Hòa thượng Tâm Địa Mật Khế
Tâm Quang
Cập nhật: 06:45:00 06/04/2009

Hòa thượng TÂM ĐỊA MẬT KHẾ (1904-1935)

Hòa thượng họ Lê (chúng tôi chưa tìm thấy sử liệu nào ghi thế danh của ngài), ngài sinh năm Giáp Thìn, 1904 tại làng Thần Phù, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên (nay là thôn Thần Phù, xã Thủy Phương, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế).

Năm lên 9 tuổi (Quý Sửu, 1913) đã có chí nguyện xuất gia, nên được thân phụ đồng ý và đem lên chùa Trúc Lâm xin thọ giáo với Hòa thượng Trừng Thành Giác Tiên.

Bản tính vốn nhu hòa, thông minh và hiếu học, lại được Bổn sư tận tình dìu dắt trong suốt 10 năm, nhờ thế Hòa thượng đã lãnh hội nhanh chóng và thông đạt nhiều tinh yếu của giáo lý Đại thừa.

Năm 19 tuổi (Quý Hợi, 1923) được Bổn sư thế độ cho thọ Sa di giới tại giới đàn chùa Trúc Lâm và đặt pháp danh là Tâm Địa, pháp hiệu là Mật Khế. Thể nhập đời thứ 43 dòng Thiền Lâm Tế Chánh Tông, đời thứ 9 dòng Thiền Thiệt Diệu Liễu Quán. Với chí nguyện kiên cường, tuệ căn uyên bác, nên chỉ một năm sau khi thọ Sa-di giới, vào ngày 15.6 năm Giáp Tý (16.7.1924) Hòa thượng lại được đăng đàn thọ Tỷ-kheo giới tại giới đàn chùa Từ Hiếu. Trong giới đàn này Hòa thượng đắc Thủ Sa-di, nên được Hòa thượng Đàn đầu Thanh Ninh Tâm Tịnh ban thưởng cho một bộ cà-sa và một bình bát quý. Điều này đã làm cho Bổn sư của ngài hết sức vui lòng và đặt nhiều kỳ vọng vào tương lai nơi người đệ tử trẻ nhưng tài năng và đạo hạnh đều xuất chúng.

Sau khi thọ giới được hai năm, đến năm Bính Dần, 1926 lại được Bổn sư gởi vào Tổ đình Thập Tháp, Bình Định để tham học với Quốc sư Phước Huệ.

Năm Canh Ngọ, 1930, sau khi Sơn môn Phật học đường Trúc Lâm khai giảng, dưới sự chủ giảng của Quốc sư Phước Huệ, được cung thỉnh từ Bình Định ra, Hòa thượng lại trở về tiếp tục học ở Phật học đường này.

Năm Nhâm Thân, 1932, An Nam Phật học hội mời Hòa thượng vào Ban Giảng sư nòng cốt của Hội. Có thể nói, Hòa thượng cũng như quý Hòa thượng Trừng Nguyên Đôn Hậu, Tâm Như Mật Nguyện, Tâm Như Trí Thủ, Tâm Nhất Mật Thể... là những vị giảng sư uyên thâm, lỗi lạc, pháp âm của quý ngài đã dung nhiếp và chuyển hóa mạnh mẽ việc tu học của đông đảo tầng lớp đồng bào Phật tử ở khắp cả dải đất miền Trung nước Việt lúc bấy giờ.

Đầu năm Quý Dậu, 1933 được sự ủy nhiệm của Bổn sư, Hòa thượng ra tổ chức và phụ trách giảng dạy tại trường Sơ cấp Phật học ở chùa Vạn Phước. Cuối năm 1933, An Nam Phật học hội lại mời Hòa thượng vào Ban Biên tập Tạp chí Viên Âm, cơ quan hoằng pháp của Hội (Tạp chí Viên Âm số đầu tiên phát hành ngày 01.12.1933).

