Hòa thượng Tâm Nhất Mật Thể
Tâm Quang
Cập nhật: 06:50:00 06/04/2009

Hòa thượng TÂM NHẤT MẬT THỂ (1912-1961)

Hòa thượng thế danh là NGUYỄN HỮU KÊ. Ngài sinh năm Nhâm Tý, 1912 tại làng Nguyệt Biều, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên (nay là xã Thủy Biều, thành phố Huế). Nguyên quán của Hòa thượng ở huyện Tống Sơn, Gia Miêu ngoại trang tỉnh Thanh Hóa.

Hòa thượng sinh ra và lớn lên trong một gia đình mà song thân và anh chị em đều thành tâm qui ngưỡng Tam Bảo. Thân phụ và bào huynh của Hòa thượng đã có thời gian xuất gia.

Năm 6 tuổi (Mậu Ngọ, 1918) được thân phụ cho học chữ Nho, rồi chuyển qua học chữ Quốc ngữ cho đến khi thi đậu Văn bằng Tiểu học chương trình Pháp Việt. Tuy rất chăm chỉ học tập nhưng chí nguyện lại muốn xuất gia đầu Phật như thân phụ và bào huynh.

Năm 15 tuổi (Đinh Mão, 1927) (1) được thân phụ chấp thuận, rồi đem về chùa Diệu Hỷ (sau lưng chùa Diệu Đế, Huế) xin theo học với Hòa thượng Trí Giải (pháp huynh của Hòa thượng Tâm Như Trí Thủ). Được một thời gian thì Hòa thượng Trí Giải lại xin cho lên học với Hòa thượng Trừng Thanh Giác Bổn tại chùa Từ Quang. Trong thời gian theo học tại chùa Từ Quang, ngài Giác Bổn nhận thấy chí nguyện và tài năng kiệt xuất của Hòa thượng, nên lại gửi lên theo học với Hòa thượng Giác Tiên ở chùa Trúc Lâm. Suốt thời gian theo học tại chùa Trúc Lâm, Hòa thượng càng tỏ rõ tuệ căn thâm hậu, đạo hạnh kiên cường.

Năm 18 tuổi (Canh Ngọ, 1930) được Hòa thượng Giác Tiên thế độ cho thọ Sa-di giới tại giới đàn chùa Trúc Lâm và đặt pháp danh là Tâm Nhất, pháp hiệu là Mật Thể. Thể nhập đời thứ 43 dòng Thiền Lâm Tế Chánh Tông, đời thứ 9 dòng Thiền Thiệt Diệu Liễu Quán. Sau khi thọ Sa-di giới, Hòa thượng tiếp tục theo học tại Sơn môn Phật học đường Trúc Lâm, rồi chuyển qua lớp Cao đẳng, cũng tại An Nam Phật học đường Trúc Lâm.

Năm Quý Dậu, 1933, An Nam Phật học hội mời Hòa thượng vào Ban giảng sư và Ban Biên tập tạp chí Viên Âm. Tuy đang là một vị Sa-di nhưng Hòa thượng đã không ngừng nỗ lực hoàn thành trách nhiệm được giao phó một cách xuất sắc. Chư vị tôn túc thời bấy giờ đều hết lời khen ngợi.

Vốn mang chí nguyện và hoài bão lớn lao trong sự nghiệp hoằng dương và phục hưng Chánh pháp, nên sau khi Bổn sư viên tịch (Bính Tý, 1936), Hòa thượng liền xin phép nhị vị pháp huynh Tâm Hương Mật Hiển và Tâm Như Mật Nguyện để sang Trung Hoa theo học tại Phật học đường Tiêu Sơn, một trung tâm đào tạo Tăng tài lừng danh của Phật giáo Trung Hoa thời bấy giờ.

