Chuyển hóa khổ đau
Nguyễn Duy Nhiên
Cập nhật: 20:07:00 16/02/2009

Chuyển hóa khổ đau

NGUYỄN DUY NHIÊN dịch

Thầy tôi, bà Dipa Ma, đã phải nhận chịu những khổ đau rất lớn trong cuộc đời, và chính đó là lý do đã đưa bà vào con đường thiền tập. Nhờ hết lòng tu tập, bà đã chuyển hóa những khổ đau cá nhân trở thành tình thương đối với muôn loài. Cuộc đời của bà giúp tôi hiểu rằng, khổ đau có thể giúp ta tiếp xúc được với những sự thật mà ta có thể sẽ không bao giờ biết đến. Cũng như nhờ trải qua những đớn đau ta mới khám phá được sự có mặt của niềm tin và tình thương ngay giữa những khốn khó. Bà Dipa Ma cũng đã chỉ cho tôi thấy, khổ đau có thể giúp ta ý thức được mối liên kết thân thiết giữa ta và người khác.

Theo phong tục Ấn Độ, Dipa Ma được hứa hôn khi bà vừa mới mười hai tuổi. Lúc mười bốn tuổi bà rời gia đình, theo chồng về Rangoon. Nơi đây chồng bà làm trong một ngành dân sự giúp việc cho chánh quyền Miến Điện. Là một người vợ trẻ tại xứ lạ quê người, xa nhà, xa quê hương, Dipa Ma kể, bà vô cùng cô đơn và cứ khóc cả ngày đêm. Chồng bà rất hiền lành, theo thời gian hai người trở nên gần gũi và rồi thật sự yêu nhau. Nhưng rồi hạnh phúc của hai người bị một thử thách lớn khi bà thấy rằng mình không thể có con. Gia đình bên chồng khuyên ông ta nên lấy thêm một người vợ lẻ. Nhiều năm trôi qua, bà Dipa Ma vẫn không có được một mặt con nào, bà cảm thấy xấu hổ và buồn tủi vô cùng.

Cuối cùng, sau hai mươi năm trời chờ đợi, đứa con gái đầu lòng của hai vợ chồng chào đời. Nhưng niềm vui ấy không kéo dài được bao lâu, đứa bé mất khi mới vừa được ba tháng. Bốn năm sau, bà sanh thêm một cháu gái thứ hai. Năm kế tiếp, bà lại có mang, nhưng đứa con trai, bà không hề thấy mặt, chết trong lúc sanh nở. Ngày tháng khóc thương những đứa con khiến sức khoẻ bà Dipa Ma ngày càng trở nên suy sụp.

Vừa khi bà mới lấy lại được chút an ổn, bà lại khám phá ra là mình đang bị một chứng bệnh tim rất nặng, bác sĩ sợ bà có thể chết bất cứ lúc nào. Trong khi sức khỏe của bà rất mỏng manh với một cái chết có thể xảy ra bất kỳ, chồng bà, một người thường ngày rất khỏe mạnh, một hôm từ sở về nhà, cảm thấy khó chịu và lên cơn sốt. Và thật không ai ngờ được, ông ta qua đời chiều hôm ấy.

Tâm thần của bà Dipa Ma từ đó hoàn toàn tan nát. Bà cảm thấy như mình đang chết lần mòn vì những khổ đau cứ tiếp đến dồn dập. Bà không ngủ được, mà cũng không có đủ sức bước ra khỏi giường. Bà không sinh hoạt gì nổi, nhưng biết rằng mình vẫn còn một đứa con nhỏ để nuôi. Một hôm, vị bác sĩ hiểu rõ nỗi khổ đau cùng cực của bà, khuyên: “Bà sẽ chết chứ không còn sức để sống đâu, trừ khi bà làm một việc gì để chuyển đổi tinh thần của bà. Bà nên học thiền đi.”

Dipa Ma lắng nghe lời khuyên của vị bác sĩ, bà suy ngẫm thật kỹ lời ông nói. Bà kể, giây phút đó bà bắt đầu tự hỏi: “Khi chết tôi sẽ đem theo với mình được những gì đây?” Suy nghĩ thật lâu, bà nói tiếp: “Tôi nhìn chung quanh tôi. Tôi nhìn lại những của hồi môn của mình – những bộ áo saris đắt tiền, những vòng vàng, châu báu – tôi biết tôi không đem theo với mình về cõi chết được. Tôi nhìn đứa con gái tôi, tôi biết mình cũng sẽ không thể đem nó theo. Vậy thì tôi sẽ đem theo được gì đây? Tôi tự nhủ, ‘Thôi, để mình đi đến những thiền viện. May chăng, mình có thể tìm được ở nơi ấy những gì mình có thể mang theo khi mình chết.’”

Thời gian ấy, bà Dipa Ma vẫn còn đang ở Miến Điện. Bà tìm được một tu viện nơi bà có thể đến học thiền. Nhưng khi bà đến nơi, sức khỏe bà sút kém đến nỗi bà phải bò lên những bậc thang tu viện để đi vào thiền đường. Dù vậy, nỗi khổ đang mang trong lòng đã là một năng lượng thúc đẩy bà tinh tấn thực tập. Trong khi hành thiền, bà quán chiếu nỗi khổ của mình một cách sâu sắc, và cuối cùng bà tìm được cho chính mình một tình thương rộng lớn, và còn cho cả mọi người và mọi loài nữa. Tình thương của bà là biểu hiện của một vết thương được chữa lành. Trải qua những khốn khó cùng cực, bà Dipa Ma đã khám phá ra được tính chất mỏng manh của cuộc sống, và sự thật là không ai có thể tránh khỏi được những mất mát và đớn đau. Và sự tu tập đã đem lại cho bà một niềm an lạc.

Dipa Ma đã trở thành một vị thầy đáng kính và uyên thâm mà tôi có duyên may được theo học tại Ấn Độ. Khi Dipa Ma khuyên tôi nên trở về Hoa Kỳ để đi dạy thiền, tôi hoài nghi lời bà nói. Tôi không hề cảm thấy mình hội đủ điều kiện để đi hướng dẫn thiền tập. Nhưng bà quả quyết với tôi: “Cô thật sự hiểu nhiều về khổ đau, vì vậy cô nên đi dạy.”

Cho dù khi Dipa Ma tiếp xúc với bất cứ ai, tôi vẫn thấy nơi bà phát ra một tình thương và một tâm từ tỏa sáng. Có lẽ nhờ nhận biết sâu sắc rằng ai ai trong chúng ta cũng đều đã gặp khổ đau trong cuộc đời, bà đã phá vỡ được hết những bức tường ngăn cách, phân biệt trong con tim của bà.

Mỗi khi nhìn lại sự tinh tấn của chính mình, tôi cảm thấy khích động và khâm phục khi tưởng đến hình ảnh một người đàn bà nhỏ thó, yếu ớt và tuyệt vọng, bò lên từng nấc thang thiền viện để đi học thiền, vì bà muốn tìm một cái gì không tiêu hoại sau khi chết. Mỗi khi tôi cho rằng những khổ đau của mình là một gánh nặng, tôi nhớ đến bà Dipa Ma: Bà đã chuyển hóa được khổ đau thành con đường của tình thương và an lạc.

 

 
 
   
 
  
Tìm kiếm

 
  
Tìm trên:     hoangphap.info web khác
Visitor Number: 
Hôm nay