Nốt nhạc màu lam
Hoàng Công Danh
Cập nhật: 21:11:00 05/04/2009

NỐT NHẠC MÀU LAM

Hoàng Công Danh

 

Âm nhạc là nghệ thuật của thanh điệu, đối tượng hướng đến của nó là tai. Nhưng tôi lại thích xem âm nhạc là nghệ thuật của màu sắc, nếu những màu sắc đó chưa lên khung toan thì ít ra, chúng cũng đã vẽ lên trong tôi một màu lam từ những ngày còn nhỏ, khi chạm phải âm nhạc Phật giáo.

Tôi quan niệm một công việc chỉ là một đóng góp nhỏ, và với suy nghĩ ấy, bài viết dưới đây chỉ điểm qua một số ca khúc Phật giáo in đậm trong ký ức của mình mà thôi.

                                      

1. Khai thức

Bài hát đầu tiên mà bất cứ đứa trẻ nào đi chùa cũng biết đó là “Em đến chùa”, một ca khúc dễ thương với tiết tấu nhẹ nhàng như những gót chân đêm rằm. “Một hôm, một hôm mồng một lên chùa, em đi đi với mẹ, mua vài hoa sen. Đến chùa, đến chùa dâng cả hồn em, lên trên trên đức Phật, lòng em mỉm cười”. Lặp chữ là một kĩ thuật của các nhạc sĩ nhằm tạo ra nhịp điệu, ở đây sự lặp lại hai lần “một hôm” đã đẩy ca từ vượt qua tín hiệu thông báo về thời gian. Nghe ra dường như việc đến chùa là một cái “duyên” gặp gỡ chứ không phải là một việc cần phải làm/ nghi thức. Đi lễ chùa thường vào những hôm mùng một đầu tháng hoặc những ngày rằm tròn trăng. Tác giả viết “mồng một” là muốn đưa chữ vào ý nghĩa khai thức mở đầu, như ta đi học đầu tiên là lớp một, leo lên căn nhà cao tầng thì trước hết phải qua tầng một. Vậy thì “mồng một” ở đây còn được hiểu theo nghĩa lần đầu tiên em đến chùa. Ngay từ lần đầu tiên ấy, trong em đã có niềm tôn kính Phật và thể hiện ra bằng hành động tay cầm “một vài hoa sen”.

Hoa sen trong văn hóa Việt là biểu tượng vừa thanh nhã lại trang nghiêm. Ca dao có câu “trong đầm gì đẹp bằng sen/ lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng/ nhị vàng bông trắng lá xanh/ gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” - đấy là cái thanh nhã. Hoa sen được chọn làm hoạ tiết trên kèo cột đình chùa - đấy là cái trang nghiêm. Và khi hoa sen dâng Phật thì nó được tôn thêm sắc thái mến mộ thơm thảo. Tưởng chừng mấy đóa sen của em sẽ làm cho chánh điện ngát hương tịnh độ.

Khai thức là biểu hiện của cái minh (sáng - ngược với vô minh), là tín hiệu đầu tiên để chạm vào hạnh phúc chân thật. Đến chùa từ nhỏ tức là tìm đến sự an lạc trong đời sống vốn là “bể khổ” này. Tôi có đọc một bài viết của Song Nguyễn (tạp chí Hồn Việt số 1-tháng 6/2007), trong đó tác giả đưa ra hai ý kiến về việc giáo dục cho trẻ em Việt Nam. Một là đưa võ thuật vào dạy trong nhà trường và hai là cho trẻ em một vài kiến thức Phật pháp. Ở bài viết đó Song Nguyễn đưa ra một ví dụ là “tập thở trong chánh niệm” của thiền sư Nhất Hạnh. Tôi xin lấy một ví dụ khác là nên cho trẻ em biết về “năm giới cấm” của nhà Phật dành cho người tu tại gia, đó là: không sát sanh, không nói dối, không trộm cắp, không tà dâm và không dùng chất kích thích. Trẻ em cần những hiểu biết và thực hành những điều đó chính là tạo nền tảng đầu tiên để làm người. Cũng như vậy, việc đến chùa những ngày còn nhỏ không phải là một nghi thức tôn giáo mà cốt để tạo cho trẻ em có đức tin và lòng từ bi, tâm bác ái.

Âm nhạc Phật giáo đã dẫn dắt khéo léo các em anh vũ về với màu đạo bằng ca từ bình dị và âm điệu nhẹ nhàng. Từ một hành động đến chùa khiến người ta ý thức được tình yêu là gì? (định nghĩa tình yêu với biên độ rộng) “tôi yêu màu lam, là màu thêm sức sống. Tôi yêu màu lam, màu thủy chung hồn nhiên, đời sống vui an lành” (Tôi yêu màu lam). Yêu màu sắc là một kiểu yêu không giống ai, xưa nay người ta hay nói yêu ai, yêu cái gì, còn màu sắc thì thường dừng ở mức độ “thích”. Một khi đã dùng chữ “yêu” tức tác giả đã gắn cuộc đời mình với chiếc áo có màu lam đó, như thể nguyện sống trong màu áo đạo dung dị hiền lành.

