Hòa thượng Thích Đức Tâm
Tâm Quang
Cập nhật: 13:36:00 05/04/2009

MÂY TRẮNG VẪN BAY

TƯỞNG NIỆM LẦN THỨ 19 (1988-2007)

NGÀY TÔN SƯ THƯỢNG NGUYÊN HẠ TÁNH,

HIỆU ĐỨC TÂM VIÊN TỊCH

 


Ngày 13 tháng Giêng năm Mậu Thìn (29.02.1988) (1), Hòa thượng thượng Nguyên hạ Tánh, hiệu Đức Tâm viên tịch.

Kể từ ngày Tôn sư viên tịch đến nay đã 19 năm trôi qua. Thời gian cứ chìm vào quên lãng, nhưng pháp tướng uy nghi và chí nguyện kiên cường của Tôn sư vẫn không hề phai nhạt trong tâm trí của các thế hệ Tăng Ni và Phật tử chúng con.

Đê đầu vọng bái Tôn sư,

Trong sứ mệnh tiếp dẫn hậu lai, Tôn sư là vị Bổn sư đã tận tụy hết lòng và hy sinh trong mọi hoàn cảnh khó khăn để chăm nom, dìu dắt, giảng dạy cho Tăng Ni sinh tại các Phật học đường, cho các giới đồng bào Phật tử. Nhất là đối với tầng lớp Thanh, Thiếu niên Gia đình Phật tử và học sinh tại các trường Bồ đề.

Trong sự nghiệp hoằng pháp lợi sinh, Tôn sư là vị Cao Tăng uyên thâm, lỗi lạc đã không ngừng nỗ lực phát huy và xiển dương Chánh pháp qua các cơ quan hoằng pháp của Giáo hội. Từ tạp chí Liên Hoa Nguyệt san của Giáo hội Tăng già Việt Nam, rồi đến Trung tâm văn hóa Phật giáo Liễu Quán, Huế. Tất cả không chỉ đã để lại những ấn tượng tốt đẹp, và sâu sắc trong niềm kính yêu vô hạn của Tăng Ni và Phật tử chúng con hôm nay, mà những thành quả lớn lao ấy, đã ghi lại những dấu son chói lọi trong dòng lịch sử Phật giáo Việt Nam hiện đại.

Trong trách nhiệm lãnh đạo Giáo hội, Tôn sư là bậc Tăng già vô cùng khôn khéo và tế nhị, đã thể hiện đúng đắn và uyển chuyển vai trò của một nhà lãnh đạo, trước bao nhiêu cam go, thách thức trong một giai đoạn lịch sử. Tôn sư đã vượt lên mọi khó khăn để chu toàn trách nhiệm và giữ vững truyền thống thiêng liêng của Giáo hội. Bước chân của Tôn sư đã khai sáng trên đường chúng con đi...

Đê đầu vọng bái Tôn sư,

Hôm nay, nhân Lễ húy nhật lần thứ 19 của Tôn sư, các thế hệ Tăng Ni và hàng Phật tử chúng con, xin thành tâm tưởng niệm và cung kính ôn lại phần nào Thân thế và chí nguyện cao cả của Tôn sư, đã cống hiến không mỏi mệt cho tiền đồ của Giáo hội, cho sự bền vững của nền văn hóa Phật giáo Việt Nam suốt 40 năm, kể từ khi Tôn sư đăng đàn thọ Cụ túc giới, tại giới đàn chùa Báo Quốc, Huế vào năm Mậu Tý, 1948.

Tưởng niệm Thân thế và chí nguyện của Tôn sư là tưởng niệm bậc Cao Tăng Việt Nam hiện đại đã không ngừng nỗ lực tô bồi cho nền văn hóa Phật giáo thấm sâu và chan hòa trong lòng Dân tộc.

Tưởng niệm Thân thế và chí nguyện của Tôn sư là tưởng niệm công lao của vị Bổn sư đã cần cù, nhẫn nại hướng dẫn, giảng dạy Chánh pháp cho các giới đồng bào Phật tử, cho tầng lớp Thanh, Thiếu niên ở tổ chức Gia đình Phật tử và học sinh ở các trường Bồ đề, suốt bao nhiêu năm, với kỳ vọng đào tạo nên một thế hệ Phật tử trẻ có năng lực và trí tuệ để làm nền móng vững chắc cho ngôi nhà Phật giáo Việt Nam.

Thân thế và chí nguyện của Tôn sư đã thể hiện tài năng, đức độ và trí tuệ thù thắng của vị Sứ giả Như Lai, là bức chân dung toàn diện tiêu biểu cho sự nghiệp kỳ vĩ của bậc Cao Tăng Việt Nam hiện đại.

Tôn sư họ Trần, thế danh Hoài Cam.

