MÙA GIÓ NAM VỀ
Nguyên Hiệp
Tiếng người nói chuyện ngoài sân đã đánh thức tôi dậy. Hình như có khách, tôi nghĩ vậy nhưng vẫn không rời khỏi giường. Bên ngoài cửa sổ, mặt trời hắt những tia nắng đầu ngày lên những tàn cây xơ xác. Gió nam năm này về sớm, khô khóc tràn qua cái thị trấn nhỏ bé này, tung lên những lớp bụi mù mịt.
Tôi ngồi dậy, thấy đầu vưng và mắt đau nhức. Lê người đến cửa, tôi nhặt lấy mẩu giấy mà Hiền nhét qua khe cửa: “Anh Nguyên, hôm ni thầy đi vắng, còn em thi nên về trể. Anh coi chùa và trưa nhớ nấu cơm giúp em. À, nghe thầy nói sáng ni chùa có khách, anh coi tiếp nghe. Em, Hiền”. Tôi mở cửa bước ra, nhìn quanh nhưng chẳng thấy những người lúc nãy đâu cả, chắc họ thấy chùa không có ai nên đã đi. Tôi mõi mệt ngồi xuống chiếc ghế bên hông nhà khách. Đầu óc nặng trịch. Suốt cả đêm hôm qua tôi đã không ngủ được, gần sáng lại ngủ thiếp đi. Từ hôm Hưng bỏ chùa đi, đêm nào tôi cũng mất ngủ. Tôi thấy mình có lỗi với mẹ của Hưng, đã không thực hiện được điều mà trước đây mình đã hứa.
***
Hưng là con cậu tôi. Hưng kém tôi hai tuổi, học sau tôi hai lớp và cũng đi tu sau tôi hai năm. Vì là anh em cô cậu, nhà lại ở sát nhau nên từ nhỏ chúng tôi rất thân thiết. Chính do vậy nên năm tôi học xong lớp bảy và đi tu thì hầu như ngày nào Hưng cũng có mặt ở chùa, cứ giờ nào rảnh là nó chạy sang. Ba mẹ nó không bằng lòng về việc đó nhưng không thể ngăn cản được. Nó là con trai một, từ nhỏ luôn được chiều chuộng nên muốn gì là phải được. Rồi Hưng ở lại chùa luôn, không chịu về nhà nữa. Ba nó đến chùa làm dữ, mẹ nó thì khóc lóc, nhưng nó cũng không chịu về. Cậu mợ tôi đều là công chức nhà nước, cả hai không hề biết đến chùa chiền, vì vậy việc Hưng ở lại chùa luôn là một cú sốc lớn đối với họ. Cậu tôi từ doạ nạt chuyển sang dụ dỗ, đủ mọi cách vẫn không đưa được nó về nhà, sau chịu thua đành phải đem sách vỡ và quần áo đến cho nó. Rồi từ giận con, cậu chuyển sang giận cả tôi, bảo rằng do tôi dụ nên Hưng mới đòi đi tu như vậy. Tôi thấy mình bị oan, nhưng muốn cho yên chuyện nên đành làm thinh. Mợ tôi thì sau mấy lần đến chùa khóc lóc, chẳng làm gì được nên nhờ tôi chăm sóc bảo bộc cho Hưng. Và để mợ yên lòng, tôi hứa sẽ làm điều đó. Năm đó Hưng học lớp bảy, đúng độ tuổi mà tôi xuất gia.
Hưng ở được mấy hôm thì lên xin thầy tôi được xuống tóc. Thầy tôi không nói một lời nào ngoài cái gật đầu - gật đầu y như trước đó mấy hôm, lúc Hưng lên xin thầy được ở lại chùa vậy. Thế là cu cậu bèn đến nhờ anh Hảo xuống tóc giúp. Anh Hảo cầm cán cạo, dí ngón tay vào đầu nó rồi vừa cười vừa nói:
- Thằng nhóc ni, răng mà thích xuống tóc rứa. Cạo rồi đừng hối hận nghe chưa.
Hưng đáp:
- Sau ni em không muốn tu nữa thì em để tóc lại. Có chi mà hối hận.
- Nói bậy! Phát nguyện xuất gia là không được nói rứa.
Anh Hảo nghiêm giọng bảo. Hưng có vẽ sợ nên im thin thít, không dám nói thêm gì nữa.
Chùa tôi từ đó có bốn người. Thầy tôi, anh Hảo, tôi và Hưng. Thầy tôi là một người ít nói và nghiêm khắc, đôi khi tôi thấy ở ông có chút gì đó lạnh lùng. Chúng tôi ít khi gần gũi thầy và thầy cũng chẳng mấy khi hỏi han gì chúng tôi. Thầy tôi biết nghề thuốc bắc, và thầy rất thường vắng chùa vì công việc của mình. Vì thế mọi việc trong chùa đều do anh Hảo quản xuyến. Anh Hảo xuất gia trước tôi năm năm và đã thọ giới sa di.