Năm Giáp Tuất, 1934, Hòa thượng hợp lực cùng Bổn sư tổ chức An Nam Phật học đường Trúc Lâm. Đây là lớp Cao đẳng Phật học đầu tiên được tổ chức rất qui mô tại Huế. Lớp này vẫn được Quốc sư Phước Huệ từ Bình Định ra làm chủ giảng. Đến mùa Thu năm Ất Hợi,1935 thì chuyển lên sáp nhập vào Phật học viện Tây Thiên. Cũng trong thời gian này, Hòa thượng là người đầu tiên mạnh dạn bày tỏ ý kiến với chư tôn túc là nên thành lập “Sơn môn Tăng già Thừa Thiên” và cải tổ nếp sinh hoạt. Quan điểm mới mẻ này, đã được chư tôn túc trong cuộc họp ngày 24.3.1935 tại chùa Diệu Đế, Huế tán đồng và đã công cử Hòa thượng đảm nhận chức vụ Chánh Thư ký.

Đầu năm Ất Hợi, 1935 với tư cách là Chánh Thư ký Sơn môn Tăng già Thừa Thiên, Hòa thượng đã tích cực đóng góp nhiều công sức cho An Nam Phật học hội tổ chức thành công Đại lễ Phật đản ngày mồng 8.4 năm Ất Hợi (10.5.1935) tại chùa Diệu Đế, Huế.

Nhưng bất ngờ, khi Đại lễ Phật đản sắp được cử hành thì pháp thể Hòa thượng khiếm an. Bổn sư của ngài và chư tôn túc đều vô cùng lo lắng, thuốc thang chữa trị nhưng Hòa thượng vẫn không qua khỏi cơn Vô thường sinh tử.

Như dự tri được giờ ra đi vĩnh viễn của người đệ tử thân yêu, Bổn sư của ngài đã tự tay viết bài kệ:

 Tâm Địa quang hàm pháp tính viên

 Tây lai diệu chỉ hiển Nam thiên

 Hoát nhiên trực triệt Tào Khê lộ

 Miễn tại linh bình ngũ thập niên.

 

Tạm dịch:

Tâm sáng bao gồm tính vẹn nguyên

Trời Nam rạng ý Tổ Tây truyền

Tào Khê tỏ ngộ trong giây phút

Mấy chục năm qua trút muộn phiền.

(Lê Nguyễn Lưu, dịch)

 

Sau khi tiếp nhận và đọc xong bài kệ, Hòa thượng an nhiên xả bỏ báo thân vào giờ Mão (từ 5-7 giờ) ngày mồng 8.4 năm Ất Hợi (10.5.1935), trong lúc Đại lễ Phật đản đang bắt đầu cử hành.

Sự ra đi vĩnh viễn của Hòa thượng đã để lại nhiều tiếc thương cho chư vị tôn túc Sơn môn và làm cho biết bao Tăng Ni, Phật tử ngậm ngùi rỏ lệ.

Ngưỡng vọng chí nguyện và sự nghiệp kỳ vĩ của Hòa thượng, hàng đệ tử đã thành kính dâng trước linh đài ngài đôi câu đối, với lời tán thán bi ai:

 

- Rừng Mai đạp tuyết cay đắng trải bao phen, cơ hóa độ còn nhiều hy vọng chứa chan tằm kéo tơ lòng thêu sử Phật.

- Sàng Trúc trổ hoa tỉnh mê trong nửa kiếp, tình tương tri quá nặng sầu trường man mác quyên rơi giọt lụy gọi hồn thiêng.

 

Ngày 13.8.1935, An Nam Phật học hội xây dựng bảo tháp của Hòa thượng trong khuôn viên chùa Trúc Lâm. Nội dung văn bia do ngài Phó Hội trưởng An Nam Phật học hội, Bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám cung soạn. Hòa thượng chứng minh Đại đạo sư thượng Trừng, hạ Thủy, hiệu Giác Nhiên duyệt.

 

 

 
 
   
 
  
Tìm kiếm

 
  
Tìm trên:     hoangphap.info web khác
Visitor Number: 
Hôm nay