Tháp đá Báo Thiên,
chùa Bút Tháp
Tháp Phổ Minh,
chùa Phổ Minh, Nam Định
Trụ biểu chùa Thiên Mụ,
bình minh trong sương mù
  
 
   
 
 
Kinh Kế Thừa Chánh Pháp
Thích Thái Hòa
Cập nhật: 23:36:00 28/02/2009

KINH  KẾ  THỪA  CHÁNH  PHÁP(1)

---------–—---------

 

                                                                     Ngài Tam Tạng Cù Đàm - Tăng Già Đế Bà,

                                                                      dịch từ Phạn sang Hán vào đời Đông Tấn.

              Tỷ Khưu Thích Thái Hòa dịch từ Hán sang Việt.

 

Tôi nghe như vậy:

Một thời Đức Phật du hóa ở nước Câu Sa La(2), cùng với đại chúng Tỷ khưu, đi đến phía Bắc làng Ngũ Sa La, trong rừng Thi Nhiếp Hòa, với những vị đệ tử lớn, thuộc hàng trưởng lão, tôn quý, cao thượng và danh đức, như Tôn giả Xá Lợi Phất, Tôn giả Đại Mục Kiền Liên, Tôn giả Đại Ca Diếp, Tôn giả Đại Ca Chiên Diên, Tôn giả A Na Luật Đà, Tôn giả Lệ Việt, Tôn giả Anan, và các vị đệ tử lớn, trưởng lão, tôn qúy, cao thượng, danh đức ngang hàng như vậy cũng điều có mặt tại làng Ngũ Sa La, tất cả đều ở bên cạnh ngôi nhà lá của Đức Phật.

Bấy giờ đức Thế Tôn gọi các Tỷ khưu:

Hỡi qúy vị! Hãy thực hành sự kế thừa chánh pháp, chứ đừng thực hành việc kế thừa ăn uống.(3)

Vì sao? Vì tôi thương xót hàng đệ tử, muốn khuyên bảo qúy vị rằng: Hãy thực hành việc kế thừa chánh pháp chứ không nên thực hành việc kế thừa ăn uống.

Nếu qúy vị thực hành việc kế thừa ăn uống mà không thực hành việc kế thừa chánh pháp, thì tự thân của qúy vị xấu xa đã đành mà tôi cũng không có danh dự.

Nếu qúy vị thực hành việc kế thừa chánh pháp, mà không thực hành việc kế thừa ăn uống, thì chính bản thân của qúy vị tốt đẹp đã đành, mà tôi cũng có danh dự.

Tại sao? Các đệ tử tu hành theo đấng Giác Ngộ mà kế thừa sự ăn uống, chứ không phải là kế thừa chánh pháp?

Sau khi ta ăn no đủ rồi, việc ăn đã xong, đồ ăn dư còn lại, sau đó có hai vị Tỷ khưu đến, đói khát, sức lực yếu kém, tôi nói với họ rằng: ''Ta đã ăn no đầy đủ rồi, việc ăn đã xong, còn thức ăn dư thừa, nếu qúy vị muốn ăn thì hãy lấy mà ăn-nếu qúy vị không lấy, thì tôi sẽ đem nó đổ trên đất không có cỏ xanh; hoặc đem nó đổ vào trong nước không có côn trùng(4).

Trong hai vị Tỷ khưu ấy, vị Tỳ khưu thứ nhất liền nghĩ như thế này:

'' Đức Thế Tôn đã thọ thực rồi, việc ăn đã xong, thức ăn dư còn lại, nếu ta không lấy, thì chắc chắn đức Thế Tôn sẽ đem nó đổ trên đất không có cỏ xanh, hoặc Ngài lại đem nó đổ vào trong nước không có côn trùng, nay ta thà lấy thức ăn dư thừa ấy mà ăn, nghĩ như vậy xong, vị Tỷ khưu liền lấy thức ăn dư đó mà ăn.''

Vị Tỷ khưu ấy lấy và ăn thức ăn nầy xong, dẫu rằng vị ấy có được sự an ổn, dễ chịu một ngày, một đêm, nhưng vì vị Tỷ khưu ấy lấy thức ăn dư thừa đó mà ăn, nên Đức Phật không vừa ý.

Vì sao? Vì Tỷ Khưu ấy lấy thức ăn dư thừa đó mà ăn, nên không thành tựu hạnh ít ham muốn, hạnh biết nhàm chán, hạnh biết vừa đủ, hạnh nuôi sống đơn giản, hạnh thỏa mãn dễ dàng, không thể biết đúng lúc, không thể biết tiết chế, không thể tinh tấn, không thể ngồi yên lắng, không thể có tịnh hạnh, không thể sống viễn ly, không thể đạt được nhất tâm, không thể thành tựu tinh cần, cũng không thể chứng đắc Niết bàn.

Vì do vị Tỷ khưu ấy, lấy và ăn thức ăn dư mứa, nên không vừa ý của đức Phật.

Như vậy, gọi rằng các đệ tử, vì thực hành việc kế thừa ăn uống mà nương dựa theo Phật, chứ không phải vì kế thừa chánh pháp.

Thế nào là những vị đệ tử thực hành việc kế thừa chánh pháp mà không phải thực hành việc kế thừa ăn uống?

Trong hai vị Tỷ khưu kia, thì vị Tỷ khưu thứ hai liền suy nghĩ như vậy:

'' Đức Thế Tôn ăn rồi, việc ăn đã xong, còn lại thức ăn dư mứa, nếu ta không lấy dùng, thì chắc chắn rằng, đức Thế Tôn sẽ đem nó đổ trên đất không có cỏ xanh, hoặc Ngài lại đem nó đổ vào trong nước không có côn trùng.

Lại nữa, đức Thế Tôn đã từng dạy rằng: '' Sự thấp kém nhất trong thức ăn là thức ăn dư mứa. Tôi nay thà đói khát, chứ không thể nhận lấy thức ăn này!

Suy nghĩ như vậy xong, vị ấy liền không dùng thức ăn dư mứa''.

Sau khi vị Tỷ khưu ấy không thọ dùng thức ăn dư mứa, tuy sống một ngày, một đêm không an ổn, khó chịu, nhưng vị Tỷ khưu ấy, do không thọ dùng thức ăn dư mứa, nên đã đạt được sự vừa ý của đức Phật.

Tại vì sao? Vì vị Tỷ khưu ấy, do không thọ dùng thức ăn dư mứa, nên thành tựu hạnh ít tham muốn, thành tựu hạnh biết vừa đủ, hạnh nuôi sống đơn giản, hạnh dễ thỏa mãn, đạt được sự biết đúng lúc, đạt được sự tiết chế, đạt được sự tinh tấn, đạt được sự ngồi yên lặng, đạt được tịnh hạnh, đạt được đời sống viễn ly, đạt được tâm thuần nhất, đạt được sự tinh cần và cũng có thể chứng đắc Niết bàn.

Bởi, vị Tỷ khưu ấy, do không thọ dụng thức ăn dư mứa, nên đã có thể đạt được ý của đức Phật.

Như vậy, gọi rằng các đệ tử, vì kế thừa chánh pháp mà tu tập, mà nương tựa theo hạnh của đức Phật, chứ không phải vì kế thừa sự ăn uống.

Bấy giờ, đức Thế Tôn nói với các đệ tử rằng:

Nếu bậc Đạo sư cao thượng, có pháp và luật, thích an trú đời sống viễn ly(5), nhưng hàng đệ tử trưởng thượng(6), không thích an trú đời sống viễn ly, thì pháp và luật của vị Đạo sư kia không thể đem lại lợi ích cho nhiều người và nhiều người không thể có an lạc; là vì không thương xót cõi đời, cũng không phải vì mong cầu nghĩa lợi, hữu ích, an lạc, và hạnh phúc cho chư thiên và loài người.

Nếu bậc Đạo sư cao thượng có pháp và luật, thích an trú đời sống viễn ly, nhưng hàng đệ tử bậc trung và bậc hạ, không thích an trú đời sống viễn ly, thì pháp và luật của vị Đạo sư ấy, không thể đem lại lợi ích cho nhiều người, và nhiều người không thể có an lạc, không phải vì thương xót cõi đời, cũng không phải mong cầu nghĩa lợi và hữu ích, an lạc và hạnh phúc cho chư thiên và loài người.

Nếu bậc Đạo sư  cao thượng, có pháp và luật, thích an trú đời sống viễn ly, hàng đệ tử thượng túc cũng thích an trú đời sống viễn ly, thì pháp và luật của vị Đạo sư kia, mới đem lại lợi ích cho nhiều người, và nhiều người đạt được sự an lạc, là vì thương xót cõi đời, và cũng vì mong cầu nghĩa lợi và hữu ích, an lạc và hạnh phúc cho chư thiên và loài người.

