CHUYỆN TỪ MỘT ĐÁM TANG
Nguyên Hiệp
Cập nhật: 06:09:00 29/03/2009

CHUYỆN TỪ MỘT ĐÁM TANG

 

Nguyên Hiệp

 

Đám tang nhà bên đã ba hôm, Thuỷ vừa lau bụi mấy mặt hàng xếp trên kệ vừa nghĩ. Tiếng tụng kinh đều đều vọng sang. Lời kinh nghe trầm và buồn, thỉnh thoảng một tiếng chuông ngân lên, quyện vào lời kinh. Thuỷ cặm cụi lau chùi, thỉnh thoảng dừng lại niệm thầm một hồng danh Phật mà cô đã thuộc. Đó là thói quen của cô mỗi khi nghe tiếng tụng kinh ở đâu đó.

Bà chủ quán ngồi đếm lại số tiền bán hàng ngày hôm qua mà hồi đêm bà chưa kịp đếm, bên cận là cậu con trai ghi chép sổ sách giúp mẹ. Bà chợt nhíu mày khi nghe tiếng tụng kinh bất chợt lớn lên, rồi buông một câu mà ba hôm này hình như luôn nằm nơi cửa miệng, “Nghe mấy ông thầy này tụng kinh thiệt không chịu nỗi”.

Cậu con trai liếc nhìn Thuỷ, rồi lại cặm cụi ghi chép. Anh ta không thích mẹ mình bực dọc buông lời chỉ trích người khác, nhất là khi có mặt Thuỷ. Thuỷ vẫn im lặng với công việc của mình, như không hề nghe những gì bà nói cũng như cái nhìn của chàng trai. Im lặng tính đếm một lát, bà ta lại nói, “Mấy ông thầy tu bây giờ giàu quá. Ông nào cũng sang trọng, đi toàn xe xịn, xài điện thoại hàng hiệu, áo quần láng bóng. Tiền đâu mà nhiều vậy không biết?”.

Anh con trai nghe mẹ nói vậy thì dừng tay ghi chép, nhăn mặt tỏ vẻ khó chịu, nhìn sang Thuỷ rồi lại cúi xuống với công việc của mình. Bà chủ thấy con trai im lặng, như được đà lại nói tiếp:

- Mấy ông bây giờ đi cúng còn trả giá nữa đó nghen mày. Tiền ít mấy ổng không chịu cúng đâu. Kiểu này chắc phải tốn nhiều tiền thì may ra vong linh mới siêu thoát được.

Giọng nói của bà không còn bình thường nữa, trở nên chì chiết, nghe rất cay nghiệt. Thuỷ dừng tay lại khi nghe bà buông câu nói cuối. Cậu con trai liếc nhìn sang Thuỷ, rồi nói với mẹ với bộ mặt vô cùng bực bội:

- Chuyện của người ta sao má cứ nói hoài vậy. Nói vậy thì được gì chớ?

- Thì chuyện của người ta chớ sao. Nhưng mà tao ghét quá, nói cho hả dạ. Tao thì làm gì có chuyện mời mấy ổng cúng để mấy ổng trả giá.

- Má đừng nói nữa có được không? - Cậu con trai lại liếc nhìn thuỷ và nói - Cứ lo việc của mình đi. Mấy ổng sống thế nào là việc của mấy ổng.

Bà chủ không nói nữa, như để chiều ý con trai. Nhưng khuôn mặt của bà trở nên nhăn nhó, trông khó căm căm. Thuỷ vẫn im lặng lau chùi, như không hề hay biết cuộc đối thoại giữa hai mẹ con bà chủ.

Thủy giúp việc cho gia đình họ đã hơn một năm nay. Cô là người tỉnh lẻ, gia đình khó khăn nên lên đây tìm việc. Qua sự giới thiệu của một người quen, cô đến đây giúp việc cho bà chủ, quét dọn nhà cửa và lau chùi hàng hoá ở quầy hàng trước nhà. Cô ít nói, nhưng siêng năng và chu đáo. Tuy là người giúp việc nhưng cô có lòng tự trọng, không hề quy luỵ hay phục tùng mọi sai bảo của chủ nhà. Thái độ đó ban đầu bà chủ định cho nghỉ việc, nhưng không hiểu sao sau đó lại để cô tiếp tục làm. Cậu con trai thì tuyệt đối không dám sai bảo gì Thuỷ. Cậu ta hình như có cảm tình với cô. Cái bộ dáng lúng túng của chàng mỗi khi chạm mặt Thuỷ khiến nàng thấy e ngại. Nhưng dẫu vậy nàng vẫn tỏ ra tỉnh táo mỗi khi nói chuyện với anh ta, và biết giữ khoảng cảnh của một người giúp việc với chủ nhà.

