 dưới triều Thành Thái, chùa Bảo Quốc mở Đại giới đàn, bèn đến lễ Đại lão Hòa thượng Lương Duyên, xin thọ cụ túc”.
b. Trong cuốn Việt Nam Phật giáo sử lược của TT. Mật Thể, bản in năm 1996 tại Huế, ở trang 201 ghi: “Năm Thành Thái thứ 6 (1895), (chắc là nhầm, vì niên hiệu Thành Thái thứ 6 là năm Giáp Ngọ, 1894) Ngài mở Đại giới đàn tại chùa Bảo Quốc, đến năm sau thì tịch. Thọ 91 tuổi”.
Các sử liệu này cho thấy, đến năm Giáp Ngọ, 1894, Hòa thượng Hải Thuận Diệu Giác chưa viên tịch. Theo Thượng tọa Mật Thể thì năm tịch của Ngài là năm Bính Thân, 1896.
4. Trong văn bia ở tháp Tổ khắc: “Tự pháp môn đại hữu cữu tứ, tứ chúng quy y giả ngũ bách dư nhân”. Nghĩa là: “Đồ đệ nối pháp có 94 người, tứ chúng quy y hơn 500 người”. Nhưng trong bản: “Tiểu sử Ngài Tâm Tịnh” do môn đồ chùa Tây Thiên biên soạn thì ghi là: “Đồ đệ xuất sắc của Ngài có 49 vị, tín đồ quy y với Ngài không dưới 500”. Chúng tôi e rằng con số 49 là nhầm do thiếu cẩn thận khi đánh vi tính (94 thành 49).
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
Việt Nam Phật giáo sử lược của TT. Mật Thể, bản in năm 1996 tại Huế.
Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn, nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1977.
Tra Am và Sư Viên Thành của Nguyễn Văn Thoa, Môn đồ Ba La và Tra Am ấn hành, năm Pl.2517, Giáp Dần, 1974.
Tiểu sử tự ghi của Hòa thượng Nhật Quang Trí Quang.
Đặc san kỷ niệm 150 năm ngày Tổ Khai sơn chùa Từ Hiếu viên tịch, do môn đồ chùa Từ Hiếu ấn hành tại Huế, năm Pl.2541-1997.
Tiểu sử Ngài Tâm Tịnh, do Môn đồ chùa Tây Thiên biên soạn và ấn hành năm Nhâm Ngọ, 2002 tại Huế.
Lịch sử Phật giáo xứ Huế, của TT. Hải Ấn và Hà Xuân Liêm, bản in năm 2001, tại Tp Hồ Chí Minh.
Và một số tư liệu lịch sử có giá trị khác hiện lưu trữ tại các Thư viện. |