Kinh Kim cang với thiền tông và ý nghĩa trong thực tiễn

kinh kim cang

            Thích Quảng Lạc

Kinh Kim cang là một bản kinh thuộc văn hệ Bát-nhã, tuy khá ngắn so với Bát thiên tụng Bát-nhã, nhưng bảnkinh này đã gần như bao hàm tư tưởng cơ bản của Phật giáo Đại thừa. Đối với Thiền tông, kinh Kim cangđược xem như bản kinh dùng để truyền tâm ấn, đặc biệt, bảnkinh này có ảnh hưởng nhất địnhđếnnội dung và tư tưởng kinh Pháp bảo đàn của Lục Tổ Huệ Năng. Trong bài viết này, tác giả sử dụng hình ảnh “vô trụ”, “thật tướng” trong kinh Kim cang để đưa ra những giải pháp góp phầntháo gỡ những bế tắc trong đời sống của xã hội hiện nay.

1. Dẫn nhập

Sơ Tổ Bồ Đề Đạt Ma khi đến Đông độ hoằng dương Phật phápđã sử dụng quyển kinh Lăng-già làm nền tảng căn bản để ấn tâm, chứng ngộ cho người tu thiền. Quyển kinh này chuyển tải nội dung thâm sâu, cần phải dày công nghiên cứu. Đến thời TTổ Đạo Tín, ngài dạy mọi người hãy niệm “Ma-ha Bát-nhã ba-la-mật[1].Từ đây, bảnkinh Lăng-già đã mất dần vị trí độc tôn mà thay vào đó là kinh Kim cangBát-nhã. Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn cũng khuyên mọi người:Chẳng những Tăng Ni mà cả cư sĩ đều nên trì tụng kinh Kim cang và chủ trương dùng kinh này để ấn tâm[2].Cho đến đời Lục Tổ Huệ Năng thì bảnkinh này được đưa lên một tầm mức mới và xem như tâm ấn trong nhà Thiền[3].

2. Kinh Kim cang với Lục Tổ Huệ Năng

            Theokinh Pháp bảo đàn, Huệ Năng là một tiều phu thuộc miền Lĩnh Nam, nhânmột lần đi bán củi ở trong phố, ngài được nghe một người khách tụngkinh Kim cangvà tâm thức đã chấn động mạnh mẽ.

            Sau khi từ giã mẹ già,Huệ Năng đến tham kiến Ngũ Tổ ở chùa Đông Thiền huyện Huỳnh Mai. Qua nhân duyên tham vấn bước đầu, Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn nhận ra Huệ Năng bậc pháp khí, vì thế đã an trí Huệ Năng ở khu nhà bếp để chẻ củi và giã gạo. Trải qua 8 tháng, Ngũ Tổ thấy thiền cơ đã lộnên đã chỉ dạy Tăng chúng mỗi người làm một bài kệ nhằm biểu đạt sự tu chứng và kiến đắc của mình. Bài kệ của Huệ Năng được NTấn chứng để rồi sau đó, ngài được truyền y bát làm tổ thứ sáu. Trong lúc truyền pháp, NTổ vì ngài Huệ Năng mà giảng kinh Kim cang. Khi đến câu “Ưng vô sở trụ, nhi sanh kỳ tâm”, lúc này ngài Huệ Năng mới thực sự liễu ngộ hoàn toàn. Cho nên, có thể nói rằng ngài Huệ Năng từ khi phát tâm cầu pháp và đắc pháp đều không thể tách rời kinh Kim cang.

Bài kệ ngộ đạo của Huệ Năng đã thể hiện đầy đủ tư tưởng tính Không của Bát-nhã. Trong giáo lý Bát-nhã thường nói tính Không tức vô sở đắc. Trong Bát-nhã tâm kinh cho rằng “không có trí chứng và cũng không có sở đắc, vì không sở đắc mà Bồ-tát hành xử tốt Bát-nhã ba-la-mật, nhờ vậy mà tâm không quái ngại[4].Trong kinh Kim cang lại nói rằng: “Thật không có pháp Như Lai được Vô thượng chánh đẳng chánh giác[5].Và bài kệ ngộ đạo nổi tiếng của Lục Tổ: “Bồ-đề vốn không cây, gương sáng cũng chẳng đài, xưa nay không một vật, chỗ nào dính bụi bặm?[6]. Như vậy, suy cho cùng tất cả đều giống nhau, đạt đến chỗ tột cùng của chân lý là tâm không, pháp không.

