Về tháp Phước Duyên của Chùa Linh Mụ
Nguyễn Hữu Vinh biên soạn
Chùa Linh Mụ gắn liền với Huế như hai mà một. Ngôi chùa như là máu thịt của Huế, là biểu trưng của Huế, là hồn của Huế, là là Huế. Ngôi chùa trầm nhiên, tự tại trong lòng người dân Huế, tự nhiên như cơm ăn áo mặc. Cho nên đôi lúc, người dân Huế đã quên, đã nhớ ngôi chùa như chuyện thường ngày tưởng như không có một chút gì xao động trong cõi lòng. Nhưng trong tiềm thức, ngôi chùa vẫn đã và đang sống âm thầm, mãnh liệt, là nguồn năng lực cho mỗi con tim khi mỗi người con Huế trở về với Huế trong cuộc sống thường ngày, hay trở về với Huế trong tâm tưởng của những người con Huế xa nhà. Tôi là một trong những kẻ đã quên, đã nhớ ngôi chùa, bình thường như đã quên, đã nhớ chuyện ăn cơm, uống nước. Huế và chùa Linh Mụ đã cho tôi quá nhiều, tôi làm sao quên được. Tôi may mắn được sinh ra và lớn lên dưới bóng tháp của ngôi chùa ngày ngày êm ả soi mình xuống dòng sông thơ mộng đó. Và đã trưởng thành trong xóm làng bên ngôi chùa thân yêu này. Tôi ngày ngày ngẩn đầu nhìn bóng tháp, đêm đêm nghe tiếng chuông vọng lại. Đối với tôi, chùa là nhà, là vườn, là hơi thở, là những gì thân yêu nhất của tôi. Do vậy, chùa Linh Mụ trong tiềm thức của tôi là một cái gì không thể thiếu và tự nhiên. Nếu nói, tôi đã quên ngôi chùa thì cũng như tôi đã quên rằng tôi đã hít thở không khí, thì chuyện quên nhớ này cũng đáng được thứ lỗi lắm thay!
Hôm nay, trời lại vào xuân, một luồng gió xuân nhè nhẹ đưa hồn tôi bay bổng, về lại quê xưa, về thăm ngôi chùa thân yêu ngày cũ, chùa Linh Mụ, nơi có tháp bảy tầng đó. Tôi về để thăm lại chùa của tôi, và nhất là để tìm thấy lại cho rõ hơn cái tháp của chùa Linh Mụ, cái bóng tháp là bạn, là tình đã nuôi nấng tôi lớn lên cho tới lúc thành người. Chùa Linh Mụ có hai đặc điểm biểu trưng của thơ, của mộng, của Huế, một là tiếng chuông chùa, hai là bóng tháp. Huế nổi tiếng, một phần nhờ hai đặc điểm này. Có phải vì tiếng chuông chùa ngân nga trong đêm dễ gây cho lòng người những nguồn xúc cảm chăng? Cũng giống như tiếng chuông chùa Hàn Sơn đã đi vào lịch sử cũng bởi vì tiếng chuông mầu nhiệm trong thơ Trương Kế:
Cô Tô thành ngoại Hàn sơn tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền
Tiếng chuông chùa Linh Mụ cũng vậy, đã có biết bao nhiêu thơ văn ca tụng. Tôi lấy làm bất bình cho cái tháp chùa vĩ đại của tôi lắm. Nếu chùa Linh Mụ không có cái tháp bảy tầng này thì chùa Linh Mụ đâu còn đúng là chùa Linh Mụ phải không? Tôi yêu bóng tháp nghiêng mình soi xuống dòng sông lờ lững, tôi yêu cái vẻ bí mật của những gì có bên trong lòng tháp. Tôi yêu những ngày hội hoa đăng, rợp trời bóng cờ, bóng sáng của đèn, của điện kết lên bên ngoài viền của tháp chùa trong những ngày lễ Phật đản của những năm xửa xừa xưa. Thuở còn bé, vào những ngày lễ Phật đản, chùa thường hay treo cờ, kết đèn bên tháp, rực rỡ và đẹp đẽ vô cùng. Tôi thường được dẫn lên chùa, nhón chân lên mới ngồi được trên vành rào gạch gần bên cổng chùa, lòng