Khác với mẹ, anh ta có một lối sống ôn hoà, ít chỉ trích hay bàn luận chuyện của người khác. Anh ta không bằng lòng với việc mẹ mình hay chỉ trích người này người kia, nhất là khi có mặt Thuỷ. Nhưng anh ta không thể thay đổi được bà.

Đám tang kéo sang ngày thứ tư. Đám tang kéo dài ngày vì nghe đâu chờ mấy người con ở bên Mỹ về. Đám để thêm một ngày là một ngày các thầy phải đến cúng cơm, tụng kinh. Đó là chuyện bình thường. Nhưng khổ nỗi gia đình này nằm gần bên gia đình bà chủ nên sự việc lại trở nên khác thường với Thuỷ. Cứ mỗi lần mấy thầy đến tụng kinh, Thuỷ lại nhận thêm một vài thông tin về mấy thầy từ bà, toàn là những thông tin không hay ho gì cả. Mỗi khi có cậu con trai thì bà nói là để nói với anh ta, còn khi không có anh ta thì bà nói trổng một mình, nói cho hả dạ.

Thấy Thuỷ từ trong nhà bước ra quầy hàng, bà buông ngay một câu khiến nàng ngẩn cả người, không hiểu ất giáp gì:

- Mày coi, mấy ông bây giờ quá ư sung sướng. Nghe đâu mấy ổng còn đi uống cà phê ôm nữa đó nghen.

- Cô bảo ai ạ?

- Thì mấy ông thầy chùa chứ còn ai nữa.

Thuỷ nghe vậy thì im lặng. Đó là cách phản ứng duy nhất mà cô có thể áp dụng trong những tình huống khó xử. Cô không hiểu sao bà chủ lại căm ghét mấy ông thầy đến vậy. Cuộc sống có người này người kia, đâu phải ai cũng xấu hết. Thuỷ không phải là một Phật tử đúng nghĩa, vì cô chưa quy y. Nhưng lúc còn ở nhà, thỉnh thoảng cô có đến chùa tụng kinh, rằm ba mươi thì ăn chay. Thuỷ không hiểu nhiều về giáo lý nhà Phật, nhưng cô cảm nhận chùa chiền thật gần gũi với mình. Các thầy ở ngôi chùa gần nhà, cô thấy họ sống bình dị và gần gũi. Đời sống của họ không có gì sang trọng cả. Mà mấy thầy thì sang trọng làm gì nhỉ khi đã mang lấy hình thức tu sĩ cạo sạch tóc râu cùng với sắc phục mà nếu càng chưng diện thì càng trở nên hợm hĩnh.

Lên đây làm cô không còn đi chùa nữa, và hình như không một lần tiếp xúc với các thầy. Sự thực các thầy sống sang trọng và sung sướng thế nào cô không thể biết. Thỉnh thoảng gặp một vài thầy phóng xe vun vút trên đường, cô hơi ngạc nhiên, nhưng rồi lại cảm thông vì thấy họ còn trẻ quá, nghĩ đó chỉ là một thoáng bốc đồng của tuổi trẻ.

Thấy Thuỷ không nói gì, bà lại buông thêm một câu độc địa hơn:

- Mấy ổng bây giờ chẳng chừa gì hết mày à. Có ông còn đem cả vợ con vào sống trong chùa nữa đó.

- Việc có không mà cô nói vậy? Mình nói quá không chừng lại mang tội cô ạ.

- Tao mà đi nói sai mấy ổng thì tau đâm đầu xuống đất chết ngay bây giờ. Việc có tao mới nói chớ. Mấy ổng sướng quá hoá cuồng.

- Chắc cũng có người này người kia cô ạ.

