Dharmapāla và công cuộc phục hưng Phật giáo

DHARMAPĀLA VÀ CÔNG CUỘC PHỤC HƯN

DHARMAPĀLA VÀ CÔNG CUỘC PHỤC HƯNG PHẬT GIÁO

 

Anagarika Dharmapāla là một trong những nhà truyền bá Phật giáo đầu tiên của thời hiện đại, vượt lên trên sự khác biệt giáo phái và quốc tịch, đã mang thông điệp của Đức Phật đến nhiều nơi trên thế giới. Ông cũng chính là người tiên phong, khơi nguồn cho phong trào phục hưng Phật giáo ở Ấn Độ - nơi khai sinh ra Phật giáo, và các quốc gia châu Á khác giai đoạn cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX.  Tuy xuất gia vào những năm cuối đời, nhưng ông đã dành trọn vẹn cả cuộc đời để sống và phụng sự Đạo pháp, nhân loại bằng cả trái tim và tấm lòng của một người tu sĩ. Để hiểu rõ thêm về vai trò và những đóng góp to lớn của Dharmapāla cho Phật giáo thời hiện đại, người viết xin trình bày một vài nét về cuộc đời và công cuộc phục hưng Phật giáo của ông.

Vài nét về cuộc đời Dharmapāla

Anagarika Dharmapāla, thế danh là Don David Hewavitarane, sinh ngày 17 tháng 9 năm 1864, trong một gia đình theo đạo Phật ở thủ đô Colombo, Sri Lanka. Sri Lanka vào thời điểm đó được gọi là Ceylon, thuộc địa của Anh. Từ nhỏ, David học tại các trường thuộc hệ thống giáo dục của Anh Quốc. Mặc dù học ở các trường Công giáo, hằng ngày phải đọc kinh cầu nguyện và nghe giảng Kinh Thánh, nhưng cậu bé David hoàn toàn không thích điều đó. Trong nhật ký của mình, hình ảnh của các nhà truyền giáo Kitô được cậu mô tả về một lối sống hưởng thụ quá mức và vô kỷ luật, mà đặc trưng là ăn thịt và uống rượu. David cũng đã có ấn tượng tốt với các nhà sư Phật giáo: “Trái ngược với những vị giáo sĩ truyền giáo ăn thịt uống rượu và ham thích dục lạc của tôi, các vị Tỳ-kheo vô cùng thanh tịnh và tiết chế tất cả những thứ ấy. Tôi yêu thích Tăng đoàn của các vị Tỳ-kheo Phật giáo và muốn ngồi lặng lẽ nơi góc hội trường để nghe những bài thuyết giảng đầy trí tuệ của họ...[1]

Năm 1873, khi chỉ mới 9 tuổi, David đã chứng kiến một cuộc tranh luận lớn giữa Phật giáo và Thiên Chúa giáo ở Panadura. Cuộc tranh luận công khai kéo dài suốt 7 ngày, kết quả Phật giáo đã thắng cuộc. Sự kiện này khiến các học giả trên thế giới quan tâm đến Phật giáo Tích Lan, trong đó có hai vợ chồng Henry Steel Olcott (1832-1907), một Đại tá Không quân Mỹ. Vào năm 1877, họ bắt gặp một cuốn sách nhỏ được xuất bản ở London mang tên "Phật giáo và Thiên Chúa giáo, mặt đối mặt" (Buddhism and Christianity, Face to Face), mô tả cuộc tranh luận ở Panadura. Năm 1880, họ đến Tích Lan, tuyên bố mình là tín đồ Phật giáo, quy y thọ ngũ giới tại tu viện Wijananda ở Galle với Đại đức Gunananda. Diễn biến, kết quả của cuộc tranh luận và sự kiện hai người từ phương Tây xa xôi đến quy y Phật đã tác động mạnh mẽ đến chàng thanh niên 16 tuổi.[2] Sau khi kết thúc việc học ở trường, David Hewavitarane đã học việc với một công chứng viên của Colombo và làm việc cho tờ báo của vị này trong khoảng 8 tháng, sau đó làm thư ký của Bộ Giáo dục tại văn phòng ở Colombo.[3]

Trong thời gian còn đi học, David đã chứng kiến một cuộc xung đột diễn ra vào ngày 25 tháng 3 năm 1883, khi một đám đông người Công giáo Sri Lanka tấn công một đám rước Phật giáo ở Kotahela. Ông bỏ trường Thiên Chúa giáo, chuyển sự theo đuổi trí tuệ của mình sang Phật giáo dưới sự chỉ dạy của hai nhà lãnh đạo Phật giáo vĩ đại, có ảnh hưởng vào thời bấy giờ, Hòa thượng Hikkaduwe Sri Sumangala Thera và Migettuwatte Sri Gunananda Thera. Sau đó, tháng 1 năm 1884, Đại tá Henry Steel Olcott và Madame Blavatsky, những người sáng lập Hiệp hội Thần học ở New York, trở lại Sri Lanka và đệ đơn kiện thay cho những Phật tử bị thương trong vụ tấn công. Bị thu hút bởi các bài nói chuyện của Olcott và những hoạt động của Hội Thông thiên học, cũng như cảm thấy mục đích của Hiệp hội giống hệt với mục đích của một cuộc phục hưng Phật giáo ở Sri Lanka, chàng thanh niên 19 tuổi đã quyết tâm sống độc thân để phụng sự Phật pháp, trở thành Anagarika (người vô gia cư) - một thành viên của hội vào ngày 3-2-1884.[4]  Năm 1886, ông quyết định rời bỏ công việc hiện tại và những lợi ích của mình trong kinh doanh và bất động sản của cha để dành trọn thời gian làm việc ở Hội Thông thiên học tại Tích Lan. Ở đó, ông là người phụ tá đắc lực cho vợ chồng H. Olcott trong sự nghiệp chấn hưng Phật giáo ở Sri Lanka, bắt đầu bằng việc thành lập các tờ báo Phật giáo. Tuy nhiên, về sau giữa ông và Olcott có những bất đồng về tư tưởng nên Dharmapāla đã rời khỏi Hội Thông thiên học. Vấn đề mâu thuẫn ở đây là, trong khi Dharmapāla chú trọng việc truyền bá, thúc đẩy Phật giáo, vì theo ông chỉ có Phật giáo mới là tôn giáo chân thực nhất; thì Olcott lại chủ trương cho Hội Thông thiên học xây dựng một liên minh chung của các tôn giáo phương Đông mà H. Olcott coi đó là một đối trọng tinh thần đích thực với Ki-tô giáo.[5]

