Nghiên cứu bổ sung về Thiền sư Nguyên Thiều qua văn bia trên cơ sỏ đối sánh sử liệu

nghien cuu ve

 

 

 

Phan Quốc Trung

 

Thiền sư Nguyên Thiều có công lớn trong việc hoằng dương Phật giáo tại xứ Đàng Trong vào thời các chúa Nguyễn. Tên ngài không những đã được tạc vào bia đá, ghi vào sử sách cách đây mấy trăm năm mà thậm chí mấy chục năm trở lại đây, sự nghiệp và tên tuổi sư vẫn không ngừng được các học giả trong và ngoài nước tiếp tục nghiên cứu. Theo con số thống kê chưa đầy đủ của chúng tôi, ở Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan và phương Tây đã có hơn 40 bài hoặc chuyên nghiên cứu hoặc nhắc đến tên ngài với tư cách là nhân vật truyền giáo nổi tiếng; ngoài ra còn có 3 luận án tiến sỹ, 3 bộ sách công cụ và 9 bộ sách lịch sử đã dành phần rất trang trọng để giới thiệu về ngài. Chúng tôi nhận thấy tuyệt đại đa số bài nghiên cứu, giới thiệu về cuộc đời ngài đều có mẫu thức chung đó là nghiên cứu, phân tích trên thông tin của văn bia do chúa Nguyễn Phúc Chú (阮福澍) viết được khắc vào bia đá dựng năm 1729 tại chùa Quốc Ân, số còn lại căn cứ trên bộ sách Đại Nam liệt truyện tiền biên (大南列傳前編) (trở về sau gọi tắt là Đại Nam). Văn bia và Đại Nam là hai căn cứ trở thành nguyên nhân chính của sự chênh lệch thông tin về cuộc đời Tổ Nguyên Thiều. Song, theo chúng tôi thống kê, so sánh thì những năm gần đây, căn cứ mốc đã chuyển dịch từ hướng Đại Nam sang văn bia với tỉ lệ hơn 95 %, còn lại là không nghiêng về Đại Nam nhưng lại ở trong tình trạng “chờ khảo chứng”. Nhưng khi căn cứ vào văn bia, chúng tôi phát hiện văn bia hiện nay có mấy điểm chưa chính xác, cần nghiên cứu kĩ hơn; theo đó các bản dịch trước cũng có nhiều chỗ sai lạc, nhầm lẫn. Sau đây là những giả thiết mà chúng tôi đưa ra sau khi khảo cứu văn bia: 1. Văn bia hiện nay không phải bia gốc mà là bia sao, có nhiều chữ khắc nhầm dẫn đến tối nghĩa, sai nghĩa. 2. Tháp Phổ Đồng là tên gọi theo chức năng, nói đơn giản là, tháp này chính là ngôi mộ tập thể chứ không có ý nghĩa đặc biệt như tháp Phước Duyên hay tháp Điều Ngự. 3. Tổ Nguyên Thiều chỉ trùng tu chùa Quốc Ân chứ không phải tổ khai sơn. Trên cơ sở có được sau khi phân tích, chứng minh 3 điều vừa nêu, cuối cùng chúng tôi sẽ cố gắng cung cấp cho độc giả một bản dịch Việt sát với nguyên bản Hán văn hơn, đây chính là lý do mà chúng tôi giới thiệu bài viết này đến với quý độc giả vậy.

ảnh 2 dấu ấn triện tại tháp Vô Lượng của chúa Nguyễn Phúc Khoát 阮福濶 (1738-1765

1. Nhàn chương của chúa Nguyễn Phúc Khoát 4 chữ:

“đế nghiệp lưu trường”

Copy of IMG_2406.JPG

 

2. Ấn “Quốc chúa ngự bút chi bảo” (chữ Chủ, chúng tôi phiên là chúa cho thống nhất tên gọi của các chúa vào thời Nguyễn).

 

IMG_2414.JPG

(ảnh: Nguyễn Thịnh)