Về sau, trong quá trìnhhoằng dương Phật pháp,Lục T Huệ Năng đều tập trung xưng tán pháp mônBát-nhã. Quan điểm này được thể hiện rõ nhất trong kinh Pháp bảo đàn: “Tổ đăng tòa bảo đại chúng rằng: tất cả nên tịnh tâm niệm Ma-ha Bát-nhã Ba-la-mật-đa[7]. Có chỗ lại nói rằng: “Này Thiện tri thức nếu muốn vào pháp giới thậm thâm và Bát-nhã tam muội thì phải tu Bát-nhã hạnh, phải trì tụng kinh Kim cangBát-nhã tức thấy được tánh, nên biết kinh này công đức vô lượng vô biên...[8].

3. Ảnh hưởng của kinh Kim cang đối với kinh Pháp bảo đàn

            Điều dễ nhận thấy là, trongphẩm thứ hai của kinh Pháp bảo đàn, đã mở đầu bằng việc giải thích “Ma-ha Bát-nhã ba-la-mật”làm tiền đề cho buổi thuyết pháp[9]. Tiếp đến là hiển thị công năng diệu dụng của Bát-nhã. Lục Tổ nói: “Phàm phu tức Phật, phiền não tức Bồ-đề. Niệm trước mê tức phàm phu, niệm sau ngộ tức Phật; niệm trước chấp cảnh tức phiền não, niệm sau lìa cảnh tức Bồ-đề[10].Trên phương diện đệ nhất nghĩa, cặp phạm trù phàm phu và Phật; phiền não và bồ-đề, quả thật không có gì khác biệt,nhưng có điều là phàm phu và Phật do sự không đồng ở chỗ giữa mê và ngộ mà thôi. Ở phàm phu còn mê, cho nên nơi nơi đều chấp cảnh, không có trí tuệ, vì thế càng phiền não; còn đối với Thánh hiền lấy trí tuệ Bát-nhã để thông đạt các pháp một cách chân thật, không chấp trụ vào các tướng, thì không có mặt của phiền não, vì phiền não lúc này chính đã là Bồ đề rồi.

            Đi vào phẩm Định Huệ, Huệ Năng lại y cứ vào pháp môn Bát-nhã vàđề xuất ba cương lĩnh cho việc tu hành chốn Thiền môn. Ngài dạy rằng: “Này Thiện tri thức! Pháp môn của ta đây từ trước đến nay, trước lập Vô niệm làm tông, Vô tướng làm thể, Vô trụ làm bổn[11].

Như thế nào là Vô niệm? Trong kinh Pháp bảo đàn giải thích như sau: “Đối trên các cảnh tâm không nhiễm gọi là Vô niệm. Đối trên niệm thường lìa các cảnh, chẳng ở trên cảnh mà sanh tâm. Nếu chỉ trăm vật chẳng nghĩ, niệm phải trừ hết, một niệm dứt tức là chết[12]. Vô niệm không phải là không tiếp xúc, không nghĩ ngợi gì đối với tất cả các cảnh.Vô niệm được hiểu là khi tiếp xúc duyên với các ngoại cảnh tâm không dính mắc với cảnh giới, giống như chiếc gương trong. Cảnh đến thì gương hiện;Cảnh đi gương trở thành trong. Như vậy với tư tưởng này chúng ta bắt gặp trong kinh Kim cang qua hình tượng“không nên trụ nơi sắc tướng sanh tâm, âm thanh, hương thơm, vị ngon, xúc chạm mà sanh tâm, nên không có chỗ trụ mà sanh tâm[13]là hoàn toàn giống nhau.

