Chùa Linh Mụ
Minh Đức TTA
Cập nhật: 13:11:00 05/04/2009

Chùa Linh Mụ

Một miền tâm thức và tình cảm của người dân xứ Huế

 

Chùa Linh Mụ đẹp quá, nên thơ quá. Nói vậy cũng chưa đủ. Nó tịnh định, cổ kính, an nhiên, trầm mặc. Nói vậy cũng chưa đủ. Phải nói nó là một bài thơ Thiền lồng lộng giữa không gian mây nước, giữa khói sương, giữa mênh mang dâu bể và lòng người. Nó là bức tranh thủy mặc thuộc họa phái Sumiye, Nhật Bổn, mà, nét chấm phá tuy giản phác nhưng lung linh, ảo diệu; vượt thời gian và đi vào vĩnh cửu. Nó là bài kinh vô ngôn, tuy không nói một chữ, mà đã làm lắng đọng trăm ngàn xôn xao của cuộc thế; và, gợi nhắc vô biên cho con người hướng đến điều chân, lẽ thiện...

Có một thời, lúc tôi bối rối, bất an, nhìn ngọn tháp Phước Duyên là lòng tôi lắng lại. Và để thâm tạ về điều ấy, tôi có làm một bài thơ:

Chùa xưa, người cũ vạn đời

Đất thiêng liêng dựng khoảng trời thiêng liêng

Chuông sương tỉnh giấc trăm miền

Tháp khuya nguyệt bạch an nhiên mấy từng

Khi viết về chùa Linh Mụ, trong một bài nghiên cứu của mình, Phạm Đức Thành Dũng đã diễn tả bằng một đoạn văn có chiều sâu và diễm lệ như sau:

“Tọa lạc trên một ngọn đồi vững chãi, bình yên soi bóng chỗ dòng Hương uốn mình như dải lụa thẹn thùng, e ấp, chùa Linh Mụ với một vẻ trang nghiêm u tịch, thanh thoát âm trầm, luôn hằng một dấu ấn kỳ diệu trong lòng du khách đến tham quan, cũng như người thập phương viếng chùa lễ Phật. Có lẽ đây là ngôi chùa cổ kính nhất của xứ sở Thần kinh-nơi luôn được xem là thủ phủ của Phật giáo Việt Nam. Nét đẹp như huyền thoại, một bề dày lịch sử ngót nửa thiên niên kỷ qua bao thăng trầm, chứng kiến bao đổi thay của cuộc thế biển dâu, ngôi chùa này lại hòa lẫn trong cảnh sắc thiên nhiên sông núi kỳ tú một cảnh sắc đặc hữu, thật xứng đáng là đệ nhất danh lam thắng cảnh của miền Thuận Hóa - Phú Xuân”. (1)

Như vậy, xét về giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật của chùa Linh Mụ thì thế giới, các nhà khảo cổ, thẩm quyền chuyên môn của các nhà nghiên cứu đã mặc nhiên công nhận. Và họ đều rất quan tâm khi thời gian đã làm cho ngôi chùa này hư hỏng nhiều nơi. Và, dự án trùng tu tổng thể di tích chùa Linh Mụ là một chủ trương sáng suốt của các cấp lãnh đạo văn hóa. Nhân dân xứ Huế xôn xao vui mừng. Tăng Ni và Phật tử cố đô Huế hả lòng hả dạ, vô cùng hoan hỷ

Khi niềm vui bừng bừng “cảm tính” ấy bắt đầu lắng lại; rất nhiều người dân xứ Huế chợt đâm ra băn khoăn, lo nghĩ... Tựu trung, những mối ưu tư đó xoay quanh hai điểm chính

- Không biết các nhà nghiên cứu, tư vấn, với kiến thức chuyên môn ưu việt của mình sẽ lấy điểm mốc thời gian nào, mẫu kiến trúc thời đại Vua, Chúa nào để làm sở y?

- Họ có biến ngôi chùa Linh Mụ hiện nay, đang là biểu tượng, hình ảnh quen thuộc trong tâm thức và tâm hồn người dân xứ Huế, trở thành một ngôi chùa rồng phượng, vàng son... rất xa lạ với tinh thần nhã đạm,dung dị của Thiền môn?

