Viên Lâm thiền của hệ phái Yên Tử và ý nghĩa cảnh xuân

vien lam

VIÊN LÂM THIỀN CỦA HỆ PHÁI YÊN TỬ Ý NGHĨA CẢNH XUÂN

VÕ PHƯỚC LỘC

 

Yên Tử là phái tu thiền đặc sắc của dân tộc Việt Nam. Tìm hiểu đặc điểm tư tưởng, nhiều nhà nghiên cứu đã thống nhất cho hệ phái này chủ trương: hộ quốc an dân và sống đời vui đạo, tùy duyên. Hai nội dung được trình bày rõ ràng, trong ngữ lục và thi kệ của các đại sư thuộc hệ phái. Tuy nhiên, khảo sát bộ phận thơ viết về thiên nhiên, chúng ta thấy các thiền sư rất quan tâm việc thưởng lãm vườn cảnh (viên lâm). Họ xem đấy là môi trường thể nghiệm ngộ đạo. Từ đó, nhà Thiền có được trải nghiệm hợp nhất giữa thiền sinh học, thiền tôn giáo và thiền học nghệ thuật (vườn cảnh, thi ca, hội họa, trà đạo). Nó minh định rõ quan niệm luôn muốn tạo dựng hoàn cảnh sống yên vui, phúc lợi xã hội (an lạc đồng chúng sinh) của Thiền học Yên Tử. Mảnh đất thường lành gieo hạt giống từ tâm về một nẻo sơ chung (Nguyễn Trãi) của muôn loài; cùng tận thiện dâng hiến cho nhau bình yên sự sống. Cũng là cội nguồn: Đạo lý đương nhiên lộ cộng hành, có ý nghĩa nhân văn và phổ quát.

1.Những cứ liệu từ thơ ca và lịch sử hệ phái Yên Tử

Vào Việt Nam từ thế kỷ thứ II (trước TL), tư tưởng hòa hợp chúng sinh của Phật Thiền, luôn quyện trong lối sống yêu chuộng và tôn trọng tự nhiên của dân ta. Người Việt sớm đúc kết thành nguyên lý muôn loài đồng sinh trưởng, cho nhau sự sáng suốt an lạc. Theo đó mà thừa Thích hóa Nho, chuyển Đạo.

Xét về mặt truyền tâm (pháp thống Phật tích) trong nhân dân, căn cứ vào Cổ Châu Pháp Vân Phật bản hạnh ngữ lục (khoảng 1322) và Pháp Vân cổ tự bi ký của Lý Tử Tấn (1378-1460) chép: Khoảng 189 (sau TL) Thiền sư Khâu Đà La và Man Nương sinh Phật Pháp Vân được thân cây nuôi dưỡng. Về sau, hóa thân thành tứ Phật: Vân, Vũ, Lôi, Điện; Phật Pháp Vân là gốc được thờ ở chùa Thiền Định (chùa Dâu, làng Thuận Thành, Bắc Ninh); Phật Pháp Vũ thờ ở chùa Thành Đạo (chùa Đậu, thôn Phúc, Thường Tín, Hà Tây). Man Nương được dân ta tôn là Phật mẫu. Trong môi trường sinh thái tinh thần của người Việt, tâm ấn Phật Pháp Vân được truyền cho nhau qua câu tục ngữ: Nguời ta là hoa đất; mẹ ta hoa Phật. Thời đại Lý-Trần (939-1427) Thiền tông được vua quan, dân chúng tin theo. Dân ta lại c thể hoá thành quan niệm: Đất vua, chùa làng, phong cảnh Bụt. Điều đáng lưu ý là, thời này, dòng Thiền Pháp Vân có chi nhánh ở núi Đại Lãm (xã Nam Sơn, huyện Quế Dương, lộ Bắc Giang), chuyên tọa thiền ở trà thất trong vườn. Do vậy, họ cũng sành kiến tạo vườn cảnh. Chi phái này có nhiều đệ tử tu ở nhà, sơn trang riêng biệt. Tổ đình Thần Quang trên núi nổi tiếng cảnh vườn nguy nga, san sát đài tạ. Từ năm 1295-1299, vua Trần Nhân Tông từ động Vũ Lâm (Ninh Hải, Hoa Lư, Ninh Bình) hay qua lại đây để tham thiền; như trong bài thơ Đại Lãm Thần Quang Tự viết: Ngoài việc thắp hương tham thiền ra; mọi việc suy nghĩ đều cho qua đi hết. Từ bài thơ trên của Phật hoàng, so sánh đối chiếu với hai liệu khác, ta tìm được các đời truyền đăng của chi phái Viên Lâm Thiền. Căn cứ trên hai mối quan hệ: giữa Phạm Nhân Khanh với Đại Lãm quốc sư và Huyền Quang (1254-1334) Tam Tổ Yên Tử; giữa họ Phạm và cha con Nguyễn Trãi (1380-1442) với Thiền sư Đạo Khiêm núi Chí Linh.

