Quan điểm về nghiệp: Điểm khác nhau giữa Kỳ-na giáo và Phật giáo

quan diem

Quan điểm về nghiệp:

Điểm khác nhau giữa Kỳ-na giáo và Phật giáo

Thích Quảng Lực

 

Nghiệp là một trong những giáo lý căn bản của hầu hết các triết thuyết và tôn giáo ở Ấn Độ. Nghiệp (karma trong tiếng Sanskrit hay kamma trong tiếng Pali) vốn có nguyên nghĩa là hành động hay tạo tác, được quan niệm khác nhau theo các triết thuyết hay tôn giáo khác nhau; nhưng nói chung đều là những cách giải thích có sức thuyết phục nhất đối với những bất công hay những sai biệt trong cuộc sống của con người. Đặc biệt, ở cả Phật giáo lẫn Kỳ-na giáo, nghiệp thể hiện ý thức của hành giả về những nỗi khổ triền miên tác động vào kiếp sống của con người từ đời này sang đời khác, từ đó thôi thúc hành giả phải tìm kiếm các biện pháp để thoát khỏi những nỗi khổ ấy. Tuy vậy, giữa Kỳ-na giáo và Phật giáo cũng có những khác biệt quan trọng trong việc nhận thức về nghiệp, dẫn đến các biện pháp hướng đến giải thoát khác nhau. Thế nhưng, sự khác biệt quan điểm về nghiệp giữa Kỳ-na giáo và Phật giáo xảy ra rõ rệt nhất là trong thời Đức Phật còn tại thế. Quả thực, không như kinh điển Phật giáo có thể khảo chứng cụ thể về thời đại, kinh điển của Kỳ-na giáo không thuộc về một thời đại riêng rẽ nào và cũng không một bản văn nào thoát khỏi sự thêm thắt hay thay đổi tùy tiện về sau. Do vậy, chính những tường thuật về giáo lý của Kỳ-na giáo trong kinh điển nguyên thủy của Phật giáo thể hiện rõ rệt nhất quan điểm lúc bấy giờ của tôn giáo này về nghiệp. Bài viết này sẽ tìm hiểu học thuyết nghiệp như được trình bày trong kinh điển nguyên thủy Phật giáo để thấy rõ những khác biệt trong quan điểm về nghiệp của Phật giáo và Kỳ-na giáo trong lịch sử.

I. Nghiệp trong lý thuyết của Kỳ-na giáo

1. Sơ lược về Kỳ-na giáo

Kỳ-na giáo (Jainism) là một tôn giáo ở Ấn Độ giảng dạy về con đường hướng đến sự giác ngộ và sự thuần khiết của tâm linh thông qua một lối sống có kỷ luật dựa trên truyền thống bất tổn sinh, không làm hại bất kỳ một sinh vật nào. Bắt đầu có mặt từ khoảng thế kỷ thứ VII đến thế kỷ thứ V trước Tây lịch, Kỳ-na giáo đã phát triển trở thành một hệ thống văn hóa, có những đóng góp đáng kể cho luận lý học, triết học, nghệ thuật, kiến trúc, chiêm tinh, thiên văn, toán và văn học của văn minh Ấn Độ. Cùng với Ấn giáo và Phật giáo, Kỳ-na là một trong ba tôn giáo Ấn Độ cổ xưa nhất hiện vẫn còn tồn tại. Danh xưng Kỳ-na (Jain) dẫn xuất từ động từ ji trong ngôn ngữ Sanskrit, có nghĩa là “chinh phục” hay “chiến thắng”. Điều này nói tới cuộc chiến đấu khổ hạnh mà người tu sĩ Kỳ-na phải thực hiện, chống lại mọi đam mê và các cảm giác thuộc thể xác để đạt tới sự toàn tri và sự thuần khiết của linh hồn, hay nói khác đi, đạt tới sự giác ngộ. Những vị nổi bật nhất trong số ít các bậc được cho là đã đạt tới giác ngộ như vậy được gọi là Jina (Bậc chiến thắng); còn những vị khổ tu cũng như những người thế tục tin theo truyền thống này thì được gọi là Jain hay Jaina (Người đi theo bậc Chiến thắng). Từ này được sử dụng để thay thế cho một từ cổ hơn là Nirgrantha (trong ngôn ngữ Pali viết là Nigantha, có nghĩa là Không [bị] ràng buộc), ban đầu chỉ dùng để nói đến những vị tu sĩ thực hành khổ hạnh theo giáo lý này. Kỳ-na giáo chỉ phát triển hạn hẹp trong lãnh thổ Ấn Độ; mặc dù những cuộc di cư sau này của người Ấn Độ đến những quốc gia nói tiếng Anh cũng đã truyền bá sự thực hành Kỳ-na giáo đến các xứ thuộc Liên hiệp Anh và Hoa Kỳ. Người ta ước lượng hiện có khoảng bốn triệu tín đồ Kỳ-na giáo trên đất Ấn và khoảng 100.000 người gốc Ấn theo Kỳ-na giáo ở các quốc gia khác.