Vào thời điểm đó, người Tích Lan bị văn hóa phương Tây đồng hóa. Ki-tô giáo đã dần bám sâu vào đời sống của người dân; trong khi giai cấp thượng lưu tỏ ra hãnh diện với nếp sống và nền văn hóa phương Tây khi có tên tiếng Anh, giao tiếp bằng tiếng Anh... Trong các bài thuyết giảng và các bài báo, David cho rằng điều đó chứng tỏ bản thân thiếu tự tin và không hiểu biết về bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Ông đã tự đổi tên thành Dharmapāla để thể hiện quan điểm của mình.[6] Đây là một việc làm rất thú vị đối với các nhà xã hội học và sử gia tôn giáo khi nghiên cứu về Dharmapāla. Người ta đã tìm thấy chữ ký đầu tiên của ông là “Dharmapāla Hewavitharne” trong một lá thư gửi Weligama Sumangala vào ngày 3 tháng 2 năm 1889. Ông đã giải thích quyết định của mình trong nỗ lực thuyết phục sự giúp đỡ của Nayaka Thera rằng:  “Tôi đã từ bỏ tên nước ngoài mà tôi đã sử dụng cho đến nay và đã thêm vào họ của mình “Dharmapāla… Sẽ không đúng chút nào khi một Phật tử Sinhala mang tên nước ngoài của Cơ Đốc giáo, xin hãy giúp chúng tôi để chúng tôi có thể đạt được mục đích của mình.[7] Cũng ở một bài viết của ông vào năm 1923, Dharmapāla tự hào xác định rằng việc đổi tên là ý tưởng của riêng mình. Ông giải thích lý do: “Chuyến thăm của tôi đến Adyar và cảnh tượng của các Bà-la-môn đã gây ấn tượng mạnh cho tôi, khiến tôi theo phong tục Arya. Hồi ấy tôi đã có một cái tên Thánh nhưng không ai khuyên tôi phải bỏ nó đi cả. Vào năm 1887, tôi đã có ý tưởng đặt cho mình một cái tên Arya và chính tôi đã chọn tên Dharmapāla.”[8]

Căn cứ theo các tài liệu được tìm thấy từ các văn bản của ông thì David đổi tên thành Dharmapāla vào năm 1887. Và chúng ta thấy đây như một sự từ chối thẳng thừng của David đối với văn hóa phương Tây mà cụ thể là Cơ Đốc giáo, và thể hiện quyết tâm cùng cam kết của ông đối với nền tôn giáo bản địa của mình là Phật giáo, và cũng là tinh thần bảo vệ bản sắc văn hóa của một người châu Á chứ không còn gói gọi trong lập trường của một Phật tử hay một người dân Sinhala. Giống như Gandhi, một người không tham gia vào bất kỳ cơ quan chính trị nào nhưng lại trở thành chính trị gia có ảnh hưởng nhất thời bấy giờ, Dharmapāla cũng không tham gia trực tiếp vào chính trị quốc gia, tuy nhiên đóng vai trò rất quan trọng trong những thay đổi chính trị và xã hội ở Sri Lanka trong vài thập kỷ cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX. Trong thực tế, ảnh hưởng của Dharmapāla đã được cảm nhận rất lâu sau khi ông qua đời cho đến ngày nay.[9]

Một trong những quốc gia đầu tiên mà Dharmapāla ghé thăm là Nhật Bản khi ông 25 tuổi. Vào năm 1889, những Phật tử Nhật Bản nghe nói về thành công của Đại tá H. Olcott ở Ceylon nên phái Senshiro Naguchi đến Ceylon để mời Olcott đến Nhật. Ngày 10-1-1889, Dharmapāla tháp tùng cùng Olcott đến Nhật trên một con tàu hơi nước của Pháp mang tên SS Dheninah, mang theo bức thư của Hikkaduwe Sumangala Nayaka Thera, tỏ bày thiện cảm của Phật tử Tích Lan với toàn thể Phật tử Nhật. Dharmapāla trở thành nhân vật lịch sử với tư cách là đại biểu Phật giáo đầu tiên từ Tích Lan đến Nhật Bản. Sau khi dừng chân ở Singapore, Sài Gòn, Hồng Kông và Thượng Hải, con tàu đã đến Kobe (thủ đô cũ của Nhật Bản) vào ngày 9-2-1889.  Ở đó, trong thời gian bốn tháng, họ đã thăm nhiều nơi ở đất nước này để nói chuyện và thuyết giảng về Phật giáo.[10]

