Nhìn xuyên qua sự nghi ngờ
Ngay trong giây phút đầu tiên khi tôi mới thực tập thiền quán, tôi có cảm tưởng như mình vừa được trở về nhà. Tôi không hề có một chút ngờ vực nào về lợi ích của thiền tập cũng như giáo lý của đức Phật. Nhưng tôi có một nỗi ngờ về chuyện khác: về khả năng tu tập của tôi, tâm tôi có bao giờ được an ổn không, lòng từ bi tôi có được đến đâu! Và có thời gian tôi đã có một nỗi nghi lớn về việc nên chọn phương pháp tu tập nào cho đúng.
Vị thầy đầu tiên của tôi xuất thân từ truyền thống Miến Điện, và tôi đã thực tập theo phương pháp này cũng được hơn vài tháng. Rồi có người cho tôi xem tấm ảnh của một vị lạt-ma Tây tạng. Tôi cảm thấy rất tò mò và quyết định muốn đi gặp ngài. Sau cùng ông ta đã trở thành vị thầy thứ nhì của tôi. Ông theo một truyền thống Phật giáo khác, một dòng tu khác, với một phương pháp thực tập hoàn toàn khác. Và rồi tôi bị kẹt vào một hoàn cảnh khó xử. Tôi không biết mình nên thực tập theo phương pháp nào đây.
Mỗi khi ngồi xuống thiền, tôi lại bị ám ảnh bởi ý nghĩ: “Mình hành thiền theo lối này, hay nên ngồi theo lối kia? Tôi dám cuộc là lối này nhanh hơn. Mà cũng có thể là lối kia nhanh hơn! Nhìn những người thực hành theo phương pháp đó kìa. Ta nghĩ sao về họ? Còn những người theo phương pháp kia thì sao?” Mỗi khi tôi ở gần những vị thầy Miến Điện, tôi tìm cách hỏi ý kiến của họ về phương pháp hành thiền của Tây Tạng. Và khi tôi gần với những vị Lạt-ma, tôi lại hỏi họ nghĩ sao về lối thiền tập của Miến Điện. Suốt đời chỉ biết nỗ lực tu tập theo truyền thống của mình, những vị thầy này biết rất ít về đường lối của một truyền thống khác, và ý kiến của họ lại thường được dựa theo kinh điển hoặc những giáo điều xưa cũ.
Và kết quả là tôi đã không thật sự lãnh hội được từ một truyền thống nào hết. Thay vì ngồi thiền, tôi cứ ngẫm nghĩ suy xét xem phương pháp nào là hay hơn. Vì không biết phương pháp nào là “hay nhất” hoặc “đúng nhất”, tôi lại càng không thể tập trung tâm ý vào một đề mục thiền định nào được. Sau cùng, tôi quyết định theo dõi hơi thở của mình, thay vì cứ ngồi đó thắc mắc không biết là nên niệm chú hay quán tưởng hình ảnh một vị Phật. Và thay vì hỏi thầy mình về những vấn đề họ biết rất rõ, tôi cứ khăng khăng chất vấn các ngài về những gì ngài biết rất ít.
Tình trạng phân vân của tôi là một khía cạnh của tâm nghi ngờ, một trong năm chướng ngại của ngũ cái. Một trong những chức năng nổi bật và tai hại nhất của tâm nghi ngờ là nó khiến ta không thể nào thật sự lắng nghe. Nó ngăn chặn chặn không cho phép ta để cho sự thật được hiển bày. Khi tâm ta bị vướng mắc vào sự nghi ngờ, khi chúng ta tin và ban cho nó quyền năng, ta sẽ khó có thể tiến bộ trong bất cứ một phương pháp tu tập nào.
Ngoài ra, sự nghi ngờ còn ngăn chặn không cho phép ta tu tập hết lòng. Chúng ta không dành đủ thời gian cho một phương pháp thực tập nào để nó có cơ hội được hiển lộ. Thay vì chờ đợi một câu trả lời xuất phát từ trực giác, tâm nghi ngờ đòi hỏi ta phải biết câu trả lời ngay lập tức. Thay vì tiến gần hơn đến kinh nghiệm của mình để tìm hiểu, tâm nghi ngờ lại bước lùi ra, tách rời với những gì đang có mặt trong giờ phút hiện tại, và rồi phân tách chi ly – thường là để có thể so sánh với những cái khác. Và cứ thế, chúng ta ngồi nghĩ ngợi: “Ta có thực hành đúng không? Có hoàn toàn đúng không? Mà điều đó có đáng không? Ta làm gì ở nơi này đây?” Nhưng càng so sánh, phán xét và suy tính ta lại càng bị mắc kẹt và không thể nhìn sâu sắc được.
Nhưng việc ấy không có nghĩa là ta phải trở nên khờ khạo và giản dị tin vào tất cả những gì mình nghe. Dĩ nhiên là ta cũng phải cần có một đầu óc thực tế để xét đoán những gì người khác nói, xem đó có phải là sự thật hay không! Khi đức Phật khuyên chúng ta đừng vội tin những gì ngài nói mà không chịu quán xét, là ngài khuyên ta phải biết dùng sự nghi ngờ như là một động cơ thúc đẩy mình tự chứng nghiệm sự thật. Muốn tiếp xúc được với sự thật, ta phải biết để cho kinh nghiệm của ta nói lên trực tiếp với mình. Khi ta đã có thời gian để kinh nghiệm một phương pháp nào đó thật trọn vẹn rồi, chừng ấy ta sẽ sẵn sàng để quyết định: “Cái này có nghĩa gì đối với tôi? Nó có đáng không? Nó có quan trọng không? Hay là hoàn toàn là vô dụng? Tôi có nên quên nó đi không?”
