Chuyên ngõ nghèo của Nguyễn Xuân Khánh dưới góc nhìn Phật học

chuyen ngo ngheo

Chuyện ngõ nghèo của Nguyễn Xuân Khánh dưới góc nhìn Phật học

Phan Thạnh

 

Cuốn tiểu thuyếtChuyện ngõ nghèo của Nguyễn Xuân Khánh xuất bản tháng 8 năm 2016 đã tạo ra một sự bất ngờ cho độc giả. Với văn phong hoàn toàn khác lạ so với những cuốn tiểu thuyết mang đề tài lịch sử đồ sộ như Hồ Quý Ly (2001), Mẫu Thượng Ngàn (2005), Đội gạo lên chùa (2011), Chuyện ngõ nghèo là một câu hỏi lớn, một sự nghi ngờ về bản chất của cuộc sống hôm nay mà con người đang đối diện.Cuốn tiểu thuyết kể về một nhà báo nghỉ hưu dù chưa đến tuổi, phải về làm nghề nuôi lợn. Chuyện ngõ nghèo xuất hiện những nhân vật xoay quanh vấn đề nuôi lợn. Một người nuôi lợn đến trình độ nghệ sĩ, một giáo viên sinh vật đề cập đến “Bách khoa lợn”, một nhà văn bán sách lấy tiền nuôi lợn.Trong hoàn cảnh chung của xã hội, sự túng thiếu, nghèo khó khiến Hoàng phải bán sách để mua gạo nuôi lợn. Những chật vật trong cuộc sống đã dẫn đến những mâu thuẫn nội tâm. Từ đó dẫn đến cuộc phiêu lưu đầy kỳ thú. Hoàng chìm vào cơn sốt và anh kinh qua thế giới hỗn mang, đến từng thế giới như Xứ chờ đợi, Bãi chết, Cực Thiên Thai…Với những trang viết đầy trăn trở về xã hội hiện đại, tác giả dẫn dắt người đọc đến với từng suy nghĩ và đặt ra những hướng nhìn nhận về cuộc đời. Đó là bản chất của xã hội hiện đại-hay chăng, cái ác đang ngày càng tinh vi, chiễm chệ trong con người, tranh giành ngôi vị thống trị trong xã hội.Sự nhìn nhận sai lệch về cuộc sống hay lòng tham của con người đang biến cuộc sống của loài người trở nên chai sạn.

1.      Vô minh-khiến cái ác trở thành điều hiển nhiên

Pascal nói rằng: “Con người chẳng thiên thần cũng không thú vật, khốn thay ai đó muốn là thiên thần thì lại ra thú vật”. Bắt đầu thiên tiểu thuyết, Nguyễn Xuân Khánh đã lấy nó làm sự gợi mở cho tác phẩm của mình. Nhân vật Hoàng là người cầm bút đủ nhận thức trước điều mình viết. Tuy nhiên những xáo trộn trong cuộc sống đầy khó khăn đã đẩy nhân vật đi vào sự mâu thuẫn. Nuôi lợn để mong thoát nghèo. Nhưng khi nuôi thì nghèo khổ, thiếu thốn buộc ông phải bán sách để lấy tiền mua gạo. Mỗi bữa ăn của lợn là những đau xót của nội tâm nhân vật. Muốnnhân vật thoát ra khối đau khổ ấy, tác giả đã để Hoàng đi vào cơn sốt hôn mê, trải qua những cảnh giới khác nhau để cho người đọc nhìn nhận rõ được bản chất của cuộc sống. Cuộc sống bị mây mù vô minh che lấp nên đang cố ngụy biện cho nhưng việc làm ác của mình. Tác giả không những chỉ ra một vài công việc gây rùng rợn cho người đọc bằng ngòi bút miêu tả từ âm thanh tiếng thét của cái chết, miêu tả rõ nét cách người ta làm ác đến tổng quát nên cái ác tinh vi, sự phát triển của khoa học kỹ thuật “siêu hiện đại”.

Giống Nhân-Trư, nhân vật huyền thoại hiện đại đã đặt ra câu hỏi cho Hoàng rằng: “Con vật gì buổi sáng ăn thịt người, buổi trưa nằm nghỉ ngơi, buổi tối lại ăn thịt người” [tr.180]. Hoàng đã giải rằng: “Con vật, buổi sáng ăn thịt người chính là con người lúc khai thiên lập địa. Con người nguyên thủy sống trong mông muội, ăn thịt lẫn nhau. Buổi trưa nằm nghỉ ngơi, tức là con người khoảng vài ngàn năm nay. Con người đã ý thức được nhân phẩm. Tệ ăn thịt người đã bị loại bỏ. Buổi tối lại ăn thịt người. Ta hiểu ngươi định ám chỉ con người hiện đại lại quay trở về mông muội” [tr.181]. Con người đang bị mông muội hay nói rõ hơn chính là đang vị vô minh che lấp nên không rõ được việc thiện ác là gì. “Mông-Muội-Mới chính là tên gọi của thời nay. Xấu hổ mà làm gì? Loài người lúc nào mồm chả nhoe nhoét máu”[tr.181].