Thứ đến, như thế nào là Vô tướng? kinh Kim cang dạy: “Thật tướng ấy tức không phải tướng[14], và“Nếu thấy các tướng chẳng phải tướng tức thấy Như Lai[15]. Cũng thế, kinh Pháp bảo đàn cũng cho rằng: “Ngoài lìa tất cả tướng gọi là Vô tướng, hay lìa nơi tướng tức là pháp thể thanh tịnh, đây là lấy Vô tướng làm thể[16]. Thật tướng là vô tướng, nhưng vì thật tướng cũng không tách rời và nằm ngoài vạn vật, đây chỉ cho sự sai khác để nhận biết phân biệt.Chính nơi đây cần có trí tuệ Bát-nhã. Lấy trí tuệ Bát-nhã không chấp trụ với hình tướng, thấu rõ được các tướng, mới có thể thông đạt pháp tánh.

 Cuối cùng, như thế nào là Vô trụ? kinh Pháp bảo đàn nói: “trong mỗi niệm không nghĩ cảnh trước, nếu niệm trước, niệm hiện tại, niệm sau, trong mỗi niệm tương tục không dứt gọi là hệ phược (trói buộc). Đối với các pháp mỗi niệm không trụ, tức là không phược, đây là lấy pháp vô trụ làm gốc[17]. Tâm trụ với cảnh, tức là tâm bị trói buộc, giả như tâm không trụ với cảnh tức là giải thoát. Cho nên tư tưởng của Pháp bảo đàn lấy tâm Vô trụ làm cốt lõi cho việc tu tập và hành trì.

            Về vấn đề ngồi thiền, Lục Tổ Huệ Năng cũng từ trong sự thể nghiệm của pháp môn Bát-nhã, đề xuất ra một phương pháp kháđặc thù cho hành giả nhà Thiền. Ví dụ như trước kia ngồi thiền, người ngồi thiền nhất định phải xem trọng và chú ý đến tư thế ngồi; đối với tư thế ngồi và vận dụng cái tâm như thế nào phải có những quy tắc nhất định.Pháp bảo đàn lại đả phá việc ngồi thiền qua hình tướng này. Khi ngài Thần Tú cho một đệ tử thông minh tài trí nhất của mình là Chí Thành đến Tào Khê để tham học và nghe pháp của Lục Tổ để về truyền đạt lại cho ngài nghe, Chí Thành trong hội chúng khi đang nghe pháp, Lục Tổ hỏi ông rằng: “Thầy ông dùng cái gì để chỉ dạy chúng? Chí Thành trả lời rằng: Thường chỉ dạy đại chúng trụ tâm quán định, thường ngồi chẳng nằm. Tổ bảo: Trụ tâm quán định là bệnh chứ không phải thiền, thường ngồi là câu chấp nơi thân, đối với lý có lợi ích gì. Hãy nghe bài kệ của tôi đây:

Khi sống ngồi không nằm

Khi chết nằm không ngồi

Vốn là đầu xương thúi

Vì sao lập công khóa.[18]

            Như vậy, từ vấn đề Vô trụ của pháp môn Bát-nhã, hành giả ngồi thiền nếu câu nệ chấp chặt, trụ trên hình tướng ngồi để thiền trong tu tập hành trì, tự thân đã là chấp kẹt vào hình tướng. Bởi vì đạo luôn là vô hình vô tướng, chỗ nào cũng đều là đạo, dong thong tự tại trong tất cả những động tác sinh hoạt thường ngày thể nghiệm trong đi, đứng, nằm, ngồi.