Ngài sinh giờ Tỵ, ngày 12.10. năm Mậu Thìn (ngày 23.11.1928) tại làng Bồi Thành (thường gọi là Cồn Hến), xã Hương Lưu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên. Nay là phường Vỹ Dạ, thành phố Huế.

Thân phụ của Tôn sư là cụ ông Trần Hy (2), thân mẫu là cụ bà Huỳnh Thị Lương (2). Tôn sư là người con trai độc nhất của hai cụ.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình mà song thân đều thành tâm quy ngưỡng Tam bảo, nên từ nhỏ Tôn sư đã được nuôi dưỡng và hấp thụ rất nhiều kiến thức căn bản Phật pháp từ song thân. Cộng với thời gian gần mười năm theo học chữ Quốc ngữ, Tôn sư lại có cơ duyên thâm nhập thêm nhiều giáo lý qua các kinh luận mà song thân thường tụng đọc. Vốn liếng ấy đã âm thầm nung nấu chí nguyện xuất gia cầu đạo giải thoát ngày càng mạnh mẽ trong tâm trí Tôn sư.

Năm 14 tuổi, Nhâm Ngọ, 1942, Tôn sư xin phép song thân đến chùa Ba La Mật (3), bái yết Thượng tọa Tâm Như Trí Thủ cầu xin thọ giáo. Có thể nói, khi chấp thuận cho Tôn sư xuất gia là hai cụ đã vượt xa quan niệm nặng nề, cố hữu của người Đông phương, khi chỉ có một người con trai độc nhất để nối dõi Tông đường. Quyết định này, thực sự hai cụ đã thấm nhuần sâu sắc tinh thần giải thoát cao cả của Phật giáo một cách vô cùng đáng trân trọng.

Năm 15 tuổi, Quý Mùi, 1943, Tôn sư được Bổn sư cho phép thọ Sa-di giới tại giới đàn chùa Báo Quốc, Huế và đặt pháp danh là thượng NGUYÊN hạ TÁNH, tự PHÁP HẢI, hiệu ĐỨC TÂM, thể nhập đời thứ 44, dòng Thiền Lâm Tế Chánh tông và đời thứ 10, dòng Thiền Thiệt Diệu Liễu Quán.

Sau khi thọ Sa-di giới, Tôn sư liền được theo học lớp Sơ đẳng tại Sơn môn Phật học đường Linh Quang, Huế. Nhờ trí thông minh và sự chăm chỉ học tập, nên một năm sau, Giáp Thân, 1944, Tôn sư được chuyển qua học lớp Trung đẳng tại Phật học đường Báo Quốc. Trong thời gian này, lớp Cao đẳng và Siêu đẳng đã chuyển lên Đại Tòng Lâm Kim Sơn, thôn Lựu Bảo, xã Hương Hồ, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên, và chỉ còn lại hai lớp Sơ đẳng và Trung đẳng. Nhưng hai lớp này rồi cũng bị gián đoạn một thời gian, khi cuộc chiến tranh Việt-Pháp bùng nổ vào cuối mùa Đông năm Bính Tuất, 1946.

Mãi cho đến đầu năm Mậu Tý, 1948, Phật học đường Báo Quốc mới tái khai giảng và mở thêm lớp Cao đẳng. Tôn sư lại tiếp tục theo học lớp Cao đẳng này. Cũng trong năm này, Tôn sư được đăng đàn thọ Tỷ kheo và Bồ-tát giới tại giới đàn chùa Báo Quốc. Đại giới đàn này do Hòa thượng Tòng Lâm Pháp chủ Trung Việt Thích Tịnh Khiết làm Đàn đầu.

Sau khi thọ Đại giới và tốt nghiệp chương trình Cao đẳng Phật học tại Phật học đường Báo Quốc, Tôn sư càng chuyên tâm nghiên cứu, học hỏi nhiều kinh luật luận. Cũng bắt đầu từ đây, chí nguyện của Tôn sư lại lưu tâm rất nhiều đến phương diện hoằng pháp bằng các phương tiện truyền thông, báo chí hoặc qua các Trung tâm văn hóa Phật giáo, v.v... Nhất là trong suốt mười một năm Tôn sư đảm nhận trọng trách Tổng Thư ký Tòa soạn Liên Hoa Nguyệt san và năm năm Tôn sư làm Giám đốc Trung tâm văn hóa Phật giáo Liễu Quán, Huế.

Mở đầu cho sự nghiệp hoằng pháp, Tôn sư đã cùng với quý Thượng tọa Minh Châu, Thiện Ân và Chơn Trí, hợp tác biên soạn cuốn Phật pháp bốn cấp (từ bậc Hướng thiện, đến Sơ, Trung và Chánh Thiện) để làm giáo trình tu học cho tổ chức Gia đình Phật tử. Sau khi tổ  chức này được Tổng trị sự Hội Việt Nam Phật Học quyết định thay đổi danh hiệu Gia đình Phật hóa phổ thành danh hiệu Gia đình Phật tử, trong kỳ Hội nghị Huynh trưởng toàn quốc vào tháng 04 năm 1951, tại chùa Từ Đàm, Huế.