Nếu bậc Đạo sư cao thượng, có pháp và luật, thích an trú đời sống viễn ly, hàng đệ tử bậc trung và bậc hạ, cũng thích an trú đời sống viễn ly, thì pháp và luật của vị Đạo sư kia, mới đem lại lợi ích cho nhiều người, và nhiều người đạt được sự an lạc, là vì thương xót cõi đời, và cũng vì mong cầu nghĩa lợi và hữu ích, an lạc và hạnh phúc cho chư thiên và loài người.

Bấy giờ, Tôn giả Xá Lợi Phất cũng có mặt ở trong Hội chúng, nên ngay lúc đó, đức Thế Tôn gọi Tôn giả mà bảo rằng:

'' Hỡi Xá Lợi Phất, Thầy nên vì các thầy Tỷ khưu mà hãy thuyết pháp đúng pháp. Tôi đau lưng, nay muốn nghỉ một lát''.

Tôn giả Xá Lợi Phất, vâng lãnh lời dạy của đức Phật, liền thưa rằng:'' Kính vâng, bạch đức Thế Tôn!''

Ngay lúc đó, đức Thế Tôn xếp tư y Uất đa la tăng, đem trải ở trên giường, cuộn y Tăng già lê làm gối, nằm nghiêng hông bên phải, hai chân chéo lên nhau, khởi lên ánh sáng soi chiếu, nhớ nghĩ chính xác, hiểu biết chính xác và thường nhớ rõ sự khởi sinh của ý muốn.

Bấy giờ, Tôn giả Xá Lợi Phất gọi các thầy Tỷ khưu mà bảo rằng:

'' Hỡi các Hiền! Nên biết, đức Thế Tôn vừa mới thuyết pháp với ý tóm lược rằng:

Nếu bậc Đạo sư cao thượng, có pháp và luật, thích an trú đời sống viễn ly, nhưng hàng đệ tử thượng túc, không thích an trú đời sống viễn ly, thì pháp và luật của vị Đạo sư kia, không đem lại lợi ích cho nhiều người và nhiều người không đạt được sự an lạc, không phải vì thương xót cõi đời, cũng không phải vì mong cầu nghĩa lợi và hữu ích, an lạc và hạnh phúc cho chư thiên và loài người.

Nếu bậc Đạo sư cao thượng, có pháp và luật, thích an trú đời sống viễn ly, nhưng hàng đệ tử bậc trung và bậc hạ(7) không thích sống an trú vào đời sống viễn ly, thì pháp và luật của vị Đạo sư kia, không đem lại lợi ích cho nhiều người, và nhiều người không đạt được sự an lạc, không phải vì thương xót cõi đời, cũng không phải vì mong cầu nghĩa lợi và hữu ích, an lạc và hạnh phúc cho chư thiên và loài người.

Nếu bậc Đạo sư cao thượng, có pháp và luật, thích an trú đời sống viễn ly, hàng đệ tử thượng túc cũng thích an trú đời sống viễn ly, thì pháp và luật của vị Đạo sư ấy, mới đem lại lợi ích cho nhiều người, và nhiều người đạt được sự an lạc, là vì thương xót cõi đời, và cũng vì mong cầu nghĩa lợi và hữu ích, an lạc và hạnh phúc cho chư thiên và loài người.

Nếu bậc Đạo sư cao thượng, có pháp và luật, thích an trú đời sống viễn ly,hàng đệ tử bậc trung và bậc hạ, cũng thích an trú đời sống viễn ly, thì pháp và luật của vị Đạo sư ấy, mới đem lại lợi ích cho nhiều người, và nhiều người đạt được sự an lạc, là vì thương xót cõi đời, và cũng vì mong cầu nghĩa lợi và hữu ích, an lạc và hạnh phúc cho chư thiên và loài người.

Dù rằng, đức Thế Tôn nói bài pháp nầy quá tóm tắt, nhưng mà các thầy hiểu rõ nghĩa lý đó như thế nào, và phân biệt rộng rãi như thế nào?

Lúc ấy, trong chúng có vị Tỷ khưu nói như thế này:

Thưa Tôn giả Xá Lợi Phất! Nếu các bậc trưởng lão, thượng Tôn tự tuyên bố rằng:

'' Tôi đã đạt được trí tuệ viên mãn, biết chắc chắn rằng, sự tái sanh đã hết, phạm hạnh đã lập thành, điều đáng làm đã làm xong, không còn tiếp nhận đời sau nữa''.

Các vị Phạm hạnh, nghe vị Tỷ khưu kia tự tuyên bố.'' Tôi đã được trí tuệ viên mãn'' thì họ liền hoan hỷ.

Lại có vị Tỷ khưu nói như thế này:

Thưa Tôn giả Xá Lợi Phất! Nếu có hàng đệ tử bậc trung, bậc hạ mong cầu Niết bàn vô thượng, các vị phạm hạnh, thấy những vị kia đã thực hành xong, họ liền hoan hỷ.

Như vậy, nghĩa này của các Tỷ khưu kia trình bày là không thích hợp với ý của Tôn giả Xá Lợi Phất.

Tôn giả Xá Lợi Phất nói với các Tỷ khưu kia rằng:

Hỡi chư hiền! Hết thảy hãy lắng nghe, tôi sẽ trình bày cho qúy vị.

Hỡi chư hiền! Nếu bậc Đạo sư cao thượng, có pháp và luật, thích an trú đời sống viễn ly, hàng đệ tử thượng túc, không thích an trú  đời sống viễn ly, thì có ba điều đáng chê trách đối với hàng đệ tử thượng túc ấy.

Những gì là ba? Bậc Đạo sư cao thượng, thích an trú đời sống viễn ly, nhưng hàng đệ tử thượng túc không học tập theo hạnh xả ly, đó là điều đáng chê trách đối với hàng đệ tử thượng túc. Bậc Đạo sư cao thượng, nếu có dạy về những pháp cần phải đoạn trừ, nhưng hàng đệ tử thượng túc không đoạn trừ pháp ấy, đó là điều đáng chê trách  đối với hàng đệ tử thượng túc. Đối với pháp cần phải thọ học và chứng nghiệm, thì hàng đệ tử thượng túc lại từ bỏ phương pháp thực hành, đó là điều đáng chê trách đối với hàng đệ tử thượng túc.

Nếu bậc Đạo sư có pháp và luật, thích an trú đời sống viễn ly, nhưng hàng đệ tử thượng túc không thích an trú đời sống viễn ly, thì có ba điều đáng chê trách nầy, đối với hàng đệ tử thượng túc.

Hỡi các hiền! Nếu vị Đạo sư cao thượng, có pháp và luật, thích an trú đời sống viễn ly, nhưng hàng đệ tử bậc trung và bậc hạ không thích an trú đời sống viễn ly, thì có ba điều đáng chê trách, đối với hàng đệ tử bậc trung và bậc hạ ấy.

Những gì là ba? Vị Đạo sư cao thượng thích an trú đời sống viễn ly, hàng đệ tử bậc trung và bậc hạ không học theo hạnh xả ly, đó là điều đáng chê trách đối với hàng đệ tử bậc trung và bậc hạ.

Bậc đạo sư cao thượng, nếu có dạy về những pháp cần phải đoạn trừ, thì hàng đệ tử bậc trung và bậc hạ không đoạn trừ pháp ấy, đó là điều đáng chê trách đối với hàng đệ tử bậc trung và bậc hạ. Đối với pháp cần phải thọ học và chứng nghiệm, thì hàng đệ tử bậc trung và bậc hạ, lại từ bỏ phương pháp  thực hành, đó là điều đáng chê trách đối với hàng đệ tử bậc trung và bậc hạ.

Nếu vị đạo sư cao thượng, có pháp và luật thích an trú đời sống viễn ly, nhưng hàng đệ tử bậc trung và bậc hạ không thích an trú đời sống viễn ly, thì có ba điều đáng chê trách này, đối với hàng đệ tử bậc trung và bậc hạ.

Hỡi chư hiền! Nếu bậc Đạo sư cao thượng, có pháp và luật, thích an trú đời sống viễn ly, hàng đệ tử thượng túc cũng thích an trú đời sống viễn ly, thì có ba điều đáng ca ngợi đối với hàng đệ tử thượng túc.

Những gì là ba? Bậc Đạo sư cao thượng thích an trú đời sống viễn ly, hàng đệ tử thượng túc cũng tập theo hạnh xả ly, đó là điều đáng ca ngợi đối với hàng đệ tử thượng túc.

Bậc Đạo sư cao thượng nếu có dạy về pháp cần phải đoạn trừ, hàng đệ tử thượng túc liền đoạn trừ pháp ấy, đó là điều đáng ca ngợi, đối với hàng đệ tử thượng túc.

Đối với pháp cần phải thọ học và chứng nghiệm, hàng đệ tử thượng túc học tập tinh cần, không xả bỏ phương pháp thực hành, đó là điều đáng ca ngợi đối với hàng đệ tử thượng túc.

