Về một số bài thi tụng nơi sách Cảnh đức Truyền Đăng lục

ve mot so


ĐÀO NGUYÊN

 

Tác phẩm Cảnh Đức truyền đăng lục do Thiền sư Đạo Nguyên (Thế kỷ X-XI TL) biên soạn gồm 30 quyển, hoàn thành vào năm Cảnh Đức thứ 1 (1004 TL) đời vua Tống Chân Tông nhà Triệu Tống (960-1276), và được nhập Tạng (ĐTK/ĐCTT, tập 51, No 2076, 30 quyển). Đây là bộ Thiền sử bề thế, hoàn chỉnh, xuất hiện rất sớm của Phật giáo Trung Quốc còn truyền đến ngày nay. Nội dung là ghi chép về tiểu sử, hành trạng của bảy Đức Phật thuộc hiền kiếp, 27 vị Tổ Tây Thiên, 6 Tổ Đông Độ cùng hành trạng, ngữ cú, cơ duyên nơi Ngũ gia thất phái, bao quát 52 thế hệ gồm 1.661 vị Thiền sư. Điều đáng chú ý là tác giả Đạo Nguyên đã dành trọn 2 quyển sau cùng (quyển 29, 30) để ghi chép về kệ, tụng, thi, tán, minh, ký, châm, ca của một số vị Thiền sư tiêu biểu, hàm chứa nhiều giá trị về Thiền học, Văn học có ảnh hưởng đáng kể đối với nhiều thế hệ Thiền sư tiếp sau.

Ở đây, căn cứ theo bản Việt dịch của Lý Việt Dũng(1), chúng tôi xin nêu dẫn một số bài thi, tụng, tán… nơi quyển 29 cùng ghi nhận về những liên hệ của chúng.

A- Hai bài tán, tụng của Hòa thượng Chí Công:

* Hòa thượng Chí Công (418-514): Là bậc Cao tăng thạc đức của Phật giáo Trung Hoa thời Nam triều: Nhà Lưu Tống (420-478) – nhà Lương (502-557), còn gọi là Bảo Chí, đời xưng là Bảo Công, Hòa thượng Chí Công, họ Chu, người Kim Thành (Nam Trịnh, Thiểm Tây; hoặc Cú Dung, Giang Tô). Tác phẩm có: Thập tứ khoa tụng: 14 bài. Thập nhị thời tụng: 12 bài, Đại thừa tán: 10 bài. Đều được bảo lưu nơi sách Cảnh Đức truyền đăng lục, quyển 29(2).

* Hai bài tán, tụng…:

1- Bài tán về Đại thừa, bài 2:

Vọng thân lâm kính chiếu hình

Hình dữ vọng thân bất thù

Đãn dục khứ ảnh lưu hình

Bất tri thân bản đồng hư

Thân bản dữ ảnh bất dị

Bất đắc nhất hữu nhất vô

Nhược dục tồn nhất xả nhất

Vĩnh dữ chân lý tương sơ

Cánh nhược ái Thánh tắng phàm

Sanh tử hải lý trầm phù

Phiền não nhân tâm hữu cố

Vô tâm phiền não hà cư

Bất lao phân biệt thủ tướng

Tự nhiên đắc đạo tu du

Mộng thời mộng trung tạo tác

Giác thời giác cảnh đô vô

Phiên tư giác thời dữ mộng

Điên đảo nhị kiến bất thù

Cải mê thủ giác cầu lợi

Hà dị phiến mại thương đồ

Động tĩnh lưỡng vong thường tịch

Tự nhiên khế hợp chân như

Nhược ngôn chúng sanh dị Phật

Điều điều dữ Phật thường sơ

Phật dữ chúng sanh bất nhị

Tự nhiên cứu cánh vô dư.

Dịch:

Thân giả soi gương chiếu ảnh

Ảnh cùng thân giả chẳng khác

Nhưng muốn bỏ ảnh giữ thân

Chẳng hiểu thân vốn cũng không

Thân vốn cùng ảnh không khác

Chẳng thể một có một không

Nếu muốn lấy một bỏ một

Mãi cùng chân lý sai trật.

Như lại yêu Thánh ghét phàm

Trong biển sanh tử chìm nổi

Phiền não nhân tâm mà có

Không tâm phiền não có đâu?

Chẳng nhọc phân biệt nắm tướng

Tự nhiên phút chốc đắc đạo

Lúc mộng trong mộng tạo tác

Tỉnh rồi biết cảnh đều không.

Nghĩ suy lúc tỉnh cùng mộng

Điên đảo nhị kiến không hai

Cải mê nắm giác cầu lợi

Giống như kẻ buôn bán thôi.

