Các em nhỏ thân mến, năm nay tết Trung thu lại về, và tất cả các em đều sẽ được vui chơi thoải mái trong sự hồn nhiên của tuổi trẻ. Các em được lớn lên trong tình yêu thương của gia đình, cha mẹ, anh chị em, của những người lớn tuổi và được sự chăm sóc giáo dục của xã hội. Đó là những điều kiện tốt để các em có thể lớn lên, hoàn thiện nhân cách của mình. Nhân dịp này, để làm quà cho các em, thầy có mấy lời với các em nhằm góp thêm vào niềm vui của các em, mong rằng các em ngoan hơn để thực sự trở thành những người con ngoan, trò giỏi, những chồi non đầy hy vọng của gia đình và xã hội.
Các em thân mến, tuổi của các em là tuổi học, tuổi chơi. Học thì trước hết chúng ta phải học đạo lý làm người, làm nền tảng để mở rộng trái tim mình, để cảm thông và thương yêu những người khác và đồng thời học chữ nghĩa để mở rộng tầm hiểu biết để xây dựng đời sống của mình và tìm cách giúp đỡ những người khác. Các em là những em bé đang độ tuổi thần tiên, vô tư và hồn nhiên, đang độ tuổi lớn lên để hoàn thiện dần nhân cách của mình. Trong đạo Phật, tuổi các em sẽ được lớn lên trong Gia đình Phật tử (GĐPT). Trong tổ chức GĐPT có một đoàn thể cho các em được sinh hoạt chung với nhau đó là đoàn sinh mang tên Oanh vũ. Các em có biết vì sao đoàn thể đó lại mang tên Oanh vũ không? Oanh vũ là tên của con chim nhỏ trong một câu chuyện rất cảm động. Tuy nhỏ nhắn nhưng Oanh vũ vô cùng hiếu thảo và chăm chỉ, biết thương yêu mẹ cha, và có trách nhiệm với những việc mình đã làm. Để thầy kể câu chuyện này cho các em nghe nhé!
Ngày xưa rất xưa, xưa cho đến nỗi mà thời bấy giờ người ta có thể hiểu được cả lời của muôn thú, có một vị điền chủ giàu có và rất giàu lòng độ lượng: ông làm ruộng rất nhiều, ruộng đồng ông trải dài hàng chục cây số vuông, và ruộng đồng thì rất trù phú; ông có tấm lòng nhân ái, thường cứu giúp người trong cơn hoạn nạn; ông có lời phát nguyện rằng, nếu ai thực sự đói cơm rách áo thì đến ông, ông sẽ ban cho để được cơm no áo ấm. Cho đến những loài cầm thú cũng hưởng được ân sủng của ông, hễ có chúng sanh nào đói khổ không thể tự kiếm nổi thức ăn cho mình và cho những người thân, thì ruộng đồng của ông sẽ là nơi cứu khổ vượt qua những hoàn cảnh éo le đó.
Với lời phát nguyện của ông điền chủ độ lượng này, mà nhiều người đã được nhờ ơn, nhiều loài chim thú cũng được nhờ ơn, vực lại những cảnh đời. Nhưng vào lúc đó người ta rất biết liêm sỉ, đến xin một vài lần để qua cơn hoạn nạn rồi thôi, tự họ đã đứng dậy để tiếp tục làm ăn kiếm sống, chứ rất ít kẻ ỷ lại mà cứ ăn bám vào lòng tốt của người khác. Ngay cả đến các loài chim thú cũng thế. Chúng đến xin ăn vài bữa thế rồi bay đi, không có tính lười nhác, không có ý phá phách ruộng vườn, cây trái của người khác.
