Hình ảnh chùa Tra Am qua thơ văn

hinh anh

Hình ảnh chùa Tra Am qua thơ văn

Phan Thạnh


Nói đến xứ Thuận Hóa - vùng đất gắn liền với công cuộc nam tiến của Nguyễn Hoàng, vùng đất mấy trăm năm là trung tâm văn hóa của cả nước, người ta không thể bỏ qua những giá trị văn hóa tâm linh Phật giáo. Ngay từ đầu, Phật giáo đã đồng hành cùng dân tộc. Chính vì thế mà khi khai phá vùng đất mới, các chúa Nguyễn đã ủng hộ Phật giáo, cho xây dựng chùa tháp, hoằng hóa giáo lý nhà Phật để ổn định xã hội, hưng thịnh quốc gia. Triết lý Phật giáo một phần biểu hiện qua hình ảnh ngôi chùa và chính hình ảnh ấy đi sâu vào trong tâm thức của dân tộc. Dưới triều Nguyễn có nhiều ngôi Quốc tự nổi tiếng như Thiên Mụ, Thánh Duyên, Diệu Đế… Không chỉ thế còn có nhiều ngôi chùa hiển hiện mang vẻ đẹp giải thoát khiến cho người đời phải bỏ công “viếng cảnh thăm người”. Tra Am là một trong những ngôi chùa nổi tiếng đế đô thời bấy giờ.

Thuộc ấp Tứ Tây, thôn An Cựu, huyện Hương Thuỷ (nay là phường An Tây, thành phố Huế), nằm vỏn vẹn giữa ba ngọn núi nổi tiếng phía nam thành phố Huế là Ngự Bình, Thiên Thai và Ngũ Phong, chùa Tra Am thật sự là một nơi phong cảnh hữu tình, đầy thiền vị. “Khi nhắc đến chùa Huế, các nhà làm sách thường kể đến chùa Tra Am như là một cảnh già lam, đầy màu sắc thoát tục, mặc dầu Tra Am chưa có bề dày lịch sử đáng kể so với nhiều chùa khác; Tra Am cũng không phải là mẫu mực kiến trúc của chùa Huế. Thế nhưng Tra Am vẫn được xem là ngôi chùa nổi tiếng”[5, tr.492]. Tra Am nổi tiếng không chỉ bởi phong cảnh nên thơ mà chủ nhân khai sơn là một thiền sư thâm hiểu Phật pháp lại là một thi sĩ với văn phong tuyệt bút.

Tổ khai sơn chùa Tra Am là Thiền sư Viên Thành, chắt nội của vua Gia Long, thuộc phòng Định Viễn Quân Vương, tên là Công Tôn Hoài Trấp. Ngài xuất gia với Thiền sư Viên Giác năm 17 tuổi. Năm 1923, ngài chọn vùng đất có suối mát thông xanh để dựng nên thảo am bằng tranh nứa bên cạnh tháp của Đại sư Viên Giác, đặt tên là Tra Am.

Chủ nhân đặt tên ngôi thảo am là Tra Am vừa thể hiện khả năng thâm hiểu văn học lại vừa thể hiện tấm lòng của một người học Phật, đặt nền tảng ở tấm lòng chí kính chí hiếu đối với Phật, với Thầy. Chữ Tra là một điển tích nằm trong Tống Thư - một trong 24 bộ sử (nhị thập tứ sử) của Trung Quốc. Ở phần Trương Phu liệt truyện đã kể về Trương Phu - tên tục là Tra, một người con có hiếu, tài giỏi quân sự. Ông có người cha là Trương Thiệu, tên tục là Lê. Một hôm vua Tống Văn Đế muốn so sánh sự tài giỏi giữa hai cha con mà hỏi rằng: Tra mà so với Lê thì thế nào nhỉ? ( 比 起 棃 來 怎 么 样?)

Lúc ấy Trương Phu mới trả lời rằng: Lê là cây trăm quả, Tra làm sao mà sánh cho được. (棃 是 所 有 水 果 的 宗 祖,樝 怎 能 和 它 相 比).

Điển tích này nhằm để chỉ tấm lòng hiếu thảo của con đối với cha, người sau không bằng người trước. Ở đây, chính là tấm lòng hiếu thảo, kính trọng của Thiền sư Viên Thành đối với thầy của mình là Đại sư Viên Giác. Ngay từ đầu đặt tên ngôi chùa cho đến lúc viên tịch, Thiền sư Viên Thành luôn đau đáu trong mình lòng biết ơn Đại sư Viên Giác. Chính trong bài Mật Sơn Tra Am chủ Viên Thành chúc lũy từ Thiền sư Viên Thành đã nói rằng: “Chân sở vị Tra bất như Lê dã” (真 所 謂 樝 不 如 棃 也) [1, tờ 94a].