Về việc trùng khắc bia và nhầm chữ

Theo Việt Nam Phật giáo sử lược của Thượng tọa Mật Thể thì tấm bia hiện nay là tấm bia do Hòa thượng Liễu Nhơn chùa Từ Hiếu cho trùng khắc chứ không phải là bia gốc. Bia này chính là bia ở tháp Tổ được Hòa thượng Liễu Nhơn Từ Hiếu sao chép nguyên văn và cho khắc lại y như nguyên bản cách khắc ở bia tháp cổ. Vào năm 1914, bia còn dựng ở hàng hiên sau chùa. Trong các kỳ trùng tu v sau thì người ta mới đem ra vị trí hiện có hiện nay.” Trong quá trình sao khắc lại, có một điều chúng tôi thấy tiếc, và như TT. Mật Thể nói trùng khắc cũng đã xưa hơn 100 năm nay, chỉ tiếc là ngài không để ngày tháng trùng khắc, nên có thể tạo sự lầm lẫn cho hậu thế”. So lại với hơn 50 văn bia tại các chùa, tháp ở Huế, chúng tôi không thấy một bia nào thiếu phần lạc khoản, do vậy chúng tôi tin rằng, đây đúng là văn bia trùng khắc. Theo đó, chúng tôi tiếp tục suy luận, có thể ở bia cũ còn có cả dấu ấn triện của chúa, vì trong thời gian này, các văn bia do chúa Nguyễn Phúc Chú, Nguyễn Phúc Chu (阮福週)… ngự soạn hoặc ngự bút đều để lại ấn chương, ví dụ ấn “Quốc chúa ngự bút chi bảo”, “Đế nghiệp lưu trường” trên văn bia tháp Vô Lượng Thọ (無量壽塔) và bia Ngự chế của chúa Nguyễn Phúc Chu trên chùa Thiên Mụ. Thời gian dựng các bia này cách nhau cũng không lâu, ví dụ bia Tổ Nguyên Thiều dựng năm 1729, bia Ngự chế ở Thiên Mụ dựng năm 1715, bia tháp Vô Lượng dựng năm 1748. Bia tháp Vô Lượng không do chúa soạn còn được ngự bút và đóng hai ấn ngự triện huống gì bia do chính chúa soạn mà lại không có? Hơn nữa, ngay cả câu đối ở chùa Quốc Ân chúa Nguyễn Phúc Chu còn viết và đóng ấn, hiện nay vẫn còn lưu, từ điểm này chúng tôi cho rằng, bia cũ có ấn của chúa. Ngoài thiếu sót trong bản bia trùng khắc, chúng tôi phát hiện bia có nhiều chữ nhầm lẫn, bằng chứng là:

1. Pháp lạp của Thiền sư Hoán Bích: bia ghi là 81 pháp lạp (法臘八十/ Pháp lạp bát thập nhất) . Điểm này có lẽ nhầm giữa tuổi đời (世壽) và tuổi đạo (法臘). Theo sách Lịch truyền tổ đồ (傳祖圖) (trở về sau viết tắt là Lịch truyền), phần Thiền sư Nguyên Thiều ghi: …“viết xong kệ thị tịch, sư ngồi đoan nghiêm mà đi, pháp lạp 63 hạ, thọ 81 tuổi, dựng tháp ở Cửa Hóa.” (書罷程筆,端然坐逝。法臘六十三夏,世壽八十一歲,塔𨷯化處/ Thư bãi trình bút, đoan nhiên tọa thệ. Pháp lạp lục thập tam hạ, thế thọ bát thập nhất tuế, tháp Cửa Hóa xứ). Tuy vậy, đây vẫn là con số thiếu chính xác. Lấy 81 tuổi đời, trừ 63 tuổi hạ, nghĩa là 19 tuổi, vừa xuất gia xong đã thọ đại giới. Có thể tác giả văn bia đã tính tuổi hạ bằng tuổi của năm xuất gia! Về điểm này, sách Đại NamĐại Nam nhất thống chí (大南一統誌) đều ghi pháp lạp, 81 tuổi (法臘八十一/ pháp lạp bát thập nhất). Cả hai bộ sử này đều soạn sau bia rất lâu, có thể đã tham khảo ở văn bia nên cũng nhầm theo, còn Hàm LongLịch truyền đều thống nhất pháp lạp 63, tuổi thọ 81. (có lẽ các tả giả của Hàm Long Lịch truyền đã phát hiện lỗi này của văn bia).

2. Câu “Phân điều tích lý, đàm cập huyền vi, tải bị tiền văn, tiệt ngụy tục chân, khai tư hậu học” (xem thêm phần nguyên văn phần văn bia) trong bia Tổ Nguyên Thiều được trích trong Đại Đường Tam tạng thánh giáo tự (大唐三藏聖教序), chỉ khác ở chỗ bia Tổ có thêm bốn chữ “đàm cập huyền vi/ 談及玄微”. Trong câu trích này, phải chăng đã khắc nhầm chữ “quảng b/ 廣彼” trong nguyên văn thành “tải b/ 載備” trong văn bia. Đoạn văn này trong bia ngài Nguyên Thiều có phần tối nghĩa nếu không đặt trong hoàn cảnh tương ứng và xuất xứ của nó. Thật ra, câu này Đường Thái Tông (唐太宗) viết để ca ngợi tài năng, đức độ và sở học của Tam tạng Pháp sư Huyền Tráng (玄奘), nguyên văn:

“Có Pháp sư Huyền Tráng: bậc lãnh tụ trong cửa Phật pháp. Thiếu thời mẫn tuệ thanh khiết, sớm ngộ tâm tam không; lớn hợp thần tình, sẵn đủ hạnh tứ nhẫn. Gió tùng trăng nước, há so nét thanh tú kia; ngọc sáng sương tiên, đâu bì vẻ sáng tươi nọ. Thế nên, trí làu không vướng, sức thần xét thuở chưa phôi, vượt sáu trần mà siêu thoát, suốt thiên cổ mà chẳng ai bằng. Ngưng lòng nghĩ về nội cảnh (chỉ đất nước nhà Đường thời đó), buồn vì Chính pháp hoang tàn; trộm nghĩ cửa huyền, sợ ý kinh sâu bị sai dối (chỉ lời kinh ý sâu nhưng bị sai, lầm). Nghĩ muốn: nhành ngọn rạch ròi, mở rộng thêm những điều từng nghe; chặt dứt ngụy tà, tiếp nối lẽ chân, mở lối cho hậu học. Thế nên, tâm ngóng về tịnh thổ (chỉ nước Phật thời đó), đi về Tây vực. Nhẹ nguy nan mà cất bước, một thân một gậy lên đường…”.