Đây là cuốn sách Phật pháp đầu tiên được Tôn sư cùng quý Thầy biên soạn rất sớm và nhiều công phu. Chương trình giảng dạy Phật pháp và áp dụng Phật pháp vào đời sống thực tế cho thế hệ trẻ trình bày có phương pháp khoa học, có hệ thống chặt chẽ.  Rất dễ học và dễ hiểu. Đã đáp ứng kịp thời cho sự tu học của tổ chức Gia đình Phật tử.

Từ ấy đến nay đã hơn 50 năm trôi qua, chương trình tu học của Gia đình Phật tử tuy có sửa đổi, nhưng nội dung cuốn sách vẫn còn nguyên gia trị và rất cần thiết khi soạn giáo trình cho tổ chức Gia đình Phật tử.

Cũng từ năm Tân Mão, 1951 trở đi, Gia đình Phật tử Thừa Thiên, Huế cung thỉnh Tôn sư làm Cố vấn Giáo hạnh và phụ trách giảng dạy Phật pháp cho các khóa huấn luyện Huynh trưởng, các lớp tu học thường kỳ của tổ chức này.

Ngoài ra, sau khi trường Bồ đề, Huế được thiết lập và khai giảng, Giáo hội Tăng già Thừa Thiên lại công cử Tôn Sư phụ trách giảng dạy môn giáo lý cho học sinh trường Bồ đề. Có thể nói, đây là thời kỳ có nhiều cơ duyên thuận lợi nhất để Tôn sư thực hiện chí nguyện hoằng pháp độ sinh một cách tích cực. Tôn sư đã thực sự thành công khi áp dụng môn Phật pháp vào chương trình giáo dục cho thế hệ trẻ trong tổ chức Gia đình Phật tử và học sinh tại các trường Bồ đề.

Đến đầu năm Giáp Ngọ, 1954, Giáo hội Tăng già Thừa Thiên cử Tôn sư về trú trì chùa Diệu Đế, Huế.

Cuối năm Ất Mùi, 1955, Tổng Trị sự Giáo hội Tăng già Trung Việt lại có quyết định-số 54/TG/TV ngày 19.12.1955-cử Tôn sư giữ chức vụ Tổng Thư ký Tòa soạn Liên Hoa Văn tập, cơ quan hoằng pháp của Giáo hội Tăng già Trung Việt.

Qua năm Mậu Tuất, 1958, Liên Hoa Văn tập được Tổng Trị sự đổi tên thành Liên Hoa Nguyệt san và nâng lên làm cơ quan hoằng pháp của Giáo hội Tăng già Việt Nam. Tôn sư  vẫn giữ trọng trách Tổng Thư ký Tòa soạn.

Mười Một Năm-từ năm Bính Thân, 1956 đến năm Bính Ngọ, 1966 (tính theo năm phát hành) đảm nhận trọng trách Tổng Thư ký Tòa soạn, Tôn sư đã hợp lực cùng Hòa thượng Chủ nhiệm Trừng Nguyên Đôn Hậu, phát huy nhiều sáng kiến trong việc tổ chức và xây dựng Tạp chí Liên Hoa. Từ đó, Liên Hoa Nguyệt san trở thành một cơ quan hoằng pháp mẫu mực, một tạp chí văn hóa Phật giáo mang đậm bản sắc thuần túy văn hóa Dân tộc.

Liên Hoa Nguyệt san là một tạp chí rất  hoàn chỉnh cả nội dung lẫn hình thức, đã  được Chư tôn Thiền đức và đông bào Phật tử nồng nhiệt đón đọc và không hết lời khen ngợi.

Trải qua 11 năm ấn hành liên tục, đến giữa năm Bính Ngọ, 1966 thì phải đình bản vì cuộc đấu tranh vô cùng khốc liệt của Phật giáo Việt Nam với chính quyền Nguyễn Văn Thiệu.

Mười Một Năm-Đảm nhận trọng trách này, Tôn sư đã không ngừng cống hiến công sức nhằm phát huy và bảo tồn nền văn hóa Phật giáo và Dân tộc, cũng như phổ cập giáo lý đến mọi tầng lớp đồng bào Phật tử qua tạp chí Liên Hoa Nguyệt san.

Ngày nay, Liên Hoa Nguyệt san đã đi vào quá khứ, nhưng pháp âm của một thời hưng thịnh vẫn mãi mãi rạng ngời trong dòng lịch sử hoằng pháp của Phật giáo Việt Nam.

Cuối năm Quý Mão, 1963, cuộc tranh đấu vô cùng gian khổ của Tăng Ni và Phật giáo đồ Việt Nam đã đạt được thắng lợi. Chế độ độc tài Ngô Đình Diệm sụp đổ, Phật giáo Việt Nam thoát khỏi cơn pháp nạn và đang bắt đầu công cuộc xây dựng.