Động tĩnh cùng bặt, thường tịch

Tự nhiên khế hợp chân như

Nếu nói chúng sanh khác Phật

Vời vợi cùng Phật cách xa

Phật cùng chúng sanh bất nhị

Tự nhiên cứu cánh vô dư.

(Cảnh Đức truyền đăng lục, quyển 29, Lý Việt Dũng dịch, NXB.Hồng Đức, 2013, tập 3, tr.652-653)

Ghi nhận:

14 câu đầu của bài tán trên, tức từ câu “Vọng thân lâm kính chiếu hình” đến câu “Tự nhiên đắc đạo tu du”, Nguyễn Lang, trong sách Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 2, phần viết về “Tư Tưởng Thiền của Thiền sư Hương Hải (1628-1715)” đã nêu dẫn, cho là của Thiền sư Hương Hải, để bàn về nguyên tắc “Không trốn chạy sự vật và không bỏ phàm theo Thánh, không bỏ mê theo ngộ”. 14 câu được tác giả sách Việt Nam Phật giáo sử luận II nêu dẫn là:

Vọng thân lâm kính chiếu ảnh

Ảnh dữ vọng thân bất thù

Đãn dục khứ ảnh lưu vọng

Bất tri thân tự bản (đồng) hư

Thân bản dữ ảnh bất dị

Bất đắc nhất hữu nhất vô

Nhược dục tồn nhất xả nhất

Vĩnh dữ chân lý tương sơ

Cánh nhược ái Thánh tắng phàm

Sanh tử hải lý trầm phù

Phiền não nhân tâm cố hữu

Vô tâm phiền não hà cư?

Bất lao phân biệt thủ tướng

Tự nhiên đắc đạo tu du.

(Xem: Việt Nam Phật giáo sử luận tập 2, bản in 1992, tr.170-172)

Tài liệu về Thiền sư Hương Hải (thơ, kệ…) phần lớn được lấy từ chương Thiền dật trong sách Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn (1726-1784). Nhưng theo học giả Lê Mạnh Thát thì “Trong số 40 bài thơ do Lê Quý Đôn chép lại trong Kiến văn tiểu lục, nói là của Thiền sư Hương Hải, có đến 32 bài là của các tác giả Trung Quốc đời Tống mà ta có thể tìm lại trong các sách Trung Quốc hiện còn (Theo ghi chú của Nguyễn Huệ Chi, trong Việt Nam Phật giáo sử luận tập 2, sđd, tr.166). Như vậy, 14 câu thơ trên (Có thể là cả toàn bài) không phải là của Thiền sư Hương Hải (1628-1715) thuộc Lịch sử Phật giáo Việt Nam hậu bán thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII, mà là của Hòa thượng Chí Công (418-514) thuộc Phật giáo Trung Quốc đời Lưu Tống (420-478), đời Lương (502-557).

2- Bài Tụng Mê Ngộ Bất nhị (Bài thứ 14):

Mê thời dĩ không vi sắc

Ngộ tắc dĩ sắc vi không

Mê ngộ bản vô sai biệt

Sắc không cứu cánh hoàn đồng

Ngu nhân hoán Nam tác Bắc

Trí giả đạt vô Tây Đông

Dục mịch Như Lai diệu lý

Thường tại nhất niệm chi trung

Dương diệm bản phi kỳ thủy

Hát lộc cuồng sấn thông thông

Tự thân hư giả bất thật

Tương không cánh dục mịch không

Thế nhân mê đảo chí thậm

Như khuyển phệ lôi công công.

Dịch:

Mê ngộ không hai

Lúc mê cho không là sắc

Ngộ thì rõ sắc là không

Mê ngộ vốn chẳng sai khác

Sắc không rốt ráo là đồng

Kẻ ngu gọi Nam là Bắc

Người trí đạt không Tây Đông

Muốn tìm diệu lý Như Lai

Thường tại bên trong một niệm

Dợn nắng vốn không phải nước

Nai khát chạy tràn lung tung

Tự thân hư giả chẳng thật

Đem không để lại tìm không

Người đời mê muội quá đỗi

Như chó sủa sấm gâu gâu!

(Lý Việt Dũng dịch, Sđd, tr.688-689)

Ghi nhận:

14 thứ pháp bất nhị mà tác giả nêu tụng (14 bài) là:

- Bồ-đề - Phiền não bất nhị.

- Trí – phàm bất nhị.

- Phật dữ chúng sanh bất nhị.

- Sự lý bất nhị.

- Tịnh loạn bất nhị.

- Thiện ác bất nhị.

- Sắc không bất nhị.

- Sanh Tử bất nhị.

