Phu nhân Thắng Man 10 hoằng thệ và 3 đại nguyện (tt)

phu nhan

Phu nhân Thắng Man

10 hoằng thệ (tt)

Chân Hiền Tâm

 

Đã nói về 4 hoằng thệ trong 10 hoằng thệ của phu nhân Thắng Man. Giờ nói về hoằng thệ thứ năm.

Hoằng thệ thứ năm

“Thế Tôn! Con từ hôm nay cho đến khi chứng quả Bồ-đề, dù vật thực không được nhiều cũng không có tâm lẫn tiếc”. Đây là hoằng thệ thứ năm của phu nhân Thắng Man.

“Vật thực không được nhiều” là chỉ cho phần vật chất mà phu nhân có được trong một đời. Tùy hạnh nguyện thọ thân mà sự thọ dụng ở mỗi đời có khác nhau. Nhưng dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, vừa đủ ăn thôi, bà cũng nguyện không có tâm bủn xỉn đối với chúng sinh. Vì thói thường của người đời là chỉ cho khi dư giả, hoặc thứ gì không dùng tới mới cho. Người tu Phật thì không như vậy. Ngày mai chưa biết thế nào, nhưng trước mắt nếu có người cần giúp đỡ, mình sẵn sàng san sẻ những gì mình có. “Thương người như thể thương thân”. Đó là tâm hạnh của Bồ-tát, là việc làm giúp mình xả đi sự ngăn cách giữa cái tôi của mình với cái tôi của người, mở rộng lòng từ, phá dần tâm chấp thủ và phân biệt. Nó cũng thể hiện tâm hạnh của người tu từ lý vào sự thế nào, sự đã được tương ưng với lý bao phần?

Với bản dịch của ngài Cầu Na Bạt Đà La thì việc không lẫn tiếc này không chỉ nằm trong phạm vi của vật ngoài thân mà “Đối với nội ngoại pháp không có tâm lẫn tiếc”. Ngoại, là chỉ cho tài vật. Nội, là chỉ cho những gì thuộc bản thân. Như người cần máu thì hiến máu, người xin mắt thì cho mắt v.v… Nghĩa là đối với nội ngoại pháp đều không có tâm lẫn tiếc với chúng sinh. Chính vì thế, Đức Phật từng trao tặng vợ con cho người khác, trao tặng thân thể cho cọp đói. Với cái nhìn của người đời, tu hành vậy là tàn nhẫn, là thiếu trí tuệ, Nhưng đứng ở mặt đạo pháp mà nói, những hành vi ấy chỉ thể hiện tính vô ngã của một hành giả tu Phật mà thôi. Không thấy đúng thực chất của vạn pháp là huyễn mộng thì không thể có các hành động ấy. Đây đang nói trong cái duyên là tâm bi rộng lớn. Thí xả mà tâm không ái luyến cũng không sân hận.

Hiện đời đây, chúng sinh từng chứng kiến cảnh tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức. Thí xả thân mạng để cứu Phật tử thoát khỏi những lầm than mà chính quyền thời ấy mang lại cho họ. Không vì tình thương yêu rộng lớn với chúng sinh, không thật sự thấy thân tâm thế giới này là mộng huyễn thì khó có thể thực hiện việc tự thiêu trong phong thái an định.

Nguyện, là để nhắc nhở những gì cần làm trong quá trình hành Bồ-tát đạo, cũng là để hoàn thành trọn vẹn hơn những gì cần hành trong quá trình Bồ-tát đạo. Một khi đã phát nguyện, chúng ta sẽ thấy bất an khi làm trái lại những gì mình đã nguyện trong quá khứ. Vì thế, nguyện rất cần cho quá trình hành Bồ-tát đạo. Đó là lý do vì sao chúng ta thọ ngũ giới, thọ giới Bồ-tát v.v… Bởi giới, là một hình thức của nguyện. Nó giúp mình không quên lý tưởng cao đẹp của mình trong thế giới nhiễm ô.  

Hoằng thệ thứ sáu

Thế Tôn! Con từ hôm nay cho đến khi chứng quả Bồ-đề, không vì mình mà nhận chứa tài vật. Phàm có thọ nhận, đều vì thành thục chúng sinh bần khổ”.

Do chấp thủ mà thế giới ảo trở thành như thật. Do chấp thủ mà sinh tranh tàn đau khổ cho nhau. Cũng do chấp thủ mà chúng ta không thể sống được với tánh Phật của mình dù nó vẫn hiện diện đầy đủ đó. Vì vậy những gì mang tính chấp thủ đều được phu nhân phát nguyện trừ bỏ. “Không vì mình nhận chứa tài vật” không ra ngoài ý đó.

Nếu vì mình mà thọ nhận tài vật thì ngã và ngã sở xuất hiện. Một khi ngã đã xuất hiện thì khó tránh được sự hạn cuộc trong vấn đề lợi ích chúng sinh. Vì tâm hay có khuynh hướng chấp thủ. Không có tiền của mà thấy người nghèo khó thì mong có thật nhiều tiền để bố thí. Khi có nhiều rồi, việc bố thí lại ít được thực hiện. Vì có một, tính để thành hai. Có hai, tính để thành ba… Hoặc không tiền bố thí, lấy công mình làm vật bố thí, đến khi có nhiều tiền rồi, vẫn quyên tiền thiên hạ làm bố thí, tiền mình cất rất kỹ. Hoặc bỏ tiền ra bố thí nhưng thấy người khác bỏ tiền phụ thêm, thay vì để việc bố thí được rộng rãi hơn, lại cất tiền mình vào v.v…. Đó là những hình thức bố thí mang tính quy ngã thô thiển. Nếu không ý thức được tính quy ngã của nó thì càng bố thí, tâm chúng ta càng chấp thủ, xan tham. Việc đó đi ngược lại với tinh thần bố thí mà nhà Phật đã nói, cũng đi ngược lại mục đích mà một hành giả tu Phật đã đề ra, nên Phu nhân phát nguyện “không vì mình mà nhận chứa tài vật”.