(有玄奘法师者,法門之領袖也。幼懷貞敏,早悟三空之心;長契神情,先苞四忍之行。松風水月,未足比其清華;仙露明珠,詎能方其朗潤。故以,智通無累,神測未形,超六塵而迥出,隻千古而無對。凝心内境,悲正法之陵遲;栖慮玄門,慨深文之訛謬。思欲,分條析理,廣彼前闻;截僞續真,開兹後學。是以,翹心净土,往游西域;乘危遠邁,杖策孤征。Hữu Huyền Tráng pháp sư giả, pháp môn chi lĩnh tụ dã. Ấu hoài trinh mẫn, tảo ngộ tam không chi tâm; trưởng khế thần tình, tiên bao tứ nhẫn chi hạnh. Tùng phong thủy nguyệt, vị túc tỉ kì thanh hoa; Tiên lộ minh châu, cự năng phương kì lãng nhuận. Cố dĩ trí thông vô lụy, thần trắc vị hình, siêu lục trần nhi quýnh xuất, chích thiên cổ nhi vô đối. Ngưng tâm nội cảnh, bi chính pháp chi lăng trì; thế lự huyền môn, khái thâm văn chi ngoa mậu. Tư dục phân điều tích lí, quảng bỉ tiền văn; tiệt ngụy tục chân, khai tư hậu học. Thị dĩ kiều tâm tịnh thổ, vãng du Tây Vức; thừa nguy viễn mại, trượng sách cô chinh).

Đặt trong mạch văn Thánh giáo tự ta thấy rõ ý của những câu này: do buồn lo Chính pháp suy vi, kinh văn ý thâm sau nhưng bị sai dối, từ đó Huyền Tráng muốn tìm cách chỉnh lý ra ngọn ra ngành, rõ ràng đúng thứ tự. Hơn nữa, Huyền Tráng muốn được nghe rõ, nghe nhiều hơn những điều mình đã từng nghe và học (về kinh Phật) trước đây, thế nên Huyền Tráng quyết định đi Tây Trúc thỉnh kinh. Thứ nhất là thỉnh được nhiều chân kinh, thứ hai là có bằng chứng để “gạt bỏ đi những phần tà ngụy” trong ý kinh đang có tại Trung Hoa nhằm mở lối cho đàn hậu học. Điều này Đường Thái Tông đã nói rõ trong Thánh giáo tự.  

            Đặt lại đoạn văn này theo mạch văn bia Nguyên Thiều, ta thấy chúa Hiếu Ninh có ý ví vai trò ngài Nguyên Thiều tại Đàng Trong lúc bấy giờ với vai trò của Pháp sư Huyền Tráng ở đời Đường ở hai điểm: bỏ ngụy theo chân và mở đường cho hậu học. Có thể đấy là sự nói quá nhưng ít nhất, qua câu trích kia, ta thấy được phần nào lòng mến mộ của chúa Hiếu Ninh đối với sư Nguyên Thiều và đạo Phật.

            Còn vấn đề nữa, đó là việc “nhầm” hai chữ “quảng bỉ/ 廣彼” trong cụm “quảng bỉ tiền vă/ 廣彼前聞” trong nguyên văn thành “tải bị tiền vă/ 載備前聞” trong văn bia. Đành rằng việc trích dẫn nguyên câu nguyên đoạn của sách Trung Hoa trong văn học chữ Hán của nước ta đã không phải là chuyện lạ, cố nhiên trong khi trích dẫn sẽ do nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan dẫn đến trích không đúng nguyên văn. Ở đây ta đặt ra các giả thiết: 1. Do bia khắc lại nên nhầm chữ. 2. Do soạn giả cố ý thay đổi cho phù hợp với hoàn cảnh đang dùng.

            Nếu do soạn giả cố ý thay đổi thì nghĩa câu này là gì? Ta có thể dịch “tải bị tiền văn” thành “ghi ra hết những điều đã nghe trước đây”. Vậy thì “những điều đã nghe trước đây” của ngài Nguyên Thiều là gì? Nếu là Phật học thì chắc hẳn trong 13 năm tu học ở quê nhà vẫn chưa đủ! Điểm này cho thấy giả thiết thứ hai không ổn. Qua đây, chúng tôi kết luận rằng, hai chữ này rơi vào giả thiết 1.      

 

