Hòa thượng Thích Thanh Trí
Tâm Hương
Cập nhật: 13:34:00 05/04/2009

CÁNH HẠC VỀ TÂY

Tưởng niệm lần thứ 22 (1984-2006), ngày Tôn sư

thượng Tâm hạ Huệ, hiệu THANH TRÍ viên tịch

 

 

N

gày 13 tháng 3 năm Giáp Tý (13.4.1984), Hòa thượng thượng Tâm hạ Huệ, hiệu THANH TRÍ viên tịch.

Hai mươi hai năm đã trôi qua, thời gian vẫn cứ chuyển di trên đà vô tận, nhưng pháp tướng uy nghi và chí nguyện kiên cường của Tôn sư vẫn còn khắc sâu trong tâm trí của biết bao thế hệ Tăng Ni và Phật tử chúng con.

Trong sứ mệnh lãnh đạo Giáo hội, Tôn sư là vị Tăng già lỗi lạc, khôn khéo và đầy quyết tâm. Tôn sư là ngọn hải đăng rực sáng định hướng cho Tăng Ni và Phật tử chúng con trong sự nghiệp hoằng dương và hộ trì Chánh pháp, là dấu chân khai lối cho mỗi chúng con trên bước đường giác ngộ và giải thoát.

Trong chí nguyện đào tạo Tăng tài, Tôn sư là vị Bổn sư tràn đầy tâm huyết, đã cống hiến không mỏi mệt công sức để chăm lo đời sống Tăng Ni sinh ở các Phật Học Viện, nhất là Phật Học Viện Báo Quốc, Huế. Kỳ vọng lớn lao nhất của Tôn sư là un đúc cho các thế hệ Tăng Ni sinh có đủ tài năng, trí tuệ hầu tiếp nối sứ mệnh hoằng truyền Chánh pháp để làm rạng rỡ ngôi nhà Phật giáo Việt Nam.

Trong lý tưởng phụng sự nhân loại và chúng sinh, Tôn sư là vị sứ giả Như Lai có nguyện lực bền bỉ, có tấm lòng độ tha vô lượng. Tôn sư đã tận tụy đem đến cho biết bao nhiêu đồng bào, Phật tử neo đơn, nghèo khó, biết bao nhiêu em cô nhi còn sống sót sau những cơn binh lửa chiến tranh, hay những đợt thiên tai lũ lụt… Tất cả đều có cơm ăn, áo mặc, được cắp sách đến trường, được sống bình yên trong các Dưỡng lão đường, các Cô nhi viện.

Đê đầu vọng bái Tôn sư,

Nhân lễ kỷ niệm lần thứ 22, ngày Tôn sư viên tịch. Các thế hệ Tăng Ni và Phật tử chúng con, thêm một lần nữa thành tâm tưởng niệm và cung kính ôn lại phần nào Thân thế cùng chí nguyện kiên cường mà Tôn sư đã nỗ lực, miệt mài đóng góp cho Dân tộc và Đạo pháp trong suốt 48 năm, kể từ sau khi Tôn sư thọ Sa Di giới tại chùa Đại Bi, tỉnh Thanh Hóa vào năm Bính Tý, 1936.

Tưởng niệm Thân thế và sự nghiệp của Tôn sư là cung kính ôn lại cuộc đời đạo hạnh cao cả của bậc Danh Tăng Việt Nam, đã mở rộng tấm lòng Từ Bi mà cứu độ biết bao nhiêu người không may lâm cảnh lầm than, cơ cực.

Tưởng niệm Thân thế và sự nghiệp của Tôn sư là tưởng niệm bậc Cao Tăng đã kiên trì, dũng mãnh trong chí nguyện đào tạo Tăng tài, sách tấn hậu lai. Quyết tâm tô bồi cho các thế hệ Tăng Ni để mạng mạch Chánh pháp vĩnh viễn trường tồn.

Thân thế và chí nguyện lớn lao của Tôn sư không chỉ là tấm gương sáng chói trong sự nghiệp hoằng pháp độ sinh, mà còn thể hiện đức độ cao quý, siêu phàm của bậc Danh Tăng trong dòng lịch sử Phật giáoViệt Nam hiện đại:

Tôn sư họ Hồ, thế danh Văn Liêu.

