Tháp đá Báo Thiên,
chùa Bút Tháp
Tháp Phổ Minh,
chùa Phổ Minh, Nam Định
Trụ biểu chùa Thiên Mụ,
bình minh trong sương mù
  
 
   
 
 
Hòa Giải, Phải & Trái
Thanissaro Bhikkhu
Cập nhật: 06:36:00 29/03/2009

Hòa Giải, Phải & Trái

(Reconciliation, Right & Wrong của Thanissaro Bhikkhu. Việt dịch: Giải Nghiêm)

 

“Này các tì khưu, hai người này gọi là người ngu. Hai người nào? Người không thấy sự phạm lỗi của mình  là phạm lỗi, và người không theo đúng lẽ tha thứ cho kẻ đã thú nhận lỗi của mình. Hai người đó là hai người ngu.

“Hai người này gọi là người trí. Hai người  nào? Người thấy sự phạm lỗi của mình là phạm lỗi, và người theo đúng lẽ tha thứ cho kẻ đã thú nhận lỗi của mình. Hai người đó là hai người trí."                                   — AN II.21

“Một nguyên nhân để tăng trưởng trong Chánh Pháp và Luật Nghi của các bậc thánh là mỗi khi thấy có sự vi phạm các Pháp & Luật ấy, mình đền bù lại đúng theo Pháp và tập giữ gìn trong tương lai.”                          — DN 2


Đức Phật đã thành công trong việc thiết lập một tôn giáo đã và đang là một lực lượng đích thực cho hòa bình và hòa hợp, không những vì ngài đã đề cao giá trị của những phẩm chất này mà còn vì ngài đã đưa ra những chỉ dẫn kỹ càng về làm sao để đạt tới chúng qua tha thứ và hòa giải. Trọng tâm của các chỉ dẫn này là tuệ giác của ngài rằng tha thứ là một việc, hòa giải là một việc khác.

Tha thứ tiếng Pali là khama, còn có nghĩa là “đất.” Tâm như đất thì không phản ứng và không xáo động. Khi tôi hại bạn mà bạn tha thứ cho tôi, thì khi ấy bạn quyết định không trả đũa, không tìm cách trả thù. Bạn không nhất thiết phải thích tôi. Bạn chỉ cất cho mình gánh nặng của sự hiềm hận và cắt đứt vòng oán báo mà nếu không đoạn trừ, sẽ cột chúng ta lại với nhau trên võ đài giác đấu kinh khủng của luân hồi. Đó là món quà bạn có thể hiến tặng cho cả hai chúng ta, việc này thành tựu được hoàn toàn là do bạn, không cần tôi phải biết hay hiểu được việc làm ấy.

hòa giải -- patisaraniya-kamma – nghĩa là trở lại sự thân mật, đòi hỏi nhiều hơn là tha thứ. Nó đòi hỏi việc tái lập lại lòng tin cậy. Nếu tôi chối bỏ trách nhiệm về những hành động của tôi, hay khăng khăng rằng mình không làm gì sai cả, thì không có cách gì chúng ta có thể hòa giải được. Tương tự, nếu tôi cứ nhất định rằng cảm thọ của bạn không quan trọng, hay bạn không có quyền bắt tôi theo những tiêu chuẩn đúng sai của bạn, thì bạn sẽ không tin cậy được tôi là sẽ không gây tổn thương cho bạn nữa. Để có lại sự tin cậy của bạn, tôi phải chứng tỏ sự tôn trọng của tôi đối với bạn, và với những tiêu chuẩn chung của chúng ta về thế nào là thái độ có thể và không thể chấp nhận được; tôi phải thừa nhận rằng tôi làm bạn đau và đã sai khi làm vậy; và phải hứa kiềm chế trong tương lai. Trong khi đó, bạn cũng phải tạo cho tôi sự tin cậy qua thái độ tôn trọng của bạn trong tiến trình đi tới hòa giải. Chỉ khi đó, tình bạn của chúng ta mới có thể có lại một chỗ đứng vững vàng.