Do thế, rõ ràng là còn một giá trị khác, khác với giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật... mà người dân cố đô, đặc biệt là giới Tăng Ni, Phật tử họ quan tâm hơn, họ thao thức hơn... đấy là giá trị tâm linh: giá trị tâm linh của chùa Linh Mụ!

Tôi tự hỏi như vậy và tôi đã đi tìm các tư liệu, bài viết liên quan. Và, càng nghiên cứu, càng tìm đọc, tôi thấy sự việc càng phức tạp, nhiêu khê...

Thời gian đã phủ lên ngôi chùa này không biết bao nhiêu là mẫu kiến trúc, kiểu thức, họa tiết trang trí. Lại còn có cả sự bào mòn và pha nhuộm của mưa nắng, phong rêu... Đi tìm một giải mã nào đó là như đi trong lớp sương mù, chồng chất sương mù; hoặc là bước đi trong sự vận động, chuyển động không dừng nghỉ. Nó là sự liên lỉ, là hằng và chuyển. Ở đây, trong sự vận hành của dịch lý, chẳng có điểm nào là điểm mốc, điểm dừng. Chúng đang trôi. Chùa Linh Mụ đang trôi. Những vẻ đẹp ảo điệu đang trôi. Mà chúng ta thì muốn dừng lại để đo đạc, nhìn ngắm, khuôn đọng nghệ thuật trong cái “tĩnh chỉ” nào đó ư?

Vẻ đẹp tâm linh, giá trị tâm linh của chùa Linh Mụ, chúng ta không thể bỏ qua mảng “không gian” và sự cảm nhận ấy.

A. Thử lặn tìm vào thời gian, những điểm mốc lịch sử:

 Đã gần nửa thiên niên trôi qua.

- Năm 1601, chúa Nguyễn Hoàng làm lại chùa Thiên Mỗ ở đồi Hà Khê và đổi tên là chùa Thiên Mụ.

- Năm 1665, tức là gần 65 năm sau, chúa Nguyễn Phúc Tần cho tu sửa lần đầu.

- Năm 1714, chúa Nguyễn Phúc Chu đổ ra rất nhiều công sức và tâm huyết để trùng kiến chùa Linh Mụ rất nguy nga, tráng lệ. Từ đây, chùa Linh Mụ mới có một quy mô hoàn chỉnh. Từ ngoài vào trong, bi minh của chúa đã ghi lại như sau: Điện Thiên Vương, Điện Ngọc Hoàng, Đại Hùng Bửu Điện, Nhà Thuyết Pháp, Lầu Tàng Kinh, Lầu chuông, Lầu trống, Điện Thập Vương, Nhà Vân Thủy, Nhà trai phạn, Nhà Tọa Thiền, Điện Đại Bi, Điện Dược Sư, Tăng Xá, Nhà Khách, Vườn Tỳ Da...

- Năm 1740, chúa Nguyễn Phúc Khoát sửa chữa, làm lại cho nguy nga hơn.

- Năm 1775, chùa Thiên Mụ bị quân Trịnh tàn phá, đi liền theo cái “nghiệp” của kinh thành Phú Xuân. Tất cả mọi điện đài, lầu các, đình tạ, nhà cửa bắt đầu đổ nát, tàn tạ, hư hỏng. Tuy chùa chưa bị hoàn toàn triệt hạ nhưng trông đã rất thê lương. Viết về giai đoạn này, Hà Xuân Liên, trong công trình biên khảo công phu về chùa Linh Mụ của mình, có chép câu thơ của một vị cao tăng ẩn sĩ”

“ Bảo các, quỳnh lâu, bán dĩ hoang

Phạm cung y cựu, đối tà dương

Khả liên nhị bách niên cơ nghiệp

Bất cập sơn tăng giấc mộng trường”

Chúng tôi tạm dịch:

“ Lầu quỳnh, gác báu thê lương

Chùa xưa như cũ, tà dương phủ mờ

Cảm thương hai kỷ cơ đồ

Không bằng tỉnh giấc mộng hồ sơn tăng”

- Năm 1796, vào thời Cảnh Thịnh, chùa lại càng đổ nát, điêu tàn hơn. Tất cả bị quân Cảnh Thịnh san bằng để lập đàn Xã Tắc, chỉ một tòa Phật đường là còn nguyên.