- Đoạn trừ bất nhị.

- Chân tục bất nhị.

- Giải (cởi) phược (buộc) bất nhị.

- Cảnh – chiếu bất nhị.

- Vận dụng vô ngại.

- Mê ngộ bất nhị.

Đề tài Bất nhị ở đây đã được Tuệ Trung Thượng Sĩ (1230-1291) ở Việt Nam vận dụng, như các bài thi tụng Phàm Thánh bất nhị, Mê ngộ bất dị. Riêng bài Mê ngộ bất dị thì chịu ảnh hưởng bài tụng Mê Ngộ bất nhị nêu trên (xem phần thi tụng của Tuệ Trung Thượng Sĩ trong sách Tuệ Trung Thượng sĩ ngữ lục, Lý Việt Dũng dịch giải, NXB.Mũi Cà Mau, 2003, tr.317-330).

B- Hai bài thơ của Thiền sư Đồng An Thường Sát (đời Đường)

* Chưa tra cứu được tiểu sử cùng hành trạng của Thiền sư Đồng An Thường Sát, chỉ biết Thiền sư là người đời Đường, tác giả sách Thập huyền đàm, được bảo lưu ở Cảnh Đức truyền đăng lục (quyển 29) Liễu đăng hội yếu quyển 30 (Phật Quang ĐTĐ, tr.417C, 5764A).

* 2 Bài Thơ:

1- Trần dị (bài số 4 trong số 10 bài của tập Thập huyền đàm)

Trọc giả tự trọc thanh giả thanh

Bồ-đề phiền não đẳng không bình

Thùy ngôn biện bích vô nhân tý

Ngã đạo ly châu đáo xứ tinh

Vạn pháp mẫn thời toàn thể hiện

Tam thừa phân xứ giả an danh

Trượng phu tự hữu xung thiên chí

Mạc hướng Như Lai hành xứ hành.

Dịch:

Trần dị

Kẻ đục tự đục trong tự trong

Bồ-đề phiền não như nhau chăng

Ai bảo ngọc hòa không người gọt

Ta nói châu ly luôn long lanh

Muôn vật bặt rồi toàn thể hiện

Ba thừa phân xứ giả an danh

Trượng phu tự có xung thiên chí

Chớ giẫm Như Lai dấu bước hành.

(Lý Việt Dũng dịch, Sđd, tr.729)

Ghi nhận:

-                Phật Quang ĐTĐ (tr.5764A) đã giải thích về nhan đề Trần dị của bài thơ như sau: Là nhằm giải thích làm rõ về người người vốn có đủ Phật Tâm Ấn, nên tuy đi vào trong trần tục nhưng đều không bị trở ngại, đều thản nhiên, bình đẳng. Do Phật Tâm Ấn vốn khác với (dị) bụi bặm của thế gian, nên xứng là Trần dị.

-                Hai câu cuối ở bài thơ trên (Trượng phu tự hữu xung thiên chí, Mạc hướng Như Lai hành xứ hành) của Thiền sư Đồng An Thường Sát (Đời Đường) có thể đã là xuất xứ của 2 câu kệ sau nơi bài kệ Thị tịch nổi tiếng của Thiền sư Quảng Nghiêm (1122-1190) đời Lý, Việt Nam:

Ly tịch phương ngôn tịch diệt khứ

Sinh vô sinh hậu thuyết vô sinh

Nam nhi tự hữu xung thiên chí

Hưu hướng Như Lai hành xứ hành.

(Theo Thơ Văn Lý-Trần I, 1977, tr.521)

Nói rõ hơn: Tức Thiền sư Quảng Nghiêm (thế kỷ XII TL) có thể đã tham khảo từ 2 câu thơ cuối nơi bài thơ Trần dị của Thiền sư Đồng An Thường Sát, đời Đường, Trung Quốc, để viết thành 2 câu sau trong bài kệ Thị tịch của mình. Nên biết Trần dị là một trong số 10 bài thi tụng nơi tập Thập huyền đàm của Thiền sư Đồng An Thường Sát đã được bảo lưu nơi sách Cảnh Đức truyền đăng lục (quyển 29). Như thế thì tư tưởng: Chớ giẫm Như Lai dấu bước hành” (Hàm nghĩa là phải tự mình thắp đuốc lên mà đi, không giẫm theo dấu chân của người đi trước) đã được giới Thiền sư Trung Hoa nêu ra từ thế kỷ VIII, IX TL. Và Thiền sư Quảng Nghiêm (thế kỷ XII TL) của Việt Nam đã phỏng theo đấy để viết thành 2 câu sau nơi bài kệ Thị tịch, nhằm bày tỏ quan điểm của mình về vấn đề tu tập, ngộ đạo.