lâng lâng vui sướng vì được đi xem hội hoa đăng, ngẩn cổ nhìn lên đỉnh tháp nhìn cờ, đèn rực rỡ, thấy chú điệu nhô đầu ra từ chiếc cửa bé xíu trên tầng cao nhất của tháp mà thấy khiếp đảm dùm cho chú ấy. Bóng tháp lúc ấy đối với tôi cao vời vợi, lại còn cao hơn khi xoay đầu nhìn ra phía sau lưng, thấy mình ngồi lắc lẻo trên cao mà phía dưới là dòng sông. Hú hồn, nỗi sợ hãi ngồi trên cao đó đã là một trong những ký ức không thể quên của tôi về cái tháp của chùa Linh Mụ. Lớn lên, mối tình đầu đời nho nhỏ, đơn phương cũng có bóng dáng của tháp chùa làm chứng. Không những với tấm ảnh nay đã hoen màu trong đó có hình người thân thương và bóng dáng chiếc tháp cao vời vợi đó, mà còn có trong tâm thức của tôi hình bóng chiếc tháp cứ sừng sững trước mắt mỗi khi hoàng hôn xuống, đạp xe đạp lẩn thẩn ...qua ngõ nhà em... để... đêm đêm ngửi mùi hương, mùi hoa sứ nhà nàng. Tháp chùa đã làm chứng cho mối tình đầu đời của tôi dù không thành, mà thành sao được, tình đơn phương mà! Tôi bất bình lắm cho cái tháp thân yêu của tôi vì các văn nhân thi sĩ cứ thi đua nhau ca tụng mãi tiếng chuông chùa mầu nhiệm. Thì ai cũng biết tiếng chuông chùa mầu nhiệm nhiều rồi, nhưng còn bóng tháp thân yêu của tôi thì sao? Cũng may, có câu ca dao nói về Huế chỉ nhắc tới cái tháp mà không...ngó ngàng gì tới tiếng chuông chùa làm cho tôi vơi bớt đi một ít nỗi bất bình, bớt đi một chút ghen tức với tiếng chuông chùa!
Đất Thừa Thiên trai hiền gái lịch
Non xanh nước biếc, điện ngọc đền rồng
Tháp bảy tầng, Thánh miếu, chùa Ông
Chuông khua Diệu Đế, trống rung Tam Tòa
Thì ít nhất cũng còn có người công bằng chứ. Cái tháp thân yêu của tôi hiền hòa, âm thầm và vị tha, dù ai quên đi, không ngó ngàng gì, nhưng cái tháp ấy vĩ đại lắm, nhân từ lắm, vẫn ngày ngày soi mình bóng nước sông Hương, không tranh đua, không đòi hỏi, không ồn ào, mà nhẫn nại, mà nhường nhịn để cho chùa Linh Mụ là chùa Linh Mụ của Huế. Hôm nay tôi "bay bổng" về quê, thăm lại cái tháp thân thương xưa. Tôi phải đi tìm nguồn cội của chiếc tháp kia cho phỉ lòng, để nói cho rõ cho những ai đã khắc nghiệt phê bình cái tháp này bí mật và vô tình. Cái tháp chùa Linh Mụ đâu có vô tình, mà nó đã và đang rất là mãnh liệt nói lên tiếng nói của nó, tiếng nói của tịch mịch, tiếng nói của sức sống, tiếng nói của hòa đồng, tiếng nói của hy sinh để làm đẹp cho cuộc đời. Khi tôi sinh ra đời thì cái tháp đã sừng sững soi mình bên giòng Hương suốt hơn một thế kỷ rồi. Đâu chúng ta thử tìm lại gốc tích của cái tháp cao vời vợi này của tôi. Nào mời các anh, các chị, các chú, các thím, các bác, các ôn, các mệ, các dì, các cậu, các em, các con, các cháu, chúng ta đến nơi có các cái bia kia. Có cái bia đứng trước cổng sau tháp trơ gan cùng tuế nguyệt, có cái bia được duyên may, chân đạp con rùa, đầu đội cái nóc đình. Đến nơi này, chúng ta lật lại trang sách xưa, xem lại gốc tích của quần thể chùa Linh Mụ mà các tiền nhân, cha ông ta khi xưa đã tạo dựng nên cho chúng ta hôm nay thừa hưởng.