Hỡi các hiền! Nếu bậc Đạo sư cao thượng, có pháp và luật, thích an trú đời sống viễn ly, hàng đệ tử thượng túc cũng thích an trú đời sống viễn ly, thì có ba điều đáng ca ngợi này, đối với hàng đệ tử thượng túc.

Hỡi các hiền! Nếu Bậc đạo sư cao thượng, có pháp và luật, thích an trú đời sống viễn ly, hàng đệ tử bậc trung và bậc hạ cũng thích an trú đời sống viễn ly, thì có ba điều đáng ca ngợi đối với hàng đệ tử bậc trung và bậc hạ.

Những gì là ba? Bậc Đạo sư cao thượng, thích an trú đời sống viễn ly, hàng đệ tử bậc trung và bậc hạ, cũng học tập hạnh xả ly, đó là điều đáng ca ngợi đối với hàng đệ tử bậc trung và bậc hạ.

Bậc Đạo sư cao thượng, nếu có dạy những pháp cần phải vứt bỏ, thì hàng đệ tử bậc trung và bậc hạ liền vứt bỏ pháp ấy, đó là điều đáng ca ngợi đối với hàng đệ tử bậc trung và bậc hạ.

Đối với pháp cần phải thọ học và chứng nghiệm, thì hàng đệ tử bậc trung và bậc hạ học tập chuyên cần, không xả bỏ phương pháp thực hành, đó là điều đáng ca ngợi đối với hàng đệ tử bậc trung và bậc hạ.

Hỡi các hiền! Nếu bậc Đạo sư cao thượng, có pháp và luật, thích an trú đời sống viễn ly, hàng đệ tử bậc trung và bậc hạ cũng thích an trú đời sống viễn ly, thì có ba điều đáng ca ngợi này, đối với hàng đệ tử bậc trung và bậc hạ.

Tôn giả Xá Lợi Phất, lại ca ngợi các thầy Tỷ khưu: Hỡi chư Hiền! Có pháp Trung đạo(8), có năng lực đạt được sự an trú tâm, đạt được thiền định, đạt được an lạc, là pháp thuận hợp, là pháp tuần tự, chứng đắc thần thông, chứng đắc giác ngộ, và cũng chứng đắc Niết bàn.

Hỡi chư Hiền! Thế nào là pháp Trung đạo, có năng lực đạt được sự an trú tâm, đạt được thiền định, đạt được an lạc, là pháp thuận hợp, là pháp tuần tự, chứng đắc thần thông, chứng đắc giác ngộ, và cũng chứng đắc Niết bàn?

Hỡi các Hiền! Ác là ý niệm tham dục; Ý niệm tham dục là ác và cũng là điều ác. Hãy đoạn trừ ý niệm tham dục ấy và cũng hãy đoạn trừ các tham dục thuộc về tâm niệm ác như là:(9)  Sân giận, oán kết, xan lẫn, ganh tị, dối trá, nịnh hót, không hổ, không thẹn, kiêu mạn, tăng thượng mạn, cống cao, phóng dật, đài các, thù ghét, tranh cãi…

Hỡi các Hiền! Tham cũng là ác pháp, đắm trước cũng là ác pháp, hãy đoạn trừ tham và cũng hãy đoạn trừ sự đắm trước ấy.(10) 

Hỡi các Hiền! Ấy gọi là pháp Trung đạo có năng lực đạt được sự an trú tâm, đạt được thiền định, đạt được an lạc, là pháp thuận hợp, là pháp tuần tự, chứng đắc thần thông, chứng đắc giaùc ngoä, vaø cuõng chöùng ñaéc Nieát baøn.

Hỡi các Hiền! Pháp Trung đạo lại có thể đạt được sự an trú tâm, đạt được thiền định, đạt được an lạc, là pháp thuận hợp, là pháp tuần tự, chứng đắc thần thông, chứng đắc giác ngộ, và cũng chứng đắc Niết bàn.

Hỡi các Hiền! Thế nào làpháp Trung đạo, lại có thể đạt được sự an trú tâm, đạt được thiền định, đạt được an lạc, là pháp thuận hợp, là pháp tuần tự, chứng đắc thần thông, chứng đắc giác ngộ và cũng là chứng đắc Niết bàn? Đó là con đường Thánh có tám yếu tố, từ Chánh kiến cho đến Chánh định, ấy là tám.

Hỡi chư Hiền! Đó là pháp Trung đạo, lại có thể đạt được sự an trú tâm, đạt được thiền định, đạt được an lạc, là pháp thuận hợp, là pháp tuần tự, chứng đắc thần thông, chứng đắc giác ngộ, và cũng chứng đắc Niết bàn.

Bấy giờ đức Thế Tôn cơn đau đã trừ, đã được an ổn, từ chỗ nằm khởi dậy, ngồi tư thế kiết già, Ngài khen Tôn giả Xá Lợi Phất rằng:

'' Hạnh phúc thay, hạnh phúc thay, hỡi Xá Lợi Phất! Hãy vì các thầy Tỷ khưu, mà thuyết pháp đúng như pháp.

Hỡi Xá Lợi Phất! Từ nay về sau, Thầy hãy vì các vị Tỷ khưu, mà thuyết pháp đúng như chánh pháp.

Hỡi Xá Lợi Phất! Thầy hãy luôn luôn vì các Tỷ khưu, mà thuyết pháp đúng như chánh pháp''

Bấy giờ đức Thế Tôn gọi các thầy Tỷ khưu mà bảo rằng: '' Các thầy hãy cùng nhau lãnh thọ pháp, đúng như chánh pháp để đọc tụng, tu tập và giữ gìn''

Vì sao? Vì pháp này là pháp đúng, có pháp tắc, có nghĩa lý, là căn bản của phạm hạnh, chứng đắc thần thông, chứng đắc giác ngộ và cũng là chứng đắc Niết bàn.

Hỡi những người con trong các dòng họ! Qúy vị đã cạo bỏ râu tóc, khoác áo ca sa, đã đến với lòng tin, từ bỏ gia đình, không có thiết lập gia đình để học đạo, thì phải lãnh thọ và hành trì giỏi, đúng như pháp đối với pháp này.

Đức Phật dạy như vậy, Tôn giả Xá Lợi Phất và các thầy Tỷ khưu nghe ngài dạy xong, hoan hỷ, phụng hành.

Chú giải

      I.TỔNG LUẬN.

Sở dĩ, đức Phật được gọi là Đấng giác ngộ, là do Ngài tu tập và chứng ngộ pháp .

Pháp do đức Phật chứng ngộ và tuyên bố, pháp ấy rất thiết thực trong đời sống hiện tại, không bị hạn chế bởi thời gian và không gian, là pháp không phải để nói và để tranh cãi; là pháp để tu tập và chứng ngộ, pháp ấy có khả năng hướng thượng,có khả năng dẫn đường, phải tự mình tu tập và chỉ có người thực hành mới chứng hiểu.

Pháp là vậy, nên người kế thừa pháp phải là Tăng.

Tăng do pháp tác thành, do pháp lãnh đạo, do thực hành pháp mà các căn đều thanh tịnh, các lậu hoặc nhiễm ô đều được đoạn trừ, tâm ý hoàn toàn thanh tịnh, thành tựu hết thảy các đức tính vô lậu.

Nên, Tăng là Bậc thiện hạnh, tức là Bậc đang đi trên con đường hạnh phúc cao thượng, là Bậc chánh hạnh, tức là Bậc có đời sống ngay thẳng, đúng đắn; là Bậc ứng lý hạnh, tức là Bậc có đời sống thích hợp chân lý, đúng chánh pháp, đúng lý pháp, là Bậc sống đúng như pháp hạnh, tức là Bậc sống đúng với pháp hòa kỉnh, với pháp diệt trừ sự tranh cãi, là Bậc đã và sẽ thành tựu các thánh quả giải thoát, từ quả Dự lưu cho đến quả A la hán.

Do đó, Tăng là Bậc đáng kính trọng, là Bậc đáng cúng dường, là Bậc đáng để chắp tay lễ bái, là Bậc phước điền vô thượng của chư thiên và loài người.

Tăng là vậy, nên Tăng liên hệ đến pháp, pháp liên hệ đến Phật. Phật Pháp Tăng tuy ba, nhưng thể tính chỉ là một, một ấy là pháp.

Thể tính của Phật là Pháp, và thể tính của Tăng cũng là Pháp. Do Pháp mà Tăng xác nhận đức Phật là thầy, là bậc Đạo sư và cũng do Pháp mà đức Phật xác nhận Tăng là đệ tử, là những bậc thiện hạnh, là Bậc đồng hành.

Do đó Pháp đưa Tăng về với Phật và khiến Phật luôn luôn hiện hữu ở trong Tăng.

