Giới thiệu tông phái ký toàn tập

gioi thieu tong phai

GIỚI THIỆU TÔNG PHÁI KÝ TOÀN TẬP

 

Trước đây, Tông phái ký toàn tập do Hòa thượng Thích Huệ Sanh và Thượng tọa Thích Nhật Từ dịch ra Việt ngữ. Bản dịch của ngài Huệ Sanh được môn đồ xuất bản, còn bản dịch của thầy Nhật Từ được trích dẫn trong sách Lịch sử Phật giáo Đàng Trong của Nguyễn Hiền Đức[1]. Sau đó, chúng tôi được thầy Không Hạnh tặng cho một bản photo nguyên bản tập sách và cho biết tư liệu này do Thượng tọa Huệ Xướng cung cấp. Bản sách được ngài Huệ Sanh lấy làm bản nền để phiên dịch mà tờ bìa kẻ khung, chữ Hán viết không đẹp đề “Ngũ gia tông phái ký toàn tập”. Nhân chuyến điền dã năm 2010, chúng tôi viếng thăm chùa Giác Viên và được vị chủ chùa cho xem tủ ván khắc, và phát hiện ván khắc Ngũ gia tông phái ký được trưng bày trong tủ. Ván khắc ở đây trong tình trạng khá xấu, mộc bản bộ sách không còn đầy đủ. Ván thuộc loại dài, một tấm có thể in được gần đủ số tờ của một quyển. Người thợ khắc ngày xưa không cắt nhỏ ra mà để nguyên một tấm dài kẻ khung, khắc chữ.

Khi in ra, quyển thượng còn nguyên, chỉ hư mất mấy chữ của tờ đầu. Quyển hạ chỉ còn được 6 tờ đầu, trong đó có một vài tờ bị hư một số chữ. Quyển trung hầu như không thấy ván, có thể bị thất lạc chăng?

1. Tình trạng văn bản

Sách gồm ba quyển: thượng, trung và hạ. Mỗi quyển có một tên gọi khác nhau và mỗi quyển đều do một người soạn. Đây chính là tập hợp các tác phẩm nhỏ, gộp vào nhau tạo nên tập sách. Tờ bìa có kẻ khung, chép chữ Hán lớn làm tiêu đề “Ngũ gia tông phái ký toàn tập”. Người chép hàng chữ không được đẹp, chữ viết hơi cẩu thả, không tương xứng với khung chữ nhật. Nhiều nhà nghiên cứu lấy hàng chữ Hán làm tiêu đề sách. Chúng tôi cho rằng, tập sách mới được người sau viết tiêu đề như trên và chúng tôi tạm gọi tập sách với tên “Tông phái ký toàn tập”, dùng chữ “Ngũ gia” nghe ra quá rộng, không hợp với nội dung tập sách.

Quyển thượng, dòng thứ nhất của tờ đầu đề Tông phái ký, hai dòng tiếp ghi “Giang Lăng hậu học Bản Quả biên tập, Hải Phong Đồng Tham Truyền Tụ hiệu trữ/ 江 陵 後 學 本 果 編 輯海 豊 同 参 傳 聚 較”. Nghĩa là hậu học Bản Quả ở Giang Lăng biên tập, cùng tham Truyền Tụ ở Hải Phong kiểm tra bản ván, tức người hiệu kiểm[2]. Quyển này có tất cả 9 tờ, mỗi tờ 2 trang, mỗi trang có 8 dòng, mỗi dòng 15 chữ, khắc chân phương. Cuối quyển có bài Bạt của Truyền Tụ. Sau đó đến dòng “Thập Tháp Di Đà tự Sa-môn trùng san lưu thông/ ”, tức Sa-môn chùa Thập Tháp Di Đà in lại lưu thông. Bản in quyển thượng dựa vào một bản in cũ của chùa Thập Tháp, chỉ để Sa-môn mà không đề tên nên khó biết vị nào ở chùa Thập Tháp đứng khắc bản. Căn cứ Tông phái ký mà nay chùa Thập Tháp (Bình Định) vẫn còn ván khắc, đối chiếu với quyển thượng cho chúng ta thấy đúng là Tông phái ký toàn tập lấy bản in Tông phái ký làm quyển thượng của tập sách. Bản in từ ván chùa Thập Tháp khá xưa, do bản in không đề niên đại và người khắc bản nên chưa xác định bộ ván thực hiện khi nào. Theo chúng tôi, bộ ván này khắc in đầu thế kỷ XVIII, cách đây hơn 300 năm.