Ngài sinh giờ Thìn, ngày 01 tháng 10 năm Kỷ Mùi (22.11.1919) [1] tại làng Phước Yên, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên.

Thân phụ của Tôn sư là cụ ông Hồ Văn Sừng, thân mẫu là cụ bà Tô Thị Thục, hai cụ đều là người cùng làng. Tôn sư là người thứ hai và là người con trai độc nhất trong số năm người con của hai cụ.

Thời niên thiếu, gia đình Tôn sư được duyên lành sống gần ngôi chùa làng Quảng Phước, nên Tôn sư thường theo song thân tới chùa dâng hương lễ bái, cúng dường. Quang cảnh trang nghiêm, thanh tịnh của ngôi chùa làng đã trở nên thân thương và gần gũi với Tôn sư. Nếp sống bình dị, thanh thoát của chư Tăng càng lúc càng thấm nhuần sâu đậm vào nếp nghĩ của Tôn sư.

Từ đó, chí nguyện xuất gia cầu đạo luôn nung nấu và thúc giục tâm trí Tôn sư.

Đến năm 11 tuổi, Canh Ngọ, 1930 túc duyên đã thành tựu, Tôn sư ngỏ ý xin phép song thân vào Huế, đến đảnh lễ và bái yết Hòa thượng Trừng Diên Hưng Phước-Tổ khai sơn chùa Từ Hóa, cầu xin thọ giáo.

Sau khi thọ giáo, Tôn sư rất chăm chỉ trong việc học tập chữ Hán và nghiên cứu kinh, luật và luận, cũng như rất cần cù, nhẫn nại chấp tác công việc hàng ngày cùng Chúng điệu. Nhờ trí thông minh và sự tận tụy, trong một thời gian ngắn, Tôn sư đã thuộc lòng Bộ Luật Tiểu (Luật Sa Di) cùng các kinh điển thông thường.

Sự siêng năng, chăm chỉ, cùng với tánh tình nhu hòa, điềm đạm của Tôn sư đã khiến cho Bổn sư rất hài lòng.

Giữa mùa Xuân năm Bính Tý‎‎, 1936, Tôn sư được Bổn sư làm lễ thế độ cho thọ Sa Di giới, tại giới đàn chùa Đại Bi, tỉnh Thanh Hóa, một tỉnh cực Bắc miền Trung. Giới đàn này, do Hòa thượng Thanh Thái Tuệ Minh,2 trú trì chùa Từ Hiếu, Huế  làm Đàn đầu. Được Bổn sư đặt pháp danh là thượng Tâm hạ Huệ, hiệu Thanh Trí, thuộc đời thứ 43, dòng Thiền Lâm Tế Chánh Tông và đời thứ 9, dòng Thiệt Diệu Liễu Quán.

Vào năm Canh Thìn, 1940, lúc Tôn sư vừa 21 tuổi, nhưng với tư chất thông minh, đạo phong mẫu mực, cốt cách uy nghi, nên Hòa thượng Tâm Như Trí Thủ, trú trì chùa Ba La Mật, đã cử Tôn sư về trú trì chùa Diệu Hỷ, Huế. Ngôi chùa này, do Hoằng Hóa Quận vương, là vị Hoàng tử thứ 66 của vua Minh Mạng, sáng lập vào khoảng từ năm Ất Hợi, 1875 đến năm Canh Thìn, 1880. (Chùa hiện tọa lạc ở số 28, đường Tô Hiến Thành, phường Phú Cát, thành phố Huế, phía sau lưng chùa Diệu Đế).

Hai năm sau, Nhâm Ngọ, 1942, Sơn môn Tăng già Thừa Thiên lại cử Tôn sư lên làm Tri sự chùa Báo Quốc, cùng một lần với Hòa thượng Tâm Như Trí Thủ lên làm trú trì.

Mới 23 tuổi, vừa làm trú trì chùa Diệu Hỷ, lại vừa làm Tri sự một ngôi Tổ đình to lớn như thế, với bao công việc lớn nhỏ, nhiều đa đoan, ít thuận lợi, nhưng Tôn sư đều lo liệu chu toàn, điều này đủ để thấy được năng lực làm việc của Tôn sư xuất chúng đến chừng nào.

Đến năm Đinh Hợi, 1947, Tôn sư bàn giao chùa Diệu Hỷ cho Ni bộ Bắc tông Thừa Thiên, rồi trở về chùa Báo Quốc.