Thành thục chúng sinh, là dùng phương tiện giúp chúng sinh quy y Phật, Pháp, Tăng. Trước là quy y Tam bảo ngoài thân. Sau là quy y Tam bảo tự thân. Phương tiện thì có nhiều đường, nhưng việc dễ thực hiện nhất vẫn là dùng tài vật giúp người, hầu gieo duyên Phật pháp về sau. Tức giúp tài vật chỉ là hình thức tạm thời. Giúp người hiểu biết Phật pháp mới là việc thiết yếu. Bởi không ai có thể giúp ai được hạnh phúc lâu dài ngoài bản thân người ấy. Chúng sinh cũng vậy. Không có suy nghĩ đúng đắn và hành động đúng đắn thì dù được giúp bao nhiêu, khổ vẫn hoàn khổ. Cũng khó mà nhận được sự giúp đỡ dài lâu khi phước không có. Vì thế “bần khổ” nói đây, vẫn được dùng để chỉ luôn cho kẻ bần khổ về tinh thần, là những người tuy vật chất được sung túc nhưng phần tâm linh thì yếu kém, không biết nhân quả, không tin Chánh pháp v.v…

Hoằng thệ thứ bảy

Thế Tôn! Con từ hôm nay cho đến khi chứng quả Bồ-đề, hành Tứ nhiếp pháp mà chẳng cầu báo đáp, dùng tâm không tham, không lợi, không nhàm đủ, không ngăn ngại mà nhiếp thọ chúng sinh”.

Tứ nhiếp pháp là ái ngữ, bố thí, lợi hành và đồng sự. Gọi bốn thứ này là nhiếp pháp vì nhờ chúng, Bồ-tát có thể khiến chúng sinh ưa thích Chánh pháp, có thể khiến họ phát tâm Vô thượng chánh đẳng chánh giác, nên nói “nhiếp”. Nhiếp là thu nhiếp, thu phục.  

1. Ái ngữ, là lời nói thương yêu. Thường thì thương yêu khiến lời nói của mình trở thành thân thiện, hoa mỹ và nhẹ nhàng, nên ái ngữ thường được hiểu là lời nói hoa mỹ, thân thiện và nhẹ nhàng. Kỳ thực, ái ngữ có khi vẫn là lời nói thô kệch, gay gắt. Nhưng vì nền tảng của nó là lòng từ rộng lớn, nên tác dụng của nó vẫn là lợi ích chúng sinh. Tính duyên khởi của pháp cho phép Bồ-tát làm như vậy. Bất biến trong trường hợp này là lòng từ. Lời nói văn hoa hay thô kệch chỉ là tướng tùy duyên. Ứng đúng duyên, nghĩa là nói được lời nói phù hợp với sở thích và căn tánh của chúng sinh, thì việc lợi ích cho cho chúng sinh vẫn thành tựu. 

Thiền sư Daigu và Gudo được một vị lãnh chúa mời đến.

Gudo nói:

- Bản tính của ngài thông minh, có khả năng bẩm sinh để học thiền.

Daigu quát lên:

- Tại sao lại đi nịnh tên đầu bò này? Hắn có thể là một lãnh chúa nhưng hoàn toàn không biết gì về thiền.

Rốt cuộc, vị lãnh chúa đã xây cho Daigu một ngôi đền và theo học thiền với Daigu[1].

Rõ ràng ái ngữ không nằm trên hình thức hoa mỹ, nhẹ nhàng. Chỉ cần có bi trí làm nền tảng, ứng duyên sẽ có hiện tướng phù hợp mang lại lợi ích cho người. Song đa phần người đời đều thích lời nói hoa mỹ nhẹ nhàng, nhất là với người hay sân giận, nên tướng thể hiện của ái ngữ vẫn là lời nói hoa mỹ, nhẹ nhàng. Nó thể hiện nội tâm an hòa của một hành giả tu Phật.

2. Bố thí, là trao tặng. Thường chúng ta dùng từ bố thí với nghĩa là kẻ trên ban ơn cho kẻ dưới, hàm chứa sự khinh mạn trong đó. Kỳ thật, bố thí chỉ mang nghĩa ban tặng hay cho đi. Thí, là cho. Bố, là khắp.

Bố thí là pháp giúp Bồ-tát gieo duyên với chúng sinh dễ nhất. Kinh luận phân bố thí thành ba loại. Bố thí tài vật, bố thí sự không sợ và bố thí pháp. Trong ba thứ, bố thí pháp vẫn được coi là nhất, vì nó là nhân duyên trực tiếp dẫn người vào đạo. Tuy vậy, với cái nhìn duyên khởi thì không có loại bố thí nào hơn loại bố thí nào. Chúng bình đẳng ở mặt thể tánh và ứng duyên. Loại bố thí nào cũng có thể nhất khi ta sử dụng nó đúng duyên. Bố thí tiền tài vật thực sẽ nhất đối với người đang đói. Khi đang đói không có pháp nào quan trọng bằng vật thực. “Có thực mới vực được đạo”. Ăn no ngủ ấm tương đối rồi, rồi mới nói đến việc nghe pháp học đạo. Một con rắn đang oằn mình muốn cắn người thì một pháp giúp người hết sợ mới là pháp tối thượng. Pháp Phật hay vật thực thường không có hiệu quả trong trường hợp này.

Vì trọng tâm của việc bố thí là để thu nhiếp người, nên thái độ hoan hỉ thân thiện của người bố thí là cần thiết.

Khi tham gia chuyến thiện nguyện ở trại cùi Đak Lak cùng với các bạn trẻ thuộc Đạo tràng Phú Lâu Na, tôi thấy giữa họ và người cùi không có sự ngăn cách. Họ làm với tất cả tấm lòng của mình. Không sợ hãi, không nhờm gớm, như thể người cùi là thân ruột của họ. Với thái độ đó, người nhận cảm thấy được san sẻ hơn là mặc cảm vì phải nhận đồ bố thí. Việc gieo duyên nhất định tốt đẹp về sau.

Ngoài ra, muốn việc bố thí đạt hiệu quả cao, chúng ta phải biết cho đúng thời, đúng chỗ. Tự điển Phật học Hán Việt ghi: “Nếu có chúng sinh nào thích của thì bố thí của, thích pháp thì bố thí pháp, khiến họ vì thế mà sinh tâm thân ái, theo ta học đạo, gọi là bố thí nhiếp”. Tức tùy căn tánh và ý thích của chúng sinh mà Bồ-tát dùng bố thí để nhiếp phục. Thích tài vật thì cho tài vật. Thích pháp thì cho pháp. Thích tình thương thì cho tình thương. Thích gì cho nấy thì việc thu nhiếp dễ thực hành. Thu nhiếp, là để họ chịu thực hành những điều mang lại lợi ích cho bản thân, không với ý gì khác.

3. Lợi hành, là “khởi những thiện hạnh làm lợi ích cho chúng sinh, khiến họ sinh tâm thân ái theo ta thọ đạo”.[2] Một nhóc đã nói: “Do thấy các bạn ở Đạo tràng Phú Lâu Na hết mình với những công tác từ thiện mà con muốn tham gia đạo tràng Phú Lâu Na”. Đó là một trong các hình thức của việc lợi hành. Bố thí, giới luật nghiêm chỉnh, hành vi thân thiện v.v… đều có thể là những “lợi hành” giúp thu nhiếp chúng sinh về đạo Vô thượng.  