Quyển trung có tên trên gáy “Sự tích tiết yếu”. Dòng đầu tiên ở tờ 1a ghi “Sắc tứ Từ Ân tự sung quản Khải Tường tự phó tự hậu học tính Tạ tự Trí Thông pháp sư/ ”. Dòng thứ hai ghi thêm “Phật tổ sự tích tiết yếu, chư sơn Đại đức đồng tham đính/ 要。諸 ”. Dựa vào hai dòng này cho biết pháp sư Tạ Trí Thông chùa Từ Ân là người soạn quyển trung Phật tổ sự tích tiết yếu, được các vị Đại đức cùng tham đính, tức đính chính. Quyển này chiếm 11 tờ, mỗi tờ 2 trang, mỗi trang có 9 dòng, mỗi dòng 17 chữ, khắc chân phương.

Quyển hạ mà dòng đầu ghi “Tông phái sự tích quyển hạ/ ”. Dòng thứ hai đề “Giác Lâm tự giáo thụ thượng Hải hạ Tịnh Hòa thượng tập chú sự tích/ . Quyển hạ có 7 tờ, mỗi tờ 2 trang, mỗi trang 9 dòng, mỗi dòng 17 chữ, khắc chân phương. Tập này do Thiền sư Hải Tịnh giáo thọ chùa Giác Lâm soạn, bao gồm 3 bài văn và 4 bài kệ như sau:

1. Đối vong ninh tháp chư tự nhật kỳ do pháp điệt Phước Hải ở chùa Khải Tường giữ chức thư ký chép.

2. Hải Tịnh Hòa thượng sách tiến chư tự Tăng chúng tu tập thiền đường chỉ tịnh do pháp tử hiệu yết-ma Phổ Chiếu chép.

3. Giác Lâm tự Hòa thượng giáo truyền trùng thí giới đàn sự tích luận tập do giáo thọ hiệu Quảng Thạnh ghi.

Và 4 bài kệ của Thiền sư Hải Tịnh như hai bài kệ pháp danh, bài kệ thí giới tại chùa Sùng Phước và bài kệ Xuất gia thủ kỳ công khóa thập nhị thời.

Riêng bài Xuất gia thủ kỳ công khóa thập nhị thời mà cuối sách có chép lại gần giống với bài Hoàng Long Hòa thượng thập nhị thời thiền gia tự cảnh in trong tập Thiền đường quy ước từ tờ 75a6-75b8. Hai bài có một số sai dị nhỏ và trong Thiền đường quy ước có thêm bốn câu sau mà quyển hạ Tông phái ký không chép. Bốn câu đó như sau:

Bách trượng phong đầu trường bích ung

Tích niên trượng thất cảnh thùy noa.

Xuất gia hưu đạo nhàn vô sự

Phương tiện tòng lâm sự cánh đa.

百丈峰頭長薜蕹

昔年丈室境谁拏

出家休道閑無事

方便叢林事更多.

Xin khảo dị hai bài như sau: câu thứ hai chữ thứ tư bản Thiền đường đề Ngưu miên 牛眠  còn bản Tông phái ký toàn tập ghi ngưu xa 牛車.

Tờ cuối ghi: “Giác Lâm tự Hải Tịnh đại lão Hòa thượng chứng minh, Đức Lâm tự Phước Chí Yết-ma chủ khắc chi sự, chư sơn Đại đức đồng trợ ngân tiền tạo khắc tam quyển, Tổ Đình tàng bản.

明。德 事。諸 卷。祖 ”. phía dưới đó có ghi thợ khắc ván “Tài công Bảo Đài, Bảo Thành/ ”. Tập sách này dưới sự chứng minh của Hòa thượng Hải Tịnh, người lo công việc khắc ván là Yết-ma Phước Chí chùa Đức Lâm, các vị Đại đức trong sơn môn trợ ngân tiền để tạo khắc ba quyển, bản ván được lưu tại tổ đình. Tổ đình ở đây chính là chùa Giác Lâm hay tổ đình Giác Lâm, chứ không phải Giác Viên. Sau khi Hòa thượng Hải Tịnh viên tịch, chùa Giác Viên được Đại sư Minh Khiêm Hoằng Ân trụ trì và ngài đứng ra in khá nhiều kinh sách. Từ đó, Giác Viên trở thành trung tâm khắc ván in kinh của khu Gia Định và các tỉnh lân cận. Do đó, ván in bộ Tông phái ký toàn tập được đưa về chùa Giác Viên bảo quản cho đến ngày nay.

