Vua Lý Thái Tông và Thiền sư Ấn Độ

vua ly

------------------

Hồ Sĩ Hiệp

 

Đời Lý xã hội thịnh đạt, giao lưu văn hóa và Phật giáo đã rộng mở. Ngoài các nhà sư Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, các nhà sư An Nam (tên gọi của nước ta thời xưa) đã biết đến thân thế và sự nghiệp một số vị Thiền sư của Ấn Độ và tỏ lòng tôn kính sâu sắc. Ngày nay đọc lại thơ văn đời Lý chúng ta rất đỗi ngạc nhiên và tự hào về tình cảm đó của các thi nhân và các nhà sư nước ta đối với các nhà sư Ấn Độ từ thời buổi xa xưa ấy. Một trong những người đó là vua Lý Thái Tông đời Lý.

Lý Thái Tông (1000-1054) tên thật là Lý Phật Mã, tên húy là Đức Chính (theo sách An Nam chí và Việt sử lược) hay Khai Nguyên (theo sách An Nam chí lược). Khi vua Lý Thái Tổ lên ngôi ông được phong là Khai Nguyên Đại Vương. Lý Thái Tông là con thứ của Lý Thái Tổ nhưng các sách “Đại Việt sử ký toàn thư” và “Lịch triều hiến chương loại chí” lại nói ông là con trưởng. Ông sinh năm Canh Tý (1000) người làng Cổ Pháp, tỉnh Bắc Giang, thuở nhỏ thông minh và lớn lên có chí hướng, thích thơ văn, âm nhạc, nghiên cứu sách vở. Làm vua trong thời thịnh trị của nhà Lý, Lý Thái Tông quan tâm đời sống của dân chúng, coi trọng việc mở mang kinh tế và chấn hưng văn hóa.

Trong sách “Toàn Việt thi lục” Lê Quý Đôn đánh giá rất cao Lý Thái Tông và so sánh ông với vua Quan Vũ thời Đông Hán. Ông mất năm nào không rõ. Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” nói ông mất năm 1054 (trong An Nam sử lược Lê Trác nói ông mất năm 1055) . Lý Thái Tông làm vua 27 năm. Năm 1042 ông ra lệnh cho biên soạn bộ “Hình thư” làm cơ sở pháp luật hiện hành. Tác phẩm hiện còn của ông gồm hai bài chiếu và hai bài thơ. Theo sách “Thiền uyển tập anh” Lý Thái Tông rất am hiểu Phật giáo và thường luận đàm với các Thiền lão về giáo lý Thiền học. Một hôm trong cuộc đàm đạo ông nói rất tâm huyết và chân thành rằng: “Bàn về nguồn gốc cái tâm của Phật Tổ thì các bậc thánh hiền thời xưa còn bị chê bai huống gì những kẻ hậu học. Nay ta muốn cùng các vị trưởng lão trình bày sơ lược ý nghĩ của mình. Mỗi người hãy thuật lại một câu kệ xem ý tứ thế nào?”. Trong lúc mọi người đang suy nghĩ thì vua đã đọc bài kệ gồm 4 câu sau đây mà đời sau cho rằng ông rất am tường triết lý Thiền học:

Bát-nhã chân vô tông

Nhân không ngã diệc không

Quá quan vị lai Phật

Pháp tính bản tương đồng.

Dịch nghĩa:           

                               Bát-nhã kỳ thực không có nguồn gốc,

                               Người là không và ta cũng là không.

                               Quá khứ, hiện tại và tương lai đều là Phật cả,

                               Pháp tính vốn là  tương đồng. (Hồ Sĩ Hiệp)

Bài kệ ngắn, triết lý sâu sắc, từ ngữ Phật học thông dụng đọc lên ai cũng hiều. “Bát-nhã” (prajna) có nghĩa là “trí tuệ”. Theo “Bản vô” thì hiện tượng vạn vật trong vũ trụ đều là “không”. “Pháp tính” có nghĩa là “Phật tính”, dùng để chỉ bản thể của vũ trụ đều là chung nên gọi là “Phật tính”. Mỗi câu của bài kệ đều chứa đựng ý nghĩa triết học và giáo lý Phật giáo chứng tỏ nhà vua là người am hiểu Phật Giáo và có lòng ngưỡng mộ đặc biệt với tôn giáo này. Điều này phù hợp với không khí sùng đạo của thời đại bấy giờ. Đời Lý có một vị Thiền sư Ấn Độ quý danh là Tỳ Ni Đa Lưu Chi (Vinitaruci), năm 574 đến truyền đạo ở Trung Quốc. Đến năm 580 ông sang An Nam và trụ trì ở chùa Pháp Vân thuộc huyện Gia Ninh, phủ Thuận An thuộc tỉnh Bắc Giang ngày nay. Mặc dù thời gian trụ trì ở chùa không lâu nhưng ảnh hưởng của vị Thiền sư Ấn Độ này rất lớn. Ngài đã làm nhiều điều hữu ích cho dân chúng và Phật đạo. Tuy mất đã gần 500 năm nhưng đến đời Lý mọi người, nhất là những người tu hành ở vùng Bắc Giang, Bắc Ninh, vẫn còn tưởng nhớ và tỏ lòng tôn kính ngài, một vị Thiền sư Thiên Trúc (Ấn Độ) khả kính. Đời Lý, mộ của ngài được truy táng với nghi thức giản dị nhưng tràn đầy sự tiếc thương vô hạn của mọi người. Để biểu lộ tấm lòng ngưỡng mộ của mình và muôn dân, vua Lý Thái Tông đã làm bài thơ truy táng Thiền sư Ấn Độ là Tỳ Ni Đa Lưu Chi như sau:

                               Sáng tự lai Nam quốc

                               Văn quân cửu tập Thiền,

                               Ưng khai chi Phật tín

                               Viễn hợp nhất tâm nguyên

                               Hạo hạo Lăng-già nguyệt

                               Phân phân Bát-nhã liên

                               Hà thời lâm diện kiến

                               Tương dữ thoại trùng huyền.