Bởi vậy, kế thừa Pháp không ai khác hơn là Tăng. Pháp của Phật có được hiển thị và phổ biến để đem lại an lạc và hạnh phúc cho mọi người và mọi loài hay không, điều đó hoàn toàn tùy thuộc vào Tăng.

Thành viên của tăng là những Tỷ khưu đúng pháp và thanh tịnh, đó là những người xuất gia tu tập, không phải để kế thừa cơm áo, tài sản, địa vị mà là để kế thừa chánh pháp, kế thừa đời sống của bậc Đạo sư; kế thừa hạnh vứt bỏ ác pháp của bậc Đạo sư; kế thừa sự tinh cần thọ học và chứng nghiệm chánh pháp của bậc Đạo sư. Nếu không như vậy, thì không phải là bậc kế thừa chánh pháp; nếu không như vậy, thì không phải là người có chí lớn đối với thiện pháp, và không phải là người có lòng hiếu kính đối với bậc Đạo sư, là kẻ làm tổn danh đức của bậc Đạo sư.

Chính trong kinh này đức Phật dạy:

'' Hỡi qúy vị! Hãy thực hành sự kế thừa chánh pháp, chứ đừng thực hành việc kế thừa ăn uống.

Vì sao? Vì tôi thương xót hàng đệ tử, muốn khuyên bảo qúy vị rằng:

Hãy thực hành việc kế thừa chánh pháp, chứ không nên việc kế thừa ăn uống.

"Nếu qúy vị thực hành việc kế thừa ăn uống mà không thực hành việc kế thừa chánh pháp, thì tự thân của qúy vị xấu xa đã đành mà tôi cũng không có danh dự.

Nếu qúy vị thực hành việc kế thừa chánh pháp mà không thực hành việc kế thừa ăn uống, thì chính bản thân của qúy vị tốt đẹp đã đành, mà tôi cúng có danh dự.''

Danh dự của thầy chính là danh dự của trò, và danh dự của trò chính là danh dự của thầy.

Thế nên, những ai tự nhận rằng, mình là đệ tử của đức Phật, thì phải kế thừa và thực hành pháp, ngoài sự kế thừa và thực hành pháp này, thì không một sự kế thừa và thực hành nào mà có danh dự đúng ý nghĩa của nó. Mạng mạch của phật pháp là ở điểm này và chỉ có điểm này là mạng mạch của phật pháp vậy.

II. Giải Thích Thuật Ngữ.

1.Theo Hán bản thì đề kinh này là ''Cầu pháp''

Theo Pàli bản, thì đề kinh là''Dhammdàyàdà''.

Từ ngữ dàyàdà, có nghĩa là người thừa kế, người thừa hưởng, người kế tục...

Vậy, Dhammdàyàdà là người kế thừa chánh pháp. Và Dhammdàyàdà sutta là kinh đức Phật dạy về sự kế thừa chánh pháp.

Dhammdàyàdà mà ngài Tăng Già Đề Bà dịch là ''Cầu pháp'', chữ ''cầu'', phải hiểu là ''mong muốn kế thừa''. Nghĩa là mong muốn ''kế thừa chánh pháp''.

2.Câu sa la: là chuyển từ chữ kósala của Phạn hoặc Pàli.

Đây là tên của một quốc gia do vua Ba Tư Nặc trị vì vào thời đức Phật.

Kósala, Hán còn chuyển âm là ''Công xảo'' hoặc ''Vô môn chiến''.

Kósala là tên nước và Sàsavatthi (Xá vệ) là kinh đô.

Địa danh này hiện nằm phía nam Ấn Độ.

3.Hán: '' Chư Tỷ khưu! Nhữ đẳng đương hành cầu pháp, mạc hành cầu ẩm thực''

Dịch sát phải là: '' Hỡi các Tỷ khưu! Qúy vị, nên thực hành sự cầu pháp, đừng thực hành sự mong cầu ăn uống''.

Pàli: '' Dhamamdàyàdà me bhikkhave bhavatha mà àmisadàyàdà''.

Nghĩa là: '' Hỡi các Tỷ khưu! Hãy là kẻ kế thừa pháp của ta, đừng là những kẻ kế thừa thức ăn''.

Từ ngữ àmisa, nghĩa đen là thịt sống, là xác thịt, là đồ ăn, thức ăn.

Ngài Tăng Già Đề Bà dịch àmisa là ẩm thực.

Nghĩa bóng của àmisa là tài vật. Tài vật bao gồm các thứ như: phòng thất, giường nệm, thuốc men, áo quần và các thực phẩm khác.

Câu này, Tôi dựa và đối chiếu vào bản Pàli để dịch như sau:

''Hỡi các Tỷ khưu! Qúy vị hãy thực hành sự kế thừa chánh pháp, chứ đừng thực hành sự kế thừa ăn uống''.

4.Hán:'' Nhược nhữ bất thủ giả, ngã tiện thủ dĩ tả trước tịch địa, hoặc phục tả trước vô trùng thủy trung''.

Dịch sát phải là:'' Nếu qúy vị không lấy dùng, thì tôi liền đem nó đổ lên đất sạch, hoặc là đem nó đổ vào trong nước không có côn trùng''.

Pàli: ''Sace àkanïkha tha bhunïjatha, sace tumhe na bhunïjissatha    idànàhamï appaharite và chaddessàmi appànïake và udake opilàpessàmìta''.

Dịch:'' Nếu qúy vị muốn, hãy ăn, nếu qúy vị không muốn ăn, thì tôi sẽ vứt nó ở chỗ không có cỏ xanh, hoặc nhận chìm nó xuống trong nước không có chúng sinh.''

Như vậy, ngài Tăng Già Đề Bà đã dịch chữ appaharite là ở nơi không có cỏ xanh.

Vậy ở đây ''tịnh địa'' phải hiểu là vùng đất sạch cỏ.

Tại sao đức Phật khi ăn xong, còn lại thức ăn thừa, Ngài lại vứt bỏ vào chỗ không có cỏ xanh? Vì những lý do như sau:

      1.Vì do Ngài hành trì viên mãn về thanh tịnh giới, nên không muốn làm tổn thương bất cứ chúng sanh nào, dù đó là loài cỏ non xanh.

      2.Vì yêu chuộng và bảo vệ môi trường sống của các loài thảo mộc.

      3.Mọi hành sử của Ngài là luôn luôn ở trong ý thức chánh niệm.

Từ appànïake và udake, nghĩa đen là ''ở trong nước không có sự sống''.

Ngài Tăng Già Đề Bà dịch appanake và udake là '' Vô trùng thủy trung'' nghĩa là ở trong nước không có vi trùng.

Tại sao đức Phật đổ thức ăn dư xuống ở nước không có côn trùng?

Câu hỏi này, chuẩn theo sự trả lời của câu hỏi trên mà nghiệm biết.

5.Hán: ''Lạc trú viễn ly". Dịch sát là: ''thích an trú viễn ly".

Pàli: "Pavittassa viharati" dịch sát là "an trú đời sống viễn ly".

Từ pavivitta là tách biệt, chia cắt, sống một mình.

Trong Pàli cũng còn có một từ nữa, dùng để diễn tả đời sống viễn ly, đó là từ viveka. Từ ngữ này là phối hợp giữa Vi và Ve, có nghĩa là tách ra, tháo gỡ ra, xa lánh, sống ẩn dật.

Từ ngữ viharata, có nghĩa là dừng lại, đứng lại, điểm dừng lại để sinh sống.

Do khi dịch, Tôi có đối chiếu với bản Pàli, nên câu ''Lạc trú viễn ly'', tôi đã dịch là'' Thích an trú đời sống viễn ly".

Đời sống viễn ly là đời sống gì? Đó là đời sống tách rời sự tham dục và luyến ái. Hễ bị trói vào tham dục thì khổ đau, thoát ly tham dục, thì có an lạc và hạnh phúc.

An trú đời sống viễn ly, là an trú đời sống hoàn toàn ly dục. Dục mà viễn ly thì sanh tử không còn có cơ hội để tái sinh.

Do đó, an trú đời sống viễn ly, chính là an trú vào đời sống Niết bàn, Niết bàn là đời sống hoàn toàn không còn tham dục, không còn sân hận và không còn chấp ngã.

Không chấp ngã là đời sống viễn ly.

Viễn ly cái gì? Viễn ly tâm chấp thủ, Sắc là ngã, là lệ thuộc ngã; viễn ly tâm chấp thủ Thọ, là lệ thuộc ngã; viễn ly tâm chấp thủ Tưởng là ngã, là lệ thuộc ngã; viễn ly tâm chấp thủ Hành là ngã, là lệ thuộc ngã; viễn ly tâm chấp thủ Thức là ngã, là lệ thuộc ngã.

Do viễn ly tâm chấp thủ năm uẩn là ngã, là lệ thuộc ngã, mà không còn đời sống mộng tưởng, đời sống điên đảo.