Chuyến đi này đã giúp Dharmapāla có những trải nghiệm thực tế về nền kinh tế Nhật. Ông nhận ra người Nhật có nhiều điều kiện hơn về tài chính trong việc phát triển Bodh Gaya so với những nước khác... Lần thứ hai Dharmapāla đến Nhật là vào 1893, trên đường trở về từ Đại hội Tôn giáo thế giới tại Chicago; chuyến thăm thứ ba của ông là vào tháng 5-1902 trên đường đến Hoa Kỳ để gây quỹ cho các dự án giáo dục mà ông đang thực hiện ở Ấn; và vào năm 1913, ông đến Nhật lần thứ tư. Cũng trong dịp này, trên đường trở về, Dharmapāla đã ghé thăm và có những buổi nói chuyện với các Phật tử cũng như những nhà truyền giáo Ki-tô tại Hàn Quốc và Trung Quốc.

Ở mỗi chuyến đi, ông đều có những hoạt động nhằm thắt chặt mối quan hệ giữa hai quốc gia, đồng thời ông cũng kêu gọi Nhật Bản hỗ trợ phục hồi Bodh Gaya. Nhưng sau chuyến đi vào năm 1913, ông không trở lại Nhật bản thêm một lần nào nữa. Món quà mang tính biểu tượng nhất của người Nhật là bức tượng Phật bằng gỗ do phái Chân ngôn tông (Shingon) tặng cho ông trong chuyến thăm đầu tiên tại chùa Thiên Đức (Tentokuji) ở Tokyo.

Năm 1890, Dharmapāla cùng với một tu sĩ Phật giáo người Nhật đang du học tại Colombo là Kozen Gunaratne đến dự hội nghị thường niên tại trụ sở Thần học Adyar. Sau đó, cả hai đã quyết dịnh đến thăm các thánh địa Phật giáo ở Bắc Ấn. Họ đến Benares, Sarnath, Bodh Gaya. Cảnh tượng hoang tàn tại các thánh địa Phật giáo đã khiến ông phát nguyện nhận lãnh trách nhiệm phục hưng Phật giáo Ấn Độ. Đây là một ý tưởng đáng kinh ngạc bởi đó là công việc khác với việc hồi sinh Phật giáo tại Sri Lanka mà ông đã làm. Ở Sri Lanka Phật giáo chỉ mới suy yếu trong vài thế kỷ bởi sự hung dữ của quân đội Bồ Đào Nha, sự tàn bạo của Hà Lan và sự thiên vị tôn giáo của Anh, còn ở Ấn Độ Phật giáo đã suy tàn gần một thiên niên kỷ.

Dharmapāla và phong trào phục hưng Phật giáo Ấn Độ

Ngày 22-1-1891, khi đặt chân đến Bodh Gaya, Dharmapāla vô cùng đau buồn khi chứng kiến ​​tình trạng bị lãng quên của ngôi tháp Maha Bodhi. Mặc dù nằm trong dự án phục hồi của Miến Điện, nhưng điều đầu tiên ông nhận thấy là nơi này đã bị bỏ rơi và trong tình trạng hoang tàn. Trên con đường đất từ Gaya đến nơi Đức Phật thành đạo, trong vòng một dặm có thể nhìn thấy tượng Phật bị phá vỡ nằm rải rác khắp nơi. Tại lối vào đền thờ của vị Mahant (vị tu sĩ chủ quản của một đền thờ Ấn giáo), trên cả hai mặt của mái hiên có tượng Đức Phật đang thiền định và thuyết pháp. Khung cảnh thiêng liêng với hình ảnh Đức Phật ngồi trên tòa cao đã gây xúc động mạnh khiến Dharmapāla bật khóc. Khoảnh khắc ấy được ông ghi lại trong nhật ký của mình: “Ngay khi tôi chạm trán lên tòa kim cương, một sự thôi thúc bất ngờ xuất hiện trong tâm trí tôi. Nó khiến tôi dừng lại ở đây và chăm sóc điểm linh thiêng này”.[11] Chính những sự thật diễn ra đã khiến ông cảm nhận được sứ mệnh thiêng liêng của mình là khôi phục và bảo vệ nơi này.

            Sau khi trở về Tích Lan, ngày 31-5-1891, ông đã thành lập Hội Maha Bodhi  tại Colombo, tổ chức Phật giáo đầu tiên trong lịch sử Phật giáo hiện đại truyền bá giáo pháp ở những vùng đất không phải là Phật giáo. Một trong những mục tiêu chính của Hội Maha Bodhi là khôi phục sự kiểm soát của Phật giáo tại chùa Maha Bodhi ở Bodhgaya, một trong bốn Thánh địa Phật giáo mà bấy giờ thuộc quyền sở hữu của Ấn giáo. Để thực hiện điều này, Dharmapāla đã khởi kiện Saivite Mahant, vị tu sĩ Bà-la-môn, người đã nắm quyền kiểm soát địa điểm này trong nhiều thế kỷ.[12]