Về vấn đề tháp Phổ Đồng

Theo Vô Trước Đạo Trung (無著道忠 1653-1744), học giả, thiền sư người Nhật Bản giải thích tháp Phổ Đồng “phàm chôn cất xương cốt Tăng sĩ đã mất vào trong một tháp thì gọi là tháp Phổ Đồng” (凡藏亡僧,骨植同歸於一塔, 故云普同塔/ Phàm tàng vong tăng, cốt thực đồng quy ư nhất tháp, cố vân Phổ Đồng tháp). Gần đây, trong bài nghiên cứu về tháp Phổ Đồng trong Phật giáo Hán truyền (漢傳佛教普同塔研究, Tạp chí Nghiên cứu tôn giáo học Trung Quốc) của học giả Vương Đại Vỹ (王大伟) cho rằng việc dựng tháp Phổ Đồng vì mục đích chôn cất hài cốt chung của các vị Tăng bình thường không đủ tư cách làm tháp. Theo Thích thị yếu lãm (释氏要览), quyển 3, thì những vị chứng quả vị nào trong tứ quả Thanh văn thì được dựng tháp bấy nhiêu tầng tương ứng. Phật Độc Giác dựng tháp 11 tầng, ý nói chưa thoát khỏi chi phần Vô minh trong mười hai nhân duyên. Phật được dựng tháp 13 tầng, ý nói đã siêu xuất sinh tử. Tăng sỹ bình thường nhưng có đức hạnh thì được tháp không có cấp nào (tức mộ bình thường). Theo Vương Chí Vỹ thì tháp Phổ Đồng chính là “mộ tập thể” của các tu sĩ bình thường.

Trở về tháp Phổ Đồng ở Quốc Ân. Theo Đại Nam nhất thống chí thì tháp Phổ Đồng được xây dựng trước khi xây dựng chùa Quốc Ân. Bình thường, phải xây chùa xong và có sư trong chùa mất mới xây tháp, song ở đây việc này bị đảo lộn. Điều này chúng ta có thể suy đoán: 1. Tháp này xây để chôn cất hài cốt gặp phải khi đào móng để xây chùa Quốc Ân. 2. Có thể xương cốt trong tháp là của hàng Tăng sĩ. 3. Chùa Quốc Ân có thể được xây cất trên nền chùa, miếu cũ.

Vương Chí Vỹ cho rằng, tháp Phổ Đồng bắt đầu vào thời Tống, hưng thịnh vào thời Minh, Thanh.  Đại sư Nguyên Thiều sang Việt vào quãng đầu nhà Thanh, vào lúc đó, tục dựng tháp Phổ Đồng trong các tự viện ở Trung Quốc đang vào giai đoạn hưng thịnh. Nên khi qua Việt Nam trác tích ở phủ Quy Ninh, ngài đã khai sơn chùa Di Đà, vì khuôn viên chùa có mười cái tháp người Chăm nên đặt là chùa Thập Tháp Di Đà. Sở dĩ gọi là thập tháp vì đã biết rõ có mười tháp; còn khi khai sơn dựng chùa Quốc Ân gặp nhiều hài cốt nên dựng tháp thờ chung theo công thức sẵn có từ Trung Quốc, do vậy đặt tên là tháp Phổ Đồng. Theo suy luận này, Phổ Đồng là tên gọi theo chức năng của tháp chứ không phải là một tên có ý nghĩa đặc biệt nào đó như tháp Phước Duyên, tháp Điều Ngự chẳng hạn.

Về việc chùa Quốc Ân do tổ trùng tu

Như vấn đề vừa trình bày trên đây, tức việc đảo lộn thời gian: xây tháp trước khi xây chùa mà sách Đại Nam đã nói, chúng tôi cũng đã suy ra ba vấn đề vừa nêu trên. Ở đây, chúng tôi muốn chứng minh điều đó là đúng trên cơ sở phân tích từ ngữ được dùng trong văn bia.

Theo kết quả kiểm tra từ ngữ chỉ việc “khai sơn” (開山) ở vùng Thừa Thiên Huế qua hơn 70 văn bia và hơn 300 biển ngạch ghi vắn tắt tên chùa, thời gian xây dựng…  sưu tập được, chúng tôi thấy từ thường dùng có nghĩa tương đương với từ “khai sơn” như: Sáng kiến (創建), khai kiến (開建), trác tích (卓錫), chấn tích (振錫)… Các từ này có tỉ lệ trùng lặp khá lớn, nhưng riêng từ “sùng tạo” (崇造) chỉ xuất hiện trong văn bia Hoán Bích Thiền sư.

Vậy “sùng tạo” nghĩa là gì?

Hai chữ “sùng tạo” không tìm thấy trong bất kỳ sách công cụ nào hiện nay của Trung Quốc, kể cả từ điển tiếng lóng, từ địa phương. Nếu dùng bộ gõ thông minh hiện đại (bộ gõ sưu cẩu, bộ gõ bách độ, bộ gõ thủ tâm…) gõ liền mạch hai chữ này, thanh công cụ không hiển thị sự kết nối giữa hai chữ, nếu ta chọn chữ, thanh công cụ sẽ hiển thị thông báo “từ này không có trong kho từ vựng, cám ơn bạn đã giúp chúng tôi hoàn thiện kho từ vựng”. Tại sao vậy? Vì cơ bản đây không phải là từ, nó là cụm từ được ghép lâm thời phục vụ cho việc diễn đạt và mục đích sử dụng, dùng xong chúng lại “tan rã”, do vậy nó không phải từ mà là cụm từ (còn gọi là từ tổ, đoản ngữ). Tra từng từ tách biệt, theo Từ điển Khang Hy (康熙字典), “sùng” có hơn 10 nét nghĩa. Nghĩa thứ nhất “sùng” nghĩa là “cao”; nghĩa thứ hai giải thích rằng: (theo sách) Nhĩ nhã, phần Thích cổ: “sùng tức là trùng vậy” (Nhĩ nhã – thích cổ: sùng, trùng dã/ 爾雅釋詁: 崇,重也). Vậy, rõ ràng, sùng tạo tức trùng tạo; trùng tạo tức tạo lại, xây lại; xây lại tức xây trên cái đã có sẵn. Hai từ này đứng gần nhau theo công thức trạng trung (tức cụm từ theo quan hệ ngữ pháp: trạng ngữ và trung tâm ngữ/ 狀中短語). Trong đó, “sùng” là trạng ngữ chỉ trạng thái, cách thức, thời gian… mà phần trung tâm ngữ “tạo” ở sau nó đã diễn ra, dịch nghĩa là “tạo lại; dựng lại; xây lại; trùng tu...” Việc xây chùa trên (nền có sẵn hoặc chùa có sẵn nhưng cũ nát) sao lại gọi là khai sơn được? Trong mắt một vị Tổ, việc kiến lập Tam bảo, hoằng dương Đại thừa mới quan trọng chứ việc khai sơn hay trùng tu đâu đáng phải bận tâm! Chứng minh việc trùng tu chùa qua cách dùng từ đồng thời chứng minh luôn cả suy đoán của chúng tôi trên đây là không sai vậy.