Như vậy, Tra Am là tâm niệm của Thiền sư Viên Thành, mà ở trong con người của Ngài, chất thiền đã thấm cuộn cùng với chất thơ để từ đó ngôi thảo am là hiển hiện của những điều tuyệt diệu, mang đầy ý vị thiền và thi. Đúng như Hà Xuân Liêm nhận xét: “Tâm hồn và phong cách của thi sĩ Viên Thành, với hiển thể của tâm hồn và phong cách đó là cảnh chùa Tra Am, một phối cảnh rất hài hòa giữa thiên nhiênnhân vi, thể hiện tinh thần Thiền phương Đông rất cao đã thu hút mọi người có tâm hồn thi nhân và tinh thần Thiền đến với chùa.”[5, tr.490]

Thiền sư Viên Thành để lại tập Lược Ước tùng sao mang nhiều giá trị văn học. Trong tập này lưu lại những sáng tác của Thiền sư Viên Thành (gồm thơ và văn viết bằng cả chữ Nôm và chữ Hán) và những bài thơ văn đề tặng của nhân sĩ trí thức lui tới đàm luận với Thiền sư. Qua những áng thơ văn còn lưu lại, ta nhận thấy một Tra Am những ngày đầu thành lập đầy thi vị, nên thơ.

Có thể nhắc đến công lao của thiếu nữ thủ Nguyễn Văn Thoa khi ông viết Tra Am và sư Viên Thành đã tái hiện được phần nào phong cảnh cũng như cuộc đời đầy thi vị của Tổ khai sơn chùa Tra Am. Trong phần “Dựng Tra Am”, ông miêu tả khá chi tiết: “Lối vào chùa, phải đi ngang qua núi Ngự Bình, len lỏi trong các rừng thông, rừng bứa phủ đầy dây leo xanh tốt. Con đường đất bé nhỏ, khi cao, khi thấp qua các dòng khe, sườn đồi. Suốt ngày chỉ nghe tiếng nước chảy róc rách, thì thầm lẫn trong tiếng chim ríu rít gọi đàn. Thỉnh thoảng mới thấy vài người lên thăm mộ hoặc đốn củi rảo bước đi về. Vết chân người nơi đây còn vắng lắm, làng xóm ở mãi ngoài xa.

Phong cảnh thanh u, thơ mộng, hợp với tâm hồn của khách yêu hoa cỏ. Chán chỗ xe ngựa ồn ào, lại kề cận chỗ yên nghỉ nghìn năm của ân nhân, tri kỷ duy nhất của đời mình đã quyến rũ bắt Sư phải dừng bước tu hành.”[8, tr.64]

Chùa Tra Am được cất dựng và từ đó, cảnh đẹp cùng con người ở Tra Am đã đi vào trong thơ văn của trí thức đương thời. Phong cảnh Tra Am hiện lên rõ ràng qua bài ký Tra Am của Mai Tu Nguyễn Cao Tiêu viết vào năm Bảo Đại nguyên niên 1926:

略 約 橋 橫 洗 缽 流 清 茅 菴 藏 其 中 前 奉 佛 後 別 開 一 軒 稨 曰: .

Lược Ước kiều hoành Tẩy bát lưu thanh. Mao am tàng kỳ trung, tiền phụng Phật tọa, hậu biệt khai nhất hiên, biển viết: “Ngọa Vân Khốt”.[1, tờ 63a63b]

(Cầu Lược Ước bắc ngang dòng khe Tẩy Bát, am tranh nằm kín đáo đằng sau. Gian trước thờ Phật, sau riêng một hiên, có bảng đề ba chữ Ngọa Vân Khốt.) (Nguyễn văn Thoa dịch)

Chùa Tra Am nằm trên đồi đất được bao bọc bởi con suối nước chảy quanh năm, tách biệt hẳn với cuộc sống thế tục. Dòng suối như cách biệt giữa hai chốn Chân đế và Tục đế. Không chỉ làm ranh giới cách biệt với thế tục mà dòng suối còn muốn cuốn trôi đi hết những bụi trần phiền não. Những khách thăm đến chốn Tra Am dường như hiểu rõ ý vị của chủ nhân nên mỗi lần vào chùa đều bỏ lại những ưu tư, lụy phiền của thế tục để nhẹ nhàng tâm hồn vào gặp am chủ.