Dịch nghĩa:

                               Lần đầu tiên (ngài) đến nước Nam

                               Được nghe ngài từ rất lâu am hiểu đạo Thiền

                               Nên mở mang những tín điều của đạo Phật

                               Làm cho người đời sau hòa hợp cội nguồn với một lòng.

                               Trăng Lăng-già tỏ sáng mênh mông

                               Sen Bát-nhã hương thơm bát ngát

                               Lúc nào (chúng ta) được gặp mặt nhau

                               Để cùng đàm luận giáo lý huyền diệu. (Hồ Sĩ Hiệp)

Dịch thơ:

                               Cõi Nam đầu bước tới

                               Nghe đã đượm mùi Thiền

                               Tin Phật, mong thêm rộng

                               Nguồn lòng khéo hợp duyên

                               Non Già ngời bóng nguyệt

                               Cõi Nhã nức mùi sen

                               Họp mặt chừng bao tá?

                               Cùng nhau giảng lẽ huyền. (Ngô Tất Tố)

Bài thơ theo thể ngũ ngôn bát cú, lời lẽ đơn giản nhưng diễn tả được tình cảm, lòng ngưỡng mộ, sự kính phục của Lý Thái Tông đối với vị Thiền sư từ nước Ấn Độ xa xôi lần đầu tiên đến nước ta (Sáng tự lai Nam quốc). Tác giả dùng chữ “Nam quốc” tức nói đến tên gọi nước An Nam thời ấy như Lý Thường Kiệt đã từng khẳng định chủ quyền lãnh thổ trong bài thơ “Thần” bất hủ là: “Nam quốc sơn hà Nam đế cư” (Núi sông nước Nam vua Nam ở). Câu thơ tiếp tác giả nói lên sự cảm mến của mình là từ rất lâu đã nghe đến tên tuổi của ngài dày công chuyên chú thâm nghiêm giái lý đạo Thiền từ bản quốc, rồi đến Trung Quốc truyền đạo và cuối cùng là đến trụ trì ở đất nước phương Nam xa xôi. Mục đích của ngài đến nước Nam là để truyền giáo lý Phật giáo đồng thời làm cho mọi người khắp nơi hòa hợp một lòng với cội nguồn đạo pháp phát xuất từ Ấn Độ ngàn xưa. “Nhất tâm nguyên” (nguồn gốc đồng tâm nhất trí một lòng) chẳng riêng gì tâm nguyện của ngài mà là của hàng vạn triệu người con của Đức Phật ở mọi nơi.

Hai câu (5 và 6) của bài thơ là hai câu đối nhau từng chữ: “Lăng-già” là tên một ngọn núi ở nước Xây Lan (miền Nam Ấn Độ) nơi Đức Phật thời xưa đã đích thân thuyết pháp ở tại núi này. Về sau địa danh “Lăng-già” dùng để chỉ các sách kinh điển của đạo Phật. “Trăng Lăng-già” đối với “Sen Bát-nhã” vừa hình ảnh vừa ý tứ. “Trăng” (nguyệt) của thiên nhiên và “hoa sen” (liên) tượng trưng cho sự thanh khiết của đạo Phật sẽ mãi mãi vĩnh cửu. Hai câu kết (7 và 8) của bài thơ khá hay, diễn tả sự mong ước của tác giả ở tương lai. Nếu sáu câu thơ đầu là sự hoài niệm về quá khứ thì hai câu cuối cùng của bài thơ là sự hoài vọng ở tương lai mang ý nghĩa lãng mạn, mong ước điều tốt đẹp sẽ đến. Đó là sẽ có lúc nhà vua nước Nam và vị Thiền sư nước Ấn Độ (đã mất rồi) lại gặp nhau để cùng nhau đàm luận những điều huyền diệu của Phật pháp. Hai chữ “Trùng huyền” tác giả lấy từ ý trong sách của Lão Tử là: “Huyền chi hựu huyền chúng diệu chi môn”; có nghĩa là: Đã hiểu sâu rồi lại hiểu sâu thêm để đến cái cửa của sự huyền diệu trong giáo lý Thiền học.

Bài thơ theo chủ đề “Truy tán”, “Truy điệu” nhưng nội dung không toát lên sự tiếc thương, tổn thất và đau buồn mà trái lại tràn đầy sự cảm xúc, tinh thần lạc quan, mong ước một tương lai an lành, tốt đẹp sẽ tới. Bài thơ có nhiều từ thuộc dòng thơ Thiền như: Thiền, chư Phật, Lăng-già, Bát-nhã, và nhiều từ có hình tượng trong sáng, gợi cảm giác đẹp như: nguyệt (trăng), hạo hạo (mênh mông), phần phần (bát ngát), liên (hoa sen) khiến cho người đọc cảm xúc mỗi khi tiếp xúc với những thi phẩm giàu giá trị nhân văn và ý vị của thơ Thiền đời Lý.

Chia sẻ: facebooktwittergoogle
Các bài viết khác