Qua năm 29 tuổi, Mậu Tý, 1948, Tôn sư được đăng đàn cầu thọ Cụ túc giới ngay tại ngôi chùa Tôn sư làm Tri sự. Đây là giới đàn đầu tiên được khai giới trọng thể tại Huế, sau một thời gian bị gián đoạn vì cuộc chiến tranh Việt Pháp bùng nổ vào cuối năm Bính Tuất, 1946. Đại giới đàn nầy, do Hòa thượng Tòng Lâm Pháp chủ Trung Việt Thích Tịnh Khiết làm Đàn đầu.

Suốt thời gian 42 năm-từ năm 1942 đến năm 1984-Tôn sư đảm nhận trách nhiệm Tri sự Tổ đình Báo Quốc, Tôn sư đã dốc hết tâm lực hỗ trợ nhiều mặt cho Phật Học Viện Báo Quốc (Phật Học Viện này nằm trong khuôn viên chùa Báo Quốc, Huế).

Phật Học Viện Báo Quốc-ở thời kỳ Tôn sư lên đảm nhận nhiệm vụ Tri sự, có thể xem là một Đại học viện Phật giáo rất quy mô tại miền Trung nói riêng và Phật giáoViệt Nam nói chung.

Đại học viện này có học trình kéo dài đến 10 năm-3 năm Sơ đẳng, 3 năm Trung đẳng, 2 năm Cao đẳng và 2 năm Siêu đẳng-Mỗi năm còn có một kỳ thi. Đề tài lấy trong kinh cùng với sách học của năm đó. Kỳ thi năm Quý Mùi, 1943 là kỳ thi cuối cùng của khoá học này tại Phật Học Viện Báo Quốc, trước khi chuyển lên Đại tòng lâm Kim Sơn ở thôn Lựu Bảo, xã Hương Hồ, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên.

Nhờ sự chăm lo hết lòng của Tôn sư mà Phật Học Viện Báo Quốc lúc bấy giờ mới vượt qua mọi khó khăn, thiếu thốn. Đời sống hằng ngày của học Tăng luôn luôn được cải thiện. Sự thành công của Phật Học Viện một phần rất lớn là do công lao chăm sóc của Tôn sư.

Đến năm Quý Tỵ, 1953, sau khi Giáo hội Tăng già Trung Việt ra đời, Tôn sư được mời giữ chức vụ Ủy viên Tài chánh. Trong thời gian này, vừa làm Tri sự vừa đảm nhận chức vụ Ủy viên Tài chánh. Tôn sư càng nhận thấy việc học tập của Chúng điệu là cần thiết trong bối cảnh của cuộc chiến tranh đang đến hồi quyết liệt, nên Tôn sư đã đề xuất ý kiến cùng Giáo hội sáng lập và khai giảng Trường Tiểu học Bồ Đề Hàm Long (trường này cũng được xây dựng trong khuôn viên chùa Báo Quốc, đối diện với Phật Học Viện ngày nay).

Mục đích xây dựng trường không chỉ để mở mang kiến thức cơ bản cho Chúng điệu, mà còn giúp đỡ cho con em ở địa phương không có điều kiện đi học ở các trường công lập. Ngôi trường này, đến năm Đinh Dậu, 1957, Tôn sư đã nâng lên hết bậc Trung học Đệ nhất cấp (nay là Cấp hai cơ sở).

Vào năm Kỷ Hợi, 1959, Tôn sư lại nỗ lực vào công việc trùng hưng ngôi Tổ đình Báo Quốc. Lần trùng tu này, Tôn sư đã làm diện mạo ngôi Tổ đình vốn đã to lớn, rộng rãi, bề thế trên ngọn Hàm Long sơn hùng vĩ, càng thêm đẹp đẽ và hùng vĩ hơn. Tuy cột kèo phần nhiều đã được thay thế bằng xi măng cốt thép, nhưng vẫn không làm thay đổi đường nét mỹ thuật cổ kính trong lối kiến trúc mang đậm bản sắc thuần túy Dân tộc của chùa tháp Việt Nam. Những năm sau đó, Tôn sư còn dốc sức tiếp tục trùng tu ngôi Tổ đình Từ Hóa, nơi bước đầu Tôn sư xuất gia học đạo, và ngôi chùa Diệu Hỷ, nơi Tôn sư trú trì từ năm Canh Thìn, 1940, đến năm Đinh Hợi, 1947.