Anh Hảo người dong dỏng cao, nước da ngăm đen và có đôi mắt rất sáng. Anh sống mẫu mực và rất tốt với người khác. Anh chỉ dạy cho tôi và Hưng đủ điều, và chúng tôi luôn coi anh như anh ruột của mình.
Động cơ để anh Hảo xuất gia nghe cũng lạ lắm. Ba mẹ anh hai người không cùng đạo: mẹ anh theo Phật giáo còn ba anh theo Thiên chúa giáo. Nghe nói khi ba mẹ anh quen nhau, gia đình hai bên ngăn cản dữ lắm. Bên nội ra điều kiện là mẹ anh phải cải đạo thì mới cho ba anh lấy. Bên ngoại thì nhất định không cho con gái mình bỏ đạo vì muốn giữ truyền thống gia đình. Nhưng rốt cuộc chẳng bên nào thành công cả vì hai người quyết lấy nhau và gạt chuyện tôn giáo sang một bên. Sau ngày cưới, mẹ anh không còn đi chùa nữa và ba anh hầu như không còn đi xin lễ. Họ mua nhà ở riêng và trong nhà chẳng thờ một hình tượng gì, và hai người không bao giờ đề cập đến vấn đề tôn giáo khi có mặt nhau.
Anh Hảo có một người em gái tên Dịu, xinh đẹp, nhưng rất tiếc lại bị câm. Anh Hảo rất thương em gái mình và xót xa khi thấy em bị khuyết tật như vậy. Có lần anh nghe mẹ bảo, sở dĩ chị Dịu bị câm là do đời trước tạo ác khẩu. Khi ấy anh nói với mẹ là sau này anh sẽ đi tu để sám hối nghiệp cho chị Dịu. Tưởng rằng anh nói chơi, ai dè năm học lớp mười hai xong, anh lại đi tu thiệt. Khi nghe anh trình bày ý muốn của mình, ba mẹ anh không ai phản đối cả. Ba anh chỉ nói: “Con có quyền tự chọn đường đi của mình, miễn đó là con đường tốt”. Mẹ anh thì lặng thinh, không biểu lộ vui buồn gì. Nhưng khi anh đi tu rồi thì bên nội anh phản ứng dữ dội. Tuy thế mọi việc rồi đâu cũng vào đó.
* * *
Hưng vào tu được một năm thì Hiền xuất gia. Hiền xuất thân từ một gia đình thuần tuý Phật giáo. Từ nhỏ, Hiền đã sinh hoạt trong Gia đình Phật tử. Nhân một lần thầy tôi về chữa bệnh ở làng của Hiền, ba mẹ Hiền đã đem Hiền gửi cho thầy. Hiền là một đứa bé ngoan và nhanh nhẹn, học hành lại giỏi. Từ khi có Hiền vào, chùa trở nên vui hơn. Ở chùa chúng tôi quen gọi Hiền là chú Út. Và một cách ngẫu nhiên, cái tên đó đã dự báo trước một điều là sau Hiền tôi không thấy có một người nào vào chùa tôi tu nữa.
Năm Hiền vào tu, tôi được mười lăm tuổi và chuẩn bị vào học lớp mười. Cái tuổi đó, tôi vẫn còn khờ khạo, vẫn thích gọi bọn nhóc quanh xóm vào chơi và chỉ cho chúng cách dán diều. Thầy tôi thì vẫn bận rộn suốt ngày. Công việc trong chùa và việc chỉ dạy cho chúng tôi vẫn do anh Hảo đảm trách. Nói chung thì chúng tôi là những thằng nhóc dễ bảo nên không làm phiền gì anh nhiều. Chỉ có Hưng là hơi cứng đầu một chút.
Mùa nắng đi qua và mùa mưa kéo đến, trong cái vòng quay luẩn quẩn ấy mọi việc cứ thế mà cuốn trôi. Tôi hình như ít khi để ý đến vấn đề thời gian, chỉ khi nào chùa có một cuộc lễ hay có một sự cố gì đó tôi mới nhận ra rằng bấy giờ là ngày nào tháng nào…
Một tối trời mưa, anh Hảo đang chỉ bài cho tôi thì có tiếng người gọi:
- Chú Hảo, chú Hảo ơi?
Anh Hảo bước ra khỏi phòng, hỏi:
- Dạ, có việc chi không anh?
- Ba mạ chú bị tai nạn nặng lắm. Chú về nhà đi.
Anh Hảo không hỏi gì thêm, bước vào phòng, dặn tôi một vài việc rồi ra ngồi lên xe cho anh thanh niên kia chở đi. Anh Hảo đi rồi, tôi thấy trong người bồn chồn và lo lắng quá chừng. Hưng và Hiền ở phòng bên chạy sang hỏi tôi:
- Anh Nguyên, có việc chi rứa?