Ngày 30.12.1963, một Hội nghị Phật giáo toàn miền Nam Việt Nam, gồm 11 Giáo phái và Hội đoàn Phật giáo Nam Bắc tông, được tổ chức trọng thể tại chùa Xá Lợi, Saigon, nhằm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Tôn sư đã được Tổng Trị sự Giáo hội Tăng già Trung Phần và Hội Phật giáo Việt Nam tại Trung Phần công cử làm Phó Trưởng đoàn Đại biểu Phật giáo miền Trung vào tham dự  Hội nghị.

Qua Hội nghị lịch sử này, Tôn sư đã phát biểu, đóng góp nhiều ý kiến thiết thực vào chủ trương Thống nhất và đường hướng phát triển của Phật giáo Việt Nam trong giai đoạn mới. Cụ thể như việc thiết lập các Trung tâm văn hóa Phật giáo tại các thành phố lớn, các thị xã đông dân cư, xúc tiến biên tập, ấn hành thêm nhiều tạp chí văn hóa Phật giáo, nhằm mở rộng phương diện hoằng pháp đến mọi tầng lớp đồng bào Phật tử.

Vào năm Giáp Thìn, 1964, Giáo  hội Tăng già Thừa Thiên lại cử Tôn sư về trú trì chùa Diệu Minh. Ngôi chùa này, do Hòa thượng Trí Uyên, đệ tử của Hòa thượng Trừng Thông Viên Thành và là pháp huynh của Thượng tọa Tâm Như Trí Thủ, kiến tạo từ năm Nhâm Tý, 1912 trên đất làng Bồi Thành (thường gọi là Cồn Hến, như chúng tôi đã trình bày ở trên).

Sau khi về trú trì, Tôn sư liền vận động đồng bào, Phật tử làng Bồi Thành, cùng thiện nam tín nữ hợp sức trùng tu chùa Diệu Minh. Từ một ngôi chùa đơn sơ, nhỏ hẹp nằm thu mình trên một vùng đất hoang vu, cỏ dại, đã trở thành một ngôi danh lam rạng rỡ trên một miền đất phù sa xanh tốt bên dòng Hương giang, miền đất được mệnh danh là nơi "sương khói mờ nhân ảnh" của chốn Cố đô.

Sau khi công cuộc trùng tu hoàn tất, Tôn sư đổi tên "Diệu Minh tự" thành "Pháp Hải tự".

Đầu năm Kỷ Dậu, 1969, Tôn sư đề xuất ý kiến với Ban Đại diện GHPGVNTN miền Vạn Hạnh và Giáo hội tỉnh Thừa Thiên, xin thiết lập một Trung tâm văn hóa Phật giáo tại Huế. Ý kiến của Tôn sư đã được hai cấp Giáo hội đồng tình chấp thuận và cho tiến hành thủ tục.

Đến ngày vía Phật Thành đạo, mồng 8, tháng Chạp, năm Kỷ Dậu (ngày 15.01.1970), Trung tâm văn hóa Phật giáo Liễu Quán được khởi công xây dựng. Cơ sở đặt tại số 15, đường Lê Lợi, Huế. Bước đầu, Giáo hội  đề cử Tôn sư  đảm nhận chức vụ Giám đốc Trung tâm văn hóa Phật giáo này.

Tưởng cũng nên biết rằng, Trung tâm văn hóa Liễu Quán là Trung tâm được thiết lập đầu tiên và sớm nhất tại miền Nam Việt Nam, là nơi quy tụ nhiều bậc Tăng già uyên thâm, lỗi lạc, nhiều vị nhân sĩ trí thức Phật tử, nhiều văn nghệ sĩ tài hoa của cố đố Huế lúc bấy giờ. Tất cả chư vị đều sẵn sàng đóng góp công sức cho sự phát triển một Trung tâm văn hóa Phật giáo Việt Nam đang hình thành.

Trên cương vị Giám đốc, Tôn sư đã có nhiều đề án thiết thực, như xúc tiến xây dựng một cơ sở khá quy mô, cho chuyển nhà in Liên Hoa, số 01 kiệt Từ Quang, Huế về đặt tại Trung tâm để in kinh sách, Tạp chí Phật giáo, phục vụ các ấn phẩm cho văn phòng Giáo hội, cho các Phật học viện, cho các trường Bồ đề và các cơ sở Phật giáo khác.

Suốt Năm Năm-từ năm 1970 đến 1975-Tôn sư không ngừng nỗ lực với quyết tâm tổ chức, xây dựng cho Trung tâm văn hóa Phật giáo Liễu Quán thành một Trung tâm văn hóa tiêu biểu của Phật giáo miền Trung. Có thể nói, sự hoạt động của Trung tâm văn hóa Phật giáo Liễu Quán, dưới sự điều hành khôn khéo và xuất sắc của Tôn sư trong suốt năm năm, đã rực sáng cả một góc trời văn hóa Phật giáo Việt Nam lúc bấy giờ.