Văn bia tháp Thiền sư Hoán Bích hiện là sử liệu đầy đủ và đáng tin cậy nhất, là tiền đề để nghiên cứu cuộc đời và sự nghiệp ngài sâu rộng hơn về nhiều các bình diện khác, nếu không nghiên cứu, phân tích và chứng minh rõ những thông tin trong bia sẽ dẫn đến những sai lầm đáng tiếc. Sau đây xin giới thiệu với quý độc giả phần nguyên văn chữ Hán và bản dịch, chú trên những điều mà chúng tôi vừa giới thiệu. 

大越國王

敕賜河中寺煥碧禪師塔記鉻

余恭應天命,臨於兆姓,鸂鳴而起,孜孜不忘為善之道也。越觀自開國以來,立寺建庵,延僧供佛,分條析理行方便,圖使畿內天下盛起,全自頓拋憑念,庶幾生順死安,漸近化城境界。

比有煥碧禪師,於丁已年,從中花來,初鍚歸寧府,創建十塔彌陀寺,分條析理開像教。再回富春山,崇造國恩寺并普同塔。至聖考前朝,又命禪師回分條析理東延請長壽石老和上并諸佛像及法器,來往完成頗多功績。自此奉旨住持河中寺,回光自照,分條析理,談及玄微,載備前聞,截儰續真,開茲後學,受具戒徒眾人等。

禪師原藉分條析理東,潮州府,程鄉縣,謝氏子。生于戊子年,五月,十八日,戍牌,十九辭親出家,投入於報資寺曠圓和上,法名元韶,字煥碧。自航來余境,計五十年矣。至戊申年,得病于十月,十九日,召集四眾人等,談及玄機,囑留秘語,臨期援筆說偈,偈曰:

                                    寂寂鏡無影

                                    明明珠不容

                                    堂堂物非物

                                    寥寥空勿空

書罷端然正寂。法臘八十一,戚受宰官、門徒眾等造塔𨷯化處。其門徒眾等跪請記、銘;余諡曰:行端禪師。余欲萬世人人仰慕善道,證如來無上之果,共享太平之福無窮。因為之記而銘焉,銘

                                    優優船若                                堂堂梵室

                                    水月優遊                                戒持戰慄

                                    湛寂狐堅                                卓立可必

                                    視身本空                                弘教利物

                                    遍處慈雲                                普照慧日

                                    瞻之嚴之                                泰山屹屹

 

保泰拾年四月初八日頒奉立

Phiên âm:

Sắc tứ Hà Trung tự Hoán Bích
Thiền sư tháp ký minh

Dư cung ứng thiên mệnh, lâm vu triệu tính, kê minh nhi khởi, tư tư bất vong vi thiện chi đạo dã. Việt quán tự khai quốc lai, lập tự kiến am, diên tăng cúng Phật, quảng hành phương tiện, đồ sử kỳ nội thiên hạ thịnh khởi, toàn tự đốn phao bằng niệm, thứ cơ sinh thuận tử an, tiệm cận hoá thành cảnh giới.

Tỷ hữu Hoán Bích Thiền sư, vu Đinh Tỵ niên, tòng Trung Hoa lai, sơ tích Quy Ninh phủ, sùng tạo Thập Tháp Di Đà tự, quảng khai Tượng giáo. Tái hồi Thuận Hoá Phú Xuân sơn, sùng tạo Quốc Ân tự tịnh Phổ Đồng tháp. Chí thánh khảo tiền triều hựu mệnh thiền sư hồi Quảng Đông, diên thỉnh Trường Thọ Thạch Lão hoà thượng tịnh chư Phật tượng cập pháp khí. Lai vãng hoàn thành phả đa công tích. Tự thử phụng chỉ chú trì Hà Trung tự, hồi quang tự chiếu, phân điều tích lý, đàm cập huyền vi, tải bị tiên văn, tiệt nguỵ tục chân, khai tư hậu học, thọ cụ giới đồ chúng nhân đẳng.