- Năm 1816, Gia Long lên ngôi, 14 năm sau mới sửa chữa, làm lại chùa Thiên Mụ theo trí nhớ của Đặng Đức Siêu.

- Năm 1825, Vua Minh Mạng cho tu sửa nhiều hơn, mang đậm dấu ấn kiến trúc lăng tẩm và cung đình.

- Năm 1844, Vua Thiệu Trị cho xây tháp Phước Duyên và sửa chữa lớn chùa Thiên Mụ, làm cho cảnh chùa rất khác với qui mô cũ. Tuy nhiên, Chúa đã cố gắng tổng hòa các mẫu kiến trúc thời đại trước.

Năm 1871 và năm 1879, Vua Tự Đức có hai lần sửa sang lại, đổi Thiên Mụ thành Linh Mụ.

- Năm 1904, đời Vua Thành Thái, bão năm Canh Thìn làm chùa hư hại nặng, một vài nơi điện các bị sụp đổ.

- Năm 1907, cũng thời Vua Thành Thái, chùa được sửa và thay đổi nhiều. Điện Di Lặc sau Điện Đại Hùng và hai dãy nhà Thập Điện Minh Vương hai bên tả hữu phía trước bị dở bỏ, Đình Hương Nguyện ở phía trước tháp Phước Duyên lại dời vào phía trong, dựng lại trên nền Điện Di Lặc cũ. Dựng thêm một miếu thờ Quan Công ở phía trước; không còn dấu tích Pháp Luân quay theo chiều gió. (2)

- Năm 1908, thời Vua Duy Tân, tháp Phước Duyên bị sét đánh, được sửa lại.

- Năm 1919, thời vua Khải Định có dựng bia sau tháp Phước Duyên; đây là chứng tích Khải Định có tu sửa. Lại mang thêm dấu ấn nghệ thuật kiến trúc thời Khải Định.

- Trước năm 1945, chiến tranh tàn phá, chùa Linh Mụ dường như bị bỏ hoang cho thời gian và con người xâm hại.

- Sau năm 1945, qua phong trào chấn hưng Phật giáo, Hòa thượng Đôn Hậu cùng các vị Cao Tăng đã cho bỏ hết những khí dụng, vật thờ, tượng thờ không phải là của Phật giáo. Điện thờ Quan Công được bỏ đi và sửa lại thành Điện Địa Tạng. Ngài xắp xếp chỗ thờ tự đúng tinh thần Phật giáo, cho sửa sang sơn quét lại để tạo nên phong cách nghệ thuật hài hòa, dung dị phù hợp với nếp sống Thiền môn.

- Năm 1958, chùa Linh Mụ được đại trùng tu do viện Bảo tồn di tích thuở đó thực hiện. Năm 1959, sửa chữa tháp Phước Duyên. Trong các lần sửa chữa này, có rất nhiều dấu tích cũ, nhiều chi tiết mỹ thuật tỉ mỉ đều mất hết. Thậm chí có những họa tiết rất đẹp thuở xưa đã bị vẽ chồng lên bằng những đường nét thô vụng và màu sắc thì lòe loẹt, rẻ tiền. Càng khó chịu hơn, có những chi tiết đã làm lạc hẳn, phản bội hẳn nét văn hóa cổ kính về nghề mộc hoặc nghề khắc chạm truyền thống; phần trang trí đầu rồng đều bị đục bỏ. Cũng trong lần trùng tu này, do thiếu gỗ, nhiều chi tiết công trình được thay bằng xi măng cốt thép; thiếu gạch Bát Tràng người ta đúc nền bằng xi măng...