Trong ngày thọ giới Bồ-tát ở thiền viện Chánh Giác, một nhóc đã tỏ bày sự bất an khi vừa thọ giới Bồ-tát tại gia xong. “Thật tình, con không muốn thọ giới Bồ-tát này. Vì con còn nhiều chướng duyên phải làm. Bây giờ thọ rồi, con thấy bất an vô cùng”. Hỏi nguyên do thì được biết nhóc còn cha mẹ đang bệnh. Tới đây, nhóc là người phải săn sóc, chăm non. Nhóc không muốn mình vừa niệm Phật, vừa bằm thịt. Vì cha mẹ không ăn chay được. Đó là những suy nghĩ mà nhiều người đã vướng khi tâm còn quá tách bạch giữa đạo và đời, còn vướng nhiều vào các tướng đã thọ mà quên mất tinh thần Bồ-tát trong các giới đã thọ ấy.

Thọ giới và giữ tròn các giới đã thọ là việc mà một vị Bồ-tát phải làm. Nhưng cuộc đời này không phải khi nào cũng tạo mọi điều kiện thuận lợi cho mình để việc giữ giới của mình luôn tốt đẹp. Có những hoàn cảnh bắt chúng ta phải vận dụng trí tuệ để có thể hòa nhập với cuộc đời mà không làm mất đi những giới mình đã thọ. Cha mẹ bệnh, không ăn chay được. Việc niệm Phật của mình, mình cũng không thể bỏ được. Thì phải biết kết hợp hai việc đó sao cho được tốt nhất trong hoàn cảnh mình đang có không thể đòi hỏi một sự toàn triệt.

Giới của Phật tử tại gia là không được sát sinh, không phải là “không được bằm thịt”. Giết con vật rồi bằm thịt khác với việc mua thịt ở chợ về bằm. Trong điều kiện thuận lợi, chúng ta có thể nhập hai thứ đó làm một để việc giữ giới được trọn vẹn. Không có gì quý bằng! Bởi nói gì nói, chúng cũng có nhân duyên với nhau. Không có kẻ mua thì không có người bán. Chưa kể, thọ giới Bồ-tát rồi thì người thọ giới phải chay trường, cũng không bằm thịt làm gì. Nhưng trong trường hợp mà điều kiện phục vụ chúng sinh không được thuận lợi với giới mình đã thọ, thì mình cần phải phân tích kỹ vấn đề để được một hoàn cảnh tốt nhất. Vừa có thể phục vụ chúng sinh, vừa giữ tròn được giới đã thọ. (Dùng chung một từ “chúng sinh”, vì với một vị Bồ-tát, cha mẹ, anh em, bà con hay người dưng nước lã đều là chúng sinh. Chỉ là có duyên với mình không, duyên nhiều hay ít, đủ duyên hay chưa mà thôi).

Nếu bằm thịt không phải là giới của Bồ-tát thì không có gì trở ngại trong việc bằm thịt và niệm Phật. Niệm Phật là niệm Phật. Bằm thịt là bằm thịt. Ngay cả khi đang bằm thịt mà tâm liên tục niệm Phật vẫn không có gì trở ngại, huống là thời niệm Phật không trùng với thời bằm thịt. Niệm Phật rồi, phục vụ cha mẹ tốt rồi, thì dùng phước đức đó hồi hướng về Vô thượng Chánh đẳng chánh giác. “Nguyện với công đức phục vụ này, cha mẹ tương lai sẽ chay trường, sẽ cùng con thành tựu Vô thượng Bồ-đề”. Nhờ nguyện hạnh đó, vì thấy tấm lòng hiếu thảo của con cái đối với mình, nhất định cha mẹ có ngày “hồi đầu thị ngạn”.

Không có gì chướng ngại giữa đạo và đời khi chúng ta đặt tất cả trên nền tảng là tâm Bồ-đề. Khi lấy Bồ-đề vô thượng làm nền tảng thì dù phải sát sinh để thành tựu chúng sinh trong hiện đời và tương lai, Bồ-tát vẫn cam tâm tình nguyện, huống chỉ là bằm thịt hiếu dưỡng mẹ cha? “Chịu khổ thế cho chúng sinh, lấy đó làm pháp cúng dường mười phương chư Phật”, là một trong mười hạnh của Bồ-tát được nói trong kinh Hoa nghiêm. Có thể bạn sẽ nói, nói thì dễ làm thì khó. Phát tâm mạnh quá đến khi quả báo hiện tiền, chúng ta chịu không nỗi lại bỏ cuộc. Đây là chỗ một vị Bồ-tát cần ý thức. Song dù làm chưa được thì nắm rõ vấn đề vẫn là việc cần thiết. Không nên lẫn lộn giữa tướng đã thọ và tinh thần của giới đã thọ. Chỗ khác nhau giữa Bồ-tát và chúng sinh là đó. Chúng sinh do vô minh mà gây nhân. Bồ-tát hiểu nhân quả, nhưng vì thành thục chúng sinh mà gây nhân. Nhân đó sẽ là duyên để việc thành tựu chúng sinh được nới rộng. Vì thế, nếu chúng ta chỉ chú trọng đến những hình tướng của giới đã thọ mà quên mất tinh thần Bồ-tát ẩn trong các giới đó thì có thể mình sẽ trở thành người giữ giới rất giỏi ở trần gian, có thể sinh Thiên nhờ công đức đó, nhưng gọi là lợi ích thiết thực cho chúng hữu tình thì chưa. Không khéo, việc giữ giới đó còn là rào cản khiến kẻ chưa hiểu đạo ghê sợ đạo Phật, vì giới của Phật giáo đã sản sinh ra những con người chỉ biết lợi ích của riêng mình mà bỏ mặc chúng hữu tình. Cho nên, thọ giới Bồ-tát là để làm một vị Bồ-tát, quên mình vì chúng sinh, chịu khổ thế cho chúng sinh, không vì ý niệm nào khác.

Phục vụ cha mẹ theo cách như thế là một dạng của lợi hành, dùng thu nhiếp chúng sinh.

Còn nhiều dạng lợi hành khác, nhưng chung quy, được Thiền sư Lai Quả gom thành hai dạng: “Lợi hành có 2 thứ: Một là trợ giúp người hành đạo. Hai là làm lợi ích cho mọi người. Như người muốn ở tùng lâm không có y áo, không có lộ phí v.v… thì tìm cách cho họ áo chăn của mình, bán y bát của mình cho họ làm lộ phí. Chỉ lo cho người đầy đủ chẳng màng đến sự cần dùng của mình. Bồ-tát vì lợi ích của mọi chúng sinh khiến cho họ được hoan hỉ an vui, lấy lợi của mình làm lợi cho người. Lấy pháp của mình đã hiểu ra dạy cho người, lấy hạnh mình đã làm mà tập cho người. Người sống trái đạo thì khuyên họ hối cải v.v… Phải biết tự mình hành đạo là công nhỏ, khuyên người hành đạo là công to, thế nên cái đạo “lợi hành” là vô tận vậy”.