Sách không thấy chép niên đại nên có thể khảo xét để tìm ra năm khắc ván. Cuối quyển hạ cho biết sự kiện lập giới đàn vào ngày mồng 4 tháng 4 năm Ất Hợi tại chùa Linh Sơn Tiên Thạch (Tây Ninh). Năm Ất Hợi chính là năm 1875, mà sư Hải Tịnh tịch ngày mồng 8 tháng 11 cùng năm. Cuối sách có đề lão Hòa thượng Hải Tịnh chứng minh, tức ngài vẫn còn tại thế. Suy ra, sách phải được khắc in năm Ất Hợi (1875), khoảng từ trước tháng 4 đến tháng 11, khi mà ngài Hải Tịnh lìa đời.

2. Sơ khảo nội dung

Đi vào nội dung tập sách, chúng ta theo tiến trình được chia làm ba quyển với ba nội dung khác nhau. Quyển thượng chép kệ phái các dòng, quyển trung và quyển hạ ghi chép các sự kiện, Phật sự có liên quan đến dòng Lâm Tế phát triển tại miền Nam.

Quyển thượng tiêu đề Tông phái ký tức ghi chép tông phái mà ở đây được hiểu là chép kệ phái truyền thừa của các tông phái. Tác giả Bản Quả chép được 25 bài kệ. Trong đó có 14 kệ phái của dòng Lâm Tế, 4 kệ phái Tào Động, ba tông Quy Ngưỡng, Vân Môn, Pháp Nhãn mỗi tông một kệ, 4 bài kệ của Giáo Tông như kệ của Thiền sư Hám Sơn, Chuyên Ngu, Tam Muội và Đại sư Vô Niệm Hy Hữu. Cách ghi chép khá rõ, ghi người lập kệ, đôi khi tác giả còn chú thích những điều mình biết về kệ phái, làm cho tư liệu thêm phần bổ ích. Theo như tác giả giới thiệu, ngài dựa vào Tục tông đồ của tác giả khuyết danh rồi biên tập lại.

Quyển trung ghi chép sự tích Phật tổ. Trí Thông trình bày sự tích của ba Thánh: Thích Ca, Lão Tử và Khổng Tử dựa theo quan điểm Tam giáo đồng nguyên của Trung Quốc. Phần này chiếm có 1 tờ, chép khá ngắn gọn. Có thể đây là điểm khơi mào cho tác giả viết tiếp đến sự truyền thừa của hai vị Tổ sư Nguyên Thiều và Thạch Liêm vào thời chúa Nguyễn. Trí Thông viết “Tạ Quang Thiều” chứ không phải Nguyên Thiều, có thể ông sợ húy kỵ tên chúa Nguyễn Phúc Nguyên nên đổi chữ Nguyên thành Quang. Ông còn chép sai tên tổ Thành Đẳng thành tên Thành Bích, chúng tôi chưa tìm ra lý do mà ngài Trí Thông chép tên sai khác của ngài Thành Đẳng Minh Lượng. Tác giả cho biết chùa Từ Ân tương truyền được 8 đời như sau: “Nguyên chùa Từ Ân tương truyền 8 đời Tổ sư. Sơ tổ Đạo Mân, Nhị tổ Bản Quả, Tam tổ Nguyên Thiều, Tứ tổ Thành Bích (Thành Đẳng, tác giả chú), Ngũ tổ Phật Ý, Lục tổ Tổ Thành, Thất tổ Tiên Tín” (Quyển trung, tờ 2b7-3a1). Phía trước, ông ghi Quang Thiều thì trong truyền thừa lại ghi Nguyên Thiều. Chùa Từ Ân lúc đó đã lấy vị Đạo Mân làm Sơ tổ, chứ thực ra các ngài Đạo Mân, Bản Quả, Nguyên Thiều, Thành Đẳng đâu có trụ trì chùa Từ Ân. Chùa do ngài Phật Ý Linh Nhạc sáng lập và trụ trì đầu tiên[3], rồi truyền xuống cho Tổ Thành, Tiên Tín. Tổ Thành là ghi theo kệ phái Thiền sư Đạo Mân, chứ ngài thường xưng là Thiệt Thành Liễu Đạt, có hiệu là Liên Hoa Hòa thượng.

