Một vài di tích Phật giáo tại Pakistan

mot vai

Nguyễn Đăng

 

Pakistan ngày nay là một quốc gia với hầu hết dân chúng theo Hồi giáo (chiếm khoảng 95-98% dân số). Số ít còn lại theo Ấn Độ giáo và Thiên Chúa giáo. Phật giáo hầu như vắng mặt ở quốc gia này. Tuy nhiên trước đây Phật giáo đã có thời rất hưng thịnh ở vùng đất này. Phật giáo được truyền bá đến những vùng đất ngày nay thuộc Pakistan dưới thời vua Ashoka; và cũng từng có những trung tâm Phật học lớn ở đây, chẳng hạn như tại Taxila. Hơn một ngàn năm, Taxila là một trung tâm học thuật lớn với nghệ thuật điêu khắc nỗi tiếng Gandhara, kiến trúc và giáo dục. Taxila cũng từng là một trung tâm Phật học lớn trong thời kỳ Phật giáo hưng thịnh ở vùng đất này.

Ngày nay Phật giáo không còn hiện diện ở Taxila, có chăng chỉ là những dấu tích xa xưa liên quan đến Phật giáo còn lại được khai quật ở tại địa danh này. Thành phố Taxila ngày nay cách Islamabad khoảng 35 km. Hầu hết những địa điểm khảo cổ tại Taxila nằm xung quanh Bảo tàng Taxila. Có hơn 50 địa điểm khảo cổ nằm rải rác trong bán kính 30 km quanh khu vực Taxila. Một trong số những địa điểm quan trọng là: Tháp Dhamarajika, Bhir Mound, Sirkap, đền Jandial, chùa Jaulian, và tháp Mankiala.

Tháp Dhamarajika

Tháp Dhamarajika (hay còn được gọi là Chir Tope) là một ngôi tháp lớn ở Taxila. Tên gọi Dhamarajika xuất phát từ từ Dharmaraja, có nghĩa là Pháp vương, danh xưng chỉ cho Đức Phật. Ngôi tháp này được cho là được xây dựng dưới thời vua Ashoka để thờ xá-lợi Đức Phật. Khu vực này bao gồm hai phần: ngôi tháp ở phía Nam và ngôi chùa ở phía Bắc. Tháp Dhamarajika được cho là bị thiệt hại nặng trong một trận động đất xảy ra vào năm 40 TL. Nhưng sau đó nó được những vị vua Khushana tái thiết lại. Ngôi tháp này hiện tại cao 15 mét với đường kính lên đến 50 mét. Xung quanh ngôi tháp chính là nền móng những ngôi tháp nhỏ hơn và những tịnh xá.

Những kiến trúc xây dựng khác nhau xung quanh ngôi tháp cho thấy rằng quần thể này được xây dựng và phát triển qua những thời kỳ khác nhau. Khi khai quật, những nhà khảo cổ phát hiện một bản khắc chữ tiếng Kharoshti và một chiếc hộp nhỏ bằng vàng có chứa một ít xá-lợi, và được cho là xá-lợi Đức Phật. Những khai quật cũng phát hiện những tiền đồng thuộc triều vua Zoilos II, một vị vua Ấn-Hy trị vì từ năm 55–35 tr.TL. Hầu hết những công trình điêu khắc ở đây đều bị hư hỏng nặng.

Tu viện Jaulian

 Jaulian là một tu viện Phật giáo cổ tại huyện Haripur, tỉnh Khyber Pakhtunkhwa. Địa danh này cũng gần với Taxila. Những di tích khai quật được tại đây có niên đại vào thế kỷ V. Cũng như Dhammarajika, Jaulian được phần làm hai khu: khu vực ngôi tháp chính và khu vực tu viện và trường học. Ngôi tháp chính tại Jaulian bị hư hỏng nặng. Một bức tượng Phật được phát hiện tại đây, và chữ viết bên dưới bức tượng cho biết rằng nó được một vị tu sĩ hiến cúng.

Tu viện cũng chỉ còn lại nền móng. Những khai quật cho thấy rằng tu viện này vốn có một tầng trệt và một tầng lầu, và một tầng như vậy gồm có 28 phòng. Những cầu thang bằng đá dẫn lên tầng trên của ngôi tu viện hiện vẫn còn. Ngôi tu viện này được cho là bị những người Hun thiêu đốt vào năm 455 TL.