            Về phương diện dụng tâm trong khi ngồi thiền, thiền quán của Tiểu thừa chú trọng từ sự bắt đầu bằng từng đối tượng một, tương ưng thông qua các cửa của sáu căn và cột tâm tại một điểm hay một cảnh. Kinh Pháp bảo đàn bảo chúng ta ngồi thiền cần phải tâm không chấp vào một hay nhiều chỗ mà phải“tâm vô sở trụ”. Lục Tổ Huệ Năng dạy rằng: “Pháp môn tọa thiền này vốn không chấp nơi tâm, cũng không chấp nơi tịnh, cũng chẳng phải chẳng động. Nếu nói chấp tâm, tâm vốn là vọng, biết tâm như huyễn nên không có chỗ chấp vậy. Nếu nói chấp tịnh, tánh người vốn là tịnh, bởi vì vọng niệm che đậy chân như, chỉ không có vọng tưởng thì tánh tự thanh tịnh. Khởi tâm chấp tịnh trở lại sanh ra cái tịnh vọng. Vọng không có chỗ nơi, chấp ấy là vọng; tịnh không hình tướng trở lại lập tướng tịnh, nói là công phu, người khởi kiến giải này là chướng tự bản tánh trở lại bị tịnh trói[19]. Đây là đi từ thấy tánh và quán thật tướng cho sự mở đầu, lấy Vô trụ làm phương tiện, Định tức là Tuệ, Định Tuệ viên dung một thể. Với thiền quán Tiểu thừa, do Định có Tuệ, hiển nhiên không giống nhau.

Trên đây chúng tôi chỉ đơn cử một vàiđiểm, nhằm minh chứng sự ảnh hưởng giữa kinh Kim cangvàkinh Pháp bảo đàn, ảnh hưởng một cách toàn diện, không phải đơn thuần một vài câu cú hay giữa các bộ phận riêng biệt nêu trên.

4Ý nghĩa của kinh Kim cangtrong thời hiện đại

            4.1.Tu tập và hành trì trong đời sống hằng ngày

Thời Đông Tấn (317-420), Đại sư Đạo An (312-385) phân chia một bài kinh làm ba phần, gồmTự phần (phần mở đầu), phần Chánh tông (phần nội dung chính) và phầnLưu thông (phần lưu thông hay còn gọi là phần kết). Thông thường phần mở đầu có hai bộ phận: Chứng tín tự (lục chủng thành tựu) và Phát khởi tự (duyên khởi). Chứng tín tự là ghi thuật lại điều kiện của pháp hội đang lúc Đức Phật thuyết giảng bộ kinh này, trên cơ bản hình thức của mỗi một bộ kinh đều giống nhau, do đó còn được gọi là Thông tự.Phát khởi tự là nhân duyên dẫn đến Đức Phật thuyết giảng bộ kinh này, trong kinh hoặc có hoặc không, thiên sai vạn biệt, cho nên còn gọi là Biệt tự.

Phát khởi tự và nội dung của kinh luôn có mối quan hệ mật thiết. Các bộ kinh sở dĩ khác nhau vì nhân duyên phát khởi cũng mỗi nơi mỗi khác, giống như kinh Hoa nghiêm, kinh Pháphoa... đều lấy sự phóng quang chấn động, hằng hà sa số Bồ-tát, trăm ngàn trời người vân tập làm nhân duyên phát khởi. Trở lại, chúng ta xem kinh Kim cang và thấy rằng, một điều rất đáng ngạc nhiên, một sự việc rất là bình thường, bình thường hơn bao giờ hết. Trong kinh ghi lại như sau: “Khi ấy gần đến giờ thọ trai, Đức Thế Tôn đắp y mang bát vào đại thành Xá-vệ khất thực. Trong thành ấy, Ngài theo thứ lớp khất thực xong, trở về nơi chúng ở. Thọ trai rồi, Ngài dẹp y bát, rửa chân, trải tọa cụ ngồi[20]. Kinh Kim cang lấy cuộc sống sinh hoạt mỗi ngày làm nhân duyên phát khởi, thể hiện một phong cách tu hành bình thường hóa của pháp môn Bát-nhã.

Kinh Kim cang thể hiện rất rõ ở chỗ lấy thật tướng làm tông. Thật tướng có nghĩa là tướng chân thật của các pháp. Chứng thật tướng cần phải xa lìa hình tướng, không bám trụ vào hình tướng. Kinh này lấy “Vô trụ sanh tâm” làm cương lĩnh chủ đạo, thể hiện qua phương diện tu hành và cũng không có một hình thức nào nhất định cả.Đó chính là ngay trong đời sống hằng ngày của mình chúng ta cần tu chỉnh và sửa đổi bốn uy nghi: đi, đứng, ngồi, nằm và cũng chính vì thật tướng là vô tướng, tất cả không tồn tại thực thể.Chúng ta cần thông đạt một cách tự nhiên của thật tướng, không nên bám trụ với một trong bất kỳ tướng nào, mà phải cần trong đời sống hằng ngày, nơi nơi chỗ chỗ lìabỏ tướng vô trụ mới có thể cùng với thật tướng tương thông.

