Phu nhân Thắng Man 10 hoằng thệ và 3 đại nguyện

phu nhan



Chân Hiền Tâm

 

Phu nhân Thắng Man là con gái của vua Ba Tư Nặc và hoàng hậu Mạt Lợi.

Vua Ba Tư Nặc lên ngôi sau khi Phật thành đạo không bao lâu. Lúc đầu ông là người bạo ác bất tín. Sau được Phật giáo hóa nên kính tin Tam bảo hết mực và là vị đại ngoại hộ của Phật ở thành Xá-vệ lúc đó. Phu nhân Mạt Lợi vốn là đứa tớ gái, một hôm Đức Phật vào thành khất thực, do thấy tướng hảo của ngài mà sinh lòng kính tin, cúng dường thức ăn để cầu hết kiếp tôi đòi. Nhờ phước đức ấy, bà trở thành phu nhân của vua Ba Tư Nặc. Do hưởng được lợi ích từ Đức Phật như thế, nên lòng tin của hai vị ngày càng tăng trưởng. Hai vị cũng muốn con gái mình được vậy. Vì thế, hai vị đã sai sứ quân Chân Đà La mang thư đến cho phu nhân Thắng Man. Đó là nhân duyên giúp Thắng Man gặp Phật trong hiện kiếp.

Do đã có nhân duyên từ đời quá khứ, nên đọc thư xong, phu nhân sinh tâm vui mừng chưa từng có, bà đối trước Chân Đà La nói kệ:

Ta nghe danh Như Lai

Thế gian rất khó gặp

Lời này nếu chân thật

Phải cho ông y áo

Nếu Phật Thế Tôn kia

Lợi ích thế gian hiện

Tất vì ta thương xót

Khiến ta thấy chân tướng.

Nói vừa xong, đã thấy thân tướng không thể nghĩ bàn của Như Lai hiện trên hư không, đại quang minh chiếu khắp. Thắng Man cùng thân quyến tụ lại, chấp tay chiêm ngưỡng vái Phật và xưng tán Đức Đạo Sư. Phật nghe xong nói:

Ta xưa cầu bồ-đề

Từng khai thị cho bà

Nay bà gặp lại ta

Đời sau cũng như vậy.

Nói kệ xong, trước đại chúng Phật thọ ký cho phu nhân Thắng Man: “Bà nay xưng tán công đức thù thắng của Như Lai. Do thiện căn này, trong vô lượng a-tăng-kỳ kiếp, ở nơi loài người và trời thường được làm vua tự tại, chỗ thọ dụng đều được đầy đủ, sinh ra chỗ nào cũng được thấy ta như hiện nay đang xưng tán ta không khác. Sẽ lại cúng dường vô lượng vô số chư Phật Thế Tôn. Qua hai vạn a-tăng-kỳ kiếp, sẽ được thành Phật hiệu là Phổ Quang Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác. Cõi nước Phật đó không có các đường ác và các thứ như đau thương, già, bịnh, khổ…”. Trong lời thọ ký, chúng ta thấy có bốn điểm chính:

1/ Thành tựu Phật quả. Là lúc tự lợi và lợi tha viên mãn. Điều đó cho thấy những gì phu nhân đã phát nguyện và thực hành đều đưa đến kết quả mỹ mãn.

2/ Sinh ra chỗ nào cũng làm vua tự tại. Chánh báo tốt đẹp đưa đến y báo tốt đẹp. “Vua tự tại”, mang một phần nghĩa là vua ở thế gian (tức làm chủ một trụ xứ nào đó), còn mang thêm nghĩa tự tại số một trong trụ xứ đó. Nương vào cái nhân phu nhân đã gieo trong quá khứ và hiện tại mà Phật đã thọ ký cái quả bà nhận được sẽ như thế. Việc đó cho thấy gốc lành của bà không nhỏ.

2/ Chỗ thọ dụng đều được đầy đủ. Ý này phải được hiểu theo nghĩa tùy duyên. Tùy hoàn cảnh, tùy trú xứ mà lập bày sự đầy đủ. Đầy đủ trong nhân duyên mà bà đang an trú. Nó không mang tính cố định. Sự thọ ký đó cho ta thấy “một cái tâm luôn biết đủ” ở phu nhân Thắng Man dù trong hoàn cảnh nào.      

3/ Sinh ra chỗ nào cũng được thấy Phật như hiện đời đang thấy Phật. Thấy Phật nói đây, không chỉ với ý nghĩa thấy sắc tướng thô của Phật mà bao gồm cả việc thấy thân vô tướng của Phật. Phải với ý nghĩa đó, phu nhân Thắng Man mới có thể thấy Phật dù ở bất cứ thời kiếp nào và bất cứ ở đâu.