Vào năm 1892, ông chuyển Hội Maha Bodhi đến Calcutta và xuất bản Tạp chí Maha Bodhi để truyền bá giáo lý của Đức Phật. Các nhánh của Maha Bodhi đã được thành lập ở nhiều vùng của Ấn Độ và xuất bản các bản dịch Pāli sang các ngôn ngữ bản địa Ấn Độ hiện đại như tiếng Hindi và các ngôn ngữ địa phương. Dhammapāla cũng thường đi diễn thuyết nhiều nơi trên đất Ấn với những bài nói chuyện rất xúc động: “Phật giáo của quê hương Ấn Độ chúng ta đã lưu lạc tha phương ngót 800 năm. Ngày nay, Phật giáo đã trở lại cố quốc, là niềm an ủi lớn lao cho tất cả chúng ta. Ngay lúc này đây, người dân Ấn phải thức tỉnh, phải vươn lên mọi định kiến giai cấp và tín điều, chỉ với một mục đích duy nhất là cùng với Hội Đại Bồ-đề, đem giáo lý của Đức Phật tặng lại cho nhân dân Ấn Độ”.[13]

Nhận thức được việc khôi phục Bodh Gaya không thể thành công nếu chỉ với sức mình mà cần có sự góp sức của mỗi người đệ tử Phật trên toàn thế giới, Dharmapāla bắt đầu viết hàng ngàn lá thư gửi đi cho nhiều người ở Ceylon, Miến Điện và Ấn Độ, mô tả tình trạng hoang tàn của Bodhgaya và cầu xin sự giúp đỡ để phục hồi Phật giáo Ấn Độ và tái lập Tăng đoàn ở đó. Ông cũng đã viết các bài báo dài bằng tiếng Sinhale và tiếng Anh đăng trên tạp chí Maha Bodhi.[14] Bảy tháng sau, Tăng đoàn Phật giáo đã được thành lập gồm bốn Tăng sĩ: Dunuwila Chandajoti, Matale Sumannala, Anuradhapura Pemananda và Galle Sudassana; lá cờ Phật giáo đã được treo trên Bodhgaya. Ngày 13-5-1893, Dharmapāla sang Miến Điện. Trong vòng một tháng, ông đã đến thăm những Phật tử giàu có ở Rangoon, Mandala và Moulmern để quyên góp tiền cho công cuộc lấy lại Bodhgaya. Sau nhiều nỗ lực, ngày 26-5-1896, lần đầu tiên sau hàng trăm năm Phật giáo biến mất trên đất Ấn, lễ Phật đản được tổ chức trang nghiêm tại Calcutta dưới sự chủ trì của Narendra Nath Sen. Mọi cố gắng khôi phục Bodhgaya chỉ thành công sau khi Ấn Độ giành độc lập (1947), và 16 năm sau khi Dharmapāla (1933) qua đời, với sự phục hồi một phần địa điểm cho ban quản lý của Hội Maha Bodhi vào năm 1949. Sau đó, việc quản lý ngôi tháp Bodhgaya được ủy thác cho một ủy ban gồm số lượng người Ấn giáo và Phật giáo bằng nhau. 

 Sự phục hồi Bodhgaya chỉ là một phần trong công cuộc phục hồi Phật giáo trên chính vùng đất mà nó khai sinh. Phần lớn cuộc đời của Anagarika Dharmapāla được nhắc đến như một nhà tiên phong trong sự hồi sinh Phật giáo ở Ấn Độ. Một bức tượng của Anagarika Dharmapāla đã được dựng lên trong khuôn viên tại một trường đại học gần Hội Maha Bodhi ở Calcutta để ghi nhận sự đóng góp của ông.

Dharmapāla và công cuộc truyền bá Phật giáo đến Âu-Mỹ

Đại hội Tôn giáo Thế giới vào năm 1893, được tổ chức bên bờ hồ Michigan, Chicago, được xem là sự kiện lớn nhất và đặc sắc nhất trong số nhiều đại hội khác trong chương trình Triển lãm Thế giới của Columbus. Đại tá Olcott đã tài trợ cho Dharmapāla đến tham dự đại hội với tư cách là một diễn giả đại diện cho Phật giáo Nguyên thủy theo lời mời của chủ tịch Ủy ban đại hội, thẩm phán tiến sĩ J.R. Barrows, người đã đọc được các bài viết của ông trên Tạp chí Maha BodhiÔng đi trên con tàu “Britannia” đến Anh vào ngày 20 tháng 7, mang theo 20.000 bản Tam quy Ngũ giới mà ông đã in sẵn để phân phối miễn phí dọc chuyến hành trình. Sau khi ghé lại Aden[15], Port Said[16] và Brindisi[17], ông đến nước Anh vào ngày 11 tháng 8. Dharmapāla được Edwin ArnoldBertram KeightleyC.W. Leadbeater và C. Jinarājadāsa chào đón nồng nhiệt. Ông ở lại nhà của Edwin, sau đó ở London với Annie BesantDharmapāla đến Hoa Kỳ vào ngày 2 tháng 9 và tiếp tục đến Chicago bằng tàu hỏa.[18]