- Ba mạ anh Hảo bị tai nạn. Người ta mới tới báo.
- Mình về nhà anh đi, coi thử ra răng. Hiền bảo.
- Anh Hảo nói không được đi mô hết. Để sáng mai rồi tính.
Sáng hôm sau, chúng tôi nghỉ học, đạp xe về nhà anh Hảo. Về đến nơi, chúng tôi không còn tin ở mắt mình khi nhìn thấy chiếc quan tài đang được khiêng ra khỏi nhà. Ba anh Hảo đã chết. Vì cơ thể ông bị dập nát nên người ta đã liệm ông ngay sau khi đưa xác về nhà và đưa đi chôn liền vào sáng hôm sau. Tôi thấy anh Hảo đi một bên quan tài, có vẻ bình tỉnh nhưng ràn rụa nước mắt. Chị Dịu thì đi sau vật vã khóc. Tiếng khóc của một người câm nghe thật kỳ lạ và không thể diễn tả được. Chị cào cấu. Điên dại. Tóc tai rối bù. Áo quần xọc xạch. Người ta phải dìu chị đi. Trước đây tôi cũng đã từng xem kịch câm, và mỗi lần như vậy, tôi phải cố gắng lắm mới hiểu được người ta muốn diễn đạt điều gì phía sau những hành động, cử chỉ của họ. Còn lúc này, không cần cố gắng tôi cũng có thể hiểu được những tiếng ư…ư kia muốn nói điều gì. Những tiếng ư…ư không câu không lời sao nghe đau đớn đến thế!
Chúng tôi để xe lại nhà anh và đi theo đoàn người ra nghĩa địa. Khi quan tài được hạ xuống huyệt thì cũng là lúc chị Dịu ngất đi. Lúc đó tôi nghĩ, không biết giữa người chết và những người đang sống kia ai là người đáng thương hơn!
Sau đám tang ba ngày, anh Hảo lên lại chùa. Vừa gặp anh, tôi linh cảm có điều gì đó bất ổn sắp xảy ra. Và đúng vậy, anh Hảo lên xin thầy tôi được hoàn tục để về nhà chăm sóc mẹ. Vì sau tai nạn đó, mẹ anh tuy thoát chết nhưng lại bị cụt mất một chân. Tôi đứng bên ngoài cửa phòng thầy tôi, nghe tiếng anh run run thưa với thầy mà lòng rối tung bấn loạn. Anh hảo vừa bước ra khỏi phòng, Hiền đã ôm lấy anh mà khóc oà lên. Anh Hảo cố giữ bình tĩnh, vỗ vỗ vào vai Hiền và bảo:
- Em ở lại ráng siêng năng tu học. Anh thiệt buồn là không có duyên ở lại với mấy đứa em. Thông cảm cho anh.
Nói rồi anh trở về phòng mình, dọn dẹp mọi thứ, kêu tôi vào dặn đủ điều, rồi sau đó ra về với một bồ đồ duy nhất cầm tay. Tôi đứng như trời trồng, nhìn anh đi mà chẳng mở miệng nói được một lời nào. Hôm đó Hưng đi vắng, sau về nghe Hiền kể lại sự việc, nó chẳng nói năng gì, lẳng lặng đi lên chùa. Việc anh Hảo hoàn tục khiến chúng tôi vô cùng hụt hẫng, nhưng điều đó lại làm cho những người bên nội của anh thoả mãn. Cùng một vấn đề, nhưng ở cuộc đời này, có khi khiến người này buồn nhưng lại làm cho kẻ khác vui!
* * *
Mùa mưa bão bắt đầu ập xuống cái thị trấn nhỏ bé này. Mưa có khi kéo dài cả tháng, bầu trới xám xịt suốt ngày. Nhưng với chúng tôi, dù mưa hay nắng thì hàng ngày vẫn phải đến trường, và vẫn phải làm các công việc trong chùa một cách đều đặn. Thầy tôi vào những ngày mưa thì ít khi đi đâu, thầy dùng thời gian phần nhiều vào việc đọc sách và làm thuốc. Hết những ngày mưa là bắt đầu những ngày lạnh rét. Những đợt gió đông bắc tràn về mang theo mưa phùn và giá lạnh. Nhưng thời tiết như vậy lại thích hợp cho chúng tôi trồng rau đậu. Nghĩ cũng lạ, cây cối cũng như con người, có loại thích thứ này những có loại lại thích thứ kia. Không có anh Hảo, tôi thấy trách nhiệm của mình lớn hơn, thấy vất vã hơn. Anh Hảo lâu lâu lên chùa giúp chúng tôi một vài việc, khi thì đi một mình, lúc thì đi cùng chị Dịu.