Như hiện đời, kinh nói bà thấy sắc tướng của Phật với đại quang minh chiếu khắp, chính là muốn nói đến thân vô tướng của Phật, cũng chính là nhận ra tánh Phật sẵn đủ trong chính mình. Hãy nghe Phu nhân nói kệ:

Diệu sắc thân Như Lai

Thế gian không gì bằng

Cũng không thể nghĩ bàn

Cho nên con kính lễ

Sắc Như Lai vô tận

Trí tuệ cũng như vậy

Tất cả pháp thường trụ

Cho nên con quy y…   

Chỉ với sắc tướng thô thì chưa đủ để xưng tán thân Phật là “diệu”, là “vô tận”, là “không thể nghĩ bàn”. Hóa thân với 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp có thể gọi là “diệu” so với thân tướng của chúng sinh, nhưng cái gọi là “không thể nghĩ bàn” thì phải vượt ngoài cái thấy thường tình của người đời. Thân đó không có bờ mé, không bị chi phối bởi không thời gian, nên nói “vô tận”.

Chỉ với hóa thân Phật thì không đủ để phu nhân Thắng Man xưng tán Như Lai theo cách như thế. Cũng không đủ để Phu nhân được Như Lai thọ ký như vậy. Càng không đủ để Phu nhân có thể giảng thuyết chỗ sâu mầu mà Như Lai đã nói. Phải là cái thân vô tướng mà tất cả chúng sinh và Phật đều đủ, thân ấy mới có thể gọi là “chân”, như Phu nhân đã cầu khẩn “Khiến ta thấy chân tướng”. Nói “chân” thì biết “không sinh cũng không diệt”. Cái chủng ấy đã hiện hành nơi phu nhân Thắng Man. Giờ nương lực hộ trì của Tam bảo cùng hạnh nguyện độ sinh mà tăng trưởng để thành tựu quả Phật trong tương lai.

Xin thương xót hộ trì

Khiến pháp chủng tăng trưởng

Cho đến thân tối hậu

Thường ở trước Như Lai

Phước nghiệp con đã tu

Hiện nay đến cuối đời

Do lực thiện căn ấy

Nguyện Phật hằng nhiếp thọ.

MƯỜI HOẰNG THỆ

Sau khi được Phật thọ ký, Phu nhân Thắng Man đối trước Phật, phát 10 hoằng thệ. Là trong quá trình hành Bồ-tát đạo, bà thề sẽ thực hiện 10 việc rộng lớn này. Nói rộng lớn, vì cần có tâm rộng lớn mới có thể phát ra lời thề đó, mới có thể thực hành lời thề đó. Các hoằng thệ này được thực hiện trong thời gian lâu xa, ba vô số a-tăng-kỳ kiếp, nên nói rộng lớn. Rộng lớn nữa, vì nó giúp thành tựu quả vị Phật.     

Hoằng thệ thứ nhất

Thế Tôn! Con từ hôm nay cho đến khi chứng quả bồ-đề, đối với các giới đã thọ không để phạm”.

Lời hoằng thệ này có hai yếu tố cần bàn. Một, là việc chứng quả. Hai, là giới đã thọ.

Nói chứng quả vì chứng nhân đã xong. Kinh Niết-bàn nói: “Phật tánh là nhân. Niết-bàn là quả”. Là muốn nói đến cái nhân Phật tánh sẵn đủ trong mỗi chúng sinh. Nhà thiền gọi chỗ chứng này là kiến tánh, là thấy lại được tánh thể mà ta và Phật đồng có. Tuy nói thấy mà thật là không có người thấy cũng không có tánh được thấy. Nhân này nếu chưa chứng được thì quả Phật còn xa vời.

Giới đã thọ, bao gồm giới của Phật tử tại gia, Phật tử xuất gia và giới Bồ-tát. Như hiện đời với thân tướng là phu nhân thì bà sẽ giữ gìn 5 giới của người tại gia. Nếu thọ thêm giới Bồ-tát thì sẽ giữ thêm giới Bồ-tát. Như 10 hoằng thệ này cũng được coi là một loại đại giới. Nó là giới của hàng Đại Bồ-tát. Một khi đã phát tâm thực hành 10 điều này thì bà sẽ giữ gìn không để phạm 10 điều này. Nếu hiện thân là Tỳ-kheo thì sẽ giữ tất cả giới mà Tỳ-kheo đã thọ.