Phạm Nhân Khanh hiệu là Cổ Sơn, đỗ tiến sĩ năm 1374, sinh độ 1315, người làng Thụy Khuê, huyện Yên Sơn, lộ Quốc Oai. Nhà ở chân núi Cổ Sài Sơn, gần chùa Phật Tích thờ Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Thời Trần Minh Tông (1300-1357), có lúc ông được dùng làm tín sứ, giữ việc liên lạc giữa triều đình và lãnh đạo giáo hội Yên Tử. Theo lời tự thuật trong thơ Tiễn Quốc sư Lãm Sơn về núi (Tống Lãm Sơn Quốc sư hoàn sơn), ông được sư ngầm truyền tâm ấn Pháp Vũ của Viên Lâm Thiền tại vườn nhà. Nhân đó, ông viết sách Tiểu Phố để dạy nghệ thuật vườn cảnh cho lớp trẻ. Nguyễn Phi Khanh có vịnh bạt qua bài: Ông Phạm Cổ Sơn đưa bài thơ vịnh “vườn nhỏ”, lại nói các vị đều họa cả rồi; tôi hâm mộ ở trong cõi trần này mà có cái thú nhàn tản như thế, nhân theo vần họa lại một bài (Cổ Sơn Phạm Công thị dĩ “Tiểu Phố” thi, thả đạo chư công tận dĩ canh họa; dư nhân mộ kỷ trần trung nhi hữu nhàn thích chi thú, y vận phú nhất luật). Trong thơ, Nguyễn Phi Khanh có ý nguyện cùng qua lại với Cổ Sơn mà thảo luận ngâm vịnh. Về sau, Nguyễn Trãi theo di nguyện của cha, phát triển đề tài vịnh vườn cảnh với thiền thú ở vườn Côn Sơn. Viết Đưa sư Đạo Khiêm về núi, Ức Trai cũng hé lộ: “gặp nhau, mừng hết tục, nói chuyện tiền duyên... Từ biệt nhau, rồi ta cũng theo thiền thượng thừa”. Nguyễn cũng đã có 10 năm nghe Đạo Khiêm giảng Viên Lâm Thiền, lúc ở vườn Thanh Hư của ông ngoại là Trần Nguyên Đán (1325-1390). Do vậy, Phạm Nhân Khanh, Đạo Khiêm và Nguyễn Trãi theo hệ phái Yên Tử là điều chắc chắn. Tổng kết các cứ liệu trên, ta có thể xác lập hệ truyền đăng Viên Lâm Thiền đến đầu thời hậu Lê (1450)  như sau:

1.Pháp Vân-Pháp Vũ (khoảng 189) 2. Từ Đạo Hạnh (?-1117)-Không Lộ (?-1119) 3. Trần Nhân Tông (1258-1308) 4. Huyền Quang (1254-1334) 5. Lãm Sơn Quốc sư (?) 6. Phạm Nhân Khanh (sinh khoảng 1315) 7. Đạo Khiêm (?)

8. Nguyễn Trãi (1380-1442)...

Thiền tông vào ta, truyền pháp theo Thiền Uyển tập anh gồm có dòng Pháp Vân (580) và Kiến Sơ (khoảng 759). Về mặt tư tưởng cả hai đều chịu sự chi phối bởi cơ chế bản địa hóa Phật giáo trên nền tảng văn minh nông nghiệp, văn hóa phồn thực của tộc Việt. Mặt khác, Đại Việt sử kí toàn thư chép: Năm 968, Đinh Tiên Hoàng lên ngôi, định đô ở động Hoa Lư, xây cung điện vườn cảnh, đình chùa san sát liền núi sông. Thời Lý-Trần Thiền tông và nghệ thuật vườn chùa nở rộ khắp nơi. Từ đó, dân ta quen gọi chung các loại vườn cảnh là động, như Nguyễn Phi Khanh nói trong Thanh Hư động ký. Xuất gia ở động Vũ Lâm, gần động Hoa Lư hẳn Trần Nhân Tông có ý tứ. Như vậy, chúng ta gọi phép thiền định trong vườn cảnh là Viên Lâm Thiền, không phải là không có căn cứ lịch sử và cơ sở khoa học, trong việc luận chứng quan điểm cộng sinh an lạc của phái Yên Tử.