Vào thời Đức Phật còn tại thế, Kỳ-na giáo được rao giảng bởi ngài Nigantha Nataputta, một trong sáu vị được kinh điển nguyên thủy Phật giáo gọi là Lục sư Ngoại đạo. Ngài Nigantha Nataputta (Ni Kiền Tử Thân Tử) được các tín đồ Kỳ-na giáo xưng tụng là Mahavira (bậc Đại Hùng), là vị đạo sư đời thứ 24 theo truyền thống lịch sử Kỳ-na giáo. Cũng theo truyền thống thì Nigantha Nataputta vốn có tên là Vardhamana, xuất thân trong gia tộc Nata thuộc đẳng cấp Kshatriya ở Vesali. Thân phụ của ngài có tên là Siddhatha, thân mẫu ngài là Trisala. Có lẽ ngài ra đời trước Đức Phật vài chục năm và qua đời không bao lâu sau khi ngài khuyến khích một đệ tử cư sĩ của mình là Upaligahapati đến tranh luận với Đức Phật rồi người đệ tử này cải đạo theo Phật.

Kinh điển Phật giáo ghi nhận các trung tâm hành đạo của giáo phái Nigantha bao gồm thủ phủ Vesali thuộc bộ tộc Licchavis và thủ phủ Rajagaha của xứ Magadha cùng những khu vực lân cận. Theo Kỳ-na giáo thì chính vua Bimbisara (Tần-bà-sa-la) xứ Magadha cùng những người con của mình như Thái tử Ajatasattu (A-xà-thế), Vương tử Abhaya (Vô Úy)… đều đã có lúc là đệ tử cư sĩ của Nigantha Nataputta, cho thấy sự thịnh hành của giáo phái này lúc bấy giờ. Ngay khi Nigantha Nataputta qua đời, giáo đoàn Nigantha trải qua một thời kỳ chia rẽ trầm trọng, nhưng sau đó họ lại cố gắng thống nhất giáo lý và tiếp tục phát triển nhờ được sự bảo trợ của các vương triều Ấn Độ kế tiếp. Từ thế kỷ thứ VIII trở đi, Kỳ-na giáo trở nên suy yếu trước sự phục hồi của Ấn giáo và sự xâm nhập của Hồi giáo.

Nói một cách tổng quát, về phương diện thực hành, tín đồ Kỳ-na giáo tuyệt đối tôn trọng bốn giới cấm phòng hộ, bao gồm: thứ nhất là không giết hại (ahimsa), thể hiện tinh thần bất bạo động; thứ hai là không trộm cắp; thứ ba là không nói dối, thể hiện tinh thần tôn trọng sự thật; thứ tư là không nắm giữ của cải vật chất. Về sau Mahavira nêu thêm một giới cấm thứ năm là tuyệt dục. Về nhận thức luận và vũ trụ luận, Kỳ-na giáo phủ nhận một vị Thượng đế chủ tể, quan niệm rằng Thượng đế chính là ý thức thánh thiện hay tự ngã hoàn hảo (linh hồn hoàn hảo) không bị vướng mắc bởi nghiệp. Mục đích tối hậu của tín đồ Kỳ-na giáo là trở thành một tự ngã hoàn hảo bất tử như vậy, nghĩa là một linh hồn đã được giải thoát, gọi là Siddha. Giáo đoàn Kỳ-na giáo cũng có bốn chúng, tu sĩ nam, tu sĩ nữ, cư sĩ nam và cư sĩ nữ; riêng các tu sĩ đều phải thực hành sự ép xác khổ hạnh tuyệt đối mới đạt tới giải thoát là sự không tái sanh.