Phần giới luật nói đây, chúng ta dễ coi thường. Dù ba pháp chính của hành giả tu thiền là giới, định, tuệ, nhưng thường thì mấy vị mới đến với Thiền, hay coi thường nó. Ngày mới tới với Thiền, tôi cũng chỉ tập trung cho vấn đề thiền định mà ít quan tâm đến mặt giới luật. Cho đến một ngày…

Đi chợ là việc hằng ngày của tôi.

Buổi sáng hôm ấy, một con ruồi đã bay vào tô hủ tiếu của con nhỏ bán thịt heo. Nó không chịu ăn, nhưng con bán hủ tiếu thì nhất quyết phải lấy lại tiền bằng được.

Nếu mình có mặt sớm một chút, tức ngay cái lúc nó đòi tiền, mình xỉa ra năm ngàn cho nó thì yên mọi bề. Xui là mình ra trễ. Chỉ kịp thấy hai con xáp vào nhau. Một con cầm dao phay. Một con cầm miếng sành bể từ việc đập tô hủ tiếu (Dù hủ tiếu chưa đòi được tiền, vẫn hào phóng đập luôn cái tô. Sân có cái hay vậy đó). Hai con xáp vào nhau. Mình chỉ kịp chui tọt vào giữa. Một tay chụp tay cầm dao phay, một tay chụp tay cầm miểng sành, miệng thì la cầu cứu: “Lên kêu ban quản lý xuống giùm coi!”.

Hai con đánh nhau bằng hai bàn tay còn lại, may là không trúng mình chút nào. Cứ thế mà đưa qua đẩy lại, mình thì kẹt ở giữa. Cho đến khi có một người nhào vô đỡ giúp. Chắc thương xót cho cảnh cô thân độc mã của mình. Không ngờ, xàng qua xàng lại, vừa lúc thuận tay, con nhỏ cầm dao phay chụp ngay đĩa cân gần đó, đánh lên đầu người mới vào. Vừa tức vừa đau bà hét: “Tao đã vào can giùm sao còn đánh tao?”. Không phải nó đánh bà. Nó đánh con kia nhưng hụt tay qua bà, nên bà có phần.

Nghe tiếng boong, tôi như người tỉnh mộng. Dội ngược! Té ra khi nãy, thấy việc quên mình. Quên mất thân mình chỉ là nữ nhi tay yếu chân mền, không có tấc võ lận lưng. Giây phút “tự nhiên” qua đi, nhường chỗ cho tâm phân biệt hiện tiền. Dội ngược rồi thì không còn gan chường mặt đó nữa. May là bảo vệ cũng vừa xuống kịp.

Nhờ cái boong đó mà tôi ngộ ra một điều: Giữ gìn giới luật nghiêm túc là việc khá quan trọng của người tu. Cũng chợt nhận ra vì sao thiện nghiệp đưa đến cái quả bất hạnh (như cứu người mà mất mạng mình)? Chỉ vì quá khứ coi thường giới sát. Sát người thì khi đủ duyên gặp lại cái quả sát mạng. Sát sinh vật thì tùy mức độ mà cảm cái quả thương tật hay chết chóc. Nhân quả ba thời trước sau so lệch, thiện nhân cứu người, duyên chưa đủ để phát huy, chỉ có thể phát quả lành trong tương lai, nên trên mặt hiện tượng mình thấy thiện nghiệp đưa đến quả dữ.  

Tóm lại, giới luật không phải chỉ cần cho việc thiền định mà còn rất cần cho Bồ-tát đạo. Không bị quả báo sát hại thì mới có thể vào trong nguy nan cứu người mà không gặp nạn. Không thì một lần đối đầu rồi rút binh lẹ. Công hạnh Bồ-tát, coi như nhụt chí. Bởi tâm có tính lưu giữ. Ghi đó, đủ duyên liền hiện. Mình chỉ thấy sợ những việc như thế mà chưa đủ lực để hiểu vì sao lại sợ. Đã sợ thì việc khó không làm. Cho nên, muốn Bồ-tát đạo viên mãn, giới cần giữ kỹ. Kỹ mà không chấp. Bởi chấp thì những gì thuộc về nghịch hạnh mình không làm được. Công hạnh độ sinh không thể viên mãn.   

Hoằng thệ thứ hai

Thế Tôn! Con từ hôm nay cho đến khi chứng quả bồ-đề, đối với các bậc Sư trưởng chẳng khởi tâm kiêu mạn”.