Thiền sư nguyên tịch Quảng Đông, Triều Châu phủ, Trình Hương huyện, Tạ thị tử. Sinh vu Mậu Tý niên ngũ nguyệt, ngũ thập bát nhật Tuất bài. Thập cửu từ thân xuất gia, đầu nhập ư Báo Tư tự Khoáng Viên hoà thượng, pháp danh Nguyên Thiều tự Hoán Bích. Lịch tự hàng lai dư cảnh, kế ngũ thập niên hỹ. Chí Mậu thân niên đắc bệnh, vu thập nguyệt, thập cửu nhật, triệu tập tứ chúng nhân đẳng, đàm cập huyền cơ, chúc lưu bí ngữ, lâm kỳ viện bút thuyết kệ.

Kệ viết:

Tịch tịch kính vô ảnh

Minh minh chu bất dung,

Đường đường vật phi vật

Liêu liêu không vật không.

Thư bãi, đoan nhiên chính tịch. Pháp lạp bát thập nhất, thích thụ tể quan, môn đồ chúng đẳng tạo tháp Cửa Hoá xứ. Kỳ môn đồ chúng đẳng quỵ thỉnh ký minh, dư thuỵ viết:  “Hạnh Đoan Thiền sư”. Dư diệc dục vạn thế nhân nhân ngưỡng mộ thiện đạo, chứng Như Lai vô thượng chi quả, cộng hưởng thái bình chi phúc vô cùng. Nhân vị chi ký nhi minh yên.

Minh viết:

Ưu ưu Bát nhã;

Đường đường phạm thất.

Thuỷ nguyệt ưu du,

Giới trì chiến lật.

Trạm tịch cô kiên,

Trác lập khả tất.

Thị thân bản không,

Hoằng giáo lợi vật.

Biến xứ từ vân;

Phổ chiếu tuệ nhật.

Chiêm chi nghiêm chi,

Thái sơn ngật ngật.

Bảo Thái thập niên tứ nguyệt sơ bát nhật ban phụng lập.

Dịch nghĩa:

Bài ký và bài minh ở tháp
Thiền sư Hoán Bích chùa Sắc tứ Hà Trung
(1)

Ta(2) cung kính ứng theo mệnh trời(3) đến với trăm họ, gà gáy đã dậy, canh cánh không quên cái đạo làm thiện(4). Xét từ thuở khai quốc đến nay, dựng chùa, lập am, thỉnh Tăng, cúng Phật, rộng thi phương tiện, với mưu cầu: thiên hạ chốn kinh kỳ hưng thịnh(5); người người tự buông tất cả để nương vào niệm lực, ngõ hầu sinh thuận tử yên, tiến dần về cảnh giới Hóa thành vậy!(6).

Gần đây(7) có Thiền sư Hoán Bích, vào năm Đinh tị(8), ngài từ Trung Hoa đến, ban đầu trác tích(9) tại phủ Quy Ninh(10), dựng chùa Thập Tháp Di Đà(11), rộng mở tượng giáo(12). Kế đến ngài về núi Phú Xuân(13) trùng tu chùa Quốc Ân(14) và dựng tháp Phổ Đồng(15). Đến thời đức thánh khảo(16) ta trong triều trước, sư vâng mệnh trở về Quảng Đông thỉnh Hòa thượng Trường Thọ Thạch Lão(17) cùng tượng Phật, pháp khí(18) về. Chuyến đi xuôi thuận, lập được nhiều công tích. Từ đó, vâng chỉ trú trì chùa Hà Trung. Từ đây, hồi quang tự chiếu, phân ngọn chia ngành, đàm lẽ huyền vi, chép hết những điều đã nghe trước đây, bỏ giả theo thật nhằm mở lối hậu học(19) và những vị thụ đại giới cũng như đồ chúng.

Thiền sư sinh vào giờ Tuất, ngày 18 tháng 5 năm Mậu Tý(20),  con nhà họ Tạ, nguyên quán ở huyện Trình Hương, phủ Triều Châu tỉnh Quảng Đông(21). 19 tuổi từ thân xuất gia lễ Hòa thượng Khoáng Viên(22) chùa Báo Tư làm thầy(23), Pháp danh Nguyên Thiều, tự Hoán Bích. Kể từ ngày sư theo thuyền đến đây tính đã 50 năm. Năm Mậu Thân(24) nhuốm bệnh, đến ngày 19 tháng 10, ngài bèn triệu tập môn đồ tứ chúng, luận then nhiệm mầu, di chúc mật ngữ, lúc sắp ra đi, cầm bút viết kệ. Kệ rằng:

Lặng lặng gương không bóng

Lồng lộng ngọc không hình

Rành rành vật chẳng vật

Mênh mông không chẳng không.

Viết xong, sư đoan nhiên thị tịch, trải 81 hạ lạp(26). Quan lại và môn đồ dựng tháp ở xứ cửa Hóa. Đồ chúng và mọi người quỳ thỉnh cầu ta ban ký và minh. Ta bèn ban Thụy hiệu: “Hạnh Đoan Thiền sư”. Muốn rằng tất cả mọi người, đời đời ngưỡng mộ đạo lành, chứng quả Vô thượng của Như Lai, hưởng phúc thái bình vô lượng, nhân đó làm bài ký cùng tiếp bài minh. Minh rằng:

Bát-nhã ung dung;

Phạm thất đường đường

Trăng nước ưu nhàn,

Trì giới ma phục.

Thanh lắng kiên cường,

Uy nghiêm vời vợi.