Vậy, có những cách đúng và sai để đi đến hòa giải: loại hội đủ những yếu tố cần thiết để xây dựng lại lòng tin, và loại không hội đủ các yếu tố ấy. Để khuyến khích sự hòa giải đúng đắn giữa các đệ tử của mình, Đức Phật đã đưa ra những phương pháp cặn kẽ để thực hiện điều này, cùng với sự gieo trồng những giá trị khuyến khích sự áp dụng các phương pháp ấy.

Các phương pháp này nằm trong Luật Tạng Pali, hướng dẫn các tì khưu làm sao để phát lộ với nhau, làm sao để làm hòa với những người tại gia mà họ đã đối xử không đúng, làm sao để giàn xếp những cuộc tranh cãi lâu ngày, và làm sao để hàn gắn sự chia rẽ phân phái trong chúng Tăng. Mặc dù giảng cho chư tăng, những huấn thị này chứa đựng những nguyên tắc áp dụng cho bất cứ những ai muốn tìm tới hòa giải cho những khác biệt, dù là trên phương diện cá nhân hay chính kiến.

Trong mọi trường hợp, bước đầu tiên là công nhận sự sai lầm. Khi một tì khưu phát lộ lỗi đã phạm, chẳng hạn như đã xúc phạm một tì khưu khác, vị ấy trước hết thú nhận đã nói lời xúc phạm đó. Kế đến, vị ấy công nhận rằng sự xúc phạm này đúng là phạm luật. Cuối cùng, vị ấy hứa tự kiềm chế để không lập lại lỗi này trong tương lai. Một tì khưu muốn hòa giải với một người tại gia cũng làm theo mô thức ấy, với sự trung gian của một tì khưu khác, có quan hệ tốt với người tại gia kia. Nếu một cuộc tranh chấp khiến chúng Tăng bị chia làm hai nhóm, và cả hai đều có những hành xử không thích đáng, thì khi hai nhóm muốn đi đến hòa giải, họ được khuyên trước hết phải giải toả nghi kỵ bằng phép “như thảo phú địa” - phủ cỏ lên đất sình lầy để bước. Cả hai bên phải có lời phát lộ tổng quát về việc làm sai trái, và hứa không bới những lỗi nhẹ của nhau. Điều này giúp họ chỉ chú vào những việc sai trái chính, nếu có, đã tạo nên sự tranh chấp hay làm cho sự tranh chấp trở nên trầm trọng.

Để hàn gắn sự chia rẽ, phân phái trong chúng Tăng, hai bên được hướng dẫn trước nhất phải tìm hiểu các ý hướng chính từ hai phía đưa tới sự chia rẽ, bởi vì nếu các ý hướng đó quá thâm hiểm hay bất chánh, thì sự hòa giải sẽ không thể nào xảy ra được. Nếu tập thể đó chỉ tìm cách vá víu tạm thời mà không đào sâu vào gốc rễ của sự chia rẽ, thì không có gì thật sự được hàn gắn cả. Chỉ khi nào các ý hướng chính gây ra sự chia rẽ được xét thấy có thể hòa giải được, và những khác biệt được giải quyết, thì khi ấy chúng Tăng mới có thể thực hiện nghi thức tái lập sự hòa hợp.

Dàn trải khắp các lời dạy này là cái thấy rõ ràng rằng sự hòa giải đích thực không thể chỉ dựa trên ước muốn hòa hợp mà có được. Nó đòi hỏi một hiểu biết chung những hành động nào làm mất hòa hợp, và một lời hứa sẽ cố tránh những hành động ấy trong tương lai. Và điều này lại đòi hỏi một sự thoả thuận hết sức rõ ràng về những tiêu chuẩn đúng – sai chung, và sự cam kết đối với chúng. Cho dầu hai bên hòa giải thỏa thuận là không đồng ý với nhau, hợp đồng thỏa thuận của họ cần phải phân định rõ cách đúng và sai trong việc đối xử với những dị biệt.

