Hiểu mình: Gương sáng soi chiếu bản thân

hieu minh

Hiểu mình: Gương sáng soi chiếu bản thân

Trương Bối Canh - Nhã Tuệ dịch

 

Người chưa thực sự hiểu đúng về mình thì khó có thể phát huy được tiềm năng của bản thân.

Vào thời kỳ đồ đá không có chậu rửa mặt, cũng không có thùng đựng nước, loài người chỉ có thể uống nước tắm rửa ở bên bờ sông. Con người có thế nhìn thấy trời xanh mây trắng ở dưới nước, cũng nhìn thấy được dung mạo của chính mình. Nước chính là chiếc gương đầu tiên của nhân loại.

Con người hiện đại có kính hiển vi, nhưng không hẳn có thể nhìn thấu rõ hết mọi vật nhỏ bé. Con người có kính viễn vọng, nhưng chưa chắc có thể nhìn thấu hết những nơi xa xôi. Con người có rất nhiều loại kính/gương đa dạng, nữ giới thì dùng để soi diện mạo thân thể, nam giới thì dùng để soi ngoại hình quần áo, nhưng con người lại không hẳn đều có thể thật sự nhìn thấy chính mình ở trong gương.

Điều đáng buồn cười là, ai ai cũng hiểu rõ người khác đến chân tơ kẽ tóc, có thể nhìn thấy những tàn nhang ở trên mặt người khác, nhưng lại không nhìn thấy được những vết sẹo trên khuôn mặt của chính mình. Nói cách khác, con người luôn biết rõ mồn một những khuyết điểm nhỏ nhặt của người khác, nhưng với những chỗ sai sót của bản thân mình thì lại hoàn toàn không nhận ra. Vì vậy, con người thường ít khi đặt ra yêu cầu cho bản thân, thậm chí rất rộng lượng với chính mình, còn đối với người khác thì lại khắt khe, hay phê phán.

Rất nhiều người tự cho là đã hiểu rõ chính mình, thực ra thì không hoàn toàn đúng như vậy. Để thuận theo thực tại, thích ứng với xã hội, con người dần rời xa chính mình mà không hề hay biết, hiểu nhầm bản thân mình nhiều hơn là thực sự hiểu chính mình. Phần lớn đều rơi vào tình trạng chỉ nhận biết về mình với hình thức bên ngoài. Nhận thức về bản thân một cách chính xác và thấu triệt quả thật không dễ dàng, và cũng không phải là điều đơn giản.

Người ta khi lần đầu gặp nhau thì thường hay hỏi: “Xin hỏi anh/chị tên gì? Và câu trả lời là: “Tôi là ...”. Thông thường, sự hiểu biết cơ bản nhất của con người về bản thân mình cũng chính là “tôi là...”. Ngoài ra, còn đề cập đến tuổi tác, quê quán, gia thế, sở học.... Những điều này đều được coi là đã nhận biết về chính mình, nhưng tất cả đều chỉ dừng lại ở bên ngoài mà thôi.

Đa số người ta thiếu đi khả năng tự biết về chính mình, cho nên hoàn toàn không hiểu rõ thực sự về bản thân. Không hiểu chính mình là một loại nhược điểm không hề có lợi cho bản thân. Bởi vì thiếu đi sự hiểu biết chính xác về chính bản thân mình, cho nên sẽ rất khó tìm được chỗ đứng thích hợp cho mình trong xã hội ngày một phức tạp, rối rắm này, cũng rất khó thiết lập được phương hướng chính xác hợp lý trên con đường đời dài đằng đẵng của tương lai; cho dù tự lực tự cường, nỗ lực phấn đấu, thì cũng có thể gặp nhiều trắc trở, thậm chí tốn công vô ích.

Cái gọi là hiểu chính xác về bản thân mình chính là phải thông hiểu việc ăn vận, diện mạo bên ngoài, phải có cái nhìn sâu về bản thân, nhìn nhận về bản thân một cách khách quan, hiểu rõ về cá tính và đặc chất, ưu điểm và nhược điểm, sở thích và sở trường của mình. Có quán sát bản thân như vậy mới có thể đánh giá suy xét một cách công bằng, rằng bản thân mình nên bồi dưỡng thêm lĩnh vực nào, tương lai nên theo nghề gì, cuộc đời trong tương lai nên quy hoạch thế nào cho hợp lý và thiết thực, v.v.

Hiểu đúng về bản thân mới có thể khắc phục được những khiếm khuyết, phát huy được sở trường của mình, hoàn thiện bản thân một cách đầy đủ nhất, từ đó nhận được sự kính trọng của người khác và sự tin cậy của tập thể đối với mình. Đời người nếu đã có được định hướng đúng đắn thì chỉ cần vạch rõ mục tiêu, nhắm thẳng tiến lên, nắm giữ bổn phận cần nắm giữ, gánh lấy trách nhiệm cần gánh lấy. Nếu có thể đối nhân xử thế như vậy thì sẽ được an ổn thoải mái, mọi việc làm không phải hổ thẹn.

Mỗi ngày ít nhiều gì chúng ta cũng đều có soi gương. Có người soi gương là để chỉnh sửa dáng vẻ, giữ nét đoan trang lịch sự; có người soi gương là để trang điểm làm đẹp, mong sao càng trở nên xinh đẹp để thu hút mọi người. Tuy nhiên, chỉ có coi việc hiểu rõ về bản thân như là gương sáng mới có thể nhìn đúng về con người mình, nhận thức đúng về chính mình, đối diện trước nó là để quán chiếu tư tưởng, để phản tỉnh tâm hồn, cũng như để làm mới tinh thần mỗi ngày, không nên tự hạ thấp mình, càng không nên tự cao tự đại, chỉ cần làm đến nơi đến chốn, thì từng bước chân có thể chạm đến cuộc sống tươi đẹp, hạnh phúc.

Nguồn: Trương Bồi Canh (2003), Trí tuệ đích thược thi, NXB.Từ Tế Văn Hóa Chí Nghiệp, thành phố Đài Bắc, tr.62-64.

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle
Các bài viết khác