Sau khi về nhà, anh Hảo trở thành rường cột chính trong gia đình, phải gánh vác công việc trước đây của ba anh. Mẹ anh sau khi bình phục, không thể làm được công việc cũ nên anh dựng cho mẹ một cái quán nhỏ trước nhà để bà bán bánh kẹo và thuốc lá. Về nhà, anh vẫn ăn chay trường. Mẹ anh và chị Dịu thấy vậy nên cũng ăn chay luôn.
Năm học mười hai, tôi thấy việc học của mình sút hẳn, cả Hưng nữa, chỉ có Hiền là không có gì thay đổi. Năm học cuối cấp của tôi trôi qua một cách nặng nhọc, nhưng may sao kết quả tốt nghiệp chẳng đến nỗi nào.
Mùa gió Nam lại về. Những cơn nắng như thiêu như đốt bắt đầu hoành hành cái xứ sở này. Gió khô, nắng cháy và bụi bặm là những thứ cái thị trấn này phải gòng mình chịu đựng. Nhưng con người ở đây hình như họ cũng quen rồi với những thứ đó nên đối với họ thật không có gì đáng để quan tâm. Sau tốt nghiệp, tôi dẹp bỏ cái dự định sẽ tiếp tục đi học của mình. Hưng thì càng lớn càng trở nên khó bảo, bắt đầu có những dấu hiệu khác thường. Tôi lo lắng, cố gắng ngăn cản, khuyên bảo, nhưng vẫn không thay đổi được Hưng. Có lần anh Hảo lên, tôi đem việc đó nói với anh thì anh bảo:
- Em đừng quá lo lắng. Tuổi mới lớn đôi khi có những kiểu nỗi loạn khác thường.
- Nhưng em không thích kiểu nổi loạn đó.
- Ừ, có những thứ mình không thích nhưng phải biết chấp nhận em ạ.
Có thể anh Hảo nói đúng, nhưng tôi làm sao chấp nhận được khi thấy Hưng ngày càng hư hỏng như vậy. Mà đâu chỉ là vấn đề chấp nhận hay không, còn là trách nhiệm của tôi nữa. Tôi thấy mình đã không thực hiện trọn lời hứa với mẹ của Hưng. Chỉ hơn Hưng hai tuổi, tôi biết mình chưa đủ kinh nghiệm để chỉ bảo cho Hưng. Ngay những khi Hưng thắc mắc về những vấn đề ở chùa, ở trường học, ở xã hội, tôi đã chưa trả lời thoả đáng. Khuyên bảo hoài mà Hưng không nghe, tôi buồn quá, không biết làm sao cả nên đâm ra im lặng. Nhưng sự im lặng đó chỉ tạo nên sự nặng nề căng thẳng và Hưng lại tìm cách xa lánh tôi. Kết quả cuối cùng là Hưng đã bỏ đi với mảnh giấy để lại cho tôi: “Anh Nguyên, em thấy mình không còn đủ duyên để ở lại đây. Xin anh tha lỗi cho em và nói với ba mạ em đừng lo lắng chi cho em cả. Em, Phước Hưng.” Tôi đọc xong những dòng này, người chợt run lên, nghe có gì tê buốt trong lòng. Tôi bèn đi tìm Hiền, nhưng hôm đó Hiền đi học vắng. Khi ở trường về, biết được sự việc, Hiền nói với tôi:
- Trước sau chi thì anh Hưng cũng đi. Anh không biết điều đó à?
- Em biết chi mà nói. Tôi vô cớ nạt Hiền.
Cậu mợ tôi khi hay tin Hưng bỏ đi thì vô cùng hoảng hốt, chạy đi tìm khắp các nhà bà con nhưng không thấy Hưng đâu cả. Rồi cậu trách móc tôi đủ điều. Mợ tôi thì chẳng nói năng gì mà chỉ biết khóc. Và mỗi lần thấy mợ khóc tôi thật vô cùng khổ tâm.
* * *
Mấy ngày hôm nay tôi chẳng buồn ăn uống gì cả, đêm lại không ngủ được. Đôi khi tôi muốn đến nhờ thầy giúp đỡ, nhưng ngần ngại nên lại thôi. Tội nghiệp cho Hiền, đang đúng kỳ thì tốt nghiệp lại phải làm mọi việc trong chùa một mình.
Tôi uể oái rời khỏi ghế. Nhớ lại lời Hiền, tôi đi quét dọn chùa chiền và sau đó lấy gạo nấu cơm. Buổi trưa, lúc cùng ăn cơm với Hiền, tôi hỏi:
- Khi mô em mới thi xong?
- Mai một ngày nữa là xong rồi. Hiền trả lời.
- Em thi xong, anh sẽ đi tìm Hưng về.
- Không cần thiết phải làm rứa anh ạ. Anh thiệt không hiểu anh Hưng chi cả.
- Rứa em bảo anh phải làm chi đây?