2. Quan điểm về nghiệp của Kỳ-na giáo được ghi nhận trong kinh điển Phật giáo Nguyên thủy 

Kinh điển Phật giáo không hề ghi nhận sự gặp gỡ trực tiếp giữa Đức Phật với ngài Nigantha Nataputta nhưng trình bày nhiều trường hợp ở đó các đệ tử của Nigantha Nataputta tranh luận với Đức Phật. Qua những trường hợp đó, rõ rệt nhất là ở Tiểu kinh khổ uẩn (Trung bộ số 14), kinh Ưu-ba-ly (Trung bộ số 56), kinh Devadaha (Trung bộ số 101),  người ta có thể hiểu quan điểm của Kỳ-na giáo về nghiệp.

Tiểu kinh khổ uẩn nói về việc Đức Phật – theo thỉnh cầu giảng giải cho vị cư sĩ dòng Thích-ca Mahanama về vị ngọt và những nguy hiểm của dục. Phần cuối của kinh có một đoạn trình bày quan điểm về lý do phải tu hành khổ hạnh, do các đệ tử của ngài Nigantha Nataputta nêu lên khi trả lời Đức Phật. Theo đó thì ngài Nataputta, giáo chủ của Nigantha, là bậc toàn tri, toàn kiến; dù trong lúc đi đứng nằm ngồi ngủ thức thì tri kiến của vị ấy cũng luôn tồn tại. Vị này dạy rằng do quá khứ làm ác nghiệp nên nay phải thực hành khổ hạnh để tiêu mòn các ác nghiệp quá khứ; lại nữa, hiện tại hành giả phải sống chế ngự thân khẩu ý để không tạo ác nghiệp trong tương lai. Như vậy, nhờ thiêu đốt nghiệp quá khứ, nhờ không tạo nghiệp mới nên sẽ không có sự tiếp tục trong tương lai; nhờ vậy mà các nghiệp được diệt trừ, mọi cảm thọ được diệt trừ và khổ đau được diệt trừ. Các vị Nigantha còn tuyên bố, hạnh phúc là do khổ đau đem lại; cho nên vua Bimbisara nước Magadha sống hạnh phúc hơn Sa-môn Gotama. Các quan điểm ấy của giáo phái Nigantha đều bị Đức Phật phủ bác bằng những lập luận sắc bén.

Kinh Ưu-ba-ly trình bày một tấn kịch bi thảm đối với hạnh vận của ngài Nigantha Nataputta. Kinh thuật lại việc gia chủ Ưu-ba-ly được ngài Nataputta khuyến khích đến luận chiến với Đức Phật về một điểm trong giáo pháp, kỳ vọng rằng gia chủ Ưu-ba-ly sẽ làm khó Đức Phật. Nhưng kết quả là gia chủ Ưu-ba-ly, khi được nghe giáo pháp chân thật của Đức Phật, đã thành tâm quy y Tam bảo, khiến ngài Nataputta đau khổ thổ huyết vì uất ức và xấu hổ. Diễn tiến các sự kiện được nêu trong kinh này dẫn xuất từ việc một vị du sĩ phái Nigantha là Dighatapassi đến thăm Đức Phật tại một nơi trong rừng Pavarikamba ở Nalanda. Khi được Đức Phật hỏi rằng ngài Nigantha Nataputta chủ trương có bao nhiêu loại hành động để tác thành ác nghiệp thì du sĩ Dighatapassi cho biết giáo chủ Nataputta không nói tới hành động mà chỉ nói tới sự phạm tội, bao gồm sự phạm tội về thân, sự phạm tội về lời nói và sự phạm tội về ý nghĩ, trong đó sự phạm tội về thân là tối quan trọng để tác thành ác nghiệp, để diễn tiến ác nghiệp. Đức Phật hỏi tất cả ba lần, và du sĩ Dighatapassi đều trả lời cả ba lần cùng một quan điểm, rằng sự vi phạm về thân là tối quan trọng. Du sĩ Dighatapassi cũng hỏi lại Đức Phật chủ trương có bao nhiêu loại vi phạm để tác thành ác nghiệp thì Đức Phật cho biết Phật giáo không chủ trương sự vi phạm mà chủ trương hành động, trong đó sự tác ý là tối quan trọng cho việc tạo thành ác nghiệp. Dighatapassi cũng hỏi Đức Phật tất cả ba lần để Đức Phật xác định ba lần cùng một quan điểm rằng sự tác ý là tối quan trọng. Tiếp đó, du sĩ Dighatapassi trở về chỗ của ngài Nigantha Nataputta, bấy giờ đang ở nhà của gia chủ Ưu-bà-ly trong làng Balaka với nhiều đệ tử vây quanh. Dighatapassi thuật lại việc trao đổi với Đức Phật cho ngài Nataputta nghe và được ngài Nataputta khen ngợi. Do đó, gia chủ Ưu-bà-ly mới đề nghị được phép đến chỗ Đức Phật luận chiến và được giáo chủ Nataputta khuyến khích. E ngại Ưu-bà-ly không đủ bản lĩnh luận chiến với Đức Phật, du sĩ Dighatapassi ba lần đề nghị giáo chủ Nataputta đừng chấp nhận thỉnh cầu của Ưu-bà-ly nhưng đều bị Nataputta bác bỏ. Kết quả, khi Ưu-bà-ly đến gặp Đức Phật, vị gia chủ này đã được nghe Đức Phật lập luận bác bỏ luận thuyết của Nataputta bằng những lời lẽ sắc bén thể hiện sự thật, khiến Ưu-bà-ly xin quy y Tam bảo.

