Sáng nắng chiều mưa
Tâm Minh
Cập nhật: 21:04:00 05/04/2009

SÁNG NẮNG CHIỀU MƯA

 

Tâm Minh

           

Chúng tôi thường gọi lứa tuổi ngành Thiếu, cả Thiếu nam lẫn Thiếu nữ, là lứa tuổi “sáng nắng chiều mưa buổi trưa sương mù” bởi vì tánh tình các em thay đổi như gió, vui đó, buồn đó, giận đó, làm hòa đó… không biết đâu mà lần!! J J !! Cái tuổi thật khó nuông chiều, khó “hầu hạ”, nói chung là khó “thưởng phạt.” Có điều rất lạ là tuổi trẻ Việt Nam, mặc dù ở Việt Nam không giống ở Pháp, ở Pháp không giống ở Mỹ, ở Mỹ không giống ở Úc, ở Úc không giống ở Canada… nhưng những nét đại cương thì chỗ nào cũng giống và làm chúng ta liên tưởng đến một vài “tính xấu” (nhưng vẫn có nét dễ thương) của con gái qua bài đồng dao sau đây:

Thìa la thìa lẫy,

Con gái bảy nghề

Ngồi lê là một

Dựa cột là hai

Ăn quà là ba

Thìa la là bốn

Trốn việc là năm

Hay nằm là sáu

Láu táu là bảy

Ngày xưa mới có “ngồi lê” chứ bây giờ thì chỉ cần nhấc phone lên là có thể “nói hành” khắp thế giới được rồi, và quả thật các cô thiều thiếu nữ Phật tử hay không Phật tử cũng thật là giống nhau, nói chuyện gì không biết mà nói hàng giờ, gia đình ai có con gái đều biết! Việc này tuy có hại là mất thì giờ nhưng có lợi là tin tức mới lạ bên ngành Nữ là nhiều, nhạy và “nóng hổi” nhất, từ chuyện trong nhà ngoài phố đến chuyện GĐPT, từ những chuyện có liên quan đến mình đến những chuyện “của ai không biết” đều thu thập đầy đủ.

Dựa cột không biết ngày xưa có ý nghĩa gì nhưng trong GĐPT dựa cột có nghĩa đen là trong vòng tròn hay trong chánh điện, trong giờ học Phật pháp hay những giờ hội thảo, họp chung, v.v... Thiếu nữ nói riêng và mấy chị Nữ nói chung thích tìm những cái cột để dựa lưng mà nghỉ hay ghi chép cho khỏi mỏi! J J !! Còn 2 chữ “dựa cột” trong bài này chắc là ý nói con gái không biết gì nên trong những buổi họp bàn quan trọng… con gái chỉ được “dựa cột mà nghe” thôi! Thời buổi này đã khác xưa nhỉều rồi! Không những người nữ có thể tham gia đủ loại đề tài, mà còn sắc bén trong lý luận, phân tích, biện luận nữa...

Ăn quà thì thời đại nào cũng giống nhau, thật rất đúng, các em thiếu nữ thích ăn quà; ăn kem, đi shopping… nghĩa là thích ăn vặt, thích tiêu tiền, do đó mà ngày xưa có người gọi lứa tuổi này là “lứa tuổi thích ô mai” chăng! J J !! Trong cặp luôn có bánh kẹo, ô mai, me, … đó cũng là đặc tính chung của nữ GĐPT hay nữ sinh.

Trốn việc thì có lẽ không được đúng, thiếu nữ GĐPT nói riêng, con gái nói chung, không những không trốn việc mà ngược lại còn ưa “bày việc” ra để làm nữa! Tuy nhiên “làm biếng” thì thỉnh thoảng cũng có, nhưng còn thua nam giới một chút!

Hay nằm có phải đồng nghĩa với làm biếng không nhưng nếu là nghĩa đen thì không đúng, thiếu nữ thích hoạt động, chạy nhảy, ... tuy không thích nhiều như nam nhưng nói chung là không thể hay nằm được trừ khi là “nằm nướng” mấy phút sau khi đồng hồ đánh thức đã reo vang! J J !!

Láu táu tức là lanh chanh, mau tay mau miệng, ... đó là đặc tính chung của tuổi trẻ nam cũng như nữ. Láu táu có khi đáng ghét mà cũng có khi đáng yêu, vì xuất phát từ sự nhanh nhẹn, lanh tay lẹ mắt, trái với sự chậm chạp, ù ù cạt cạt của tuổi già.

Nói về đức tính thì các em Thiếu nữ có rất nhiều: dịu dàng, hiền lành, hy sinh, chịu đựng….

Nội dung bài viết này không phải là nói về “tâm lý đoàn sinh” nên xin tạm ngưng việc nói chung chung để đi sâu vào chuyện các em Thiếu nữ Gia đình Phật tử (GĐPT) cũng đồng dạng với các em nữ sinh ở các trường Trung học Việt Nam ngày xưa. Tôi đã từng là nữ sinh, là cô giáo, là chị Trưởng, rồi là vợ, là mẹ, là bà nội, bà ngoại, v.v. nên tôi cảm thấy cuộc đời mình như có duyên với ngành Nữ! Các bạn đùng cười nha! Không phải người nữ thì nhất định phải có duyên với phái nữ đâu! Nếu tôi được bổ nhiệm về một trường nam, nếu tôi không phải là một Huynh trưởng GĐPT… thì tôi đâu có thể gần gũi các em nữ nhiều như vậy!