Như thế trải qua thời gian hơn bốn thế kỷ, nào kiến tạo, trùng kiến, trùng tu, sửa chữa, chùa Linh Mụ đã chất chồng lên tự thân bao nhiêu mẫu kiến trúc, bao nhiêu phù điêu, hoa văn, họa tiết, cùng màu sắc trang trí? Không biết người ta sẽ trùng tu, phục chế dựa theo nền nghệ thuật thời đại nào?

B.  Thử đi tìm cái gì tương hợp và cái gì không tương hợp

Chắc chắn các nhà chuyên môn, khảo sát, tư  vấn đã bóc tách các trụ biểu , tam quan và một số nơi khác để suy luận, thẩm tra niên đại. Với kiến thức, kinh nghiệm, bề dày chuyên môn, kỹ thuật tân tiến hiện nay, họ làm được điều ấy, và làm rất giỏi, rất bài bản là khác.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu, chỉ đạo và người thực hiện sẽ va vấp những khó khăn sau đây:

1. Chùa Thiên Mụ trước đây là của triều đình, phục vụ cho triều đình. Qua các vua và chúa triều Nguyễn, mặc dầu thỉnh thoảng có vài vị bỏ phế, không quan tâm, nhưng đa phần đều được chăm sóc, gìn giữ, tu sửa. Nhưng các phù điêu, hoa văn, họa tiết trang trí trên nền vôi vữa, trên đá, trên gỗ, bích họa, đắp nổi về các hệ đề tài thực vật, động vật, vũ trụ, thiên nhiên... đều mô phỏng kiểu dáng, phong cách vàng son, huy hoàng, lộng lẫy của cung đình. Từ thời Minh Mạng về sau, từ Thiệu Trị đến Khải Định, nghệ thuật trang trí ấy đã lên đến đỉnh cao về giá trị mỹ thuật. Điều đó cũng dễ hiểu, hợp tình, hợp lý vì chùa vốn là quốc tự; và các vị Tăng Cang được hưởng lương triều đình. Nhưng nếu ta phục chế chùa Linh Mụ hiện nay, giống với một ngôi chùa vào thời vua chúa ấy, chẳng biết có còn thích hợp với một “ngôi chùa thờ Phật thuần túy” nữa không?

2. Quan niệm “tam giáo đồng nguyên” từ thời Lý, Trần vẫn còn ảnh hưởng sâu đậm suốt chiều dài lịch sử các chúa và vua triều Nguyễn. Tư tưởng ấy chỉ đúng vào thời...mà nhà vua muốn gom góp, quy tụ toàn bộ sức mạnh mọi tầng lớp xã hội, đoàn kết nhất thống tất thảy mọi dị biệt của tư tưởng Nho, Phật, Lão... để chống thế lực xâm lược Nguyên Mông. Mục đích của lịch sử là đúng nhưng các thời đại kế thừa quan niệm ấy thì sai. Họ lặp lại tư tưởng của cổ nhân mà không chịu học hỏi, chiêm nghiệm chuyên sâu ba nền tảng giáo thuyết: chỗ nào là đồng, chỗ nào là dị?

Sự tồn tại sai lầm ấy len thấm vào ca dao, tục ngữ, văn thơ, hội họa, kiến trúc và cả nơi chốn thờ phượng đã mấy thế kỷ rồi.

Chúa Nguyễn Phúc Chu có lẽ là người Phật tử thuần thành nhất, thọ Bồ tát giới với Hòa thượng Thạch Liêm; nhưng Ngài có hiệu là Thiên Túng đạo nhân. Có lẽ sự học Phật của ông ta cũng mơ hồ sắc sắc không không nên lẫn lộn giữa Phật và Đạo ngay chính nơi đạo hiệu của mình.

Vua Thiệu trị đổ biết bao công lao, tâm huyết vẽ đồ họa kiến trúc và xây dựng tháp Phước Duyên... thì cũng xem Phật như ông thần hộ mạng là cùng!

Vì lí do ấy, tất cả các chùa  chiền trước năm 1945, và hiện nay còn rất nhiều chùa người ta thờ Phật chung với Thái Thượng Lão Quân, Ngọc Hoàng Thượng Đế, Quan Công, Mẫu Vân Nương, Liễu Hạnh... đôi nơi thờ cả Tôn Ngộ Không!