4. Đồng sự, là cùng đồng việc làm, giai cấp v.v… nương đó làm Phật sự để thu nhiếp chúng sinh. Tự điển Phật học Hán Việt ghi: “Nhờ pháp nhãn mà thấy được căn tính của chúng sinh, rồi tùy sự ưa thích của người mà phân thân thị hiện cùng làm công việc với người để người được lợi ích”. Do bi nguyện, nên chư Bồ-tát có thể hóa thân thành anh em, cha mẹ, vợ chồng, con cái hoặc làm cùng nghề, hoặc cùng một nghiệp với người mình muốn hóa độ. Như cùng nghiệp uống rượu, nghiệp nhiều chuyện, hay cùng nghề giáo viên chẳng hạn. Có vậy, mới có điều kiện thuận lợi hướng người về Đạo vô thượng. Thiền sư Lai Quả nói: “Muốn độ người ăn xin thì phải cùng người ấy làm nghề ăn xin để độ họ. Muốn độ con heo thì cũng phải đầu thai thành con heo để độ nó v.v… gọi là Đồng sự nhiếp”.    

Phần Đồng sự nhiếp này đòi hỏi hành giả tu Phật, tuy hòa quang đồng trần mà không được nhiễm trần, nên kinh nói “Hành với tâm không tham, không lợi, không nhàm đủ, không ngăn ngại”. Bản Hán của ngài Cầu Na Bạt Đà La thì ghi “Tâm không ái nhiễm” thay cho “Tâm không tham, không lợi”. Với Đồng sự nhiếp, tâm không ái nhiễm, nghĩa của nó rõ ràng hơn “Tâm không tham, không lợi”. Bởi nếu có tâm ái nhiễm thì thay vì hướng người về Đạo vô thượng, mình lại bị người lôi theo nghiệp tập của người. Thay vì làm một anh say rượu để lôi những anh say rượu cùng tỉnh, mình lại thành một tay bợm nhậu của đám xỉn say. Hạnh nguyện coi như tiêu hết. Vì vậy, tâm không ái nhiễm rất cần cho pháp đồng sự. Kinh Duy Ma Cật nói: “Hiện làm tham dục mà không nhiễm đắm. Hiện làm giận dữ mà đối với chúng sinh không có ngại gì. Hiện cách ngu si mà dùng trí tuệ điều phục tâm mình. Hiện làm hạnh tham lam bỏn xẻn mà bỏ tất cả của cải, không tiếc thân mạng...”. Hiện làm tham dục, giận dữ v.v là tướng đồng sự. Đồng sự mà không nhiễm trước, nên nói không đắm nhiễm, không có ngại gì, dùng trí tuệ điều phục tâm mình v.v…

Không chỉ với một pháp Đồng sự mà với cả bốn pháp đều “không tham, không lợi…”.

Không tham, không vì lợi của riêng mình thì mới có thể hành Bố thí nhiếp được tốt.

Giúp người với tâm không ái nhiễm thì mới tránh được tình trạng thương mới giúp, ghét thì không. Giúp rồi cũng không lấy đó để tính ơn, tính nghĩa. Chỉ với mục đích duy nhất là làm lợi ích cho người v.v… nên nói “chẳng cầu báo đáp”.

Chẳng cầu báo đáp, ngoài việc thể hiện tính vô ngã, nó còn giúp vị Bồ-tát thực hành hạnh nguyện của mình được tốt đẹp. Bởi chúng sinh cần cứu độ, không phải ai cũng là người biết ân biết nghĩa. Nếu chấp vào đó thì Bồ-tát hạnh không thể thực hiện lâu dài. Sân giận v.v… sẽ hiện khởi.

Không nhàm đủ, thì việc tới tay liền làm không do dự, cũng không vì mệt mỏi hay khó khăn mà bỏ cuộc.

Không ngăn ngại, thì không vì khó khăn chướng ngại mà nhủn lòng. Xưa, Đại sư Trí Giả ở Thiên Thai nghe kinh Thủ lăng nghiêm là môt bí truyền rất quý ở Thiên Trúc, nên sớm chiều xoay mặt về hướng Tây, thành tâm lễ bái, nguyện kinh sớm được truyền bá tới Trung Hoa. Hơn một trăm năm sau, Sa-môn Bát Thích Mật Đế mang kinh đến. Do lệnh nước quá nghiêm ngặt, không thể tự do mang kinh ra khỏi nước Ấn, Bát Thích Mật Đế bèn chép kinh vào lụa mỏng, cuốn nhỏ lại rồi xẻ thịt bắp vế nhét vào, vượt biển mang vào Trung Hoa. Nhờ đó kinh mới vào được nước này. Rõ ràng tâm không ái nhiễm, không nhàm mỏi, không ngăn ngại là trợ duyên cần thiết cho Tứ nhiếp pháp.  

Hoằng nguyện thứ 8

Thế Tôn! Con từ hôm nay cho đến khi chứng quả Bồ-đề, nếu gặp những ai không nơi nương tựa, bị các thứ tối tăm ràng buộc, bịnh tật, ưu não, nguy ách thì con chẳng bao giờ bỏ rơi họ, nguyện sẽ làm cho họ được an ổn, dùng nhiều điều lợi ích khiến họ hết khổ”.

Bi và Trí là thứ sẵn đủ trong mỗi chúng sinh, chỉ do vô minh mà thành nhân ngã phân biệt. Song dù ở hoàn cảnh nào thì bản chất tốt đẹp kia vẫn không mất. Vì thế, gặp kẻ cô độc, bần hàn, đau khổ… chúng ta thường thấy động lòng thương xót và muốn giúp đỡ. Song giúp đỡ để họ thật sự an ổn và hết khổ thì có lẽ cần phải có lời phát nguyện để giữ tâm trường viễn. Vì người hay gặp khổ nạn, tai ương, nghèo khổ thường là người thiện căn kém cõi. Nói “thường” tức không phải “tất cả”. Vì còn hóa thân của chư Bồ-tát. Thiện căn kém thì tập nghiệp xấu cũng nhiều. Tham nhiều, sân nhiều, mà ngu si cố chấp cũng nhiều. Ngu si cố chấp nhiều nên có khi nhận lãnh của người mà thường sinh tâm ghét bỏ, ganh tỵ, oán thù. Cho một đòi hai, thêm trò gian dối lừa phỉnh. Chỉ biết cái gì là vừa lòng, chứ không phân biệt được cái gì là tốt cho mình, cái gì không tốt cho mình, nên khuyên lời phải ít chịu nghe. Tâm xấu xa mờ mịt nên cảnh giới chung quanh không thể thuận lòng. Không thuận lòng thì sân hận và tham lam càng tăng trưởng. Nghĩa là, đủ thứ rối ren và rắc rối … Vì vậy, lòng tốt của một vị Bồ-tát đối với chúng sinh dễ sinh giới hạn, lòng nhiệt tình của Bồ-tát dễ bị lụi tàn. Việc nhiếp hóa thành thất bại. Để khắc phục điều đó, Phu nhân đã nguyện “Chẳng bao giờ bỏ rơi họ, nguyện sẽ làm cho họ được an ổn, dùng nhiều điều lợi ích khiến họ hết khổ”. Nghĩa là, dù khó khăn và mệt mỏi thế nào, Phu nhân cũng không từ bỏ chúng sinh của mình, cho đến khi họ thực sự hết khổ.