Văn bia đã viết rõ từ đầu (1): "Chúa dựng chùa Thiên Mụ, Chúa Nguyễn Phúc Chu kế truyền chính tông phái Động Thượng đời thứ 30, pháp danh Hưng Long, hiệu Thiên Túng đạo nhân ghi văn bia và dựng bia bền vững ở chùa Thiên Mụ xứ Thuận Hoá" (a). À, thì ra đây là một trong những ngôi chùa rất xưa của Huế, vốn có tên là Thiên Mụ. Tính từ năm 1846 là năm vua Thiệu Trị dựng bia (8) trùng tu chùa, “xây vào ngày tốt lành tháng 4 năm Thiệu Trị thứ 6 (1846)" (b) thì chùa đã hiện hữu được 245 năm rồi" (c). Như vậy, tính lại từ sử liệu trên đây thì chùa Thiên Mụ rõ ràng đã có từ năm 1601, và có thể đã hiện hữu từ lâu hơn nữa. "Bấy giờ vào năm Tân Sửu (1601), xây chùa Thiên Mụ tại núi này để biểu trưng cho linh địa, là nơi định cư lâu dài của Chúa (Nguyễn Hoàng)" (d) . Năm 1601 là thời điểm chính xác chùa Thiên Mụ được nhiều người biết đến, nhưng thật ra còn có một sử liệu xưa hơn nói về chùa Thiên Mụ. Trong sách Ô Châu Cận Lục do Tiến sĩ Dương Văn An nhuận bút vào năm Quý Sữu (1553) (e) ghi lại chùa Thiên Mụ như sau: "Chùa Thiên Mụ, Chùa ở phía nam xã Hà Khê, thuộc huyện Kim Trà (Tác Giả: nay thuộc làng Xuân Hoà, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên), nóc sát đỉnh núi, chân gối dòng sông, cách xa trần thế, gần sát bên trời. Khách có tản bộ lên chơi thì tự nhiên phát thiện tâm, tiêu tan niền tục. Thật là cảnh trí nơi tiên Phật" (10) (f). Như vậy chùa Thiên Mụ xuất hiện đã rất lâu trước khi Nguyễn Hoàng tìm ra, sau khi vào nam lập nghiệp xây dựng sự nghiệp chúa Nguyễn đàng trong. Chùa có tên chính thức là Thiên Mụ, nhưng người Huế bây giờ vẫn thường dùng tên Linh Mụ để gọi chùa Thiên Mụ. Lý do là vua Tự Đức vua không có con, cho là tại trời nên có dụ kiêng dùng chữ Thiên (Tự Đức thứ 15, năm 1862). Nhân đó bộ Lễ mới đổi Thiên Mụ thành Linh Mụ. Bảy năm sau (Tự Đức thứ 22) vua thấy chẳng có linh ứng gì, nên cho dùng lại chữ Thiên như cũ (2). Nhưng tấm biển “Linh Mụ Tự” ở trước cổng tam quan chùa thì vẫn còn và dân Huế vẫn dùng tên Linh Mụ thay cho Thiên Mụ.