Trong kinh Devadaha, Đức Phật cũng giảng giải cho các Tỳ-kheo về quan điểm của những người Nigantha. Nội dung quan điểm của những người Nigantha cũng tương tự như điều đã được nói trong Tiểu kinh khổ uẩn, rằng “Phàm cảm giác gì con người cảm thọ (lãnh thọ), lạc thọ, khổ thọ, hay bất khổ bất lạc thọ, tất cả đều do nhân các nghiệp quá khứ. Do sự đốt cháy, đoạn diệt các nghiệp quá khứ, do sự không tạo tác các nghiệp mới, sẽ không có diễn tiến đến tương lai. Do không có diễn tiến đến tương lai, nghiệp đoạn diệt; do nghiệp đoạn diệt, khổ được đoạn diệt; do khổ đoạn diệt, cảm thọ được đoạn diệt; do cảm thọ được đoạn diệt, tất cả khổ sẽ diệt tận”. Đức Phật nói với các Tỳ-kheo rằng Ngài đã đích thân đến chỗ các vị Nigantha để nghe chính họ nêu lên quan điểm ấy. Rồi Đức Phật đã phân tích để các vị Nigantha nhận thức rằng quan điểm của họ là sai lầm. Và vì vậy, sự tinh tấn của họ là không có kết quả. Nói rõ hơn, sự khổ hạnh không làm chấm dứt nguyên nhân gây đau khổ. Sau đó, Thế Tôn giảng giải cho các Tỳ-kheo biết thế nào là sự tinh tấn có kết quả. Đó là sự tinh tấn nhằm chống lại nguyên nhân đau khổ, nghĩa là tinh tấn chống lại tham dục, sân hận và si mê.

II. Quan niệm về nghiệp trong kinh điển Phật giáo Nguyên thủy

Trong kinh điển Phật giáo, nghiệp là một khái niệm rộng lớn có liên hệ với nhiều khái niệm khác. Ở đây, để nêu rõ sự khác biệt quan điểm về nghiệp của Phật giáo với của Kỳ-na giáo, bài viết chỉ giới hạn trình bày quan niệm về nghiệp được giảng dạy trong hai bản kinh thuộc Trung bộTiểu nghiệp phân biệt (Trung bộ số 135) và Đại nghiệp phân biệt (Trung bộ số 136).