Do viễn ly tâm chấp thủ năm uẩn là ngã, mỗi uẩn là ngã và lệ thuộc ngã, mà vượt qua sanh tử, thoát ly mọi khổ ách, thành tựu viên mãn về Niết bàn.

Hễ còn chấp thủ sắc là ngã, thọ là ngã... thì còn tham dục, thì còn sân hận, thì còn si mê... còn tất cả những thứ phiền não xấu xa đó, thì không thể thành tựu đời sống viễn ly.

Viễn ly là vậy, nên đời sống viễn ly phải là đời sống của Bậc tự chủ, tự tại, trí tuệ, uy hùng mà không phải đời sống của những kẻ tiêu cực, tầm thường.

6.Hán: ''Thượng đệ tử''. Dịch sát là:"Hàng đệ tử thượng túc, hoặc hàng đệ tử thượng tọa"

Pàli:"Therabhikkhù", hàng Tỷ khưu thượng tọa: tức là những vị Tỷ khưu tu tập thanh tịnh, có mười hạ trở lên.

7.Hán:'' Trung, hạ đệ tử": Hàng đệ tử bậc trung và bậc hạ"

Pàli:"Majjhimà bhikkhù, navà bhikkhù". Hàng Tỷ khưu trung tọa và hạ tọa.

Hàng Tỷ khưu trung tọa, là những vị Tỷ khưu tu tập thanh tịnh từ năm hạ lên đến chín hạ.

Hàng Tỷ khưu hạ tọa, là những vị Tỷ khưu mới đắc giới cụ túc cho đến bốn hạ.

8. Hán:"Trung đạo": Pàli"Majjjhimà patÏipadà". Ở đây, Trung đạo là con đường tu tập không rơi vào hai cực đoan: một là ép xác, khổ hạnh; hai là không buông lung trong các dục.

Ngươi nào tu tập theo Trung đạo, người đó không rơi vào hai hành động cực đoan là ép xác khổ hạnh và buông lung trong các dục.

Ngươi nào tu tập có nhận thức Trung đạo, vị đó không bị rơi vào chủ trương "thường kiến" và "đoạn kiến".

Sự nhận thức không rơi vào thường kiến hay đoạn kiến, gọi là sự nhận thức Trung đạo. Nhận thức này cũng còn được gọi là nhận thức hiểu rõ về"Không lý của vạn pháp" và cũng còn gọi là nhận thức thấy rõ vạn pháp đều là do "nhân duyên sinh khởi và giả định".

Một vị tu tập Trung đạo, là vị đó đang tu tập Thánh đạo. Thánh đạo là con đường đưa đến bậc Thánh được tạo nên bởi tám yếu tố: từ chánh kiến đến chánh định.

Bất cứ ai đã đi trên con đường này, thì tham sẽ bị đoạn tận, sân sẽ bị diệt tận, si sẽ bị diệt tận, phẫn nộ oán kết sẽ bị đoạn tận, hận thù, ganh tị, tật đố sẽ bị đoạn tận, bỏn xẻn, gian trá sẽ bị đoạn tận, ngoan cố, bồng bột, nông nổi sẽ bị đoạn tận, phản bội, kiêu mạn, tăng thượng mạn sẽ bị đoạn tận, phóng túng, buông lung sẽ bị đoạn tận... Tóm lại, hết thảy ác pháp đều bị diệt tận.

Mỗi khi trong đời sống, ác pháp đã bị đoạn tận, thì cái gì sanh? Là thiện pháp phát sanh, là đôi mắt trong sáng phát sanh, là trí tuệ chân thật phát sanh, là trí tuệ siêu việt phát sanh, là đời sống hạnh phúc, an lạc phát sanh, là đời sống giác ngộ phát sanh. Và là Niết bàn có mặt.

Vậy, phải biết rằng, Trung đạo hay Thánh đạo tám yếu tố là pháp môn tu tập căn bản của đạo Phật.

Nếu như ai đó, không tu tập theo pháp Thánh đạo này, thì không thể có an lạc và hạnh phúc, không thể có giác ngộ và Niết bàn.

Nói rõ hơn, nếu người tu tập mà không học và không hành Thánh đạo này, thì người đó không phải là đệ tử Phật, không phải là người tu theo Phật.

Thế mới biết rằng: Thánh đạo tám yếu tố quan trọng đến chừng nào trong giáo lý đạo Phật.

Khởi đầu của sự chuyển vận pháp luân, đức Phật cũng nói về Thánh đạo tám yếu tố này, cho năm anh em Kiều Trần Như tại vườn Nai và khi kết thúc sự chuyển vận chánh pháp tại rừng Ta La Song Thọ, đức Phật cũng nói Thánh đạo tám yếu tố này cho ông Tu Bạt Đà La.

Do đó, Thánh đạo tám yếu tố là giáo pháp xuyên suốt cả cuộc đời hoằng pháp của đức Phật.

Bởi vậy, Thánh đạo tám yếu tố là pháp và pháp chính là Thánh đạo tám yếu tố này.

9.Hán: ''Niệm dục ác, ác niệm dục diệc ác, bỉ đoạn niệm dục, diệc đoạn niệm ác như thị...''

Đoạn này trong Pàli hiện bản tôi đang sử dụng để đối chiếu không có.

10.Hán: ''Tham diệc ác, trước diệc ác, bỉ đoạn tham, diêïc đoạn trước...'' Nghĩa là:''tham cũng là ác pháp, đắm trước cũng là ác pháp, hãy đoạn trừ tham và cũng hãy đoạn trừ sự đắm trước ấy...''

Pàli: Lobhïo ca pàpako dọsọ ca pàpako, lobhassa ca pahànàya dosïassïa ca pahànàya atthi majjhimà patïipadà...'' nghĩa là ''tham là ác pháp, và sân cũng là ác pháp, có pháp Trung đạo đoạn trừ tham, đoạn trừ sân''

Lobha là tham, là thèm muốn, thèm thuồng.

Dosïa là sân, là giận hờn, sự giận hờn, do ước muốn thấp kém không được thỏa mãn.

Pàpaka là xấu ác, là bất thiện, là tội lỗi, là ác pháp.

Vậy, lobha, dosïa luôn luôn gắn liền với pàpaka. Hay nói rõ hơn, tham và sân luôn luôn gắn liền với bất thiện, với tội lỗi, với ác pháp, với điều không phải luân thường.

Từ ngữ lokha và dosïa luôn luôn đi kèm với từ ngữ moha. Moha là sự mờ tối hay ngu muội của tâm hồn.

Nói cách khác, moha là si mê, tức là tâm hồn ngu muội.

Do tâm có tham, sân và si hay có lobha, dosïa, moha mà các thứ ác pháp, bất thiện khác của tâm như: xan tham, bỏn xẻn, tật đố, ganh tị, siểm khúc, phẫn nộ, nhác nhớn...phát sinh.

Nếu một vị tu tập, khiến tham tâm vắng mặt, sân tâm vắng mặt, si tâm vắng mặt, thì hết thảy những thứ phiền não ăn theo ấy, không còn tác nhân, tác duyên để sinh khởi.

Tâm không còn phiền não, là tâm của người hành trì Thánh đạo, đó là tâm của bậc Thánh. Tâm ấy là tâm của bậc thánh và Thánh ấy là Thánh của tâm.

Như vậy, một vị tu tập giỏi, vị ấy không đi tìm kiếm sự an lạc ngoài tâm, không đi tìm hạnh phúc ngoài tâm, hay không đi tìm kiếm Niết bàn ngoài tâm, mà vị ấy chỉ ''lắng tâm'', có nghĩa là làm cho tâm ngưng lắng hết thảy phiền não, thì an lạc và hạnh phúc, Niết bàn và giác ngộ tự có, giác ngộ và Niết bàn chỉ có mặt với ai, mà tâm của họ không còn một mảy may phiền não.

 

III. NỘI DUNG KINH.

Kinh Kế Thừa Chánh Pháp, nằm ở trong Trung Bộ của kinh tạng Nam Truyền và là nằm trong Trung A Hàm thuộc kinh tạng Bắc Truyền.

Nội dung của kinh này gồm có ba phần.

 

A: TỰ PHẦN:

Duyên khởi của Kinh này, là do đức Phật thương xót hàng đệ tử mà dạy, chứ không có một vị Tỷ khưu hoặc Cư sĩ nào đứng ra thưa thỉnh.

Nên kinh này thuộc ''Vô vấn tự thuyết".

Tự phần của kinh này là từ "Tôi nghe như vậy", cho đến "tất cả đều ở bên cạnh ngôi nhà lá của đức Phật"

Trong phần mở đầu của kinh này, đã nêu ra các dự kiện để làm chứng cứ hoặc là những thành tựu của một bản kinh do đức Phật nói như sau:

        1.Thời gian: Lúc bấy giờ.

        2.Không gian: Nước Câu Bà La.