Ngài Viên Thành đặt tên dòng suối là Tẩy Bát Lưu và đặt một cây cầu bằng thân cây thông bắc ngang suối. Cây cầu được Thiền sư Viên Thành đặt tên là Lược Ước kiều. Hình ảnh chiếc cầu Lược Ước được rất nhiều thi nhân nhắc đến. Thượng thư bộ kinh tế Nguyễn Khoa Kỳ viết rằng:

“Nhịp cầu lược ước bắc sang khe

Một mái am tranh gió bốn bề”[8, tr.68]

Hay như Nhữ Sồ Thị một lần lên chơi đã viết:

結 習 生 平 半 未 消

邇 來 清 夢 憶 溪 橋

Kết tập sinh bình bán vị tiêu

Nhĩ lai thanh mộng ức khê kiều

(Nghiệp chướng già đời chẳng dứt xong

Nằm mơ cầu nhỏ bắt khe trong)[8, tr.128]

Đi ngang cây cầu nhỏ, phía dưới là dòng nước mát trong chảy róc rách, tác giả tự thẹn lòng vẫn chưa dứt được bụi trần và nghiệp duyên với đời.

Trong một bài khác, Nguyễn Cao Tiêu đã ca ngợi dòng suối chảy róc rách như cung đàn:

略 約 橋 邊   弄 琴

屏 山 風 洶 古 松 吟

“Lược ước kiều biên thủy lộng cầm

Bình sơn phong hung cổ tùng ngâm”[8, tr.157]

(Nước trong rách rách cung đàn

Núi cao gió lộng thông ngàn vi vu)

(Nguyễn Văn Thoa dịch)

Chính vì cảnh đẹp nên thơ và nhiều ý vị như vậy nên Nguyễn Khoa Kỳ lên thăm chùa mà không muốn về:

Ngồi xem nước chảy đôi ghềnh đá

Đứng đợi trăng lên mấy cụm tre

Cảnh có người vui càng rốn lại

Mặt trời khuất núi vẫn chưa về. [8, tr.68]

Tra Am nằm vỏn vẹn dưới chân núi với đầy thông reo. Mỗi khi mùa đông đến, mây trắng lại chập chờn khiến cảnh như chốn bồng lai. Những ngày gió mát trăng trong, chim kêu ríu rít khiến người đời – mà ở đây là Thượng thư Đỗ Phú Túc, muốn bỏ hết để tham vấn tọa thiền:

五 夆 煙 景 築 秖 園

大 道 昭 在 目 前

偈 罷 拂 塵 邀 月

詩 成 投 筆 枕 雲 眠

松 風 竹 露 饒 佳 興

鳥 山 禽 悟 覺 緣

榮 辱 世 途 舟 久 岸

息 機 我 亦 欲 參 禪

“Ngũ Phong yên cảnh trúc kỳ viên

Đại đạo chiêu thùy tại mục tiền

Kệ bãi phất trần yêu nguyệt tọa

Thi thành đầu bút chẩm vân miên

Tùy phong trúc lộ nhiêu giai hứng

Thủy điều sơn cầm ngộ giác duyên

Vinh nhục thế đồ châu cửu ngạn

Tức cơ ngã diệc dục tham thiền”.

(Ngũ Phong khói tỏa dựng chùa chiền

Đạo lớn trông ra đã thấy liền

Kệ hết phẩy bàn mời nguyệt chiếu

Thơ thành ém bút gối mây yên

Gió sương tùng trúc nhiều giai hứng

Chim chóc hòa ca tỏ giác duyên

Vinh nhục giữa đời thôi dẹp hết

Thanh nhàn ta muốn học tham thiền).

                (Nguyễn Văn Thoa dịch)

Với một không gian đầy hình ảnh thanh thoát hiện lên một mái am tranh càng làm cho không gian thêm thơ mộng. Mái am tranh ấy chính là hiển pháp để chúng sanh biết đến đạo Giác Ngộ, biết đến con đường giải thoát. Hình ảnh ngôi chùa Việt nói chung và Tra Am nói riêng chính là vẻ đẹp của sự giải thoát. Trong một bài thơ Nôm của Thị độc học sĩ Long Biên Nguyễn Nhữ Cơ đã cảm nhận rằng:

