Thiền tâm và thi tình qua thơ của Vương An Thạch gửi con gái

thien tam

Võ Phước Lộc

 

1. Sinh thời Vương An Thạch (tự Giới Phủ, 1021 – 1086) dành tình cảm hết sức sâu đậm cho em gái và trưởng nữ của mình. Lúc trẻ, vốn là “danh nho tài tuấn”, Vương có viết bài thơ “Thị Trường An quân” (1060) gửi cho em gái. Bà tên là Văn Thục được gả cho Công bộ thị lang Trương Khuê, phong thực ấp Trường An huyện quân. Mười năm cuối đời, An Thạch chuyên tâm nghiên cứu thiền học, sống một mình tại Giang Ninh. Trưởng nữ của Vương được gả cho Ngô An, phong Bồng Lai huyện quân; thương hoàn cảnh của cha đã làm bài thơ:

Tây phong hốt nhập tiểu song sa,

Thu khí ưng lân ngã ức gia.

Cực mục Giang Nam thiên lý hận,

Ỷ tiền hòa lệ khán hoàng hoa.(1)

Tạm dịch:

Gió Tây, tin vắng, màn the động,

Thu chớm, chau mày thương nhớ cha.

Hận lối Giang Nam mòn mỏi mắt,

Nương song nhòa lệ ngắm hoàng hoa.

An ủi con, Vương Giới Phủ họa nhiều bài thơ gửi đáp. Trong số ấy có:

Thứ Ngô thị nữ tử vận nhị thủ (kỳ nhị)

Thu đăng nhất điểm ánh lung sa,

Hảo độc Lăng nghiêm mạc ức gia.

Năng liễu chư duyên như mộng sự,

Thế gian duy hữu Diệu liên hoa.(2)

Tạm dịch:

Lại họa vần thơ con gái là vợ Ngô thị gửi

Bất lụn đèn thu dọi trúc mành,

Ham đọc Lăng nghiêm, nhớ cũng đành.

Mộng sự đa duyên siêng dứt hết,

Thế gian truyền mãi Diệu liên hoa.

Thi tứ hữu tình hoài. Thiền vị tận đắc “chân không diệu hữu”.

2. Khẩu khí bài thơ điềm đạm, có phần lạnh lùng; lời lẽ khúc chiết. Hai tầng nghĩa thuộc thiền tâm và thi tình thể nhập quyện nhau. Đằng sau đó là thông điệp ẩn dụ văn bản về nhịp sống sinh linh toàn giác. Nhà thiền làm thơ là do duyên cảnh gây hứng thú khai phóng nội tâm. Hoặc là nói lên nhằm xả bỏ những uẩn khúc còn vướng bận thân tâm; cái thường xảy ra do điều kiện nhân duyên huân tập bởi nhân thế vô thường. Hay là để tỏ ngộ niềm vui với chư duyên tác hữu.

Tầng nghĩa thứ nhất bài thơ xuất phát từ “thi tình duyên cảnh phát”. Trước tiên là nỗi nhớ của con gái đưa đến; ngẫu nhiên kết hợp với cảnh đêm gió thu heo hắt, dọi ánh đèn leo lét trên màn trúc lay như cuộn bóng thi nhân lại. Chỉ một nhịp thở dài của gió thu mà khởi niệm chư duyên: mê đọc Lăng nghiêm, thi hứng tuôn trào, tủi thân con gái niệm tình; chợt thấy đời mình thoáng bất lụn đèn tàn qua cửa sổ. Thi tình nảy sinh làm khởi niệm tâm không. Đại bi tâm khởi phát.

Tầng nghĩa thứ hai nằm ở chỗ “thi đáo hội thần”. Cõi dục không thiền và cõi thiền không dục thể nhập là một. Không nói tránh vòng vo, chẳng phân biệt tình cảm cha con, chủ khách.

- Ham đọc Lăng nghiêm, nhớ cũng đành,

Mộng sự đa duyên siêng dứt hết.

Vương tả sự tình đương diễn của bản thân (say mê đọc kinh, quên hết sự đời), song ta khó tách bạch nhà thơ trần tình với ai. Nhủ mình hay nhắn lời với con? Bởi lẽ thi tứ hội thần dồn nén tình cảm vào thiền ý: quán không xả bỏ. Khoảnh khắc “gió thu lay mành” làm đốn ngộ, đồng nhất nội tâm và ngoại cảnh. Hốt nhiên mà quá khứ phụ tử tình thâm hiện về, bất giác tự mình đang thấu cảm như chiếc bóng học kinh. Thấy suốt quá khứ – vị lai, mọi cảnh ngộ trần ai đều là thiền cảnh của Diệu pháp liên hoa. Nghiêm Vũ (Tống) cho trạng huống sáng tác như trên là cảnh giới “diệu ngộ” của “trực nhập thừa đương – thẳng nhập chỗ đương hành” vậy.