        3.Chủ pháp: Đức Phật.

        4.Pháp : Kế thừa pháp, không kế thừa tài sản, thức ăn.

       5.Thính giả: Chúng đại Tỷ khưu thuộc hàng Trưởng lão Tôn qúy và danh đức như các ngài: Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, Đại Ca Diếp, Đại Ca Chiên Diên, A Na Luật Đà, Lệ Việt, Anan và nhiều vị đệ tử lớn của đức Phật nữa.

     

      B.CHÁNH TÔNG:

Phần chánh Tông của kinh này là từ "Bấy giờ, đức Thế Tôn gọi các Tỷ khưu…" cho đến "Hãy thuyết pháp đúng như chánh pháp.”

Trong phần này có ba điểm đáng chú ý.

      1.Phần do đức Phật trình bày.

         a.Kế thừa pháp, không kế thừa ăn uống:

Do thương mến hàng đệ tử mà đức Phật mới nói điều này. Và cũng do thấy rõ sự liên hệ chặt chẽ giữa thầy và trò trong việc kế thừa pháp hay không phải kế thừa pháp mà đức Phật nói lên điều này,

        b.Minh họa của kinh:

Đức Phật đã minh họa phần nội dung kế thừa pháp và không phải kế thừa pháp, qua câu chuyện của hai vị Tỷ khưu, trong đó một vị do đói mà đã ăn thức ăn dư thừa của đức Phật. Và một vị khác cũng đói, nhưng nỗ lực nhiếp phục đói, chứ không ăn thức ăn dư thừa của đức Phật.

Vị này do nhớ rõ lời dạy của đức Phật "Hãy thực hành việc kế thừa chánh pháp, đừng thực hành sự kế thừa ăn uống", nên đã không ăn thức ăn dư của đức Phật.

Bởi vậy, vị Tỷ khưu này, đã đạt được tâm ý của Phật, đã được đức Phật tán thán, đó là vị kế thừa chánh pháp của Phật mà không phải kế thừa thức ăn.

Một vị tu tập kế thừa pháp mà không kế thừa thức ăn, thì sẽ có lợi ích gì?

Điều này, Kinh đã minh họa như sau:

1.                     Vị đó thành tựu hạnh ít muốn.

2.                     Thành tựu hạnh biết đủ.

3.                     Thành tựu hạnh biết nhàm chán.

4.                     Thành tựu hạnh nuôi dưỡng đơn giản.

5.                     Thành tựu hạnh dễ thỏa mãn.

6.                     Thành tựu hạnh biết đúng lúc.

7.                     Thành tựu hạnh tiết chế.

8.                     Thành tựu hạnh ngồi yên lặng.

9.                     Thành tựu đời sống tịnh hạnh.

                  10.        Thành tựu đời sống viễn ly.

                  11.      Thành tựu được tâm thuần nhất.

                  12.      Thành tựu được sự tinh cần.

                  13.      Thành tựu được Niết bàn.

Và trái lại, một vị tu tập mà không kế thừa pháp, chỉ kế thừa thức ăn, kế thừa tài vật, thì không thể thành tựu các hạnh cao qúy nói trên, mà còn bị ác pháp, ác dục lôi kéo, nhận chìm mất hết Thánh đạo.

         c.Kế thừa pháp là kế thừa đời sống viễn ly:

Trong kinh đức Phật nêu lên kế thừa pháp, chính là kế thừa đời sống viễn ly.

Thầy có đời sống viễn ly và học trò theo thầy là thực tập theo hạnh viễn ly ấy, có như vậy, thì lời dạy viễn ly của đức Phật mới có tác dụng thiết thực và lợi ích, an lạc cho chư thiên và loài người.

Và do đời sống của thầy là viễn ly, học trò theo học với thầy là theo học và sống theo hạnh viễn ly ấy. Có như vậy, thì lời dạy của thầy mới có đầy đủ cả hai chất liệu là tự giác và giác tha.

Nếu đời sống của thầy là viễn ly mà đời sống của trò không viễn ly, thì đời sống đó mới có chất liệu tự giác, mà chưa có đủ chất liệu giác tha; đời sống đó, mới là đời sống của trí tuệ mà chưa có đời sống của từ bi.

Trong đời sống, có chất liệu của tự giác và giác tha, có chất liệu của trí tuệ và từ bi, thì đời sống ấy mới có lợi ích cho đời, đem lại tình thương cho đời.

Trái lại, thầy có đời sống viễn ly, học trò không học tập theo hạnh viễn ly, không sống theo hạnh viễn ly, thì ý nghĩa chân thật của thầy và trò đã không còn, và chẳng còn gì gọi là ý nghĩa kế thừa? Còn gì của ý nghĩa ''truyền đăng tục diệm"?

2. Phần của Tôn giả Xá Lợi Phất khai triển:

Sau khi đức Phật đã dạy cho đại chúng nghe một cách tóm tắt về sự kế thừa pháp mà không kế thừa thức ăn, cũng như dạy về đời sống viễn ly của bậc Đạo sư và sự tùy thuận, tùy học hay không tùy thuận và không tùy học theo hạnh ấy của những hàng đệ tử xong, thì Ngài yên nghỉ, và trao buổi pháp thoại lại cho Tôn giả Xá Lợi Phất.

Bấy giờ, Tôn giả Xá Lợi Phất tiếp tục khai triển rộng bài pháp của đức Phật vừa mới giảng cho đại chúng.

Nội dung khai triển của Tôn giả Xá Lợi Phất đối với bài pháp thoại do đức Phật giảng dạy, gồm có những điểm chủ yếu như sau:

      a.Trùng thuật:

Tôn giả trùng thuật lại lời dạy về đời sống viễn ly của đức Thế Tôn , mà chủ yếu là sự quan hệ giữa thầy và trò trong đời sống ấy.

      b.Trắc nghiệm:

Trước khi khai triển sâu và rộng bài pháp thoại do đức Phật dạy, Tôn giả Xá Lợi Phất đã trắc nghiệm lại khả năng tiếp thu của hội chúng đối với bài pháp thoại ấy.

Bấy giờ, trong Hội chúng đã có hai vị Tỷ khưu đứng dậy phát biểu ý kiến lãnh hội của mình, nhưng hai ý kiến ấy đều không phù hợp ý của Tôn giả Xá Lợi Phất, do đó Tôn giả Xá Lợi Phất mới trình bày sâu rộng thêm về bài pháp thoại do đức Phật nói.

      c.Nêu rõ khen và chê:

(Nêu rõ khen:

Tôn giả nêu rõ những hàng đệ tử theo bậc Đạo sư để học hạnh viễn ly và sống đúng theo hạnh ấy, thì có ba điều đáng khen.

(Điều 1: Đạo sư sống theo hạnh viễn ly, hàng đệ tử tùy học, tùy thuận sống đúng theo hạnh viễn ly đó.

(Điều 2: Đạo sư dạy về pháp cần phải đoạn trừ, hàng đệ tử nỗ lực đoạn trừ những pháp gì mà đức Đạo sư  đã chỉ dạy.

(Điều 3: Đối với pháp cần phải thọ học và chứng nghiệm, hàng đệ tử nỗ lực hành trì, không phế bỏ.

      (Nêu rõ chê:

Tôn giả nêu rõ những hàng đệ tử theo bậc Đạo sư  mà không sống đúng như những gì bậc Đạo sư đã dạy, thì những hàng đệ tử đó có ba điều đáng chê trách.

(Điều 1: Bậc Đạo sư sống theo hạnh viễn ly, nhưng hàng đệ tử không học tập và sống theo hanh viễn ly ấy.

(Điều 2: Bậc Đạo sư dạy về những pháp cần phải đoạn trừ, nhưng hàng đệ tử không nỗ lực đoạn trừ pháp ấy.

(Điều 3: Đối với pháp cần phải thọ học và chứng nghiệm, thì hàng đệ tử lại giải đãi, phế bỏ những phương tiện hành trì.

      d.Nêu rõ pháp hành trì:

Điều quan trọng về việc khai triển bài pháp thoại này, là ngài Xá Lợi Phất đã nêu rõ pháp hành một cách cụ thể cho thính chúng.

Pháp hành ấy là pháp gì? Đó là pháp Trung đạo, là pháp Bát chánh đạo.

1.Tác dụng của pháp hành:

Ở đây, tác dụng của pháp hành là gì? Tôn giả Xá Lợi Phất đã nêu rõ: đó là sự đem lại trú tâm, thiền định, an lạc, thuận pháp, tuần tự pháp, thần thông, giác ngộ và Niết bàn.

Ở đây, Tôn giả Xá Lợi Phất đã nêu rõ tác dụng của pháp hành hành là gì? Đó là loại trừ hết thảy ác pháp.