- Em xin lỗi anh.
Hiền thi xong, tôi lên xin thầy đi tìm Hưng. Thầy tôi hỏi:
- Con định đi mô tìm?
- Con cũng không biết nữa. Tôi đáp.
- Việc làm của con thiệt vô bổ.
Dù cả Hiền và Thầy không ai đồng tình nhưng tôi vẫn đi tìm. Biết mình khó có thể tìm được Hưng, nhưng tôi không thể không đi. Nửa tháng sau tôi quay trở về nhưng không gặp được Hưng. Hiền thấy tôi về thì mừng lắm, hỏi han đủ điều nhưng tuyệt nhiên không hỏi là tôi có tìm thấy Hưng hay không. Tôi hỏi Hiền:
- Em có nộp hồ sơ thi đại học không?
- Dạ có, nhưng chắc em sẽ không đi thi.
- Răng không đi thi?
- Chùa còn ai mà đi.
- Trước đây chùa này chỉ có mỗi mình thầy, sau đó mới có anh Hảo vào. Một người vẫn sống được. Hai người vẫn sống được. Không hề chi cả. Em cứ làm những gì mình thích.
Hiền nghe lời tôi và đi thi. Hiền thi với số điểm khá cao. Điều đó không khiến tôi vui hay buồn. Hiền đi học, chùa bây giờ chỉ còn lại thầy và tôi
* * *
Mùa mưa lại bắt đầu kéo đến xứ sở này. Những cơn mưa cứ dai dẳng hết ngày này sang ngày khác, lâu lâu lại có bão và lụt. Những ngày mưa, ngoài thời gian công phu ra, tôi lại dành hết thời gian vào việc học ngoại ngữ. Anh văn lúc học phổ thông tôi đã học qua, còn Hán văn trước đây anh Hảo có chỉ lại nên bây giờ tôi có thể tự học một mình. Ngồi học hoài cũng chán, có lúc tôi một mình ra ngồi trước tiền đường, nhìn trời nhìn đất, nhìn con chim dao dác bay kêu lên những tiếng thê thiết, nhìn những cơn mưa trắng xoá như rây bột giăng giăng trên những tàn cây, nhìn người ta đơn độc, liêu xiêu, vội vã qua lại nơi con đường trước chùa. Đôi khi tôi nghĩ, không biết người ta sinh ra ở cuộc đời này rốt cuộc để làm gì! Chẳng lẽ con người ta sinh ra ở đời chỉ có làm ăn sinh sống rồi chờ đến ngày chết? Ừ, mà đâu chỉ có làm ăn sinh sống, người ta chắc còn có khổ đau, hạnh phúc, còn có tranh giành dối gạt, còn có đủ thứ linh tinh khác nữa chứ. Ở cái thị trấn này đời người thấy khá đơn giản: tụi con nít thì vô tư trong nhếch nhác; đám thanh niên thanh nữ thì chưa hết thời làm trai làm gái đã thành bố thành mẹ với đám con nheo nhóc; những người già thì suốt ngày bỏm bẻm nhai trầu, vấn thuốc, ngồi chờ ngày trở về gặp mặt ông bà.
Có những lúc tôi cũng mon men xuống chỗ thầy tôi phụ giúp thầy rọc giấy gói thuốc. Thì ra gói thuốc bắc cũng có cách của nó. Thỉnh thoảng thầy chỉ cho tôi một vài tên thuốc, công dụng và xuất xứ của nó. Tôi thì nghe cho có vậy thôi chứ chẳng nhớ được gì. Mà thú thực tôi cũng không thích lắm cái nghề thuốc của thầy tôi, hẳn nhiên là có nguyên nhân. Nhưng mà cái mùi thuốc bắc thì tôi thấy thích thích. Mỗi khi thầy ngồi phân thuốc, tôi chẳng biết làm gì nên ngồi chăm chăm nhìn thầy. Tóc thầy gần như bạc trắng, lông mày thì như dài ra với những sợi trắng rũ xuống. Một chút cảm xúc thoáng qua đầu, thương yêu, buồn giận, trách móc… mơ hồ hỗn độn chồng lên nhau. Điên thật! Rồi thầy ngẩng đầu lên và bắt gặp cái nhìn của tôi. Thầy mỉm cười. Lát, hỏi tôi:
- Lâu nay con sống một mình có buồn không?
Tôi làm thinh không trả lời, vì chẳng biết phải trả lời thế nào.
- Thầy sống một mình ở ngôi chùa này đã mấy chục năm. Thầy đã tự học cách để sống một mình… Con cũng nên như rứa. Không thể sống nương tựa vào một thứ tình cảm nào khác được….