- Người này người kia cái gì. Mấy ổng giống nhau hết à.

Cậu con trai đi đánh quần vợt về, bước vào nhà thì nghe cuộc đối thoại của hai người. Anh ta nhăn mặt, bực dọc vì lời lẽ của mẹ:

- Sao mẹ cứ đem chuyện người khác ra nói hoài vậy. Bản thân mình có tốt gì đâu mà đi chỉ trích người khác chớ.

- Thằng này, mày muốn dạy đời tao hả. Tao chưa tốt vì tau còn làm người phàm tục. Còn mấy ổng đi tu thì phải sống cho tốt chớ.

- Đó là việc của mấy ổng, có liên quan gì đến má? Má đừng nói nữa có được không!

- Sao mày biết không liên quan?

Đến đó thì bà không nói nữa. Nhưng mặt bà trở nên tối sầm lại, trông đau đớn và uất hận. Thuỷ lẳng lặng bỏ vào nhà trong làm việc. Một lát như sực nhớ ra, bà gọi với vào trong:

- Này Thuỷ, mày ra chợ mua giúp cô một ít hoa quả coi. Hôm nay là ngày rằm, suýt nữa cô quên mất.

Nghe bà chủ gọi thì Thuỷ bước ra. Cô thật không thể hiểu nỗi được bà này. Mới phê phán mắng nhiếc cho đã nay lại sai đi mùa hoa quả về cúng rằm. Mà Thuỷ thấy nhà bà cũng có thờ Phật hẳn hoi, và rằm ba mươi nào cũng thấy bà chưng hoa quả, thắp nhang cầu nguyện.

Thuỷ mua hoa về cho bà. Cậu con trai gặp Thuỷ thì gãi gãi đầu như muốn nói gì đó. Thuỷ tảng lờ và đi vào nhà trong. Buổi chiều khi thấy anh ta cắm hoa và đặt trái cây lên bàn Phật, Thuỷ hỏi bà chủ, như thể mình không biết bức tượng được đặt trên tủ kia là tượng gì:

- Cô, cô đang thờ tượng gì vậy?

- Tượng Phật chứ còn tượng gì nữa mày? Mày chưa bao giờ thấy tượng Phật hả Thuỷ?

- Cô thờ Phật để làm gì?

- Cái con này, không dưng đi hỏi sảng. Tao tin thì tao thờ chứ còn để làm gì.

- Vậy nhưng sao mỗi lần thấy mấy thầy đến tụng kinh ở nhà bên kia cô lại nói nặng lời dữ vậy?

- Bởi tao ghét mấy ổng. Mày không biết đó chớ, mấy ổng coi thường gia đình tao, bởi lúc đó gia đình tao nghèo.

Bà vừa nói vừa sầm mặt lại, và hình như có điều gì đó chất chứa trong lòng khiến bà không chịu được.

Quá khứ với một chuyện không vui tái hiện lại trong bà. Bà vốn xuất thân trong một gia đình nghèo khó. Ba mẹ của bà đều là những Phật tử thuần tín. Từ nhỏ, bà cũng mon men theo mẹ đi chùa, cũng tập tành tụng kinh lạy Phật. Bà chưa thấu hiểu gì nhiều tôn giáo mình đang theo nhưng tuy thế vẫn rất kính mến Tam bảo, lúc nào cũng nhìn các thầy với lòng ngưỡng mộ, coi các thầy là biểu tượng của sự thánh thiện. Nhưng rồi niềm tin bắt đầu đỗ vỡ khi bà đến tuổi thiếu nữ. Thời con gái bà là một người xinh đẹp. Sắc đẹp đó đã làm nhiều người say đắm, trong đó có vị tu sĩ trẻ ở tại ngôi chùa mà bà thường đến. Sự đắm say của vị kia bà nghĩ là chuyện bình thường, vì đó chỉ là sự rung động bản năng. Nhưng khi vị kia đem lời tỏ tình với bà thì bà thấy sự việc không còn bình thường nữa. Bà đem sự việc kể lại với mẹ mình. Mẹ bà nghe vậy thì không cho con gái đi chùa nữa, mục đích là để cho thầy kia không bị xao động tâm tư, ảnh hưởng đến đời sống tu hành. Nhưng chuyện đâu có dừng lại đó. Thầy kia khi không còn gặp được bà đã chuyển qua làm quen với một thiếu nữ khác, dùng lời ngon ngọt dụ dỗ, hứa hẹn, bảo rằng sẽ hoàn tục để cưới nàng. Nhưng khi thiếu nữ kia mang thai thì vị này bỏ chùa trốn đi một nơi khác, khiến người con gái kia đau đớn nhục nhã ê chề.