Ngày 11 tháng 9, đúng 10 giờ, tại Hội trường Columbus đã đã đông đúc. Các vị lãnh đạo tôn giáo đại diện cho 12 tôn giáo trên toàn thế giới nắm tay nhau cùng bước ra, bên dưới là những lá cờ vẫy của nhiều quốc gia giữa sự cổ vũ nồng nhiệt của bốn ngàn thính giả từ mọi miền đất nước và cả nước ngoài. Ở vị trí trung tâm, mặc áo choàng đỏ tươi và ngồi trên một chiếc ghế cao của nhà nước là Đức Hồng y Gibbons, vị giám mục cao nhất của Giáo hội tại Hoa Kỳ, hai bên là nhóm đại biểu đến từ phương Đông với sắc phục nhiều màu. Dharmapāla ngồi bên cạnh Swami Vivekananda, một tu sĩ Ấn giáo có tài hùng biện đến từ Bombay, và Virchand Gandhi, một luật sư trẻ, đại diện đạo Kỳ-na (Jain) duy nhất đến từ Gujarat. [19]

Dharmapāla xuất hiện lần đầu tiên trong ngày khai mạc đại hội, với bài phát biểu kết thúc ngày làm việc thứ nhất bằng việc mang đến đại hội những lời chúc tốt đẹp của 475 ngàn Phật tử, những phước lành và sự bình an của Phật giáo. Một cách khéo léo, Dharmapāla đã mô tả đại hội hiện tại như một âm hưởng của đại hội Phật giáo tại Ấn Độ 20 thế kỷ trước, do vua Asoka tổ chức; và ông cũng so sánh Tiến sĩ Barrow (người tổ chức đại hội) sẽ được nhớ đến như một A Dục vương của Mỹ, vì ý tưởng mở đại hội các tôn giáo lần này đã góp phần đưa việc truyền tải Phật giáo sang phương Tây. [20] Tác phong và lời nói của ông đã gây ấn tượng mạnh với đại hội, đến nỗi tờ St. Louis Observer đã đưa tin về Dharmapāla cùng với bài thuyết trình: “Với mái tóc xoăn đen hớt ra phía sau vầng trán rộng, lông mày và đôi mắt sáng với ánh nhìn sắc sảo, nhìn thẳng vào khán giả, những ngón tay dài màu nâu nhấn nhá theo giọng nói hùng hồn, ông trông đúng là hình ảnh của một nhà truyền giáo, và những người thấy ông (nghe ông nói vào lúc đó) chấn động khi biết rằng có một nhân vật đứng đầu phong trào để ủng hộ tất cả Phật tử và truyền bá ánh sáng giác ngộ của châu Á trên khắp thế giới văn minh này”. [21]  

Không chỉ dừng lại ở đó, với một bức tượng Phật cổ trong tư thế kiết-già được mang từ Sri Lanka sang đặt trên chiếc bàn bên cạnh, Dharmapāla đã mang những lời dạy của Đức Phật đến thế giới phương Tây theo cách chưa từng có qua các bài phát biểu những ngày sau đó. Trong bài thuyết trình “Thế giới nợ Đức Phật”, Dharmapāla đã khẳng định vị trí của Phật giáo như một tôn giáo hoàn toàn tương thích với sự phát triển của khoa học hiện đại. Vào ngày thứ 16 của đại hội, Dharmapāla đã trình bày về “Điểm khác biệt giữa Phật giáo và Cơ Đốc giáo”, với nhiều dẫn chứng từ các nguồn tài liệu nghiên cứu của các học giả phương Tây nhận định về Phật giáo và Cơ Đốc giáo như: William W. Hunter, H.T. Buckle, Müller… Bên cạnh đó, ông cũng trích dẫn so sánh giữa những điều răn của Chúa trong Phúc âm và giáo lý đạo Phật để xác định vị trí độc đáo của Phật giáo. Dharmapāla giải thích với đại hội rằng Đức Phật đã phủ nhận sự tồn tại của một đấng tạo hóa bằng việc đưa ra giáo lý Tứ diệu đế  luật nhân quả nghiệp báo, đề cao tinh thần bình đẳng, không có giai cấp trong Phật giáo… Qua đó, Dharmapāla đã tự tin khẳng định rằng “Cuộc đời và giáo lý của Đức Phật bắt đầu ảnh hưởng đến tư tưởng tôn giáo ở Âu Mỹ. Phật giáo sẽ nổi bật như hiện thân của chân lý vĩnh cửu.”[22]

Trong 12 diễn giả trình bày về Phật giáo đến từ Thái Lan, Tích Lan và Nhật Bản, hầu hết các bài thuyết trình của họ được trình bày bởi các dịch giả; riêng Dharmapāla đã nói tiếng Anh rất lưu loát và đưa ra lời tường thuật sống động nhất về truyền thống Phật giáo của mình. Lần đầu tiên giáo lý được trình bày chính thức cho khán giả phương Tây bằng nhiều trích dẫn từ kinh điển, được phân loại theo từng chủ đề khác nhau. Với phong cách truyền đạt tự nhiên, chân thành, khiêm tốn và không có bất kỳ kế hoạch hay nghệ thuật nào nhưng Dharmapāla đã làm cho Phật giáo trở nên sống động với khán giả phương Tây. Leoline Leonard Wright, khi hồi tưởng về đại hội đã nói: “Ai đã nhìn thấy Dharmapāla, người Phật tử nổi tiếng người Sinhale, đều không thể quên được vẻ cao quý và xinh đẹp như Đức Chúa Giê-su. Trông ông giống như một vị ẩn sĩ thanh cao và tỏa sáng khi vận một chiếc áo màu trắng tinh khiết truyền thống của người Phật tử. Dharmapāla như tảng nam châm thu hút hết đám đông, những người có mặt trong cuộc họp. Chỉ nhìn vào Dharmapāla thôi cũng thấy rõ được cá tính và sự thành tựu tâm linh của ông.”[23]  