Thế rồi, người ta thấy xuất hiện một con chim nhỏ mỗi ngày thường đến vườn của ông chủ xin hoa trái. Vị điền chủ để ý, và thấy ngày nào con chim nhỏ này cũng đến khu vườn của mình, rất khác với những loài chim thú khác. Ông lấy làm lạ, “Tại sao lại có giống chim không biết đến liêm sỉ này, để ta bắt hỏi nó thử xem.” Ông cố tình đặt bẫy để bắt sống con chim bé nhỏ này. Lòng ông không muốn làm hại chim, nên ông đã bắt được chim nhỏ mà không để cho chim có bất cứ tổn thương nào. Bắt được chim, ông hỏi: “Con ở đâu, tại sao lại hay vào vườn của ta mà hái trái, lấy hạt mãi thế? Ta thấy con còn lấy thêm phần về dự trữ nữa.” Oanh vũ trả lời: “Con ở trên núi kia, cách đây không xa. Chung quanh núi ấy không có thức ăn. Con còn có cha mẹ nhưng không may cha mẹ con gặp nạn bị mù cả đôi mắt, không thể tự kiếm sống và nuôi con được, rất khổ sở. Con mong mau lớn đủ sức mạnh bay xa kiếm nhiều thức ăn đem về nuôi cha mẹ. Nhưng tuổi con còn nhỏ, sức con còn yếu, nên chỉ cậy nhờ tấm lòng độ lượng của ông mà thôi. Con rất hổ thẹn vì con đã không còn liêm sỉ khi cứ đến đây lấy thóc lúa của ông hoài, nhưng con cũng không còn có cách nào khác. Mong ông mở lượng hải hà tha thứ cho con để con được đem thức ăn về cho cha mẹ con, kẻo giờ này hai Người có thể đang chờ mong con về.”
Nghe thế, vị điền chủ bỗng bủn rủn chân tay, run lên vì quá cảm động. Một đời làm người lương thiện như ông nhưng hôm nay ông mới thấy được một tấm lòng thật sự vĩ đại ở con chim nhỏ bé này. Ông quỳ hai chân xuống đất, nâng chim Oanh vũ trên tay mà lòng bồi hồi xúc động. Nếu Oanh vũ bằng lòng thì điền chủ đã lạy xuống trước mặt của nó để tỏ lòng cung kính đối với một tấm lòng đầy hiếu đạo và xả thân của nó. “Ôi! một con thú nhỏ mà còn biết hiếu đạo như thế huống chi là ta, làm thân người tại sao ta không biết kính trọng những tấm lòng vĩ đại như thế.” Ông phát nguyện thêm rằng, từ nay về sau hễ có chúng sanh nào thiếu thốn bất cứ thứ gì thì cứ đến trang điền của ông để ông được bố thí. Và mong cho những tấm lòng lương thiện như chim Oanh vũ không có trở ngại gì trên con đường hành thiện. Phát nguyện xong, ông thả chim bay đi. Chim Oanh vũ bay quanh chỗ của vị điền chủ ba vòng tỏ lòng cảm tạ rồi bay đi với số lương thực đem về cho cha mẹ.
Các em thấy không, một con chim nhỏ mà còn biết hiếu thảo với cha mẹ như thế, có trách nhiệm với hành động của mình như thế huống chi là chúng ta. Chính vì hình ảnh chim Oanh vũ mang ý nghĩa biểu tượng như thế nên GĐPT mới lấy tên chim Oanh vũ để đặt tên cho đoàn thể với những mầm non hồn nhiên và trong sáng của mình, với mục đích là hướng các đoàn sinh, những thành viên nhỏ tuổi dễ thương của mình về với tinh thần hiếu đạo, tinh thần trách nhiệm đáng trân quý đó.
Với lứa tuổi của các em điều cần thiết là rèn luyện cho mình một tấm lòng hiếu thảo đối với cha mẹ, giúp đỡ cha mẹ trong những công việc nhỏ nhặt vừa với sức khỏe của mình và biết nghe lời cha mẹ dạy bảo, đồng thời tập trung vào việc học tập để rèn cho mình một đức tính cần cù chăm chỉ. Đoàn sinh Oanh vũ có ba lời hứa, đó là: “Em tưởng nhớ Phật, em kính mến cha mẹ và thuận thảo với anh chị em, và em thương người và vật.” Đó là ba lời hứa mà các em nói lên trước Tam Bảo để nguyện sống đời sống của một người Phật tử đích thực. Chúng ta là con của cha mẹ sinh ra ta trong gia đình huyết thống và chúng ta là con của Phật, vì Ngài là người đã cho chúng ta được sinh ra trong một gia đình tâm linh rộng lớn và bao dung, và Ngài là Bậc thầy hướng dẫn đời sống tinh thần của chúng ta và của mọi người. Cho nên tưởng nhớ Phật hay tưởng nhớ cha mẹ là biết ơn và nguyện sống thật hiếu thảo, thật đạo đức để xứng đáng là những đứa con của các Người. Đồng thời chúng ta còn biết ơn đối với những người khác đã vào sống ra chín, chịu khó chịu nhọc để nâng đỡ sự sống của chúng ta. Những người lao động, những bác nông phu, những người thợ thuyền, những công nhân, những người phu quét đường.... Vì vậy chúng ta phải nhớ công ơn của họ và cũng biết ơn đối với cả những loài động vật và thực vật nữa. Cây xanh là buồng phổi lọc sạch khí bẩn và cung cấp dưỡng khí, làm cho không khí trong lành mát mẽ trở lại để đáp ứng nhu cầu sinh sống của tất cả các loài động vật trên trái đất, trong đó có chúng ta. Cho nên ta cũng phải biết tôn trọng và biết ơn đối với những loài cỏ cây, ngay cả đối với đất đá và các nguồn nước cung cấp cho ta sinh hoạt hàng ngày.