2. Đặc điểm Viên Lâm Thiền của phái Yên Tử

Viết bài thơ Tiễn Quốc sư Lãm Sơn về núi, Phạm Nhân Khanh nêu ngắn gọn và rõ ràng ba nội dung cơ bản, của quan niệm an lạc đồng chúng sinh:

出山幾日更還山,                               Xuất san kỷ nhật cánh hoàn san,

為愛山居意自閑.                               Vị ái san cư ý tự nhàn.

松院渚茶香漠漠,                               Tùng viện chử trà hương mạc mạc,

鶴泉洗鉢水潺潺.                               Hạc truyền tẩy bát thủy sàn sàn.

放開禪價真千古,                               Phóng khai thiền giá chân thiên cổ,

發露詩名正一般.                               Phát lộ thi danh chính nhất ban.

歸向嶺雲深處卧,                               Quy hướng lĩnh vân thâm xứ ngọa,

暗施法雨洗人間.                               Ám thi pháp vũ tẩy nhân gian.


Dịch xuôi:

                                    Mới xuống núi mấy ngày, lại trở về núi,

                                    Vì thích ở trong núi, ý thái tự do thảnh thơi.

                                    Pha trà trong viện thông, hương thơm ngào ngạt,

                                    Rửa bát ngoài suối hạc, nước đầy chứa chan.

                                    Mở toang thiền giá, ngàn thuở chân như,

                                    Phát lộ lời thơ, một niềm chính quả.

                                    Trở về nằm nơi mây núi sâu thẳm,

                                    Ngầm đưa “Pháp Vũ” rửa cõi trần gian.

                                                                                                Thơ văn Lý-Trần, tập 3.

2.1.Tọa thiền trong vườn cảnh ở núi, cùng thực hành trà đạo là điều kiện lý tưởng để rèn luyện sinh thể được khỏe mạnh, tinh thần luôn sảng khoái. Nhịp sống trong lành thanh khiết của tự nhiên, phối hợp với lợi ích của uống trà giúp con người dễ thanh lọc tâm hồn; kích hoạt ý thức sáng tạo cá nhân, vượt qua ngưỡng tâm lý cảm thấy sống hiu quạnh giữa núi rừng. Bởi lẽ người điều tiết nhịp thở, hòa hợp với sinh khí của tự nhiên là bước cơ bản của thiền sinh học.

Khách quan mà nói, Nho, Đạo gia, kể cả người nông dân đều chuộng dùng trà. Song với nhà Thiền, trà đạo không phải là thú tiêu khiển, hưởng lạc thanh cao; không là nương theo tự nhiên (dụng trà, hoa, rượu luyện đan) mà “đoạt quyền tạo hóa” để “trường sinh bất lão”. Viên Lâm Thiền xem nó là phương tiện để thực hiện sự hợp nhất của đạo (chung một nhịp sống vạn hữu, tương hòa ứng thuận với tự nhiên). Về sau, Nguyễn Trãi trình bày vấn đề này, hết sức tế nhị qua thơ. Khảo sát 353 bài thơ chữ Hán và Nôm, ta thấy ông lặp lại 14 lần dụng trà thưởng cảnh. Trong 76 bài thơ của cha ông là Nguyễn Phi Khanh, tuyệt không nói đến thưởng trà mà luôn chuốc rượu, trong mọi cảnh ngộ (15 lần). Ngược lại, trong mảng thơ Nôm viết về đề tài vườn cảnh ở Côn Sơn, Nguyễn Trãi cũng không nói đến uống trà. So sánh nội dung và hoàn cảnh sáng tác qua hai bài thơ có cảm hứng viên lâm của ông, ta hiểu chỗ ẩn ý ấy:

Hà nhật Côn Sơn cộng thính tuyền?

Lão khứ cuồng ngôn hưu quái ngã,

Lâm kỳ ngã diệc thượng thừa thiền.

            Dịch:

Suối hẹn Côn Sơn hẳn phen nao?

Lẩm cẩm già rồi đừng la tớ,

Chia đường tớ cũng sẽ theo thiền.

                        Đưa sư Đạo Khiêm về núi

Cung dư tịch địa bán trăn kinh...

Tiếu ngã lão lai cuồng cánh thậm,

Bàng nhân hưu quái Thái công tinh.