Trong một ca khúc khác, tình yêu đã được hiện thực hóa bằng những hình ảnh gần gũi với hình bóng quê nhà. Vậy là lòng mộ đạo hòa quyện trong tình yêu quê hương, mà quê hương thì ai cũng yêu đến khôn cùng... “Yêu mãi ngôi chùa xưa, làn khói hương trầm đưa, bao ân từ chan chứa. Yêu tiếng chuông nhẹ ngân, khuya sớm hay ban mai, hồn dâng muôn tiếng ca. Chiều về bao êm ái, nghe tiếng kinh thăng trầm, ngọt ngào ơn Tam bảo, vang mãi đến nơi xa. Luôn nhắc ta đạo hạnh ta bà, lòng từ bi thiết tha” (Yêu mấy sao cho vừa).

Đời sống nhiều khi làm ta chán ngán mệt mỏi, khi đó ta lắng nghe một ca khúc Phật giáo sẽ thấy dễ chịu hơn. Tôi đã thử và thấy điều đó có hiệu quả khi nghe một đoạn trong bài “Thức tỉnh đi em”, “em mau tỉnh lại giữa biển khơi, trầm luân khổ não biết bao người, bởi mê nên nhận lầm vọng tưởng vọng tưởng?, quên đi chân tánh vốn rạng ngời”. Giải cấu và phản tỉnh là hai quá trình cần có trong đời sống nhằm đạt được mục đích nhận chân vấn đề/ cuộc sống. Ở câu hát này, “trầm luân bể khổ” là giải cấu, nhận ra sự thật của cuộc đời. Còn “em mau tỉnh lại” là một lời khuyên nhủ có tính chất phản tỉnh. Cái “chân tánh vốn rạng ngời” chính là sự nguyên thủy bản nguyên của con người ta. Trong Tam Tự Kinh đã viết “nhân chi sơ tính bản thiện/ tính tương cận tập tương viễn”, con người ta khi mới lọt lòng ai cũng tốt, dần dà đời sống làm ta xa rời bản tính đó, và “thức tỉnh đi em” chính là quy y (trở về nương tựa) với tánh thiện sơ nguyên. Trong một khoảnh khắc nhỏ, sự phá vỡ mình để thức tỉnh cũng có thể xem là một cuộc “đốn ngộ” tự thân.

 

2. Mẹ mặc áo lam

Trong đoản văn “Bông hồng cài áo”, thiền sư Nhất Hạnh đã viết “Mẹ là giáo sư dạy về thương yêu, một phân khoa quan trọng nhất trong trường đại học cuộc đời”. Chính vì tình thương của mẹ vô bờ bến nên Mẹ đi vào âm nhạc rất nhiều. Với những ca khúc Phật giáo, tôi muốn khoác cho Mẹ một tấm áo lam để nhiệm mầu hơn, cao quý hơn!   Chính đoản văn này đã được nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ phổ thành ca khúc rất ý nghĩa. Một tác phẩm văn học khi được chuyển thể sang âm nhạc thì biên độ được mở rộng hơn, vì lẽ đó nên ca khúc của Phạm Thế Mỹ vượt ra ngoài khuôn khổ một bản nhạc chỉ dành cho giới Phật tử, hướng đến mọi tầng lớp xã hội, vượt qua ngưỡng mặc khải tôn giáo. “Mẹ, mẹ là dòng suối dịu hiền. Mẹ, mẹ là bài hát thần tiên, là bóng mát trên cao, là mắt sáng trăng sao, là ánh đuốc trong đêm khi lạc lối.”...

Ngày còn nhỏ tôi hay vào vai đứa con trong vở múa diễn ở chùa với nền nhạc là bài hát “Lòng mẹ” của nhạc sĩ Y Vân. Cũng với quan điểm âm nhạc vượt biên giới tôn giáo, ta gặp lại ở bài hát này tính rộng lớn của thính giả thưởng thức. Mới thấy tình mẹ thật vô biên, hát về mẹ tức là hát về một cánh đồng ngút ngàn sữa ngọt không có chân ruộng phân chia.

Một phần lớn ca khúc Phật giáo nói về sự thiếu may mắn khi mất mẹ. Đó là những ca khúc gây nhiều xúc động, nhưng sự xúc động trong màu đạo sẽ có một sắc thái khác với ngoài đời. Nghĩa là nỗi buồn khi mất mẹ được các nhạc sĩ nhúng vào màu lam để làm nhẹ đi và chuyển sang một nỗi-buồn-trung-trinh như sắc trắng của đoá hoa cài trên ngực áo.