Bên khe róc rách nước trong veo

Một liếp chùa tranh cảnh vắng teo

Xa chốn bụi hồng lòng phủi sạch

Buồn nghe trong gió lá thông reo.[8, tr.72]

Theo như bài ký của Nguyễn Cao Tiêu thì Tra Am có gian trước thờ Phật, phía sau là chỗ của Thiền sư Viên Thành đọc sách và giảng kinh. Chỗ giảng kinh và đọc sách này để bảng chữ Ngọa Vân Khốt thể hiện sự tự tại, không vướng bận của chủ nhân. Trong một bài thơ của Bình Nam Nguyễn Khoa Tân, ông đã diễn tả phong cảnh và tâm hồn của con người trước phong cảnh ấy:

春 風 十 里 屋 三 間

羅 荔 俺 門 月

愧 我 此 心 牽 著 甚

半 從 塵 海 半 名 山

雲 巢 不 記 秋

評 詩 說 法 儘 風 流

平 生 傲 骨 頑 於 石

每 向 山 中 也 點 頭.

Xuân phong thập lý ốc tam gian

La lệ yên môn nguyệt tỏa quan

Quý ngã thử tâm khiên trước thâm

Bán tùng trần hải bán danh san

Nhất ngọa vân sào bất ký thâu

Bình thi thuyết pháp tận phong lưu

Bình sinh ngạo cốt ngoan ư thạch

Mỗi hướng sơn trung dã điểm đầu”.[8, tr.153]

(Ba gian nhà cỏ gió xuân đầy

Cõng sóng trăng cài cửa phủ cây

Tủi thẹn lòng mình còn nặng nợ

Nửa chìm biển mộng, nửa lên đây

Ngọa Vân một bảng chẳng ghi ngày

Thuyết pháp bình thơ tron vẹn hay

Ương ngạnh sương này hơn đá cứng

Cảm vì đạo đức đổi lòng ngay). (Nguyễn Văn Thoa dịch)

Với bàn tay của chủ nhân, Tra Am dù là một mái am tranh nhưng lại đầy hoa tươi khoe sắc như bức màn gấm che hiên. Nguyễn Khoa Kỳ một lần ghé chùa đã đứng nhìn mà khen rằng:


“Cúc nở xuê xoang tuồng nệm gấm

Dây leo đỏng đảnh bức màn the”. [8, tr.68]

Nhắc đến Tra Am không chỉ là nhắc đến phong cảnh hữu tình nên thơ mà còn nhắc đến chủ nhân là một bậc thâm hiểu sâu sắc Phật pháp, giỏi thi ca. Vì thế, có người chưa lên thăm Tra Am được lại thấy nao nao trong lòng. Trong một bài thơ gửi tặng thiền sư, Ưng Bình Thúc Giạ Thị đã nói rằng:

聞 道 春 京 有 艷 談

平 山 高 隱 是 樝 菴

憑 超 世 態 身 無 著

鷗 伴 閒 機 志 已 甘

貝 葉 經 文 傳 梵 宇

樹 雲 佳 句 滿 伽 藍

勞 勞 笑 我 繁 華 夢

未 叩 巖 屝 只 自 慚.

Văn đạo xuân kinh hữu diễm đàm

Bình sơn cao ẩn thị Tra Am

Bằng siêu thế thái thân vô lụy

Âu bạn nhà cơ chí dĩ cam

Bối diệp kinh văn truyền phạm vũ

Thụ vân giai cú mãn già lam

Lao lao tiếu ngã phồn hoa mộng

Vị khấu nham phi chỉ tự tàm”. [8, tr.123]

(Nghe nức thần kinh tiếng luận bàn

Ngự Bình ẩn sĩ có Tra Am

Vươn ngoài thế thái, thân không bận

Siêu thoát nhân gian chí đã cam

Kinh điển lưu truyền nơi của Phật

Thi văn trì tụng chốn già lam

Phồn hoa cười tớ ham giong ruổi

Hổ thẹn chưa từng đến lễ tham).

(Nguyễn Văn Thoa dịch)

Chính vì Tra Am không đơn thuần chỉ là cảnh đẹp mà còn hiện ra một không gian hòa nhập giữa con người với thiên nhiên. Nguyễn Bá Trác vẫn còn lưu luyến mãi với không gian hòa điệu giữa con người và thiên nhiên ấy, một khung cảnh an nhàn giải thoát:

路 轉 村 溪 僧 院 深

午 鍾 聲 逗 竹 橋 陰

主 人 定 西 窗 裡

籬 鳥 庭 花 證 道 心.