 Tháp Mankiala

 Tháp Mankiala tọa lạc tại một ngôi làng có tên là Mankiala ở cao nguyên Pothohar, cách Islamabad khoảng 35 km. Nó được xây vào thời kỳ Gandhara. Theo thư viện Anh (British Library), ngôi tháp này được xây dựng dưới thời vua Kanishka (128-151 AD). Tuy nhiên một số sử gia cho rằng ngôi tháp này được xây dưới thời vua Ashoka để thờ xá-lợi Đức Phật.

Theo truyền thuyết, vị trí xây dựng ngôi tháp là nơi Đức Phật (theo chuyện tiền thân) trong một tiền kiếp đã bố thí thân mạng cho bảy con cọp con đang đói. Như vậy ngôi tháp được xây dựng để tưởng nhớ sự kiện này. Ngôi tháp này bị lãng quên một thời gian dài và sau đó được một người Anh có tên là  Mountstuart Elphinstone phát hiện khi vị này trên đường đến Afghanistan vào năm 1908. Vị này cũng viết một ký sự chi tiết về chuyến hành trình của mình và trong đó có đề cập đến tháp Mankiala. Vào năm 1830, Jean-Baptiste Ventura phát hiện một hộp chứa xá-lợi ở đây. Xá-lợi này hiện được lưu giữ tại Viện bảo tàng Anh (British Museum). Theo chữ viết trên đá tại địa điểm này, ngôi tháp này sau đó được những người Anh phục hồi vào năm 1891. Tháp Maniala hiện bị hư hỏng nặng do thiếu sự chăm sóc và không được bảo quản tốt.

Thung lũng Swat

 Swat là một thung lũng và là một huyện thuốc tỉnh Khyber Pakhtunkhwa. Trong quá khứ, cùng với Taxila và Charsadda, Swat là một trung tâm văn hóa, học thuật và thương mại. Thung lũng Swat từng là cái nôi của Phật giáo, nơi các trường phái lớn của Phật giáo từng hiện diện; và nơi đây vào thời kỳ Phật giáo hưng thịnh nhất đã có đến 1.400 ngôi tháp và tịnh xá hiện hữu, và có đến 6.000 bức tượng Phật bằng vàng. Ngài Huyền Trang và Pháp Hiển trong ký sự của mình cũng có đề cập đến địa danh này. Đây cũng là quê hương của trường phái điêu khắc Phật giáo Ghandhara. Rất nhiều những nền tháp, tự viện và tượng Phật được tìm thấy tại Swat. Hiện có hơn 400 di tích Phật giáo hiện diện ở thung lũng Swat. Trong số này tháp Butkarha-I được xem là di tích quan trọng nhất, nơi lưu giữ xá-lợi của Đức Phật.

Quần thể Takht-i-Bhai

 Takht-i-Bhai (còn được gọi là Takht Bahi) là một di tích Phật giáo nỗi tiếng ở Pakistan. Đây là một quần thể chùa tháp tọa lạc trên một ngọn núi đá cách Mardan (thành phố thuộc huyện Mardan, tỉnh Khyber-Pakhtunkhwa) khoảng 10 dặm. Quần thể này bao gồm tháp, điện thờ và tịnh xá với những phòng ở dành cho chư Tăng. Đây được xem là một công trình Phật giáo với kiến trúc độc đáo và quy mô, mà những gì còn lại phần nào cho thấy được điều đó. Những tượng Phật và Bồ-tát được tìm thấy ở đây mang phong cách nghệ thuật Gandhara. Những bức tượng này ngày nay được lưu trữ tại những viện bảo tàng khác nhau ở châu Âu. Những nhà khảo cổ học đã chia sự hình thành và phát triển của quần thể này ra làm bốn thời kỳ. Thời kỳ hình thành bắt đầu từ thế kỷ thứ I TL và kéo dài cho đến thế kỷ thứ II TL. Thời kỳ thứ hai kéo dài từ thế kỷ thứ III đến thể kỷ IV TL. Thời kỳ thứ ba là từ thế kỷ IV đến thế kỷ V. Thời ký cuối là từ thế kỷ VI đến thế kỷ VII. Takht-i-Bhai được UNESCO công nhận là Di sản thế giới vào năm 1980.

Chia sẻ: facebooktwittergoogle
Các bài viết khác