Con người đang đi trở lại con đường mông muội. Chính vì nhìn thấy được bản chất của nghề đồ tề mà tác giả đi vào phân tích chữ “tể” trong “chúa tể”, “tể tướng”, đồng nghĩa với chữ “tể” trong “đồ tể”. Sự khác nhau chỉ về mặt hình thức chứ bản chất “tể” là một, đó là tính hiếu sát, sự độc ác,“Vua và tể tướng có quyền giết dân, đồ tể có quyền giết lợn”[tr.85]. Cũng vì thế mà “tính chất đồ tể của xã hội hiện đại ngày càng mạnh nên người ta không những không ghét mà trái lại người thời nay quay trở ngược lại thích thú nghề giết lợn…. Con người đã vô thức chuyển di sự thèm khát của mình sang nghề đồ tể”[tr.86]. Tình yêu thương và lòng thù hận đã không được kiểm thúc nên “con người hiện đại yêu cuồng dại, mà căm thù cũng cuồng dại, vì thế trong tim ai cũng đều lấp ló một anh đồ tể”[tr.87].

Xã hội hiện đại thiên di về điều ác. Điều ác có thể thỏa mãn được ngũ dục của con người. Chính cuộc sống đồ tề của Hợi là cuộc sống ổn định về mặt vật chất, “chỉ vài tiếng đồng hồ buổi sáng sớm, người ta có thể kiếm tiền bằng một tháng lương”.  Ông ấy tuyên bố: “Đứa nào lấy cái Cúc nhà tao, dứt khoát phải biết làm nghề đồ tề”[tr.63]. Nhân vật Linh đại diện cho thế hệ tương lai. Đứng trước những khó khăn của cuộc sống, học đại học nhưng không biết học rồi ra sẽ làm gì. Kết thúc tác phẩm, cái vòng luẩn quẩn mưu sinh đã để Linh quyết định: “Con sẽ đi theo chú Hợi làm thêm buổi sáng. Cứ giết mỗi con lợn xong cũng được hai chục bạc”[tr.316]. Cậu ấy đã suy nghĩ rằng “cả thế giới, bao nhiêu là đồ tề”[tr.316].

Đó là trên phương diện cá nhân đơn thuần. Còn trên mặt tổng thể, Nguyễn Xuân Khánh có cái nhìn tổng quan về nhân loại, không phân định Đông Tây. Tác giả đã nhìn đến sức phát triển của khoa học kỹ thuật. Sự phát triển của khoa học kỹ thuật hiện đại đã giúp con người dần thoát được những nhu cầu về vật chất. Tuy nhiên, dưới con mắt của tác giả, khoa học siêu hiện đại hay hậu kỳ của khoa học chính là một tội ác. Nó dẫn dắt con người đến với tham vọng, đến với cái ác và thống trị bởi cái ác.

Nguyễn Xuân Khánh để Hoàng lưu lạc đến Cực Thiên Thai-một cuộc viễn du vào tương lai để nhìn nhận mặt tiêu cực của khoa học khi hoa học bị tham vọng mê mờ của con người làm chủ. Gọi là Cực Thiên Thai vì ở đây con người không khóc, không có nước mắt, tuyến lệ bị làm teo khô. Ở đây thiết bị khoa học kỹ thuật “siêu hiện đại”. Con người được sinh ra theo nhu cầu của xã hội và được quản lý bởi nhà nước.“Ở đây, các nhà bác học có thể tạo ra những con người theo đơn đặt hàng”[tr.258]. “Ở đây, chúng tôi lấy nhau hoàn toàn tự do. Sinh hoạt trai gái đã trở nên một sinh hoạt hoàn toàn vui thú”[tr.261]. “Ở đây, chúng tôi quản lý xí nghiệp bằng sinh học, bằng hóa học, bằng vật lý học…”[tr.259]. “Nghệ thuật ở xứ này cũng có thể nói là thần kỳ hay kỳ dị”, họ chỉ cần bơm một chút hơi nào đó để kích thích trung tâm gây cười của khán giả… Và điều bất ngờ hơn hết ở đây là con người không biết khóc. Chính khoa học đã lấy đi tiếng khóc của con người. Đó là một sự khốn cùng, “người ta đã cướp đi của họ cái nửa phần phong phú nhất: tiếng khóc”[tr.263]. Tác giả đã xem khoa học ở đây là một trò lố bịch. “Khoa học ư? Những trò phù thủy của những ông thầy mo hiện đại làm tôi chán phè. Thương thay những nhà khoa học ngây dại, họ không hiểu điều gì cũng phải có giới hạn. Khoa học cũng phải biết ngập ngừng trước ngưỡng cửa của cuộc sống; bởi vì chạm vào sự sống thiêng liêng, khoa học sẽ trở thành đồ tể, nó sẽ phản bội con người”[tr.264]. Sự ngu muội, mê mờ, “thô thiển, chủ quan của ngài sẽ biến con người thành một đám đông bơ vơ”[tr.290], vô cảm. Và đỉnh cao của xã hội ở Cực Thiên Thai đó là tạo ra A1-người thống trị tối cao, đầy quyền năng định đoạt những kiếp sống.