            Dịch:

Hơn cung đất hẹp nửa đầy gai...

Cười tớ về già cuồng lại quá,

Thứ công tỉnh đấy, xóm giềng coi.

                        Mừng nhà mới Hoàng môn thị lang Nguyễn Cúc Pha

Mừng vườn nhà mới của Nguyễn Mộng Tuân (tự Cúc Pha), Ức Trai lặp lại ý thơ Nguyễn Phi Khanh họa sách Tiểu Phố của Phạm Nhân Khanh: “Khoảng đất vườn nhỏ có thể dung thân được. Nguyễn có ý nói cũng như cha mình, Cúc Pha quy thú điền viên để được nhàn tình. Tiễn Đạo Khiêm ông kín đáo nhắc đến tứ thơ ngầm trao tâm ấn Pháp Vũ, trong bài thơ Tiễn Lãm Sơn Quốc sư về núi của họ Phạm. Dùng lối nói nghịch đảo khi tiếp nhận ấn tâm Viên Lâm Thiền: Suối hẹn Côn Sơn hẳn phen nao; Nguyễn Trãi xác nhận cái nhìn của nhà Thiền tạo vườn, sửa cây cảnh là đồng hoạt nghiệp thuần nhất với tự nhiên (cùng sinh-trưởng-diệt). Nó là sự thống nhất giữa thiền lạc với sự sống thơ. Có nhân duyên với nghệ thuật vườn cảnh; song trước sau Nguyễn Phi Khanh vẫn chưa ngộ tâm ấn Viên Lâm Thiền như Nguyễn Trãi và Phạm Nhân Khanh.

2.2. Nói “Phóng khai thiền giá chân thiên cổ”, Phạm Nhân Khanh nhằm khẳng định Viên Lâm Thiền không mưu cầu lưu danh ngàn năm (Nho), sống lâu muôn tuổi (Đạo). Với nhà Thiền, sự sống luôn chuyển động là sự thật ngàn đời vốn vậy. Để cắt nghĩa rõ điều đó, không gì bằng quan sát mọi thể hiện sinh trưởng (không lời) của cỏ cây, hoa lá trước mắt, trong nhà vườn. Vua Trần Nhân Tông, qua tọa thiền trên núi Đại Lãm đã đúc kết nguyên tắc trải nghiệm:

                        Thập nhị lâu đài khai họa trục,

Tam thiên thế giới nhập thi mâu.

            Dịch:

Lâu đài chín cõi bày tranh vẽ,

Thế giới ba ngàn lọt mắt thơ.

                                    Chùa Thần Quang trên núi Đại Lãm

Con người xây dựng nhà cửa, nuôi trồng cỏ cây theo quy luật của tự nhiên (khai họa trục, mở bản vẽ đồ họa). Nó có ý nghĩa tái cấu trúc lại không gian sinh tồn, sáng tạo một tự nhiên thứ hai phù hợp với cõi lòng và tập quán sinh sống (viên lâm nội, bên trong vườn cảnh). Từ trải nghiệm sống đó mà hiểu được cái đa thù, đa dạng của mọi cảnh sống đời, mọi thể hiện của tự nhiên (viên lâm ngoại, ngoài vườn cảnh). Và, như thế là nắm bắt được toàn bộ nhịp sống thế gian; chứng ngộ được sự thực hiện bản thể không tính; hiểu thế giới đồng nhất trong nhịp sống thực tại. Bởi lẽ vũ trụ rỗng lặng hàm chứa hạt giống chuyển sinh; khi có điều kiện nhân duyên, lập tức tính không sẽ sinh thành vạn hữu (nhập thi mâu, thu vào mắt nhịp sống nên thơ).

Khảo sát thơ ca giữa Trần đến đầu Lê (1320-1450) thấy có Nguyễn Trung Ngạn (1289-1370) và Nguyễn Trãi phát triển tứ thơ trên của Phật hoàng; xem đó như nội điển Viên Lâm Thiền của phái Yên Tử:

Nhất thốc lâu đài tàng thế giới,

Tứ thời hoa điểu ngoại nhân gian.

Dịch:

Một cõi lâu đài gồm thế giới,

Bốn mùa hoa điểu mở nhân gian.

                                                            Nguyễn Trung Ngạn, Chùa Long Động núi Yên Tử

Thập trượng lâu đài tiêu thẫn khí;

Tam canh cổ dốc tráng quân dung.

            Dịch:

Mười trượng lâu đài tan nhiễm khí,

Ba canh còi trống mạnh quân dung.