Các Thiền gia giảng dạy về lối sống đạo trong đời sống hằng ngày như thế nào để trong cuộc sống của chúng ta mới thể nghiệm được đạo? Thiền gia nói cần phải có được tâm bình thường, lúc ấy mới gọi tâm bình thường là đạo. Như thế nào là tâm bình thường? Mã Tổ Đạo Nhất(709-788) dạy rằng: “Đạo bất dụng tu, đãn mạc nhiễm ô. Đãn hữu sanh tử tâm, tạo tác thú hướng, giai thị nhiễm ô. Nhược dục trực hội kỳ đạo, bình thường tâm thị đạo. Hà vị tâm bình thường? Vô tạo tác, vô thị phi, vô thủ xả, vô phàm thánh[21](Đạo không cần phải tu, nhưng đừng để tâm bị uế nhiễm. Nhưng có tâm ưa thích tạo ra con đường đến sinh tử, đều gọi là uế nhiễm. Nếu muốn thẳng gặp được đạo này, tâm bình thường là đạo, thế nào gọi là tâm bình thường? Tâm không tạo tác, tâm không phân biệt phải trái, tâm không chấp cho đi và nhận lại, tâm không phân biệt phàm và Thánh). Vua Trần Thái Tông đã tiếp thu tư tưởng Thiền học một cách xuất sắc và thể nghiệm sự chứng đắc của ngài, lúcvua viện dẫn lời của Quốc Sư khi lên núi tìm cầu làm Phật: “Trong núi vốn không có Phật, Phật ở ngay trong lòng. Lòng lặng lẻ mà hiểu, đó chính là chân thân Phật[22], ngay đây “lòng lặng lẻ mà hiểu”cũng chính là tâm bình thường, ngay lúc ấy đã chính là Phật rồi. Cũng vậy, Đạo là một thực thể vốn sẵn có, do cái vọng tưởng chấp trước làm che mờ và phủ lấp tạo nên sự chướng ngại mà không thể hiển bày được, bây giờ có thể đi phá trừ tâm tham vọng uế nhiễm này thì đạo mới có thể hiển bày một cách tự nhiên.

Như vậy, đạo là từ trong tâm bình thường ấy mà chứng đắc, mà thể nghiệm, không thể nào khởi tâm đi tìm cầu được. Người khởi tâm cầu đạo, như Mã Tổ Đạo Nhất nói ở trên, người trần tục có rất nhiều tâm như vậy. “Đạo” ấy đã cách từ xa xưa.

4.2.Sanh tâm vô trụ với tất cả hiện tượng

Trong Thiền tông, Lục Tổ từng nghe câu “ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” trong kinh Kim cang mà ngộ đạo. Rõ ràng, sanh tâm vô trụ là điểm trọng tâm tu hành của pháp môn Bát-nhã.

Vô trụ là đối với trụ trước (dính mắc, mắc kẹt) mà nói, con người trần tục của chúng ta có một đặc điểm rất lớn, đó là chấp trước hay còn gọi là cố chấp. Con người luôn luôn trong trạng thái chấp trước không dừng nghỉ: chấp trước thân thể, y phục, tình cảm, hoàn cảnh, danh lợi, sự nghiệp, gia đình, địa vị, dụng cụ, tiền tài, ăn uống... Do chấp vào cảnh giới đối với lục trần, làm cho lục căn khi tiếp xúc với lục trần, sanh ra lục thức, lục thức bị uế nhiễm bởi những trần lao, sự cám dỗ trong cuộc sống dẫn đến chúng ta vốn dĩ tự tâm thanh tịnh mà mất đi tự tính thanh tịnh này.