Sự mê mờ đã che lấp đi tâm tính của con người, che lấp đi phần sống của thiên nhiên trong con người cần phải có. Những nhu cầu rất đỗi tự nhiên của con người sẽ bị đánh mất khi con người chạy theo nhu cầu về vật chất. Hay nói rõ hơn, chính “dục-sự tham muốn” làm mê mờ đi sự nhận thức, đồng nghĩa với việc để cái ác hiển nhiên bộc lộ và thống trị con người, chôn vùi đi tính thiện.

2.      “Kính Thật Tướng”-soi rõ về kiếp sống

Đứng trước những nghi ngờ về cuộc đời, nghi ngờ về bản chất của cuộc sống, Hoàng đã đi tìm những thứ còn sót lại mà con người đã bị đánh mất vì mê muội, vì tham vọng vật chất. Với Nguyễn Xuân Khánh, người cầm bút trở nên có trách nhiệm với đời, có nhiệm vụ tìm lại giá trị tinh thần.Mặc dù đứng trước những khó khăn của cuộc sống, thậm chí bị đe dọa khi viết sách thế mà Hoàng vẫn miệt mài, “lầm lũi ghi ghi chép chép”. Hoàng tự nghĩ rằng: “Tôi là kẻ đi tìm một vẻ đẹp hiếm hoi ở đời này. Tôi là kẻ đi tìm một chút từ bi còn sót lại ở cõi nhân gian hiện đại”[tr.131]. Hoàng khẳng định: “tôi chỉ trình bày sự thật về sự sống. Sự trình bày ấy sẽ tạo ra mỹ cảm và dẫn tới cái thiện. Cái đẹp cứu rỗi thế gian”[tr.160]. Chính vì khát khao và niềm tin ấy cho nên Hoàng mong có một thứ có thể lật tẩy được rõ ràng cái ác để mọi người bừng tỉnh. Vì sự tràn ngập và len lõi của cái ác nên Hoàng mong có cái “kính Chiếu Trư” để “có thể nhìn ra những gien lợn trong mọi con người…. Kính hiển vi chỉ cho phép ta nhìn thấy những vật thểcực nhỏ trong cơ thể con người, còn “Chiếu Trư kính” thì lại có khả năng giúp ta nhìn thấy tính cách của con người”[tr.129]. Đứng trước sự ngập tràn của cái ác, Hoàng chợt nhận ra rằng: “Chúng tôi đã đánh mất cái giản dị tinh tế của đời thường nhưng có lúc chợt u ơ run rẩy khi đi trên con đường thánh của mình. U ơ bởi vì lắm lúc ngẩn ngơ thấy trong mình thiếu vắng một cái gì rất cơ bản mà mình không xác định nổi; run rẩy vì chợt có lúc thoáng thấy nỗi sợ hãi của phi nhân”[tr.53]. Và cũng nhờ vậy mà Hoàng đã nhận ra được rằng nỗi buồn đen là hồi chuông nguyện, hồi chuông thức tỉnh con người, “vì qua đó ta chợt bắt gặp cái ta đích thực”[tr.266] để rồi thế giới bỗng lộ ra chân tướng. Tám đã tạo ra được chiếc “Chân Tướng kính”, “khi chiếu nó vào một kẻ độc ác đích thực, nó biết quắc lên như đôi mắt phẫn nộ và bắt kẻ kia phải lộ nguyên hình”[tr.270].