Lộ chuyển thôn khê tăng viện thâm

Ngọ chung thanh đậu trúc kiều âm

Chủ nhân tọa định tây song lý

Ly điều đình hoa chứng đạo tâm. [8, tr.139]

(Bóng gợn cầu tre nhịp ngọ chung

Âm u tăng viện lối đi vòng

Chủ nhân ngồi nhập thiền bên cửa

Hoa nở chim kêu chứng tỏ lòng).

                (Vũ Hoàng Chương dịch)

Con người giải thoát hòa nhập vào trong thiên nhiên, điểm tô thêm vẻ đẹp nhàn thoát của một ngôi thảo am. Con người đã tạo nên Tra Am đầy ý vị và cũng chính Tra Am đã hun đúc nên một con người giải thoát tự tại trước cuộc đời. Chính vẻ đẹp hòa điệu giữa con người và thiên nhiên khiến du khách lạc bước chân không muốn về. Có khi còn tự hỏi Tra Am là chốn nào ở cõi Ta-bà này. Nguyễn Cao Tiêu đã không muốn và cũng không thể diễn tả hết ý vị giải thoát từ phong cảnh của chùa Tra Am, chỉ nêu lên một câu hỏi:

芒 芒 塵 海 浩 浩 夢 劫 普 大 天 世 界 何 處 非 佛 境 而 何 處 是 佛 境 哉 樝 菴 之 住 此 余 今 日 之 遊 此 抑 何 所 在 乎?

“Mang mang trần hải, hạo hạo mộng kiếp. Phổ đại thiên giới, hà xứ phi Phật cảnh nhi hà xứ, thị Phật cảnh tai? Tra Am chi trú thử dư kim nhật chi du thử ức hà sở tại hồ? [1, tờ 63b]

(Biển trần mờ mịt, huyễn kiếp mênh mang. Khắp giữa ba ngàn thế giới, biết đâu là cảnh Phật, đâu là không. Chỗ Tra Am thượng nhân ở đây, chỗ Tra Am tôi đến chơi đây thuộc về đâu trong Sa giới?). (Nguyễn Văn Thoa dịch.

Chùa Tra Am được xây dựng bởi bàn tay của một thiền sư thâm hiểu giáo lý. Tâm ý đạt đạo, thấu rõ thiền cơ được thể hiện trong từng chi tiết của ngôi chùa. Từ việc chọn đất, lối đi vào chùa cho đến việc đề chữ nơi tọa thiền, đọc sách đều là những công án thôi thúc người tầm đạo phải lặng nhìn để thấy thực tại của các pháp. Con người thấu rõ đạo ấy lại mang tâm hồn của một thi nhân khiến cho vẻ đẹp của một mái am tranh trở thành điểm đến của thập phương du khách. Qua những bài thơ viết về phong cảnh Tra Am, viết về chủ nhân Tra Am càng chứng tỏ thảo am Tra Am đã từng là một ngôi chùa nổi tiếng. Ở nơi ấy là sự hội tụ linh khí của đất trời, hội tụ những tâm hồn yêu thơ văn, yêu thiên nhiên và tìm nguồn Phật pháp, tìm cội chân như giải thoát.

Tài liệu tham khảo.

  1. Thiền sư Viên Thành, Lược Ước tùng sao, tàng bản tại chùa Tra Am.

  2. Thích Hải Ấn - Hà Xuân Liêm (2006), Lịch sử Phật giáo xứ Huế, NXB.Văn hóa Sài Gòn.

  3. Thích Trung Hậu - Thích Hải Ấn (2010), Chư Tôn Thiền Đức Phật giáo Thuận Hóa, NXB.Văn hóa Sài Gòn.

  4. Nguyễn Lang (2014), Việt Nam Phật giáo sử luận toàn tập, NXB.Văn Học, Hà Nội.

  5. Hà Xuân Liêm (2007), Những chùa tháp Phật giáo ở Huế, NXB.Văn hóa Thông tin.

  6. Tôn Nữ Hỷ Khương (2012), Hồi ức về cha tôi: Ưng Bình Thúc Giạ Thị, NXB.Trẻ.

  7. Nguyễn Phạm Hùng (2015), Văn học Phật giáo Việt Nam, NXB.Đại học Quốc gia Hà Nội.

  8. Nguyễn Văn Thoa (1973), Tra Am và sư Viên Thành, Môn đồ Ba La và Tra Am ấn hành.


Chia sẻ: facebooktwittergoogle
Các bài viết khác