Những thành quả ấy, đã được Chư tôn Trưởng lão Hòa thượng vô cùng tán thán. Hòa thượng Tâm Như Trí Thủ, một bậc Cao Tăng kỳ vĩ, một nhà văn hóa của Phật giáo và Dân tộc, và là một vị Giáo phẩm cao cấp của Viện Hóa Đạo GHPGVNTN, khi đến thăm Trung tâm, đã tỏ lời khen ngợi:

得。

   

 Âm:

Tri chỉ nhi hậu hữu định,

Định nhi hậu năng tịnh,

Tịnh nhi hậu năng an

An nhi hậu năng lự

Lự nhi hậu năng đắc.

Liễu Quán Văn hóa Trung tâm Giám Trí

Đức Tâm Thượng tọa Tuệ   Giám, khởi bút

Nhưng rồi lịch sử  Dân tộc và cục diện đất nước lại trải qua thời kỳ thay đổi. Sau ngày 30.4.1975, Trung tâm văn hóa Phật giáo Liễu Quán phải ngừng hoạt động. Từ đó, Tôn sư cũng đành ngậm ngùi rũ bỏ hoài bão lớn lao mà Tôn sư hằng ấp ủ từ bao nhiêu năm về một chương trình hoạt động nhằm tô bồi cho nền văn hóa Phật giáo thấm sâu và bền vững trong dòng văn hóa Dân tộc.

Một thời gian sau ngày giải phóng, chính quyền tỉnh Bình Trị Thiên - sau này là tỉnh Thừa Thiên, Huế - qua Hội văn học Nghệ thuật, đã "xin mượn" Trung tâm làm dịch vụ suốt một thời gian dài.

Giáo hội đã nhiều lần đặt vấn đề nhưng vẫn chưa được hoàn trả. Mãi cho đến năm Nhâm Ngọ, 2002, sau những lần đòi hỏi liên tiếp của Giáo hội, nhất là qua những Kiến nghị đầy quyết tâm của Hòa thượng Lệ Chân Thiện Hạnh, Trung tâm văn hóa Phật giáo Liễu Quán mới được chính quyền hoàn  trả.

Ngày nay, Trung tâm Liễu Quán, Huế đã được phục hồi. Sự hoạt động chưa có gì lớn lao, nhưng bước đầu đã xây dựng lại cơ sở, đã thiết lập được một Thư viện nhỏ, đã biên tập và ấn hành được Nội san Liễu Quán...

Dáng vẻ tuy chưa quy mô và bề thế như đề án xây dựng lớn lao của Tôn sư lúc ban đầu, nhưng chắc chắn sự tái hoạt động của Trung tâm văn hóa Phật giáo Liễu Quán, có thể khẳng định rằng: Các thế hệ Tăng Ni và Phật tử Thừa Thiên, Huế hôm nay, đã sẵn sàng tiếp bước theo dấu chân của Tôn sư trên đường phục hưng và phát triển cho một nền văn hóa Phật giáo và Dân tộc Việt Nam rạng rỡ ở ngày mai... và công lao gầy dựng của Tôn sư mãi mãi là công đầu.

Trải qua 24 năm-từ năm Mậu Tý, 1948, đến năm Nhâm Tý, 1972-Tôn sư đã không ngừng khổ công tu luyện, cống hiến tài năng và trí tuệ cho sự nghiệp hoằng pháp lợi sinh, nên vào mùa Hè, năm Nhâm Tý, 1972 (Phật lịch 2516), Tôn sư đã được Bổn sư ban kệ đắc pháp:

穿

 

身。

二五十六

足下

智首

 

Âm:

Nguyệt luân xuyên hải thủy,

Hoa ảnh tảo giai trần,

ĐỨC TÂM vô vật ngã

Thanh tịnh chứng thường thân.

Phật lịch nhị ngũ thập lục niên hạ

Đức Tâm Đại sư túc hạ, tuệ giám

Phạn Tăng Thích Trí Thủ, đề

 

Năm Nhâm Tý, 1972, sau khi Hòa thượng Tâm Như Mật Nguyện, Chánh Đại diện GHPGVNTN miền Vạn Hạnh, kiêm Chánh Đại diện tỉnh Thừa Thiên và thị xã Huế viên tịch, Giáo hội đã công cử Hòa thượng Tâm Huệ Thanh Trí giữ chức vụ Chánh Đại diện và Tôn sư giữ chức vụ Phó Đại diện GHPGVNTN tỉnh Thừa Thiên và thị xã Huế.