Ở GĐPT tôi thường giữ chức vụ Đoàn trưởng đoàn Thiếu nữ; ở trường tôi phụ trách dạy các em nữ sinh trung học đệ nhị cấp (cấp 3 - khoảng 16, 17 tuổi) nên gần như suốt cuộc đời làm cô giáo, làm chị Trưởng của tôi gắn liền với lứa tuổi “sáng nắng chiều mưa” này! Ở GĐPT có sổ Hạnh cho Thiếu nữ, sổ Dũng cho Thiếu nam và sổ Hiếu cho Oanh vũ; tôi ít được xem sổ Hiếu và sổ Dũng nhưng hằng tuần phải xem sổ Hạnh của các em Thiếu nữ của tôi. Sổ Hạnh gần giống như một cuốn nhật ký hay một sổ Việc thiện, ghi lại những việc làm hằng ngày, việc nào sai hay bất thiện thì phải sám hối và tự hứa không tái phạm; gặp những việc khó khăn đối với cha mẹ, thầy cô giáo hay bạn bè mà mình không biết xử trí như thế nào thì cũng ghi vào để nhờ chị Trưởng giúp đỡ, bày cách đối ứng xử sao cho phải v.v... Người chị Trưởng xem, suy nghĩ và giúp đỡ các em bằng cách trao đổi trực tiếp (nói chuyện) hay ghi ngay vào sổ Hạnh của em, giải đáp nỗi thắc mắc hay cho em một lời khuyên… Vì vậy, qua sổ Hạnh, người chị Trưởng hiểu được rất nhiều về tâm tư tình cảm của các em, hoàn cảnh gia đình của các em, những trở ngại các em gặp ở gia đình, học đường để tìm cách giúp đỡ, và nhất là qua đó các em và chị Trưởng cảm thấy gần gũi nhau hơn, thân mật hơn. Sự điều khiển Đoàn trở nên nhẹ nhàng, có hiệu quả hơn và tình Lam càng thắm thiết hơn. Có em vừa là học trò của tôi ở trường vừa là em trong GĐPT. Ở trường cũng vậy, các em học sinh thường viết thư cho tôi kể chuyện và nhờ “giải đáp” từ chuyện bài vở, học hành thi cử, chuyện gia đình, bạn bè... đến cả những chuyện tình cảm riêng tư làm các em cảm thấy bối rối, cũng đem ra hỏi cô giáo!

Ở Đoàn chị em thường đem cho nhau những trái cam, trái quýt, cây kẹo, bắp rang… còn ở trường tôi cũng thường nhận được của nữ sinh những viên kẹo, trái me, ô mai… mà các em bỏ trong cặp của cô giáo (để lại trong lớp, lúc giờ ra chơi ! J J !!). Sau năm 1975, nhà trường còn chủ trương đưa học sinh đi lao động, tất nhiên thầy cô giáo phải đi theo... hồi đó trường không còn thuần túy nữ sinh mà là trường hỗn hợp (mixte) có cả nữ sinh lẫn nam sinh. Học sinh lớp tôi hướng dẫn (gọi là lớp chủ nhiệm) cũng lo cho cô giáo đủ hết và có em nữ sinh đem đến cho tôi một thẩu muối sả thơm phức nói là “Má em làm biếu cô”; thế là lớp tôi có một tuần ăn ngon nhờ có muối sả thêm vào những bát canh “toàn quốc” (nghĩa là canh toàn cả nước, xác rất ít, mặc dù xác cũng chỉ là bí đỏ và đậu phụng! J J!!)

Nói như vậy không có nghĩa nói rằng các em thiếu nữ và các em nữ sinh của tôi đều là gương mẫu và lý tưởng như thiên thần; xin thưa là không phải vậy, các em cũng bình thường như mọi người, thậm chí cũng có người lười biếng, bướng bỉnh, trái tính trái nết, ngỗ nghịch, v.v. ở trong GĐPT hay ở ngoài GĐPT cũng vậy! Tuy nhiên, trong GĐPT từ các em hiền ngoan cho đến các em cá biệt bướng bỉnh, còn ở trường thì từ các em học giỏi, siêng năng chăm chỉ đến các em lười biếng ham chơi ngỗ nghịch (không thua gì con trai! J J!!) tôi thấy tất cả các em đều có nét dễ thương riêng... Tôi yêu mến tất cả và đã từng nghĩ rằng các em là ánh sáng, là nắng đẹp, là hoa bướm trong cuộc đời của tôi, các em đã gián tiếp tham dự vào hạnh phúc của tôi, cũng như tôi đã âm thầm tham dự vào cuộc sống của các em qua những lần tâm sự, những lời nhắn nhủ, khuyên bảo, dặn dò…

Các em Thiếu nữ của tôi, các em nữ sinh ngày xưa, giờ đây các em đã trở thành những người vợ, người mẹ, những bà nội, bà ngoại rồi… đều đã trưởng thành qua những cuộc bể dâu của đất nước, của nhân tình, thế sự… nhưng những kỷ niệm của quá khứ, những đặc tính của người Nữ vẫn còn sống mãi trong các thế hệ thiếu nữ con cháu chúng ta hôm nay và mai sau… Đó là những nét đẹp rất đơn thuần, tự nhiên nhưng cũng rất mầu nhiệm, giống như nét đẹp của một bông hoa thược dược âm thầm đứng yên ở ngoài hàng giậu mà nhà thơ Quách Thoại đã bắt gặp để viết thành những câu thơ bất hủ:

Đứng yên ngoài hàng giậu

Em mỉm nụ nhiệm mầu

Lặng nhìn em kinh ngạc

Và thoảng nghe em hát,

Lời ca em thiên thâu,

Ta sụp lạy cúi đầu! ®

 
 
   
 
  
Tìm kiếm

 
  
Tìm trên:     hoangphap.info web khác
Visitor Number: 
Hôm nay