Kiêu mạn, là tự cao và có tâm khinh thường người khác. Thấy mình không thua người, gọi là mạn. Thấy mình hơn người, gọi là đại mạn. Kinh Đại Bửu Tích, phẩm Pháp hội Đại thừa thập pháp ghi: “Mạn là cho rằng, chỗ tôi có những nhà cửa, dòng họ chẳng kém người khác. Đại mạn là cho rằng, thân thể, dòng họ, tài sản của tôi hơn người khác. Từ đó, không có lòng kính nể đối với người khác”. Đó là tâm kiêu mạn của phàm phu. Luận Tối thượng thừa của Tổ Hoằng Nhẫn thì ghi: “Thế nào là tâm ngã sở diệt? Là có chút tâm cho ta hơn người, tự nghĩ ta hay như thế. Tâm ngã sở ấy là bệnh trong Niết-bàn…”. Nói bệnh trong Niết-bàn thì biết tâm kiêu mạn này không phải chỉ phàm phu mới có, mà là bệnh của cả kẻ tu đạo. Phàm phu kiêu mạn ở mặt gia thế, danh vọng, lợi lộc. Kẻ tu đạo kiêu mạn ở mặt trí tuệ, phước lớn, chúng đông v.v…

Kiêu mạn là bệnh mà nữ nhi thường vấp hơn nam nhi, nhưng nó là bệnh chung của thiên hạ. Chỉ là ít hay nhiều, thô hay tế. Được chút gì hơn người thì hay có tâm coi thường người khác, dù so với người khác, có những việc mình không làm được. Duy thức học xếp kiêu mạn vào chướng phiền não. Kiêu mạn phá hoại công phu thiền định, khiến tâm không bình an. Vì thế phu nhân phát tâm thề rằng: “Không khởi tâm kiêu mạn đối với các bậc Sư trưởng”.

Sao không khởi tâm với tất cả chúng sinh mà chỉ nói đến Sư trưởng? Bởi khởi tâm kiêu mạn rồi thì không còn học được gì ở chư vị nữa. Không khởi tâm kiêu mạn thì có thể học được mọi thứ ở bậc Sư trưởng. Từ việc hạp nhãn cho đến việc không hạp nhãn. Thuận nghịch đều tiếp thu được.

Một lý do nữa khiến nảy sinh việc coi thường các bậc Sư trưởng là vì chư vị được tâm thức của chúng sinh đóng khung trong những thứ như phúc đức và trí tuệ. Chính vì cái đóng khung đó mà khi có gì trái đi, chư vị dễ bị coi thường hơn thường dân. Song thế giới này làm sao không có việc xảy ra khi mọi thứ đều nằm ở thế đối đãi? Chúng sinh đa bệnh. Có người chỉ cần dùng Chánh pháp là độ được. Có người, lúc đầu phải dùng tà pháp mới độ được. Sư trưởng thì tùy duyên độ người. Không hiểu được loại phương tiện đó thì dễ khởi tâm coi thường.    

Đề Bà Đạt Đa, một kẻ gian tham và bạc ác, tìm mọi cách để gây thương tổn cho Đức Phật trong hiện đời, nhưng quá khứ lại là một đại thiện tri thức mà Phật đã theo cung dưỡng phụng thờ cả ngàn năm để nhận được pháp yếu, tương lai sẽ thành Phật hiệu là Thiên Vương Như Lai. Kinh Đại Bửu Tích, phẩm Pháp hội Đại thừa thập pháp nói: “Trong 500 đời, sinh chỗ nào Đề Bà Đạt Đa cũng là thiện tri thức nhưng thị hiện làm oan gia, hiển bày chư Bồ-tát và chư Như Lai có vô lượng công đức. Nhưng các ngu nhân đều tưởng là thật, họ cho rằng Đề Bà Đạt Đa là kẻ hại Phật. Do sự nhận định bất thiện ấy mà phải đọa trong tam đồ”. Nhận định không đúng còn đọa tam đồ huống là khởi tâm khinh mạn? Cho nên, pháp giới này rất khó nghĩ bàn. Khởi tâm coi thường hay không thì mọi thứ đều có nhân duyên của nó. Thiện hay ác, xấu hay tốt ở một vị, đều có nhân duyên của chúng sinh trong đó. Không phải mình coi thường thì nó mất đi mà không coi thường thì nó còn lại. Mọi việc xảy ra, không lệ thuộc vào việc coi thường hay không coi thường của mình. Nhưng nếu mình coi thường ai đó thì mình lại đánh mất sự bình an của chính mình. Chẳng may người đó là thị hiện của hàng Đại Bồ-tát, dùng nghịch hạnh độ sinh, giúp người tu phát triển trí tuệ và nhẫn lực, thì coi như mình lãnh đủ. Không phải là dại lắm sao? Vì thế, giới “không khởi tâm kiêu mạn” là một trong các hoằng thệ mà phu nhân Thắng Man sẽ gìn giữ không để phạm.