Sau khi ý thức là tôi đang tự trói cột mình vì sự phân vân giữa hai pháp tu, tôi biết mình cần phải tự tháo gỡ. Tôi phải chọn một trong hai đường lối ấy và rồi nỗ lực tu tập. Đường lối nào tôi chọn không quan trọng lắm, miễn là tôi biết thực hành cho tinh tấn. Tôi tự nhủ: “Cứ thực hành một cái gì đi. Mình đâu cần phải thực hành trọn đời đâu. Nó cũng đâu cần phải là một phương pháp hoàn toàn thích hợp với mình. Thực tập trong sáu tháng, một năm, hay một khoảng thời gian nào đó mà mình chọn. Thử thực hành đi rồi để xem việc gì sẽ xảy ra.” Nghĩ vậy, lập tức tôi có thể tu tập tinh tấn trở lại ngay. Và tôi cũng đã có thể học hỏi từ vị thầy của tôi, bằng cách nêu lên những vấn đề mà ông ta thật sự biết và đã chứng nghiệm.
Có nhiều cách giúp ta nhìn xuyên qua được màn sương mù của tâm nghi ngờ. Một trong những phương cách hiệu nghiệm nhất là sử dụng nó như một đề mục của thiền quán – ghi nhận sự bối rối, phân vân trong ta, những câu hỏi, nghi vấn nào không bắt nguồn từ sự tìm hiểu chân thật, mà từ một sự ngờ vực. Nhận thức được điều ấy sẽ giúp ta nhớ lại mục tiêu của thiền quán. Ta nhớ rằng sự tu tập là một phương tiện để giúp cho chân lý tự chính nó hiển bày. Đôi khi ta cũng có thể tìm câu trả lời từ một vị thầy hoặc từ sách vở, để biết được sự nghi ngờ nào là chính đáng và sự nghi ngờ nào sẽ trói buộc ta. Và nhiều khi ta chỉ cần dành cho nó một thời gian, như trong trường hợp của tôi khi cố gắng chọn lựa giữa những hình thức tu tập khác nhau.
Khí cụ quan trọng nhất trong việc đối trị tâm nghi ngờ là sự tự tin vào khả năng thấy được chân lý của mình. Khi tôi không còn bị xao lãng vì vấn đề phải chọn lựa một phương pháp nào, tôi có thể thật sự đối diện với nỗi nghi ngờ sâu thẳm nhất trong tôi, nó nằm bên dưới những ý nghĩ hời hợt bề ngoài – đó là tôi có khả năng đạt đến mục tiêu của sự tu tập hay không! Trong tất cả các loại nghi ngờ, sự nghi ngờ về chính mình này có lẽ là loại cơ bản và nguy hiểm nhất.
Trong khoa tâm lý học ngày nay, người ta có một ý niệm về tự dụng (self-efficacy). Đó là một khả năng giúp ta đối diện với những thử thách mỗi khi chúng khởi lên. Với đức tự dụng, chúng ta biết tin vào chính mình, vào khả năng đối diện với những khó khăn. Một người với đức tánh tự dụng mạnh mẽ sẽ dám liều, dám thử, dám đối diện với mọi thử thách trước mặt. Điều này chứng tỏ rằng đức tin có một ảnh hưởng trực tiếp rất lớn đến khả năng của mình. Khả năng phát triển, hiểu biết, thương yêu và kết hợp của ta không hề có một số lượng nhất định hoặc giới hạn. Nhưng chúng ta đã tự giới hạn chúng vì thiếu niềm tin vào chính mình.
Mỗi khi có một nỗi nghi ngờ nào khởi lên trong tâm, ta có thể chuyển hóa nó thành một khí cụ hữu ích. Chúng ta dùng nó như một dấu hiệu nhắc nhở ta phát huy sự tự tin, sẵn sàng đối diện với những trở ngại tự nhiên trên hành trình tu tập. Đức tự tin căn bản này sẽ giúp ta nhìn thẳng vào mọi sự nghi ngờ. Và từ đó, ta sẽ có thể kinh nghiệm mọi việc một cách chân tình và trọn vẹn, không hề kềm chế lại một phần nào của mình trong sự tu tập cũng như sự sống.
Chìa khóa để nuôi dưỡng sự tự tin là ý thức rằng ta có quyền tự mình chứng nghiệm được chân lý. Trong kinh ghi lại, có một số dân làng đến thưa với đức Phật rằng có nhiều vị tu sĩ đến giảng đạo, ai cũng nói giáo lý mình là đúng hết. Rốt cùng họ không biết tin vào ai. Đức Phật dạy: “Quý vị đừng tin vào điều gì chỉ vì được nghe nói lại. Đừng tin điều gì chỉ vì đó là tập tục xưa truyền lại. Đừng tin điều gì chỉ vì đã được ghi chép trong kinh điển. Đừng tin điều gì chỉ vì đã được nói ra bởi một bậc tu sĩ... Khi quý vị thấy rằng những điều ấy không hợp với luân lý, hành động theo chúng sẽ dẫn đến khổ đau và phiền muộn, thì quý vị hãy từ bỏ, không làm. Khi quý vị thấy rằng, những điều ấy hợp với luân lý, hành động theo chúng sẽ dẫn đến an vui và hạnh phúc, thì quý vị nên hành động đúng theo như vậy.”
Khi ta hiểu rằng tiếp nhận được chân lý là một quyền cơ bản của mình, ta sẽ có thể vượt qua những sự nghi ngờ lúc nào cũng cố gắng tách rời ta với kinh nghiệm của mình. Và từ đó ta có thể tiếp xúc được với giây phút hiện tại này, không bằng sự bối rối mà bằng một tuệ giác sáng tỏ.
Nguyễn Duy Nhiên dịch |