Thế nhưng phải trái, đúng sai lại bị kết án trong vòng Phật giáo phương Tây, phần lớn vì người phương Tây đã chứng kiến những sự lạm dụng phải trái, đúng sai trong văn hóa (Thiên chúa giáo) của mình – như khi một người tìm cách áp đặt những tiêu chuẩn tùy tiện, hay những hình phạt ác nghiệt lên kẻ khác, hay thói đạo đức giả, đòi hỏi kẻ khác phải tuân theo những tiêu chuẩn mà chính mình không tuân theo.

Để tránh những lạm dụng này, một số người đã đề nghị sống với cái nhìn không lưỡng nguyên, vượt qua sự vướng mắc vào phải trái, đúng sai. Tuy nhiên, cái nhìn này cũng không tránh khỏi bị lạm dụng. Trong những cộng động mà thuyết này được ủng hộ, những thành viên vô trách nhiệm có thể dùng chiêu bài không lưỡng nguyên và không vướng mắc để biện hộ cho lối hành xử thật sự có tính chất tác hại của họ; các nạn nhân của họ bị thả bơ vơ, không có bất kỳ một tiêu chuẩn chung nào để có thể nương vào đó mà yêu cầu uốn nắn lại sự bất công. Thậm chí, hành động tha thứ cũng đáng nghi ngờ trong bối cảnh đó, vì nạn nhân lấy quyền gì để phán xét những hành động kia là đúng hay sai mà tha thứ hay không tha thứ? Và thường thường, nạn nhân là người bị lên án đã áp đặt các tiêu chuẩn của mình lên kẻ khác, và không có khả năng vượt lên trên những cái nhìn lưỡng nguyên.

Điều này có nghĩa là phải trái, đúng sai chưa thật sự được vượt qua trong cộng đồng như vậy. Chúng chỉ được sắp đặt lại thôi: Nếu anh có thể trưng ra viễn cảnh không lưỡng nguyên, thì anh ở về phía đúng, bất kể anh đã làm chuyện gì đi. Nếu anh phàn nàn về cách ăn ở của người khác, anh ở về phía sai. Và vì sự sắp đặt lại này không được công khai thừa nhận như vậy, nó tạo nên một bầu không khí đạo đức giả, trong đó không thể nào có được sự hòa giải đích thực.

Cho nên, giải pháp không nằm ở chỗ từ bỏ phải trái, đúng sai, mà nằm ở chỗ làm sao để sử dụng chúng cho khôn ngoan. Do đó, Đức Phật đã hỗ trợ cho các phương pháp hòa giải của Ngài bằng sự gieo trồng các giá trị trong đó phải trái, đúng sai được xem những phương tiện hỗ trợ, thay vì là những chướng ngại cho sự hòa giải. Để ngăn ngừa những người ở về phía đúng lạm dụng vị trí của mình, Ngài khuyên họ hãy xem lại mình trước khi bắt tội người khác. Những câu hỏi được Ngài khuyên xét lại có thể được tóm tắt như sau: “Bản thân tôi có được thanh tịnh, không có những lỗi lầm chưa sám hối hay không? Có phải động cơ thúc đẩy của tôi là lòng từ, thay vì ý muốn trả thù hay không? Tôi có thật sự nhận thức rõ về những giá trị chung của hai bên hay không?” Chỉ khi nào họ có thể trả lời “đúng vậy’ cho các câu hỏi này, thì khi ấy họ mới nên nêu vấn đề ra. Thêm vào đó, Đức Phật khuyên họ nhất quyết chỉ nói những lời chân thật, đúng thời, nhã nhặn, nhằm vào vấn đề, và thúc đẩy từ lòng từ. Động cơ của họ phải là lòng từ bi, lân mẫn đến lợi ích của tất cả những người liên hệ, và mong muốn thấy người làm sai được cải đổi, đi kèm với ước muốn cao hơn là sự công bằng với những nguyên tắc phải trái, đúng sai.