Hoằng thệ thứ ba

Thế Tôn! Con từ hôm nay cho đến khi chứng quả bồ-đề, đối với chúng sinh không khởi tâm oán giận”. Đối với chúng sinh là đối với những người hữu duyên với mình, dù là thuận hay nghịch. Với những vị này, không khởi tâm oán giận họ.

Người khi nào cũng biết vâng lời, kính lễ, ca tụng mình… đương nhiên không có tâm giận tức mà chỉ có sự thương yêu. Giận tức chỉ xuất hiện khi người ta làm trái ý mình. Trái ý này có nhiều dạng. Không nghe lời, hay nói linh tinh, thiếu lễ phép v.v…

Oán giận xuất hiện khi thiên hạ không chỉ gây phiền toái cho mình mà còn làm mình khổ não không ít. Khổ não kéo dài dễ sinh oán giận.

Oán giận nảy sinh vì mình không đủ trí tuệ và từ bi trong quá trình hành Bồ-tát đạo.

1/ Đứng ở mặt trí tuệ mà nói, cần phải hiểu thế giới này là thế giới Sa-bà. Sa-bà, là kham nhẫn. Phải kham nhẫn mới có thể thấy an vui ở cõi đời này. Vì thế, không thể không có việc trái ý.

Chúng sinh cần độ, là chúng sinh phước mỏng nghiệp dày. Ba nghiệp bất thiện sẽ nhiều hơn thiện. Tiếp xúc với chư vị, không thể không có trái ý. Chỉ cần bất đồng về mặt tư tưởng là “khí” đã không đồng. Cái khí không đồng này, thầy bói gọi là “khắc”, là thứ khiến mình sinh phiền não. Chưa kể những việc như nói một đường hiểu một nẻo, hiểu ý tốt thành hướng xấu v.v… đều là những duyên giúp sinh phiền não khá nhiều.

Kế là về hành vi. Một đại gia từng nói với tôi: “Có tiền tôi mang cúng chùa cho khỏe, cho người nghèo phiền não bực bội. Người thì gian tham, người thì miệng mồm không biết giữ, kẻ lại vô ơn v.v…  Đủ thứ làm mình phiền não. Cúng chùa vừa được phước lớn, vửa khỏe cái tâm”. Ừ thì khỏe. Nhưng nếu không có mấy thứ nhiễm ô đó thì chúng sinh cần gì ở Bồ-tát? Bồ-tát cũng không có cơ hội thực hiện việc lợi ích cho bản thân mình. Hiểu vậy thì bình tâm hơn với những bất như ý xảy ra với mình.

Ngay cả những chúng sinh chịu quy hướng rồi, cũng chưa hẳn đã không có những hành vi bất thiện khiến Bồ-tát phiền lòng. Bởi nghiệp tập sâu dày, không phải hiểu rồi liền dứt, mà cần có thời gian để tập nghiệp thành mòn mỏng. Hiểu vậy thì việc tái phạm liên hồi một thói quen xấu không phải là việc lạ. Bồ-tát nếu thấu hiểu được quy luật biến chuyển của tâm như thế, sẽ thấy bình thường khi phải đối diện với các trường hợp như vậy.

Một hạng chúng sinh nằm trong tầm nhắm của Bồ-tát nữa, là kẻ phước không mỏng mà trí cũng không nhiều. Chư vị này, có khi còn khó độ hơn người thiếu phước. Bởi phước dày chính là nhân duyên khiến con người trở nên kiêu mạn và cố chấp. Chư vị thường nhầm lẫn trí tuệ với phước báu. Chính vì vậy, lời nói phải chưa chắc đã có giá trị với chư vị, cho đến khi quả báo xảy ra…

Một khi đã nắm rõ được tính chất của Sở độ thì Năng độ sẽ bình tâm hơn trong mọi tiếp xúc.

Có điều, xác định được tính chất của Sở độ rồi mà tập sân của Năng độ mạnh quá, chỉ cần có duyên liền khởi, tức hiểu biết chưa đủ để kiểm soát sân giận, thì cũng khó tránh được sân giận khi đối duyên tiếp cảnh. Đây là trường hợp mà kinh luận nói: “Kiến hoặc đã trừ mà tư hoặc chưa xong”. Vì thế, hàng phục tâm sân là việc hằng ngày và tối quan trọng của Bồ-tát. Hàng phục được thì kiểm soát được khi tiếp duyên.

