TỪ BỤI ĐỜI PHIỀN NÃO
Thích Thái Hòa
Có những vị Bác sĩ bị áp lực bởi công việc của gia đình, nghề nghiệp và xã hội, nên họ đã nhờ tôi chỉ bày cho họ “pháp an tâm”, để giúp cho họ vượt ra khỏi tình trạng bị áp lực bởi các công việc và đời sống của họ hàng ngày.
Họ hỏi tôi rằng, “pháp an tâm” có phải là tập trung tâm ý để theo dõi hơi thở phải không thầy? Tôi nói phải mà cũng không phải.
Phải là vì tâm ta vọng động, nên cần phải có phương pháp thực tập cụ thể để đưa tâm trở về lại với trạng thái an tịnh của chính nó. Nên, thực tập theo dõi hơi thở chỉ là một trong nhiều phương pháp thực tiễn giúp tâm an tịnh, chứ không phải nó là duy nhất và tất cả.
Không phải, là vì tâm ta vọng động theo duyên, nên nó cực kỳ linh hoạt và bén nhạy; và trong cuộc sống, ta bị áp lực nhiều phía, chứ không phải chỉ có một phía. Nên, khiến cho tâm ta bị chao đảo bởi nhiều tác duyên, chứ không phải chỉ là một tác duyên.
Vì vậy, ta phải tùy thuận các duyên, để đình chỉ sự vọng động của tâm, chứ không phải chỉ có một phương pháp hay một điều kiện cho tất cả.
Một bác sĩ bị bận rộn bởi những công việc hành chánh, thì ngay nơi công việc hành chánh ấy mà an tâm và nhận diện ý nghĩa đích thực của cuộc sống; một bác sĩ bận rộn bởi công việc trị liệu bệnh tâm thần cho bệnh nhân, thì ngay nơi việc ấy mà an tâm và nhận diện ý nghĩa đích thực của cuộc sống; một bác sĩ đang điều trị bệnh tim mạch cho bệnh nhân, thì ngay nơi công việc ấy mà an tâm và nhận diện ý nghĩa đích thực của cuộc sống; một bác sĩ đang điều trị bệnh da liễu cho bệnh nhân, thì ngay nơi công việc ấy mà an tâm và nhận diện ý nghĩa đích thực của cuộc sống; một bác sĩ đang điều trị tai mắt cho bệnh nhân, thì ngay nơi công việc ấy mà an tâm và nhận diện ý nghĩa đích thực của cuộc sống,…
Tuy là cùng bác sĩ, nhưng nghiệp vụ, chuyên môn không có vị nào giống vị nào. Tuy là bệnh nhân tim mạch, nhưng nhân duyên sinh khởi bệnh tim mạch, cũng không có bệnh nhân nào giống bệnh nhân nào, vì vậy bác sĩ điều trị bệnh nhân tim mạch không phải chỉ có một số kiến thức về tim mạch qua sách vỡ hay qua những trường lớp là đủ, mà phải trực tiếp với lâm sàng, và phải biết theo dõi diễn biến tăng giảm của bệnh nhân từng phút, từng giờ để điều trị cho thích ứng.
Cũng vậy, “pháp an tâm”, không phải chỉ có một phương pháp mà có đến tám vạn bốn ngàn phương pháp hoặc có đến vô lượng phương pháp để thực tập. Duyên nào đã tác động, khiến cho tâm ta không an, thì ngay ở nơi duyên ấy mà thực tập pháp an tâm.
Khi ta thực tập “pháp an tâm”, cần có đủ cả ba chất liệu gồm: Niệm – Giác và Nguyện.
Niệm là ghi nhận rõ ràng những gì đang diễn ra nơi thân và tâm của ta, qua các cảm thọ do ý nghĩ và hành động đối với việc ta đang làm đem lại.
Giác là ta phải biết rất rõ và chính xác những gì ta đang nghĩ và đang làm, cũng như biết một cách chính xác các cảm thọ đang diễn ra do ý nghĩ và hành động đối với công việc của ta đang làm đem lại.
Nguyện, nghĩa là ta làm bất cứ công việc gì là ta nguyện trong tâm ta, khiến tâm ta có đầy đủ hai chất liệu của Niệm và Giác để cùng hiện hữu với công việc ấy, ngay trong từng giây phút hiện tiền. Và ngay nơi công việc ấy, mà ta giác ngộ được tự thân thực tại, và cũng chính ngay nơi công việc ấy, mà ta thành tuệ giác vô thượng và thành tựu vô lượng công đức cho mình và cho người.
Như vậy, tâm ta mắc kẹt ở chỗ nào, thì ngay ở nơi chỗ đó mà tháo gỡ; tâm ta bất an ở chỗ nào, thì ngay ở nơi đó mà thiết lập sự an lạc; tâm ta thất niệm với cái gì, thì ngay nơi đó mà niệm, để tạo thành năng lượng của chánh niệm; tâm ta bất giác với cái gì, thì ngay nơi đó mà giác để tạo thành chất liệu của toàn giác, và khi ta làm bất cứ công việc gì, thì ta nguyện mà làm, và ta phải biết nuôi dưỡng nguyện ấy, bằng chất liệu của Niệm và Giác trong từng giây phút hiện tiền, ngay nơi công việc hàng ngày của ta.
Vì vậy, không có một pháp an tâm nào nhất định cho bác sĩ, kỹ sư, thương gia, chính khách, giáo sư, nông dân, người lớn hay trẻ em, nữ giới hay nam giới, tu sĩ hay cư sĩ mà vạn pháp đều tùy duyên, và ngay nơi vạn pháp tùy duyên ấy mà thiết lập Niệm, Giác và Nguyện, để chuyển hóa đời sống của nghiệp lực thành đời sống của nguyện lực, khiến cho ta thấy cái gì cũng xuyên suốt cả ngọn ngành nhân duyên, nghiệp quả, làm cái gì cũng dẫn sinh an lạc và thảnh thơi, xúc tiếp với cái gì, thì liền thấy rõ sự thật ngay ở nơi cái đó.
Nên, ta có bao nhiêu phiền não là ta có bấy nhiêu điều kiện để tu tập, để thực hành pháp an tâm và Đức Phật của chúng ta sẽ hiện ra từ giữa vô biên phiền não ấy.
Vậy, Đức Phật của chúng ta đang ở đâu, Ngài đang ở ngay trong bụi đời phiền não và kho tàng chánh pháp của Ngài cũng đang ở trong kho tàng vô biên phiền não của thế gian vậy. |