Xem thân vốn không,

Hoằng giáo lợi vật.

Mây lành giăng khắp;

Trời tuệ rộng soi.

Chiêm ngưỡng uy nghiêm,

Thái sơn cao ngất.

Kính lập bia theo lệnh chúa ban vào ngày mồng 8 tháng 4 năm Bảo Thái(27) thứ 10.

 

Chú thích:

1. Chùa Hà Trung ở xã Hà Trung, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế, hiện nay vẫn còn.

2. Ta ở đây chỉ chúa chúa Nguyễn Phúc Chú (阮福澍) tức Túc Tông Hiếu Ninh Hoàng Đế(肅宗孝寧皇帝), tại vị 1725 – 1738.

3. Cung kính vâng theo mệnh trời, cách nói theo quan điểm tâm linh, rằng: quyền uy thế lực của vua do trời, thần linh chỉ định, sắp đặt (quân quyền thần thụ/ 君權神授). Đây là câu thường dùng của các bậc vua chúa.

4. Gà gáy đã dậy, canh cánh không quên đạo làm thiện. Sách Mạnh Tử - Tận Tâm thượng (孟子 - 心上) có câu: “Gà gáy đã dậy, chăm chăm làm thiện, người của (vua) Thuấn; gà gáy đã dậy, chăm chăm làm lợi, người của [đạo] Chích” (雞鳴而起,孳孳善者,之徒也;雞鳴而起,孳孳利者,蹠之徒也。).

5. Dân chốn kinh kỳ: dịch từ “kỳ nội thiên hạ”.

6. Hóa thành, thành huyễn hóa không thật, hình ảnh lấy trong phẩm Hóa thành dụ, kinh Pháp hoa, vốn chỉ trạng thái Niết-bàn của Tiểu thừa. Song theo mạch ý văn, ở đây chỉ cảnh thanh bình của dân chúng trong môi trường Phật giáo ở kinh đô.

7. Tỉ hữu Hoán Bích Thiền sư: tham khảo các bản dịch trước như của Thượng tọa Mật Thể trong Việt Nam Phật giáo sử lược…, chúng tôi thấy đều dịch là “Ví như Thiền sư Hoán Bích”. Điểm này xét về logic, thì ý văn không khớp và không phải là ví dụ minh chứng cho tiền đề đã nêu trong văn, đồng thời không khớp với mạch ý văn các câu tiếp theo. Vì đoạn văn phía trên nói về việc “chúa là chân thiên tử” do đó có những việc làm như “thỉnh Tăng, cúng Phật…” với mục đích cầu cho thiên hạ thái bình. Nếu chúa muốn nêu ví dụ cụ thể thì nói ví dụ như “ta” hoặc “phụ hoàng ta”… đã làm những việc như thế như thế… Nếu kết hợp với các câu sau, càng chứng tỏ điều này. Tức không phải ví như có Thiền sư Hoán Bích từ Trung Hoa sang được. Từ tính logic này, chúng tôi thấy dịch “ví như Thiền sư Hoán Bích” là không hợp lý.

Vậy theo chúng tôi, chữ “tỉ hữu” nghĩa là “gần đây có”.

8. Năm Đinh Tỵ, tức năm 1677 Tây lịch. Bấy giờ ngài Nguyên Thiều 30 tuổi. Việt Nam Phật giáo sử lược của Thượng tọa Mật Thể, Việt Nam Phật giáo sử luận của Nguyễn Lang đều cho rằng ngài sang năm 1665, nhưng năm đấy là năm Ất Tỵ, không phải Đinh Tỵ. Tuy nhiên, cũng trong sách đó, phần dịch văn bia thì TT. Mật Thể cho rằng ngài Nguyên Thiều qua năm Định Tỵ và chú thích đó là năm 1665. Về điểm này, hai sách vừa nêu đã nhầm hoặc lệch chuẩn căn cứ. Ở đây chúng tôi dựa theo văn bia làm chuẩn.

9. Trác tích, nguyên văn chữ “tích” chỉ một loại kim loại tức thiếc, ký hiệu hóa học Sn. Ở đây chỉ tích trượng, tức chiếc gậy ở đầu có gắn vòng bằng thiếc của các vị sư dùng khi đi lại. Vốn một trong ba vật bất ly thân theo giới quy định của người xuất gia. Sau người ta chỉ sư đi xa là “du tích”, dừng ở lại lâu dài là “trác tích”… Trường hợp này, “tích” được hiểu là trác tích.

10. Phủ Quy Ninh tức vùng Quy Nhơn, Bình Định hiện nay.

11. Thập Tháp Di Đà, tên một ngôi chùa ở Bình Định.

12. Tượng giáo, chỉ Phật giáo. Sau khi Đức Thích Ca nhập diệt, các đệ tử dùng gỗ, đất, đá… đẽo thành tượng Phật hoặc vẽ hình Đức Phật lên các vật liệu khác nhau để thờ nên gọi là tượng giáo. Cũng có thuyết cho rằng, Phật giáo dùng nhiều biểu tượng, hình tượng hoặc ví dụ mang tính hình tượng để gợi mở, dẫn dắt, giáo hóa con người nên gọi là tượng giáo.