Tiêu biểu cho ác pháp mà pháp hành loại trừ là:

Tham, oán kết, xan lẫn, ganh tỵ, dối trá, nịnh hót, không tàm, không qúy, kiêu mạn, tăng thượng mạn, cống cao, phóng dật, đài các, thù ghét, tranh cãi.

Tất cả ác pháp này, có gốc rễ từ tâm ý. Trong đó tham và sân là chủ nhân ông.

Tôn giả Xá Lợi Phất nói: "Ác là ý niệm tham dục, ý niệm tham dục là ác và cũng là điều ác".

Điều này cần nói thêm rằng: Trong mười nghiệp đạo, thì ba nghiệp thuộc về ý, nó vừa là nghiệp và vừa là đạo, còn bảy nghiệp của thân và ngữ, thì nó là con đường của ý nghiệp đi qua và là môi trường hoạt động của ý nghiệp.

Bởi vậy, Tôn giả Xá Lợi Phất bảo rằng:" ác là ý niệm tham dục, ý niệm tham dục là ác và cũng là điều ác".

Tôn giả Xá Lợi Phất, xác định lại một lần nữa, cho thính chúng rằng: "Tham cũng là ác pháp, đắm trước cũng là ác pháp, hãy đoạn trừ tham và cũng hãy đoạn trừ sự đắm trước ấy".

Đắm trước đây, là đắm trước vào những gì do tham đem lại, do tham săn đuổi mà có được.

Tham săn đuổi mà có được, thì liền phát sinh ra đắm trước, chấp thủ. Nếu săn đuổi đối tượng mà không được, liền phát sinh sân hận, oán kết.

Tham và đắm trước hay tham và sân là những thứ phiền não căn bản luôn luôn gắn liền với nhau, luôn luôn cùng nhau câu hữu và cùng nhau hoạt động trong chiều hướng thấp kém của tâm.

Hễ tham, thì làm cho tâm mờ tối, ngu muội, mù quáng. Tâm mờ tối, ngu muội, mù quáng là tâm si.

Như vậy, trong bản chất của tham là có si.

Nói rõ hơn, hễ tham là ngu si, không tham là sáng suốt.

Hễ có tham, là có bất mãn, có bất mãn là có sân. Có sân là có sự đốt cháy tâm hồn, là có ý nghĩ và hành động ngu muội và mù quáng.

Như vậy, trong bản chất của tham là có  sân và si.

Nói rõ hơn, hễ tham là đốt cháy hết thảy mọi sự an lạc của tâm hồn.

Bởi vậy, Tôn giả Xá Lợi Phất nói với Hội chúng rằng, "tham cũng là ác pháp, đắm trước cũng là ác pháp, hãy đoạn trừ tham và cũng hãy đoạn trừ sự đắm trước ấy".

      2.Phần ấn chứng của đức Phật:

Sau khi Tôn giả Xá Lợi Phất thay thế đức Phật nói rộng nghĩa của pháp thoại xong, Tôn giả đã được đức Phật ấn chứng là đã nói đúng pháp. Và Tôn giả đã được đức Phật khích lệ rằng: Về sau tiếp tục thuyết pháp đúng pháp cho Hội chúng.

Tôn giả Xá Lợi Phất khai triển bài pháp thoại này, và Tôn giả đã được đức Phật ấn chứng, nhằm nói lại ý nghĩa sâu xa rằng: Pháp do đức Phật nói ra, pháp ấy đã thành tựu. Vì pháp ấy có người nghe, hiểu và họ trì.

Pháp đó viên mãn cả hai mặt gồm: Tự giác và Giác tha.

Kết quả của giác tha mà đức Phật thành tựu, đó là qua sự nghe hiểu và hành trì của Tôn giả Xá Lợi Phất và Hội chúng.

Pháp do đức Phật nói ra, pháp đó đã có người kế thừa, người kế thừa ấy, chính là Tôn giả Xá Lợi Phất. Pháp ấy đã có người tùy thuận và tùy học, mà tiêu biểu là Tôn giả Xá Lợi Phất và Hội chúng.

Pháp do đức Phật nói ra, pháp đó mang đủ cả hai chất liệu thầy và trò. Thầy an trú vào đời sống viễn ly và trò cũng sống an trú viễn ly. Thầy là đức Phật và trò là Tôn giả Xá Lợi Phất.

Pháp do đức Phật nói ra, pháp đó mang đủ cả hai chất liệu là Trí tuệ và Từ bi.

Do thành đạt Trí tuệ mà đức Phật thấy rõ pháp, do Từ bi mà đức Phật tuyên bố pháp ấy cho Hội chúng, cho mọi người và mọi loài. Và người có khả năng tiếp nhận sự công bố ấy, tiêu biểu là Tôn giả Xá Lợi Phất, Ngài là Bậc đại trí.

Bởi vậy, trong bài pháp thoại này, đức Phật đã ấn chứng cho Tôn giả Xá Lợi Phất là vị kế thừa pháp và vị có khả năng thuyết pháp cho Hội chúng.

   

      B.LƯU THÔNG PHẦN.

Phần lưu thông là từ:''Bấy giờ, đức Thế Tôn gọi các thầy Tỷ khưu mà bảo rằng..." cho đến " hoan hỷ phụng hành".

Trong phần này có bốn điểm đáng chú ý.

      1.Phần khiến học và khiến thọ:

Đức Phật gọi các Tỷ khưu mà bảo họ rằng: " Qúy vị hãy lãnh thọ pháp đúng như pháp để đọc tụng, tu tập và giữ gìn".

       2.Khẳng định lại nội dung của pháp thoại và tác dụng của pháp hành:

Ở điểm này, đức Phật nói:" Vì pháp này là pháp đúng, có phép tắc, có nghĩa lý, là căn bản của phạm hạnh, chứng đắc thần thông, chứng đắc giác ngộ và Niết bàn".

       3.Nhắc lại chí nguyện xuất gia:

Đức Phật nhắc lại hạnh nguyện xuất gia là phải thọ học và hành trì đúng pháp.

Có như vậy, mới không phụ tâm chí xuất gia và cũng không phản bội sự hy sinh về đời sống thế tục.

      4.Tín thọ và phụng hành:

Tín mà không thọ thì tín chưa phải thành. Do đó, tín luôn luôn đi kèm với thọ và đã thọ thì phải phụng hành.

Đức Phật nói pháp, hàng đệ tử tín thọ và phụng hành, đó là sự thành tựu về pháp thuyết của đức Phật.

Do hàng đệ tử có tín thọ và phụng hành pháp, khiến cho chánh pháp lưu hóa bất tuyệt, đem lại lợi ích cho hết thảy chư thiên và loài người.

IV. Đối Chiếu Giữa Bắc Truyền Và Nam Truyền.

Kinh Kế Thừa Chánh Pháp đều có ghi lại ở trong kinh tạng Bắc Truyền và Nam Truyền.

Ở trong kinh tạng Bắc Truyền, thì kinh này nằm ở trong Trung A Hàm Đại Tạng Tân Tu 1 , Kinh số 88 - tr 569, gồm có 2286 chữ.

Ở trong kinh tạng Nam Truyền, thì kinh này nằm ở trong majjhnimà Nikàya. Tên kinh là Dhamamdàyàdàsutta.

Nội dung của hai kinh có những điểm tương đồng cũng như dị biệt như sau:

1.Về không gian:

(Bắc Truyền:

Địa điểm đức Phật nói kinh này, là tại Kosala (Câu tất la) phía Bắc làng Ngũ Ta La, trong rừng Thi Nhiếp Hòa, bên cạnh ngôi nhà lá của Đức Phật.

(Nam Truyền:

Theo Nam Truyền, thì đức Phật nói kinh này tại Savathi (Xá vệ), ở tịnh xá Jetavana, trong vườn trưởng lão Cấp Cô Độc (Anathapindika).

         2.Thính chúng:

(Bắc Truyền:

Về thính chúng, Bắc Truyền ghi rõ danh tánh của các Bậc trưởng lão danh đức đệ tử của Đức Phật.

(Năm Truyền:

Nam Truyền không ghi rõ tên, mà chỉ ghi lại tổng quát, là chúng Tỷ khưu.

        3.Nội dung:

       (Bắc Truyền:

       Nội dung có những điểm như sau:

      a.Kế thừa pháp, không kế thừa thức ăn:

      b.Không kế thừa pháp mà kế thừa thức ăn là xấu cả thầy lẫn trò, và trái lại, là tốt cả thầy lẫn trò.

      c.Vì lòng thương, nên Đức Phật chỉ muốn kế thừa pháp, không kế thừa thức ăn.

      d.Đức Phật minh họa rõ hai vị Tỷ khưu. Một vị kế thừa pháp và một vị kế thừa thức ăn. Và Đức Phật đã khen vị Tỷ khưu kế thừa pháp.

      e.Đức Phật nói rõ bậc Đạo sư có pháp và luật, thích sống an trú viễn ly, hàng đệ tử thượng, trung, hạ tọa cũng đều tùy học và an trú viễn ly.