            Nguyễn Trãi, Làm trong thuyền hộ giá tiết Thượng Nguyên

Nhìn về dãy Chí Linh bên bờ, phủ bóng Yên Tử sơn phát tích, Nguyễn Trãi phát triển tứ thơ thật sảng khoái tâm hồn.

Các tôn giáo đều có phép rèn luyện tĩnh tâm, làm cho con người khỏe mạnh, sáng suốt. Phát biểu điều gặp gỡ đó, hệ phái Yên Tử qua Viên Lâm Thiền, đã chứng minh “hoạt nghiệp của tính không” (theo Thiền Phật giáo) cũng có ý nghĩa phổ quát trong trải nghiệm tâm linh con người.

2.3. Nêu: “Phát lộ lời thơ, một niềm chính quả”, Phạm Nhân Khanh khẳng định thành tựu Viên Lâm Thiền là chính quả hợp nhất: thiền sinh học, thiền tôn giáo và thiền học nghệ thuật. Mặt sinh học và tôn giáo, chúng ta đã luận giải như trên. Riêng tác giả bài thơ đề cập đến thi ca là để chỉ rõ sự soi chiếu giữa vô tự thiềnhữu tự thiền. Nhà thiền xem làm thơ cũng là tham thiền. Qua dùng lời để tiêu lời, người làm thơ thiền thể nhập ngôn hành sự sống chúng sinh. Họ cho mọi thể hiện của sinh cảnh là lời giao cảm không dùng chữ viết (vô tự thiên thư). Thống hợp 3 yếu tố nêu trên, Viên Lâm thiền xem ngộ đạo là đồng trải nghiệm nhịp sống muôn loài. Để đạt đạo lý đó, trước tiên Trần Thánh Tông (1240-1290) thiết lập sự tương ứng giữa câu không (vô cú) và câu có (hữu cú), nhằm đọc văn bản vườn cảnh thiên nhiên:

                        Bách bộ sinh ca cầm bách thiệt,

                        Thiên hàng nô bộc quất nhô đầu.

            Dịch:

                        Trăm tiếng đàn ca: chim sánh giọng,

                        Nghìn hàng tôi tớ: quất nhô đầu.

                                                                        Chơi hành cung Thiên Trường

Thánh Tông xem mỗi hàng quýt, mỗi lời chim hót là một đơn vị cú pháp có giá trị tạo nghĩa như: trăm tiếng đàn ca; nghìn hàng tôi tớ. Dẫn dắt tiếp nối, Trần Nhân Tông tổng kết thành nguyên tắc khai họa trục nhập thi, bởi sự soi chiếu giữa câu có, câu không (thi kệ Hữu cú vô cú).

Nhìn từ phía lý luận nghệ thuật thơ ca (thi học cổ điển, thi học Thiền tông), có thể hiểu từ lời thơ liên tưởng tới sự vật thể hiện trước mắt; nhờ đó mà toàn bộ thế giới, tinh thần đời sống hiện lên trong tâm trí ta. Nó làm tâm hồn người thưởng thức thấy vui sướng, lập tức mọi câu chữ, hình ảnh tưởng tượng đều tan biến. Viên Lâm Thiền cho đó là ngang qua tính không mà thể nhập ngôn hành sự sống. Thấy nhạn bay thành hàng, Phạm Nhân Khanh hiểu ấy là chữ nhạn (bài Nhạn tự). Nguyễn Trãi phát triển thành toàn văn bản sách tự nhiên (Trận nhạn, Trận bướm; hoa truyền tin). Nói theo Tuệ Trung thượng sĩ (1230-1291), mọi văn bản như vậy đều có ý nghĩa: thời tiết an định, đất nước hưng vượng, con người sáng suốt (mê hương quốc, quốc mạch hân nhiên).

Nhà Nho quan niệm: bốn mùa xoay chuyển, vạn vật sinh sôi (tứ thời hành yên, vạn vật sinh yên). Còn cái nhìn thiền cảnh xác tín tinh thần lặng hành của vạn hữu, luôn chan chứa ý xuân. Vạn vật tịnh hành là lưu chuyển tình xuân, tạo tác sinh thành của vũ trụ. Nó biểu thị sự giao tình giữa người với người, vạn vật. Bởi vậy, viết sách Tiểu Phố, Phạm Cổ Sơn luôn tiếc cảnh chơi xuân (bài Thủ tuế, Xuân du). Ở mỗi thời vụ tuy có tên riêng (xuân, hạ, thu, đông); song do người đời ép dùng chữ đặt tên (cưỡng tự lập danh, Văn bia tháp Sùng Thiện Diên Linh của Nguyễn Công Bật). Sự thật là lẽ lặng hành giao cảm (tịnh hành tinh tấn) của muôn loài luôn chuyển sinh xuân thời, bởi mùa nào cũng có vạn vật sinh trưởng. Về sau, trong mảng thơ viết về vườn cảnh Côn Sơn, Nguyễn Trãi phát triển thành đề tài tiếc cảnh.