Năm Mậu Dần, 1938, cuộc chiến tranh Trung-Nhật bùng nổ, việc tu học gặp nhiều khó khăn, nên Hòa thượng xin trở về Việt Nam. Khi về, Hòa thượng lại mang về được một số kinh sách và nhiều tư liệu lịch sử Phật giáo quý hiếm. Sau đó, Hòa thượng lại lần lượt đi thăm nhiều Tổ đình ở các tỉnh Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên... nhất là các Tổ đình ở miền Bắc, nhằm thu thập tư liệu để đáp ứng cho những công trình đang biên soạn.

Đầu năm Tân Tỵ, 1941, Chư sơn ở tỉnh Trà Vinh (Nam Việt) ra mời Hòa thượng vào giảng dạy tại Phật học đường Lưỡng Xuyên. Được một thời gian thì Hòa thượng lại trở về Huế và dành hết thì giờ vào công việc trước tác, biên soạn. Với bút pháp tài hoa, sâu sắc, đầy trí tuệ, nên nhiều nhà trí thức thời bấy giờ như Sử gia Thúc Ngọc Trần Văn Giáp (Người đề tựa cho bộ Việt Nam Phật giáo sử lược), học giả Thượng Chi Phạm Quỳnh, nhà văn Khái Hưng... thường trao đổi, đàm đạo với Hòa thượng về Kinh điển Đại thừa, hoặc về Lịch sử phát triển của Phật giáo Việt Nam... Đây cũng là thời kỳ Hòa thượng trước tác, biên soạn dồi dào nhất, ngài đã để lại nhiều tác phẩm rất có giá trị cho nền văn học Phật giáo Việt Nam, như các cuốn Việt Nam Phật giáo sử lược, Kinh Đại thừa Vô lượng nghĩa, Phật học dị giải, Phật giáo yếu luận, Phật giáo yếu lược, Xuân Đạo lý... nhất là cuốn “Cải tổ Sơn môn Huế”. Cuốn sách ra đời đã đóng góp và trợ duyên đắc lực cho sự chuyển hóa vô cùng tích cực của Sơn môn Thừa Thiên, Huế.

Đầu năm Quý Mùi, 1943, Hòa thượng cho xuất bản bộ Việt Nam Phật giáo Sử Lược (2). Đây là bộ lịch sử Phật giáo Việt Nam đầu tiên được viết bằng chữ Việt. Nội dung tác phẩm không chỉ được Quốc sư Phước Huệ ghi lời tán thán, chư tôn túc và học giới Việt Nam hoan nghênh, mà còn thể hiện trí tuệ, tài năng của một vị Sa-di đã được đào tạo từ các trung tâm đào tạo Tăng tài nghiêm túc và có chất lượng học tập cao nhất tại Thừa Thiên, Huế lúc bấy giờ.

Tuy là “sử lược”, nhưng qua tác phẩm này, Hòa thượng đã có công phát sáng niềm tín ngưỡng tâm linh cao đẹp mà Phật giáo đã liên tục trang trải suốt dòng lịch sử 2000 năm trong lòng dân tộc Việt.

Sự ra đời của bộ Việt Nam Phật giáo sử lược đã đặt nền móng vững chắc cho các bộ lịch sử Phật giáo Việt Nam tiếp tục ra đời sau đó, như Hòa thượng đã khẳng định trong Lời nói đầu: “Nó chỉ là một cuốn đại quan về một thiên lịch sử, phận sự của nó là mở đường cho những cuốn Việt Nam Phật giáo sử sau đây”.

Năm 32 tuổi (Giáp Thân, 1944), Hòa thượng được đăng đàn thọ Tỳ kheo giới tại giới đàn chùa Thuyền Tôn, do Hòa thượng Trừng Thủy Giác Nhiên làm Đàn đầu. Hòa thượng đắc Thủ Sa-di trong giới đàn này. Sau khi thọ Đại giới, Sơn môn Tăng già Thừa Thiên cử Hòa thượng về trú trì chùa Phổ Quang, ở dốc Bến Ngự, Huế.