Trong kinh Tiểu nghiệp phân biệt, Đức Phật khẳng định, “Các loài hữu tình là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp. Nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa, nghiệp phân chia các loài hữu tình; nghĩa là có liệt, có ưu”. Đây là điều Thế Tôn trả lời thanh niên Subha Todeyyaputta khi người này thắc mắc tại sao giữa loài người với nhau lại có người thọ có người yểu, có người giàu có người nghèo, có người đẹp có người xấu, có người khỏe mạnh có người bệnh hoạn, có người sang có người hèn, có người khôn có người dại… Khi được thỉnh cầu giải thích cụ thể hơn, Đức Phật trả lời đại khái như sau: Chết yểu là do nghiệp giết hại sinh vật, không có tâm từ bi đối với các loài hữu tình; ngược lại, sống lâu là do từ bỏ giết hại, có tâm từ bi. Ít bệnh là do không não hại chúng sinh; ngược lại, nhiều bệnh là do kiếp trước thường não hại chúng sinh. Tướng mạo xinh đẹp là do khéo hòa hợp và thích chia sẻ; ngược lại, gương mặt xấu xí là do hay phẫn nộ bất mãn. Nhiều uy quyền là do không ganh tị với người được quyền lợi, được tôn kính; ít uy quyền là do thói ganh tị. Giàu có là do đã bố thí cúng dường; nghèo khổ là vì tính keo bẩn. Sinh vào gia đình cao quý là do thường tôn kính người đáng kính; sinh vào gia đình hèn hạ là do ngạo mạn, không kính người đáng kính. Có trí tuệ là do thường đến gần các Sa-môn để học hỏi; ngu đần là do không đến gần các Sa-môn để học hỏi. Nói khác đi, mọi hành động của một người dẫn xuất từ thân khẩu ý đều có tác động đến hạnh vận của người ấy, không thể nào tránh né được: hành động tốt của thân, khẩu, ý đem lại hạnh vận tốt, hành động xấu của thân khẩu ý đem lại hạnh vận xấu.

Trong kinh Đại nghiệp phân biệt, Đức Phật xác định rằng khi một người cố ý thực hiện các hành động về thân, khẩu, ý có khả năng đưa đến khổ thọ, người ấy sẽ cảm nhận khổ thọ; khi một người cố ý thực hiện các hành động có khả năng mang lại lạc thọ, người ấy sẽ cảm nhận lạc thọ; còn nếu một người cố ý thực hiện các hành động có khả năng đưa đến cảm thọ không khổ không vui thì người ấy sẽ có được cảm nhận không khổ không vui. Qua đó, Đức Phật giải thích về sự sai khác của bốn hạng người: Có người sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói láo, nói hai lưỡi, ác khẩu, nói phù phiếm, tham lam, sân hận, có tà kiến (đủ mười nghiệp ác), khi chết sinh vào nẻo ác, cõi dữ, địa ngục. Cũng có người phạm đủ mười tội ác như trên, nhưng khi chết sinh vào cõi tốt lành như cõi người, cõi trời. Có người từ bỏ mười nghiệp ác nói trên, chết sinh vào cõi lành. Nhưng cũng có người đã từ bỏ mười nghiệp ác, nhưng khi chết lại sinh vào cõi dữ, địa ngục. Như vậy, chắc chắn có ác nghiệp và quả báo của ác nghiêp; nhưng không hẳn tất cả những ai thực hiện ác nghiệp cũng nhận quả báo ác nghiệp. Tương tự, chắc chắn có thiện nghiệp và quả báo thiện nghiệp; nhưng không hẳn tất cả những ai thực hiện thiện nghiệp đều nhận được quả báo thiện nghiệp. Vấn đề là người làm ác nghiệp có thể nhận được quả dị thục của một thiện nghiệp đã làm hoặc khi lâm chung khởi lên chánh kiến; trong khi người làm thiện nghiệp có thể chịu đựng quả dị thục của một ác nghiệp đã làm hoặc khi lâm chung khởi lên tà kiến.

Tóm lại, nghiệp quyết định sự sai biệt trong cuộc sống giữa những cá thể của mọi loài hữu tình. Nghiệp có ba loại là thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp; trong đó thân nghiệp và khẩu nghiệp chỉ là sự biểu hiện ra bên ngoài của ý nghiệp; chính ý nghiệp mới có tính cách quyết định. Xuất phát từ ý nghĩa này, trong kinh Pháp cú, Đức Phật dạy, “Ý dẫn đầu các pháp/ Ý làm chủ, ý tạo/ Nếu với ý ô nhiễm/ Nói lên hay hành động/ Khổ não bước theo sau/ Như xe, chân vật kéo” “Ý dẫn đầu các pháp/ Ý làm chủ, ý tạo/ Nếu với ý thanh tịnh/ Nói lên hay hành động/ An lạc bước theo sau/ Như bóng không rời hình”. Lập trường tu tập của Phật giáo dẫn xuất từ nhận thức trên đây về nghiệp. Lập trường ấy chú trọng tới việc phát triển trí tuệ theo con đường Tam vô lậu học là giới đưa đến định rồi định đưa đến tuệ. Giữ giới là đặt mình vào trong một môi trường an toàn, từ đó, tâm được thanh thản để thực hành các giáo pháp của Phật; thay vì chấp nhận cực đoan thực hành các khổ hạnh khiến tâm thiếu an lạc.