Điều đó hằn lên trong tâm trí bà một dấu ấn sâu đậm. Sự kính ngưỡng tăng trong bà bắt đầu suy giảm, nhưng dẫu vậy bà vẫn không hề buông lời này kia với các thầy. Nhưng rồi sau khi mẹ bà mất, theo nguyện vọng của mẹ lúc sanh tiền, bà đã đến chùa mời thầy đến cầu siêu cho mẹ. Nhưng vào hôm đó chùa cũng đang lo đám cho một gia đình Phật tử khác nên đám tang của mẹ bà không được lo trọn vẹn. Ngay khi đưa đám, cũng không có thầy đến tiếp dẫn. Nghĩ rằng chùa coi nhà kia giàu, nhà bà nghèo, nên đã không quan tâm đến gia đình bà, mối hận từ đó bắt đầu hình thành trong bà.

Bà cự tuyệt chùa chiền, và cái nhìn của bà đối với các thầy bắt đầu trở nên đen tối. Những việc làm của các thấy không còn có việc nào tốt cả, chỉ toàn những việc làm dối trá và vụ lợi, tham lam vật chất, trọng giàu khinh nghèo. Dù khi gặp những thầy tốt thực sự bà cũng không còn tin, nghĩ đó chỉ là hình thức che mắt mà thôi. Những tiếng tụng kinh trầm lắng thiêng liêng đã ăn sâu vào trong tâm khảm từ thời thơ bé, giờ với bà chỉ là những ngôn từ được những kẻ dối trá vay mượn để lừa bịp thiên hạ. Những mái chùa uy nghiêm nơi bà từng xem là điểm nương tựa của bao người, giờ với bà chỉ là chỗ ẩn náu của những con người xấu xa.

Ban đầu bà im lặng ôm giữ nỗi uất hận, nhưng càng về sau bà không còn giữ được nữa. Bà bắt đầu phát ngôn. Mới đầu bà chỉ thổ lộ với một số người thân quen, nhưng càng về sau thì không còn có sự giới hạn nào, gặp ai cũng có thể đem chuyện đó ra kể ra nói được…

Đám tang đi đến ngày cuối cùng, và đến hôm nay nữa là bảy ngày. Sáng nay tiếng tụng kinh sớm hơn, và các thầy các cô cũng đông hơn những hôm trước. Sau một hồi tụng kinh, quan tài được đưa ra, dẫn trước là các thầy các cô, ước chùng khoảng bốn mươi vị. Thuỷ đứng trước quán, tần ngần nhìn đoàn người với ngỗn ngang suy nghĩ. Bà chủ trong nhà bước ra, thấy vậy thì nói liền:

- Đó, mày thấy, nhà đó giàu nên mấy ổng mới đến đông vậy.

Thuỷ im lặng bỏ vào trong. Cô không muốn đứng lại đó để nghe tiếp những lời chỉ trích của bà chủ. Cô không ghét gì bà, nhưng nghe những gì bà nói, riết cô thấy nhức đầu. Đám có nhiều thầy cô đến tiễn không biết có phải vì nhà đó giàu có hay không, nhưng khi một gia đình giàu sang có nhiều thầy cô đến thì người ta nghĩ ngay đến chuyện vì nhà đó giàu. Nhà giàu nhưng không biết đến chùa chiền thì làm sao có đông thầy cô đến được! Nhưng mà suy nghĩ của bà cũng không phải hoàn toàn không đúng! Thuỷ thấy cuộc đời này cũng rắc rối thiệt, càng xét đoán càng đâm ra mệt. Cô nghĩ cứ như mẹ mình vậy mà hay, đến chùa chỉ biết tụng kinh niệm Phật, học những điều tốt đẹp, còn lại những việc khác chỉ để ngoài tai, nghe người ta bàn luận chuyện của người này người kia thì chỉ biết cười.