Sau năm 1613 và nhất là sau khi Đào Duy Từ xây xong luỹ thầy thì mọi liên hệ với xứ đàng ngoài sông Gianh bị cắt đứt. Nho giáo suy đồi không cứu nổi nhà Lê, Phật giáo trở thành nhu cầu mới cho xứ đàng trong. Việc giao lưu với đàng ngoài bị gián đoạn nên việc phục hưng Phật giáo gặp nhiều khó khăn. Nhờ vậy các chúa đàng trong gặp dễ dàng hơn trong việc tiếp đón các cao tăng từ phía nam ra, hay từ Trung Quốc sang (3). Chúa Nguyễn Phúc Chu sau khi nối nghiệp, cũng lo chấn chỉnh đạo Phật. Vì trọng thầy, mộ đạo nên đã ra công tu tạo lại chùa Thiên Mụ, dựng bia, đúc chuông và mời thầy học đạo, nên chùa Thiên Mụ trở thành ngôi chùa danh tiếng, chiếm địa vị quan trọng trong công việc chấn hưng và hoằng pháp đạo Phật. Đây là nơi được xem như là trung tâm lớn phát triển Phật giáo hệ thống Đại Thừa (Mahayana) (6) ở xứ đàng trong. Điều này được minh xác qua dòng văn bia nói rõ chúa Nguyễn Phúc Chu kế thừa chính tông phái Động Thượng đời thứ 30. Động Thượng là một phái nhỏ, cuối cùng của dòng Tào Động do thiền sư Lương Giới (807-869) ở Động Sơn, Trung Quốc sáng lập (5). Tư tưởng giáo lý Phật giáo Đại Thừa cũng phô bày rõ ràng trong dòng văn bia (8): “Trong nhất niệm mà quán triệt thực hành được lục độ Ba La Mật (Paramit), tánh không sinh không diệt của nội tâm là đạo vậy" (g). Câu văn bia này có nguồn gốc từ Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh, kinh căn bản nhất của hệ thống Phật giáo Đại Thừa: "Khi tiến sâu vào nguồn mạch của Tuệ Giác Vô Thượng (Trí Tuệ Bát Nhã (Prajna paramita), ngài Thức Tỉnh Bình Yên (Tự Tại) soi sáng như thật rằng tự tính của năm hợp thể (Ngũ Uẩn) đều là Không (Sunyata) liền thoát ly mọi khổ ách" (9) (h) (Thích Tâm Thiện, Sàigòn, 1998). Nhờ có các bia, chúng ta hôm nay có thể hiểu được tình hình Phật Giáo thời đó, cũng như biết rõ lai lịch tên chùa, diện mạo của chùa, năm dựng bia, năm đúc chuông …Chúa Nguyễn Phúc Chu mộ đạo nên đã mời các nhà sư từ Trung Quốc sang truyền đạo. Trong số đó, sư Thích Đại Sán đã trở thành thầy của chúa Nguyễn Phúc Chu. Chúa đã ghi tên sư vào bia (1) với những hàng chữ kính trọng như sau: "Nhớ lại năm xưa, mời được Đường đầu Đại Sư, tên là Đại Sán, hiệu là Thạch Liêm. Ngài là bậc thầy, nguyện lực thâm sâu, lòng thương rộng lớn, y báo, chánh báo vô biên, đạo thấu ba thừa, tu có tôn chỉ, như cây có gốc, nước có nguồn. Ngài được truyền tâm ấn ở đất Triết Tây (Trung Quốc)" (i), và “Thầy ta đã đi rồi, ta cứ mãi hoài thương nhớ vị cao tăng, đã từng chống gậy vượt qua núi non, quan ải, dùng thuyền chở đạo vượt biển, băng suối đi đến trời Nam, đem câu kinh kệ tuyệt diệu để ca tụng đạo mầu" (j). Vào thời chúa Nguyễn Phúc Chu, chùa Thiên Mụ đã được tôn tạo nguy nga và rộng lớn, có nhiều cơ sở có chức năng khác nhau, phù hợp cho việc hoằng dương Phật pháp. Quần thể chùa Thiên Mụ sau khi được Chúa trùng tu đã có quy mô như bia đã ghi lại (1): "Từ ngoài cửa đi vào có điện Thiên Vương, điện Ngọc Hoàng, Đại Hùng bảo điện, nhà Thuyết Pháp, lầu Tàng Kinh, hai bên chùa thì có lầu chuông, lầu trống, điện Thập Vương, nhà uống trà, nhà ăn, Thiền đường, điện Đại Bi, điện Dược Sư, phòng thiền cho tăng lữ, tất cả cũng trên dưới