Suốt trong quãng thời gian đảm nhận trọng trách này, Tôn sư là người cộng sự đầy quyết tâm và đắc lực nhất của Hòa thượng Chánh Đại diện. Mặc dầu đây là giai đoạn Phật giáo Việt Nam đang bước vào một khúc quanh lịch sử,  bao nhiêu khó khăn đang chồng chất trong tay hàng Giáo phẩm từ Trung ương xuống địa phương, thế nhưng, Tôn sư vẫn khôn khéo vượt qua được tất cả để góp phần cùng Hòa thượng Chánh Đại diện đem lại những thành tựu khả quan cho Phật giáo tỉnh Thừa Thiên và thị xã Huế lúc bấy giờ.

Năm Giáp Dần, 1974 nhằm mở rộng phương diện hoằng pháp và tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào Phật tử ở những vùng xa xôi, hẻo lánh có nơi dâng hương, lễ bái cầu nguyện, Tôn sư lại dốc sức thành lập trang trại Châu Hoằng và kiến tạo Châu Hoằng Liên Xã Tự, tại một vùng cận sơn, thuộc thôn Lại Bằng, xã Hương Vân, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên.

Đầu tháng Tư nhuận, năm Giáp Dần (ngày 27.5.1974), công cuộc  kiến tạo chùa được khởi công xây dựng.

Sau khi công trình xây dựng hoàn tất, Tôn sư  giao cho Đại đức Thích Giác Hải, đệ tử của Đại lão Hòa thượng Tâm Ấn Viên Quang (1894-1977) - Tổ khai sơn chùa Châu Lâm, Huế, lên trú  trì. Được một thời gian thì Đại đức Giác Hải viên tịch, sau đó vị đệ tử tại gia của Đại đức kế tục duy trì (và hiện nay Thượng tọa Nguyên Truyền Tâm Thọ, chùa Vạn Phước, Huế kiêm nhiệm trú trì).

Năm Giáp Tý, 1984, sau khi nhị vị Hòa thượng Tâm Như Trí Thủ và Tâm Huệ Thanh Trí viên tịch, Giáo hội và môn đồ suy cử Tôn sư lên trú trì Tổ đình Báo Quốc, Huế. Bốn năm làm trú trì, Tôn sư cũng không ngừng dốc sức tu bổ cho ngôi Tổ đình thêm phần rạng rỡ và tận tụy chăm lo đến đời sống hàng ngày của chư Tăng một cách đầy đủ giữa thời buổi kinh tế khó khăn.

Năm Bính Dần, 1986 trong Đại hội kỳ 3, GHPGVN tỉnh Thừa Thiên, Huế, tại chùa Từ Đàm, lại công cử Tôn sư giữ chức vụ Phó Trưởng ban Trị sự.

Nhận trách nhiệm trong giai đoạn này, đối với Tôn sư chỉ là một việc làm bất đắc dĩ, chứ thực tâm Tôn sư chẳng mặn mà gì khi bắt tay vào công việc của Giáo hội lúc bấy giờ.

Đứng trước khúc quanh của lịch sử, chứng kiến bao điều đã làm cho Đạo pháp tổn thương: từ một Trung tâm văn hóa Phật giáo Liễu Quán, Huế, không còn là nơi để xiển dương Chánh pháp, từ sự ly tán của chư tôn Trưởng lão Hòa thượng, Thượng tọa trong Hội đồng Giáo phẩm Trung ương, đến niềm đau khi nhị vị Ân sư vừa đột ngột xả bỏ báo thân trong nỗi ngậm ngùi, xót xa của hàng vạn Tăng Ni và Phật tử. Những sự việc như thế cứ dồn dập xảy ra, đã khiến cho Tôn sư ít nói và thường hay đăm chiêu, suy nghĩ.

Chắc không ai quên được hình bóng Tôn sư lúc đứng uy nghiêm trên lễ đài Phật đản (Phật lịch 2530, năm 1986) tại chùa Từ Đàm, Huế, để đọc bức Thông điệp bằng giọng đọc kéo dài lê thê câu chữ, không dừng nghỉ khi câu văn chấm phết, trước sự ngạc nhiên đến lạ lùng của hàng vạn Tăng Ni và Phật tử dưới lễ đài. Cung cách ấy đã bộc lộ niềm u ẩn sâu lắng của Tôn sư khi phải làm công việc mà mình không muốn làm.

Cũng từ đó trở đi, cơn trọng bệnh của Tôn sư bắt đầu tái phát. Chư vị đệ tử hết lòng chăm lo chữa trị, nhưng bao nhiêu âu lo, thao thức cho sự tồn vong của Đạo pháp cứ như dồn nén, nên cơn bệnh của Tôn sư mỗi ngày mỗi thêm trầm trọng.