Năm Ất Dậu, 1945 sau khi cuộc cách mạng mùa Thu kết thúc, Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam ra đời, đã mời Hòa thượng ra ứng cử Đại biểu Quốc hội. Cuối năm Bính Tuất, 1946 lại mời Hòa thượng đảm nhận thêm chức vụ Chủ tịch Hội Phật giáo Cứu quốc tại tỉnh Thừa Thiên, Huế.

 

***

Dù thế sự đa đoan, Hòa thượng vẫn không hề xao lãng trách nhiệm cao quý của một bậc Điều Ngự tử đối với sự hưng vong của Đạo pháp. Dù hoàn cảnh nhiễu nhương, tinh thần và nguyện lực của Hòa thượng vẫn giữ vững phương châm “tùy duyên bất biến”. Điều này, có thể thấy rõ là sau khi Mặt trận kháng chiến chống thực dân Pháp tại Thừa Thiên, Huế tan vỡ vào đầu năm Đinh Hợi, 1947, Hòa thượng lại lên đường tham gia kháng chiến, cho đến năm Đinh Dậu, 1957 thì từ Hà Nội, Hòa thượng phải về “an trú” tại tỉnh Nghệ An, nhưng chí nguyện thì vẫn bền chắc như kim cương, sứ mệnh thiêng liêng của một bậc Sa môn đối với dân tộc và Đạo pháp vẫn không vì thế mà đổi thay. Những năm tháng “an trú” ở Nghệ An, dù phải chống chọi với bệnh tật, với khó khăn, thiếu thốn, nhưng Hòa thượng vẫn không ngừng trước tác và dịch thuật rất nhiều kinh sách. Điều không may là sau khi Hòa thượng tịch thì các tác phẩm này đều đã thất lạc. Chỉ còn có bộ “Thế giới quan Phật giáo”, sau đó mới được tạp chí Vạn Hạnh tại miền Nam ấn hành vào năm 1967.

Hòa thượng “an trú” tại tỉnh Nghệ An gần 5 năm, đến ngày 14 tháng 9 năm Tân Sửu (23.10.1961) thì tịch (3). Sau hơn 30 năm Hòa thượng đã miệt mài trong chí nguyện vì một nền Phật giáo phục hưng và không ngừng nỗ lực cống hiến công sức cho nền văn hóa dân tộc và Phật giáo qua nhiều tác phẩm có giá trị còn lưu lại đến ngày nay.

 

***

Hòa thượng tịch trong thời kỳ đất nước qua phân, nên chưa có bản Tiểu sử nào đề cập đến sự kiện Hòa thượng thị tịch, rõ ràng, xác thực đúng như tư liệu lịch sử và sự ghi nhận của chư tôn đức chùa Trúc Lâm. Chỉ biết chắc chắn vào năm Bính Tý, 1996 thì nhục thân của Hòa thượng mới được quý ngài trong Môn phái chùa Trúc Lâm và thân quyến của Hòa thượng ra tận tỉnh Nghệ An tìm kiếm, rồi cất bốc đem về cung táng và xây dựng bảo tháp trong khuôn viên Tổ đình Trúc Lâm, Huế.

 

(Tuy bảo tháp của Hòa thượng đã được xây dựng, nhưng vẫn còn quá khiêm tốn, chỉ đơn giản như tháp mộ của một vị Sa-di. Chúng tôi ước mong chư tôn đức Tăng Ni, chư vị thiện tri thức, đồng bào Phật tử gần xa lưu tâm để tôn tạo lại ngôi bảo tháp của Hòa thượng cho tương xứng với công hạnh và sự nghiệp lớn lao mà suốt đời ngài đã không ngừng cống hiến cho dân tộc và Đạo pháp).

 

 

 

 

 
 
   
 
  
Tìm kiếm

 
  
Tìm trên:     hoangphap.info web khác
Visitor Number: 
Hôm nay