Với cơ sở như trên, Phạm Nhân Khanh xác định điểm nhìn nghệ thuật Viên Lâm:

路入芳園十里紅.                      Lộ nhập phương viên thập lý hồng.

身在鶯花庭院裡,                      Thân tại oanh hoa đình viện lý,

眼迷錦繡畫圖中.                      Nhãn mê cẩm tú họa đồ trung.

Hoàng Lê dịch:

Mười dặm vườn thơm, sắc đỏ hoe.

Người giữa sân hoa đầy cảnh đẹp,

Mắt say gấm vóc thắm tranh quê.

                                                                                                Xuân du

Cùng thời với ông, Trần Đình Thâm mở ra trường nhìn thiền cảnh và xác định ý nghĩa của nó, qua bài thơ Ngày xuân chơi chùa trên núi:

杖藜扶我入禪關,                   Trượng lê phù ngã nhập thiền quan,

花草迎人取次攀.                   Hoa thảo nghênh nhân thủ thứ phan.

院靜山明窗似畫,                   Viện tĩnh sơn minh song tự họa,

             一庭芳草佛家閑.                  Nhất đình phương thảo Phật gia nhàn.

Trần Lê Sáng dịch:

Gậy lê đỡ lão nhập thiền quan,

Hoa cỏ đón người vin bước lên.

Viện vắng ngoài song non tựa vẽ,

Một sân hương cỏ Phật gia nhàn.

Tổng kết các nguyên tắc nghệ thuật đã nêu, Huyền Quang cho thơ nói về thiền cảnh Viên Lâm là: Thơ không thi liệu, xuân không chủ (春無主惜詩無料, xuân vô chủ tích thi vô liệu, Họa bài thơ đề trên vách chùa Bảo Khánh).

Chính chỗ Viên Lâm Thiền coi trọng thể nhập ngôn hành sự sống, Trần Thái Tông (1218-1277) mới phê phán thi Phật, họa sư Vương Duy (701-761), thơ thiền chạy theo màu sắc, thần thái hội họa mà “lãng đắc danh” (Niêm tụng kệ). Tổng kết mối quan hệ giữa nghệ thuật vườn cảnh, trà đạo và thi ca, Nguyễn Trãi cũng giống như Tăng Kỷ (Tống, 1084-1166): Đun nõn trà tnh ngủ, đốt hương ngẫm tập thi... nhàn vô dụng tâm xứ, tham thi như tham thiền (Trà Sơn tập). Song, ông không tán thành kiểu học sĩ qui thiền để làm thơ hay chữ, ngộ bút đắc tiên như Tô Thức (1037-1101). Đó là ngã rẽ đáng lưu ý của Viên Lâm Thiền Yên Tử, so với Nông thiền và Sĩ đại phu thiền Đường-Tống-Minh ở Trung Quốc.

3.Ý nghĩa xã hội của Viên Lâm Thiền Yên Tử

Viên Lâm Thiền Yên Tử ra đời là do đòi hỏi khách quan của thời đại. Giữa triều Trần, nhà nước Đại Việt cần đổi mới sách lược ích nước lợi nhà, để phát triển bền vững. Về mặt đạo học, tầng lớp Nho sĩ quan phương ngày càng công kích Phật giáo; triều đình và giáo hội thấy cần củng cố nền tảng thừa Thích hóa Nho để chuẩn bị cho bước chuyển thành Thiền trong Nho.