Các ngôi chùa vào thời đó, các phù điêu, họa tiết, bích họa, trang trí các hệ đề tài cũng thường lẫn lộn, không phân biệt rõ ràng đâu là biểu tượng của dân gian, biểu tượng cung đình, đâu là biểu tượng của  Nho, của Phật, của Lão.

Ta có thể đưa ra một ví dụ cụ thể về “bát bửu”. Bát bửu là tám vật báu có giá trị biểu tượng thường để chuyển tải một loại ngôn ngữ ẩn dụ kín đáo, mang chức năng truyền đạt quan niệm, sở thích, xu hướng lẫn cả tâm hồn của con người và thời đại, mà, các nghệ nhân thường đưa vào các kiểu thức trang trí tỉ mỉ, tinh vi, xảo diệu. “Bát bửu” ấy có Bát bửu của dân gian, Bát bửu của Nho, Bát bửu của Phật, bát bửu của Lão.

- Bát bửu của dân gian: Viên ngọc, sừng tê giác, đồng tiền, cái gương, nút thiêng hình thoi, cuốn sách, ngọn lá thiêng, khánh đá.

- Bát bửu của Nho: Cái bầu, thanh gươm, thảo sách, tháp viết, cuốn thư, chiếc đàn, cái quạt, chữ phất (phất trần).

- Bát bửu của Lão: Cái quạt (của Hán Chung Ly), cặp roi (của Trương Quả Lão), thanh gươm và phất trần (của Lữ Đồng Tân), cặp sách (của Tào Quốc Cửu), bầu rượu (của Lý Thiết Quài), ống sáo của (Hàn Tương Tử), giỏ hoa (của Lâm Thái Hòa), đóa hoa sen ( của Hà Tiên Cô).

- Bát bửu hoặc bát cát tường của Phật: Dấu chân Phật, Pháp luân, cái lọng, đôi cá, hoa sen, chiếc tù và, cái tán, nút huyền bí. (3)

Xem thế, vào các thời với quan niệm tam giáo đồng nguyên thì sự lẫn lộn các biểu tượng đưa vào họa tiết trang trí cũng là điều tất nhiên vậy.

Các hệ đề tài thực vật, hoa lá, động vật, các bức bích họa cũng chịu chung số phận sai lầm lịch sử ấy.

Ví dụ:

- Những bức bích hoạ Mai, lan, cúc, trúc biểu tượng cho bốn mùa; bức tùng, trúc, mai là Tuế hàn tam hữu... có phải là của Phật không?

- Quả bầu mang biểu tượng sung mãn và phồn thực theo quan niệm của dân gian, như là nguồn gốc của sự sống-có khác gì bầu rượu của Lý Thiết Quái, hồ lô của Đạo sĩ, và bình đựng nước cam lồ của Bồ Tát Quán Thế Âm?

Khái quát như thế để biết rõ những khó khăn phải vượt qua. Và trách nhiệm ấy là trách nhiệm chung, không phải chỉ riêng của ban trùng tu di tích. Là của tất cả chúng ta, con người Huế, tâm thức Huế, Phật giáo Huế.

3. Thiên nhiên sông nước Huế, con người Huế và nghệ thuật Huế có màu sắc riêng.

Khởi nguyên từ quan niệm âm dương (đen, trắng), ngũ hành, người Huế thường nói đến ngũ âm và ngũ sắc. Tuy nhiên, từ ngũ sắc Huế (cờ ngũ sắc, đèn ngũ sắc), người Huế đã phối hợp uyển chuyển, linh động, tài hoa các  màu để không còn đâu là màu nguyên thủy mà trở thành màu của vật, màu của thiên nhiên hoa cỏ, màu của thời gian sương nước và màu của cả tâm hồn. Ở Huế có rất phong phú những màu: màu hoa cà, màu bông bí, màu bông bèo, màu lát gừng, màu da lang, màu hỏa hoàng, màu cổ đồng, màu nghệ, màu tường vi, màu mỡ gà, màu da trời, màu huyết dụ, màu bông lựu, màu nguyệt bạch, màu bình minh rạng v.v... Tất cả những màu ấy đều được đi vào đời sống văn hóa, y phục, ăn uống, thơ ca, hội họa, nghệ thuật trang trí. Cũng tùy thuộc bốn mùa, các lễ hội, dân gian, cung đình hay chốn thờ tự tôn nghiêm...mà người ta sử dụng màu sắc cho thích hợp. Đấy là cả một nghệ thuật. Đấy là cả một nếp sống, nếp nghĩ có văn hóa lâu đời.