Bài kệ Thị tịch của Thiền sư Quảng Nghiêm với 2 câu sau như thế, một thời đã bị một số nhà nghiên cứu (ở Việt Nam) lãnh hội không đúng, đã gán cho Thiền sư tư tưởng: “Chống đối Như Lai, không đi theo đường đi của Phật!”. Chúng tôi đã nêu thuật đầy đủ cùng góp phần biện chính trong bài viết “Góp phần bảo vệ và phát huy di sản văn hóa thời Lý”. Tham luận tham dự hội thảo Phật giáo thời Lý với 1.000 năm Thăng Long Hà Nội. In trong kỷ yếu Hội thảo khoa học Phật giáo thời Lý với 1.000 năm Thăng Long Hà Nội. 29-7-2010. Tr.471-496.

Ở trên chúng tôi viết “Có thể đã là xuất xứ…”, “Có thể đã tham khảo…” là có lý do. Tức theo nhà nghiên cứu Lý Việt Dũng thì nơi tác phẩm Ngũ đăng hội nguyên, quyển thứ 12 đã chép: Thiền sư Khả Chân (?-1064) đời Triệu Tống, có lần thượng đường nói pháp xong, thì đưa cây gậy lên, bảo: (lược)… Rồi hét lên một tiếng nói: Kẻ Đại trượng phu tự có chí hướng xung thiên, không nên bước theo con đường Như Lai đã bước”. (Thượng đường thuyết trược, toại niêm trụ trượng viết… Nãi hát nhất hát viết: Trượng phu tự hữu xung thiên chí, Mạc hướng Như Lai hành xứ hành.” (Xem: Tuệ Trung Thượng sĩ ngữ lục dịch giải, NXB.Mũi Cà Mau, 2003, tr.460-461).

Như vậy, cũng có thể Thiền sư Quảng Nghiêm đã tham khảo từ sách Ngũ đăng hội nguyên (do Thiền sư Phổ Tế đời Nam Tống biên soạn) để có được 2 câu sau nơi bài kệ Thị tịch của mình.

2- Chánh vị tiền (bài 8 trong số 10 bài của Tập thập huyền đàm)

Khô mộc nham tiền sai lộ đa

Hành nhân đáo thử tận tha đà

Lộ tư lập tuyết phi đồng sắc

Minh nguyệt lô hoa bất tự tha.

Liễu liễu, liễu thời vô sở liễu

Huyền huyền, huyền xứ diệc tu ha

Ân cần vi xướng huyền trung khúc

Không lý thiềm quang toát đắc ma.

Dịch:

Trước núi cây khô đường sai đa

Người tìm đến đó trọn tha đà

Cò đi trên tuyết không cùng sắc

Trăng sáng hoa lau thật khác xa.

Hiểu hiểu, hiểu rồi thành chẳng hiểu

Huyền huyền, huyền ấy phải bị la

Ân cần xướng rõ huyền trung khúc

Trăng tỏ trên không chộp được a?

(Lý Việt Dũng dịch, Sđd, tr.733)

Ghi nhận:

Bài thi tụng này, Lê Quý Đôn (1726-1784) trong sách Kiến văn tiểu lục (chương Thiền dật) đã chép cho là của Thiền sư Hương Hải (1628-1715), nhưng Nguyễn Lang trong Việt Nam Phật giáo sử luận II (Sđd, tr.165) đã cho không phải của Thiền sư Hương Hải, mà là của “Thiền sư Thanh Nguyên Hành Tư (660-740), Trung Hoa, đó là một trong 10 bài Thập huyền luận, gọi là Chánh vị tiên”.

Như sách Cảnh Đức truyền đăng lục đã ghi chép, bài thơ Chánh vị tiền nêu trên là bài thứ 8 trong số 10 bài nơi tập Thập huyền đàm (chứ không phải là Thập huyền luận) của Thiền sư Đồng An Thường Sát, chứ không phải của Thiền sư Thanh Nguyên Hành Tư, như Nguyễn Lang đã ghi.

Đ.N

(1)               Xem: Cảnh Đức truyền đăng lục, Lý Việt Dũng dịch, NXB.Hồng Đức, 2013, trọn bộ 3 tập.

(2)               Về hành trạng thuộc loại kỳ dị của Hòa thượng Chí Công (418-514), có thể xem: Phật Tổ đạo ảnh, Hòa thượng Hư Vân tăng đính, Cư sĩ Nguyên Huệ Việt dịch, NXB.Phương Đông, 2011, tr.592-595.

Chia sẻ: facebooktwittergoogle
Các bài viết khác