Câu kết dùng “duy hữu diệu Liên hoa” là có hàm ý chuyển hóa biểu tượng “niêm hoa vi tiếu” (Phật đưa nhành hoa lên, Đại Ca Diếp mỉm cười). Phiên bản “nhành hoa” của An Thạch, qua bài thơ là kinh Lăng nghiêm, Pháp hoa. Sức sống động của “thế gian duy hữu” làm chuyển nghĩa các hình tượng: bóng đèn tàn, màn trúc khua, toàn bài thơ và cả Vương lẫn Bồng Lai huyện quân… đều thành Diệu liên hoa tất. Thể nhập sinh linh toàn giác. Đạo – thân – ngữ – ý là một. Do thi tình mà niệm niệm sinh rồi bởi thiền tâm tương tùy mà niệm niệm diệt.

3. Giới Phủ là trụ cột của đại gia đình họ Vương. Thiếu thời, anh em, cha con tình cảm nồng ấm, sống đạm bạc. Trung niên, do giữ trọng trách của triều đình nên luôn xa cách. Thâm tình nhi nữ bởi thế mà trở thành bi ai oán trách. Năm 40 tuổi, trước khi đi sứ nước Liêu, Vương viết “Thị Trường An quân”, an ủi tình hoài biệt ly của em gái. Đại để, hoàn cảnh sáng tác giống với bài “Thứ Ngô thị nữ tử vận nhị thủ”. Song trường mỹ cảm giữa thơ Nho và thơ Thiền có khác biệt. Thơ Nho tả sự tình để ký thác tâm chí; diệu dụng bởi vận vị “ôn, nhu, đôn, hậu”:

Thảo thảo bôi bàn cung tiếu ngữ, 
Hôn hôn đăng hỏa thoại bình sinh. 
Tự lân hồ hải tam niên cách, 
Hựu tác trần sa vạn lý hành.(3)

Tạm dịch:

Đạm bạc vui chung, người chế giễu,

Dưới đèn lo nước, chợ đời khinh.

Dấn thân hồ hải, ba năm cách,

Vạn lý trần ai, lại biệt hành.

Có thể thấy, trường mỹ cảm của thơ Nho là: thi ngôn chí cao minh, dĩ tính tình nhã khiết. Cho nên mở đầu và kết thúc “Thị Trường An quân” lời lẽ tuy thống thiết thương cảm, song tinh thần kiêu hãnh thể hiện rõ một cái tôi tự nhiệm với muôn dân rõ ràng, dứt khoát. “Thị Trường An quân” nhủ em gái yêu giữ tình đạm bạc mà nuôi cốt cách, bền chí thanh cao. Cùng thi tình bi cảm khởi hứng, song lại đưa đến hội đắc thiền lạc viên dung. An Thạch làm bài thơ “Thứ Ngô thị nữ tử vận nhị thủ” khai thị cho con phá chấp khởi niệm tình cảm thế gian vô thường mà hòa nhập vào nhịp sống đại bi tâm. Nếu không chú ý đến trường mỹ cảm về sự không tịch của thơ thiền, ta khó nắm bắt ý nghĩa cốt lõi cùng cái đẹp của thi phẩm.

Vương An Thạch là hiện tượng đặc biệt về loại hình tác gia thời trung đại; sành cả thơ Nho và thơ Thiền, có ý thức phân biệt rành mạch về trường mỹ cảm.

4. Chủ trương đánh Đại Việt thất bại, lần thứ hai An Thạch bị cách chức tể tướng. Về chính trị, người khen chê Vương đều đạt đến cực điểm. Về văn chương, An Thạch là một trong “Đường – Tống bát đại văn gia”, ngang danh với thầy học (Âu Dương Tu), đồng liêu và là đối thủ chính trị (Tô Thức), bạn thân (Tăng Củng). Mặt tư chất học thuật, đạo đức, thơ thiền mọi người đều nhất trí đánh giá cao, xem như mẫu mực.

Thấu cảm hoàn cảnh cha con, nghe thơ Vương khuyên trưởng nữ “duy tuệ thị nghiệp – giữ trí tuệ làm sự nghiệp”, bất giác ta nghĩ đến thơ Lý Nghĩa Sơn (Thương Ẩn) có câu:

- Lưu đắc khô hà thính vũ thinh (4)

Giữ cánh sen tàn nghe tiếng mưa.

Đêm ở Đình họ Lạc nhớ Thôi Ung – Thôi Cổn.

Mỹ Tho, 01.05.2014

Chú thích:

(1). (2). Từ Văn Minh, Vương An Thạch dữ Phật thiền, Hà Nam Nhân Dân xuất bản xã.

(3) Vương An Thạch thi tuyển, Tống thi giám thưởng từ điển, Thượng Hải từ thư xuất bản xã, 1995.

(4). Lê Quang Trường, Lý Thương Ẩn, Lan trong rừng vắng, NXB. Văn Nghệ, Tp. Hồ Chí Minh, 2009.

 

 

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle
Các bài viết khác