Tiễn nhà sư Việt Nam trong một bài thơ Đường

tien nha su

Hồ Sĩ Hiệp

 

Trung Quốc thời nhà Đường (618-907) kinh tế xã hội phát triển nên việc giao lưu văn hóa với nước ngoài được mở rộng. Theo Con đường tơ lụa, văn hóa Trung Quốc được tiếp thu tinh hoa của phương Tây và ngược lại. Các tôn giáo lớn như Nho – Phật – Đạo có điều kiện hưng thịnh chưa từng có. Mặc dù không phải là nơi phát sinh nhưng Trung Quốc thời bấy giờ là cái nôi của Phật giáo phương Đông và Tây vực. Thiền viện, chùa chiền mọc lên khắp nơi, Tăng Ni Phật tử đông đảo, kinh tế phong phú nên thu hút nhiều Phật tử ở các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, trong đó có một số Tăng nhân Việt Nam đến thụ giáo Phật giáo tại nhà Đường. Các nhà thơ đời Đường đều có những mối thiện cảm chân thành với Tăng nhân các nước lân bang khi họ trở về nước. Với thể thơ tống biệt, các nhà thơ đời Đường đã sáng tác những thi phẩm để tiễn đưa bằng hữu, Tăng nhân mà người đời gọi là thơ tống tiễn – một thể loại thơ độc đáo chiếm tỷ lệ khá lớn trong toàn bộ Đường thi. Ở thể loại thơ này, đáng chú ý là những bài: “Tống Nhật Bản Tăng kính long quy” của Vi Trang (836? - 910), “Tống bí thư Triều giám hoàn Nhật Bản tịnh tự” của  Vương Duy (710? - 761)”, “Tống Tăng quy Nhật Bản” của Tiền Khởi (720? – 782?). Thời bấy giờ, các Tăng nhân Nhật Bản, Hàn Quốc đến Trung Quốc học đạo khá đông, trong khi các Tăng nhân ở các nước Đông Nam Á đến học đạo ở Trung Quốc rất ít, nên chúng ta cũng ít thấy những bài thơ đề cập đến Tăng nhân ở các nước Đông Nam Á. May mắn khi đọc lại thơ Đường chúng tôi thấy có bài thơ nhan đề “Tống Phụng Đình pháp sư quy An Nam” của nhà thơ Dương Cự Nguyên (? - ?).

Dương Cự Nguyên sinh và mất năm nào không rõ? Chỉ biết ông là nhà thơ thời Trung Đường. Ông tự Cảnh Sơn, người huyện Bồ Đông, tỉnh Sơn Tây, thuộc miền Tây bắc của Trung Quốc ngày nay. Năm Trung Nguyên thứ 6 (tức năm 790) ông đỗ tiến sĩ rồi được bổ làm Ngu bộ viên ngoại lang, sau đó thăng lên chức Thái thường bác sĩ, rồi lại thăng tiếp lên Lễ bộ liên ngoại lang. Có lúc ông được đổi làm Thiếu doãn đất Hà Trung (thuộc huyện Phụng Tường – tỉnh Thiểm Tây), rồi lại vào làm chức Quốc tử tư nghiệp. Đến đời Thái Hòa năm 831 ông về ở ẩn và sáng tác thơ văn. Tác phẩm của ông để lại có “Cảnh Sơn thi tập” (thơ) và “Hồng tuyến truyền kỳ” (văn).

Dương Cự Nguyên có một số bài thơ họa, tặng và tiễn đưa bạn bè với lời lẽ bình dị, tình cảm chân thành được đời sau truyền tụng. Đó là họa lại bài thơ “Dương liễu” của Luyện Tú Tài, tặng tướng quân họ Trương, hay “Đưa Đạm công” về chùa Long Đàm ở núi; hay như bài thơ ông gửi thăm nhà thơ Bạch Cư Dị làm chức Tư Mã ở Giang Châu “Có bình yên không?”(Giang Châu Tư mã bình an phủ?). Điểm nổi bật trong thơ tiễn đưa của ông là rất thân tình, sâu sắc. Trong số thơ tống tiễn của Dương Cự Nguyên có một bài mà chúng tôi chú ý và rất đỗi ngạc nhiên, đó là bài ông làm để đưa tiễn một nhà sư của nước ta thời xưa từ cõi Giao Châu xa xôi (thời đó gọi là An Nam) lặn lội đến Trường An – kinh đô của nhà Đường để tu hành. Nhan đề bài thơ là “Tống Phụng Đình pháp sư An Nam” (Tiễn đưa pháp sư Phụng Đình trở về An Nam):

Nguyên văn bài thơ như sau:

Cố hương Nam Việt ngoại

Vạn lý bạch vân phong

Kinh luân từ thiên khứ

Hương hoa nhập hải phùng

Lộ đào thanh phạm triệt

Thân các hóa thành trường

Tâm đáo Trường An mạch

Giao Châu hậu dạ chung.

Dịch nghĩa:

Quê cũ xa xôi ở ngoài đất Nam Việt

Muôn dặm đường gió mây phủ trắng

Với tài kinh luân từ biệt triều đình ra đi

Hoa thơm trôi chảy ra gặp biển khơi

Tiếng cò, tiếng sóng sang sảng làm trong tiếng tụng kinh

Gác hiên hóa thành lũy trường thành

Tấm lòng nghĩ đến những con đường ở Trường An

Rồi sau đó nước Giao Châu đêm mới gióng chuông.