Sử liệu từ Toàn t cho thấy thời Lý (1010-1225) nạn mất mùa đói kém, dịch bệnh ít xảy ra so với thời Trần (1225-1400). Trong hai thế kỷ hoàn chỉnh hệ thống đê ngăn lũ ở đồng bằng, triều Lý gặt hái thành công lớn. Đến Trần, các mặt tác động tiêu cực đến điều kiện sinh thái mới bộc lộ rõ. Lên núi Đại Lãm, nơi “16 xã chia ở quanh núi, cảnh trí sông núi rất âm u tịch mịch” [2,121] hẳn Phật Hoàng chiêm nghiệm lại vấn đề sinh thái nhân văn, để tìm đáp án mới cho dân sinh. Tổng kết và phát triển Viên Lâm Thiền, một mặt cổ xúy cho kinh tế vườn, cải thiện giống vật nuôi cây trồng, mở mang trang trại; mặt khác là để nâng cao nhận thức môi sinh, phổ cập rèn luyện tinh thần khỏe mạnh cho chúng dân. Thực chất cho thấy, từ thời vua Trần Thánh Tông trở đi, Viên Lâm Thiền có tác dụng lớn đối với đời sống xã hội. Giới quý tộc, quan lại, Tăng lữ và dân chúng luôn mở rộng điền trang, lập vườn chùa, vườn nhà và vườn thuốc. Sĩ đại phu cũng chuộng tọa thiền ở thôn trang; thi nhau lấy bút hiệu gắn bó với Viên Lâm Thiền: Hủ Phố, Lâu Phố (Trần Đình Thâm); Thoái Viên (Tạ Thiên Huân); Thủy Hiên (Bùi Tông Hoan); Giới Hiên (Nguyễn Trung Ngạn); Tùng Hiên (Nguyễn Tử Thành); Mai Hiên (Lê Liêm); Mặc Hiên (Phan Phu Tiên). Trong chữ Hán phố () là vườn; hiên () là cửa sổ thư phòng nhìn ra vườn.

Sau chiến thắng Nguyên-Mông lần thứ 3 (1287), Tống Nho và Tân Pháp của Vương An Thạch, có điều kiện thâm nhập vào tư tưởng lớp trí thức được đào tạo ở nhà trường Nho giáo chính thống. Thái độ của họ đối với Phật Thiền có phần khác với giới Nho học từ trường ở nhà chùa. Họ phê phán gay gắt tệ sùng tín hình thức, gây hao tổn tiền của dân chúng. Nho thần biếm nhẽ thói xa hoa trụy lạc của giới quan lại núp bóng triều đình Phật giáo; phần nào động đến chỗ rất mực tế nhị của họ Trần, do bảo thủ vương quyền bắt buộc hôn nhân trực hệ. Đòn chí hiểm mà cũng là công án cực khó đối với vị vua sớm đạt đỉnh cao đế quyền, thần quyền, thế quyền như Trần Nhân Tông. Trải nghiệm thực chứng Viên Lâm Thiền, Phật Hoàng đã hóa giải rốt ráo vấn đề: lấy chỗ trân trọng quy luật tự nhiên mà chế ngự lòng dục, tu hành làm ích nước lợi nhà; đưa vị thiền trong Nho thấm sâu vào lòng người trí thức chân chính.