Qua năm Giáp Thìn, 1964, sau khi Giáo hội Phật giáoViệt Nam Thống nhất thành lập và tỉnh Giáo hội Thừa Thiên ra đời, Giáo hội cung cử Tôn sư giữ chức vụ Uỷ viên Tài chánh và Kiến thiết.

Đảm nhận chức vụ này, Tôn sư cũng không ngừng nỗ lực lên phương án kiến tạo nhiều cơ sở vật chất cho Giáo hội. Điển hình là việc kiến thiết Cô nhi viện, Bệnh xá hộ sinh và Trung tâm bảo trợ Mẫu nhi Tây Lộc, giữa năm 1964. Đây là hai cơ sở từ thiện rất quy mô của Giáo hội tỉnh Thừa Thiên lúc bấy giờ. Nơi đã nuôi dưỡng cho hơn mấy trăm em cô nhi từ nhiều địa phương quy tập về. (Năm 1975, chính quyền trưng dụng, nay là khuôn viên trường trung học cở sở Hàm Nghi, đường Thái Phiên, phường Tây Lộc, Huế).

Đầu mùa Xuân năm Canh Tuất, 1970, Hòa thượng Thích Trí Thủ, đang giữ trọng trách Viện trưởng Viện Hoá Đạo GHPGVNTN, nên ít có thì giờ về Huế. Do đó, Hòa thượng đã chân thành ngỏ ý mời Tôn sư đảm nhận chức vị Trú trì Tổ đình và làm Giám viện Phật Học Viện Báo Quốc, thay thế Hòa thượng, nhưng Tôn sư vẫn khiêm nhường từ chối, chỉ xin làm Giám tự y như cũ. Tuy không nhận trọng trách, nhưng Tôn sư vẫn luôn thay mặt Hòa thượng trú trì đảm đương, quán xuyến hết mọi công việc của Tổ đình và cùng với Ban Quản trị thường xuyên chăm lo cho sự phát triển và tồn tại của Phật Học Viện.

Việc nuôi dưỡng, đào tạo các thế hệ Tăng Ni để có người kế thừa là một tiêu chí lớn mà Tôn sư luôn luôn đặt lên hàng đầu. Tôn sư thường nói : "Muốn cho Đạo pháp hưng thịnh và trường tồn, điều cần yếu là phải chăm lo đào tạo các thế hệ Tăng Ni thực học, thực tu, có như thế mới là kế sách giữ cho ngôi nhà Phật giáo luôn được rạng rỡ và vững bền".

Tâm nguyện lớn lao của Tôn sư là nguồn năng lượng dồi dào cho sự phát triển càng ngày càng vững mạnh của Phật Học Viện Báo Quốc. Một trong những Phật Học Viện nổi tiếng là một trung tâm đào tạo Tăng tài có chất lượng học tập cao nhất của Phật giáo miền Trung bấy giờ.

Hai mươi năm đã trôi qua, kể từ ngày Tôn sư an nhiên vào cõi Niết bàn tịch tịnh, nhưng Phật Học Viện Báo Quốc vẫn còn được duy trì, tiếp nối. Thành quả ấy, một phần rất lớn là do công sức của Tôn sư vun đắp từ nhiều năm khi Tôn sư còn trụ thế.

Đến năm Nhâm Tý, 1972, sau khi Hòa thượng Tâm Như Mật Nguyện, Chánh Đại diện GHPGVNTN miền Vạn Hạnh  kiêm Chánh Đại diện Giáo hội tỉnh Thừa Thiên và thị xã Huế viên tịch. Giáo hội đã công cử Tôn sư giữ chức vụ Chánh Đại diện GHPGVNTN tỉnh Thừa Thiên và thị xã Huế.

Chín Năm-từ năm 1972 đến năm 1981-Tôn sư đảm nhận trọng trách này, có thể nói, đây là giai đoạn mà lịch sử Dân tộc và Phật giáoViệt Nam đang trải qua nhiều cơn biến động. Thế nhưng Tôn sư vẫn sáng suốt, tự tin và quyết tâm lèo lái con thuyền Giáo hội vượt qua mọi sóng gió. Tôn sư đã khôn khéo đưa Giáo hội Thừa Thiên trở thành một tỉnh Giáo hội mẫu mực và hưng thịnh lúc bấy giờ.