Chúng sinh chỉ thực sự hết khổ khi quan niệm sống của họ phù hợp với Đạo. Nghĩa là, họ phải nắm được thực lý chi phối thế giới này, thực lý Duyên khởi, mà mặt thô của nó là nhân duyên và nhân quả, rồi y đó mà sống. Vì thế dù với bất cứ phương tiện nào thì việc cuối cùng của Bồ-tát vẫn là làm sao giúp chúng sinh am hiểu thực lý chi phối thế giới này. 

Không nơi nương tựa, là kẻ không cha mẹ, nhà cửa v.v… mà không tự mình an ổn được cho bản thân.

Bị các thứ tối tăm ràng buộc, là vướng vào các nghề có dính lứu đến sát sinh, trộm cắp v.v…, vướng vào các thói xấu như ăn nhậu, rượu chè, cờ bạc v.v…, bị các hiện tượng mê tín trói buộc như bùa ngãi, cúng sao giải hạn, lên đồng lên cốt v.v…    

Bệnh tật, ưu não và nguy ách, là những thứ khiến thân tâm bất an, bất ổn.

Làm nhiều điều lợi ích để họ hết khổ, là dùng nhiều phương tiện làm cho họ thay đổi những quan niệm sai lầm. Vì họ chỉ hết khổ thật sự khi tự họ nghĩ thiện và làm thiện. Thay đổi một tư kiến không phải là điều dễ làm. Không phải trong một đời mà có thể làm xong. Cũng không phải chỉ thuần những thuận hạnh mà có thể làm thay đổi đi một tư kiến. Có khi phải dùng cả những nghịch hạnh mới nhiếp hóa được. Cho nên, “làm lợi ích…” không có nghĩa là làm cho người được sung sướng hạnh phúc. Có khi rồi cũng cần một sự đau khổ trong hiện tại, chủ yếu là để người chuyển đi một tư kiến sai lầm, hầu có được một cuộc sống thiện về lâu về dài cho những kiếp sau.

Hoằng nguyện thứ 9

Thế Tôn! Con từ hôm nay cho đến khi chứng quả Bồ-đề, phàm thành ấp hay tụ lạc nào mà con nhiếp giữ, nếu có các ác luật nghi hủy phạm giới cấm thanh tịnh của Như Lai thì điều phục được, con sẽ điều phục; nhiếp thọ được, con sẽ nhiếp thọ. Vì cớ sao? Vì điều phục và nhiếp thọ thì chánh pháp được tồn tại lâu dài. Chánh pháp tồn tại lâu dài thì chúng sinh ở các cõi trời và người sẽ thêm nhiều, còn ác đạo thì giảm thiểu. Có thể khiến cho bánh xe pháp của Như Lai thường chuyển”.

Hiện thân kiếp này của phu nhân là vương phi nên phu nhân nói “Phàm thành ấp hay tụ lạc nào mà con nhiếp giữ”. Song dù không là vương phi thì nơi nào bà đã đặt chân đến, nơi đó chính là nơi bà thực hành hạnh nguyện của mình, nên nói “nhiếp giữ”. Vì là căn khí của hàng Bồ-tát ý sinh thân, nên ra chốn nào, tuy không làm vua thì cũng thường có mạng làm chủ, nên nói “nhiếp giữ”.  

Ác luật nghi, là những hành vi đưa con người đến cái quả là bệnh tật, tai họa và đau khổ. Theo các kinh luận thì những công việc như bùa thuật, săn bắn, làm các nghề sinh sát, hàng rượu v.v… đều gọi là ác luật nghi. Ngoài ra nó còn chỉ cho những hành động phạm giới mà Như Lai đã đặt ra, như Phật tử tại gia mà phạm 5 giới của người tại gia, Tỳ-kheo mà phạm 250 giới của Tỳ-kheo v.v... Luận Câu-xá nói: “Ác luật nghi là điều mà người trí quở trách nhàm chán nên gọi là ác hành. Vì không ngăn hành vi ác của thân và miệng nên gọi là bất luật nghi. Nó làm chướng ngại giới luật thanh tịnh nên gọi là ác giới”. Vì lẽ đó mà đây nói “Các ác luật nghi hủy phạm giới cấm của Như Lai”.

Điều phụcnhiếp thọ đều mang ý nghĩa là trừ bỏ các ác luật nghi ấy, không để nó có cơ phát triển. Với những ác nghiệp, nhiếp thọ còn mang tính thuận theo. Không những chỉ bỏ đi các ác luật nghi mà còn quay về qui thuận chánh pháp.

Điều phục được thì con điều phục, nhiếp thọ được thì con nhiếp thọ, là việc nào phu nhân cũng gắng làm hết sức mình, dù gian khó mệt mỏi bao nhiêu, phu nhân cũng quyết làm. Nhưng thứ gì cũng phải tùy duyên. Không có duyên thì ngay cả Phật cũng không làm được. Phu nhân không phải là thứ quyết định mọi vấn đề mà chỉ là một trợ duyên, hy vọng cái quả gặt được trở nên tốt hơn. Vì thế, tùy sự tùy việc mà làm để đạt được kết quả tốt nhất cho sự việc đó, không có tính quyết định là nhất nhất đều phải thành tựu. Không đúng duyên thì trước mắt, Phu nhân cũng không điều phục, cũng không nhiếp thọ. Chỉ gieo duyên, kiếp sau tính tiếp.

Hỏi “vì sao”, là để hiểu lý do vì sao phải điều phục và nhiếp thọ các ác luật nghi. Vì điều phục được pháp ác và nhiếp thọ người quy thuận Chánh pháp thì thiện pháp được tăng trưởng. Thiện pháp tức là Chánh pháp. Chánh pháp nhiếp thọ thiện pháp. Thiện pháp còn thì Chánh pháp còn. Chánh pháp còn thì thiện pháp còn. Nên nói “điều phục và nhiếp thọ thì Chánh pháp được tồn tại lâu dài”.