Chỉ nhìn màu sắc trang trí, người Huế biết đấy là của cung đình, của đền miếu hoặc của chùa chiền . Đến đây tôi muốn đề cập đến màu sắc trên các hoa văn, họa tiết tường vôi vữa của chùa Linh Mụ.

- Tháp Phước Duyên được kiến tạo từ thời vua Thiệu Trị (1844), đến đây đã trải qua 160 năm. Theo một tác giả viết về chùa Linh Mụ, thì màu vôi quét ở đây rất lạ lùng: “Hiện trạng có nhiều màu rất khó tả: màu vàng, màu đỏ, màu da cam, màu khói, màu sương phủ, màu nước, màu mây, màu rêu, màu bồ hóng... chen lẫn nhau rất đẹp” (4)

- Khi nói về màu sắc những cù dao trên góc mái đao, tác giả (sđd) viết: “những    dao  này đều  được  tráng  men màu xanh ngọc, xanh biển, vàng, đỏ, trắng, tím theo kiểu hòa âm cùng màu (ton sur ton), độ nhạt làm nền, độ đậm vẽ lên trên thật đẹp. Màu men này cũng như màu men lục và men vàng ở bình Cam lộ trên chóp tháp, gọi là men Pháp lam... Muốn chế men Pháp lam, người ta phải nghiền các thứ đá màu ra thành bột, cho thêm một vài hóa chất như  chromium, rồi  phết  lên  trên đồ đồng xong đem nung đến gần 1000oC, màu bột đá sẽ chín và ăn chắc vào chất đồng không còn phai hỏng nữa”.

Do đặc trưng về kiến trúc, về màu sắc...mà ngôi bảo tháp này chính là công trình văn hóa mỹ thuật đặc sắc, đặc trưng cho nền văn hóa Phú Xuân.

Đấy là cái nhìn chân xác của các nhà nghiên cứu văn hóa, nghệ thuật; nhưng với người dân Huế, những ai sống ở đây lâu năm thì màu sắc tháp Phước Duyên còn đa dạng, muôn màu, muôn vẻ hơn thế nhiều. Những ai từng dùng máy ảnh thu hình tháp Phước  Duyên; những ai từng nhìn ngắm tháp Phước Duyên từ năm này sang năm nọ, qua bốn mùa, qua mọi thời tiết, sáng trưa, chiều tối, hoàng hôn, đêm trăng...; tùy nền trời, mây, sương, ánh sáng... thì tháp Phước Duyên luôn biến đổi màu sắc rất ảo diệu, rất lạ lùng. Dường như nó hòa nhập vào thiên nhiên để biến hóa sắc màu. Đây là một cái gì như từ thiên nhiên, vĩnh cửu mà mọc lên rồi nó cùng với tạo vật, con người, mây nước, trăng sương mà hiện hữu.

Cái màu sắc ấy, không biết chúng ta phải phục chế, trùng tu, sơn quét làm sao?

Kết luận

Như thầy Trí Tựu nói: “Trùng tu chùa Linh Mụ là một nghĩa cử cao đẹp, không chỉ cho hôm nay mà còn cho nhiều thế hệ mai sau”. Đúng vậy. Nếu các nhà nghiên cứu, tư vấn, ban trùng tu lấy mẫu kiến trúc thời Thiệu Trị thì rất khó lòng, bởi ngay màu vôi thôi cũng phải mất nhiều năm nghiên cứu. Va, nếu lấy thời Khải Định làm điểm mốc thì toàn bộ kiến trúc, hoa văn, họa tiết, màu sắc cung đình ấy thật không thể phù hợp với ngôi chùa thờ Phật. Rồi phải điều chỉnh làm sao với những sai lầm do quan niệm tam giáo đồng nguyên với những lẫn lộn biểu tượng?