Thầy nói chưa xong thì tôi đã đứng dậy, vì chợt nhận ra rằng đã quá giờ công phu chiều…
* * *
Sau mùa mưa là thời gian tôi vất vả nhất vì cỏ trong vườn chùa mọc um tùm lên. Tôi phải cuốc cỏ để gieo cải, trồng đậu ô ve và trồng hoa cho dịp tết sắp đến. Mấy năm trước khi còn anh Hảo, tết nào chúng tôi cũng đem hoa ra chợ bán. Sau này không có anh, chúng tôi trồng hoa chỉ để cắm vào dịp tết thôi. Tôi cứ lầm lũi làm như thế một mình, đôi khi có bọn nhóc trong xóm qua phụ giúp, và thoáng một cái tết lại đến.
Gần tết, anh Hảo và chị Dịu lên chùa. Anh Hảo giúp tôi bửa củi, quét dọn chùa chiền. Chị Dịu thì mang theo lá và nếp, rồi chị lầm lủi vút nếp gói bánh một mình. Nét mặt chị lúc nào cũng buồn rười rượi, không nói một tiếng nào, mà chị câm thì làm sao nói được. Nhưng tôi nghĩ, giả sử chị có nói được thì chắc chị cũng không nói đâu. Thấy chị gói bánh rất khéo, muốn khen một câu cho chị vui, nhưng không biết cách diễn đạt cho chị hiểu nên lại thôi.
Sắp tết Hiền trở về chùa. Hiền về mang cho tôi cơ man là sách. Tôi không biết Hiền lấy đâu ra tiền mà mua cho tôi nhiều sách đến thế. Hỏi thì Hiền nói đó toàn là sách người ta cho, không tốn đồng tiền nào cả. Hiền còn mang về những thứ khác nữa, mà theo Hiền là ngôi chùa Hiền đang ở gửi cho. Hiền bảo rằng, thầy ở đó biết chùa mình khó khăn nên quan tâm lắm. Tôi hỏi Hiền:
- Em đem chuyện chùa mình đi kể à?
Hiền nói:
- Em có kể chi mô. Thầy ở đó hỏi nên em trình bày một vài chuyện thôi mà.
Rồi Hiền xin hình tôi. Tôi hỏi để làm gì thì Hiền đáp:
- Các thầy trong nớ muốn biết anh.
- Em hết việc hay răng mà đem anh đi giới thiệu với các thầy.
Hiền cười hì hì rồi lảng qua chuyện khác.
Tết ở cái thị trấn này thật là một sự xa xỉ đối với người lớn, mặc dù bọn con nít, cũng như bao đứa trẻ khác, hớn hở vui mừng với những bộ đồ mới rẻ tiền. Những ngày này, đài phát thanh cứ ra rã phát đi những bài thơ, bài nhạc ca ngợi mùa xuân. Họ ca ngợi dữ lắm, ca ngợi đủ cách, dùng đủ hình tượng, âm thanh để ca ngợi. Không biết những thi nhân nhạc sĩ kia ở chỗ của họ mùa xuân đẹp đến mức nào mà họ ca ngợi dữ thế không biết. Chứ ở cái thị trấn này, làm gì có được chút cảm xúc để mà ca ngợi, dù chỉ là thứ cảm xúc tự tạo. Ấy vậy nhưng đám thanh niên đi làm xa về, đám con nít trông vẫn khá yêu đời, yêu xuân lắm. Chúng luôn miệng “Xuân ơi xuân xuân đã về, có nỗi vui nào hơn ngày xuân đến…” Ừ, bọn chúng thì xuân là vui nhất rồi, còn ba mẹ của chúng thì lo hết hơi…
Tết xong, Hiền ở lại chùa thêm vài ngày rồi lại ra đi. Còn tôi lại tiếp tục cuộc đời của mình với những công việc quen thuộc nơi một ngôi chùa quê hẻo lánh. Qua tết trời ấm dần lên và thỉnh thoảng có nắng. Bọn con nít trong xóm lại đến trường, lại thỉnh thoảng sang nhờ tôi chỉ bài và cũng nhờ luôn việc dán diều. Không biết từ khi nào tôi đã có thêm được cái tài dán diều. Và cái tài này không ngờ lại quy tụ được bọn nhỏ. Thú thực thì bọn nhỏ thích Hưng và Hiền hơn tôi nhiều, nhưng tôi nhờ có được những cái tài vặt nên lại dễ quy tụ bọn chúng. Những khi ngồi nhìn tụi nhóc chơi đùa, tôi trông chúng thật vô tư quá, dầu bề ngoài chúng rất đáng thương. Bọn nhóc ở xóm này, ba mẹ của chúng suốt ngày phải lo làm lụng nên bỏ bê chúng. Bọn chúng, trong đó có cả tôi trước đây, đã tự học cách để tồn tại và lớn lên.