Pháp thế gian là pháp duyên khởi. Pháp này luôn liên quan mật thiết đến pháp kia. “Cái này có thì cái kia có”. Pháp xấu này có thì pháp xấu kia có. “Cái này không thì cái kia không”. Chặn đứng được pháp ác này thì chặn đứng được pháp ác khác. Xì ke ma túy, thường đi liền với một số tệ nạn xã hội khác như trộm cắp, giết người v.v… Xì ke ma túy phát sinh thì các tệ nạn liên quan phát sinh. Ngăn chặn được xì ke ma tuý thì cũng ngăn chặn được các tệ nạn đó.

Nghe được pháp của Phật, đòi hỏi người ấy phải có thiện căn ít nhiều. Bồ-tát Địa Tạng, do bi nguyện rộng lớn, đã phát nguyện độ sinh ở khắp các cõi. Tuy vậy, không thể không có điều kiện, là chúng sinh đó phải có ít nhất một thiện nghiệp đối với Tam bảo. Đó là việc bắt buộc ở thế giới này, thế giới duyên khởi. Duyên ngoài dù tốt bao nhiêu, nguyện lực chư Phật dù đầy khắp pháp giới, nếu không có nhân bên trong thì quả không thể thành hình. Thời Phật còn đang chuyển pháp luân, chúng sinh tội nghiệp sâu dày không nghe được pháp, không thấy được Phật. Vì thế, điều phục và nhiếp phục chúng sinh quy thiện nghiệp là bổn phận của một vị Bồ-tát.         

Người sống thiện, không dính vào những việc xấu thì dễ gần gũi và chấp nhận giới luật cũng như những lời Phật dạy trong kinh hơn là người phạm vào các giới luật v.v… Như người không nghiện rượu, không tà dâm v.v… thì dễ dàng chấp nhận 5 giới của Phật tử tại gia hơn là một chàng bợm nhậu hay một cô nàng đang ngoại tình. Do đó việc nhận lãnh Chánh pháp của Như Lai cũng dễ dàng hơn. Nên nói “Có thể khiến cho bánh xe pháp của Như Lai thường chuyển”.

Trong phần điều phục và nhiếp thọ chúng sinh quy thiện này, công đức và lời nguyện của hành giả tu Phật là công cụ đắc lực trợ duyên cho việc nhiếp thọ chúng sinh. Công đức này bao gồm công đức có được từ sự tu tập của bản thân và công đức lợi ích cho tha nhân. Trí và bi càng lớn thì nguyện lực chuyển hóa càng có tác dụng mạnh.

Công đức “không phạm giới” có thể dùng nguyện lực “không phạm giới” chuyển hóa kẻ phạm giới.

Công đức “không sân hận” có thể dùng nguyện lực “không sân giận” chuyển hóa kẻ sân giận.

Một vị Bồ-tát không sân giận không thể đồng nghiệp với kẻ sân giận để nhiếp thọ họ. Vì thế chư Bồ-tát muốn vào thế giới sân giận độ sinh, cần nương vào hoặc sân giận, dùng nguyện lực vào thế giới đó. “Hiện làm giận dữ mà đối với chúng sinh không có ngại gì”[3]. Đó là hạnh nghiệp của chư Bồ-tát ý sinh thân. Vào thế giới chúng sinh với tính sân giận của chúng sinh. Giác ngộ và điều phục tính sân giận đó, rồi nương công đức có được, hồi hướng cho kẻ hữu duyên chuyển hóa tính sân giận như mình. Nguyện lực có tác dụng chuyển hóa ít hay nhiều, mau hay chậm còn tùy thuận vào công đức của Bồ-tát và chúng hữu duyên. Đó là lý do vì sao không có sự giống nhau trong việc dùng nguyện lực chuyển hóa chúng sinh. Tùy công đức tạo được nhiều hay ít mà tác dụng chuyển hóa thành mau hay chậm, nhiều hay ít. Nhưng đã có công đức và thành tâm hồi hướng thì nhất định là có tác dụng. 

Hoằng nguyện thứ mười

Thế Tôn! Con từ hôm nay cho đến khi chứng quả Bồ-đề, nhiếp thọ Chánh pháp chẳng để mất. Vì cớ sao? Vì để mất Chánh pháp tức là mất Đại thừa. Để mất Đại thừa tức là mất Ba-la-mật. Để mất Ba-la-mật thì buông Đại thừa. Chư Bồ-tát nào đối với pháp Đại thừa không có tâm quyết định, nhiếp thọ Chánh pháp không kiên cố thì chẳng thể kham nhận cảnh giới siêu vượt phàm phu, là tổn thất rất lớn”.

Đây là thệ nguyện cuối cùng của Phu nhân.

Nhiếp thọ Chánh pháp chẳng để mất, là thọ nhận và gìn giữ Chánh pháp không để mất.

Chánh pháp, là tất cả những gì mà chư Phật Tổ và Bồ-tát đã nói cũng như đã chứng. Phần nói là những thứ như kinh, luật, luận của Tam thừa. Phần chứng là phần thể nghiệm của bản thân về những gì đã nói đó. Chánh pháp nói đây, chỉ cho Đại thừa. Vì Đại thừa thu nhiếp hết các thừa dưới mà phần thâm nghĩa của Đại thừa chính là Phật thừa. Song kinh, luật, luận, pháp môn chỉ là phương tiện, như ngón tay chỉ mặt trăng, không phải chính mặt trăng. Chỉ có chủng nhân vô lậu mới chính là mặt trăng. Vì vậy, nói Chánh pháp hay Đại thừa là muốn nhấn mạnh đến phần thâm nghĩa của Đại thừa, là phần trực nghiệm chủng vô lậu của bản thân. Một khi trực nghiệm được phần thâm nghĩa này thì gom thâu đầy đủ. Tất cả pháp đều là Phật pháp[4].

Đại thừa là gì?

Trên văn từ định nghĩa, Đại thừa có rất nhiều nghĩa. Bồ-tát Long Thọ nói về nghĩa Đại thừa trong luận Thập nhị môn như sau: “Đối với Nhị thừa thì trên, nên gọi là Đại thừa. Hay diệt trừ các khổ của chúng sinh, cho việc lợi ích lớn, nên gọi là Đại. Chư Phật là bậc tối đại mà thừa này hay đến, nên gọi là Đại… Phần thâm nghĩa của Đại thừa chính là “không”. Nếu thông suốt nghĩa này là thông suốt Đại thừa, đầy đủ các Ba-la-mật, không có chướng ngại”. Câu cuối là câu đáng để ta ghi nhận: Thông suốt nghĩa “không” thì thông suốt “Đại thừa”, đầy đủ các Ba-la-mật. Thông suốt, nghĩa là phải tự mình trực nhận, tự mình kinh nghiệm qua. Còn chưa suốt được thì phải mượn phần văn tự sau để tạm thông về cái “không” đó.