Một  ngày trước khi Tôn sư viên tịch, Đại lão Hòa thượng Chánh Thư ký Xử lý Thường vụ Viện Tăng Thống GHPGVNTN Thích Đôn Hậu đã đích thân về thăm sức khỏe của Tôn sư tại chùa Pháp Hải. Trong khi thăm hỏi, Đại lão Hòa thượng đã ân cần khuyên nhủ: "Nếu Thầy thấy sức khỏe còn tốt thì cố gắng tịnh dưỡng để tiếp tục phụng sự Đạo pháp và chúng sanh, nhưng thấy sức khỏe không còn bao nhiêu thì nên tịnh tâm mà về với Phật, với Tổ" (4)

Đúng một ngày sau khi Đại lão Hòa thượng Chánh Thư ký Xử lý Thượng vụ Viện Tăng Thống về thăm, đến 07 giờ sáng ngày 13 tháng Giêng năm Mậu Thìn (29.02.1988), Tôn sư an nhiên thị tịch.

Đê đầu vọng bái Tôn sư,

Sáu Mươi Năm-hóa thân giữa chốn trần lao, ác trược, Tôn sư vẫn uy nghi, dõng mãnh vượt qua bao nhiêu chướng ngại để xây dựng cho nền văn hóa Phật giáo và Dân tộc. Tôn sư không ngừng nỗ lực xiển dương Chánh pháp qua các cơ quan văn hóa Phật giáo để cho tiền đồ Giáo hội được hưng long. Tôn sư còn quyết tâm đào tạo cho kỳ được một thế hệ Tăng Ni, Phật tử trẻ có năng lực và trí tuệ nhằm xây đắp nền móng vững chắc cho ngôi nhà Phật giáo Việt Nam và cho tương lai huy hoàng của Đạo pháp.

Sáu Mươi Năm-khoảng thời gian ngắn ngủi ấy chưa đủ để Tôn sư hoàn thành chí nguyện hoằng pháp độ sinh và phát triển nền văn hóa Phật giáo, nhưng đối với các thế hệ Tăng Ni và hàng Phật tử chúng con hôm nay, Tôn sư đã chu toàn trách nhiệm cao quý của một vị Bổn sư. Đối với Đạo pháp và Dân tộc, Tôn sư cũng đã đạt được phần nào chí nguyện của bậc Cao Tăng Việt Nam trong một giai đoạn lịch sử nhiều cam go và thách thức.

Tôn sư mãi mãi là niềm tin vững chắc, là dấu chân khai lối cho Tăng Ni và Phật tử chúng con hăng hái bước đi trên con đường truyền thống thiêng liêng của Giáo hội.

Tôn sư ra đi... không chỉ là sự tổn thất lớn lao cho biết bao tầng lớp Thanh, Thiếu niên Phật tử Việt Nam, mà Tôn sư còn để lại cho các thế hệ Tăng Ni, Phật tử nỗi ngậm ngùi, tiếc nhớ khôn nguôi.

Tôn sư ra đi... êm đềm như làn Mây Trắng Vẫn Bay giữa trời cao lồng lộng. Chí nguyện kiên cường của Tôn sư vẫn sâu đậm trong lòng chư tôn Trưởng lão Hòa thượng hiện tiền với biết bao lời ngợi khen, tán thán. Hòa thượng Lệ Chân Thiện Hạnh, một bậc Cao Tăng hiện đại, một vị Giáo thọ sư đa văn đã tận tụy suốt đời cho sự nghiệp đào tạo Tăng tài, giáo dưỡng các thế hệ Huynh trưởng Gia đình Phật tử, một bậc Long Tượng Tăng già kiên cường, bất khuất không ngừng dấn thân cho sự tồn vong của Đạo pháp, cũng không ngớt lời xưng tán, mà nét bút trên văn bia vẫn còn rạng rỡ mãi đến thiên thu:

- "Với chí thượng cầu, giới pháp tròn đầy, Thiền Tịnh nghiêm tu, tuệ học tinh chuyên, nên chẳng bao lâu, đạt thông nguồn pháp, tri như thị huyễn, biết như thị chân."

- "Với tâm hạ hóa, tuyên dương Chánh pháp, viết giảng tùy cơ, Trí Bi có đủ, mới độ thanh xuân, hương đạo bay xa, đến như thị lai, đi như thị khứ."

Hàng Phật tử chúng con, cũng xin cung kính vọng bái Tôn sư và thành tâm dâng lời tác bạch:

  曰。

  哉。

Đại sư nguyện hy nhơn giả nhi tặng chi viết tử mạch hồng trần thanh mộng mị kính đài bồ thụ tác tâm thân ư đô tai.

Phật đạo kỳ nam

  朽。

Hữu phụng

Đức Tâm Đại sư nhã giám dĩ thùy bất hủ

An Giang cư sĩ Nguyên Nghị cẩn minh

Cao quý thay! Thân thế và chí nguyện kiên cường của bậc Cao Tăng Việt Nam hiện đại.