Hồ Sĩ Hiệp (dịch)

Đây là một bài thơ “tống biệt” thường thấy trong thơ Đường. Đặc điểm của loại thơ này là nói lên tình cảm lưu luyến, chia tay giữa người ra đi và người ở lại, có đầy đủ các yếu tố là không gian, thời gian, địa điểm và con người cụ thể. Hình tượng phổ biến trong thơ “Tống biệt” đời Đường là rượu nồng, ánh trăng, dòng sông, bến nước, con đò, buổi chiều tà và ban đêm khuya vắng v.v… Bài thơ của Dương Cự Nguyên là bài thơ ngũ ngôn bát cú. Nhân vật mà nhà thơ đưa tiễn là Pháp sư Phùng Đình, người Nam Việt. Chúng tôi không rõ Phùng Đình là ai. Nếu có qúy danh là Pháp sư Phùng Đình thì phải là nhà sư trước thời Lý – Trần? Còn địa danh Trường An, Nam Việt và Giao Châu thì rõ ràng. Hai chữ Nam Việt và Giao Châu xuất hiện trong thơ Đường là một điều hiếm thấy.

Bài thơ mở đầu bằng hai câu miêu tả Pháp sư Phùng Đình từ nước Nam Việt xa xôi không ngại đường xa vạn dặm, núi non hiểm trở, mây trôi gió nổi hãi hùng đến với kinh đô Trường An để thỉnh kinh. Những câu thơ tiếp theo nói lên tài năng và tấm lòng sùng đạo, thành tâm tu hành của pháp sư trong thời gian ở Trường An. Những con đường, gác hiên, tiếng cò, tiếng sóng, tiếng chuông chùa và thành lũy kiên cố ở thành Trường An sẽ in mãi sâu đậm không bao giờ quên đối với một nhà sư Nam Việt.

Hai câu cuối bài thơ nói lên tình cảm của pháp sư đối với Trường An nơi có những con đường thành quách và chùa tháp trang nghiêm khi mình đã về đến đất Giao Châu thì đêm đến nghe tiếng chuông chùa nơi cửa Phật. Ngôn từ bài thơ rất cổ điển và quen thuộc phổ biến trong thơ Đường như: cố hương, vạn lý, bạch vân hương hoa, hải phùng, dạ chung. Bài thơ không có danh nhân (tên người) nhưng người đọc thấy hiện lên hình ảnh của pháp sư Phùng Đình và tác giả.

Cùng là đề tài thơ tống biệt, chia tay đối với các Sư tăng các nước lân bang thời xưa đến nhà Đường nhưng các nhà thơ đời Đường đều có nhiều cách diễn tả khác nhau. Trong bài thơ “Tống Tăng quy Nhật Bản” (Tiễn nhà sư về Nhật Bản) nhà thơ Tiền Khởi (720 - 782) mở đầu là câu thơ tự hỏi rất tự nhiên đối với một nhà sư đến từ nước mặt trời mọc: “Thương quốc tùy diên trú, lai đổ nhược mộng hành?” (Ông vì cơ duyên mà đến ở Trung Quốc, con đường đến đây như đi trong mơ?). Còn trong thơ đời Thanh lưu truyền bài thơ nói về một nhà sư Hàn Quốc đến Trung Quốc và để lại cảm tình đặc biệt ở xứ này. Hai câu đầu của bài thơ như sau: “Vạn lý Ô Lâm hà xứ gia? Điều điều cô tịch nhập Trung Hoa.” (Ô Lâm xa vạn dặm nhà xứ nào? Xa xôi một mình đến Trung Hoa). Bài thơ của Dương Cự Nguyên tiễn nhà sư Việt Nam trở về và mở đầu bài thơ bằng hai câu thơ có ý là hoan nghênh và lòng tràn đầy cảm phục vì các vị Tăng khả kính đã mang đến sự giao lưu thân thiện đối với đất nước Trung Hoa.

Qua bài thơ “Tống Phụng Đình pháp sư quy An Nam” của Dương Cự Nguyên có thể coi là một bài thơ duy nhất có liên quan đến Việt Nam mà cụ thể là nói về một nhà sư nước ta thời xưa, từ buổi sớm lắm đã đặt chân đến nhà Đường để tầm sư học đạo. Một điều cũng rất đáng quý nữa là thời bấy giờ có nhà thơ Đường như Dương Cự Nguyên đã biết đến một nhà sư Việt Nam “với tài kinh luân từ biệt nhà vua ra đi” (kinh luân từ thiền khứ) đến nơi xa xôi học đạo rồi trở về với quê hương Giao Châu với tiếng chuông chùa ban đêm thân quen. Cũng như các nhà thơ Vương Duy, Tiền Khởi tỏ lòng quý mến các nhà sư Nhật Bản, tình cảm mà nhà thơ Dương Cự Nguyên dành cho nhà sư Phụng Đình của Việt Nam khi rời Trường An, về nước cũng rất chân thành.

Chia sẻ: facebooktwittergoogle
Các bài viết khác