“Không” nói đây là chỉ cho cái không của tâm mình. Những thứ cảm giác như vui, buồn, thương ghét hay những dòng suy nghĩ mình đang sở hữu đây, không phải là tâm thật của mình. Phật gọi chúng là vọng tưởng. Không, nghĩa là ly hết những thứ đó đi, nhưng không phải là trạng thái không tịch của hàng Nhị thừa (còn có một cái không tịch để nhận biết), năng và sở vẫn rõ ràng, trâu tuy đã trắng mà vẫn còn người chăn, nên cái không tâm đó chưa phải là cái “không” mà Bồ-tát Long Thọ đã nói. Cái không Bồ-tát Long Thọ nói là cái không của tự tánh. Nó là cội nguồn chân thật của tất cả pháp, vượt khỏi nhị biên phân biệt, không năng không sở, trâu không còn mà người chăn cũng mất, phản bổn hoàn nguyên. Kinh luận gọi cái không ấy là tánh không, là chân như, là chân không diệu hữu, là Phật, là Như Lai. Phần thâm sâu của Đại thừa chính là cái “không” này. Ở nhân, gọi là tánh không hay Phật tánh. Ở quả, gọi là chân không diệu hữu hay Như Lai. Chính là Phổ Quang Như Lai mà phu nhân được thọ ký trong tương lai. Nghĩa là, sau một quá trình dài vô lượng vô biên a-tăng-kỳ kiếp nhiếp thọ chúng sinh trong tâm và nhiếp thọ chúng sinh ngoài tâm, Phu nhân sẽ thâm nhập được hoàn toàn tâm chân thật của chính mình, gọi là thành tựu Phật quả.

Như vậy, lời nguyện “nhiếp thọ Chánh pháp chẳng để mất” với một dọc dài những lý luận, gom lại chỉ có một ý nghĩa duy nhất là mất Chánh pháp thì không thể thành Phật với pháp hiệu là Phổ Quang Như Lai mà Phật đã thọ ký. Vì thế, từ khi phát những lời hoằng thệ này cho đến khi thành Phật, phu nhân nhất quyết “nhiếp thọ Chánh pháp không để mất”. Không mất nhiếp thọ chúng sinh trong tâm thì trí Phật được hiển lộ. Không mất nhiếp thọ chúng sinh ngoài tâm thì bi nguyện được tròn đầy. Bi trí cả hai đều đầy đủ thì viên mãn quả Phật. Đại sư Hám Sơn nói: “Cái gọi là “Đốn ngộ tiệm tu” chỉ cho người đã ngộ một cách triệt để nhưng vẫn chưa tẩy trừ được một lần cho xong tất cả các tư tưởng tập tục trong mình. Người ấy phải cố đồng hóa cái ngộ của mình với tất cả những gì người ấy gặp phải trong các hoạt động thường nhật. Phải sử dụng thực tiễn các kiến giải của mình bằng cách hòa hợp nó với các biến cố khách quan. Hễ cứ một phần của tướng khách quan hòa hợp với ngộ, thì một phần của pháp thân được khai mở. Và cứ một phần của vọng tưởng tiêu tán thì một phần trí huệ phát hiện”. Đó là một cách nói khác của việc “Nhiếp thọ Chánh pháp”.            

Giờ nói về nghĩa “Mất Đại thừa là mất Ba-la-mật”.

Trong luận Đại thừa khởi tín, Ba-la-mật là đối tượng tu hành của hạng Giải hạnh phát tâm, là những người đã có niềm tin sâu sắc và thâm hiểu được ít nhiều về tánh Phật của mình, dù chưa thực chứng được Phật tánh là gì. Pháp tu của chư vị là “ly tướng”, tức không còn đặt nặng vào những hình tướng bên ngoài như kính Phật, cúng dường Tăng hay chỉ dừng ở mức độ tàm quý và loại bỏ các niệm ác. Các vị đã bước qua giai đoạn phá trừ sự sanh khởi của tâm. Niệm thiện hay niệm ác đều buông, để đưa tâm về chỗ vô trụ vốn sẵn của nó.

Ba-la-mật, là cứu cánh hay đến bờ kia. Pháp nào đưa người tu đến bờ giác ngộ rốt ráo gọi là pháp Ba-la-mật. Muốn được gọi là Ba-la-mật thì pháp ấy phải hội đủ 5 điều kiện: không nhiễm trước, không luyến tiếc, không tội lỗi, không phân biệt và hồi hướng chân chính. Với những điều kiện đó, nếu không nhiếp phục được chúng sinh trong tâm và không có bi nguyện sâu dày thì khó mà thực hiện được các Ba-la-mật. Vì thế nói “Nhiếp thọ Chánh pháp chẳng để mất vì để mất Chánh pháp tức là mất Đại thừa. Để mất Đại thừa tức là mất Ba-la-mật”. Không thực hiện được các hạnh Ba-la-mật, tức đã buông phương tiện tu hành và buông luôn việc “đến bờ kia”, nên nói “để mất Ba-la-mật thì buông luôn Đại thừa”.

Đối với pháp Đại thừa không có tâm quyết định, là nói đến niềm tin của mình đối với Đại thừa chưa dứt khoát. Nay Đại thừa, mai Tiểu thừa, ngày kia đi làm việc phước thiện. Nay tu pháp này, mai lựa pháp khác v.v… chẳng trụ đâu được lâu, cứ “Phất phơ như lông trong hư không”[5]. Tâm không quyết thì vui đâu gá đó. Làm việc gì cũng như sốt rét cách ngày, gặp khó liền nản, nên nói “nhiếp thọ Chánh pháp không kiên cố”.

Tu hành mà niềm tin không vững thì trên sự chẳng thể khả quan, kết quả cũng không thể có. Cảnh giới siêu việt phàm phu, là chỉ cho phần thâm nghĩa của Đại thừa. Cảnh giới phàm phu nói đây cũng chỉ luôn cho cảnh giới không tịch của Nhị thừa. Bởi phàm phu hay siêu phàm phu, nghĩa của nó tùy duyên mà lập. Trong cái duyên là chúng sinh và Nhị thừa thì chúng sinh là phàm phu, Nhị thừa là siêu phàm phu. Trong cái duyên nói đây, chúng sinh và Nhị thừa là phàm phu, Bồ-tát chứng thâm nghĩa của Đại thừa là siêu phàm phu. Trong thế giới duyên khởi, giá trị của pháp tùy duyên mà lập, không mang tính cố định, vì thế nghĩa của pháp cũng tùy duyên mà lập.