Cố chấp khiến nội tâm chúng ta mất đi tính độc lập:Mọi người đang sống trong một xã hội, vì muốn có được cuộc sống vui vẻ, cho nên không ngần ngại tiếp xúc với tất cả hoàn cảnh. Trên thực tế cho thấy, hình ảnh một chuỗi thời gian trong cuộc sống con người của một ngày rong ruổi: sáng sớm thức dậy, luyện tập, ăn cơm, đi làm; làm về, ăn cơm, dạy dỗ con cái, xem ti-vi, nói chuyện, lên mạng xã hội giao lưu, ngủ nghỉ...Và cũng thể nói như sau: thông thường cuộc sống của con người, chỉ cần vẫn còn những cảm giác, tức là cuộc sống vẫn tiếp diễn thì còn những suy nghĩ của mưu toan tính toán, do đó cơ thể và tinh thần rất khó dừng lại và nghỉ dưỡng được. Do vì thời gian rong ruổi với ngoại cảnh dài như thế, dần dần phát sinh sự ỷ lại đối với ngoại cảnh, lúc này trong nội tâm mất đi tính độc lập lúc nào không hay biết. Bên cạnh đó, duy chỉ có tác động của sự thúc dục, của sự trở lại từ hoàn cảnh bên ngoài nội tâm mới có sự cân đối trở lại và nội tâm mới có thể phong phú được.

Cố chấp với ngoại cảnh khiến đánh mất đi chính mình:Người trong thế gian, từ sáng đến tối quan tâm về vấn đề gì? Có thể thấy phần lớn sự quan tâm này đều mang tính vật chất bên ngoài của mạng sống. Con mắt luôn tìm cầu sắc tốt, cái tai luôn cầu âm thanh hay, cái mũi không dừng mà tìm cầu mùi hương thơm lạ, cái lưỡi luôn mong mỏi vị ngọt ngon, cái thân hằng mong cầu xúc chạm êm dịu. Do vậy, một khi chấp trước ngoại cảnh, kết quả sẽ đánh mất chính mình.

Cố chấp làm cho nội tâm chúng ta sản sinh ra sự bất an:thực chất của đời sống quả là mệt mỏi, bất an. Ở đây, sự mệt mỏi này không chỉ là sự mệt mỏi về thể xác,mà còn là những gánh nặng bất an trong tâm hồn. Thử xét xem,nguyên nhân gánh nặng tinh thần từ đâu đến? Chính là sự cố chấp. Chúng ta thử xem chiếc gương, nó có thể chiếu soi rõ tất cả các hiện tượng vạn vật, nhưng không để lại một dấu vết, tại sao như vậy? Tại vì nó không chấp trước. Nội tâm của chúng ta cũng có công dụng như chiếc gương kia, nhưng lại không giống chiếc gương, vì trong lúc tâm của chúng ta duyên với các cảnh, luôn luôn dính mắc giữa hai phạm trù yêu thích và ghét bỏ,đồng thời cố chấp vào thuận-nghịch cảnh, nguyên nhân sự quan hệ mật thiết với cố chấp này, trong tư duy đã lưu lại hình ảnh, tin tức và được xem là gánh nặng, cố chấp càng lớn gánh nặng càng to. Chính vì thế làm cho chúng ta sản sinh ra cảm giác rất mệt mỏi và tùy theo đó dẫn đến nội tâm chúng ta không an. Cho nên, xem biểu hiện vẻ bên ngoài của họ là rất có thần sắc, nhưng mà bên trong nỗi lòng của họ có rất nhiều thứ bị quấn chặt, bó buộc họ. Cuối cùng sống không có sự bình an.

Kinh Kim cang dạy: Ttrong lúc độ chúng sanh, không trụ nơi tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả có thể đã độ được rộng khắp vô lượng chúng sanh.Trong lúc bố thí, đối với các pháp không nên trụ vào sắc, thanh, hương, vị, xúc mà sanh tâm, như vậy mới thành tựu được pháp vô hạn bố thí thì phước đức không thể nghĩ lường.Trong lúc tu phước đức cũng vậy, phải biết rõ rằng phước đức ấy tức là chẳng phải thật tính phước đức, không nên trụ vào hình tượng phước đức mới thành tựu được vô lượng phước đức.Lúc thấy Như Lai cũng vậy, không nên lấy cái tướng sắc thân mà cho rằng thấy Như Lai, không trụ vào tướng sắc thân mới thấy được chân thân của Như Lai.