Việc 3 vua Nhân Tông, Anh Tông (1276-1320), Minh Tông  chọn 3 bậc đại khoa, định trao trọng trách trong giáo hội Yên Tử là minh chứng khách quan cho vấn đề đã nêu. Chúng ta biết Huyền Quang (20 tuổi đỗ tiến sĩ), tự nguyện theo Phật Hoàng đi tu. Nguyễn Trung Ngạn (16 tuổi đỗ tiến sĩ), cự tuyệt lời gợi ý tu hành của vua Anh Tông. Song, qua thơ ông liễu ngộ thiền lý Viên Lâm (thơ Đăng Bàn Bà thắng cảnh tự, Yên Tử sơn Long Động tự, Tức sự, Xuân dạ dã tự...). Ông cũng là người có thái độ phê phán chua cay địa vị Nho thần: Nổi trôi bồng bềnh khách. Tình vua khuyển mã thân (Dạ tọa). Riêng Phạm Nhân Khanh là chọn lựa đặc biệt, lại đỗ đạt muộn. Thơ Hỗ bái sơn lăng hồi kinh ông xưng là “Tiểu thần tiến sĩ tân khoa dâng bài phú Cam Tuyền; chống gậy tiên mà đỡ vóc xuân (vua) vào chín trùng. Mượn điển Dương Hùng (53-18 sau TL) ra làm quan trên 40 tuổi; về già tự phê bài phú Cam Tuyền mình làm: “Chạm khắc con trùng, con triện của trẻ con”, thì sự lý đã rõ. Dựa vào hiệu Cổ Sơn và theo bài Ao sen chùa Phật Tích, Phạm bên ao luôn tháng ngày thoải mái; đối chiếu với Lịch triều hiến chương loại chí, Phan Huy Chú (1782-1840) chép: “Chùa Phật Tích ở xã Thụy Khuê, huyện Yên Sơn có tên nữa là Sài Sơn, lại gọi là Cổ Sài, cảnh núi rất đẹp. Chân núi có hồ, trên núi có hang sâu, là chỗ Từ Đạo Hạnh trút xác ở đấy” [2,132]; ta thấy thật trùng khớp với nội dung thơ miêu tả. Có lẽ quê ông ở đó và Cổ Sơn không phải là Núi Trống (Lộng Sơn, đông huyện Tam Dương, Sơn Tây) mà Đại Nam nhất thống chí chép. Thánh đăng ngữ lục có nói Phạm Nhân Khanh được vua Trần Minh Tông sai đưa thư cho Đại sư Huyền Quang. Vậy, rất có thể, trước khi đỗ và nhận phẩm trật của triều đình, Phạm có thời gian dài sống bán quan bán ẩn, đi lại giữa triều đình, quê nhà và Yên Tử sơn. Giữ địa vị biệt giá tòng quan, phía triều đình ông là tín sứ, phía lãnh đạo giáo hội ông là thị giả. Trong hoàn cảnh như vậy, lại đỗ đồng khoa, Cổ Sơn thân thiết với gia đình Nguyễn Phi Khanh là điều dễ hiểu. Vấn đề cũng đã khẳng định quyết tâm phổ cập Viên Lâm Thiền của triều đình và giáo hội Yên Tử. Với điều kiện Tống Nho đang lớn mạnh, giới lãnh đạo đất nước đã có bước chuẩn bị nhân sự kĩ lưỡng; chọn lựa 3 trường hợp ứng với 3 tình thế tiêu biểu khác nhau nhằm thực hiện bước chuyển hóa thiền trong Nho. Viên Lâm Thiền cũng đã giúp Phật Hoàng hàng phục chính mình, dứt khoát đập phá dâm từ (thờ sinh thực khí) khắp nơi trong nước. Nhà vua thông bạch cho toàn dân xóa bỏ dấu vết quần hôn, tạp hôn trong xã hội. Bởi lẽ tệ mê tín phồn sinh, lạm dụng văn hóa phồn thực dễ dẫn đến quốc nạn. Thời Trần Duệ Tông (1373-1377), Chiêm Thành biết được, thường đem quân sang cướp đàn bà con gái đẹp đem về nước. Tôn thờ đạo lý tự nhiên, song Viên Lâm Thiền không truyền bá gợi dục, phồn sinh phóng đãng.

Lúc về trí sĩ ở vườn Côn Sơn, Nguyễn Trãi đã tổng kết Viên Lâm Thiền, giai đoạn giữa Trần đầu Lê Sơ, qua mảng thơ viết về đề tài vườn cảnh. Trước đó, sách vở nước ta đã bị giặc Minh cướp hết đem về nước, nhưng ông lại có đủ dữ liệu thực tế, kinh nghiệm thực tiễn để phục dựng khá đầy đủ lý thuyết và hành dụng. Do Viên Lâm Thiền đã có ảnh hưởng sâu đậm ở thời đại ông vậy.

Viên Lâm Thiền được phái Yên Tử xây dựng từ nền tảng kiến lập văn hóa trên thực tế của dân tộc ta. Ngày nay, các nhà Nhân học văn hóa (Anthropology) đã khẳng định: Sự kiến lập văn hóa trên thực tế là một phần bản tính sinh học của loài người.

                                                                                                            Mỹ Tho, 19.11.2015

 

Tài liệu tham khảo:

1.Nguyễn Tài Cẩn (1998), Ảnh hưởng Hán văn Lý-Trần qua thơ và ngôn ngữ thơ Nguyễn Trung Ngạn, NXB.Giáo Dục.

2.Phan Huy Chú (2008), Lịch triều hiến chương loại chí, tập 2, NXB.Giáo Dục.

3.Lê Mạnh Thát (2000), Toàn tập Trần Nhân Tông, NXB.Thành phố Hồ Chí Minh.

4.Văn hóa tùng thư số 29 (1966), Đại Nam nhất thống chí, tỉnh Sơn Tây, Tổng bộ Văn hóa Xã hội xuất bản.

5.Viện Sử học (1976), Nguyễn Trãi toàn tập, NXB.Khoa học Xã hội.

6.Viện Văn học (1978), Thơ văn Lý-Trần, tập 3, NXB.Khoa học Xã hội.

7.Emily A.Schultz, Robert H.Lavenda (2001), Nhân học một quan điểm về tình trạng nhân sinh, NXB.Chính trị Quốc gia.

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle
Các bài viết khác