Lời phát nguyện được chứng tri

Phát mười hoằng thệ xong, phu nhân nói tiếp: “Thế Tôn! Nếu hiện tại và vị lai mà nhiếp thọ Chánh pháp thì chư Bồ-tát sẽ được đầy đủ lợi ích rộng lớn không có bờ mé. Con phát các thệ nguyện này, dù thánh chủ Thế Tôn đã chứng tri, nhưng với các chúng sinh căn lành cạn mỏng, có người sẽ khởi lưới nghi. Vì mười điều thệ nguyện này khó thành tựu nên các người đó đêm dài tập quen với pháp bất thiện, sẽ chịu nhiều khổ não. Vì muốn lợi ích hơn cho họ, nay đối trước Phật con xin chân thành phát nguyện. Bạch Thế Tôn! Con nay phát mười thệ nguyện này, nếu chân thật chẳng hư dối thì trước đại chúng đây, hoa trời sẽ rơi, âm thanh vi diệu của trời sẽ trổi”. Lời nói của phu nhân vừa dứt thì thì trên hư không mưa hoa liền rơi, âm thanh vi diệu cõi trời liền trổi với lời khen ngợi: “Lành thay, phu nhân Thắng Man! Đúng như lời bà nói, chân thật không có đổi khác”. Khi chúng hội thấy điềm lành đó, tâm không còn nghi hoặc mà rất vui mừng, đồng thanh xướng lên “Nguyện cùng phu nhân Thắng Man sinh ra chỗ nào cũng cùng chung hạnh nguyện”. Phật Thế Tôn thọ ký cho họ được như sở nguyện.  

Phu nhân phát mười thệ nguyện không chỉ vì lợi ích của bản thân mà còn vì chư Bồ-tát và các chúng sinh khác. Bồ-tát lại có đến năm mươi mấy vị, tức định lực và trí tuệ không đồng, niềm tin và nhận thức hiểu biết đã khác, huống là chúng sinh căn khí cạn mỏng? Nên cần nương một vài hiện tượng giúp niềm tin của họ phát triển. Đây cũng là việc bình thường. Vì phu nhân là người nữ, lại đang sống trong nhung lụa... Người có trí thì không bị các tướng bên ngoài làm mê mờ, nhưng người chưa có trí thì hay chấp tướng: Phải là Phật, phải là Tăng Ni mới có định lực, trí tuệ, lời nói mới chính xác. Vì thế cần vài hiện tượng xác chứng để tạo niềm tin.

Trong việc lợi ích chúng sinh, các hiện tượng này rất cần cho việc giáo hóa, nhất là vào thời mạt pháp này. Không có các hiện tượng đó thì việc giáo hóa khó thành tựu. Nó không chỉ nằm ở hình thức hoa trời rơi v.v… mà ở nhiều dạng khác nhau.

Một người bạn, việc làm ăn khá trôi chảy, nhưng tiền nợ dồn đống không lấy được. Một lần, cô hỏi tôi về việc gởi tiền cho mẹ ruột. Mẹ xin tiền và chồng bằng lòng cho món tiền ấy. Nhưng cô ngại, không muốn chuyển tiền đó cho mẹ và hỏi ý tôi. Tôi nói không nên vì chút sĩ diện mà không chuyển tiền, khi mẹ đang cần và chồng sẵn sàng cho. Cúng dường mẹ không khác cúng dường Phật, hãy tạo phước cho chồng. Sau đó cô bạn báo với tôi rằng, khi cô nhắn tin chuyển tiền cho mẹ vừa xong, liền ngay đó nhận được tin chuyển tiền trả nợ, một món tiền rất lớn. Việc đó khiến cô càng tin vào nhân quả và những gì tôi nói. Thực hư giữa việc cho và nhận ấy thế nào, mình không biết. Chỉ biết rằng hiện tượng xảy ra đó giúp lời nói mình có giá trị, giúp cô bạn tin tưởng vào việc cô vừa làm v.v… Đó là việc cần thiết trong vấn đề lợi ích tha nhân.

Cha chồng tôi là một người rất thực tế. Nói thực tế vì ông không tin vào việc phước thiện, không tin vào những thứ mà mắt thường không cảm nhận được. Như nói đến tiền bạc thì không thể do bố thí cúng dường mà được giàu sang. Phải là tích chứa, thâu gom và làm cật lực mới có tiền. Quan niệm như vậy nên ông không thích bố thí cúng dường, cũng không thích con cháu mình bố thí cúng dường. 

Anh không muốn cha vướng vào những suy nghĩ không đúng, có thể trải dài sự nghèo khó vào những kiếp sau, nên trong những buổi chuyện trò anh hay nói về phước đức, là cái quyết định rất nhiều đối với đời sống thường nhật của con người, nhờ bố thí v.v… mà mình có phước đức. Nghe thì nghe, nhưng tin thì tôi biết ông cụ không tin.

Nhân duyên đến, cây đèn lớn như một dĩa bay trên trần nhà bỗng nhiên rớt xuống. Nó rớt vào lúc mà người xích lô vừa đi ra và ông cụ chưa kịp bước tới. Câu mà ông cụ buộc miệng nói ngay lúc đó là “Không có phước thì chết rồi! Mình không chết mà thằng xích lô chết, mình cũng chết”. Nghĩa là, trong thâm tâm, ông cụ đã ít nhiều công nhận phước đức là thứ quyết định vận mệnh con người. Đó là dấu hiệu thay đổi đầu tiên cho một tư kiến, là cái nhân để có những cái quả khác trong tương lai.

Điềm lành hoa trời ở đây chính là cây đèn, rơi mà không trúng ai.  

Những loại điềm lành đó không hẳn chỉ do công đức hạnh nguyện của người nhiếp hóa mà còn có phần phước đức của người được nhiếp hóa. Thấy được điềm lành đó để tin và làm theo là do phước đức của cha chồng tôi. Không có phước báu và căn lành của chính bản thân thì ông không đủ duyên để gặp được những điều như vậy, để niềm tin hình thành mà phá đi những tư kiến không đúng.  

Nguyện cùng phu nhân Thắng Man sinh ra chỗ nào cũng cùng chung hạnh nguyện.

Cũng nguyện tất cả đều mang trong mình mười thệ nguyện của phu nhân Thắng Man.

 



[1] Giai thoại thiền – Viên Đức biên soạn.

[2] Tự điển Phật học Hán Việt – Chủ biên Kim Cương Tử.   

[3] Kinh Duy Ma Cật - Phẩm Phật đạo, HT.Huệ Hưng chú dịch.

[4] Luận Trung quán – phẩm Phá pháp. Tác giả: Bồ-tát Long Thọ.

[5] Luận Đại thừa khởi tín trực giải – Đại sư Hám Sơn.

Chia sẻ: facebooktwittergoogle
Các bài viết khác