Để khuyến khích người làm sai xem sự hòa giải là một thắng lợi, thay vì là một thất bại, Đức Phật khen việc thành thật nhận lỗi là một hành động đáng kính, thay vì đáng xấu hổ: nó không phải chỉ là một phương tiện thường, mà là phương tiện chính để đi tới tiến bộ trong việc tu tập. Như Ngài đã nói với Rahula, con trai Ngài, rằng khả năng nhận ra lỗi mình và thú nhận chúng với người khác là yếu tố cơ bản để đạt được sự thanh tịnh nơi ý nghĩ, lời nói, và việc làm [MN 61]. Hay như Ngài đã nói trong Kinh Pháp Cú (Dhammapada), rằng những ai nhận ra lỗi mình và sửa đổi, thì “chói sáng rực đời này, như trăng thoát mây che." [Dhp 173]

Ngoài việc đưa ra những lời khích lệ này đối với việc thành thật nhận lỗi, Đức Phật còn ngăn chặn những đường lối chối bỏ. Các nhà nhân chủng học hiện đại đã nhận ra năm chiến lược căn bản mà người ta thường dùng để tránh né nhận lãnh trách nhiệm khi họ gây ra tác hại. Và đáng chú ý là: giáo pháp về đạo đức trách nhiệm trong tạng Pali đóng vai trò chặn đứng cả năm chiến lược này. Năm chiến lược là: chối bỏ trách nhiệm, chối bỏ sự việc là tổn thất đã được gây ra, chối bỏ giá trị của nạn nhân, tấn công người cáo tội, và tuyên bố mình làm như vậy là để phụng sự một mục đích cao cả hơn. Câu trả lời trong tạng Pali cho năm chiến lược này là: (1) Chúng ta luôn luôn chịu trách nhiệm về những chọn lựa có ý thức của mình. (2) Chúng ta phải luôn luôn đặt mình trong hoàn cảnh của kẻ khác. (3) Mọi chúng sinh đều đáng được tôn trọng. (4) Chúng ta phải xem người chỉ lỗi cho mình như kẻ đang chỉ cho mình châu báu. (Trên thực tế, các vị xuất gia không được tỏ ra bất kính đối với những người chỉ trích họ, cho dù họ có không định nghe theo lời chỉ trích ấy đi nữa.) (5) Không có – xin lập lại, không có - mục đích cao cả nào có thể bào chữa được cho sự vi phạm những giới căn bản về ăn ở đạo đức.

Để đưa ra những tiêu chuẩn này, Đức Phật đã xây dựng những giá trị nền tảng khuyến khích hai phía hòa giải sử dụng chánh ngữ, và luôn luôn nhìn lại chính mình một cách trung thực và có trách nhiệm – nguyên tắc cơ bản cho toàn bộ sự tu hành. Như vậy, các tiêu chuẩn đúng - sai trong hành xử, thay vì ngột ngạt hay vụn vặt, lại làm phát sinh sự tin cậy sâu sắc và lâu bền. Ngoài việc tạo sự hòa hợp bên ngoài giúp ích cho sự tu tập, tiến trình hòa giải còn là một cơ hội cho sự lớn mạnh, trưởng thành bên trong.

Đức Phật công nhận rằng không phải mối bất hòa nào cũng có thể đi tới chỗ hòa giải được. Có những lúc một hoặc cả hai phía không có thiện chí thực tập sự chân thật và tự chế - bắt buộc phải có, nếu muốn đi tới hòa giải đích thực. Mặc dù vậy, sự tha thứ vẫn có thể có được, nếu muốn. Đó là vì sao sự phân biệt giữa hòa giải và tha thứ là rất quan trọng. Nó khuyến khích ta không an phận với sự tha thứ suông thôi trong khi có thể có được sự hòa giải, hàn gắn đích thực; và nó cho phép ta mở lòng tha thứ, ngay cả khi không thể có sự hàn gắn, hòa giải.

(Reconciliation, Right & Wrong của Thanissaro Bhikkhu. Việt dịch: Giải Nghiêm)

 

 
 
   
 
  
Tìm kiếm

 
  
Tìm trên:     hoangphap.info web khác
Visitor Number: 
Hôm nay