mấy chục ngôi nhà. Thêm vườn Tỳ Da có phương trượng của sư trụ trì cũng có trên dưới mười mấy phòng, huy hoàng lộng lẫy, nhìn thấy ai cũng thích thú và kinh ngạc" (k). Quá trình xây dựng chùa Thiên Mụ của chúa Nguyễn Phúc Chu kéo dài liền một khoảng thời gian mấy năm, đánh dấu bằng năm đúc chuông và năm dựng bia: "Nay Chúa hiền ra đời, mong duyên lành rộng đến khắp nơi, nên năm Canh Dần thứ 19 (1710) đúc chuông lớn, năm Giáp Ngọ (1714) thứ 23 trùng tu miếu, điện, công trình mất hơn một năm thì hoàn tất, năm Ất Mùi (1715) dựng bia ghi lại" (l). Đa số vua chúa sau này đều hâm mộ Phật giáo Đại Thừa, nên nhiều chùa ở Huế đều thuộc hệ phái này. Nhưng chỉ có chùa Thiên Mụ hân hạnh được nhiều đời vua chúa chiếu cố, cho trùng tu hoặc xây cất thêm. Theo văn bia (8) của vua Thiệu Trị thì các đời vua trước như Gia Long và Minh Mạng cũng đã để ý đến việc trùng tu: "Năm Ất Hợi, Gia Long trùng tu, huy hoàng rực rỡ. Đời Minh Mạng cũng sửa sang lại thêm nguy nga tráng lệ" (m). Nhưng quần thể kiến trúc của chùa Thiên Mụ thật sự là hoàn hảo thì phải đợi đến năm 1846, sau khi vua Thiệu Trị hoàn thành xây tháp Phước Duyên: "Bèn thân hành đặt thể chế, phương thức xây cất, hạ lệnh cho Vũ Lâm Doanh Hữu Dực Thống Chế Hoàng Văn Hậu xây tháp, từ năm Thiệu Trị Giáp Thìn (1844) đến Ất Tỵ, khoảng gần hai năm thì xong" (n). Theo các văn bia thì quy mô kiến trúc của chùa khá nguy nga và đồ sộ. Song vào đời Thành Thái, năm Giáp Thìn (1904), chùa bị một trận bão tàn phá nặng nề. Đến năm 1906, chùa lại được trùng tu, nhưng với quy mô hẹp như ngày nay (2).
Cũng may là cái tháp thân yêu của tôi không bị sụp đổ!
Trở lại tháp chùa yêu quý của tôi, tháp này là kiến trúc cuối và lớn nhất được ghi trong bia của vua Thiệu Trị. Chúng ta hãy đọc lại bia (8) về việc vua Thiệu Trị trùng tu và xây thêm ngọn tháp: ”Nay quốc sự có phần nhàn hạ, đối nội, đối ngoại, trong ngoài tất cả đều bình yên, cho nên Trẫm cho xuất kho, xây tháp bảy tầng, mục đích làm cho tăng trưởng duyên lành, cho khắp nơi, mọi người được thấm nhuần ơn mưa móc" (o). Vua Thiệu Trị đã đặt cho ngọn tháp một cái tên thật hay, thật là đầy phật tính "Phước Duyên". À thì ra vậy, cái tháp âm thầm của tôi ơi, có mấy ai biết tên của tháp nhỉ:“Tháp cao vợi đó đặt tên là Phước Duyên, mục đích để làm phương tiện giác ngộ chúng sinh" (p).
Từ bé cho đến lớn, chùa Thiên Mụ là nơi vui đùa của tôi, nhưng chẳng có khi nào tôi thấy cánh cửa tháp mở ra, chứ đừng nói có được cái hân hạnh đi vào xem có gì trong lòng tháp. Lâu rồi thành quen, tháp chùa chỉ thiệt là tháp chùa khi nó phải im thin thít, cửa phải đóng im ỉm mới đúng. Nào bây giờ chúng ta đi xem cái tháp cao vời vợi của tôi cao bao nhiêu nhé. Theo bia của vua Thiệu Trị (8) thì tháp có chiều cao như sau: "Từ trên đỉnh núi, ngọn tháp đứng sừng sững cao vút lên trời xanh, dùng thước xưa đo được 87 thước, thước hiện nay thì tháp cao 5 trượng, 2 tấc" (q). Theo sách "Ca dao xứ Huế" thì tháp cao vào khoảng 21m. Dầu sao đi nữa, thì tôi cũng phải đi vào lòng tháp du lịch một chuyến cho thỏa lòng. Thì đây, lòng tháp, nhìn dưới lên trên, ta sẽ thấy tháp xây theo hình xoắn ốc, có bảy tầng mỗi tầng thờ một vị Phật.