Đối với Hoa Kỳ, một quốc gia mà theo Alexis De Tocqueville đánh giá là “Không có một đất nước nào trên thế giới mà sự tồn tại của Cơ Đốc giáo lại ảnh hưởng lớn đến tâm hồn con người như ở Mỹ ”,[24]  nhưng chỉ qua hành động lịch thiệp nhưng không kém sự chân thành của Dharmapāla là vui vẻ bắt tay hàng trăm phụ nữ Cơ Đốc và ký tên lưu niệm trên quạt, trong sổ tay, giữa hàng ngàn người đến tham dự Đại hội, trước sự ngạc nhiên của hàng trăm vị đại biểu của các tôn giáo bạn đến từ khắp nơi trên thế giới, đã khiến cho tình hình trở nên thay đổi. Philangi Dasa trên tờ The Bhuddist Ray do ông xuất bản đã bình luận về cử chỉ thân thiện này: “Hành động ấy sẽ khiến cho ngân sách giáo xứ trong mùa giáng sinh bị sút giảm”.[25] Tạp chí Chicago cũng bình luận về vai trò của ông tại đại hội với tuyên bố rằng: “Sự khinh miệt và thương hại cho các tôn giáo phương Đông đã nhường chỗ cho sự tôn trọng và ngưỡng mộ”.[26]

Dharmapāla nổi lên trong Đại hội với tư cách là một diễn giả của một phong trào tôn giáo trên toàn thế giới quyết tâm phổ biến “ánh sáng châu Á” trên toàn bộ trái đất. Sự tự tin, độc lập về tư tưởng cùng với tính cách năng động của Dharmapāla đã tỏa ra nguồn năng lượng làm say mê cả khán giả trong nước và quốc tế. Giọng nói sôi động, hùng hồn của ông đã gây được tiếng vang và truyền cảm hứng cho người nghe. Điều minh chứng là vài ngày sau khi đại hội kết thúc, C.T. Strauss, một thương gia người Do Thái ở New York, đã bày tỏ mong muốn trở thành Phật tử và đã nhận được Năm giới từ Dharmapāla trong một buổi lễ quy y đơn giản nhưng rất ấn tượng được tổ chức dưới sự bảo trợ của Hiệp hội Thần học Chicago. Không chỉ là người Phật tử đầu tiên trên đất Mỹ, Strauss còn là người người ủng hộ trung thành của Hội Maha Bodhi. Sư kiện này như một dấu son đánh dấu sự du nhập chính thức của Phật giáo vào một quốc gia năng động có tuổi đời rất trẻ.

Trong đại hội lần này, Dharmapala đã gặp Tiến sĩ Paul Carus, người thành lập chi nhánh Hoa Kỳ của Hội Maha Bodhi. Về sau Paul Carus đã trở thành người tích cực ủng hộ cho sự phát triển của Phật giáo tại Hoa Kỳ bằng những tác phẩm viết về Phật giáo và đưa giáo lý Phật giáo vào trong âm nhạc cổ điển phương Tây.

Vài ngày sau khi đại hội kết thúc, vào ngày 26 tháng 9, ông thuyết giảng tòa nhà Athenaeum do Hiệp hội Thần học tài trợ. Ngày 10 tháng 10, trên chuyến tàu từ Mỹ trở về Ấn Độ, tại Honolulu, Dharmapāla gặp bà Mary E. Foster. Dù cuộc gặp gỡ của họ chỉ kéo dài trong vài phút nhưng những lời nói của Dharmapāla đã để lại dấu ấn sâu sắc đối với bà. Mary E. Foster sau đó trở thành vị đại thí chủ của Phật giáo; số tiền quyên góp của bà cho các hoạt động của Dharmapāla đã lên tới gần một triệu rupee. Chùa, tu viện, trường học, bệnh viện và nhiều tổ chức khác được thành lập ở Ấn Độ và Ceylon là nhờ vào sự đóng góp của bà. Vì vậy ngày nay, Mary E. Foster được xếp ngang hàng với tên của Anathapindika và Visakha, những vị đại thí chủ của Phật giáo ngày xưa.

Một sự kiện đặc biệt đã xảy ra lần đầu tiên tại nước Mỹ, trong chuyến thăm dài ngày của Dharmapāla là vào tháng 5 năm 1897, Dharmapāla đã tổ chức thành công buổi lễ Phật đản (Vesak) thu hút khoảng bốn trăm người tham dự, trong một căn phòng nhỏ mà bấy giờ đã tạm thời được chuyển thành một ngôi chùa Phật giáo. 37 ngọn nến được thắp lên tượng trưng cho 37 nguyên tắc trí tuệ, rực sáng trên các bậc của bàn thờ trước hình tượng Đức Phật. Anagarika đã nói lên ý nghĩa về ngày đản sinh của Đức Phật và tụng bài kinh Phước đức (Mangala Sutta) từ một cuốn sách lá cọ cũ. Sau khi rời Hoa Kỳ, Dharmapāla đã tới Luân Đôn và qua Paris, Berlin, và Rome. Dharmapāla cũng trở lại Mỹ nhiều lần sau đó và thuyết giảng nhiều nơi cho cả Phật tử và tầng lớp trí thức. Có thể nói Dharmapāla là người Sri Lanka đầu tiên đi vòng quanh thế giới với tư cách là nhà truyền giáo Phật giáo của thời hiện đại. Ông đã có công mở đường cho Phật giáo đi vào Hoa Kỳ và làm lan rộng Phật giáo đến các vùng đất khác ở phương Tây.