Nhờ vậy, pháp luật ấy có lợi ích, đem lại sự thương xót và an ổn cho nhiều người và chư thiên.

Và Đức Phật cũng nói rõ, nếu bậc Đạo sư có pháp và luật, thích sống an trú viễn ly, nhưng hàng đệ tử thượng, trung, hạ tọa, không tùy học, tùy sống, thì pháp và luật đó không có lợi ích, không có thương xót cõi đời, không đem lại an lạc và hạnh phúc cho chư thiên, loài người.

Nói tóm tắt về pháp thoại xong, Đức Phật muốn nghỉ, và bảo ngài Xá Lợi Phất vâng theo lời Phật dạy đã tường thuật lại lời dạy của Đức Phật về đời sống viễn ly của bậc Đạo sư, và các hàng đệ tử tùy học, hoặc không tùy học.

Nếu hàng đệ tử thượng, trung, hạ tọa, tùy thuận, tùy học, tùy hành thì có ba điều đáng khen ngợi.

Nếu hàng đệ tử thượng, trung, hạ tọa, không tùy thuận, tùy học, tùy hành thì có ba điều đáng chê trách.

Và trước khi tùy thuận và khai triển những điều đáng khen và đáng chê trách này, Tôn giả Xá Lợi Phất đã trắc nghiệm một số Tỷ khưu về sự lãnh hội bài pháp thoại do đức Phật đã nói tóm lược.

         g. Tôn giả Xá Lợi Phất đã dạy rõ Bát chánh đạo là pháp hành, để thành đạt đời sống viễn ly, đạt cứu cánh Niết bàn.

         h. Đức Phật đã xác định Tôn giả Xá Lợi Phất là bậc thuyết pháp đúng như pháp.

         i.  Đức Phật đã khích lệ các thầy Tỷ khưu lãnh thọ và thực hành pháp. Ngài cũng xác định pháp ấy là cao qúy, là pháp tu tập để chứng đắc giác ngộ và Niết bàn.

         k.  Đức Phật nhắc nhở lại tâm chí lúc ban đầu xuất gia của các thầy Tỷ khưu và một lần nữa Ngài khích lệ thọ pháp và hành trì theo pháp.

Sau lời dạy của Đức Phật, Tôn giả Xá Lợi Phất và các Tỷ khưu nghe xong, liền hoan hỷ phụng hành.

(Nam Truyền:

Nội dung kinh này ở trong Nam Truyền, có những điểm giống Bắc Truyền. Và có những điểm ở trong Bắc Truyền có ghi lại, mà Nam Truyền không có.

Những điểm Bắc và Nam Truyền giống nhau ở kinh này như:

Nội dung kinh này ở trong Nam Truyền giống Bắc Truyền về các phần a, b, c, d, i, g mà tôi đã dẫn ra ở trong phần nội dung kinh này thuộc Bắc Truyền.

Và những điểm còn lại, thì chỉ có ở trong kinh này, thuộc về Bắc Truyền, mà không có ở trong kinh này, thuộc về Nam Truyền.

Lại nữa, phần kết thúc của kinh này, thuộc về Bắc Truyền là thính chúng tín thọ, hoan hỷ và phụng hành lời Phật dạy, kể cả Tôn giả Xá Lợi Phất.

Nhưng phần kết thúc của kinh này, thuộc về Nam Truyền, thì Tôn giả Xá Lợi Phất thuyết giảng xong, các thầy Tỷ khưu hoan hỷ, tín thọ lời giảng của Tôn giả Xá Lợi Phất.

Sau khi đối chiếu nội dung của kinh này, thuộc về Bắc Truyền và Nam Truyền, tôi thấy rằng, nội dung kinh này, thuộc cả Bắc lẫn Nam đều có tính thống nhất với nhau - nhất là nó thống nhất với nhau về mục tiêu và phương pháp thực hành.

Mục tiêu của bài pháp mà Đức Phật muốn dạy là kế thừa pháp, và phương pháp thực hành đó là Bát chánh đạo.

Còn lại một số dị biệt, không phải là dị biệt về tư tưởng chủ đạo, mà chỉ dị biệt về một số minh họa, để làm sáng thêm tư tưởng chủ đạo đó.

Kinh này, thuộc về Bắc Truyền đã có những minh họa phong phú về tư tưởng chủ đạo, về phong nghi, ẩn và hiện của Đức Phật trong thời giảng pháp này.

Kinh này cũng đã minh họa về phong thái và tư chất lão luyện thuyết giảng của Tôn giả Xá Lợi Phất, khi thay thế Đức Phật để khai triển pháp thoại.

Lại nữa, phần kết thúc kinh này thuộc về Bắc Truyền là hết sức tế nhị, thông suốt và cảm động.

Nó thông suốt đến nỗi mở đầu kinh là do đức Phật và kết thúc kinh này là hàng đệ tử tín thọ và phụng hành pháp  từ Đức Phật.

Trái lại, kinh này thuộc về Nam Truyền quá gọn ghẽ. Lại còn phần kết thúc của kinh, không lột được hết ý nghĩa, là hàng thính chúng thọ và phụng hành pháp từ Đức Phật mà lại từ ngài Xá Lợi Phất.

Hiển nhiên, đây không là điều đáng tiếc của kinh, mà đó là điều đáng tiếc của những vị ghi nhớ, truyền tụng, hoặc tuyển chọn, kết tập và phiên dịch.

V. Vài Nét Về Truyền Bá Và Phiên Dịch:

Kinh này do ngài Tăng Già Đề Bà (Sanïghadeva = Chúng Thiên) dịch từ Phạn sang Hán vào đời Đông Tấn, khoảng hậu bán thế kỷ thứ IV

Ngài Tăng Già Đề Bà (Sanghadeva), người nước Kashmir ( Kế Tân), đến Trường An - Trung Quốc đời Tần vua Phù Kiên, niên hiệu Kiến Nguyên, sau đó Ngài vượt sông đến Tấn trong niên hiệu Thái Nguyên.

Ở đây, Ngài đã dịch các kinh thuộc về A Hàm, và các bộ luận như: Bát Kiền Độ Luận, A Tỳ Đàm Tâm Luận, Tâm Pháp Độ Luận, Xuất A Tỳ Đàm Luận...

Vào thời ngài Tăng Già Đề Bà, phần nhiều các kinh điển thuộc về A Hàm đã được phiên dịch qua Hán văn và các kinh điển này, đã được truyền bá rất rộng rãi ở Trung Quốc lúc bấy giờ.

Ở Việt Nam, các kinh điển Phật giáo có mặt ,muộn nhất là vào thế kỷ thứ II và thứ III như Kinh Tứ Thập Nhị Chương; Kinh An Ban Thủ Ý; Lục Độ Tập Kinh...

Nhưng, đến năm 1007 Lê Long Đỉnh lên ngôi, cử Lê Minh Xưởng và Hoàng Thành Nhã sang Tống để thỉnh Đại tạng kinh, đến 1009, Đại tạng kinh mới đưa về nước. Và đến năm 1011 vua Lý Thái Tổ mới xây dựng nhà tàng kinh Trấn Phúc để Tôn trí kinh điển. Và năm 1018, Vua mới cử hai vị là Nguyễn Đạo Thành và Phạm Hạc sang Tống để thỉnh Tam tạng kinh.

Theo nhà sử học Nguyễn Lang, thì tam Tạng kinh này, có thể là ấn bản năm 983, là ấn bản Tam tạng đầu tiên ở Trung Hoa, do vua Tống Thái Tổ ban chiếu khắc từ năm 972.

Trong Kinh này, gồm 13.000 bản gỗ, có 1076 kinh, 480 tập và 5.048 cuốn.

Năm 1020, hai vị này mới thỉnh Đại tạng kinh về đến Quảng Châu, Vua nhờ thiền sư Phi Trỉ đi đón.

Năm 1021, Vua dựng tàng kinh Bát giác để Tôn trí Đại tạng kinh này.

Như vậy, chắc chắn trong Đại tạng kinh này, đã có đủ các bản dịch về A Hàm do ngài Tăng Già Đề Bà dịch, từ Phạn sang Hán từ thế kỷ thứ tư.

Do đó, kinh Thừa Tự Pháp, hay kinh Kế Thừa Chánh Pháp này, muộn lắm là vào thế kỷ thứ XI, đã được tăng, ni, phật tử Việt Nam học tập và hành trì. Và sự học tập, hành trì ấy có thể là chưa được phổ cập lắm.

 

                                                                                                     Thiền Thất Từ Hiếu,

                                                                                     ngày 22: 03 : 1995, (27:07 Tân hợi)

                                                                                                  Tỷ khưu: Thích Thái Hòa

 

 

 
 
   
 
  
Tìm kiếm

 
  
Tìm trên:     hoangphap.info web khác
Visitor Number: 
Hôm nay