“Tôi trở về đây thành phố đã sang mùa, khung trời từ bi mẹ đã một lần đi”. Diễn đạt rất nhẹ nhàng mà thấm thía! Chữ “đi” thay cho cái chết xưa nay người ta viết nhiều, nhưng ở đây nhạc sĩ viết “một lần đi” thì vừa là cách nói giảm vừa là cách diễn đạt tinh tế. Một lần đi nghĩa là chưa đi mãi, có thể về lại theo luật luân hồi. Nhưng ai cũng biết đã đi (chết) thì một lần cũng là vĩnh viễn! Ca từ âm nhạc Phật giáo phải đặt trong trường ngôn ngữ nhà Phật mới thấy được cái hay và sâu.

Một tiếng kêu khản thiết bất ngờ mà mỗi khi hát ta như muốn khóc theo, “mẹ không còn nữa, mẹ đã đi rồi, cánh hạc lưng trời, tháng năm vội vã”. So sánh mẹ như một cánh chim hạc là mẹ thanh cao. Song, cũng vì mẹ là cánh hạc nên đã bay xa con, bay đi xa rất xa ngàn trùng. Cánh hạc biểu thị cái chết ở đây cũng tựa như một cái lông hồng biết bay, “có cái chết nặng như sắt/ có cái chết nhẹ tựa lông hồng”. Mẹ mất đi thôi thì coi như đã trút xong gánh nặng cuộc đời để thanh thản bay.

Hình tượng mẹ thường được đưa vào trong những ca khúc mùa Vu lan báo hiếu. “Tháng bảy ngày trăng mùa hiếu vu lan về. Hoa hồng người ta cài áo sắc hồng tươi. Riêng con hoa trắng trắng mà tinh khôi. Mẹ ơi thương nhớ vô cùng. Còn con trong ánh đạo vàng. Mất mẹ rồi đời phải gian nan”. Không hiểu sao cứ mỗi lần hát đoạn nhạc trên là tôi lại chảy nước mắt, mặc dù mình vẫn còn mẹ và không dễ khóc chút nào. Có lẽ sự đối nghịch trong màu sắc hồng-trắng đã làm mình phải xúc động thật sự.

Tình thương của mẹ vô bờ bến, âm nhạc về mẹ trong Phật giáo vì thế mà rất nhiều và tất cả đều gây cho khóe mắt của người nghe biết ướt!

 

3. Vĩ thanh của tiếng chuông

Tôi đang sống xa quê, và chính vì đi xa nên thấm thía những nỗi tha hương, nhiều đêm mắt nhớ oằn mi không ngủ được. Trong nỗi niềm cố hương đó có hình ảnh một mái chùa làng và những khúc ca mà các anh chị trưởng đã dạy. “Nhớ chùa xưa” là một ca khúc dành cho những ai đi xa, nghe để tự an ủi và rồi phải luyến lưu mong mỏi.

“Tôi nhớ ngày tôi đi, tình thương nào cách trở, vườn hoa còn tươi nở, trong ngày tôi ra đi. Ôi mái chùa thân yêu, cửa từ bi vẫn mở, xa mái chùa thân yêu, lòng tôi nhớ thương nhiều...”

Từng nghe nói người ta đi đâu rồi cũng muốn về với quê hương bản quán của mình. Thậm chí vẫn muốn khi chết rồi cho được xác thân nằm với đồng đất quê nhà. Trong cuộc trở về ấy ta sẽ gặp lại ngôi chùa yêu dấu, với các em thơ mắt sáng đêm rằm, với tiếng chuông cầu kinh bình an.

“Hôm nay tôi trở về đây, thăm mái chùa xưa yêu dấu, nghe tiếng chuông vọng về đêm, mà lòng tôi ấm mãi. Này chùa xưa yêu dấu, tôi sẽ về lại đây, nơi tình yêu chan chứa, niềm thương mấy cho vừa...”. Đó cũng là ước nguyện của những ai đã từng một thời oanh vũ mặc áo lam đi ca hát ở sân chùa, một thời ấy giờ thành kỉ niệm nhưng không thể nào rơi vào dĩ vãng.

* * *

Còn rất nhiều ca khúc Phật giáo khác mà tôi chưa tiện điểm qua. Chẳng hạn như chất Phật giáo trong ca khúc Trịnh Công Sơn, một nhạc sĩ tiêu biểu của âm nhạc Việt Nam, hoặc một số ca khúc hay của nhạc sĩ Uy Thi Ca như “Ưu đàm hoa”... Bài viết này chỉ là một nét phác ngang kí ức những ngày ấu thơ mặc áo lam đến chùa. Những ngày đó đã xa, nhưng âm thanh thì như còn vọng mãi...

Tôi đã căng toan lên trước mặt. Ý định sẽ vẽ một bức tranh bằng những nốt nhạc màu lam!

 
 
   
 
  
Tìm kiếm

 
  
Tìm trên:     hoangphap.info web khác
Visitor Number: 
Hôm nay