5.      Kết luận

Như trên đã nói rõ, sự tu tập và hành trì trong kinh Kim cang chính là không cố chấp, vô trụ. Với trí tuệBát-nhã, cần quán sát thế gian duyên khởi, vô tự tính, là không, nếu có cũng chỉ là giả có. Vì vậy, đối với tất cả các pháp,phải có sự quán sát như thật tướng vốn có của nó, để rồi sẽ không bị những cảnh tượng, hình tượng giả tạm của thế gian làm mê hoặc.

Như vậy, tu tập và hành trì không dính mắc bởi sắc tướng, sẽ tiêu trừ được gánh nặng chấp chứa trong lòng, làm cho nội tâm chúng ta không bị uế nhiễm bởi những ngoại cảnh, có được sự bình an cao tột ở tâm mình.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Thơ văn Lý-Trần (1977), tập 2, Nxb. Khoa học xã hội Hà Nội.

2. HT. Trí Quang dịch (1994): Kinh Kim Cương, Nxb. Tp. Hồ Chí Minh.

3. HT. Thích Thanh Từ (1992):Kinh Pháp bảo đàn giảng giải,Thành Hội Phật giáo TP. Hồ Chí Minh ấn hành.

4. HT. Thích Thanh Từ (2013): Kinh Kim Cang giảng giải, Nxb. Tôn Giáo Hà Nội, tái bản lần thứ 7.

5. HT. Thích Từ Thông (1999): Bát-nhã Ba-la-mật kinh trực chỉ đề cương, Nxb. Tp.Hồ Chí Minh.

6. Đại Chánh tân tu Đại Tạng kinh, Trung Hoa Điện tử Phật điển Hiệp hội, CBETA Chinese Electronic Tripitaka Collection Feb (2010).

 

 



[1]Đại Chánh Tạng, Chỉ Nguyệt lục, quyển 4, Đạo Tín truyện, tr.441.

[2]HT.Thích Thanh Từ (2013):Kinh Kim cang giảng giải,Nxb Tôn Giáo Hà Nội,tr.11.

[3]Sđd, tr.11.

[4]Bát-nhã Tâm kinh.

[5]HT.Thích Thanh Từ (2013): Kinh Kim cang giảng giải, Nxb Tôn Giáo Hà Nội, tr.153.

[6]HT.Thích Thanh Từ (1992): Kinh Pháp bảo đàn giảng giải, Thành Hội Phật giáo TP. Hồ Chí Minh ấn hành, tr.15.

[7]Sđd, tr.64.

[8]Sđd, tr.68.

[9]Sđd, tr.66.

[10]Sđd, tr.67.

[11]Sđd, tr.173.

[12]Sđd, tr.173.

[13]HT.Thích Thanh Từ (2013): Kinh Kim cang giảng giải, Nxb Tôn Giáo Hà Nội, tr.87.

[14]Sđd, tr.116.

[15]Sđd, tr.41.

[16]HT.Thích Thanh Từ (1992): Kinh Pháp bảo đàn giảng giải, Thành Hội Phật giáo TP. Hồ Chí Minh ấn hành, tr.173.

[17]Sđd, tr.173.

[18]Sđd, tr.317.

[19]Sđd, tr.186.

[20]HT.Thích Thanh Từ (2013): Kinh Kim cang giảng giải, Nxb Tôn Giáo Hà Nội, tr.15.

[21]Đại Chánh Tạng, Chỉ nguyệt lục (quyển 5), truyện Mã Tổ Đạo Nhất, tr.453.

[22]Thơ văn Lý-Trần (1977) tập 2, NxbKhoa học xã hội Hà Nội, tr.28 .

Chia sẻ: facebooktwittergoogle
Các bài viết khác