Năm 1926, Dharmapāla đã đi thuyền qua Đại Tây Dương từ Hoa Kỳ đến Anh, mang theo sự quyết tâm đưa ánh sáng Phật pháp đến với vùng đất này. Cũng trong chuyến đi này, vào tháng 5, Dharmapāla cùng với các hội đoàn Phật giáo ở Luân Đôn tổ chức thành công lễ Phật đản tại tòa thị chính Holborn. Trước khi rời vương quốc Anh, Dharmapāla cho xuất bản một tạp chí hàng tháng có tên là The British Buddha nhằm tạo một kênh thông tin truyền bá tư tưởng, giáo lý Phật đến người Anh.

Vào thời điểm bấy giờ, chính các hoạt động này là những viên gạch đầu tiên làm nền móng cho việc xây dựng ngôi nhà Phật giáo tại Anh Quốc. Từ nền tảng ban đầu ấy, những người đệ tử xuất gia, tại gia của xứ sở sương mù đã tiếp tục chung tay phát triển Phật giáo trên chính quên hương mình. Ngày nay, Anh quốc có khoảng 54 ngôi chùa Phật giáo, hơn một nửa trong số đó có nguồn gốc từ Sri Lanka.

            Ngày 13 tháng 7 năm 1931, khi bước sang tuổi 67, Dharmapāla chính thức xuất gia. Lễ xuất gia do Hòa thượng Borukgamuve Sri Revata chủ trì, và được thực hiện theo các nghi thức truyền thống của Sri Lanka. Ông được đặt pháp danh là Siri Devamitta Dharmapāla. Dù căn bệnh tim ngày càng trở nặng nhưng ông vẫn cố gắng đi lại các thánh tích, tiếp tục viết bài đăng trên các tạp chí cũng như sắp xếp, bàn giao mọi việc cho những người và tổ chức đáng tin cậy để họ tiếp tục công việc còn dang dở của mình.  

Ngày16 tháng 1 năm 1933, một giới trường được thiết lập tại tịnh xá Mulagandhakuti (ngôi chùa do ông xây dựng tại Isipatana). 17 vị Tỳ-kheo được tuyển chọn từ các tu viện tại Sri Lanka được mời đến để truyền giới Cụ túc cho Siri Devamitta Dharmapāla. Đây là một sự kiện chưa từng có trong lịch sử Phật giáo Ấn Độ cũng như Sri Lanka. Trong quá khứ, các nghi lễ như vậy chỉ được thực hiện ở Tích Lan bởi các Tỳ-kheo đến từ Miến Điện và Thái Lan hoặc các tu sĩ Sri Lanka đi du học rồi thọ giới ở nước ngoài. Không có trường hợp một Phật tử Sri Lanka được xuất gia và trở thành Tỳ-kheo tại nước ngoài trước sự chứng minh của hội đồng các vị Tỳ-kheo đến từ Sri Lanka.

            Anagarika Dharmapāla qua đời vào ngày 29 tháng 4 năm 1933. Câu nói cuối cùng của ông là: "Hãy để tôi chết sớm. Hãy để tôi được tái sinh. Tôi không còn có thể kéo dài nỗi đau đớn của mình, tôi muốn được tái sinh hai mươi lăm lần để truyền bá Phật pháp."[27]

Trong một số khía cạnh, người ta so sánh Dharmapāla với hoàng đế Asoka, Dutugemunu, Parakramabahu I, và với Anāthapindika Setthi.[28] Người ta thường nhắc đến Dharmapāla như một ân nhân của Phật giáo. Để vinh danh ông, năm 2014, Ấn Độ và Sri Lanka đã phát hành tem bưu chính để kỷ niệm 150 năm ngày sinh của Dharmapāla tại Colombo. Chính phủ đã lấy tên ông để đặt tên một con đường trong thành phố, đó là đường Anagarika Dharmapala Mawatha. Bộ phim “Anagarika Dharmapāla Srimathano” dựa trên cuộc đời thật của Dharmapāla đã được Hòa thượng Kirama Wimalajothi Thera và Sunil T. Fernando sản xuất, công chiếu vào năm 2015.

 

THƯ MỤC THAM KHẢO

1.      Rambukwella, Harshana. Politics and Poetics of Authenticity: A Cultural Genealogy of Sinhala Nationalism, UCL Press, 2018.

2.      Arnold Wright, Twentieth Century Impressions of Ceylon: its history, people, commerce, industries, and resources, Asian Educational Services, 2004.

3.      Alan Trevithick, The Revival of Buddhist Pilgrimage at Bodh Gaya (1811-1949): Anagarika Dharmapala and the Mahabodhi Temple, Motilal Banarsidass Publishe, 2006.

4.      Steven Kemper, Rescued from the Nation: Anagarika Dharmapala and the Buddhist World, University of Chicago Press, 2015.

5.      Sangharakshita, Anagarika Dharmapala A Biographical Sketch and other Maha Bodhi, Ibis Publications,1988.

6.      John Henry Barrows, The World's Parliament of Religion - vol 1, Chicago: Parliament Pub. Co, 1983.

7.      John Henry Barrows, The World's Parliament of Religion - vol 2, Chicago: Parliament Pub. Co, 1983.

8.      W.M.K Wijentunga, “The Last Years of Anagarika Dharmapala” (Vidyodaya Vidyā Kalā Bhāsāśāstrīya Sangrahaya Vol 13, University of Sri Lanka, 1985.