Cũng từ sau khi Tôn sư đảm nhận trọng trách này, với tình cảm tha thiết yêu mến quê hương, làng xóm - nơi Tôn sư sinh ra và lớn lên trong suốt quãng đời niên thiếu, nên vào năm Giáp Dần, 1974, Tôn sư  trở về làng Phước Yên vận động bà con cùng góp sức trùng tu ngôi: "Sắc tứ Quảng Phước tự". Việc làm của Tôn sư không chỉ tô bồi cho một ngôi danh lam cổ kính thêm phần rạng rỡ, mà còn để lại trong lòng bà con thôn xóm một niềm kính yêu vô hạn, đối với một bậc Cao Tăng đang gánh vác bao nhiêu trọng trách mà vẫn hoài vọng sâu sắc đến bà con, làng xóm, quê hương.

Qua năm Đinh Tỵ, 1977, Đại hội kỳ VII Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, chư tôn giáo phẩm cung thỉnh Tôn sư vào chức vụ Ủy viên Hội đồng Giáo phẩm Trung ương. Ở ngôi vị này, Tôn sư cũng đã đóng góp nhiều ý kiến thiết thực để bảo tồn và phát huy Giáo hội trong giai đoạn có nhiều đổi thay này.

Cũng trong năm này, Hội đồng Giáo phẩm Trung ương cung thỉnh Tôn sư làm Tôn chứng cho Đại giới đàn khai giới tại chùa Ấn Quang, Saigon. Sau khi về Huế, Giáo hội tỉnh Thừa Thiên lại cung thỉnh Tôn sư làm Đàn đầu Hòa thượng tại giới đàn Báo Quốc, Huế.

Đầu năm Canh Thân, 1980, lịch sử Phật giáo Việt Nam bắt đầu chuyển sang thời kỳ thay đổi lớn (một khúc quanh lịch sử):

- Ban Vận động Thống nhất Phật giáo toàn quốc ra đời.

- Ngày 07.11.1981 (11.10 năm Tân Dậu), Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành lập dưới sự bảo trợ và hướng dẫn của chính quyền sở tại. Giáo hội lại cử Tôn sư làm Ủy viên Hội đồng Trị sự Trung ương. Qua năm Nhâm Tuất, 1982, GHPGVN tỉnh Bình Trị Thiên ra đời, lại cử Tôn sư giữ chức vụ Trưởng ban Trị sự tỉnh Bình Trị Thiên kiêm Chánh Đại diện Giáo hội thành phố Huế.

Có thể nói, đối với Tôn sư, đây là thời kỳ khó khăn nhất trong vai trò lãnh đạo Giáo hội. Thế nhưng, Tôn sư đã áp dụng nhuần nhuyễn phương châm ưu việt: "Tùy duyên bất biến" một cách nhẹ nhàng, khôn khéo, vừa ôn hòa, vừa tế nhị để điều hợp mọi xu thế đổi thay của thời cuộc một cách vẹn toàn. Chư tôn Trưởng lão Hòa thượng lúc bấy giờ đều tỏ lời khâm phục và nể vì.

Chúng con xin cung kính nói rằng: chỉ có những bậc xuất trần Thượng sĩ, những bậc Cao Tăng thạc đức đầy đủ năng lực và trí tuệ như Tôn sư mới tác thành được các đại sự này một cách tốt đẹp trong một giai đoạn nhiều cam go như thế.

Nhiều thế hệ Tăng Ni và Phật tử chúng con chắc không ai có thể quên được hình bóng Tôn sư, trong chiếc y đà uy nghi, thanh thoát, với chiếc nón lá rộng vành thả úp sau đôi vai mập mạp, bước từng bước nhẹ nhàng, khoan thai, từ Văn phòng chùa Từ Đàm, xuống con đường dốc Nam Giao để trở về Tổ đình Báo Quốc nghỉ ngơi sau những giờ làm việc mệt nhọc.

Hình bóng ung dung, tự tại ấy đã thể hiện rõ sắc tướng vô ngại của một vị Thiền sư trước bao nỗi thăng trầm, hưng phế, đổi thay.