Đoạn sau của quyển trung ghi chép sơ lược tình hình Phật giáo triều Nguyễn qua bốn triều Gia Long, Minh Mệnh, Thiệu Trị và Tự Đức. Tác giả là con cháu trong dòng pháp của các vị Hòa thượng Mật Hoằng, Tiên Tín Chánh Trực, Tâm Đoan Hải Tịnh nên ghi chép khá rõ. Các vị trên được triều đình mời ra Kinh sung chức tăng cang, trụ trì các chùa quốc tự như Thiên Mụ, Giác Hoàng, Diệu Đế…Tác giả ghi rõ sự kiện ngài Mật Hoằng như: “Đến năm Gia Long thứ 3 (1804) chiếu Hòa thượng Mật Hoằng chùa Đại Giác, tỉnh Biên Hòa nhập kinh sư. Sư được sắc phong Tăng cang Hòa thượng làm chủ chùa Thiên Mụ… Minh Mệnh năm thứ 2 (1821), Hòa thượng từ tạ đại chúng mà Niết-bàn…” (quyển trung, tờ 3a).

Phần tiếp ghi chép các sự kiện của giới đàn có liên quan đến Hòa thượng Hải Tịnh, chùa Giác Lâm. Khi Thiền sư Chánh Trực viên tịch năm Giáp Thìn (1844), mọi việc trong sơn môn đều giao cho sư Hải Tịnh nên Trí Thông đã viết khá rõ về các Phật sự của Thiền sư Hải Tịnh, từ lập giới đàn, trường hương cho đến giáo dục Ttăng tài làm cơ sở cho Phật giáo Nam bộ phát triển. Phần cuối tập sách ghi rõ gia thế của Hòa thượng Hải Tịnh.

Quyển trung viết niên hiệu và năm can chi có chỗ chưa tương ứng[4]. Đầu tiên cho vua Minh Mệnh lập chùa Giác Hoàng và Khải Tường vào năm Minh Mệnh thứ 3 là sai. Căn cứ Đại nam thực lục, chùa Khải Tường được lập năm Minh Mệnh thứ 13, sau đó 10 năm. Chùa Giác Hoàng do vua Minh Mạng xây dựng năm Kỷ Hợi (1839) bên trong kinh thành gần cửa Thượng Tứ. Đây vốn là phủ của vua Minh Mạng lúc còn tiềm để.

Sách chép chùa Diệu Đế lập năm Thiệu Trị nguyên niên (1840), trong khi đó, chùa lập năm 1844, sai khác 4 năm.

Năm Kỷ Dậu (1849) sách cho tương đương với niên hiệu Tự Đức thứ 6. Thực tế, Tự Đức thứ 2 mới chính xác.

Tự Đức thứ 7 (giáp dần 1854) cho năm Bính Tuất (1886).

Quyển hạ ghi chép ba bài văn, ba bài thơ của Thiền sư Hải Tịnh và 1 bài của Hòa thượng Hoàng Long. Nội dung ba bài văn có giá trị sách tấn đại chúng, sử dụng trong ba việc trọng đại của chư sơn. Bài thứ nhất nhắc nhở con cháu trong dòng thiền phải biết báo ân chư Tổ, ghi chép các ngày kỵ, tảo tháp ở các chùa lớn, nhắc nhở đứng quên ngày kỵ và con cháu phải luôn có mặt trong các ngày húy nhật, đừng để vắng mặt. Đó là một trong tứ ân của Phật giáo, luôn tôn kính sư trưởng, những vị có công giáo dưỡng.

Bài văn thứ hai sách tấn chư Tăng các chùa tu tập trong ba tháng hạ. Đã là Tăng chúng thì trong ba tháng hạ phải an cư mà xưa gọi là “nhập thiền đường”, tức vào thiền đường tuân thủ quy chế cấm túc an cư, nhằm thúc liễm thân tâm, trau dồi đạo hạnh. Cuối bài văn, Hòa thượng Hải Tịnh liệt kê các đạo tràng có tổ chức trường hương. Các trường hương ngoài việc tổ chức an cư, sau ba tháng mở giới đàn để thí giới, nhằm đào tạo lớp hậu lai, kế thừa mạng mạch của Phật pháp.

Bài văn thứ ba, Hòa thượng chùa Giác Lâm truyền dạy trùng thí giới đàn. Ngài nhắc lại lịch sử giới đàn tổ chức ở Đàng Trong như giới đàn do Hòa thượng Thạch Liêm tổ chức quy mô, dưới sự ngoại hộ của chúa Nguyễn. Hòa thượng Hải Tịnh đã 7 lần mở giới đàn để thí giới, công đức của ngài lớn đối với Phật giáo Nam Bộ. Ngài chính là vị Tổ sư hoằng truyền luật tông, chấn chỉnh sinh hoạt trong chốn thiền, mở ra sự phát triển của đạo Phật ở hai miền Đông, Tây Nam Bộ.