9.      Nguyễn Kim Dân dịch, Nghiên cứu về nước Mỹ, NXB.Thời Đại, 2010.

10. Trần Quang Thuận, Phật giáo Tích Lan, NXB.Tôn Giáo, 2008.

11. NS. Thích Nữ Như Nguyệt, Bài giảng Phật giáo Âu - Mỹ, Khóa XII, 2019.

12. https://thuvienhoasen.org/p57a18340/phat-giao-an-do-thoi-phuc-hung

13. https://www.minhtrietmoi.org/Theosophy/Olcott/OLD%20DIARY%20LEAVES%204.htm

14. https://www.theosociety.org/pasadena/forum/f13n06p403_recollections-of-a-theosophical-speaker.htm

15. https://sugeeshblog.wordpress.com/2016/09/24/the-contemporary-relevance-of-the-legacy-of-anagarika-dharmapala-and-its-contribution-to-the-spread-of-buddhism/

 


 

[1] Rambukwella, Harshana, Politics and Poetics of Authenticity: A Cultural Genealogy of Sinhala Nationalism. UCL Press, 2018, tr.50.

[2] Trần Quang Thuận, Phật giáo Tích Lan, NXB.Tôn Giáo, 2008, tr.188-193.

[3] Arnold Wright, Twentieth Century Impressions of Ceylon: its history, people, commerce, industries, and resources, "Angarika Dharmapala", Asian Educational Services, 2004, tr.119.  

 

[5] Rambukwella, Harshana, Politics and Poetics of Authenticity: A Cultural Genealogy of Sinhala Nationalism. UCL Press, 2018, tr.51.

[6] Trần Quang Thuận, Phật giáo Tích Lan, NXB.Tôn Giáo, 2008, tr.194.

[7] Alan Trevithick, The Revival of Buddhist Pilgrimage at Bodh Gaya (1811-1949): Anagarika Dharmapala and the Mahabodhi Temple, Motilal Banarsidass Publishe, 2006, tr.55.

[8] Ibid., tr.56.

[9] W.M.K Wijentunga, “The Last Years of Anagarika Dharmapala”, Vidyodaya Vidyā Kalā Bhāsāśāstrīya Sangrahaya Volume 13, University of Sri Lanka, 1985, tr.39.

[11] Alan Trevithick, The Revival of Buddhist Pilgrimage at Bodh Gaya (1811-1949): Anagarika Dharmapala and the Mahabodhi Temple, Motilal Banarsidass Publishe, 2006, tr.42.

[12] Arnold Wright, Twentieth Century Impressions of Ceylon: its history, people, commerce, industries, and resources: "Angarika Dharmapala", Asian Educational Services, 2004, tr.119.  

[13] Minh Đức Triều Tâm Ảnh, Sử Phật giáo thế giới, tập 1: Trung Quốc - Ấn Độ: Phật giáo Ấn Độ thời phục hưng, https://thuvienhoasen.org/p57a18340/phat-giao-an-do-thoi-phuc-hung

[14] Sangharakshita, Anagarika Dharmapala A Biographical Sketch and other Maha Bodhi, Ibis Publications,1988, tr.35-37

[16] Port Said: thành phố nằm ở phía Đông bắc Ai Cập, dọc theo bờ biển Địa Trung Hải, phía Bắc Kênh đào Suez.

[17] Brindisi: thành phố cảng bên biển Adriatic, vùng Apulia miền Nam nước Ý.

[18] Sangharakshita, Anagarika Dharmapala A Biographical Sketch and other Maha Bodhi, Ibis Publications,1988, tr.41- 43.

[19] John Henry Barrows, The World's Parliament of Religion, voll 1, Chicago: Parliament Pub. Co, 1983, tr.62.

[20] John Henry Barrows, The World's Parliament of Religion voll 1, Chicago: Parliament Pub. Co, 1983, tr.169-170.

[21] Sđd, tr.95.

[22] Sđd, tr.1288-1290.

[23] Leoline Leonard Wright, “Vignettes from the World’s Congress of Religions”, Diễn đàn Thần học-Tháng 12 năm 1938 https://www.theosociety.org/pasadena/forum/f13n06p403_recollections-of-a-theosophical-speaker.htm

[24] Nguyễn Kim Dân dịch, Nghiên cứu về nước Mỹ, NXB.Thời Đại, 2010, tr.31.

[25] NS. Thích Nữ Như Nguyệt, Bài giảng Phật giáo Âu - Mỹ, khóa XII, 2019.

[26] Sugeeshwara Gunaratna, “di sản Anagarika Dharmapala và đóng góp cho sự truyền bá của Phật giáo”  https://sugeeshblog.wordpress.com/2016/09/24/the-contemporary-relevance-of-the-legacy-of-anagarika-dharmapala-and-its-contribution-to-the-spread-of-buddhism/

[28] W.M.K Wijentunga, “The Last Years of Anagarika Dharmapala” (Vidyodaya Vidyā Kalā Bhāsāśāstrīya Sangrahaya, Volume 13, University of Sri Lanka, 1985, tr.39.

Chia sẻ: facebooktwittergoogle
Các bài viết khác