Một cách giúp tâm Bồ-tát không oán giận nữa, là đừng thấy mình là Năng độ, đối tượng là Sở độ. Được như kinh nói: “Năng độ sở độ tánh không tịch”[1] thì không có gì để bàn. Chưa được vậy thì cần phải có cái nhìn duyên khởi đối với các pháp. Duyên khởi, là thấy Năng độ và Sở độ không tánh. Năng độ cũng chính là Sở độ. Sở độ cũng chính là Năng độ. Bồ-tát là người khai mở trí tuệ cho chúng sinh nhưng chúng sinh cũng là người giúp Bồ-tát phát triển nhẫn lực và trí tuệ. Bồ-tát là Bồ-tát của chúng sinh. Chúng sinh là Bồ-tát của Bồ-tát.

Một lần, trong một buổi tham vấn, có người đã hỏi: “Dù tâm không khởi niệm, nhưng khi mọi thứ được nhìn thấy rõ ràng, không lẫn lộn, thì trong đầu ta cũng đã có khái niệm đây là cái bàn, kia là cái ghế, mới không lẫn lộn từ thứ này qua thứ kia. Nếu vậy thì ta đang bị “tri kiến lập tri", mà “tri kiến lập tri” tức "vô minh bổn”, sao có thể gọi đó là tâm hiện lượng?”. Tâm hiện lượng, tuy là từ của Duy thức học nhưng bất cứ người tu thiền nào cũng phải biết về nó. Vì nó là một chặng đường mà hành giả tu thiền phải trải qua. Tôi cũng từng trải nghiệm ít nhiều về cái gọi là “hiện lượng” này, nhưng mọi việc chỉ thực sự rõ ràng khi câu hỏi được đặt ra.

Câu hỏi là của một phụ nữ lớn tuổi. Ở một mặt nào đó, trí tuệ cũng như công phu của bác không thể hơn tôi. Bởi nếu bác đã trải qua ít nhiều trạng thái hiện lượng thì bác đã không đặt ra câu hỏi như vậy. Nhưng nhờ câu hỏi của bác mà tôi thông tỏ nhiều điều.

Đúng là mọi thứ được nhìn thấy rõ ràng không lẫn lộn, khi tâm ở trạng thái hiện lượng. Nhưng vẫn không bị tình trạng “tri kiến lấp tri tức vô minh bổn”. Vì dù nhận biết rõ ràng mọi thứ, vẫn không cần khởi niệm đây là cái bàn, kia là cái ghế. Như trạng thái nhìn các đồ vật chưa từng biết tên, mọi thứ vẫn được phân biệt rõ ràng, không cần phải có một tên gọi mới phân biệt được cái này với cái kia. Trạng thái hiện lượng cũng như thế. Cái khác là một bên không biết tên các sự vật, một bên biết tên các sự vật. Dù biết mà sở tri đã “ngủ yên”. Nó không làm nền tảng để chúng ta dùng đó phân biệt mọi thứ. Vì thế, tuy có tri kiến mà không lập tri. Đó là loại tri kiến tương ưng với tri kiến Phật. Rõ ràng mọi thứ, nhưng không cần phải khởi niệm mới thành rõ ràng.

Một khi đã nhận ra chúng sinh là Bồ-tát của Bồ-tát, có thể giúp Bồ-tát mở rộng trí tuệ, tăng trưởng nhẫn lực, giúp hiển phát những chủng tử ngủ ngầm trong tạng thức của Bồ-tát, giúp Bồ-tát thêm nhiều phương tiện làm lợi ích cho chúng sinh, từ việc nhỏ đến việc lớn, dù thuận duyên hay nghịch duyên… thì Bồ-tát sẽ có tâm biết ơn hơn là sân giận khi có việc trái lòng.          

2/ Đứng ở mặt từ bi mà nói, từ bi có thể xóa sân giận. Đó là nước cam lộ của Quán Thế Âm. Song từ bi này từ đâu mà có? Người xưa nói “Có trí thì có bi”. Trí đi liền với bi. Không trí thì không bi. Tức sự hiểu biết có thể giúp bi hiện hành và phát triển.

Hiểu biết có nhiều loại. Có loại chỉ dừng ở mặt học hỏi và thâu lượm kiến thức hay kinh nghiệm của người khác. Có loại do chính bản thân mình trải nghiệm về những học hỏi đó. Có loại do thấu được thực tướng của vạn pháp. Có loại do sống được với tánh thể ấy của mình. Tùy sự hiểu biết cạn sâu mà từ bi nhiều hay ít, cạn hay sâu.

Đại trí duyên khởi với đại bi, nên khi đại bi hiện tiền thì không có chúng sinh nào đáng giận. Càng không có tâm oán tức. Oán giận chỉ xảy ra khi trí tuệ vắng mặt. Niệm nào trí, bi ngay đó xuất hiện. Niệm nào si, bi ngay đó ẩn mặt.   