Ngoài ba bài văn trên, Hòa thượng Hải Tịnh cung lục ba bài kệ vào trong quyển hạ và bài công khóa 12 thời của Hòa thượng Hoàng Long. Quyển hạ chép bài công khóa nhưng không đề tác giả. Thiền đường quy ước có ghi rõ “Hoàng Long Hòa thượng thập nhị thời thiền gia tự cảnh/ ”.

Tóm lại, Tông phái ký toàn tập là bộ sách do Hòa thượng Hải Tịnh chùa Giác Lâm biên soạn. Sách gồm 3 quyển, mỗi quyển do mỗi người soạn, nên thiếu nhất quán. Hòa thượng Hải Tịnh biên soạn lúc đã lớn tuổi nên sử liệu đưa ra không được đối chiếu, kiểm tra, dẫn đến năm can chi không khớp với niên hiệu, các nhân vật xuất hiện đôi chỗ ghi nhầm. Tuy nhiên, sách có giá trị về lịch sử và truyền thừa Phật giáo miền Nam. Sách cung cấp quá trình tổ chức đàn giới, mở trường hương với quy mô lớn nhằm chỉnh đốn sinh hoạt thiền môn, tạo điều kiện cho Phật giáo Nam Bộ vững mạnh và là bước tiên phong cho phong trào chấn hưng Phật giáo sau này.

Hoài Cổ lâu, cuối đông năm Mậu Tuất (2019)

Tài liệu tham khảo:

1.      Tông phái ký toàn tập, bản photo từ thầy Không Hạnh cung cấp và bản in từ ván tàn khuyết lưu trữ tại chùa Giác Viên (Thành Phố Hồ Chí Minh) được Thư viện Huệ Quang rập bản năm 2011.

2.      Tông phái ký, Bản Quả (Trung Quốc) biên soạn, Truyền Tụ tham đính, Ván khắc chùa Thập Tháp (Bình Định), chưa rõ năm. Nhóm Thư viện Huệ Quang thực hiện rập in năm 2013.

3.      Thiền đường quy ước, Hòa thượng Tâm Thông chùa sắc tứ Trường Thọ lập khắc, giáo thọ Thiện Pháp chùa Thiên Trường bỏ của khắc ván toàn quyển. Ván in thực hiện ngày 15 tháng 5 năm Kỷ Mùi (1919).

4.      Ngũ gia tông phái ký toàn tập, bản dịch Hòa thượng Thích Huệ Sanh, NXB. Tôn Giáo, H. 2002.

5.      Nguyễn Hiền Đức, Lịch sử Phật giáo Đàng Trong, NXB. TP Hồ Chí Minh, 1997.

 

 

 

 


 

[1] Nguyễn Hiền Đức chỉ trích lại bản dịch quyển hạ của thầy Nhật Từ. Phần Tài liệu tham khảo và trích dẫn có trưng tên ba quyển đều đề “Đại đức Nhật Từ dịch”. Hiện chúng tôi chưa có bản dịch này.

[2] Bản Quả Khoáng Viên: Bổn sư của Hòa thượng Nguyên Thiều, hành trạng chưa rõ. Truyền Tụ vốn huynh đệ với Thiền sư Bản Quả, tức đều là đệ tử đắc pháp với ngài Đạo Mân Mộc Trần.

[3] Long vị chùa Từ Ân ghi rõ: “Sáng tạo Từ Ân tự Lâm Tế chính tông tam thập ngũ thế húy Phật Ý thượng Linh hạ Nhạc lão Hòa thượng giác linh nghê tòa”. Hòa Thượng Phật Ý Linh Nhạc được mời chứng minh đúc chuông tại chùa Tập Phước. Hiện chuông vẫn còn sử dụng tại chùa Tập Phước, nhưng không ghi năm đúc. Tháp ngài được dời về chùa Giác Lâm (Sài Gòn).

[4] Tham khảo lời bạt của Tỳ-kheo Thích Minh Cảnh trong Ngũ gia tông phái ký toàn tập, bản dịch của Hòa thượng Thích Huệ Sanh, tr.74.

Chia sẻ: facebooktwittergoogle
Các bài viết khác