Bất ngờ, ngày 02.03. năm Giáp Tý (02.04.1984) tin điện từ Sài Gòn báo về là Hòa thượng Tâm Như Trí Thủ  vừa viên tịch sau một cơn bạo bệnh. Nguồn tin đã làm bàng hoàng, sửng sốt mọi người, mọi giới Phật tử chúng con.

Tôn sư liền cùng phái đoàn Phật giáo Thừa Thiên-Huế vội vã lên đường vào Sài Gòn để thọ tang Hòa thượng Trú trì.

Chúng con, thật không ai ngờ rằng: Tôn sư ra đi lần ấy, để khi trở về, Tôn sư lại nằm bất động trên chiếc xe tang đầy Hoa và Nước Mắt, cùng nỗi ngậm ngùi, đau xót của hàng vạn Tăng Ni và Phật tử chúng con.

Tôn sư ra đi…nhẹ nhàng như cánh hạc tung bay giữa trời mây non nước, nhưng niềm tưởng nhớ của Tăng Ni và Phật tử chúng con thì mãi còn nặng nề, u ẩn khôn nguôi!

Đê đầu vọng bái Tôn sư,

Sáu Mươi Lăm Năm - hóa thân giữa cuộc thế nhiễu nhương, phiền lụy, nhưng Tôn sư vẫn an nhiên, tự tại, dấn bước không mỏi mệt trên những nẻo đường đầy gian lao, chướng ngại để thực hiện cho kỳ được chí nguyện hoằng pháp độ sanh, chăm lo nuôi dưỡng và tác thành cho các thế hệ Tăng Ni với kỳ vọng vun đắp cho ngôi nhà Phật giáoViệt Nam luôn được bền vững. Tôn sư cũng không ngừng nỗ lực góp phần đem lại cuộc sống bình yên cho hàng vạn đồng bào Phật tử nghèo khó, cho các em cô nhi cơ cực ở các Dưỡng lão đường, các Cô nhi viện.

Sáu Mươi Lăm Năm - Ngần ấy thời gian chưa đủ để Tôn sư thực hiện vẹn toàn đại nguyện đào tạo Tăng tài, sách tấn hậu lai, nhưng đối với đông đảo Tăng Ni và Phật tử chúng con, Tôn sư đã chu toàn trách nhiệm của một vị Bổn sư. Đối với Dân tộc và Đạo pháp, Tôn sư cũng đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh thiêng liêng của một bậc Cao Tăng Việt Nam, trước một giai đoạn lịch sử.

Tôn sư mãi mãi là tấm gương sáng chói, là bậc Cao Tăng đã viên thành đại nguyện, quả như lời tán thán của chư tôn Trưởng lão Hòa thượng, mà dòng chữ chân thành còn khắc sâu đậm và rạng ngời nơi "Thanh Tịnh Tháp" của Tôn sư:

謙忍有餘發意圓成三聚戒

智琴無礙終身不退四弘心

Khiêm Nhẫn Hữu Dư Phát Ý Viên Thành Tam Tụ Giới

Trí Cầm Vô Ngại Chung Thân Bất Thối Tứ Hoằng Tâm.

Cao quý thay! Thân thế và chí nguyện kiên cường của bậc Cao Tăng Việt Nam hiện đại.

Thành kính vọng bái Tôn sư. ¢

Đệ tử: TÂM HƯƠNG



[1] Trong cuốn "Tiểu sư Danh Tăng Việt Nam"của Thầy Đồng Bổn, xuất bản năm 1995 tại Tp Hồ Chí Minh, ở trang 701 ghi là ngày 21.11.1919. Theo lịch thế kỷ XX, Phổ thông Hà Nội xb năm 1977 là ngày 22.11.1919. Ở đây, chúng tôi căn cứ vào lịch thế kỷ XX này.

2 Để khỏi nhầm lẫn pháp danh của hai vị Hòa thượng, chúng tôi xin ghi chú:

-Hòa thượng Thanh Thái Tuệ Minh (1861-1939) là đệ tử của Hòa thượng Hải Thiệu Cương Kỷ (1810-1899)

-Hòa thượng Thanh Thái Phước Chỉ (1858-1925) là đệ tử của Hòa thượng Hải Toàn Linh Cơ (1823-1896)

 
 
   
 
  
Tìm kiếm

 
  
Tìm trên:     hoangphap.info web khác
Visitor Number: 
Hôm nay