“Chiếu theo lệ xưa của đạo Phật thì:
Tầng một thờ đức Phật Quá Khứ Tỳ Bà Thi (Vipassi )
Tầng hai thờ đức Phật Thi Khí (Sikkhi )
Tầng ba thờ đức Phật Tỳ Xá Phù (Vessabhu)
Tầng bốn thờ đức Phật Câu Lưu Tôn (Kakusandha)
Tầng năm thờ đức Phật Câu Na Hàm (Konagamana)
Tầng sáu thờ đức Phật Ca Diếp (Kassapa)
Tầng bảy thờ đức Thích Ca Mâu Ni, Tây Phương Cực Lạc Pháp Vương.
Còn có tôn giả Ca Diếp và A Nan thờ bên cạnh" (r) .
Ngoài ra, khi vua Thiệu Trị xây tháp Phước Duyên, vua còn xây thêm một cái đình ở ngay trước mặt tháp nhưng bây giờ chỉ còn lại cái nền mà thôi. Đó chính là nơi mọi người sau khi bước lên hết các cấp cổng chùa, ngẩn cổ đứng ngắm tháp Phước Duyên.
Xong rồi...Lần này tôi đã có được một lần "về" thăm chùa kỳ thú, tôi đã tìm lại được rõ ràng lai lịch cái tháp thân yêu của tôi. Nó vẫn bình dị, yên lành và mạnh khỏe lắm, dù thời gian cứ đi và đi mãi nhưng tháp chùa của tôi vẫn mãi mãi hiền hoà và nhân từ như ngày xưa vậy. Ngày mai, tôi sẽ tìm lại và lật ra tấm hình ngày cũ, mơ về cô hàng xóm ngày xưa. Dù thế nào đi nữa, tháp Phước Duyên là chứng nhân tình yêu đầu đời của tôi. Nhớ tháp là nhớ người, nhìn tháp mà nhớ ai, nhìn tháp là nhớ lại chuổi ngày...tình tôi dạo ấy là ngơ ngẩn nhìn... (Nguyễn Tất Nhiên), nhìn tháp mà nhớ lại ngày xưa, có lần đã lén nhìn cô hàng xóm đứng chụp hình dưới tàn cây hoa sứ bên cạnh cửa tháp. Thôi, chắc là phải lấy cửa tháp làm cánh cửa nhà, lấy hoa sứ làm hoa đào, âm thầm nhấm nháp bài thơ tình xưa lăng lắc của lão Thôi Hộ:
Ngày xưa bên cánh cửa này
Hoa đào sắc thắm hây hây má người
Nàng nay biền biệt phương trời
Hoa đào năm cũ còn cười gió xuân (s)
(Nguyễn Hữu Vinh dịch)
Chú thích
a) Ngự kiến Thiên Mụ Tự, Quốc chủ Nguyễn Phúc Chu tự Động Thượng chánh tông tam thập thế pháp danh Hưng Long hiệu Thiên Túng đạo nhân đỉnh kiến Thuận Hoá Thiên Mụ tự bi ký
minh御建天姥寺國主阮福週嗣洞上正宗三十世法名興龍號天縱道人鼎建順化天姥寺碑記銘 b) Thì Thiệu Trị lục niên tứ nguyệt cát nhật kiến時紹治六年四月吉日建 c) Tự chi kiến duyệt lịch tư nhị bách tứ thập ngũ niên thánh tích danh lam kỳ lai thượng hĩ. 寺之建閲歷兹二百四十五年聖蹟名藍其來尙唉 d) Thì Tân Sửu thập tứ niên nãi kiến Thiên Mụ tự vu thị sơn dĩ biểu phát tường định đỉnh chi phúc địa giả dã. 時辛丑十四年乃建天姥寺于是山以表𤼵祥定鼎之福地者吔 e) Tiến sĩ Dương Văn An thi đỗ Tiến sĩ khoa Đinh Mùi, năm Vĩnh Định thứ nhất (1547), triều Mạc Phúc Nguyên.