13. Núi Phú Xuân, chỉ vùng gò đồi phía phải Nam Giao từ dốc Bến Ngự lên.

14. Quốc Ân: tức chùa Quốc Ân do Tổ Nguyên Thiều Hoán Bích khai sơn.

15. Tháp Phổ Đồng: (đã nói ở trên).

16. Thánh khảo, chỉ Hiếu Minh Hoàng Đế Nguyễn Phúc Chu, tức phụ vương của của chúa Nguyễn Phúc Chú. “Khảo”, từ trang trọng để chỉ phụ thân đã mất. Thánh khảo là cách tôn xưng được dùng cho vua chúa. Điều này ta còn thấy qua văn bia Minh Mạng ở chùa Túy Vân – Huế.

17. Trường Thọ Thạch Lão (1633 - 1702), ngài họ Từ , tên Thạch Liêm 石濂, sau khi xuất gia lấy hiệu Đại Sán(大汕). Người được nhắc với tên Thích Đại Sán(释大汕) hiệu Hán Ông (厂翁). Ngoài ra còn có nhiều tên hiệu khác như Thạch Liên (石莲), Thạch Hồ (石湖), Thạch Bồng (石蓬), Thạch Đầu Đà(石头陀). Thể theo lời mời của Nguyễn Phúc Chu, ngài đến Việt Nam năm Khang Hy thứ 35 tức năm 1695.

18. Pháp khí, chỉ con người Phật giáo tức trỏ những vị cao tăng, cũng chỉ những khí cụ để hoằng truyền chính pháp như chuông, mõ, phan, lọng… Trường hợp này chỉ cả hai.

19. Chia chẻ lý mầu, đàm lẽ huyền vi, ghi chép hết những điều đã nghe trước đây, bỏ dối theo thật, mở lối hậu học. Câu này được soạn giả trích dẫn theo văn bia Đại Đường thánh giáo tự (大唐三藏圣教序) do Đường Thái Tông Lý Thế Dân (唐太宗李世民 598-649) soạn.

20. Mậu Tý: chỉ năm sinh của Nguyên Thiều, tức năm 1648.

21. Huyện Trình Hương, phủ Triều Châu tỉnh Quảng Đông. Trình Hương nay là huyện Mai (Mai huyệ/ 梅縣), phố Mai Châu (梅州市) tỉnh Quảng Đông (東省).

22. Khoáng Viên: Pháp danh Bản Quả 本果, tự Khoáng Viên thuộc tiếp nối đời thứ 32 (căn cứ theo Lịch truyền Tổ đồ) của phái thiền Lâm Tế, là học trò của Quốc sư Đạo Mân Hoằng Giác (道忞弘覺).

23. Chùa Báo Tư, ở Ngũ Dương thành tức Quảng Châu. Ngôi chùa mà thái tử cuối cùng của nhà Minh - Chu Từ Lãng (朱慈烺) ở và tu tập đến cuối đời, lấy hiệu Hoắc Sơn Hòa thượng(奯山和尚).

24. Mậu Thân: tức năm 1728.

25. Trải 81 hạ lạp, có sự nhầm lẫn giữa tuổi đời và tuổi hạ.

26. Bảo Thái: niên hiệu thứ hai (1720 -1729) của vua Lê Dụ Tông. Vậy năm thứ 10 niên hiệu Bảo Thái tức năm 1729.

27. Thông thường đều đọc là Lịch truyện tổ đồ, nhưng chúng tôi nhận thấy đây là sách chú trọng về sự truyền thừa hơn là hành trạng của chư Tổ. Lịch truyền tức truyền thừa trải qua từ đời này sang đời khác, do vậy chúng tôi đọc là Lịch truyền.

Tài liệu tham khảo chính:

1. Đại Nam nhất thống chí (bản chữ Hán).

2. Đại Nam liệt truyện tiền biên (bản chữ Hán).

3. Hàm Long sơn chí (bản chữ Hán).

4. Lịch truyền tổ đồ (bản chữ Hán).

5. Thích Mật Thể, Việt Nam Phật giáo sử lược, NXB.Minh Đức, Huế, 1960.

6. Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, NXB.Văn Học Hà Nội, 1979

7. Hà Xuân Liêm, Thích Hải Ấn, Lịch sử Phật giáo xứ Huế, NXB.Văn Hóa Sài Gòn, 2006.

8. Thích Thanh Quyết, Việt Nam Thiền tông sử luận/ 越南禅宗史论 (Luận án tiến sỹ)

9. Nghiên cứu quá trình di cư sang Việt Nam của Nguyên Thiều – vị thiền sư gốc Quảng Đông sống vào quãng đầu nhà Thanh, Tạp chí Nguyên cứu lịch sử Hoa kiều, tháng số 02 tháng 06-2007 (nguyên văn:  清初廣东籍侨僧元韶禅师之移居越南及相关问题研究).

10. Lam Cát Phú (chủ biên), Thiền tông toàn thư, cuốn 96 – 97, Bắc Kinh đồ thư quán xuất bản xã, 2004.

12. Vương Đại Vĩ, Nghiên cứu về tháp Phổ Đồng trong Phật giáo Hán truyền, Tạp chí Nghiên cứu tôn giáo học kỳ 04 – 2012 (nguyên văn:  传佛   -- 王大伟 --      --  2012年第).

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle
Các bài viết khác