Thuỷ vừa đi vừa nghĩ ngợi, không để ý nên đâm sầm vào cậu chủ. Anh ta đỡ lấy nàng và gượng cười, còn Thuỷ thì thấy lúng túng, xin lỗi và bước đi.

Tối hôm đó cô xin bà chủ ra ngoài, hỏi làm gì thì nói có việc riêng. Con trai bà chủ gặp cô trên đường thì dừng xe lại. Hỏi cô đi đâu thì cô im lặng. Anh ta nói:

- Nếu muốn Thuỷ có thể đi chùa bất cứ lúc nào. Không có gì e ngại chuyện đó.

- Anh biết tui đang đến chùa à? Anh cũng tài thật đấy. Không phải tui e ngại, nhưng tui không muốn nói ra điều mà người khác không thích.

- Có lẽ mẹ tôi đã có những lời không mấy hay ho với các thầy. Tôi thật ái ngại.

- Tôi đâu dám trách cứ gì mẹ anh. Bà hình như có nỗi khổ riêng.

Anh ta bảo Thuỷ ngồi lên xe để chở đến chùa. Thuỷ bảo không cần thiết, có thể đi bộ được. Nhưng rồi thấy anh ta thật sự nhiệt tình, cô đã ngồi lên cho anh ta chở đi. Khi Thuỷ vào chánh điện lễ Phật, anh ta chỉ dạo quanh chùa. Trên đường trở về, anh ta hình như trở nên buồn hơn.

- Hình như anh có chuyện gì không vui à? Thuỷ hỏi.

Im lặng một lúc anh ta nói:

- Nếu tôi nói ba tôi trước đây là một tu sĩ thì cô có tin không?

- Ba anh là một tu sĩ? Tôi chưa bao giờ nghe mẹ anh nói về ông ấy.

- Tôi vẫn không biết mặt ông ấy. Mẹ tôi luôn bảo rằng ông ấy đã chết. Nhưng tôi đã biết được điều này do dì tôi kể lại.

Chạy được một đoạn anh ta lại nói tiếp:

- Mẹ tôi oán hận chùa chiền thực ra không phải vì nghĩ chùa trọng giàu khinh nghèo đâu, mà thực sự là do oán hận ông ấy. Sau khi ông bà ngoại tôi mất, mẹ tôi lên thành phố tìm việc làm. Ở thành phố bà đã quên đi mọi chuyện không vui ở dưới quê và đi chùa trở lại. Và rồi không hiểu sao lại quen biết ba tôi. Nghe nói ông ấy là người đẹp trai, có học. Mẹ tôi bị ông ấy mê hoặc, hứa hẹn sẽ ra đời chung sống. Ông ấy cũng hoàn tục thực, nhưng sau khi hoàn tục đã trốn biệt tích, nghe nói đi theo một phụ nữ giàu có nào đó sang bên trời Tây. Mẹ tôi từ đó sinh oán hận. Và tôi biết khó mà xoá đi được sự oán hận đó.

- Anh có biết ông ấy giờ sống ra sao không?

- Tôi không biết, và tôi cũng không muốn biết. Mẹ tôi càng không muốn tôi biết. Mà biết để làm gì nhỉ?

Thuỷ thấy buồn. Chuyện của hai mẹ con bà chủ thật đáng cảm thông. Cô im lặng không hỏi thêm gì nữa cho đến khi xe về tới nhà. Khi dắt xe vào cổng, chàng trai nói với cô:

- Tôi không trách chùa chiền, không trách các thầy. Các thầy có người thật sự rất tốt, rất thánh thiện, nhưng tôi không thích đến chùa vì nó gợi cho tôi những điều tôi không muốn nghĩ đến. Còn cô thì hoàn toàn khác tôi. Cô nên đến chùa nếu cô có niềm tin vào Phật.

Thuỷ lặng im theo chàng trai vào nhà, chợt thấy mắt mình cay cay./.

 

 

 
 
   
 
  
Tìm kiếm

 
  
Tìm trên:     hoangphap.info web khác
Visitor Number: 
Hôm nay