Trong kinh Bồ-tát thiện giới, Đức Phật dạy: “Nếu Bồ-tát phạm những điều thuộc tham, nhiều như số cát sông Hằng, chẳng gọi là hủy giới. Nếu một lần phạm sân, làm nhân duyên hủy giới, gọi là phá giới. Vì sao thế? Này Ưu Ba Ly! Tâm giận dỗi bỏ rơi chúng sinh. Tâm tham ái có thể che chở chúng sinh. Nếu yêu mến chúng sinh chẳng gọi là phiền não. Giận dỗi bỏ rơi chúng sinh, gọi là phiền não sâu nặng”. Tham ái nói đây, được đặt trong cái duyên là Bồ-tát và chúng sinh, không phải là giữa chúng sinh và chúng sinh. Cho nên, phần tham ái này đã được Bồ-tát hóa ít nhiều. Không phải là tham ái mang tính dâm ái của chúng sinh. Là do so với đại bi không dính mắc của Phật mà nói tham ái. Tham ái này giúp Bồ-tát yêu thương và che chở chúng sinh hữu duyên với mình. Nhờ tình thương đó mà Bồ-tát dám thí xả thân mạng cho chúng sinh, giúp chúng sinh thành tựu quả bồ-đề vô thượng. Sân giận mang tính ngược lại. Khi sân giận làm chủ, Bồ-tát chỉ muốn đẩy chúng sinh ra khỏi trú xứ của mình, càng xa càng tốt. Nhưng đẩy đi đâu khi duyên vẫn còn? Trốn chỗ nào khi nợ trả chưa xong? Chỉ thêm cột trói theo chiều ngược lại. Vì thế, Phật kết luận: “Bồ-tát si mê không có phương tiện hay khéo lo sợ phạm ái. Bồ-tát có trí, khéo biết phương tiện, lo sợ phạm sân, chẳng sợ phạm ái”. Bồ-tát có trí, biết ái không phải là thứ nên vướng, nhưng có thể dùng nó làm phương tiện dẫn dắt chúng sinh. Chúng sinh một khi chuyển tâm thì ái liền thành bi. Bồ-tát nếu sinh tâm sân, sẽ khởi tâm muốn xa lìa. Đánh mất công hạnh cao quý của mình. Cho nên, một trong các hoằng thệ của Phu nhân là không khởi tâm oán giận đối với chúng sinh hữu duyên với mình.   

Hoằng thệ thứ tư

Thế Tôn! Con từ hôm nay cho đến khi chứng quả bồ-đề, đối với sắc thân và những sự tốt đẹp của người, không khởi tâm ganh ghét”.

Đây nói về tính đố kỵ của con người. Nói ganh là do thấy mình không bằng người. Nói ghét, vì không ưa. Mấy tính xấu này, nữ chiêm ưu thế hơn nam. Nếu một nam nào đó sở đắc được tính khí này thì thường bị mắng là “mang tính đàn bà”. Điều đó cho thấy sự vượt trội của nữ giới trong lãnh vực này. Chắc vì vậy mà trong tiếng Hán, từ nào diễn tả các tính xấu, đa phần đều có bộ “nữ” trong đó.

Người nào mà cái “tôi” lớn thì có khuynh hướng luôn muốn nổi bật, luôn muốn trong vị trí hàng đầu. Vì thế, thứ gì hơn nó, nó có khuynh hướng không ưa. Cho nên, thường người ta chỉ sinh tâm đố kỵ khi thấy người hơn mình. Ít ai sinh tâm đố kỵ khi thấy người thua mình. Thiền sư Sessan nói: “Ta dễ cảm thông với người khác khi sự bất hạnh hay tai ương chụp xuống đầu họ, khi một người quen hứng chịu sự bất hạnh, ta ngạc nhiên làm sao khi một cảm giác sôi sục trong ta”, nhưng “Những người bạn tốt, gần đây đã trở nên xa cách vì tôn ông bên cạnh vừa xây một cửa hàng”[2]. Thói đời thường như thế.

“Sắc thân’, là muốn nói đến phần thân thể của mỗi người. “Sự tốt đẹp” là muốn nói đến dung mạo, trí tuệ, phước báu và đức hạnh nơi mỗi người. Với các thứ đó, Phu nhân hứa không sinh tâm ganh ghét. Bởi Bồ-tát hạnh, chủ yếu là để giúp tất cả, trong đó có bản thân của Bồ-tát, cùng có được đức tướng và trí tuệ của Như Lai. Nếu khởi tâm ganh ghét thì không thể thực hiện Bồ-tát hạnh, việc thực hiện cũng không được viên mãn.