“Cơm ngày hai bữa ơn cày cấy,
Áo mặc bốn mùa nghĩa dệt may.”
Biết ơn và tôn trọng người khác là những đức tính giúp chúng ta sống hài hòa và hạnh phúc trong cuộc đời. Một người sống mà biết ơn, biết tôn trọng, biết hiếu thuận với cha mẹ đó là người hạnh phúc nhất trên đời. Đức Phật dạy chúng ta rằng:
“Biết khiêm cung lễ độ,
Tri túc và biết ơn,
Không bỏ dịp học đạo,
Là phước đức lớn nhất.”
Phước đức lớn không phải ở chỗ chúng ta có một gia tài, một điều kiện sống tiện nghi nào đó mà nó là cái nhân cho đời sống hạnh phúc, đó chính là những điều mà đức Phật đã dạy trên: Khiêm cung, lễ độ, tri túc hay ít ham muốn thấp hèn, và biết ơn. Đó là những đức tính mà các em phải rèn luyện hàng ngày, làm cái nhân tốt cho sự sống hạnh phúc của chúng ta ngay bây giờ và mai sau.
Tôn trọng và bảo vệ sự sống của mọi người và mọi loài có nhiều cách, tùy theo khả năng của các em để rèn luyện lòng thương yêu của mình. Như các em có thể vui lòng dắt một cụ già qua đường, có thể có một cử chỉ nhã nhặn đối với một người ăn xin đến nhà mình, có thể cúi xuống nhặt cái gai hay cục đá trên đường để cho những người đi đường không bị dẫm phải hay bị tai nạn xe cộ, hoặc biết pha nước mời khách đến nhà hay mời ba má uống nước khi người đi làm về hay sau mỗi bữa ăn. Đó đều là những cử chỉ đẹp thể hiện một tấm lòng hiếu thảo và tôn trọng yêu thương mọi người của chúng ta.
Chúng ta lại có hai lời hứa để rèn luyện đức từ bi và hạnh trí tuệ của mình nữa. Đó là:
“Con xin hứa mở rộng lòng thương để có thể thương yêu và bảo vệ sự sống của mọi người, mọi loài, cỏ cây, cầm thú và đất đá. Con xin hứa mở rộng tầm hiểu biết để tìm cách bảo vệ sự sống của mọi người, mọi loài, cỏ cây, cầm thú và đất đá.”
Đây là những lời hứa mà các em có thể học hỏi và thực hành hàng ngày để nuôi lớn lòng thương của chúng ta đối với cuộc đời và đồng thời phát triển trí tuệ không ngừng để thực hiện cho được sự bảo vệ sự sống của mọi người, mọi loài.
Với ba lời phát nguyện và hai lời hứa đó, thầy đã nắn được những chiếc bánh trung thu đầy hương vị thơm ngon cho các em rồi đấy. Thầy mong các em có thể thưởng thức được những chiếc bánh thơm, ngon lành trong sự trong trắng, hồn nhiên của tuổi trẻ. Chúc các em luôn vui khỏe và là những ngươi con hiếu thảo, là những người em hồn nhiên, thông minh, trưởng thành, là những con người hữu ích cho xã hội.²
Chào các em.
Thầy, Quảng Thông