Chúng tôi là tu sĩ, đại diện cho một số tu sĩ và Phật tử Huế; chúng tôi nhìn chùa Linh Mu qua tâm thức và tâm hồn, qua giá trị tâm linh, thì:

- Chỉ nên làm kiên cố lại những gì bị hư sập, mối mọt, đổ nát.

- Bỏ đi toàn bộ hoa văn, họa tiết, phù điêu (nếu có), bích họa, các biểu tượng hoa lá, người vật, chim thú, phong cảnh.... không thích hợp với Phật giáo. Làm lại những gì của chính Phật giáo.

- Nơi nào gỗ thì trả lại gỗ, nơi nào gạch bát tràng, gạch vồ xây, gạch men các loại, ngói v.v... thì trả lại nguyên trạng, đừng xi măng cốt thép.

- Lúc sử dụng màu sắc sơn quét, phải phân biệt rõ đâu là màu sắc dân gian, màu sắc cung đình, màu sắc đền miếu và màu sắc chùa chiền. Màu Thiền môn là màu nhẹ nhàng, siêu thoát, tĩnh lắng, dung dị, màu hài hòa với thiên nhiên, sông nước, mây trời... và cả tâm hồn con người nữa.

- Nếu cần sử dụng đèn chiếu sáng thì ánh sáng phải dịu nhẹ, ánh sáng ấy phải hòa nhập với không gian tôn nghiêm, cổ kính, tĩnh mặc...

- Tháp Phước Duyên không có cột thu lôi nên bị sét đánh năm 1908; nếu cần thiết phải làm cột thu lôi thì tìm cách che dấu đừng để lộ liễu hoặc làm hỏng bình cam lồ tịnh thủy.

- Nếu sơn quét tháp Phước Duyên thì phải đắn đo, thận trọng, từng mảng rêu phong đâu đó cần được bảo vệ chứ không nhất thiết phải cạo sạch nhẵn bóng. Đừng biến cái tháp  Phước Duyên muôn màu, muôn vẻ, linh động, đa dạng đã ăn sâu trong tâm hồn người dân Huế thành một ngôi tháp tân trang, hiện đại nhưng vô cảm, vô tình.

Mong rằng, thế hệ mai sau còn biết đến chùa Linh Mụ, có tháp Phước Duyên soi bóng giữa dòng Hương. Có cái gì đó vẫn uy nghi và mơ mộng; vừa huyền thoại vừa sử thi; vừa cổ kính trang nghiêm vừa dịu dàng khiêm tốn; dẫu thản nhiên, tĩnh định mà dạt dào tình cảm; vừa thiêng liêng huyền bí mà cũng rất gần gũi với nhân văn, nhân tình...Nó không chỉ đại biểu cho nền văn hóa Phú Xuân mà còn trở thành biểu tượng của Huế, biểu tượng cái đẹp thơ mộng của non nước Thần Kinh; biểu tượng của Phật giáo Huế; là miền tâm thức và tâm hồn của người dân xứ Huế nữa vậy.

Người ta nói rằng: văn hóa là cái gì còn lại sau khi đã quên tất cả. Chúng tôi còn muốn nói thêm rằng: Mỹ học, cái đẹp, phải có chân, thiện hướng dẫn. Mỹ học ấy phải đi vào lòng người, cùng  với tâm hồn, tâm linh hòa nhập như một nhịp đập của trái tim. Và nó phải vượt thời gian, vượt mọi biên tế, phạm trù.

Huyền Không Sơn Thượng

Minh Đức - Triều Tâm Ảnh


[1] Tạp chí nghiên cứu và phát triển, số 4-5, 2003

[2] Lấy ý trong sách "Chùa Linh Mụ" của Hà Xuân Liên, trang 186

[3] Xem Mỹ Thuật Huế của Nguyễn Hữu Thông, NXB Thuận Hoá năm 2001

 
 
   
 
  
Tìm kiếm

 
  
Tìm trên:     hoangphap.info web khác
Visitor Number: 
Hôm nay