f) Thiên Mụ Tự, Kim Trà huyện, Hà Khê xã chi nam. Thượng cư sơn đỉnh, hạ chẩm giang lưu, siêu trần thế chi tam thiên, cận thiên biên chi chỉ xích, khách hữu tản bộ đăng lâm, bất tự tri kỳ phát thiện tâm, tiêu tục, quảng thành phương trượng chi cảnh trí dã. 天姥寺金茶縣河溪社之南上居山鼎下枕江流超塵世之三天近天邊之咫尺客有散步登臨不自知其發善心消俗廣誠方丈之景致也 g) Nhất niệm trung năng hành lục Ba La Mật Đa tâm bất sinh diệt tức thị thường đạo 一念中能行六波羅蜜多心不生滅即是常道 h) Quán Tự Tại Bồ Tát hành thâm Bát nhã Ba La Mật Đa thì, chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách 觀自在菩薩行深般若波羅蜜多時照見五藴皆空度一切苦厄 i) Kính ư tích tuế tằng diên đắc pháp đương đầu sư huý Đại Sán tự Thạch Liêm, nguyện cố hoằng thâm từ tâm mẫn thế y báo vô lượng đạo khải tam thừa tu hành chi hữu tông chỉ như thuỷ mộc chi hữu bổn nguyên, phát tích Triết Tây, truyền tâm thiên giới 敬於昔歲曾延得法堂頭師諱大汕字石濂願固弘深慈心憫世依報無量道啓三乘修行之有宗旨如水木之有本源發跡浙西傳心天界 j) Ngô sư dĩ thệ phục vọng cao tăng phi trượng tích nhi quá ải sơn giá từ hàng nhi phiếm Việt hải đồng tuyên diệu kệ trợ tán tông phong
吾師已逝復望高僧飛杖錫而過隘山駕慈航而泛越海同宣妙偈助贊宗風 k) Do sơn môn nhi Thiên Vương điện Ngọc Hoàng điện Đại Hùng bảo điện Thuyết pháp đường Tàng kinh lâu lưỡng bàng tắc chung cổ lâu Thập vương điện Vân thuỷ đường Tri Vị đường Thiền đường Đại bi điện Dược sư điện Tăng liêu thiền thất bất hạ sổ thập sở nhi hậu Tỳ Da viên nội phương trượng đẳng xứ hựu bất hạ sổ thập sở giai kim bích huy hoàng quan chi giả lệnh nhân di thần kinh mục
由山門而天王殿玉皇殿大雄寶殿説法堂藏經樓兩旁則鍾鼓樓十王殿水雲堂知味堂禪堂大悲殿藥師殿僧寮禪舍不下數十所而後毘耶園内方丈等處又不下數十所皆金碧輝煌觀之怡神驚目 l) Thánh minh thế xuất quảng bị thiện duyên Canh Dần thập cửu niên trù đại hồng chung Giáp Ngọ trấp tam niên trùng tu phạn vũ duyệt nhất niên nhi lạc thành Ất Mùi thụ bi thuỳ thị 聖明世出廣被善緣庚寅十九年鑄大洪鐘甲午廿年重修梵宇閲一年而落成乙未樹碑垂示 m) Gia Long Kỷ Hợi tái trùng khôi kim bích tăng huy Minh Mạng niên lai phục chỉnh lý đan khâu dũ tráng 嘉隆己亥再重恢金壁增輝明命年來復整理丹邱愈壯
n) Nãi thân định thể chế, mệnh Vũ Lâm Doanh Hữu Dực Thống Chế Hoàng văn Hậu đổng tu tạo kiến ư Thiệu Trị Giáp Thìn đãi vu Ất Tỵ duyệt lưỡng tải nhi cáo thành 迺親定體制命羽林營右翼統制黃文厚董修造建於紹治甲辰迨于乙巳閲兩載而告成 o) Kim quốc gia nhàn hạ chi thì chánh trung ngoại sổ ninh chi tế liêu chi quốc thảng trúc thất cấp chi phù đồ siển phát thiện duyên bố vạn phương chi nhân trạch 今國家閒暇之時正中外數寧之際聊之國帑築七級之浮圖闡發善緣布萬方之仁澤 p) Lăng tiêu bảo tháp danh chi vi Phước Duyên quảng thôi giác ngộ quần sinh 凌霄寶塔名之為福緣廣推覺悟群生 q) Khởi tự sơn điên súc không nhi thượng cao dĩ cổ xích độ đắc bát thập thất xích hữu linh dĩ kim xích độ thành ngũ trượng tam xích nhị thốn