* * *
Mùa gió nam lại một lần nữa quay trở về cái thị trấn này. Mùa gió nam bao giờ cũng là mùa ấn tượng nhất đối với tôi. Thật kỳ quái, không biết sao mình lại thích cái mùa đầy gió khô nắng cháy này. Một sự tình cờ, tôi, Hưng và Hiền đều xuất gia vào cùng mùa này. Về sau Hưng bỏ đi cũng đúng luôn độ ấy. Mỗi khi gió nam về tôi lại hay nhớ về những kỷ niệm vừa gần gũi vừa xa xăm: một cánh diều đứt dây ngoài đồng lúc còn thơ; những bước chân trần suốt ngày đi tìm tổ chim để rồi bị ba mẹ rầy la; những ngày cùng Hưng và Hiền đi học, xe đạp hư và cả ba cùng rũ nhau đi bộ; những ngày ngủ quên, bỏ cả đánh chuông tụng kinh; những lần về chơi nhà anh Hảo hái khế hái ổi… Ký ức về tuổi thơ thật lộn xộn nhưng đậm nét, đầy hồn nhiên nhưng lại gợi buồn!
Nhưng tôi không có nhiều thời gian để miên man nghĩ ngợi. Tôi phải lau chùa một ngày hai lần vì bụi, phải quần quật tưới nước cho đám cây cối luôn ở trong tình trạng thiếu nước bởi do gió nắng hành hạ. Bọn nhóc lại kéo sang chùa phụ giúp tôi tưới cây. Bọn chúng hì hục kéo nước đổ vào các xô cho tôi xách đi tưới. Tôi không nhờ vã gì bọn chúng, cũng không ấn định thời gian, ấy vậy mà cứ đúng giờ là bọn chúng lại kéo sang. Và sau mỗi lần làm việc xong, những gì có thể ăn được trong chùa tôi đều đem hết ra cho chúng. Thỉnh thoảng cũng kể cho chúng một vài câu chuyện. Tôi thì chẳng có khiếu gì trong việc kể chuyện, nhưng không biết sao bọn nhỏ lại vẫn thích nghe.
* *
Tôi đang tưới cây thì mợ tôi sang, vừa thút thít khóc vừa nói:
- Chú Nguyên, mợ có tin của Hưng rồi.
Tôi ngừng tay tưới, đứng im lặng. Mợ tưởng tôi không nghe nên lại nói:
- Chú, Hưng vừa mới gửi thư về cho mợ.
- Rứa à…
- Chú ơi, Hưng không còn tu nữa.
- Không còn tu nữa? … Cũng đành chịu thôi mợ ạ. Biết làm răng chừ.
- Nó làm rứa thì răng mợ sống nỗi.
- Hồi trước Hưng đi tu mợ nói nó làm rứa thì răng mợ sống nỗi, chừ nó không tu nữa mợ cũng nói câu nớ.
- Chú…
Mợ lại khóc và ra về. Mợ đi rồi, tôi đứng thừ người ra, không hiểu sao mình lại nói những lời ấy với mợ, thật vô lý quá. Trước đây khi Hưng bỏ đi, tôi nghĩ nếu biết Hưng ở đâu tôi sẽ lập tức đến đó đưa Hưng về, nhưng sao bây giờ biết được tin Hưng, tôi lại dững dưng thế này. Bọn nhỏ thấy tôi đứng im vậy thì hỏi:
- Răng chú không tưới cây đi?
Tôi không để ý là nãy giờ bọn nhỏ đang đứng nhìn mình, bèn hỏi lảng.
- Khi mô mấy đứa mới nghỉ hè?
- Gần rồi chú ơi.
Ừ, đúng rồi, giờ đã sang hè rồi. Thật nhanh quá, mới đó mà Hiền đã học xong một năm. Giờ đây tôi không còn muốn nghĩ gì nữa, chỉ mong Hiền được nghỉ hè sớm để về chùa. Lâu rồi không thấy anh Hảo lên chùa, tôi lo quá, không biết anh thế nào. Lần này Hiền về chúng tôi sẽ đi thăm anh.
* *
Ngày Hiền nghỉ hè về chùa cũng là ngày tôi nhận được tin Hưng chết vì tai nạn xe. Hôm đó tôi chưa kịp hỏi thăm Hiền được gì thì đã chết đứng với cái tin báo đau đớn ấy. Câu mợ tôi hoảng hốt rồi hoá điên hoá dại.
Hưng sau khi rời chùa ra đi, đã hoàn tục và xin vào làm tiếp thị cho một công ty. Trong một lần đi tiếp thị hàng, không biết sao lại đâm xe máy vào một chiếc xe tải và rồi tắt thở trên đường vào bệnh viện. Người ta liệm xác và đưa Hưng về quê. Cái chết của Hưng đã làm nhiều người thương cảm. Còn tôi, từ nhỏ đến lớn tôi chưa bao giờ thầy lòng mình đau thắt như lúc ấy, và cũng chưa bao giờ tôi lại tỏ ra bình tĩnh trước một sự cố tang thương thế ấy. Hiền khóc nhưng vẫn tỏ ra bình tĩnh. Tôi thấy Hiền đã chững chạc và trưởng thành hơn nhiều.