Con người vì vô minh che lấp nên khiến khoa học trở thành kẻ gây ra tội ác. Chỉ vì tìm ra sự tối ưu cho cuộc sống vật chất mà đánh mất đi sự sống tự nhiên, những nhu cầu về tinh thần. Đỉnh cao của khoa học tạo ra A1 để quản lý xã hội. Thế nhưng ai biết được rằng chính A1 là kẻ đứng đầu tội ác. Chính A1 lấy mất đi tiếng khóc của nhân loại, lấy đi giọt nước mắt của con người, lấy đi một nửa ý nghĩa của cuộc sống. Khi Hoàng bị bắt ở cõi Cực Thiên Thai, đứng trước vị thống trị tàn bạo A1, Hoàng đã nói sự thật về cuộc sống, bản chất của khoa học và chính A1 là kẻ tàn bạo nhất. Hoàng nói rằng: “Thực ra, con người không chỉ mang chất lợn, chất hổ, chất sói, chất rắn… mà còn là, còn là con bồ câu, con thỏ, con bê non… Chính ông là kẻ đã nhìn người lệch lạc. Ông chỉ thấy mỗi một bản chất lợn, và đã khuyến khích riêng chất lợn trong con người thức dậy”[tr.291]. A1 đã tìm ra và gieo vải thứ vi rút gây ra bệnh Trư cuồng. Nhân danh khoa học nhưng đã làm sai bản chất người, bản chất của cái thiện nên A1 trở thành mặt trái của khoa học. Khi Hoàng dùng chiếc Chân Tướng kính đã lột tẩy đi lớp da bên ngoài, hiển hiện rõ bản chất thật của A1, “kỳ lạ thay, trước mắt tôi là chú lợn khổng lồ, lông hung vàng; mắt tí hí long lanh căm giận; răng nó nhe ra như muốn ăn thịt tôi”[tr.292]. A1 là nhân vật đỉnh cao của khoa học nhưng đó cũng chính là cái ác, là cái bản chất lợn. Cõi Cực Thiên Thai là cõi tương lai. Nguyễn Xuân Khánh đã để người đọc nhận ra rằng tột cùng của khoa học mê mờ chính là sự quay trở lại của tội ác và hẳn hơn hết, xã hội bị thống trị bởi cái ác mà không hề biết. Nếu mọi người đều có chiếc Chân Tướng kính như Tám đã làm cho Hoàng thì hẳn con người sẽ run rẩy trước sự thật của cuộc sống.

Hoàng hết sốt và tỉnh dậy. Ông bàng hoàng trước thực tại. Hay chăng thế hệ tương lai mà Linh-con trai ông vẫn thường xuyên đọc Trang Tử lại có thể dần bị cuốn vào con đường của cái ác. Hoàng bất lực trước thực tại như một trăn trở không nguôi, rằng cuộc sống thiếu thốn về vật chất đã đẩy con người đi đến bên bờ vực của thiện ác. Tham muốn vô đáy của ngũ dục khiến con người bất chấp tất cả. Xã hội hiện đại đang ngụy biện trước những hậu quả do mình gây ra và có/ có thể một tương lai mà xã hội bị cái ác thống trị. Dù thấy thực tại và viễn cảnh tương lai nhưng Hoàng vẫn tin vào một điều, đó là điều thiện, sự trắc ẩn trong trái tim của con người. Tám cõng Hoàng trên lưng, leo cây trở về rừng và chỉ con suối sương mù - con suối chảy mấp mé giữa bờ sống và bờ chết là hình ảnh mang đầy giá trị biểu trưng. Sương mù che lấp hai bờ sống và chết; sương mù che lấp ranh giới thiện và ác; sương mù che lấp cái nhìn chân thật về cuộc sống. Hoàng nhìn cuộc đời và tin tưởng rằng: “Thật hay mơ? Dù là một giấc mơ thì cũng là một niềm an ủi. Bởi vì, chưa thấy một con đường, nhưng ít ra cũng thấy một con người gánh chịu. Bởi vì chưa thấy một Thích Ca, nhưng đã thấy một Bồ-tát, đã thấy một luân hồi đội đá phù sinh”[tr.312].

Như vậy dưới góc nhìn Phật học ta thấy được bản chất của cuộc sống. Con người trong xã hội đang bị màn vô minh che lấp để chạy theo giấc mơ vật chất. Con người đánh mất giá trị tự thân, giá trị tinh thần, đánh mất tâm hồn rung động trước nghệ thuật. Không có nước mắt thì con người trở nên chai sạn trước những khổ đau. Vô minh là chi đầu nằm trong chuỗi Thập nhị nhân duyên, khởi đầu cho những suy nghĩ và việc làm của con người. Để vô minh che lấp thì cái ác nó chiễm chệ trong mỗi con người, đứng lộ hình giữa xã hội. Chiếc kính Chân Tướng sẽ là điều thú vị để con người giật mình nhận ra giá trị của cuộc sống, sẽ phá tan được màn vô minh. Với nghệ thuật ngôn từ, Nguyễn Xuân Khánh đã đặt con người trước một sự nghi ngờ lớn, một câu hỏi lớn về cuộc sống hiện đại hôm nay và tương lai./.

*Những trích dẫn trong bài viết đều thuộc tiểu thuyết Chuyện ngõ nghèo của Nguyễn Xuân Khánh, Nhà xuất bản Hội nhà văn xuất bản 2016.

Chia sẻ: facebooktwittergoogle
Các bài viết khác