起自山巔矗空而上高以古尺度得八十七尺有零以今尺度成五丈三尺二寸 r) Chiếu y Thích điển phụng cổ Phật dĩ lai, kỳ đệ nhất Quá khứ Tỳ Bà Thi Phật, đệ nhị Thi Khí Phật, đệ tam Tỳ Xá Phù Phật, đệ tứ Câu Lưu Tôn Phật, đệ ngũ Câu Na Hàm Mâu Ni Phật, đệ lục Ca Diếp Phật, đệ thất Trung Thiên Điều Ngự Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Văn Phật Tây Phương Cực Lạc Pháp Vương, bồi chi hữu A Nan Ca Diếp tôn giả. 照依釋典奉古佛以來其第一過去毘婆尸佛第二尸棄佛第三毘舍浮佛第四拘留孫佛第五拘那含牟尼佛第六迦葉佛第七中天調御本師釋迦牟尼文佛西方極樂法王陪之有阿難迦葉尊者 s) Khứ niên kim nhật thử môn trung
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng
Nhân diện bất tri hà xứ khứ
Đào hoa y cựu tiếu đông phong
去年今日此門中 人面桃花相映紅 人面不知何處去 桃花依舊笑東風
Tham khảo
1. "Bia chùa Thiên Mụ của chúa Nguyễn Phúc Chu", bản dịch của Nguyễn Hữu Vinh, 1994 do Thích Trí Tựu cung cấp.
2. "Ca dao xứ Huế", Ưng Luận, Sở Văn Hóa Thông Tin Thừa Thiên xuất bản, 1991. 3. "Huế, vài nét cố đô", Mai Ưng, nhà xuất bản Hội Nhà Văn Công Ty Quản lý Di Tích Huế, 1991 4. "Chữ Huý Việt nam qua các triều đại", Ngô Đức Thọ, Nhà xuất bản văn hoá, Hà Nội, 1997. 5. "Phật học đại từ điển", Phật Quang Văn Hóa Xuất Bản Xã, Taipei. 6. "A Brief Introduction to the History of Buddhism Development in Vietnam (in Chinese)" input by Ven. Giác Đông,
Webpage: http://www.buddhist-canon.com/VIET/index.html of Vietnamese Buddhist Reasearch Institute.
7. "Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh", Chung Sĩ Phật, Đính Uyên Văn Hoá xuất bản, Taipei, 1997. 8. "Bia chùa Thiên Mụ của vua Thiệu Trị", bản dịch của Nguyễn Hữu Vinh, 1994 do Thích Trí Tựu cung cấp.
9. "Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh bản dịch Việt, Anh, Pháp, Hán", Bình An Sơn sưu tầm,
http://www.saigon.com/~anson/vbud/vbkin006.htm . 10. "Ô Châu Cận Lục", Dương Văn An, nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội, 1997. 11. "Đại Nam Nhất Thống Chí, quyển Kinh Sư", Cao Xuân Dục, năm Duy Tân thứ 3, hội Nghiên Cứu Indochina, 1941, Tokyo.
(nguồn: trangnhahoaihuong)
|