III. So sánh và kết luận

Kỳ-na giáo chủ trương “bất tổn sinh”, tức là các bậc chiến thắng và các tín đồ của họ không được làm tổn hại đến một ai hay một sinh vật nào cả. Những người tu theo Kỳ-na giáo cho rằng nghiệp chính là do thân làm ác nghiệp xưa trước nên bây giờ cần phải tu hành ép xác khổ hạnh để diệt trừ nghiệp thân tiêu mòn. Nhưng dù gì đi nữa Kỳ-na giáo đã góp phần trong việc bảo vệ thiên nhiên qua việc không tàn hại cây cối và không giết hại sinh linh hay không sát sinh hại vật, giữ gìn môi trường sống cho nhân loại trên hành tinh này. Kỳ-na giáo đã phát triển thành một hệ thống văn hóa, có những cống hiến đáng kể cho luận lý học, triết học, nghệ thuật, kiến trúc, chiêm tinh, thiên văn học, toán học và văn học của văn minh Ấn Độ. Đây chính là điểm nổi bật của Kỳ-na giáo từ xưa cho đến ngày nay.

Phật giáo cho rằng nghiệp là do hành động có tác ý, nên cần phải diệt trừ nghiệp bằng sự tu tập thanh tịnh tâm ý để đoạn tận khổ đau, thoát khỏi luân hồi sanh tử. Chủ trương của đạo Phật là tránh xa hai phạm trù cực đoan, đó là ép xác khổ hạnh và hưởng thụ dục lạc, và cần nhất là tu hành theo trung đạo, vượt ra ngoài hai phạm trù trên, để giữ gìn chánh niệm tỉnh giác, hoặc đoạn trừ năm triền cái, chứng đạt năm thiền chi, bằng con đường tu tập giới, định, tuệ. Trong kinh tạng Pali, Thế Tôn dạy: Sau khi thành tựu giới uẩn, thành tựu hộ trì các căn, tiết độ trong ăn uống, chú tâm cảnh giác, chánh niệm tỉnh giác, hành giả cần nên: “Lựa chỗ thanh vắng, tịch mịch như khu rừng, gốc cây, khe núi, hang đá, bãi tha ma, lùm cây, ngoài trời, đống rơm. Sau khi khất thực và ăn cơm xong, vị ấy ngồi kiết già, lưng thẳng an trú niệm trước mặt”. Để chuẩn bị hành thiền thì các hành giả cần phải giữ giới, tức là nếp sống trong sạch và lành mạnh mới có thể hành thiền. Nói khác đi, hành thiền chỉ có hiệu quả khi hành giả sống ly dục, ly bất thiện pháp. Một trong những công năng tuyệt diệu của thiền là đưa đến trí tuệ, từ trí tuệ đưa đến giải thoát, giải thoát tri kiến, theo đúng tiến trình giới, định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến.

Phật dạy con đường trung đạo đóng góp lớn lao cho người con Phật trong thời hiện đại này. Phật dạy cần phải sống quay về với bên trong hay phản quang tự kỷ để xứng đáng là đệ tử Thế Tôn. Để tạo nên thế giới cực lạc tại thế gian, thân, khẩu, ý nghiệp cần thuần tịnh, không sát hại, không lấy của không cho, không tà hạnh, không ác khẩu, không uống các chất kích thích gây hại. Thực hành tâm từ bi, phát tâm Bồ-đề, cứu độ chúng sanh, đưa họ đến đời sống an lạc, thanh thản nhẹ nhàng, luôn hành thiện nghiệp xây dựng đời sống hướng thượng không còn ưu não ở đời.  

Chia sẻ: facebooktwittergoogle
Các bài viết khác