Thành kính  đảnh lễ Tôn sư.³

Đệ tử: TÂM QUANG

 

 

CHÚ THÍCH:

1. Trong cuốn  "Lịch sử Phật giáo xứ Huế" của TT. Hải Ấn và Hà Xuân Liêm, Nxb Tp HCM, 2001, trang 549, ghi: "Hòa thượng viên tịch sáng ngày 13.01.năm Mậu Thìn (23.02.1988)". Theo lịch thế kỷ XX, của Nxb Phổ thông, Hà Nội, 1976 thì ngày 13.01. năm Mậu Thìn là ngày 29.02.1988, chứ không phải là ngày 23.

2. Trong nội dung văn bia hiện tôn trí ở Bảo tháp Tôn sư, do Hòa thượng Lệ Chân Thiện Hạnh "kính soạn", thì thân phụ của Tôn sư là cụ Trần Hy và thân mẫu là Huỳnh Thị Lương, chứ không phải là Trần Ny và Nguyễn Thị Lương, như ở sách: "Lịch sử Phật giáo xứ Huế" của nhị vị tác giả nêu trên, đã ghi ở trang 547.

3. Chùa Ba La Mật ở Huế, do bà Công Tôn Nữ Thị Tư, pháp danh Thanh Thất, hiệu Từ Thiện kiến tạo vào năm Bính Tuất, 1886, để làm nơi tu hành cho chồng là ông Bố chánh Nguyễn Khoa Luận. Vào năm Tân Mão, 1891, ông Nguyễn Khoa Luận được đăng đàn thọ cụ túc giới tại giới đàn chùa Báo Quốc, được đặt pháp danh là Thanh Chân, pháp hiệu là Viên Giác. Qua năm Giáp Ngọ, 1894, cũng tại giới đàn chùa Báo Quốc, ông được thọ Bồ-tát giới; đến ngày 27.06. năm Canh Tý (23.7.1900) thì viên tịch.

Đệ tử đầu là Thượng tọa Trừng Thông Viên Thành kế thế trú trì. Đến năm Quý Hợi, 1923, Thượng tọa Viên Thành lên khai sơn chùa Tra Am, nên giao cho pháp đệ là Đại đức Tâm Đăng Trí Hiển trú trì. Qua năm Canh Thìn, 1940, Đại đức Trí Hiển viên tịch. Từ đó, Thượng tọa Tâm Như Trí Thủ kế tục trú trì.

4. Chúng tôi ghi theo lời kể của Đại đức Thích Hải Bình, thị giả của Đại lão Hòa thượng.


PHỤ LỤC

Để có thêm tư liệu tìm hiểu và nghiên cứu về Thân thế và sự nghiệp hoằng hóa của Tôn sư, chúng tôi xin phụ lục bài "Minh", do cư sĩ An Giang, pháp danh Nguyên Nghị cẩn soạn, được khắc trên văn bia, hiện tôn trí tại Bảo tháp Tôn sư trong khuôn viên chùa Tra Am, Huế.

ˇ ˇ ˇ ˇ ˇ ˇ ˇ 滿 ˇ ˇ ˇ ˇ ˇ ˇ ˇ ˇ ˇ ˇ


  朽。

Âm:  Cổ nhi chơn hữu tam bất hủ dư, Đại sư kiêm nhi hữu chi, lập công lập đức lập ngôn thị dã, ức tự Đại sư thành đồng xuất gia thọ nghiệp ư Thích Trí Thủ Thượng tọa, giới luật tinh nghiêm, từ bi viên mãn khóa thanh cư thủ tuyển y bát đắc chơn truyền. Tốt nghiệp hậu nhiệm nhận Báo Quốc tự Phật học đường cập Bồ đề Trung học trường giáo thọ chi chức, cánh sung Việt Nam Trung Phần Phật giáo giảng sư, kiêm Gia đình Phật tử cố vấn, kỳ truyền bá Phật pháp hộ trì chánh giáo chi lao ban, ban khả kỳ hiện hạ; hựu vi Liên Hoa nguyệt san báo chủ bút, Chánh Tăng già Giáo hội hoằng pháp chi cơ quan; phiến tiên, phiến ngọc nhất tự, nhất chu vô phi tùng lập ngôn thượng khởi kiến nhi lập công, lập đức tăng trưởng kỳ trung hỷ cư sĩ; ư Đại sư nguyện hy nhơn giả nhi tặng chi viết tử mạch hồng trần thanh mộng mị, đài bồ thụ tác tâm thân, ư đô tai Phật đạo kỳ nam.

Hữu phụng

Đức Tâm Đại sư nhã giám dĩ thùy bất hủ

An Giang cư sĩ Nguyên Nghị cẩn minh.                  

 
 
   
 
  
Tìm kiếm

 
  
Tìm trên:     hoangphap.info web khác
Visitor Number: 
Hôm nay