Nửa tháng sau ngày đám tang Hưng, tôi và hiền sắp xếp về thăm anh Hảo. Tiếp chúng tôi là mẹ anh. Bà tỏ ra rất vui mừng khi thấy tôi và Hiền, tuy thế trên khuôn mặt vẫn thoáng nét buồn. Bà hỏi thăm chúng tôi đủ chuyện, từ chuyện cuộc sống ở chùa cho đến việc học hành của Hiền, nhưng bà không biết chuyện Hưng đã qua đời. Và tôi cũng cố gắng lảng tránh vấn đề để bà đừng nhắc đến Hưng. Tôi nhìn quanh nhà và thấy có ít nhiều thay đổi. Tôi vừa định hỏi anh Hảo, thì như hiểu ra ý tôi bà đã vội nói:
- Hảo hôm nay sang nhà ba mẹ vợ giúp việc, chắc đến tối mới về; còn Dịu thì đang làm sau vườn.
Nghe vậy, Hiền hỏi, giọng đầy ngạc nhiên:
- Bác nói gì? Anh Hảo đi sang nhà ba mẹ vợ? Anh Hảo cưới vợ rồi à?
- Ừ, Hảo cưới vợ cũng đã mấy tháng nay rồi. Vợ nó theo đạo Thiên chúa, và Hảo bây giờ cũng đã đi lễ nhà thờ rồi. Lâu nay nó không lên chùa là vì ngại việc đó. Mọi quyết định của con cái bác ít khi can thiệp vào. Cũng duyên nghiệp với nhau thôi mấy chú ạ.
Tôi im lặng, cố gắng không tỏ ra một biểu hiện gì. Nhưng Hiền thì thở dài, không biết thở dài vì buồn hay vì thất vọng. Chúng tôi ngồi nói chuyện được một lát thì chị Dịu từ ngoài vườn đi vào. Chị vui mừng khi gặp mặt chúng tôi. Chị ra dấu nói điều gì đó nhưng tôi không hiểu. Rồi chị lại khóc, và tôi lại càng không hiểu vì sao chị lại khóc, nhưng mẹ chị thì hiểu, và cả hai cùng thút thít khóc. Trưa hôm đó chúng tôi ăn cơm tại nhà anh Hảo và chơi đến chiều mới về. Khi tiễn chúng tôi ra cổng, mẹ anh Hảo nói:
- Dịu nói ít bữa nữa sẽ lên chùa chơi, và nó muốn quy y nữa đó.
- Rứa hả bác? Hiền hỏi và nhìn sang chị Dịu.
Chị Dịu gật gật đầu.
* *
Gió Nam bắt đầu dịu dần và những ngày cuối cùng của mùa hè lặng lẽ trôi qua. Một tối, thầy tôi gọi tôi và Hiền xuống phòng. Tôi thấy hơi lạ vì từ xưa đến giờ việc này chưa từng xảy ra. Tôi gõ cửa rồi bước vào phòng thầy. Thầy ngồi im lặng, khuôn mặt thoáng nét suy tư. Chúng tôi khẻ khàng ngồi xuống một bên. Một lát, thầy hỏi:
- Hiền khi mô sẽ đi học lại?
- Bạch thầy, vài hôm nữa con phải đi rồi.
- Nguyên coi sắp xếp và đợt này cùng đi với Hiền. Vào trong nớ coi tìm một trường nào đó mà học. Thầy biết nếu con cứ ở đây như thế này thì sẽ không tốt cho con. Thầy thấy mình đã không giúp gì được cho các con.
- Nhưng…
- Không răng hết. Thầy vẫn có thể sống được một mình, còn các con thì không thể. Thôi, hai con có thể ra được rồi.
* * *
Chuyến xe đò lăn bánh đưa tôi xa dần cái thị trấn hẻo lánh, nghèo khó, nơi có ngôi chùa quê đã nuôi tôi khôn lớn và để lại trong lòng tôi nhưng ký ức sâu đậm. Đến bây giờ tôi vẫn chưa hiểu hết được thầy tôi, một con người trầm lắng và có chút gì đó lạnh lùng. Nhưng hình ảnh của thầy hôm đưa tôi lên bến xe cứ khiến tôi luôn luôn khắc khoải. Rồi một ngày nào đó tôi sẽ trở về với thầy, về với ngôi chùa quê quanh năm yên phận với những ngày mưa ngày nắng cứ đến và đi, và rồi tôi sẽ học cách để sống một mình giữa một cõi đời luôn đan xen nhiều chuyện buồn vui. Nhưng tôi cũng phải học cách làm cho tâm hồn mình không bị đống băng, biết mở rộng lòng ra với những người xung quanh.
|