Món ganh ghét này không phải dễ bỏ. Nếu chúng ta không đủ tâm từ và không nhìn đời bằng cái nhìn duyên khởi thì khó có thể thoát được sự ganh ghét này. Ganh ghét xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Thấy người hơn mình nên ganh. Vì thấy thường xuyên bị đụng chạm nên ghét. Do người mà tình cảm và vị trí dành cho mình bị mất, nên ganh ghét. Đó là vài nguyên nhân thường dẫn đến sự ganh ghét trong phạm vi Phu nhân nói đây. 

Có người kể với tôi: Một vị giảng pháp, chúng khá đông, tính hạnh được nhiều người quý mến. Tuy vậy, lại không thể bỏ tật ganh ghét với một cư sĩ. Cách đây mười mấy năm, cô vô tình nhìn thấy hành vi ấy ở vị giáo thọ. Cô nghĩ chỉ là việc bất giác nhất thời, nó sẽ chấm dứt theo thời gian tu hành và độ sinh. Nhưng không, mười mấy năm sau, cô lại vô tình nhìn thấy hành vi ấy nhiều lần nữa, với mức độ rõ hơn và thái độ làm chủ tệ hơn. Đương nhiên không phải chỉ mình cô thấy việc ấy.

Cái ghen ghét ấy, phải nói rất khó bỏ. Nếu chúng ta không ý thức để trừ bỏ thì dù thời gian bao xa cũng không hết được, chỉ ngày càng huân sâu vào tạng thức. Huân càng sâu thì khi muốn bỏ lại càng cực.

Chỉ là sắc đẹp, trí tuệ và phước đức của một người, việc ganh ghét coi vậy mà dễ khắc phục. Chỉ cần coi trọng bản thân chút thôi thì lòng ganh ghét không còn. Nhưng nếu chúng dính liền với một người, mà người này lại chiếm mất ưu thế của mình trong lòng một người khác, hoặc cứ phải gặp hoài những đụng chạm mình không thích, thì sự ganh ghét không phải dễ bỏ. Bởi nó chạm đến bản ngã của con người.

Nếu không gầy dựng được cho mình cái thấy “Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức”, không tạo được cho mình cái thấy Nhất thừa “Tất cả âm thanh ngữ ngôn của chúng sinh đều nhập pháp luân[3]”, không thể phản quan tự kỷ, cũng không đặt lý tưởng Bồ-tát hạnh lên làm đầu, thì Bồ-tát sẽ rơi vào cái gọi là “chạy theo những vụn vặt thường tình của người đời”.

Nếu biết đặt cái chung trên cái riêng, thấy được tâm có tính huân tập mạnh, cũng đủ trí tuệ để hiểu khởi tâm đố kỵ với trí tuệ và phước đức của người khác mang lại hậu quả không tốt, như Thiền sư Sessan từng nói: “Kinh nói không có tội nào ác bằng đố kỵ với trí tuệ, tánh tốt và hành động thiện của người khác[4], chúng ta sẽ ý thức hơn về hành vi của mình. Ý thức được thì làm chủ được. Dù có bực bội bao nhiêu, Bồ-tát cũng không để sự ganh ghét bộc ra ngoài một cách thô thiển như thế. Chúng sinh, bản chất của họ là phân biệt. Vì thế dù thiếu trí tuệ cỡ nào, họ cũng nhận ra những hành vi như thế của Bồ-tát. Chúng sinh thì không đủ năng lực để giữ mồm giữ miệng được lâu dài. Ảnh hưởng đến việc giáo hóa sau này không ít.  

Khởi tâm ganh ghét không chỉ làm cản trở Bồ-tát đạo mà còn phải nhận những quả báo không hay. Đề Bà Đạt Đa, việc phá Phật rành rành, nhưng khởi tâm khen chê còn đọa tam đồ, huống là Bồ-tát mà đối với chúng sinh lại để tâm ganh ghét làm chủ? Vì thế dù với bất cứ lý do nào, khởi tâm đố kỵ đều lỗi, nên không để tâm đố kỵ với phước báu và trí tuệ của người là một trong các hoằng thệ của Phu nhân.

(còn tiếp)



[1] Lấy từ câu “Năng lễ sở lễ tánh không tịch”.

[2] Bạch Ẩn thiền định ca (gồm nhiều tác phẩm và tác giả) - Hạnh Huệ và Thuần Bạch dịch.

[3] Tổ Hiền Thủ - Hoa nghiêm thám huyền ký.

[4] Bạch Ẩn thiền định ca – Hạnh Huệ và Thuần Bạch biên dịch.

Chia sẻ: facebooktwittergoogle
Các bài viết khác